Vụ lộn xộn với du khách Trung Quốc ở Thụy Điển nói gì về tương lai của quan hệ giữa châu Âu – Trung Quốc

Björn Jerdén & Viking Bohman | DCVOnline

Phản ứng mạnh của tòa đại sứ Trung Quốc khi công dân của họ bị cảnh sát đuổi ra khỏi một khách sạn ở Thụy Điển cho thấy nhiều cọ sát có thể đang diễn ra giữa cường quốc toàn cầu mới và châu Âu.

Một người Trung Quốc ngồi ăn vạ sau khi gia đình bà ta bị cảnh sát đuổi khỏi một khách sạn Thụy Điển ngay sau nửa đêm ngày 2 tháng 9. Nguồn: Handout

Một sự kiện tưởng chừng như vô hại giữa những khách du lịch Trung Quốc và cảnh sát địa phương ở Stockholm đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Tòa Đại sứ Trung Quốc nói rằng cảnh sát Thụy Điển đã “đàn áp tàn bạo” và “gây nguy hiểm cực kỳ đến sinh mệnh” của một gia đình du khách và muốn được xin lỗi. Giới hữu trách tư pháp Thụy Điển đã bỏ vụ án và, cho đến nay, không có lời xin lỗi nào.

Phản ứng mạnh của Trung Quốc đáng ngạc nhiên nhưng không phải là một sự kiện đơn độc. Đó là phần tiếp diễn của cuộc tuyên truyền tấn công chưa từng thấy, đã mở màn từ khi đại sứ Trung Quốc mới tại Thụy Điển, Gui Congyou, nhậm chức hồi năm ngoái.

Gui, một người giàu kinh nghiệm ở Nga, dường như đã coi việc cải thiện, hoặc “chỉnh sửa”, cuộc tranh luận về Trung Quốc ở Thụy Điển là nhiệm vụ của mình. Kể từ mùa xuân năm nay, những tuyên bố đầy trên trang web của tòa đại sứ Trung Quốc đã lên án những quan điểm của Thụy Điển là “thiên vị”, “vô căn cứ” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Các bài bình luận của Thụy Điển về mọi thứ từ Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường, cách TQ đối xử với người Tây Tạng đến việc TQ bỏ tù công dân Thụy Điển Gui Minhai đã được tòa đại sứ Trung Quốc miêu tả là sản phẩm của một sự hiểu lầm sự thật hoặc có “nghị trình bí mật” của Thụy Điển.

Là quốc gia không Cộng sản đầu tiên ở châu Âu lập quan hệ với Trung Quốc vào năm 1950, Thụy Điển thường có mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Kết quả là, quan điểm của người Thụy Điển về Trung Quốc cũng khá thuận lợi, ngay cả khi hệ thống chính trị phi dân chủ của Trung Quốc chưa bao giờ được coi trọng.

Không có gì ngạc nhiên, việc Đảng Cộng sản là nguồn duy nhất của sự thật về Trung Quốc đã không ăn khách ở Thụy Điển

Nhưng mọi thứ có thể thay đổi. Bất chấp những nỗ lực liên tục của Tòa Đại sứ Trung Quốc, những lời chỉ trích của Thụy Điển vẫn tiếp tục và thậm chí còn đang tăng như kết quả của những nỗ lực của TQ nhằm o ép và định hình ý kiến công chúng. Các lý luận bất thường của Tòa Đại sứ với sự đe dọa ngầm chắc chắn đã khiến người đọc và khán thính giả của giới truyền thông Thụy Điển coi là hơi quái đản.

Tòa đại sứ Trung Quốc đã nhấn mạnh công chúng cần có một cái nhìn “khách quan” về Trung Quốc, không bị thiên vị và bị ảnh hưởng của “bạo quyền truyền thông” của một số người Thụy Điển.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ý tưởng cho rằng Đảng Cộng sản là nguồn duy nhất của sự thật về Trung Quốc đã không đắt khách ở Thụy Điển.

Qua những phương tiện không gây tranh cãi, trong vài chục năm gần đây, Thụy Điển đã khá tích cực trong việc thúc đẩy nhân quyền và luật pháp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, như hầu hết các nước châu Âu, Thụy Điển cũng đã tìm cách tránh nói ra về các vấn đề có thể gây ra sự tức giận ở Bắc Kinh. Việc đương kim thủ tướng Thuy Điển không coi Trung Quốc như một “chế độ độc tài” phản ảnh ý muốn tránh sự để ý.

Gui Congyou, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, muốn thay đổi cuộc đối thoại ở Trung Quốc. Nguồn: Đại sứ quán Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Thụy Điển

Trong khi định hướng chính sách tổng thể của chính phủ có thể sẽ không thay đổi, thì người ta ngày càng nghi ngờ rằng Thụy Điển khó có thể duy trì cách giao tế mềm mỏng khi hoạt động của Trung Quốc ở Thụy Điển tiếp tục thúc đẩy phản ứng và lời kêu gọi trả tự do cho Gui Minhai tại đây ngày càng mạnh hơn.

Không phải tất cả nỗ lực của Trung Quốc nhằm ảnh hưởng đến các sự kiện đều rõ ràng và dễ hiểu. Một vài tuần trước khi cuộc cãi vã hôm cuối tuần đã trở thành vấn đề chính trị, Tòa đại sứ Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nói rằng một số người Thụy Điển đã đưa ra những tuyên bố không chính đáng cho rằng ‘Trung Quốc có thể đã can thiệp vào cuộc bầu cử Thụy Điển’. Cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 và thành phần nghị viện mới khiến người ta không rõ khi nào một chính phủ mới có thể nhậm chức.

Phần khó hiểu: không có dấu vết nào về một cuộc thảo luận ở Thụy Điển về khả năng Trung Quốc đã can thiệp của trong cuộc bầu cử – không phải trong giới truyền thông, không phải trong giới chính trị, thậm chí không ở trong giới an ninh quốc gia. Sự không bắt khai mà chối của Tòa Đại sứ Trung Quốc đã khiến giới quan sát bối rối.

Gui Minhai, công dân Thụy Điển và là người bán sách ở Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, gặp một số thành viên trong giới truyền thông tại một trung tâm giam giữ ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, vào ngày 9 tháng Hai. Nguồn: Simon Song

Số phận của Gui Minhai tiếp tục là điểm bất đồng chính giữa hai nước. Gui có liên hệ với một hiệu sách ở Hồng Kông đã xuất bản những quyền sách về những người lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Năm 2015, ông đã biến mất một cách bí ẩn từ nhà nghỉ mát của ông ở Thái Lan, chỉ xuất hiện trở lại trên truyền hình chính phủ Trung Quốc khi phát biểu dường như là đang bị cưỡng bức thú nhận.

Sau đó Gui được thả ra, và lại bị bắt giam vào tháng Hai năm nay. Lần này, ông bị bắt cóc trên một chuyến xe lửa đi Bắc Kinh ngay trước mặt những nhân viên ngoại giao Thụy Điển đi cùng. Trung Quốc tiếp tục lên án lời yêu cầu công khai của Thụy Điển đòi trả tự do Gui là sự can thiệp vào luật pháp của Trung Quốc.

Vụ này sẽ được giới truyền thông đặc biệt để ý đến vào cuối tháng này tại hội chợ sách lớn nhất của Thụy Điển mà Gui đã được mời tham dự.

Người ta đoán rằng Trung Quốc có thể đã khai thác vụ lộn xộn của du khách ở Stockholm để đánh lạc sự chú ý của quần chúng, không nhìn tới hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Tòa Đại sứ TQ đã mạnh dạn cáo buộc Thụy Điển vi phạm “quyền cơ bản của con người” của những công dân Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (phải) nói chuyện với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, vào ngày 7 tháng Tư Nguồn ảnh: EPA

Một bài học về ngoại giao

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chèn ép một quốc gia nhỏ ở châu Âu. Ngay từ năm 1989 – và bất chấp đang bị phương Tây trừng phạt sau vụ thảm sát Thiên An Môn – Bắc Kinh đã tấn công Na Uy khi Ủy ban Nobel của quốc gia này trao giải Hòa bình cho Dalai Lama. Còn rất nhiều ví dụ khác kể từ đó.

Điều thay đổi trong những năm gần đây là giá kinh tế và chính trị để phẩn đối Trung Quốc đã cao hơn xưa. Thông thường, điều này sẽ khiến các nước châu Âu do dự hơn khi chỉ trích Trung Quốc.


Du khách TQ kêu cứu ở Stockholm. Nguồn: YouTube

Nhưng khi điều đó xảy ra, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trùng với một sự biến đổi quan trọng trong nhận thức và chính sách của châu Âu về Trung Quốc

Kết hợp lại, hai khuynh hướng này đưa đến một số bất ổn. Cọ sát là điều trước mắt khi một nước Trung Quốc chủ động và độc tài hơn đối đầu với các nước châu Âu đang bực mình. Việc Trung Quốc giải quyết “vấn đề Thụy Điển” có thể cho chúng ta biết rất nhiều về những gì sẽ xảy ra trong quan hệ châu Âu – Trung Quốc.

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: What Chinese tourist row in Sweden says about the future of Europe-China relations | Björn Jerdén & Viking Bohman | scmp.com| September 21, 2018.
Về tác giả | Björn Jerdén là người đứng đầu Chương trình Châu Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển; Viking Bohman là một chuyên gia phân tích tại đây. Bài viết này đã đăng trong ấn bản của South China Morning Post dưới tựa đề: “Các vấn đề Thụy Điển gợi ý về mối quan hệ tương lai cgiawf Trung Quốc và Châu Âu”.