Lái xe 2,400 cây số thoát khỏi Florida về với Canada

Stephen Maher | Trà Mi

Ở Florida, bãi biển vẫn đông, khách vẫn đầy cứng các quán bar và nhiều người dường như không thể hiểu ‘tại sao mọi người lại hoảng loạn’

Bãi biển Englewood ở quận Charlotte, Fla., đầy người hôm 20 tháng 3 năm 2020. Bãi này đã đóng không cho công chúng sử dụng bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày hôm sau. Ảnh: Thomas O’Neill / NurPhoto qua Getty Images)

Hai tuần trước, đang sửa một chiếc thuyền buồm cũ ở vùng Vịnh Florida, tôi chợt nhận ra rằng tình trạng coronavirus có thể đã tệ đến mức tôi phải quay về Canada.

Tôi nói với tay thợ tôi đã thuê để giúp sửa động cơ diesel của chiếc thuyền cũ đang gặp rắc rối, rằng tôi có thể quay về nhà vì tôi sợ tình hình virus sẽ trở nên tệ hơn.

Ron (không phải tên thật của anh ấy), một anh chàng vui tính, chăm chỉ, tốt bụng ở độ tuổi 60, đã cho tôi biết rằng anh ấy là một người ủng hộ Donald Trump. Anh ấy ngờ rằng, là một người Canada, tôi không ủng hộ Trump, và chúng tôi đã trao đổi với nhau những bình luận căng thẳng nhưng lịch sự về sự khác biệt chính trị của chúng tôi. Là một du khách, tôi cảm thấy mình không nên bày tỏ quan điểm của mình về tổng thống Mỹ.

Dù vậy, tôi buột miệng, khi cho Ron biết rằng tôi có thể về Canada nay mai và nói,

“Tôi lo lắng về virus. Tôi biết rằng Trump nghĩ rằng nó không phải là một vấn đề lớn, nhưng nó là vấn đề lớn.”

Ron nói “Vâng,” rồi dừng lại, như đang cắn lưỡi,

“Chúng tôi không nghĩ nó là vấn đề như vậy.”

Vào lúc đó, Trump vẫn đang coi nhẹ rủi ro do virus gây ra và Fox News đang phát sóng nhưng chương trình cho thấy sự chỉ trích của tổng thống về vấn đề này là một nỗ lực để buộc tội ông. Nhưng với tôi, dường như đã quá rõ ràng sự thật rất xấu và sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Vào ngày 12 tháng 3, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch toàn cầu, tôi đã nhắn tin cho Ron để hỏi về chuyến đi Disney World ở Orlando mà gia đình mà anh ấy đã định đi ngày hôm sau.

“Anh vẫn sẽ đi Disney chơi phải không?”

“Đúng.”

Tôi nhắn,

“Rửa tay thường xuyên. Tránh xa bàn buffet. Không phải anh hỏi ý kiến ​​của tôi. Tôi đang nghiên cứu loại virus này cho công việc và đang khiếp vía.”

Ron không trả lời, và Disney đã quyết định đóng cửa các công viên của họ ngày hôm đó.

Tôi đang nghiên cứu virus cho một bài báo của Maclean và đã trở nên hoảng hốt tại một cuộc hội thảo qua mạng với chuyên gia dịch tễ học David Fisman của Đại học Toronto; ông mô tả cách virus có thể lây lan nhanh chóng,  không bị cơ quan y tế phát giác cho đến khi có người thiệt mạng, lúc đó nhà chức trách mới biết rằng đã có hàng trăm người đã nhiễm bệnh.

Khi tin tức khủng khiếp từ Ý bắt đầu đến tai người ở Canada và chính quyền bắt đầu ra tay hành động, tôi hết sức bực mình vì sự bất động của nhà chức trách quanh tôi ở Florida.

Bờ biển vùng Vịnh Florida, nơi tôi đã đến để mua một chiếc thuyền buồm cũ, đầy những người da trắng đã nghỉ hưu. Họ gọi đây là phòng đợi của Chúa. Độ tuổi trung bình ở Charlotte County năm 2016 là 58, so với 40 ở Ottawa, nơi tôi sống.

Người cao niên Mỹ da trắng rất ủng hộ Trump, và vì vậy Florida là lãnh thổ của Trump. Năm 2015, Quận Charlotte đã bỏ phiếu 62,5% cho ông và chỉ 34,7% cho bà Clinton. Nhiều xe vận tải, sân cỏ và thuyền đều gắn cờ, dán nhãn ủng hộ Trump. Một ngày nọ, một chiếc thuyền máy đi qua lại dọc theo bờ sông với một lá cờ khổng lồ bay trong gió: “Trump 2020: No More Bullshit.”

Ron, và tất cả những người dân Florida khác ủng hộ Trump, đã liên tục nghe nói rằng virus này không có gì đáng lo ngại. Các quán bar và nhà hàng vẫn mở. Quán rượu Ái Nhĩ Lan ở Punta Gorda tiếp tục liên hoan với lễ kỷ niệm Ngày Thánh Patricks. Bãi biển ở Clearwater đã chật cứng.

Dân Florida vẫn tụ tập ăn mừng ngày Thánh Patrrick 2020. Nguồn: indiatimespost.com

Khi tôi nghiên cứu để viết một bài báo về các vấn đề với thông tin y tế công cộng tại các sân bay Canada, tôi đã quan sát mọi người xung quanh hành động như thể chẳng có gì khác. Trong các quán bar trên bờ sông ở Punta Gorda, mọi người vẫn vui vẻ ăn nhậu. Tôi có thể nghe thấy các ban nhạc các cụ Baby Boomer xập xình suốt đêm khi tôi nằm trên thuyền, cố dỗ giấc ngủ, băn khoăn về virus.

Hoảng hốt, tưởng tượng virus lây lan chưa được phát giác, tôi tự cô lập, dừng việc đi đến nhà hàng hoặc ghé thăm bến du thuyền. Tôi đeo găng tay khi đến hiệu thuốc để mua nhiệt kế, ngoài ra tôi trốn ở trên thuyền. Tôi đã không lấy đá lạnh cho hộp nước đá, uống bia ấm, và cẩn thận đến mức giặt đồ bằng tay thay vì đi đến phòng giặt.

Nói chung, tôi không phải là một người dễ sợ sệt. Tôi đã đi đến nhiều nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, vì tôi nghĩ rằng nó đáng để mạo hiểm đến đó. Nhưng tôi thấy không có lý do gì để bị bệnh nếu tôi có thể tránh được bằng cách tự mình cách ly.

Tôi đã tham khảo ý kiến ​với​ bạn bè và người thân và miễn cưỡng quyết định rằng tôi phải về lại Canada. Tôi không muốn ngừng sửa chiếc thuyền cũ sớm như vậy, nhưng tôi sợ bị nhiễm bệnh ở Florida, và có thể phải gánh những khoản nợ lớn nếu tôi cần phải nhập viện, và sẽ không có ai chăm sóc tôi ở đó. Và tôi cũng lo ngại về tình trạng của các bệnh viện.

Florida đã chậm phản ứng với virus và dân số đã già, vì vậy thật dễ để tưởng tượng nó có thể biến thành vùng Lombardy, miền bắc nước Ý, nơi căn bệnh này lan rộng đến nỗi các bác sĩ kiệt sức đã buộc lòng phải hạn chế máy thở cho bệnh nhân theo tuổi (nghĩa là có người sẽ phải chết vì thiếu máy thở.)

Thống đốc Ron DeSantis, người ở vị trí hiện nay cũng nhờ sự ủng hộ quan trọng của Trump, đã miễn cưỡng đóng cửa các bãi biển hoặc ra lệnh giới nghiêm mà những thống đốc khác đã ra lệnh. Những người trẻ tiệc tùng thỏa thích trong kỳ nghỉ mùa xuân, khiến họ trở thành những người nhiễm trùng mới. Có lý do để lo lắng rằng virus có thể đã lây lan mà không bị phát giác.

Thật khó biết vì Florida đã đi sau trong việc xét nghiệm dân chúng tiểu bang. Đến 11 giờ sáng ngày 23 tháng 3, Canada đã xét nghiệm 102.803 người. Trong khi đó Florida, với khoảng một nửa dân số của chúng ta, chỉ mới thực hiện được 11.063 cuộc xét nghiệm.

Khi quyết định trở về Canada, tôi đã gọi cho Ron để cho anh ấy biết rằng tôi đang đem thuyền cất đi, và nói,

“Chính phủ đang gọi chúng tôi về nước.”

Ron nói đùa,

“Và anh làm những gì chính phủ nói với anh, không như chúng tôi.”

Đúng rồi. Tôi nhận thấy trong những tháng ở Florida mùa đông này, mức độ tin tưởng, vào chính phủ và truyền thông, ở đó thấp hơn ở Canada. Có một loại hoài nghi tự nhiên, mất lòng tin vào chính quyền, trong văn hóa công dân Mỹ. Đối với những người ủng hộ Trump, với virus này, điều đó có nghĩa là có một sự miễn cưỡng sâu sắc để chấp nhận tình trạng này. Những cuộc thăm dò cho thấy quan điểm người Mỹ về mức độ nghiêm trọng của nó chia rẽ theo đảng phái.

Tôi thu xếp cất giữ chiếc thuyền trong khu giữ thuyền cho đến khi có thể trở lại, tôi hy vọng vào năm tới dể hoàn thành việc sửa chữa và đưa nó ra khỏi Florida.

Trong lúc vội vã dọn dẹp và chuẩn bị thuyền cho một buổi đem thuyền đi cất mất nhiều thời gian, tôi dừng lại để trò chuyện với hai người tóc bạc đang nói chuyện trong sân về virus. Tôi nói với họ rằng tôi đã nghiên cứu về nó, đã nói chuyện với các chuyên gia dịch tễ học và họ hỏi tôi một vài câu hỏi.

Một trong hai người, bộ dạng khỏe mạnh, bảnh bao trạc 70 ngoài, mặc một chiếc áo sơ mi ca rô với một gói Marlboros trong túi áo ngực trông có vẻ tư lự. Ông ta cứ quay mặt đi chỗ khác, lắc đầu. Ông ấy đã hỏi tôi,

“Nó tệ hơn bao nhiêu so với cúm?”

Tôi nói với anh ấy rằng tôi đã đọc ước tính rằng COVID-19 này đã giết chết người nhiều gấp 10 lần bệnh cúm và nói  rằng Florida có nguy cơ trở thành giống như Ý, quốc gia mà bác sĩ đã phải nói với những người bệnh nhiều tuổi rằng họ sẽ không được gắn máy thở.

Ông ta cứ lắc đầu.

“Tôi không hiểu. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại hoảng sợ.”

Ông lập lại hai lần, với tâm tư của một người đang cố gắng ghép lại những sự thật không muốn đi cùng nhau.

Khi tôi chào tạm biệt và di làm cho xong việc bọc thuyền; ông ấy vẫn lắc đầu, ánh mát nhìn về phía xa xôi, cố gắng giải quyết vấn đề trước mặt.

Tôi muốn tránh những sân bay, vì vậy tôi đã thuê xe hơi và dự trữ trái cây, các loại hạt, vài chai cola, để tôi có thể tránh phải mua thức ăn ở những chỗ lái xe qua, và đi về hướng biên giới. Tôi nghe audiobook khi lái xe — đầu tiên là The Plague, của Albert Camus, sau đó là The Stand, của Stephen King. Thỉnh thoảng, tôi nghỉ giải lao để nghe các bản tin của NPR, giống như các chương trong cuốn tiểu thuyết.

Ba ngày, 2,400 cây số đường, từ những cây dừa đến vùng đất tuyết, qua nhiều tiệm McDonald và Exxons, qua Florida, qua Georgia và Carolinas, ngoại ô Washington DC, rồi qua tiểu bang Pennsylvania rồi đến New York.

Tôi đã cố cẩn thận. Tôi đã không muốn bị nhiễm bệnh tại trạm xăng trên đường về nhà.

Tôi đeo găng tay dùng một lần khi đổ đầy bình xăng và vứt găng trước khi trở vào xe. Tôi tránh nhà hàng và nhà vệ sinh. Khi trời trở lạnh, ở ngoại ô New York, tôi đậu xe ở rìa của một bãi đậu xe vận tải và thay quần áo trong bóng tối của bãi đậu xe.

Lúc đầu, có rất nhiều xe RV, xe vận tải kéo thuyền, chim trốn tuyết quay về tổ. Ở Florida và Carolina, các bãi đậu xe trong trung tâm thương mại và các khu nướng thịt ven đường đã chật kín. Càng đi xa về phía bắc, dường như người ta quan tâm nhiều hơn về việc nhiễm virus. Ở tiểu bang Pennsylvania và New York, những bảng báo hiệu dùng kỹ thuật số trên xa lộ thường dùng để báo về tình trạng kẹt xe phía trước, bây giờ tất cả đều là những cảnh cáo về dịch virus này.

Một biển báo hiệu trên xa lộ ở một nơi nào đó gần Syracuse, N.Y. Ảnh: Stephen Maher.

Tại một hiệu thuốc tây ở Ogdensburg, nơi tôi dừng chân trước khi qua biên giới, nhân viên thu ngân trung niên tỏ ra khá bận tâm với tin tức, nói về việc Thống đốc Andrew Cuomo sẽ ra lệnh giới nghiêm toàn bộ, một sự tương phản thật rõ so với sự vô tư ở Florida.

Hãng cho thuê xe Hertz không cho phép tôi trả xe ở Canada. Nhân viên quầy nhận xe mà tôi đang nói chuyện tại một trạm của Hertz nói,

“Hệ thống của hãng không cho tôi làm điều đó.”

Tôi đã phải trả xe đã thuê ở Ogdensburg và lấy taxi, đắt tiền hơn, băng qua biên giới và lên xa lộ về Ottawa.

Nhân viên ở biên giới đeo mặt nạ. Cô ấy hỏi tôi đã ở đâu, liệu tôi có triệu chứng không, tôi không có. Cô ấy không bận tâm hỏi tôi mang về những gì, như họ luôn luôn hỏi trong lúc bình thường. Cô ấy nói với tôi rằng tôi phải tự cô lập 14 ngày, và đợi tôi xác nhận rằng tôi sẽ làm như vậy. Sau đó cô ấy nói tôi có thể đi qua.

Tôi bị sốc, khi chúng tôi qua biên giới, vì thấy mình đang cố ghìm sự thôi thúc đột ngột muốn khóc những giọt nước mắt nhẹ nhõm.

Tôi biết đường tôi đi dễ dàng hơn những chuyến đi mà nhiều người Canada khác đã thực hiện để về nhà trong tuần qua, nhưng nó quá đủ căng thẳng đối với tôi.

Đây là một lời nhắc nhở rằng nước tôi là một nơi tương đối yên lành, rằng tôi đang ở nhà ở đây theo một cách mà tôi không bao giờ có thể có ở Florida. Tôi vui mừng vì tệ nhất thì tôi sẽ được điều trị trong bệnh viện, không phải vì tôi đủ khả năng, mà vì tôi là dân ở Ontario, và mọi người dân Ontario đều có quyền được chăm sóc sức khỏe.

Tôi vui vì tôi sống ở một nơi mà các bãi biển bị đóng cửa, nơi không có người xếp hàng dài trước những các cửa hàng bán súng trong thời buổi khó khăn.

Chúng ta có mức độ tin cậy xã hội cao hơn ở Canada. Chỉ số 56 so với 49 ở Hoa Kỳ trong một bảng xếp hạng – một tính cách khiến mọi người có thể làm theo lời khuyên tự kiểm dịch, tin vào giới truyền thông và nhà chức trách y tế công cộng của họ trong một cuộc khủng hoảng.

Người Canada cũng không thống nhất, về chính trị và địa lý, nhưng so với nước láng giềng thì sự chia rẽ của chúng ta rất tầm thường. Tôi đã rất ấn tượng với cách các chính phủ bất kể khuynh hướng chính trị khác nhau đang đối phó với cuộc khủng hoảng ở đất nước này. Có những sự bất đồng, vì nó thích đáng trong một nền dân chủ, về cách làm tốt nhất, nhưng virus đã không được biến thành vũ khí chính trị, như ở Hoa Kỳ, nơi thái độ về dich bệnh rất khác nhau vì tình thần đảng phái.

Tôi sợ rằng sự chia rẽ đảng phái, như lửa được một tổng thống tự ái, muốn được chú ý, đổ thêm dầu, sẽ khiến người Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt.

Tôi nghi ngờ rằng cuối cùng khi chúng ta đã loại được con virus này, và chúng ta cố gắng hiểu những gì đã có hiệu quả và những gì là vô ích, chúng ta sẽ thấy rằng những xã hội có độ đoàn kết xã hội cao đã có kết quả tốt hơn những xã hội nơi mà người dân nghi ngờ lẫn nhau.

Sự đoàn kết xã hội — ý thức rằng tất cả chúng ta đều cùng trong một rọ — là điều khiến các y tá đã về hưu tình nguyện trở lại làm việc trong các bệnh viện đáng lo ngại và là điều khiến những người trẻ khỏe mạnh ở nhà để đè bẹp đường cong.

Tôi nghĩ rằng sự đoàn kết xã hội là lý do tại sao đường cong quá phẳng trong các xã hội Đông Á theo tinh thần tập thể truyền thống, và đang tăng mạnh ở Hoa Kỳ.

Tại Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, các nền dân chủ thị trường tự do hiện đại, chính phủ và người dân số, nhanh chóng  thay đổi cách ứng xử. (Các chuẩn mực văn hóa quanh việc đeo mặt nạ và độ béo phì thấp hơn có thể cũng là yếu tố quan trọng trong việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng và người chết ở châu Á.)

Số người lây nhiễm COVID-19 tại Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan só với vài quốc giá châu Âu. Nguồn: https://ourworldindata.org/

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy điều tương tự ở Canada. Quebec, nơi có tinh thần đoàn kết xã hội mạnh hơn các tỉnh khác, đã nhanh chóng hành động quyết đoán, và do đó có thể tránh được tình trạng tồi tệ nhất của căn bệnh này. Nhưng tất cả Canada đã ứng phó tốt, ít nhất là so với người hàng xóm của chúng ta.

Hãy xem sự tương phản giữa Justin Trudeau, đã tự cách ly nhưng không đi xét nghiệm khi biết rằng ông ta có thể đã bị nhiễm virus và Rand Paul, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã xét nghiệm, đã nhiễm virus, nhưng không tự cách ly, khiến vô số những người khác tại phòng tập thể dục và hồ bơi có thể bị nhiễm vius vì ông ta. Paul là một người theo chủ nghĩa cá nhân cứng nhắc, một người đam mê  triết gia Ayn Rand [Chủ nghĩa khách quan], một người rõ ràng ủng hộ cho chính phủ nhỏ, nhưng không phải là loại người bạn muốn gặp ở phòng tập thể dục.

Hoa Kỳ phải có khả năng đánh bại virus này dễ dàng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Hoa Kỳ là số 1 trong Chỉ số an ninh sức khỏe toàn cầu, đo lường “những khả năng đã được kiểm chứng, đã được thí nghiệm, đã có hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại nguồn.” Canada có chỉ số là 5.  Nam Hàn, nơi đã đánh bại virus, ở chỉ số 9. Nhưng số người nhiễm virus đang thay đổi không phản ảnh những thứ hạng đó. Người Mỹ đang không làm phẳng đường cong, và Trump chưa gì đã nói về việc mọi người trở lại làm việc, đó là sự điên rồ.

Tổng thống Mỹ muốn nước Mỹ trở lại làm việc vào lễ Phục sinh. Nguồn: The Guardian

Với sự lãnh đạo thê thảm và thiếu sự đoàn kết xã hội, Hoa Kỳ có vẻ như sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, điều này thật bi thảm, bởi vì Mỹ có những tài nguyên để chặn đứng virus. Những gì Mỹ không có là sự lãnh đạo, ý chí, sự đoàn kết xã hội, có đủ vật dụng cho nhân viên y tế và thuyết phục mọi người ở nhà trong vài tuần.

Từ khắp nơi trên thế giới, gần một triệu người Canada đã trở về Canada vào tuần trước khi tin tức về ác mộng đại dịch này đến với những con chim trốn tuyết và du khách ba lô.

Chúng ta đối diện với một tương lai không chắc chắn, giới nghiêm và không biết khi nào chúng ta sẽ tự do tiếp tục cuộc sống bình thường, chờ đợi tin tức nghiệt ngã từ các bệnh viện của chúng ta, nhưng chúng ta đang ở nhà, ở một nơi an lành, có tổ chức, nơi chúng ta có thể chắc chắn rằng dù tình hình có tệ thế nào đi nữa, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để cùng nhau vượt qua, ngay cả khi chúng ta đang giữ khoảng cách.

Đại lộ Wellington, con đường trước Quốc hội vào thứ ba ngày 17 tháng 3 năm 2020. Ảnh: Justin Tang / Canada Press

Đây lại là một lời nhắc nhở khác, đối với bất kỳ ai cần, chúng ta may mắn gọi đất nước này là nhà, và chúng ta phải làm những gì có thể, để bảo đảm nó vẫn là một nơi tử tế, mọi người đều lo lắng, giúp đỡ lẫn nhau.

Stephen Maher

Tác giả | S. J. Maher là bút danh của nhà báo và tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng Stephen Maher, biên tập viên viết cho Tạp chí Maclean, đồng thời là tác giả của Hạn chót và Cứu cánh (Deadline and Salvage).

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Escape from Florida: My 2,400-km drive back to the sanity of Canada | Stephen Maher | MacLean’s | Mar. 24, 2020.