Thách đố Kim Jong-un

Aidan Foster-Carter | Trà Mi

Mỹ đến với Bình Nhưỡng trong năm 2018 chỉ là một mưu mẹo. Bắc Hàn đang mạnh và xấc xược hơn bao giờ hết, triển vọng 2020 sẽ rất ác nghiệt.

Kim Jong-un phi bạch mã phi nước đại lên ngọn núi thiêng. Nguồn: © KRT

Chuyện gì đã xảy ra cho tiến trình hòa bình với Bắc Hàn, mà đã có vẻ rất hứa hẹn năm 2018?

Chúng ta đã ở điểm này trước đây, theo nghĩa rộng. Vì vậy, hãy bắt đầu với một số chuyện đã qua.

Kể từ khi Chiến tranh Đại Hàn kết thúc vào năm 1953 – bẳng một hiệp định đình chiến, không có hiệp ước hòa bình nào diễn ra sau ba năm  chiến tránh đẫm máu và tàn khốc, bán đảo này chỉ có một nền hòa bình trong căng thẳng suốt hai phần ba thế kỷ tiếp theo. Sự yên bình đó, được củng cố bởi sự răn đe của đồng minh, đã được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng thường xuyên — đặc biệt là trong 30 năm kể từ khi tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn bắt đầu trở nên rõ ràng, biến nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Đại Hàn từ một mối đe dọa địa phương thành toàn cầu.

Năm 1994, Bán đảo Đại Hàn đã tiến gần đến một cuộc chiến mới. Chế độ Kim đã thách thức Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bằng cách loại bỏ nhiên liệu đã qua sử dụng khỏi lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon. Plutonium đó có thể đã tạo ra một nửa tá bom hạch tâm. Sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã coi mối đe dọa này nghiêm trọng đến mức ông đã ngĩ đến môt cuộc tấn công quân sự, nhưng đã rút lại vì rủi ro và số thương vong sẽ cao đến mức không thể chấp nhận được. Thay vào đó, sau khi cựu Tổng thống Jimmy Carter đến thăm Bình Nhưỡng, bán trái phép, Clinton chuyển sang tiến trình hòa bình. Tháng 10 năm đó, Hoa Kỳ và DPRK đã ký Khung đồng ý chi tiết (AF) để phi hạch tâm hóa.

Điều này kéo dài vài năm, trung tâm Yongbyon được niêm phong và được IAEA theo dõi. Nhưng Kim Jong Il đã lừa dối, theo đuổi con đường bí mật thứ hai làm bom bằng cách sử dụng uranium rất giàu (HEU). Chính điều đó đã thúc đẩy người kế nhiệm diều hâu hơn Clinton, George W. Bush, chấm dứt AF và các cơ quan liên quan như Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Bắc Hàn (KEDO). Chưa hết, Bush cũng kết thúc cuộc đối thoại, phần lớn trong khuôn khổ Cuộc đàm phán sáu bên đa phương (6PT), kết hợp cả Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc (chủ nhà).

Bài học quá khứ

Nhắc lại chuyện cũ cho chúng ta một số bài học thích hợp. Không theo thứ tự nào cả:

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng hạch tâm của Bắc Hàn đã có từ lâu. Nó đã đi qua nhiều khúc ngoặt.

Thứ hai, nguy cơ chiến tranh là có thật. Cuốn tiểu thuyết đầu cơ của Jeffrey Lewis, “Báo cáo của Ủy ban năm 2020 về các cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Bắc Hàn chống lại Hoa Kỳ”, là một cảnh cáo rùng rợn về sự việc ngày nay sẽ khủng khiếp đến mức nào – e rằng bất cứ ai cũng bị cám dỗ để coi thường những nguy hiểm.

Thứ ba, thời tiết chính trị trên bán đảo có thể sớm nắng chiều mưa — và ngược lại. Phong vũ biểu chính trị ở đó hiếm khi đứng yên trong một thời gian dài.

Thứ tư, một lý do cho sự thay đổi liên tục là sự thay đổi chế độ — không phải ở Bình Nhưỡng, như những người tân bảo thủ hy vọng, mà trong số những người trong cuộc đối thoại dân chủ, phần lớn là Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Hai quốc gia này thường xuyên bầu ra các nhà lãnh đạo mới, những người có thể thay đổi chính sách dể đàm phán lại hoặc rút lại các thỏa thuận trước đó. Ngoài George W. Bush, như được trích dẫn ở trên, còn có ví dụ về Lee Myung-bak, người sau khi đắc cử tổng thống Nam Hàn năm 2007, không bao giờ thực hiện các dự án hợp tác kinh tế mà người tiền nhiệm của ông, Roh Moo-hyun, đã đồng ý vào năm đó hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Kim Jong Il.

Thứ năm và có liên quan: Không có sự đồng thuận chính sách về cách đối phó tốt nhất với Bình Nhưỡng, các chính trị gia ở bên trái và bên phải có xu hướng quay trở về ý thức hệ (Clinton là một ngoại lệ). Ở cả Washington và Seoul, diều hâu và bồ câu — hoặc những loài chim lai kỳ lạ như Trump — thay phiên nhau gây áp lực hoặc đối thoại, không có kết quả lâu dài. Cả hai cách đối phó đều không thành công trong việc phi hạch tâm hóa Bắc Hàn.

Sớm nắng chiều mưa, nay bồ câu mai diều hâu. Nguồn: theo Hedgeye

Thứ sáu, chế độ Kim dưới ba nhà lãnh đạo kế tiếp đã thể hiện tài năng tuyệt vời và xảo quyệt, trong khi đưa ra lý do rất ít để mọi người có thể tin rằng Bắc Hàn sẽ giữ lời hoặc tuân theo bất kỳ thỏa thuận nào mà nó có thể ký. Thật vậy, nói thẳng ra, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Đại Hàn đã thắng cuộc, và chúng ta đã thua.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Kim Jong Unchained | Aidan Foster-Carter  | The Atlantic | Feb 1, 2020