Diễn văn chúc mừng năm mới 1990

Vaclav Havel | Hồ Như Ý dịch

Hỡi nhân dân, chính phủ của các bạn đã trở lại với các bạn!

Lời giới thiệu | Ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Berlin ở Đông Đức sụp đổ, bắt dầu tiến trình thống nhất nước Đức.

Cũng vào tháng 11 năm 1989 đó, người dân Tiệp Khắc cũng xuống đường biểu tình rầm rộ một cách hòa bình. Chỉ 3 tuần sau các cuộc biểu tình hòa bình của người dân, ngày 29 tháng 11 năm 1989, Quốc hội Tiệp Khắc họp và thông qua các sửa đổi quan trọng của Hiến pháp Tiệp Khắc:

  • 1. Xóa bỏ điều 4 Hiến pháp Tiệp Khắc về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Tiệp Khắc.
  • 2. Xóa bỏ điều 16 về việc giảng dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin trong các trường học.
  • 3. Xóa bỏ điều 6 về sự lãnh đạo của đảng cộng sản Tiệp Khắc đối với Mặt trận quốc dân.

Một tháng sau, ngày 29 tháng 12 năm 1989, Vaclav Havel đã được Quốc hội Tiệp Khắc bầu làm Tổng thống nước Cộng hòa Tiệp Khắc.

Ba ngày sau khi được bầu làm Tổng thống nước Tiệp Khắc tự do, là ngày đầu năm mới, ngày mồng 1 tháng 1 năm 1990, Vaclav Havel đã đọc bài phát biểu chúc mừng năm mới.


Valav Havel, người có công lớn xé toang bức màn sắt. Nguồn Reuters

Diễn văn chúc mừng năm mới 1990

Đồng bào thân mến:

            Trong suốt 40 năm qua mỗi dịp đến ngày này, các bạn đều nghe được những người tiền nhiệm của tôi nói về cùng một chủ đề với những giọng điệu khác nhau: Liên quan đến việc quốc gia của chúng ta phồn vinh như thế nào, chúng ta đã sản xuất được bao nhiêu triệu tấn thép, chúng ta hiện tại hạnh phúc tới cỡ nào, chúng ta tin tưởng chính phủ của mình ra sao, cũng như việc chúng ta đang đứng trước tương lai huy hoàng xán lạn đến như thế nào.

            Tôi tin rằng các bạn muốn tôi giữ chức vụ này, không phải là muốn để tôi lặp lại những lời dối trá này đối với các bạn. Đất nước chúng ta không hề phồn vinh. Tiềm năng tinh thần và sức sáng tạo to lớn của dân tộc chúng ta đã không hề được sử dụng một cách hiệu quả. Toàn bộ các cơ sở công nghiệp đã sản xuất ra những thứ đồ mà người ta không hề hứng thú, trong khi đó thì những sản phẩm mà chúng ta cần thì lại hết sức thiếu hụt. Một quốc gia mà tự xưng là thuộc về nhân dân lao động, lại là kẻ xúc phạm và bóc lột người lao động. Thể chế kinh tế cũ kỹ của chúng ta đang lãng phí lấy nguồn tài nguyên mà chúng ta có thể có từng chút một. Một quốc gia đã từng lấy làm tự hào với trình độ giáo dục cao của công dân mình thì nay bởi vì đầu tư quá ít cho giáo dục mà đã bị tụt bậc xếp hạng với vị trí thứ 72 trên thế giới. Chúng ta đã làm ô nhiễm đi đất đai, sông ngòi, rừng núi mà ông cha ta để lại cho chúng ta, mức độ phá hoại có thể nói là nghiêm trọng nhất Châu Âu. Những người trưởng thành ở đất nước chúng ta tử vong với độ tuổi sớm hơn so với đại đa số các quốc gia Châu Âu khác.

            Xin hãy cho phép tôi cung cấp một chút những quan sát cá nhân. Gần đây tôi đã đi tới Bratislava, trên máy bay tôi đã bớt một chút thời gian nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nhìn thấy tổ hợp các nhà máy hóa chất Slovakia và khu dân cư Petr’alka khổng lồ ở bên cạnh. Cảnh tượng này đủ để khiến tôi hiểu rằng, trong hàng chục năm những lãnh đạo quốc gia của chúng ta chưa bao giờ và cũng không hề có kế hoạch nhìn ra bên ngoài cửa sổ chiếc máy bay mà họ ngồi. Vì lý do này, thậm chí tôi không cần tới số liệu thống kê, thì tôi cũng có thể hiểu được càng nhanh hơn và sâu sắc hơn rằng chúng ta đã rơi vào tuyệt cảnh như thế nào. Nhưng là tất cả những điều này vẫn chưa phải là vấn đề chính. Điều tồi tệ nhất là chúng ta đang sinh sống trong một môi trường đạo đức đã bị ô nhiễm. Chúng ta đều là những người bệnh về đạo đức, bởi vì chúng ta đã quen thuộc với việc lời nói và hành động trái ngược nhau. Chúng ta đã học được cách không tin vào bất cứ thứ gì, học được cách phủ định lẫn nhau và chỉ quan tâm đến bản thân mình. Một số những khái niệm như tình yêu, tình hữu nghị, sự đồng tình, khiêm tốn hoặc sự khoan dung đều đã mất đi chiều sâu và phạm vi mà nó vốn có, đối với rất nhiều người mà nói, chúng chỉ đại diện cho sự kỳ quặc theo ý nghĩa tâm lý, hoặc là chúng đến từ những từ ngữ chúc tụng có từ thời cổ đại vốn đã lỗi thời, trong thời đại máy tính và thời đại vũ trụ thì chúng hiển hiện một cách rất buồn cười. Rất ít người trong chúng ta hét to lên rằng, những người có quyền lực không phải là toàn năng; hơn nữa những nông trường đặc biệt chuyên sản xuất ra thực phẩm chất lượng cao và không bị ô nhiễm nên đem những sản phẩm đó gửi tới trường học, các gia đình có trẻ nhỏ và bệnh viện nếu như nghành nông nghiệp của chúng ta không thể cung ứng cho tất cả mọi người những thứ này. Chính quyền trước đây của chúng ta, với ý thức hệ cuồng vọng tự đại và hẹp hòi, đem con người hạ thấp xuống trở thành một loại sức sản xuất cùng công cụ sản xuống tương đương. Cách làm này đã làm tổn thương rất sâu sắc tới diện mạo vốn có cùng mối quan hệ tương hỗ của họ. Nó đem trục xuất những con người tài hoa và có tính tự chủ, những người có kĩ năng làm việc thành thạo ngay trên mảnh đất của mình đi tới những nơi thậm chí vô cùng lệch lạc, ồn ào bên cạnh những cỗ máy tanh tưởi, trở thành những bánh răng và chiếc đinh vít của chúng. Điều này không khác gì hơn chính là mài mòn đi những bánh răng và đinh vít của bản thân chính thể này một cách chậm rãi nhưng không hề có tình cảm.

            Khi tôi nói về môi trường đạo đức bị ô nhiễm, tôi không chỉ nói về những người những đám rau không bị ô nhiễm và chưa bao giờ nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay. Tôi nói là toàn thể chúng ta. Chúng ta đều trở nên quen thuộc với chế độ chủ nghĩa toàn trị, chấp nhận nó như một sự việc bất di bất dịch, từ đó đã giúp đỡ nó, khiến cho nó tồn tại mãi mãi. Nói một cách khác, tất cả chúng ta, đương nhiên là ở các mức độ khác nhau, cần phải chịu trách nhiệm về sự vận hành của cỗ máy toàn trị này; trong chúng ta không có ai chỉ là vật hy sinh, chúng ta đều là những kẻ thông đồng với nó.

            Tại sao tôi lại nói những điều này? Nếu như đem những di sản bất hạnh trong 40 năm qua coi đó là một thứ đồ vật không hề liên quan đến chúng ta, vậy thì đó là điều rất không sáng suốt, ngược lại, chúng ta cần phải thừa nhận rằng di sản này là một tội lỗi mà chúng ta đã gây ra cho chính mình. Nếu như chúng ta chấp nhận lời giải thích như vậy, vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng mỗi người trong chúng ta nên cần phải làm gì cho chuyện này. Chúng ta không thể đem tất cả mọi chuyện đổ lên đầu những kẻ thống trị, không chỉ bởi vì làm như vậy là không đúng sự thật, mà nó còn làm suy yếu đi trách nhiệm mà mỗi người chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay, tức là cần phải chủ động, tự do, lý tính và nhanh chóng áp dụng hành đông. Khiến cho chúng ta không còn bị lừa dối: Ngay cả những chính phủ, quốc hội và tổng thống tốt nhất trên thế giới, cũng đều không thể nào dựa vào sức mạnh của bọn họ để có được thành công. Điều tương tự là không thể nào chỉ trông chờ vào những người này để cứu rỗi thiên hạ. Tự do và dân chủ bao gồm cả quyền tham dự, bởi vì đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Nếu như chúng ta ý thức được điểm này, vậy thì những điều khủng khiếp được xã hội Tiệp Khắc mới thừa hưởng sẽ không còn đáng sợ như vậy nữa. Vì vậy, niềm hy vọng cũng sẽ trở lại trong trái tim của chúng ta.

            Chúng tôi đã đã thực hiện các điều chỉnh đáng kể, chuẩn bị một nền tảng nhất định. Trong thời gian gần dây, đặc biệt là cuộc cách mạng hòa bình đã diễn ra trong 6 tuần lễ vừa rồi đã cho thấy, đằng sau tấm mặt nạ lạnh lẽo mà chúng ta không thể không đeo lên vì hoàn cảnh xung quanh, tồn tại lấy một tiềm năng tinh thần và chuẩn mực công dân to lớn chứa đầy sức mạnh đạo đức và nhân tính. Mỗi khi có người võ đoán lên tiếng nói rằng chúng ta sẽ thế này hoặc thế nọ, tôi luôn đề xuất rằng xã hội là một tồn tại hết sức vi diệu, nếu chỉ tin tưởng vào những thứ xuất hiện ở trước mặt bạn thì là điều không bao giờ đủ cả. Tôi rất vui mừng rằng những lời tôi nói không sai. Thực vậy, những công dân Tiệp Khắc cam chịu tiếp nhận sự áp bức, chịu đủ sự sỉ nhục, sống trong môi trường nghi kỵ và chủ nghĩa khuyển mã lại tìm thấy được nguồn sức mạnh to lớn đó, chỉ trong vòng mấy tuần lễ, đã dùng phương thức hòa bình văn minh, giải thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa toàn trị vốn áp đặt lên bản thân họ, khiến cho cả thế giới phải chú ý và ngạc nhiên. Chúng ta cũng không khỏi tự hỏi bản thân: Những người trẻ tuổi vốn chưa bao giờ được sinh sống trong một chế độ khác, vậy thì từ nơi nào họ đã bắt đầu những truy cầu đối với sự thật, bắt đầu có tình yêu nhiệt thành đối với tự do tư tưởng, có được lý tưởng về chính trị cùng với sự dũng cảm và tầm nhìn của công dân? Cha mẹ của họ, được xem là một thế hệ lạc lối – họ đã làm thế nào để đi cùng một con đường với con cái của mình? Làm thế nào để rất nhiều người lập tức thể hiểu được rằng họ cần đi đâu và làm gì trong tình huống không cần bất cứ một kiến nghị hoặc chỉ thị nào, lại?

            Tôi nghĩ chúng ta có hai nguyên nhân chủ yếu cho những hy vọng trong tình cảnh hiện tại: Đầu tiên, con người tuyệt đối không chỉ là sản phẩm của thế giới thực này, mà là có khả năng có thể liên kết bản thân với một thứ gì đó càng cao cấp hơn, mặc dù thế giới chân thực này đang cố gắng từng bước giết chết đi loại năng lực này của con ngườ; Thứ hai, chủ nghĩa nhân đạo và truyền thống dân chủ của dân tộc chúng ta (người ta thường bàn luận về chúng một cách trống rỗng), vẫn đang còn nằm ngủ sâu trong ý thức của mọi người; được lưu truyền từ đời này qua đời khác một cách kín đáo, nó cho phép mỗi người chúng ta có thể kịp thời phát hiện hơn nữa chuyển đổi chúng trở thành hành động.

            Tuy vậy, chúng ta không khỏi phải trả giá cho những tự do có được ngày hôm nay. Có rất nhiều người đã chết ở trong nhà tù vào thập niên 1950, có không ít người bị xử bắn; cuộc sống của hàng trăm hàng nghìn người đã bị phá hoại, một lượng lớn những người tài năng bị ép phải rời khỏi quốc gia này. Đối với những người đã hiến thân phấn đấu vì danh dự dân tộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, những người bị bức hại thê thảm vì tranh đấu phản kháng lại sự thống trị của chủ nghĩa toàn trị, những người vốn chỉ muốn giữ lại diện mạo vốn có của bản thân cùng tự do về tư tưởng nhưng lại gặp phải bất hạnh, chúng ta cần phải ghi nhớ lấy họ, nhớ lấy phương thức mà họ đã sử dụng để đánh đổi cho những tự do mà chúng ta có ngày hôm nay. Tòa án độc lập cần phải thẩm tra những người chịu trách nhiệm cho hàng loạt hành động bức hại, khiến cho chân tướng sự thật trước dây của chúng ta được công khai.

            Chúng ta cũng cần nhớ rằng, các dân tộc khác cũng đã phải bỏ ra những cái giá đắt đỏ hơn để đánh đổi lấy những tự do hiện tại, trên thực tế họ cũng là giúp chúng ta trả giá một cách gián tiếp. Máu đã từng chảy thành sông ở Hungary, Ba Lan, Đông Đức, không lâu trước đây ở Romania lại đã xảy ra sự việc khủng khiếp. Cũng giống như vậy, các dân tộc bên trong biên giới Liên Xô cũng đã đổ máu, những điều này không được phép lãng quên. Trước hết, sự đau khổ mà mỗi một thành viên nhân loại phải chịu đựng đều có liên quan đến những thành viên khác; điều quan trọng hơn là, những hy sinh to lớn này đã tạo nên bối cảnh bi kịch của tự do ngày hôm nay, cũng mang tới sự giải phóng từng bước đối với các dân tộc bên trong khối các quốc gia Liên Xô. Bọn họ đã tạo nên bối cảnh để chúng ta xây dựng nền tự do mới của chính mình: Không có những thay đổi ở Liên Xô, Ba Lan, Hungary và Đông Đức, tình hình ở đất nước chúng ta cũng sẽ không được như vậy. Ngay cả khi có sự thay đổi, cũng sẽ không có được tiến trình hòa bình như thế này.

Olga Havlová và Václav Havel trên ban công Lâu đài Prague sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên năm 1990. Nguồn: www.vaclavhavel.cz

            Chúng ta được thừa hưởng môi trường quốc tế có lợi, đây là sự thật, nhưng không có nghĩa nói rằng ai đó đã trực tiếp cung cấp viện trợ trực tiếp cho chúng ta trong mấy tuần gần đây. Trong mấy trăm năm qua, dân tộc Tiệp Khắc luôn là dựa vào chính bản thân mình, mà không phải là dựa dẫm vào sự trợ giúp của các cường quốc và cường quyền. Dưới góc nhìn của tôi, điều này tạo nên tài sản quý báu to lớn cho chúng ta hiện nay. Trong đó bao gồm cả hy vọng rằng chúng ta có thể tránh khỏi những rắc rối bởi những ân huệ của người khác đem lại. Hy vọng dựa vào tự thân chúng ta trong hiện tại này có thể thực hiện được hay không, những tự tin về người dân, dân tộc và chính trị của chúng ta có thể hay không phục hồi lại tư thái lịch sử đã từng có, tất cả đều trông chờ vào nỗ lực của chúng ta.

            Tự tin không phải là tự phụ. Ngược lại, chỉ có những con người hay dân tộc thực sự tự tin, mới có thể lắng nghe người khác, chấp nhận người khác một cách bình đẳng, khoan dung đối với kẻ thù và hối lỗi về những tội lỗi mà bản thân đã phạm phải trong quá khứ. Chúng ta hãy đem sự tự tin này vào trong cuộc sống xã hội chung, đem vào hành vi cư xử của chúng ta trên vũ đài quốc tế. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể khôi phục phẩm giá, khôi phục sự tôn trọng đối với người khác và sự tôn trọng đối với các dân tộc khác.

            Đất nước chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia chư hầu hay làm xấu đi mối quan hệ với quốc gia khác. Thực sự, chúng ta cần tiếp nhận và học hỏi rất nhiều thứ từ quốc gia khác, nhưng điều này cần dựa trên nền tảng mối quan hệ bình đẳng, tương hỗ. Vị tổng thống đầu tiên[1] của chúng ta đã viết: “Cần Jesus, không cần Caesar.” Đây là một truyền thống được kế thừa từ triết gia Chelcicky và Comenius. Tôi nói rằng hiện tại chúng ta đang có một cơ hội để thực hiện và giới thiệu tư tưởng này, hơn nữa xem nó là một nhân tố mới để đưa vào tiến trình chính trị Châu Âu và toàn cầu hóa. Nếu như đây là những gì chúng ta cần, đất nước chúng ta thực sự có thể đem sức mạnh nhân ái, thấu hiểu, tinh thần và lý tưởng tỏa sáng một cách lâu dài. Đây chính là cống hiến đặc biệt mà chúng ta có thể thực hiện đối với chính trị quốc tế.

            Masaryk xây dựng chính trị dựa trên nền tảng đạo đức. Chúng ta hãy nỗ lực một lần nữa khôi phục lại khái niệm chính trị này trong một thời đại mới với một phương thức mới. Chúng ta nên nỗ lực hướng dẫn bản thân mình và hướng dẫn người khác, rằng chính trị là nhu cầu để mọi người lên tiếng nhằm tìm kiếm vì phúc lợi xã hội, mà không phải là sự cướp đoạt hay lừa dối xã hội. Chúng ta hãy dạy bản thân và những người khác, rằng chính trị không chỉ là một môn nghệ thuật mơ hồ, ba phải, nó càng nhiều hơn là một nghệ thuật kiên trì những nguyên tắc của mình, một nghệ thuật để cải tiến thế giới và tự thân chúng ta.

            Chúng ta là một quốc gia nhỏ, nhưng đã từng là một trọng trấn văn hóa tinh thần của Châu Âu. Tại sao chúng ta không thể một lần nữa khôi phục đến vị trí trước đây? Nếu như chúng ta còn cần tới sự giúp đỡ của người khác, đây lẽ nào không phải là sự hồi báo tốt nhất hay sao? Những kẻ đã làm hại chúng ta trước đây – những kẻ mà chưa bao giờ từ cửa sổ máy bay nhìn ra bên ngoài và ăn thực phẩm đặc biệt – có lẽ bọn họ vẫn đang chế tạo ô nhiễm đối với xung quanh, nhưng bọn họ đã không còn là kẻ thù chủ yếu của chúng ta. Lực lượng gây hại cho nền chính trị quốc tế cũng đã không còn là kẻ thù chủ yếu của chúng ta. Kẻ thù chính của chúng ta ngày hôm nay đó là những thói quen xấu của bản thân chúng ta: Coi thường đạo đức xã hội, trống rỗng, dã tâm cá nhân, ích kỷ và xung đột nội bộ. Cuộc đấu tranh chính của chúng ta không thể không tiến hành trong những lĩnh vực này. Chúng ta sẽ tiến hành bầu cử tự do và hoạt động tranh cử tự do. Chúng ta đừng để cho hoạt động này làm mất đi diện mạo trong sạch của cuộc cách mạng hòa bình mà chúng ta đã thực hiện. Đừng nên vì những cuộc tranh giành quyền lực mà đánh mất đi sự đồng tình vừa dành được của dư luận quốc tế đối với chúng ta. Không nên tiếp tục sử dụng danh nghĩa phục vụ xã hội giả dối để tiến hành mưu lợi cá nhân. Thực sự, hiện tại thì đảng phái nào, đoàn thể nào giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử đều không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là chúng ta chúng ta bầu chọn được những con người ưu tú nhất ở các phương diện đạo đức, ý thức công dân và chính trị chuyên nghiệp, bất kể bối cảnh chính trị của họ. Chính sách và uy tín của đất nước chúng ta trong tương lai phụ thuộc vào những người mà chúng ta chọn lựa cũng như những tổ chức cơ quan đại diện người dân sau này…

            Nói tóm lại, tôi hy vọng bản thân là một người sẽ ít nói những chuyện vô nghĩa và làm được nhiều việc. Không chỉ là bắt đầu từ việc tôi nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc máy bay mà tôi ngồi, mà càng quan trọng hơn là thường xuất hiện ở bên cạnh các bạn hơn nữa kiên nhẫn lắng nghe tiếng nói của mọi người.

            Người ta có thể sẽ hỏi rằng nước cộng hòa trong giấc mơ của tôi nó sẽ như thế nào. Xin được cho phép tôi được trả lời: Tôi mơ về một nhà nước cộng hòa độc lập, tự tin, dân chủ, có nền kinh tế thịnh vượng và công bằng xã hội, nói một cách đơn giản, là một nhà nước cộng hòa nhân văn phục vụ cho cá nhân hơn nữa từ đó hy vọng rằng cá nhân cũng sẽ phục vụ cho nhà nước. Ở bên trong nhà nước cộng hòa này, mọi người đều được hưởng thụ nền giáo dục hoàn chỉnh, tốt đẹp. Muốn giải quyết được bất kỳ vấn đề nhân tạo, vấn đề kinh tế, vấn đề môi trường hay trong lĩnh vực chính trị, chúng ta nhất định phải có được những người có phẩm chất ưu tú nhất.

            Người tiền nhiệm kiệt xuất nhất của tôi Masaryk đã bắt đầu bài diễn văn đầu tiên của mình với một câu nói của nhà giáo dục người Tiệp Khắc vĩ đại Comenius. Cho phép tôi mượn dùng câu nói này hơn nữa dùng ngôn ngữ của tôi để kết thúc bài diễn văn đầu tiên của tôi: Hỡi nhân dân, chính phủ của các bạn đã trở lại với các bạn!

                         Tháng 1 năm 1990.

Diễn văn chúc mừng năm mới 1990, Vaclav Havel (phụ đề Anh ngữ). Nguồn YouTube

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Hồ Như Ý dịch từ bản Trung văn của Thôi Vệ Bình.

[1] Tomáš Garrigue Masaryk (1850 –1937) là chính trị gia, nhà xã hội học và triết gia người Tiệp Khắc và đế quốc Áo Hung, một người hăng hái ủng hộ nền độc lập của Tiệp Khắc trong thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, trở thành người sáng lập và làm tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc. Với sự sụp đổ Đế quốc Áo Hung năm 1918, phe Đồng minh công nhận Masaryk là người lãnh đạo chính phủ Tiệp Khắc lâm thời, và ngày 14.11.1918, ông được Quốc hội ở Praha bầu làm tổng thống Liên bang Tiệp Khắc. Masaryk được bầu lại làm tổng thống 3 lần: năm 1920, 1927, và 1934. Sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông là một trong những nhân vật chính trị đầu tiên ở châu Âu nói lên sự lo ngại.