Mỹ phải chuẩn bị chiến tranh chống Nga vì Ukraine

Evelyn N. Farkas | DCVOnline

Nếu Putin không bị làm nhụt chí chiếm thêm một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền nước khác, thì ông ta sẽ không dừng lại ở đó.

Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, lực lượng dự bị quân sự của Lực lượng Vũ trang Ukraine, tham gia cuộc tập trận gần Kiev vào ngày 25 tháng 12 năm 2021. SERGEI SUPINSKY / AFP VIA Getty Images

Xác xuất lớn hơn không, Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ tái xâm lược Ukraine trong những tuần tới. Là người đã giúp Tổng thống Barack Obama quản lý phản ứng của Hoa Kỳ và quốc tế đối với cuộc xâm lược đầu tiên của Nga vào Ukraine vào năm 2014 và nỗ lực của Mỹ để ngăn Moscow chiếm đóng toàn bộ Ukraine vào năm 2015, tôi thực sự lo âu bị thuyết phục về xác xuất này.

Tại sao? Tôi thấy mức độ và loại hình lực lượng do quân đội Nga huy động, các tối hậu thư do Putin và các viên chức chính phủ của ông đưa ra, lời lẽ hiếu chiến gần đây đã bão hòa đài phát thanh của Nga, và sự thiếu kiên nhẫn do ngoại trưởng của ông ấy bày tỏ ở những cuộc đàm phán. Thêm vào đó là sự lo lắng Putin có thể cảm thấy vì những cuộc biểu tình vào tuần trước ở Kazakhstan — và thành công của Moscow trong việc trấn áp chúng.

Nhưng lý do căn bản mà tôi nghĩ rằng các cuộc đàm phán với Nga sẽ thất bại là Hoa Kỳ và các đồng minh không có gì mà họ có thể đưa cho Moscow ngay lập tức để đổi lấy việc giảm leo thang.

Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn là đưa ra các tối hậu thư về các biện pháp cấm vậnt và trừng phạt kinh tế. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ nên thành lập một liên minh quốc tế gồm các lực lượng quân sự đồng lòng, sẵn sàng ngăn chặn Putin và nếu cần, để chuẩn bị cho chiến tranh.

Nếu Nga thắng thế một lần nữa, chúng ta sẽ vẫn bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng không chỉ đối với Ukraine mà còn về tương lai của trật tự toàn cầu vượt xa biên giới của quốc gia đó. Không bị kiềm chế, Putin sẽ di chuyển nhanh chóng, giành lấy một số lãnh thổ, củng cố lợi ích của Nga và đặt tầm nhìn vào nước vệ tinh tiếp theo trong trò chơi dài hơi của ông ta để khôi phục lại tất cả các biên giới trước năm 1991: phạm vi ảnh hưởng địa lý mà ông cho là đã bị tước bỏ một cách bất công khỏi nước Nga vĩ đại.

Thế giới sẽ theo dõi phản ứng của chúng ta. Bất kỳ sự chấp nhận nào sau đó đối với thắng lợi của Nga sẽ đánh dấu sự bắt đầu của sự kết thúc của trật tự thế giới. Nếu châu Âu, NATO và các đồng minh ở châu Á và các nơi khác không bảo vệ các nguyên tắc căn bản của Liên Hiệp Quốc về sự tôn nghiêm của biên giới và chủ quyền quốc gia, thì không ai sẽ làm. Mọi sự xoa dịu sẽ chỉ dẫn đến việc giành đất trong tương lai không chỉ từ Putin, mà còn do Trung Quốc đối với Đài Loan và các nơi khác. Và nếu các nền dân chủ trên thế giới thiếu ý chí chính trị để ngăn chặn những hành động xâm lấn, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sẽ sụp đổ. Liên Hiệp Quốc sẽ đi theo con đường của Hội quốc liên. Chúng ta sẽ quay lại các phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, cạnh tranh kinh tế và quân sự không khoan nhượng, và cuối cùng là chiến tranh thế giới.

Đúng, đây là điều thật đáng báo động, nhưng nó không phải là dể gieo hoang mang, sợ hãi. Chúng ta nên cảnh giác. Nga với vũ khí nguyên tử là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, hành động như thể không có trật tự quốc tế hoặc Liên Hiệp Quốc, phớt lờ các Công ước Geneva, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiệp định Helsinki hoặc bất kỳ chủ thể nào của các hiệp định khu vực mà Moscow đã ký kết.

Tôi tin rằng cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine thậm chí còn có khả năng xảy ra cao hơn sau khi chứng kiến các lực lượng Nga dập tắt các cuộc biểu tình hiện tại ở Kazakhstan. Các cuộc biểu tình ở Almaty và khắp cả nước có thể chỉ làm tăng thêm độ cảnh giác của Putin về các cuộc nổi dậy dân chủ, hay cái mà ông gọi là “cuộc cách mạng màu” và lập lại cam kết sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại họ trong toàn khu vực.

Việc tập hợp các lực lượng Mỹ và châu Âu ngày nay để đối phó với hành động xâm lược quân sự và chính trị của Nga phải được mô tả như thế nào: một cuộc chiến để bảo tồn trật tự quốc tế và Liên Hiệp Quốc được thành lập để bảo vệ trật tự đó, gồm cả NATO. Hãy nhớ rằng, liên minh phương Tây được thành lập dưới sự bảo trợ của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó công nhận vai trò của các tổ chức an ninh khu vực trong việc giúp giữ hòa bình. Nhưng gần đây các tổ chức đó và các quốc gia thành viên đã chứng tỏ họ không thể ngăn chặn sự bành trướng của Nga.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây 30 năm vào tháng trước, Liên bang Nga đã từng bước chiến đấu để duy trì và giành lại quyền thống trị của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô và Khối Đông Âu cũ, đặc biệt là sau khi Putin lên nắm quyền. Nga đã thiết lập các căn cứ quân sự ở Armenia, Georgia, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Belarus và Moldova. Nga khuyến khích những người ly khai ở Moldova và Georgia tạo ra các lãnh thổ ly khai và vào năm 2008 đã xâm lược Georgia, vẫn chiếm 20% lãnh thổ của nước này. Năm 2014, Nga xâm lược Ukraine và chiếm Crimea, tuyên bố biên giới Ukraine được quốc tế công nhận, từ đó được sửa đổi bằng vũ lực  quân sự. Đây là lần đầu tiên quân đội được sử dụng để thay đổi biên giới ở châu Âu kể từ khi Hitler xâm lược và chiếm đóng. Đó là một lời quở trách táo bạo đối với trật tự thế giới được thiết lập vào cuối Thế chiến thứ hai.

Liên hiêp quốc và cộng đồng quốc tế đã lên án thảm họa cướp đất năm 2014, giống như nó đã xảy ra khi Saddam Hussein xâm lược và âm mưu thôn tính Kuwait vào năm 1990. Trong trường hợp thứ hai, cộng đồng quốc tế yêu cầu Iraq rút quân ngay lập tức — và không dừng lại ở đó. Các quốc gia cho phép sử dụng vũ lực quân sự trong trường hợp Iraq từ chối rút quân vào tháng Giêng. 15, 1991. Cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc bảo vệ biên giới quốc tế và các quyền chủ quyền của Kuwait.

Ngược lại, khi Putin tạm dưng cuộc chiếm đất của ông ta ở Crimea, phần lớn cộng đồng quốc tế quyết định rằng mối đe dọa trước mắt đã không còn, hoặc chỉ giới hạn đối với người Ukraine. Do đó, nhân vật lãnh đạo Nga hiện đang đưa ra những yêu sách lớn hơn. Ông ta muốn có hai hiệp ước mới ngăn NATO chấp nhận các thành viên mới, đóng quân tại các quốc gia thành viên gia nhập sau năm 1997, đặt vũ khí nguyên tử trên lãnh thổ của các thành viên và bắt tay vào bất kỳ hoạt động nào ở Trung và Đông Âu và Trung Á.

Chúng ta bây giờ, như một cựu đại sứ Hoa Kỳ đã nói gần đây, “tại một thời khắc của sự thật.” Nếu Putin từ chối đàm phán về những thứ có thể thương lượng, như kiểm soát vũ khí, và kiên quyết cắt giảm tư cách thành viên NATO cũng như hoạt động và căn cứ quân sự, chúng ta sẽ bế tắc ngoại giao. Nếu điều đó xảy ra, phương án tốt nhất của chúng ta là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Cách duy nhất để khẳng định lại tính ưu việt của luật pháp quốc tế và tính tôn nghiêm của các biên giới quốc tế, đồng thời kiềm chế Nga, có thể là đưa ra tối hậu thư của chính chúng ta. Chúng ta không chỉ lên án việc Nga chiếm đóng trái phép Ukraine và Gruzia mà còn phải yêu cầu Nga rút quân khỏi cả hai nướcvào một ngày nhất định và tổ chức các lực lượng liên minh sẵn sàng hành động để thực thi nó.

Chắc chắn, Nga có vũ khí hạch tâm mạnh hơn Iraq của Saddam rất nhiều. Nhưng cha tôi 96 tuổii, người đã chứng kiến chiến tranh thế giới, tôi đã học được thành ngữ si vis pacem, para bellum: ai muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh. Chỉ có sự cân bằng về sức mạnh quân sự — lực lượng răn đe và ý chí chính trị phù hợp — mới có thể giữ cho chiến tranh ở mức thấp và động lực quân sự bị đóng băng.

Một tình trạng khủng khiếp có thể xẩy ra là người Mỹ, cùng với các đồng minh châu Âu của chúng ta, phải sử dụng quân đội của mình để đánh lui người Nga — ngay cả khi có nguy cơ trực tiếp chiến đấu. Nhưng nếu chúng ta không làm bây giờ, Putin sẽ buộc chúng ta chiến đấu vào một ngày khác, có khả năng là để bảo vệ vùng Baltic hoặc các đồng minh Đông Âu khác của chúng ta.

Khi các cuộc đàm phán trong tuần này kết thúc và Moscow chuyển quân về phía trước, Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới phải thực hiện tất cả các bước mà chính quyền Biden đã đề ra, gồm các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất cảng kỹ thuật và trang bị vũ khí cho Ukraine. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Biden nên đến Liên Hiệp Quốc ngay lập tức để tập hợp cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Chúng ta phải xây dựng một liên minh mới sẵn sàng thực thi chủ quyền quốc gia được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Tác giả | Tiến sĩ Evelyn N. Farkas từng là Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách Nga, Ukraine, Âu-Á trong chính quyền Obama, và là cựu cố vấn cao cấp của Tư lệnh Đồng minh Tối cao, NATO.

© 2021 DCVOnline   

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: The US Must Prepare for War Against Russia Over Ukraine | Evelyn N. Farkas |Global News | JANUARY 11, 2022