Ukraine — câu chuyện mà phương Tây không nghe thấy

Frank Gardner | DCVOnline

“Ukraine và đồng minh của họ, kể cả London, đang đe dọa Nga cả 1.000 năm qua, để đẩy NATO đến biên giới của chúng tôi, hủy bỏ nền văn hóa của chúng tôi — họ đã bắt nạt chúng tôi trong rất nhiều năm.”

Yevgeny Popov

Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bắc Kinh trước khi gặp với chủ tịch Trung Hoa và dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông 2022

Đó là những gì Yevgeny Popov, một dân biểu của Duma (Quốc hội) Nga và một người dẫn chương trình truyền hình có ảnh hưởng ở Nga, nói với BBC trong chương trình Ukrainecast vào ngày 19 tháng 4.

“Tất nhiên các kế hoạch của NATO đối với Ukraine là mối đe dọa trực tiếp đối với người dân Nga.”

Yevgeny Popov

Quan điểm của ông vừa đáng ngạc nhiên vừa mang tính khai sáng về nhận định rất khác biệt với những gì Điện Kremlin đã đưa ra, so với cách nhìn vấn đề  ở phương Tây. Với người châu Âu và phương Tây, những tuyên bố này nghe gần như không thể hiểu được, thậm chí còn bị coi thường một cách trắng trợn trước những bằng chứng được ghi chép cẩn thận. Tuy nhiên, đây chỉ là những niềm tin không chỉ của những người ủng hộ Điện Kremlin ở Nga — toàn bộ cộng đồng dân Nga — mà còn ở một số nước khác trên thế giới.

Sau khi Nga mở cuộc xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp — 141 quốc gia trong số 193 quốc gia thành viên LHQ đã bỏ phiếu một tuần sau đó để lên án hành động này. Nhưng một số quốc gia lớn đã chọn bỏ phiếu trắng, có cả Trung Hoa, Ấn Độ và Nam Phi. Vì vậy, sẽ là ảo tưởng nếu giới lãnh đạo phương Tây tin rằng toàn thế giới có cùng quan điểm với NATO — rằng Nga hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến thảm khốc này — bởi vì họ không nhận trách nhiệm đó.

Vậy tại sao rất nhiều quốc gia vẫn lưỡng lự không có ý kiến về cuộc xâm lăng của Nga?

Có nhiều lý do, thẳng thừng vì tư lợi kinh tế hoặc quân sự, cho đến việc cáo buộc phương Tây đạo đức giả đối với quá khứ thuộc địa của châu Âu. Không có một lý cớ chung thích hợp với tất cả những nước đó. Mỗi quốc gia có thể có những lý do riêng để không muốn công khai lên án Nga hoặc xa lánh Tổng thống Putin.

‘Không có giới hạn để hợp tác

Hãy bắt đầu với Trung Hoa, quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, hầu hết họ nhận tin tức về Ukraine từ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, giống như hầu hết mọi người dân ở Nga. Trung Hoa đã tiếp đón một vị khách cao cấp đến tham dự Thế vận hội Mùa đông của nước này ngay trước khi cuộc xâm lăng Ukraine bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, đó là Tổng thống Putin. Một thông cáo của Trung Hoa công bố sau đó cho biết “không có giới hạn trong sự hợp tác của hai nước”. Vậy liệu Putin có nói với Tập Cận Bình rằng ông ta sắp mở một cuộc xâm lăng toàn diện vào Ukraine hay không? Trung Hoa nói: Hoàn toàn không, nhưng thật khó để tưởng tượng rằng sẽ không có một chút gợi ý nào về những gì sẽ đến với một nước láng giềng quan trọng như vậy.

Trung Hoa và Nga một ngày nào đó có thể trở thành đối thủ chiến lược, nhưng ngày nay họ là đối tác và có chung thái độ coi thường, xung đột và thù địch, đối với NATO, phương Tây và các giá trị dân chủ của nó. Trung Hoa đã xung đột với Mỹ về việc họ mở rộng hoạt động quân sự ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã xung đột với các chính phủ phương Tây về cách đối xử với người Uighur của họ, sự phá vỡ nền dân chủ ở Hong Kong và lời thề thường xuyên lặp đi lặp lại của họ là “đưa Đài Loan trở lại Trung Hoa”, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Một người biểu tình cầm cờ Nga trong cuộc biểu tình kỷ niệm Pháp tuyên bố rút quân khỏi Mali

Vì vậy, Trung Hoa và Nga có một kẻ thù chung ở NATO, và thế giới quan của hai chính phủ này bao trùm lên người dân của cả hai nước với kết quả là, phần lớn, họ không chia sẻ sự ghê tởm của phương Tây đối với cuộc xâm lăng của Nga và cáo buộc tội ác chiến tranh.

Ấn Độ và Pakistan có lý do riêng của họ để không muốn chống lại Nga. Ấn Độ mua phần lớn vũ khí từ Moscow và sau cuộc đụng độ gần đây với Trung Hoa trên dãy Himalaya, Ấn Độ đang hy vọng rằng một ngày nào đó nước này có thể cần Nga làm đồng minh và người bảo vệ.

Thủ tướng mới bị lật đổ của Pakistan, Imran Khan, đã là một người chỉ trích phương Tây dữ dội, đặc biệt là Mỹ. Pakistan cũng mua vũ khí của Nga và nước này cần sự chúc phúc của Moscow để giúp bảo đảm những con đường thương mại vào vùng nội địa phía bắc Trung Á. Thủ tướng Khan đã xúc tiến kế hoạch đã có từ trước để gặp Tổng thống Putin vào ngày 24 tháng 2, đúng vào ngày Nga xâm lược Ukraine. Cả Ấn Độ và Pakistan đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của LHQ để lên án cuộc xâm lăng.

Đạo đức giả và tiêu chuẩn kép

Sau đó, có nhiều người, đặc biệt là ở các quốc gia đa số theo đạo Hồi, cáo buộc rằng phương Tây, dẫn đầu là quốc gia hùng mạnh nhất — Mỹ — phạm tội đạo đức giả và tiêu chuẩn kép. Năm 2003, Mỹ và Anh đã qua mặt LHQ — và phần lớn dư luận thế giới — xâm lăng Iraq với lý do bịa đặt, dẫn đến bạo lực kéo dài nhiều năm. Washington và London cũng bị cáo buộc đã giúp kéo dài cuộc nội chiến ở Yemen, bằng cách trang bị cho Không quân Hoàng gia Ả Rập Saudi, lực lượng thường xuyên tiến hành các cuộc không kích ở đó để hỗ trợ chính phủ chính thức của nước này.

Đối với nhiều quốc gia ở châu Phi, có những lý do khác, thậm chí lịch sử hơn. Vào thời Liên Xô, Moscow đã đổ vũ khí vào lục địa này khi nước này tìm cách đối đầu với ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây từ Sahara đến Cape. Ở nhiều nơi, di sản của quá khứ thuộc địa hóa của Tây Âu trong thế kỷ 19 và 20 là một nỗi căm phẫn kéo dài đối với phương Tây vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Pháp, quốc gia đã đổ quân vào Mali vào năm 2013 — để ngăn chặn một cuộc tiếp quản của Al-Qaeda trên toàn quốc — không được ưa chuộng ở thuộc địa cũ của Pháp. Vì vậy, bây giờ phần lớn quân đội Pháp đã rời đi, được thay thế bằng lực lượng lính đánh thuê Nga của Tập đoàn Wagner do Điện Kremlin hậu thuẫn.

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tươi cười vui vẻ tại Hội nghị thượng đỉnh giới lãnh đạo G20 năm 2018

Và Trung Đông đứng ở đâu về chuyện này? Không có gì ngạc nhiên khi Syria — cùng với Bắc Hàn, Belarus và Eritrea — đã hậu thuẫn cho cuộc xâm lăng của Nga. Tổng thống Syria Bashar Al-Assad phụ thuộc rất nhiều vào Nga để tồn tại sau khi đất nước của ông có nguy cơ bị các chiến binh IS đánh bại vào năm 2015. Nhưng ngay cả các đồng minh lâu năm của phương Tây, như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mặc dù họ đã ủng hộ cuộc bỏ phiếu của LHQ, đã tương đối thầm lặng trong những lời chỉ trích của họ đối với Moscow. Người cai trị trên thực tế của UAE, Thái tử Mohammed bin Zayed, có mối quan hệ tốt với Vladimir Putin — đại sứ trước đây của ông tại Moscow đã cùng ông đi săn với Putin.

Cũng cần nhớ rằng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Tổng thống Biden. Họ không ưa nhau, đến mức hai người được cho là từ chối nhận điện thoại của nhau. Trước đó, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Buenos Aires để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 — vào cuối năm 2018, chỉ vài tuần sau khi phương Tây cáo buộc thái tử Ả Rập Saudi ra lệnh ám sát nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi — hầu hết giới lãnh đạo phương Tây đã đối xử  lạnh lùng với thái tử Ả Rập Saudi. Ngược lại, Putin lại đánh giá cao ông ta. Đó không phải là điều mà người Ả Rập Saudi sẽ vội quên đi.


Vladimir Putin và thái tử Ả Rập Saudi

Những điều này không có nghĩa là tất cả các quốc gia đã đề cập ở trên đều tích cực hỗ trợ cuộc xâm lăng của Nga, ngoài Belarus. Chỉ có năm quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Nga vào ngày 2/3 tại LHQ, và một trong 5 nước đó là Nga. Nhưng điều có nghĩa là, vì nhiều lý do, phương Tây không thể cho rằng phần còn lại của thế giới có chung quan điểm với họ về Putin, cũng như về các lệnh trừng phạt, cũng như việc phương Tây sẵn sàng công khai đối đầu với cuộc xâm lăng của Nga bằng cách viện trợ vũ khí sát thương nhiều hơn bao giờ hết cho Ukraine.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Ukraine – the narrative the West doesn’t hear | Frank Gardner | BBC News | Apr 30, 2022.