Kissinger nói Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh

Timothy Bella | Trà Mi

Hôm thứ Hai cựu ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger nói Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để giúp chấm dứt cuộc xâm lăng, đề nghị điều mà đại đa số người Ukraine chống đối khi cuộc chiến bước sang tháng thứ tư.

Henry A. Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, hình chụp năm 2020. (Christoph Soeder / Picture Alliance / Getty Images)

Phát biểu trong một hội nghị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Kissinger kêu gọi Hoa Kỳ và phương Tây không nên đi tìm một thất bại đáng xấu hổ cho Nga ở Ukraine, cảnh cáo việc này gây ảnh hưởng xấu cho sự ổn định lâu dài của châu Âu.

Sau khi nói rằng các nước phương Tây nên nhớ tầm quan trọng của Nga đối với châu Âu và không nên bị cuốn theo “tâm trạng của thời điểm hiện tại”; Kissinger cũng thúc đẩy phương Tây buộc Ukraine phải chấp nhận đàm phán với một “status quo ante”, có nghĩa là trạng thái trước khi có cuộc xâm lăng. Theo Daily Telegraph, Kissinger, 98 tuổi, nói

“Các cuộc đàm phán cần phải bắt đầu trong hai tháng tới trước khi nó tạo ra những biến động và căng thẳng không dễ vượt qua. Lý tưởng nhất, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng như trước đây. Theo đuổi cuộc chiến ngoài thời điểm đó sẽ không phải là vì quyền tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga.”

H. Kissinger

“Tình trạng có trước” mà Kissinger, người từng là ngoại trưởng của Tổng thống Richard M. Nixon và Gerald Ford, đề cập đến là việc khôi phục tình trạng mà Nga đã chính thức kiểm soát Crimea và kiểm soát không chính thức hai vùng cực đông của Ukraine là Luhansk và Donetsk. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhấn mạnh một phần các điều kiện của ông để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga sẽ gồm cả việc khôi phục các biên giới trước khi xâm lăng.

Kissinger đưa ra lời bình luận khi giới lãnh đạo thế giới nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến mọi người phải đặt  lại câu hỏi về “toàn bộ trật tự quốc tế”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với giới lãnh đạo toàn cầu ở Davos rằng chiến tranh không chỉ là “vấn đề sống còn của Ukraine” hay “vấn đề an ninh châu Âu” mà còn là “nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng thế giới”. Bà than thở về “cơn thịnh nộ hủy diệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng nói rằng một ngày nào đó Nga có thể khôi phục vị trí của họ ở châu Âu nếu nước này “tìm đường trở lại với nền dân chủ, pháp trị và tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ quốc tế … bởi vì Nga là nước láng giềng của chúng ta.”

Đa số dân Ukraine đồng ý với Zelensky về việc không từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện trong tháng này cho thấy 82% người Ukraine không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ phần đất nào của Ukraine, ngay cả khi chiến tranh sẽ tiếp diễn. Chỉ 10% tin rằng việc nhượng đất là đáng để chấm dứt cuộc xâm lăng, trong khi 8% chưa quyết định, theo cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 13 tháng 5 đến thứ Tư tuần trước.

Số người thăm dò không gồm dân ở các vùng lãnh thổ không do chính quyền Ukraine kiểm soát trước ngày 24 tháng 2 — chẳng hạn như Crimea, Sevastopol và một số quận của vùng Donetsk và Luhansk. Cuộc thăm dò cũng không có những công dân đã ra nước ngoài sau ngày 24 tháng 2.

Nhận xét của Kissinger theo sau một bài xã luận gần đây của ban biên tập của New York Times cho rằng Ukraine sẽ phải có “những quyết định đau sót về lãnh thổ” để đạt được hòa bình. Hôm thứ Năm ban biên tập Times viết,

“Cuối cùng, chính người Ukraine phải lấy quyết định khó khăn: Họ là những người chiến đấu, chết và mất nhà cửa vì cuộc xâm lăng của Nga, và chính họ là người phải quyết định xem kết thúc của cuộc chiến sẽ như thế nào. Nếu xung đột dẫn đến các cuộc đàm phán thực sự, thì giới lãnh đạo Ukraine sẽ phải lấy những các quyết định đau sót về lãnh thổ mà bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng sẽ đòi hỏi.”

TNYT

Bài xã luận đã bị phản ứng dữ dội, từ cố vấn của Zelensky Mykhailo Podolyak; ông nói rằng “bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga không phải là con đường dẫn đến hòa bình, mà là một cuộc chiến hoãn lại trong vài năm.”

Trong bình luận hôm thứ Hai, Kissinger, một người ủng hộ lâu năm cho cách tiếp cận chính trị thực dụng, trong đó các quốc gia đặt mục tiêu thiết thực của họ lên trước đạo đức và nguyên lý, kêu gọi giới lãnh đạo châu, Âu đừng đánh mất vị trí của Nga ở châu Âu và có nguy cơ nước này thành lập một liên minh lâu dài với Trung Hoa. Theo Daily Telegraph, ông nói,

“Tôi hy vọng người Ukraine sẽ xứng đáng với sự anh hùng mà họ đã thể hiện bằng sự khôn ngoan.”

H. Kissinger

Giới phê bình đã mô tả những bình luận của Kissinger là cái mà người ta gọi là “một sự can thiệp đáng tiếc”. Inna Sovsun, một thành viên của quốc hội Ukraine, đã tố cáo quan điểm của Kissinger là “thực sự đáng xấu hổ!” Sovsun đã tweet

“Thật đáng tiếc khi cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ tin rằng việc từ bỏ một phần lãnh thổ có chủ quyền là một cách để mang lại hòa bình cho bất kỳ quốc gia nào!”

Inna Sovsun

Podolyak trở lại với điệp khúc rằng Ukraine không thể nhượng bộ lãnh thổ, ngay cả khi điều đó dẫn đến hòa bình, và nói rằng Ukraine “không đánh đổi chủ quyền đất nước để ai đó lấp đầy ví của họ.” Ông ấy đã tweet ra một bức ảnh cũ chụp Kissinger bắt tay với Putin hôm thứ Ba, với Podolyak nói rằng ông ấy tạ ơn trên vì những người Ukraine đang chiến đấu trong cuộc chiến đã không nghe theo đề nghị của nhà ngoại giao.

“Kissinger đề nghị cho Nga một phần lãnh thổ Ukraine để ngừng chiến tranh nghe cũng dễ như ông ấy để cho Nga chiếm Ba Lan hoặc Lithuania luôn. Thật may, người Ukraine trong chiến hào không có thời gian để nghe “những kẻ yếu bóng vía ở Davos”. Họ đang hơi bận với việc bảo vệ Tự do và Dân chủ.”

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Kissinger says Ukraine should concede territory to Russia to end war | Timothy Bella | The Washington Post | May 24, 2022