Trí thức phải là người biết ngượng (Kết)

Nguyễn văn Lục

past-fut“Anh thấy không, anh kêu tôi viết về tuổi trẻ, về tương lai, về một thế hệ mà đã hơn một phần tư thế kỷ mình không có ở đó, cái điều đó có thể cũng không sao, nhưng quan trọng hơn, là mình không dự phần, mình không chia sẻ, thì bây giờ viết cái gì bây giờ. Nhưng anh cứ nói cho tôi biết, tôi phải viết cái gì bây giờ?” – Cựu DB Nguyễn Hữu Chung.

3. Trí thức hải ngoại cảm tình hoặc theo Cộng Sản

Sau 1975, ai là những thành phần sinh viên phản chiến vẫn tiếp tục là cảm tình viên hay ngả theo Hà nội, hoặc đi theo Cộng Sản? Thực ra khó mà biết minh bạch ai tiếp tục theo Cộng sản và ai rút lui? Một phần không nhỏ những loại này đã chọn rút lui ra khỏi tổ chức, rút lui ra khỏi sinh hoạt của tổ chửc? Lý do của sự rút lui này có thể nay họ hiểu được thực chất của cuả cuôc chiến ấy, hiểu được sự phản bội của Cộng Sản đối với MTGPMN, chính sách hà khác trù dập đi học tập đối với miền Nam miền Nam Việt Nam, những thất bại trong chính sách phát triển kinh tế Việt Nam, v.v…

Có hai con đường lựa chọn: Chọn âm thầm rút lui, không công bố hay phát biểu điều gì. Một số không nhỏ đã chọn con đường này. Nam Dao là một trường hợp trong những trường hợp ấy. Nay anh dành trọn thì giờ cho văn học. Số ít ỏi còn lại, nay đã thành đạt, đã có nghề nghiệp chọn con đường hợp tác với chính quyền Cộng Sản hiện nay. Số trí thức ít ỏi này được anh Nguyễn Hữu Liêm gọi là trí thức “từ phía trái” với những tên tuổi nổi tiếng và quen thuộc: Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Hà Dương Tường, Trần Quốc Hùng, Vũ Xuân Hân… Đây là những trí thức thiên tả lừng danh một thời.

Nam Dao vủa ra mắt 3 tác phẩm do Người Việt xuất bản. Nguồn: nguoivietshop.com
Nam Dao vừa ra mắt 3 tác phẩm do Người Việt xuất bản. Nguồn: nguoivietshop.com

Tôi sợ rằng những lời tán tụng của anh Nguyễn Hữu Liêm có thể quá lời mà người đọc cảm thấy sượng sùng khi nghe những lời nói hoa từ như thế. Họ đã làm được điều gì để được gọi là lừng danh một thời?

Chúng tôi xin được bàn về hai điểm nhận định về các vị trí thức này thông qua buổi hội thảo Đà Nẵng kỳ hè 2005 vừa qua.

Hội thảo Hè 2005 do VAPEC (Vietnam  Asian - Pacific Economic Center), The  Vietnamese Heritage Institute, và Đại học Đà Nẵng đồng hỗ trợ. Chương trình sẽ có xe chở tham quan phố cổ Hội An, Bảo tàng Chàm, Non Nước…  Nguồn: nguoivienxu.vietnamnet.vn
Hội thảo Hè 2005 do VAPEC (Vietnam Asian – Pacific Economic Center), The Vietnamese Heritage Institute, và Đại học Đà Nẵng đồng hỗ trợ. Chương trình sẽ có xe chở tham quan phố cổ Hội An, Bảo tàng Chàm, Non Nước…Nguồn: nguoivienxu.vietnamnet.vn

Hội thảo Đà Nẵng dù chỉ của một nhóm trí thức trên dưới 30 chục người trong số hàng chục ngàn trí thức Hải Ngoai. Nó sẽ chẳng cần ai nói đến, vì dù sao, nó cũng biểu tỏ thiện chí muốn đóng góp điều gì của những vị ấy. Nhưmg vì được tổ chức ở Việt Nam nên có thể cần được nói đến.

Không biết ai là người đã đưa ra đề nghị tổ chức Hội Thảo Đà Nẵng và chính quyền Cộng Sản đã nhúng tay vào? Sự nhúng tay vào đã làm loãng tính chất “trí thức, khoa hoc thuần túy” như ông Cao Huy Thuần đã rêu rao. Mà làm sao có thể có một buổi hội thảo thuần túy khoa học ở Việt Nam? Cho dù không ở Đà Nẵng hay ở xó góc nào thì bàn tay lông lá cộng sản vẫn dính vào? Không ai có thể tin rằng sự có mặt của ông Võ Đại Lược trong ban tổ chức 15 người chỉ có tính cách thủ tục, xã giao? Các ông có thể hiểu như thế, nhưng người bàng quang ở ngòai thì không thể hiểu cùng một thứ ngôn ngữ như các ông được. Riêng ông Cao Huy Thuần là người phát ngôn ấn tượng trong buổi Hội Thảo này. Tôi nhận thấy ông có nhiều thay đổi đến lạ, khác trước nhiều, từ hồng sang đỏ đậm. Ngoài nhũng phát biểu trong Hội Thảo về “thư tình” cho đến cách thức ông vỗ tay tán thưởng những lời nói vàng ngọc của bà Tôn Nữ Thị Ninh đã được đo đếm cân đo tuồn ra ngoài đến nỗi tôi ngồi cách xa ông nửa vòng trái đất cũng cười.

Bà Ninh vàng ngọc thế này: <i>quyền lợi của dân tộc phải đặt lên chỗ cao nhất</i>, ngụ ý cao hơn cả quyền của đảng? Vỗ tay hoan hô. Nhưng nghe đề nghị lập lại tuyên bố này ở quốc hội, Ninh ngậm miệng, không trả lời.

Tôi thất vọng khi đọc bài Dân Chủ là gì và thế nào trong hoàn cảnh Việt Nam. Tôi có thể hiểu ý ông là đòi đa đảng lúc này có thể là điều không tưởng, nhưng không thể không đòi. Nhưng ông viết gần như áp đặt một lối lý luận thuận chiều. Công thức “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” mà ông dám hạ một câu “Tất cả giải pháp chính trị nằm sẵn đầy đủ trong đó”. Tôi đành chịu.

Tư cách là trí thức khuynh tả, hay phía trái. — Những người trí thức trên này thì những danh xưng phải trái tỏ ra không hợp thời nữa. Có vẻ còn trái cựa. Có vẻ đánh giá sai vai trò của họ. Có thể đẩy họ vào tư thế bị hiểu lầm, nghi kỵ của chính quyền Việt Nam. Thực tế mà nói, cho dù họ có thiện chí muốn mang trí tuệ, cái hiểu biết chuyên môn để đóng góp. Nhưng thử hỏi một cách cụ thể, đã trên 30 năm có lẻ, Họ đã đóng góp được gì? Và nhà nước chính quyền Cộng sản đã tiếp thu những đóng góp ấy như thế nào? Cụ thể như đóng góp về phát triển kinh tế, về cải tổ hành chánh, về quản lý, về tiền tệ. Quản lý ngân hàng, về bang giao thương mại quốc tế, về cải tổ giáo dục? Xin đừng kể nhiều. Kể một, hai trường hợp thôi. Họ vẫn kêu gọi Việt Kiều đóng góp chất xám. Nhưng khi đóng góp thì thường họ quẳng vào thùng rác những ý kiến đóng góp ấy. Đưa tiền thì họ hoan hỉ nhận. Ý Kiến thì hãy khoan.

Có lẽ sự đóng góp cụ thể nhất là của một số Việt Kiều hải ngoại, phần đông lại không phải trí thức tả hay hữu gì, chỉ là những chuyên viên hay người làm ăn buôn bán. Họ đã về. Những bước thử nghiệm sau hơn 30 năm kể là chậm. Cụ thể vẫn là nhỏ nhoi chưa đáp ứng lòng mong đợi của chính quyền so với lượng kiều hối hơn ba tỉ một năm.

Đồng tiền liền khúc ruột. Nhà nước đã hẳn không thể nào quay mặt để đọc một vài bài tham luận của đám trí thức về Hội Thảo ở Đà Nãng kỳ hè vừa qua.

Về tổ chức hội thảo Đà Nẵng: — Theo cái nhìn của một người phát ngôn viên là ông Cao Huy Thuần thì đây là một buổi hội thảo thành công:

“Đây là một sự kiện trí thức được dư luận đánh giá cao, nhưng nếu hội thảo thành công như thế, chính vì biết khẳng định lĩnh vực của mình là lãnh vực trí thức khoa học thuần túy. Chúng tôi không muốn báo chí tham dự, vì chuyện trí thức là chuyện bình thường, chuyện làm hàng ngày, hàng giờ, có gì chính trị mà phải phô trương? Trí thức không có cái gì đóng góp ngoài kiến thức và suy nghĩ.”

Ông Hoàng Ngọc Hiến coi cuốn sách đóng góp từ “Đông sang Tây” là một bó hoa khiến tôi nghĩ công việc làm của trí thức cũng thơm. Mùi thơm toát ra từ trái tim chúng tôi đấy. Thư tình mà. (Trích Bổ túc một bài phỏng vấn, Thời đại mới, tháng 11, 2005). Bó hoa đó đã có gì để sánh tầm với cuốn Tranh Luận để đồng thuận? Cuốn sách với sự góp mặt của những tên tuổi như Mai Chí Thọ, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Nguyễn Quang A, Nguyễn Mại, Tương Lai, v.v… Vậy mà theo Talawas.org trong lời chú thích đã tiết lộ “Có chỉ thị Miệng” nhất định cuốn sách không được phát thành rộng rãi. Hiểu như thế mới hiểu được câu nói: chúng tôi không muốn báo chí tham dự” của ông Cao Huy Thuần.

Thú thực, đọc xong đoạn văn này, tôi thấy ngượng đến sượng sùng. Tôi không tài nào viết được như vậy. Chỉ có các ông, các bà mới có can đảm viết được như vậy.

Tôi có thể đồng ý với ông Cao Huy Thuần ở một điểm là mặt tổ chức thật chu đáo. Về nhân sự với 15 người trong ban tổ chức như quý ông từng nổi tiếng một thời như Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Giao, Võ Đại Lược, Trần Hữu Dũng, Trần Hải Hạc, Mai Đức Lộc, Ngô Vĩnh Long, v.v… Ngô Thanh Nhàn. Về ông Nhàn, tôi mới nhận được một lá thư gửi cho tôi viết như sau:

You mentioned Kim Phuc, the ‘napalm girl’. Please be aware that TS Ngo Thanh Nhan and his American wife, are instrumental in getting her out of Vietnam, to Germany for treatments (…) then into the US to be helped by anti-war US veterans who then worked Clinton to obtain normalization of relations with Viet Nam. I read about this in the book.

The Girl In The Picture, Denise Chong   Nguồn: amazon.com
The Girl In The Picture, Denise Chong
Nguồn: amazon.com

Chính trị nó rắc rối thế đấy.

Chu đáo vì có thêm ông Võ Đại Lược, một cán bộ cao cấp của Hà nội, ông Lược nằm trong ban Nghiên cứu, Văn phòng Thủ Tướng. Ngay buổi hội thảo đầu tiên, ông Lược ra quân đầu tiên với bài: Những vấn đề phát triển ở Việt Nam. Giải pháp. Bên cạnh đó, người điều hành liên lạc cũng là người của chính quyền là ông Mai Đức Lộc, cơ quan: 080 51173, di động:0903584237. Đúng là “hội thảo thuần túy trí thức, thuần túy khoa học”. Về chiêu đãi ăn uống thì như sau: Trưa: VAPEC Đà Nẵng chiêu đãi. Tối 28-7-2005: UNND thành phố Đà Nẵng chiêu đãi. Thứ sáu: Trưa VAPEC Trung Ương chiêu đãi Tối: Ban Nghiên cứu Văn phòng Thủ Tướng chiêu đãi. Thứ bảy: Ban Nghiên cứu Văn phòng Thủ Tướng chiêu đãi. Tối: UBND tỉnh Quảng Nam chiêu đãi.

Mỗi bữa ăn là một món nợ đấy. Người nào đã trót ăn là tự gánh vào thân mình một món nợ phải trả. Tiền máy bay gần 2000 đồng, tiền Hotel cũng 7, 80 chục đô la/một ngày tự mình bỏ túi ra trả. Có đáng gì 4 bữa ăn khoảng 40 chục đồng?

Chúng ta đừng quên rằng, tất cả những người thuộc chính quyền như bà Tôn Nữ Thị Ninh v.v. đều được chính quyền trả các chi phí di chuyển Hotel và tiền bỏ túi nữa. Đó là một cuộc phô diễn Dân chủ chẳng tốn kém là bao.

Khi mà sau 25 năm, trẻ con Đồng bằng sông Cửu Long vần chân đất, chân không tới trường. Khi mà ở vùng đất mũi Cà Mâu, có một lớp học “độc đáo” mà thầy học vấn chưa qua hết lớp bảy, còn trò là những đứa trẻ không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không cha mẹ, mưu sinh trên bãi rác. Khi mà đem bia ôm gái điếm, đố vui học trò. Khi mà quyết định của Bộ Giáo Dục và đào tạo vào ngày 22/12/2004, phán rằng những sinh viên Đại học, Cao đẳng hệ chính quy từ khóa tuyển sinh 2002 phải thi tốt nghiệp các môn Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một môn học mà thày không muốn dạy và trò thì không muốn học (Lý Chánh Trung). Định chế đã có sẵn như thế qúy vị chỉ cho tôi biết, buổi hội thảo cuối cùng vế giáo dục, quý vị đạt được kết quả gì? Khi mà như thế thì một trí thức thay vì thuyết trình hội thảo, phải biết ngượng. Và tôi nghĩ rằng, có nhiều người trong bọn họ cũng nhận thức được tính cách vô bổ, trang trí, đánh bóng, ngôn ngữ và lối nói sạch, viết sạch và điều hệ trọng nhất là không bao giờ họ dám đối đầu với sự thật hay với thực tế.

J.P. Sartre đà nhận xét mỉa mai như thế này:

Trước một kẻ đang đói ăn mà đưa cho hắn đọc cuốn Les mains sales của tôi thì là một điều bỉ ổi.

Cảnh đó cũng y hệt diễn ra ngay trước của Hotel quý vị đang ở. Trẻ em thất học đang bu quanh quý vị như đàn nhặng, vậy mà quý vị có can đảm bàn về tương lai giáo dục Việt Nam… trong đó có chúng nó dự phần.

Nhưng trong số những vị trí thức ấy, ít ra, tôi cũng nhìn thấy được một vị dám nhìn nhận một sự thật. Mặc dầu ông nói về một trường hợp khác. Ông Phong Quang, (bút danh của Trần Hải Hạc, cùng thực hiện “Từ Đông sang Tây” với Nguyễn Tùng, Vĩnh Sính, Cao Huy Thuần – NXB Đà Nẵng, 2005):

Nguồn: NXB Đà Nẵng
Nguồn: NXB Đà Nẵng

“Của đáng tội, đó là nói theo pháp lý: Những điều chúng tôi viết ra là những điều chúng tôi biết/nghĩ là thực. Nhưng chúng tôi (it nhất là tôi) đã từng nói dối “Par omission”, bằng cách câm miệng, không viết về một số sự việc, không nói lên một ý nghĩ, cảm xúc của mình.”

Về những đề tài thuyết trình trong các buổi hội thảo — Đó là những đề tài liên quan đến lý thuyết chung chung, vô tội vạ. Điều mà nhà nước cần, nhà nước muốn. Sau đó nhà nước sẽ cho vào thùng rác. Số phận những bài viết tham luận đã được an bài rồi. Chẳng hạn bàn về các vấn đề chính sách kinh tế nói chung. Ông Vũ Quang Việt nói về phát triển, bà Lê Anh Tú Packard: Chính sách tiền tệ, ông Đỗ Mạnh Hùng: Tìm chỗ đứng cho công nghệ, Vũ Xuân Hân: Chuyển giao công nghệ. Về giáo dục thì như vừa nói ở trên. Thêm vào bài của ông Ngô Thanh Nhàn và và Ngô Trung Việt: bàn về giáo dục chữ Nôm, Trần Hải Hạc thì bàn về: Khái niệm bóc lột từ học thuyết Mác.

Tôi không được trực tiếp dự hội thảo, nhưng có mày mò kiếm được vài bài để đọc. Những bài viết như thế, mang đi đâu hội thảo cũng được. Nhưng bảo rằng, những bài đó có giá trị tham khảo (research), giá trị thực tế thì hoàn toàn không có. Bởi vì, các vị đó không có đủ điều kiện dữ kiện (données/data) để làm việc. Nếu có viết chỉ là viết mò. Cho nên các vị ấy chỉ bàn cãi về lý thuyết, tránh thực tế để yên thân. Lấy tỉ dụ, tôi dám chắc không có quý vị nào có thể đưa ra những câu hỏi thông thường sau đây. Cần bao nhiêu tiền để giải quyết vấn đề cơ sở, trường ốc. Vấn đề lương bổng giáo chức. Vấn đề chất lượng giảng dạy và đào tạo. Vấn đề sách giáo khoa. Vấn đề thi cử. Vấn đề bằng giả. Vấn đề gian lận, tham nhũng trong thi cử. Vấn đề chương trình. Có bao nhiêu học sinh không đến trường học ngay từ tiểu hoc. Lý do tại sao? Đừng vội bàn đến Giáo dục và kinh tế thị trường v.v. Xa quá. Đụng vấn đề nào là cứng họng, không trả lời được. Bế tắc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Sự phá sản các giá trị tinh thần, đạo đức. Cán bộ giáo dục ngu dốt, mù tịt. Lãnh đạo vừa mù tịt, vừa bất lực, vừa vô trách nhiệm.

Còn các vị trí thức. Họ ngồi ở ngoại quốc, tư cách gì bàn về những vấn đề ấy? Cần hàng 10 ngàn chuyên viên khảo sát, thu tập dữ kiện làm việc liên tục trong vài năm may ra có đầy đủ data để có cơ sở làm việc. Hiện nay, các báo cáo các phúc trình chỉ là những dữ kiện phi thực, báo cáo láo.

Ấy là chưa kể có vị đi hội thảo như một cơ hội trình diễn, cơ hội xuất hiện, cơ hội làm quen. Không có đến một xấp giấy trắng nói chi đến một tài liệu. Đầu óc rỗng tuếch. Tôi nghi ngờ thật sự về tinh thần làm việc, về trách nhiệm tinh thần, về khả năng làm việc v.v. Đừng bắt tôi nói ra.

Đất nước mình nó như thế ấy.

Để chấm dứt bài viết này, xin gửi đến quí vị trí thức trong nhóm trí thức phe hữu thân chính quyền hiện tại ở Việt Nam, thư của một người viết trước khi chết hai tháng, dân biểu Nguyễn Hữu Chung:

Cựu DB Nguyễn Hữu Chung. Nguồn: ViVi Võ Hùng Kiệt
Cựu DB Nguyễn Hữu Chung. Nguồn: ViVi Võ Hùng Kiệt

“Bác sĩ cho moa 12 tháng, moa sài hết 6 tháng rồi. Anh kêu tôi viết, tôi cám ơn anh, nhưng tôi nghĩ mình viết cái gì bây giờ? Mình viết về một dân tộc mà mình biêt có một phân nửa. Mình viết về thế hệ tương lai, tính từ 75. đã một thế hệ sanh ra và lớn lên mà cả hai thế hệ này nó không biết mình là ai, mà mình cũng không biết nó là ai?

Anh thấy không, anh kêu tôi viết về tuổi trẻ, về tương lai, về một thế hệ mà đã hơn một phần tư thế kỷ mình không có ở đó, cái điều đó có thể cũng không sao, nhưng quan trọng hơn, là mình không dự phần, mình không chia sẻ, thì bây giờ viết cái gì bây giờ. Nhưng anh cứ nói cho tôi biết, tôi phải viết cái gì bây giờ?”

(Trích một lá thư gửi Đoàn Minh Hóa, chủ nhiệm, chủ bút Tạp chí Đi Tới, Montréal, Québec, Canada)

Làm người trí thức, trước hết là phải biết ngượng.

Đọc phần I

© 2006-2015 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”