Khuyển nho hóa Chủ nghĩa yêu nước
Lưu Hiểu Ba | Hồ Như Ý dịch
Mùa xuân năm nay, vở kịch nói “Che Guevara” đổ bộ và gây tiếng vang lớn ở thủ đô. Trung tuần tháng 5, tôi cũng đến Nhà hát kịch Nhân Nghệ Bắc Kinh để xem náo nhiệt.
Chủ nghĩa yêu nước như thế này
Đây là một vở kịch tư tưởng điển hình, Che Guevara không phải là một con người mà chỉ là danh từ đại diện cho “cách mạng” hay “tạo phản” mà thôi, cuộc đời huyền thoại của Che Guevara đã trở thành tuyên ngôn cho cuộc cách mạng không bao giờ chấm dứt. Toàn bộ vở kịch được tạo nên từ những khẩu hiệu dưới cách hình thức khác nhau và những biện luận, nó đem lại cho tôi cảm giác rằng, nói thưởng thức nghệ thuật kịch nói, không bằng nói đang đi xem một buổi diễn thuyết có tính kích động, mị dân cao độ.
Điều làm tôi ngạc nhiên không phải là quần chúng đi xem kịch đông đảo, càng không phải là loại “cách mạng”, “tạo phản” điên cuồng xuyên suốt vở kịch, mà là sau khi vở kịch trình diễn kết thúc, biên đạo và các diễn viên tham gia vở diễn đối thoại với người xem. Trong đó không chỉ có một sinh viên nhắc tới ngày 8 tháng 5 năm 1999, kỷ niệm tròn một năm ngày Hoa Kỳ ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrad, Nam Tư. Có một sinh viên nói:
“Tôi cảm thấy hết sức đau buồn, bởi vì vào ngày 8 tháng 5 năm nay, trong khuôn viên trường hết sức tĩnh mịch yên lặng; trong khi đó ngày 8 tháng 5 năm ngoái, các trường đại học ở Bắc Kinh tiếng người sôi trào ầm ĩ. Có lẽ nào ngày quốc nhục lại có thể dễ dàng bị bỏ quên như thế sao?…”
Khi cậu ta đang nói tới lúc kích động, người dẫn chương trình bèn tìm một lý do chặn lại phát biểu của cậu sinh viên, có lẽ là vì nguyên nhân câu hỏi như vậy thuộc về chủ đề nhạy cảm.
Những sinh viên này đều không có bao nhiêu những ấn tượng, ghi nhớ về những tai nạn, thảm họa trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng lại khắc cốt ghi tâm như vậy đối với sự kiện ngày 8 tháng 5 năm 1999. Thể loại chủ nghĩa dân tộc “thà làm gia nô, không chịu nhục nhã của nước ngoài” như vậy, vừa vặn chứng minh sự thành công lớn của chính sách cưỡng ép nhồi sọ tẩy não về ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người phát ngôn chính phủ Trung Quốc, động một tí là chỉ trích hành vi của một chính phủ nước nào đó “Tổn thương sâu sắc tỉnh cảm dân tộc của nhân dân Trung Quốc”. Từ thất bại của Bắc Kinh trong việc đăng ký tổ chức đăng cai Olympic năm 1993 cho tới khi Hoa Kỳ ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư, từ Hong Kong quay về với Trung Quốc cho tới bầu cử tổng thống Đài Loan, những cảm xúc chủ nghĩa yêu nước trở thành công cụ do chính phủ dẫn dắt với thành công một mũi tên hạ hai con chim: Về đối nội, trở thành lý do biện hộ cho tính chính danh hợp pháp của trật tự chuyên chế với đường lối “ổn định là trên hết” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng trở thành phù hiệu ý thức hệ để chỉnh hợp, động viên ý kiến người dân. Về đối ngoại, trở thành cái cớ nhằm đối kháng với bá quyền và diễn biến hòa bình của phương Tây, cũng trở thành căn cứ cho hành động không từ bỏ biện pháp sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan. Giữa tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia và lực gắn kết dân tộc cùng duy trì ổn định xã hội và sự an toàn của chính quyền, cơ hồ có mối quan hệ nhân quả không cho phép bất cứ nghi ngờ và phản bác nào cả. Trong số “năm cơn sốt” ý thức hệ theo cách nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì chủ nghĩa yêu nước đứng thứ nhất, đảng, nhân dân, chủ nghĩa xã hội đều phải xếp sau nó.
Nhưng điều quan trọng nhất là yêu nước và yêu đảng chính là một bởi vì “Đảng cầm quyền chính là nhà nước” là chính thống của cách mạng Trung Quốc trong thời kỳ cận đại và hiện đại.
Nhà cách mạng tiên phong Tôn Trung Sơn tiên sinh sáng lập ra thể chế đảng quốc, Trung Quốc Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy rằng đánh nhau một mất một còn, thể chế đảng quốc lại là di sản chính trị mà Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông cùng nhau kế thừa từ Tôn Trung Sơn.
Tuy nhiên, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc lại là tín đồ của chủ nghĩa thực dụng cực đoan, hoàn toàn không có ý định tuân thủ nguyên tắc của chủ nghĩa yêu nước trong các trường hợp tranh chấp liên quan đến chủ quyền và tôn nghiêm dân tộc. Khi tiến hành xử lý các tranh chấp quốc tế mà không tạo nên mối uy hiếp đối với sự ổn định của chính quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện ra một hình mẫu đặc biệt hào phóng và bình tĩnh lý tính thậm chí đem lại ấn tượng là thờ ơ không thèm để ý tới hay là trơ ra như gỗ. Ví dụ như sự kiện thảm sát Hoa Kiều ở Indonesia, sự kiện “Đảo Điếu Ngư”, tranh chấp Biển Nam Trung Hoa, tranh chấp biên giới Trung Quốc Ấn Độ và tranh chấp biên giới Trung Quốc Liên Bang Nga…
Chỉ cần là những nơi công cộng, bất luận là các quan chức chính phủ hay người dân thường, bất luận là các tỉ phú triệu phú hay những người nổi tiếng ở các lĩnh vực văn hóa, đều thể hiện ra lập trường yêu nước hoàn toàn nhất trí với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay những câu chữ nhằm biểu đạt cảm xúc về chủ nghĩa dân tộc thì ngàn câu như một.
Con gái Đặng Tiểu Bình là Mao Mao (tên thật Đặng Dung) viết “Cha tôi”, ngay trên trang bìa đã thể hiện ra chủ nghĩa yêu nước phong cách Đặng Tiểu Bình: “Tôi là con của nhân dân Trung Quốc, tôi có tình yêu thương sâu sắc đối với tổ quốc và nhân dân của tôi.”
Giang Trạch Dân trên các bài diễn văn, phát biểu ở những nơi công khai, đoạn kết thường cao giọng đọc lên: “Dân tộc Trung Hoa vĩ đại, nhân dân Trung Quốc vĩ đại là bất khả chiến bại!”
Trong buổi chiêu đãi phóng viên, Chu Dung Cơ khi nói tới thời thanh niên nghe “Hành khúc nghĩa dũng quân” thì lệ nóng rơi đầy mặt, máu nóng bốc lên khắp người.
Thứ có thể diễn đạt rõ ràng nhất sự nhất trí bề mặt này, chắc chắn đó là trong những phỏng vấn mọi loại đối tượng thường xuất hiện trên truyền hình; có phỏng vấn đối với những công nhân, nông dân ngoại tỉnh mỗi buổi sáng đều xem nghi thức kéo quốc kỳ; có phỏng vấn với nữ cường nhân làm cho doanh nghiệp nước ngoài Ngô Sĩ Hồng, có phỏng vấn đối với học giả nổi tiếng Phiền Cương và đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca… những người này tuy thân phận khác nhau, nghề nghiệp và địa vị xã hội khác nhau, nhưng khi thốt ra những hào ngôn tráng ngữ về chủ nghĩa yêu nước thì không có sự khác nhau nào khi so sánh với những bài xã luận đăng trên Nhân Dân Nhật Báo. “Tăng cường sức ngưng tụ dân tộc”, “tăng cường sức mạnh quốc gia” trở thành những ngôn từ quan trọng được người người đều biết trong thời đại Giang Trạch Dân, tần suất xuất hiện của nó không thấp hơn “Ba nội dung giáo dục” và “thuyết Ba đại diện”.
Lương Hiểu Thanh, Lưu Hằng và một loạt những tác gia nổi tiếng khác, trong cơn bão về sự kiện ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc, tuy cách xa cả một Thái Bình Dương nhưng đã phẫn nộ chỉ trích Clinton. Ở một nơi ra vào tự do như Hong Kong, học giả nổi tiếng Cam Dương, là người sau sự kiện Lục Tứ 1989 đã từng lưu vong đến Hoa Kỳ, anh ta ngoài việc to tiếng chửi bới Hoa Kỳ, còn đem một số ít những thành phần trí thức là những người còn có lý tính chửi là “giặc bán nước”. Từ những ngôn từ như vậy, đích thật có thể cảm thấy họ tự nhận mình là những người có lời nói và hành động đầy dũng khí và đạo đức chính nghĩa. Nhưng bọn họ chưa bao giờ có những hành động đầy dũng khí và phẫn nộ đối với hành vi coi thường và đẫm đạp lên nhân quyền của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi những thuyết giáo chủ nghĩa yêu nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc được dùng trong quan hệ quốc tế, luôn là tuân theo thứ triết học khuyển nho cực đoan không có nguyên tắc – gặp được kẻ mạnh thì thỏa hiệp khi đàm phán, gặp kẻ yếu thì lên giọng cứng rắn. Khi đối diện với một Hoa Kỳ thực lực hùng mạnh, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chơi con bài bỉ ổi “dùng đối thoại thay thế cho đối kháng”. Nhận thấy tình hình nhân quyền ở Trung Quốc Đại Lục ngày càng tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng xấu, tại hội nghị Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ đưa ra nghị án lên tiếng khiển trách chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc nằm ở thế bị động về đạo đức, một mực hô hào dùng đối thoại thay thế cho đối kháng, hơn nữa trong bóng tối thì chơi bài thị trường thương mại, lợi dụng lợi ích kinh tế để mua chuộc sự ủng hộ của quốc tế. Ngược lại khi đối mặt với một Đài Loan nhỏ yếu, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc liền chơi bài uy hiếp “không đưa ra lời hứa từ bỏ vũ lực”. Đài Loan nói chế độ dân chủ không cách nào tiến hành thống nhất được với chế độ chuyên chế, tiền đề cho thống nhất là chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ chuyên chế độc đảng, thực thi chế độ dân chủ tự do, bảo vệ và tôn trọng nhân quyền thì chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc liền không còn nhắc tới “dùng đối thoại thay thế đối kháng” nữa. Ngược lại họ sử dụng uy hiếp vũ lực thay thế cho đối thoại, gần dây lại tăng thêm đe dọa về kinh tế, tuyên bố rõ ràng không cho phép những thương nhân ủng hộ phong trào đòi độc lập cho Đài Loan gia nhập thị trường Trung Quốc Đại Lục. Thật ra Hoa Kỳ và Đài Loan đều hướng về chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa ra một yêu cầu giống nhau – từ bỏ chuyên chế độc đảng. Tại sao chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn đối thoại với Hoa Kỳ mà không muốn đối kháng, nhưng đối với Đài Loan lại là đối kháng mà không phải là đối thoại?
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn mồm nói rằng thống nhất là xuất phát từ đại nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, lẽ nào chỉ bởi vì Đài Loan quá mức nhỏ yếu, đến ngay cả giới hạn đỏ ở ngoài bộ mặt về chính nghĩa cũng không cần nữa sao? Loại chủ nghĩa khuyển nho trần trụi này làm sao có thể giành được sự ủng hộ của người dân Đài Loan? Làm thế nào để giành được sự tín nhiệm cuả cộng đồng quốc tế?
Loại chủ nghĩa yêu nước cứng cỏi về mặt ngoài nhưng trong xương cốt lại khiếp nhược như vậy của người dân Trung Quốc Đại Lục, đích thật là có những lúc làm cho dư luận quốc tế không biết đường nào mà lần. Mấy năm trước, cuốn sách “Trung Quốc có thể nói không” đã gây nên sự chú ý. Người Mỹ cũng phải ngạc nhiên quá đỗi, với sự hiểu biết nông cạn về người Trung Quốc, đã làm cho đại diện chính phủ Hoa Kỳ là Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã phải ra mặt, với bộ mặt nghiêm túc đã hẹn gặp một số nhà sách cá thể rất thành thạo lý luận Hậu Hắc Học mặt dày tim đen. Trong con mắt của chính phủ Hoa Kỳ, có vẻ như cuốn sách này chính là đại biểu cho dân ý Trung Quốc, trong khi đó động cơ lúc ban đầu của những thương gia bán sách kia chỉ là muốn kiếm tiền. Trong lúc nói chuyện nghiêm túc với người Mỹ họ đã bước lên bậc thang chủ nghĩa yêu nước; hơn nữa tự vỗ ngực xưng rằng chủ nghĩa yêu nước của họ không phải là đại diện cho chính phủ, mà rằng đại diện cho tiếng hô hào của người dân. Giới truyền thông Trung Quốc đem lần nói chuyện này xào nấu thành biểu hiện đối với tôn nghiêm dân tộc.
Nói cách khác, Hoa Kỳ các anh thật sự coi trọng chúng tôi, thì chúng tôi cũng không thể không xem trọng chính mình. Sóng gió mà sự kiện ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc vào năm ngoái đã gây nên làn sóng chống Mỹ phản đối phương Tây ở Trung Quốc Đại Lục. Với một chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ nhất sinh viên và người dân thành thị xuống dường đi biểu tình, lần này đã phá lệ ân chuẩn cho những cuộc biểu tình thị uy với thanh thế to lớn ở Bắc Kinh và một loạt các thành phố lớn khác. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc và các lãnh sự quán trở thành cái đích ngắm của công chúng. Đến kỳ bầu cử ở Đài Loan năm 2000, những phát ngôn mang tính đe dọa từ phía chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như việc tích cực tìm kiếm nâng cấp trang bị quân sự, gần đây Trung Quốc và Liên bang Nga cùng nhau đưa ra tuyên bố chung phản đối TMD, NMD của Hoa Kỳ. Một loạt những vi của chính phủ và phản ứng giống như từ phía người dân thực chất là những cảm xúc hành động đối kháng hay thù hận được thao túng từ phía chính phủ nhằm vào các quốc gia Phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ, dẫn tới người Phương Tây và đặc biệt là người Mỹ đã đem Trung Quốc trở thành kẻ thù giả tưởng có sức uy hiếp lớn nhất, dẫn tới sự bất mãn tăng cao từ nội bộ Hoa Kỳ đối với chính sách Trung Quốc của chính quyền Clinton. Kỳ trăng mật ngắn ngủi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào năm 1998 đã đặt nền móng cho “mối quan hệ hợp tác chiến lược” giữa hai quốc gia trở thành “ mối quan hệ đối thủ chiến lược”. Đối với vấn đề Trung Quốc gia nhập WTO và có nên hay không trao tư cách PNTR cho Trung Quốc, nội bộ Hoa Kỳ đã diễn ra một cuộc tranh luận lớn chưa từng có liên quan tới quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ, việc này gần như là lần biện luận có mức độ tham dự rộng lớn nhất về vấn đề quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ kể từ khi tổng thống Hoa Kỳ Nixon thăm Trung Quốc.
Tuy rằng thể chế mang tính huy động của Trung Quốc đã làm ra một loạt động tác mang tính cứng rắn trên bề mặt, đưa tới một loạt lý do đầy đủ chứng minh cho “thuyết đe dọa Trung Quốc” trên trường quốc tế, nhưng dùng sự hiểu biết của cá nhân tôi đối với lịch sử quan hệ đối ngoại của Trung Quốc và kinh nghiệm bản thân khi sinh sống ở Đại Lục, tôi lại không để ý lắm đến “thuyết đe dọa Trung Quốc” này.
Ý thức về “thiên hạ” với tư duy thiên triều nước lớn trong mấy nghìn năm, đã tạo nên một bản tính dân tộc tự cao tự đại kiêu căng hợm mình một cách thâm căn đế cố; sự sỉ nhục gần một trăm năm đã tạo nên cảm giác tự ti dân tộc sỉ nhục hóa’ sự kết hợp của ý thức truyền thống duy ngã độc tôn và kinh nghiệm hiện đại khắp nơi đều không bằng người khác, đã tạo nên chủ nghĩa dân tộc khuyển nho hóa. Trên mặt ngoài thì nhất định giữ vững tự tôn của văn minh cổ quốc, kiêu ngạo và ương nghạnh, ở bên trong xương cốt lại không cách nào thoát khỏi sự tự ti, sính ngoại và khiếp nhược “Đông Á bệnh phu”.
Khi đối diện với người dân trong nước, chế độ chuyên chế tàn bạo khi yên vị với địa vị nô lệ thì vỗ về dân chúng; khi không giữ được địa vị nô lệ thì dùng bạo lực đối đãi dân chúng; khi đứng ở vị trí làm chủ thì bỏ qua không nhìn tất cả, làm nô lệ cũng không có bất cứ tôn nghiêm nào; khi đối diện với sự bá quyền thực dân từ bên ngoài, không thèm nói đạo lý mà chỉ dựa vào thực lực; khi không có uy hiếp đến lợi ích bản thân thì bài ngoại một cách mù quáng, xem tất thảy của văn hóa ngoại lai là dã man.
Một khi cảm thấy lợi ích thiết thân bị đe dọa thì ngay cả đám liền trở thành nô lệ Tây Dương hay Hán gian. Dưới tình hình không có lực đẩy từ phía bên ngoài, bất luận là phản chuyên chế trong đối nội hay chống xâm lược về đối ngoại, người Trung Quốc có rất ít thời khắc dựa vào nỗ lực bản thân để thu được thành công. Trong lịch sử cổ đại đã từng có hai lần bị dị tộc thống trị, đều là bọn Man Di nhỏ bé trong mắt đám nho sinh đã dùng vũ lực chinh phục văn minh đại quốc, trong khi đó người Trung Quốc hiện tại lại đem Thành Cát Tư Hãn và Khang Hy Đại Đế đem làm anh hùng dân tộc của người Hán.
Trong lịch sử cận đại, mấy ngàn binh lính phương Tây đã có thể đạp phá Thiên Tân Bắc Kinh, nổi lửa đốt đi Viên Minh Viên. Nhật Bản nhỏ bé, đầu tiên vốn bị người Trung Quốc không xem vào mắt đã dùng hạm đội trang bị kém hơn, đánh bại Thủy sử Bắc Dương của đế quốc Đại Thanh, tiếp theo đó lại chiếm lĩnh hơn nửa Trung Quốc. Thắng lợi của chiến tranh kháng chiến chống Nhật Bản, bất quá là vật phẩm đi kèm của phe Đồng Minh trước thắng lợi với phe Trục mà thôi. Thậm chí kỳ tích kinh tế và chính trị của Đài Loan hiện đại nếu như không có Hoa Kỳ ủng hộ, thúc đẩy, bảo vệ cũng như gây áp lực thì rất khó có thể tưởng tượng ra. Sự phồn vinh, tự do của Hong Kong nếu như không có nền tảng thống trị của Anh Quốc trong hơn 100 năm thì càng là không có khả năng. Thời khắc mà người Trung Quốc có đầy đủ trí tuệ và dũng khí nhất, là thời khắc nhằm tranh đoạt hoàng quyền và duy trì hoàng quyền mà chém giết lẫn nhau, xa xôi thì có lịch sử thay đổi triều đại chém giết đẫm máu, gần thì có thời quân phiệt hỗn loạn chém giết tranh giành địa bàn kiểu Xuân Thu Chiến Quốc. Thật không dễ dàng mới nhảy lên được chuyến xe thắng lợi của quân đồng minh ở Thế chiến thứ hai, Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc lại động binh đao nhằm tranh đoạt quyền thống trị độc đảng tuyệt đối. Quy mô của nội chiến Quốc Cộng vượt xa hơn nhiều so với kháng chiến chống Nhật Bản, trong ba đại chiến dịch, quân đội Trung Quốc Cộng sản động một chút là tiêu diệt hàng chục vạn quân, trong khi đó ở chiến tranh chống Nhật, trận đánh nổi tiếng nhất của quân đội cộng sản là “Bình Hình Quan” và “Bách đoàn đại chiến” với tổng số quân bị tiêu diệt cũng mới có mấy nghìn người.
Hãy nhìn một chút vào hiện thực trước mắt.
AP Archive. Published on Jul 21, 2015
Vào năm 1999 xảy ra vụ việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị ném bom nhầm, những sinh viên tham gia biểu tình chống Hoa Kỳ hôm nay khi những người này còn phẫn nộ giơ cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu, giơ nắm đấm, ném gạch đá và cả những chai nhựa chứa đầy nước tiểu vào Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Qua vài hôm thì họ lại sẽ đến Đại sứ quán Hoa Kỳ làm thủ tục xin visa sang Hoa Kỳ du học. Nghe nói rằng khi bên trong khuôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ còn chưa dọn dẹp xong, khắp nơi bừa bộn thậm chí một số nơi còn sặc mùi nước tiểu, thì dòng người xin visa đã xếp thành một hàng dài, nhân viên bên trong Đại Sứ Quán đã không nhịn được, nói, “Xin lổi.”
Tháng 3 năm nay, Bắc Kinh tổ chức cuộc triển lãm giáo dục du học tự túc sang Hoa Kỳ, trong đó sự đông đúc chen lấn thì có thể so sánh với cảnh người dân đi tàu hỏa trong kỳ vận chuyển dịp tết hay còn gọi là Xuân Vận ở các ga tàu. Người dân thành Bắc Kinh cũng không còn để ý đến sự nho nhã lễ nghĩa khi sống dưới chân thiên tử nữa rồi; họ giống như những công nhân nông thôn lên thành phố tìm việc tranh trước chen sau, anh đẩy tôi kéo như vậy, làm cho cả một buổi triễn lãm trở thành tai họa vì quá nhiều người tham gia. Đơn vị tổ chức triển lãm không thể không tạm dừng lại, chỉnh đốn trật tự. Khi đài truyền hình Bắc Kinh BTV đưa tin về việc này, đặc biệt đã mời một người nước ngoài phụ trách triển lãm đã khuyên người Trung Quốc không nên nhắm mắt đưa tay quá mức tin tưởng vào giáo dục Hoa Kỳ, khi tiến hành lựa chọn sang Hoa Kỳ đi du học cần có quyết định bình tĩnh và lý tính, nếu không thì được sẽ không bằng mất.
Từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Urumqi, từ quảng trường đến Thanh Hoa Viên (1), từ thanh niên đang tìm việc làm cho đến binh sĩ Giải Phóng Quân, từ những đứa trẻ mới ra đời cho đến những ông bà cụ già, một Lý Dương với chương trình “Tiếng Anh điên cuồng” nổi tiếng khắp Trung Quốc. Đến đâu, trong âm thanh huyên náo của hàng nghìn hàng vạn người điên cuồng gọi tên và vẫy chào, họ đều nói một cách có khẩu khí rằng:
“Các bạn từ nhỏ lớn lên đã nói tiếng Hán, cơ thịt ở mồm mép các bạn đã cố định đóng khung trở thành cơ thịt nói tiếng Hán. Chương trình tiếng Anh điên cuồng của tôi, không phải là để cho các bạn ghi nhớ thêm vài từ đơn tiếng Anh, mà là huấn luyện cho các bạn hệ thống cơ thịt phát âm. Nhưng mà tôi không phải là đem các bạn huấn luyện thành những người có cơ bắp của người Mỹ, cũng không phải là cơ thịt của người Anh, mà đem các bạn huấn luyện trở thành cơ bắp quốc tế.”
Bởi thế, anh ta căn cứ vào khẩu hình và vị trí đầu lưỡi trong phát âm tiếng Anh, tự soạn ra một loạt những động tác phối hợp với cánh tay. Như vậy huấn luyện ra cơ bắp quốc tế, chính là cùng với Lý Dương hô lên những từ đơn tiếng Anh có đầy sự kích thích, ví dụ “I am a Stupid “, “I like crazy ”, “I am the shit”, “I like to lose my face”.
Trên Vạn Lý Trường Thành, một đám binh sĩ cùng với Lý Dương hô lên “PLA are Great Wall”… cơ bắp quốc tế thể hiện ra tình cảm của chủ nghĩa yêu nước, cũng có thể thật sự biến thành Vạn Lý Trường Thành.
Gần đây, cuốn “Bảo bối Thượng Hải” bị Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm phát hành. Tác phẩm này sở dĩ có thể gây chú ý được nhất thời, chính là nằm ở chỗ có được phong cách “chuẩn Hippi”, các nhân vật của nó tất cả mọi thứ – từ ăn uống đi lại cho tới tinh thần đều là mô phỏng của phương Tây rất “cool”, trên mình khoác những bộ cánh nhãn hiệu phương Tây; những quán bar kiểu Tây tô điểm cho cuộc sống về đêm; âm nhạc Phương Tây ửa sang tô vẽ thêm cho tình tiết câu chuyện; những giá trị đen tối của Phương Tây tiêm nhiễm cho linh hồn trầm luân; ngay cả cách quan hệ tình dục, đê mê, cao trào đều là được tạo ra bởi dương vật của đám Tây trắng; tự yêu bản thân một cách cực đoan khác người cũng do một nhân vật nữ da trắng có xu hướng đồng tính nữ hoàn thành; câu văn dẫn thuật mở đầu mỗi chương đều là đến từ các tác phẩm của tác giả, nhà thơ, triết gia, nữ tu Phương Tây… Cảm giác sau khi đọc tác phẩm này, có một chút giống như trải qua đêm giáng sinh ở trong một quán bar nào đó trên đất Trung Quốc Đại Lục.
Lại là trong thời gian gần đây, cái chết bi thảm của 58 người Phúc Kiến trong khoang hàng đông lạnh trên xe tải khi vượt biên phi pháp từ Bỉ sang Anh. Nhưng mà, bất kể là chết bao nhiêu người, người dân Trung Quốc Đại Lục vẫn không tiếc bỏ ra hàng chục nghìn đô la Mỹ, nhẫn nhục chịu đựng sự lừa gạt của đám xã hội đen và mạo hiểm sinh mạng của mình, từng đợt từng đợt đi xuống về phía biển… Sau nhiều thảm án chết người diễn ra, người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc có hay không thừa nhận thân phận những nạn nhân tử vong là người Trung Quốc, sau khi chân tướng được phơi bày và không thể giở trò vô lại, thì họ lại chỉ trích rằng những thế lực chống Trung Hoa mượn cớ những thảm án do vượt biên trái phép để làm âm mưu chính trị, nhưng lại không hề phản tỉnh đề cập đến trách nhiệm cần có của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với sự việc này.
Vẫn là gần đây, dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm bàn luận ầm ĩ rất náo nhiệt sự kiện có ba kiện đồ cổ quốc bảo bên trong Viên Minh Viên quay về nước trong quang vinh. Những nhân viên có liên quan của tập đoàn Bảo Lợi cùng với hơn 100 phóng viên cùng ra sân bay đón chào, sang tới ngày thứ hai thì tin tức này đã trở thành một hành động được biểu thị như để rửa sạch sỉ nhục đối với những phần tử theo Chủ nghĩa yêu nước, chiếm vị trí trang trọng trên trang đầu của hầu hết những cơ quan truyền thông thủ đô, nhất trí khẳng định tập đoàn Bảo Lợi là chú trọng đại nghĩa dân tộc mà coi nhẹ lợi ích thương nghiệp. Tuy nhiên, điều mà ai cũng biết rõ ràng, ba kiện bảo vật có từ thời Càn Long triều Thanh còn lâu mới được xem là trân bảo nghệ thuật, quốc bảo cấp một hoàn toàn là giám định bởi chính trị. Đối với sự kiện mà giao dịch lợi ích chính chính trị là đầu tiên này, ngoại trừ Cục văn vật quốc gia phá lệ tổ chức buổi họp báo công bố tin tức đầy tình cảm kích động, không hề có bất cứ một cá nhân nào liên quan đến sự việc này phải bỏ ra cái giá gì cả. Nhưng kết quả thì lại là cùng thắng win win: người thu được lợi ích nhỏ hơn là tập đoàn Bảo Lợi, tiêu tiền của quốc gia để mua cho mình được danh tiếng tốt là Chủ nghĩa yêu nước lại có được hiệu ứng quảng cáo thương hiệu. 20 triệu đô la Hong Kong đã đưa nhà bán đấu giá trở thành kẻ thu lợi lớn nhất vì giá khởi điểm chỉ là 2 triệu đô la Hong Kong. Thậm chí có người nói rằng khi ban đầu giá trị ước đoán chỉ là 100 nghìn mà thôi. Trong khi đó ở trong lòng đất và trên mặt đất Trung Quốc Đại Lục, có bao nhiêu vật phẩm trân quý cần được đầu tư khai quật và bảo vệ. Năm ngoái, khoản tiền mà nhà nước dùng để khai quật và tu sửa lăng vua của vương triều Tây Hạ mới chỉ có 10 triệu Nhân Dân Tệ. Ở nơi đó với diện tích ước chừng hơn 10 km2 với hơn 300 ngôi mộ cổ, cách ngày nay đã gần 1000 năm lịch sử. Trong khi đó dưới con mắt của người Trung Quốc, giá trị còn thua xa không bằng đầu của ba tượng đồng thú vật đời Thanh.
Gây nghi ngờ nhất là những kẻ có tấm lòng yêu nước nhưng lại cầm trong tay thẻ xanh và thay đổi quốc tịch của mình với tên gọi “Hải ngoại xích tử”, trong số bọn họ có nhiều người ở lại Trung Quốc Đại Lục trong thời gian dài, ngôn từ và hành động không có sự khác biệt nào lớn so với người dân Đại Lục. Về biểu hiện bề mặt thì nói rằng vì báo đáp tổ quốc mà từ chối lương cao và điều kiện làm việc sinh sống ưu đãi, nhưng trên thực tế thì bọn họ giống hệt như những thương nhân nước ngoài xem trọng thị trường Trung Quốc, không ngoài việc nhân lúc tình hình chính trị còn ổn định để tới Trung Quốc Đại Lục kiếm một mớ tiền. Bọn họ vừa có thân phần là nhà đầu tư nước ngoài, lại vùa có quan hệ nhân mạch rộng với thị trường Trung Quốc Đại Lục hơn nữa hiểu rõ quy tắc trò chơi ở đây, với một Trung Quốc Đại Lục đang trong thời kỳ thị trường hóa quyền lực và tư hữu hóa của tầng lớp tư bản đỏ thân hữu được tiến hành nở rộ như pháo hoa, cơ hội làm giàu phát lên thành tỉ phú chỉ trong một đêm luôn luôn nhiều hơn hẳn so với những thị trường nước ngoài có nền tảng pháp luật kiện toàn. Đánh thắng thì lưu lại, đánh không thắng thì bỏ chạy. Tình thế ổn định thì yêu nước, tình hình nguy ngập thì lên máy bay bỏ chạy. Cơ hội làm giàu với bảo hiểm hai chiều như vậy thì sao lại không gọi người ta trở thành “hải ngoại xích tử”, muốn không yêu nước có được không? Tiền bạc lại không đồng ý như thế.
Sự thực có sức thuyết phục nhất nói rõ bản chất khuyển nho Chủ nghĩa yêu nước của người Trung Quốc Đại Lục, vẫn là làn sóng di cư và chuyển dời tẩu tán tài sản sang các quốc gia phương Tây của giới chức cán bộ cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc và các tỉ phú, trong đó mức độ cuồng nhiệt thì quyết không kém chút nào so với những cuộc vượt biên phi pháp có mức độ nguy hiểm cửu tử nhất sinh của đám dân đen. Làm không tốt thì lại có con quỷ xui xẻo nào đó lại trở thành một Hồ Trường Thanh thứ hai trong vở kịch chống tham nhũng hủ bại. Với con số lên tới hàng nghìn quan chức tham nhũng trốn tới các quốc gia phương Tây, cán bộ cấp cao cấp tỉnh ở Trung Quốc thì cơ hồ đều có con hay hay người thân sinh sống ở Hoa Kỳ hay các quốc gia Phương Tây, hoặc là đi học hoặc kinh doanh hay là người nhàn hạ đi du lịch, mục đích cuối cùng là di dân, ít nhất là cũng làm cho được tấm thẻ xanh. Một báo cáo nghiên cứu dày 156 trang do Khoa kinh tế trường Đại học Bắc Kinh công bố cho thấy, Trung Quốc Đại Lục trong khoảng thời gian từ 1997 đến 1999 có 98.8 tỉ USD chảy ra khỏi Trung Quốc, người dân Trung Quốc ở Hoa Kỳ một khi ra tay là đưa cả cục tiền hàng chục nghìn đô la mua nhà to, du thuyền, siêu xe… đã không còn là tin tức mới lạ.
Đã đủ rồi, ngày nay diện mạo xấu xí của những quốc dân theo chủ nghĩa yêu nước đều có thể gặp ở bất cứ đâu. Chủ nghĩa yêu nước giống như những khẩu hiệu mà chính quyền hô hào, bất quá chỉ là công cụ mưu lợi cho đảng phái, các tập đoàn và lợi ích cá nhân mà thôi. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc làm sao có thể dùng chủ nghĩa yêu nước được khuyển nho hóa để làm nền móng dân ý để tranh thủ lấy tính cầm quyền hợp pháp chứ? Nhìn từ loại chủ nghĩa yêu nước này thì làm sao có thể hy vọng nó sinh ra sự ngưng tụ của sức mạnh dân tộc? Tuy nhiên, hiện thực ở Trung Quốc Đại Lục chính là như vậy, linh hồn của người dân Đại Lục chính là như vậy, ngoại trừ quyền lực và tiền mặt, không có bất cứ thứ gì có thể thật sự hấp dẫn bọn họ. Ngoại trừ mưu lợi cho chính bản thân mình, cái gì cũng không thể đánh động họ. Ngoại trừ chuyên chính cường quyền, bọn họ không sợ gì cả. Sự nhồi nhét và giáo điều của ý thức hệ do chính phủ cưỡng ép cũng chỉ là hư danh mà thôi. Đạo đức chính nghĩa của dân chủ tự do từ các phong trào dân sự xã hội cũng không có cơ hội đến gần họ. Công cuộc cải cách ở Trung Quốc Đại Lục có hay không tiến lên phía trước, hầu như không có bất kỳ yêu cầu đạo đức chính nghĩa nào có thể cung cấp động lực thúc đẩy, mà hoàn toàn dựa một cách trần trụi vào sự thúc đẩy của lợi ích, chính là sự tính toán của các giai tầng trong xã hội đối với chi phí và lợi ích thu được của chính bản thân họ, hơn nữa, đầu tiên còn được quyết định bởi sự cân bằng trong trò chơi quyền lực giữa lợi ích thiết thân của tập đoàn cầm quyền và các tập đoàn lợi ích đặc thù.
Viết ngày 24 tháng 7 năm 2004 tại nhà riêng ở Bắc Kinh.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Trung Văn, Lưu Hiểu Ba, “Lưỡi gươm đơn tẩm thuốc độc: Phê phán chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đương đại”. Nhà xuất bản Boda. 2006. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ bản của người dịch.
(1) Thanh Hoa Viên: 清华园 vốn là vườn hoàng gia của nhà Thanh, về sau được quy hoạch làm trường Đại học Thanh Hoa.
LƯU HIỂU BA VÀ CHE GUEVARA
Một thời nổi tiếng hai người
Một người chân thật một người cuồng si
Lưu Hiểu Ba từng sinh viên
Nhưng rồi chín chắn thật lòng nhiều hơn
Trong khi Che Guevara
Phùng mang trợn mắt ba hoa đủ điều
Cực đoan khuynh hướng làm liều
May chi kết quả thì mình ra Ông
Tưởng đâu da sắt xương đồng
Cuối cùng bị giết trong rừng Bresil
Kiểu toàn “cách mạng” về chiều
Hăm he lật đổ hò reo mọi trò
Fidel Castro sừng sỏ hét hò
Che Guevara cũng vậy một thời huênh hoang
Loại anh hùng náo rõ ràng
Trong khi đích thật chỉ Lưu hiểu đời
NGÀN DẶM
(13/9/17)