Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p4b)

Nguyễn Văn Lục

Ông Lý Chánh Trung. Nguồn BBC

Khi tôi đang viết bài này thì được biết thêm là nhà sử học Sophie Quinn-Judge, tác giả cuốn “Ho Chi Minh: The Missing Years, 1919-1941”, cho ra mắt cuốn “The Third Force in the Vietnam War: The Elusive Search for Peace 1954-85”.

Tìm hiểu một số nhân vật tiêu biểu trong tiến trình từ phản chiến sang lực lượng thứ ba đến ngả theo cộng sản

Đây cũng là những đóng góp thêm vào các bài đã viết của Ngô Vĩnh Long, “Vài nhận xét về “thành phần thứ ba” và “hòa hợp, hòa giải dân tộc”” (Tạp chí Thời đại mới, số 21, Tháng 5, 2011). Ngô Vĩnh Long đã cẩn thận cho vào trong ngoặc các cụm từ trên.

Đến bài của Hoàng Chí Hiếu, “Lực lượng thứ ba trong phong trào đô thị miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp định Paris (27.1.1973) đến Đại thắng mùa xuân 1975”, Văn hoá Nghệ An, 27 Tháng 5 2015. Tác giả viết về đến vai trò của lực lượng thứ ba kể từ sau Hiệp Định Paris.

Và ở phần trước đã nhắc đến bài viết quan trọng có giá trị thực tiễn của Nguyễn Ngọc Giao nhan đề “Quan hệ về tổ chức giữa phong trào Việt Kiều và đảng cộng sản Việt Nam”, Tạp chí Thời đại mới, Số 9, Tháng 11/2006.

Qua bài phỏng vấn tựa đề ‘Lực lượng thứ Ba mong có hòa bình cho Việt Nam’ của đàì BBC tiếng Việt với tác giả Sophie Quinn-Judge ngày 30 tháng Tư, 2017 bà cho biết trọng tâm của cuốn sách mới của bà nói về những nhóm tại miền Nam được gọi là lực lượng thứ ba. Và bà đã có dịp gặp một số người trong nhóm này như Nguyễn Hữu Thái, Cao Thị Quế Hương, Ngô Bá Thành cũng như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Hồ Ngọc Nhuận và Lý Quý Chung.

Theo bà, trong số những người được nhắc tới thì họ đều có lòng trung thực và hy sinh. Và thực sự họ muốn hòa giải hòa hợp và thật đáng buồn sự từ chối này đến từ chính quyền Sài Gòn và những người bảo trợ phương Tây ở Washington, D.C..

Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt quan điểm của bà còn đúng sai lại là chuyện khác. Người Mỹ nói chung, các nhà viết sử cách đây 20 năm nói riêng, thường ít chú trọng đến quan điểm chính thức của VNCH. Ví dụ bộ phim “Vietnam: A Television History (1983)” của do WGBH-TV ở Boston thực hiện  và nay, 2017, là bộ phim “Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick. Tuy nói về chiến tranh Việt Nam, nhưng chỉ nói từ một phía hay cùng lắm nói về phía bên kia, hoặc như trường hợp cuốn sách của bà Sophie Quinn-Judge.

Trong phần này, tôi thử mang nhận xét của bà Sophie Quinn-Judge cho họ là những người “trung thực và hy sinh”, và thử đánh giá một vài khuôn mặt nêu trên.

Cho đến ngày 5-10-1973, lần đầu tiên có buổi ra mắt công khai trước báo chí Quốc Tế tại khách sạn Continental, Sài Gòn do bà dân biểu Kiều Mộng Thu tổ chức để mừng bà Ngô Bá Thành vừa được thả ra, chưa mấy ai được nghe đến 4 chữ “Thành phần thứ ba”. Cũng chính trong buổi lễ này, bà Kiều Mộng Thu kêu gọi, “hai bên miền Nam Việt Nam tôn trọng thành phần thứ ba ngang nhau, vì đó là một thực thể chính trị.” Lời kêu gọi của bà Kiều Mộng Thu chỉ là lập lại quan điểm chính trị của Hà Nội, muốn dùng lực lượng thứ ba trong việc thương lượng mặc cả với người Mỹ

DB Kiều Mộng Thu (bìa phải hàng sau), DB Ls Trần văn Tuyên (ngồi giữa, hàng trước), kế bên là DB Trần Văn Sơn (mặc veston, cầm giấy, Hải quân Trung tá, bút danh sau 1975 là Trần Bình Nam) và những dân biểu đối lập khác trong cuộc tuyệt thực 24 giờ trước thềm quốc hội để phản đối cái họ gọi là “Chính quyền tham nhũng, không hiệu quả và áp bức” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại Sài Gòn, ngày 10 tháng 2, 1975. Một dân biểu cầm bảng với ảnh TT Thiệu bị gạch chéo với hàn chữ: “Còn Thiệu là còn chiến tranh, nghèo đói. Thiệu phải từ chức” trước một bàn thờ có lư và chân đèn cầy với một tu sĩ Phật giáo. Nguồn ảnh: AP Photo / Ut

Từ đó bắt đầu đẻ ra rất nhiều tổ chức như Mặt trận Nhân dân cứu đói với đại đức Thích Hiển Pháp làm chủ tịch, Phan Khắc Từ làm phó chủ tịch và một số tên tuổi khác hỗ trợ như TT Thích Quảng Long, Ni sư Huỳnh Liên với các dân biểu Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, bà Ngô Bá Thành, v.v..

Rồi Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù tại miền Nam do Chân Tín làm “chủ tịch”., Hội bảo vệ nhân quyền và dân quyền tại Việt Nam.

Còn có một số tổ chức khác như Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống bà Ngô bá Thành sáng lập, Phong trào thi hành Hiệp định Paris, Mặt trận nhân dân cứu đói, Mặt trận các tôn giáo vì Hòa Bình hòa hợp và hòa giải do Dương Văn Minh sáng lập.

(Ngô Vĩnh Long, “Vài nhận xét về “thành phần thứ ba” và “hòa hợp, hòa giải dân tộc.”” ibid.)

Theo Ngô Vĩnh Long, sau tháng 41975, các tổ chức trên bị giải thể, “Ngày 2 tháng 5 năm 1975, chính phủ mới đã ra lệnh giải tán tất cả các tổ chức chính trị được thành lập dưới chế độ cũ.”

Mặc dầu là những tổ chức phèng la, nhiều khi chỉ có danh xưng mà không thực lực, nhiều người có tên trong nhiều tổ chức và cũng không có hoạt động gì cụ thể. Nhưng về mặt tuyên truyền thì khá lợi hại, nhất là về mặt quốc tế.

Phải nhìn nhận, sự đóng góp của lực lượng thứ ba trong việc phá rối miền Nam thật không nhỏ. Nó làm ung nhọt chế độ. Nhưng sau 1975 thì tự các phong trào ấy đều đã bị nhà cầm quyển CSVN giải thể. Phần thưởng duy nhất thưởng cho họ là chuyến đi thăm miền Bắc một lần rồi thôi. Amen.

Chẳng lẽ, sau 1975 phụ nữ còn đòi quyền sống? Chẳng lẽ sau 1975 mà còn có Ủy Ban cứu đói? Hoặc Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù?

Các tổ chức ấy trước 1975 kèn trống, phèng la ầm ĩ. Sau 1975 đều thầm lặng lui vào bóng tối mà không có lấy một lời phản đối, ta thán nào.

Bởi vì nếu còn nói đến Lực lượng thứ Ba thì như thế sẽ làm giảm hào quang của kẻ thắng cuộc? Chiến thắng Điện Biên Phủ sau này có nhắc nhở xa gần gì đến sự giúp đỡ tài trợ, huấn luyện ngay cả sự có mặt của hơn 300.000 quân Trung cộng với sự chỉ huy chiến lược của các tướng lãnh Trung Cộng đâu.

Những kẻ hy sinh tính mạng như thành phần thuộc Mawht trận Giải phóng miền Nam còn bị xoá sổ thì nói chi đến Lực lượng thứ Ba.

Cho nên những lời nói vuốt đuôi muộn màng sau này của Phạm Văn Đồng, của Võ Văn Kiệt, của Nguyễn Thị Bình có thay đổi được gì số phận của nhóm Lực lượng thứ Ba? Ai tin cộng sản được thì cứ tin. Tài liệu sách lịch sử chính thức cũng không có một chữ về thành phần lực lượng này.

Họ bị xóa sổ ngay khi cộng sản chiếm được miền Nam. Số phận họ ra sao, xin nói đến ở phần kết luận.

Trường hợp Lý Chánh Trung, trung thực và hy sinh?

Trước khi viết về Lý Chánh Trung, tôi xin được trích dẫn một vài câu thơ của Đỗ Trung Quân, đã từng là Thanh niên Xung phong, từng khoác áo bộ đội, đã từng viết những câu thơ ngọt ngào như:

“… Quê hương mỗi người chỉ một”
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ”

Nhưng sau này, vẫn Đỗ Trung Quân, trong bài “Tạ lỗi Trường Sơn” lại có những câu thơ đầy phẫn nộ và ai oán.


“…Tội nghiệp những ông cha rời khỏi nhà dòng
Áo chùng đen đẫm máu
Tội nghiệp những chiến trường văn chương, thi ca, sách báo
Những vị giáo sư trên bục giảng đường
Ưu tư nhìn học trò mình nhiễm độc…”

Ở một đoạn khác, Đỗ Trung Quân viết trong phẫn nộ:

“… Các anh đến
Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác
Của xì ke, gái điếm, cao bồi
Của tình dục, ăn chơi
“Hiện sinh – buồn nôn – phi lý!!!”
Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy
Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ
Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”
Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc
Ngòi bút các anh thay súng
Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi
Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ
Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản…”

“…Các anh ngông nghênh tuyên ngôn “khôn và dại”
Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”
Các anh cũng chạy đứt hơi
Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ …”

Cuối cùng thì tác giả nhận ra rằng, ”Chúng mày nói phét, chúng mày lừa ông”. Người Sài gòn xưa đọc Đỗ Trung Quân thấy thơ “hết xảy”

(Phạm Đức Nhì, “Tạ Lỗi Trường Sơn: Bài Thơ Ngược Dòng Nóng Bỏng”, blog phamnhibinhtho.blogspot.com, 15 tháng 7, 2016).

Hình như trường hợp Lý Chánh Trung đã không được bà Sophie Quinn-Judge nhắc đến? Đi tìm lại tiến trình “lột xác” của Lý Chánh Trung, qua phỏng vấn và tài liệu, tôi được biết như sau.

Lý Chánh Trung mặc dầu sinh đẻ ở Saigòn nhưng ngay từ khi còn nhỏ đã về sống ở quê ngoại là tỉnh Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 204 cây số. Không thấy ông nhắc gì đến một lần về người cha ruột mà phần lớn ông chỉ nhắc về những kỷ niệm với bà ngoại và ông ngoại . Sau đó ông được gửi ra Huế học trường Providence (Thiên Hựu). Ai trả tiền tiền học phí cho ông? Năm 1945, rồi Cách mạng tháng 8. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông lại có cơ hội quay về quê ngoại và chính ở nơi đây, vào lúc 17 tuổi, ông đã gia nhập Thanh niên Tiền Phong. Khi Nam Bộ kháng chiến, ông tình nguyện gia nhập du kích địa phương (đoàn thanh niên Tiền phong địa phương cải tiến).

[Rất nhiều nguồn khác, Từ diển Bách khoa Toàn thư mở là một, ghi nơi sinh của ông Lý Chánh Trung là Trà Vinh. Cha của ông Lý Chánh Trung (1928-2016) là ông Lý Chánh Thế (1896-1930); ông Lý Chánh Thế qua đời khi ông Lý Chánh Trung 2 tuổi. Nguồn: Gia đình Tìạ Trung — Trà Vinh. – DCVOnline]

Tất cả sự hăng say thời tuổi trẻ là điều cũng dễ hiểu và cũng là chuyện mà nhiều người trẻ khác cũng đã làm như vậy. Sau đó, ông được học bổng du học Bỉ. Ai ký giấy phép, ai dỡ đầu? Ở Bỉ 6 năm, ông có bằng cử nhân triết, sau đó soạn tiểu luận tốt nghiệp văn bằng cử nhân về Mounier, một triết gia của chủ nghĩa nhân vị, đối đầu với chủ nghĩa cộng sản. (Tóm tắt Bách Khoa TĐ, CCCXII: “Đàm thoại với Lý Chánh Trung, Sống và viết”, 1969, trang 37-45)

Khi có Hiệp định Genève ông trả lời, “Vả chăng lúc đó là thời kỳ Hiệp Định Genève 1954 nên tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào mà ở lại làm luận án nữa, tôi về nước.”

Đối với cộng sản, Lý Chánh Trung đưa ra quan điểm của ông: “Nhìn vào quá trình tranh đấu của họ, tôi rất phục. Nhưng tôi không thể chấp nhận một số phương pháp của họ.” (Bách Khoa T.Đ, Ibid., trang 40)

Mặc dầu được hưởng mọi thứ bổng lộc từ miền Nam thuộc Pháp mà ông chưa hề bao giờ biết chối từ và dĩ nhiên cả miền Nam của Việt Nam Cộng hoà, nhưng ông chưa bao giờ biết đền ơn đáp nghĩa. Ông còn định viết về thời gian sống dưới chế độ ông Diệm là: “Những năm ảo tưởng” để đối lại với cuốn sach của Đoàn Thêm, “Những ngày chưa quên.” ghe câu này thì đúng là phường “ăn cháo đái bát”.

Căn nhà ông ở Thủ Đức là một biệt thự loại sang thuộc làng Đại Học Thủ Đức do chính quyền VNCH dành cho giáo sư đại học.

Bách khoa đã hỏi khéo Lý Chánh Trung như sau:

“Anh có một căn nhà đẹp đẽ, yên tĩnh, rộng rãi như thế nay lại có cây cối, cỏ hoa, thật là lý tưởng cho việc viết lách, vậy anh làm việc giờ giấc như thế nào?”

(Bách Khoa. Đàm thoại với Lý Chánh Trung, ibid., trang 41)

Ông đi làm bằng xe hơi nhà nuớc. Ngoài tiền lương công chức cao cấp, ông còn dạy thêm tại đại học Văn khoa Sài Gòn và Đà Lạt. chưa kể tiền viết báo. Vợ ông cũng là một giáo viên công chức. Vậy mà trong một buổi hội thảo vào ngày chủ nhật 9-1-69 tại Đại Học Văn Khoa, các báo đăng tải là khi nói đến hoàn cảnh hiện tại của ông và câu chuyện là ông được một học trò cũ tặng đường và gạo, ông đã xúc động, nghẹn ngào và ứa nước mắt. Chế độ miền Nam đã đối đãi tệ bạc về tiền bạc như thế với một giáo sư đại học?

Báo Bách Khoa nghi ngờ đã xin ông xác nhận lại, “Vậy bữa đó anh xúc động như vậy thật sao?”

Lý Chánh Trung trả lời, “Thực đấy chớ? Ai bỗng không mà khóc kỳ cục như vậy được. Nhưng cái đó là bắt đầu già rồi đó anh. Tôi suy nghĩ thì thấy đó là tôi bắt đầu lẩm cẩm rồi và và về nhà nghĩ mắc cỡ thấy mồ. Sau có một chị học trò nhạo tôi, ‘Thầy ôi, thầy khóc chi vậy. Có ai đánh thầy đâu mà thầy khóc?’ Sướng không?” (cười). (Bách Khoa, Đàm thoại với Lý Chánh Trung, ibid., trang 44)

Tôi thấy ông đóng kịch chả thua gì ông Hồ Chí Minh cả!

Bài phỏng vấn này nếu Hà Nội vớ được thì họ mừng hết lớn. GS đại học miền Nam đói ăn đến học trò phải tiếp tế gạo và đường.

Tôi muốn nói cho đủ lý lẽ. Ông là công chức cao cấp của chính quyền, sáng chở vợ con từ làng Thủ Đức về Sài Gòn, chiều đến lại đón về. Thời giờ còn lại lúc đi dạy, nhất là tại Đà Lạt, phải mất ba ngày. Hai ngày đi về một ngày dạy. Chưa kể, những buổi tham gia biểu tình, xuống đường đều được trả tiền. Ông đã ăn cắp giờ công khai và trắng trợn của chính phủ. Trong khi đó các giám đốc, chánh sự vụ, chủ sự phòng và nhân viên dưới quyền ông răm rắp làm việc, đến đúng giờ, về đúng giờ với đồng lương khiêm tốn mà không một lời ca thán, phản đối.

Tư cách giữa ông và họ là hai cực xấu và tốt.

Tôi xin trích dẫn tóm tắt Hồi Ký của Võ Long Triều nói về bạn của mình. Theo Võ Long Triều:

“Về Sài gòn cùng nhau hoạt động trong hội trí thức công giáo, thân nhau như ruột thịt, xưng hô mày tao, tôi là bố đỡ đầu (God father) của con gái Trung là Thúy Lan. (…) Từ làng Đại học Thủ Đức, Trung thường xuyên lên xuống Sài Gòn, (…) tiền xăng nhớt làm thâm hụt ngân sách gia đình nên tôi thường cho con gái đỡ đầu của tôi, bốn tuổi, mỗi lần vài chục ngàn, tiếng là cho con gái, nhưng sự thật là tôi muốn giúp cho gia đình Trung dễ thở hơn. Thời gian sau khi tôi giao tiền cho Ngô Công Đức làm báo Tin Sáng, tôi có nhờ anh Lý Chánh Trung viết bài, mỗi bài tôi trả cho anh hai chục ngàn đồng nhuận bút. Tiền nhuận bút một bài báo thời đó nhiều lắm là một hoặc hai ngàn đồng là tối đa.”

(Hồi ký Võ Long Triều, Bài 33, Thứ sáu, 16-3, 2007)

Cũng sau này, khi Võ Long Triều ra báo Đại Dân Tộc cũng nhờ Lý Chánh Trung viết bài, nhưng chỉ trả 10 ngàn đồng. Lý Chánh Trung từ chối viết và nói cho người quản lý báo Đại Dân Tộc là Nguyễn văn Tịnh biết, “không viết, vì dù sao hai chục ngàn đồng một bài cũng dễ viết hơn 10 ngàn đồng.” (Hồi ký Võ Long Triều, ibid.)

Từ đó Võ Long Triều cắt đứt liên lạc với Lý Chánh Trung. Sau này Lý Chánh Trung có ghé tòa soạn đưa bài, Võ Long Triều không tiếp và không hề đăng bài nào nữa.

Sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn, cũng theo Võ Long Triều, Lý Chánh Trung trong một bữa giỗ đã tự bào chữa, phân bua: “Tôi đồng hành với cộng sản, nhưng tôi không là đồng chí của họ.” (Võ Long Triều, ibid.)

Lại một tên hèn và một phét lác. Có xin là đồng chí vị tất đã được cộng sản nhận!

Võ Long Triều nóng mặt nói, “Mày đồng hành sao mày muối mặt viết bài: “Xin cho được gọi bằng bác”?” (Võ Long Triều, ibid.)

Kết luận, Võ Long Triều cho rằng:

“Nói đến chuyện tiền bạc rõ ràng nó không đáng nói ra, nhưng không may điều đó có thể giải thích tại sao Lý Chánh Trung ngả theo cộng sản sau ngày 30 tháng tư năm 1975 có phải vì quyền lợi chăng? Tôi cho rằng đó là bản chất của Trung chớ không phải lỗi lầm.”

(Hồi ký Võ Long Triều, ibid.)

Ngoài ra, Lý Chánh Trung vẫn tỏ ra giọng khinh miệt, xách mé với các chế độ từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm. Trả lời phỏng vấn của tờ Bách Khoa ông nói:

“Cả cái chế độ Bảo Đại, hồi ấy, tụi sinh viên ở Pháp chẳng có ai theo cả, trừ mấy thằng chó chết đớp tiền của tòa đại sứ.”

Còn đối với ông Diệm, Lý Chánh Trung nói,

“Nếu một người chưa từng đánh đĩ với Pháp, như ông Diệm chẳng hạn mà cải tạo được xã hội miền Nam thì bên Quốc gia lúc đó sẽ có chánh nghĩa thật và có thể dùng cái chánh nghĩa đó để tranh đấu chính trị với phía bên kia. Khi đó, không có lý do gì mình thua họ hết.”

(Bách Khoa, ibid., trang 39.)

Cũng như ông, tôi không ưa gì ông Bảo Đại cả. Nhưng khi ông khinh miệt bọn chó chết tay sai Bảo Đại thì xin ông tự nhìn lại mình. Ông được đi du học vào năm 1947 thì ai là người cấp giấy cho ông đi nhỉ? Và giả dụ Việt Minh mà nắm chính quyền thì liệu số phận ông có được như vậy không?

[DCVOnline| 1947, Pháp vẫn còn cai trị thuộc địa Đông Dương gồm cả xứ “Nam Kỳ thuộc Pháp”. Đây cũng là năm ông Lý Chánh Trung, một thần dân của xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, sang châu Âu du học, ông viết:

“Suốt thời Pháp thuộc, không còn nước Việt Nam, chỉ còn Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong một xứ gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Riêng dân Nam Kỳ lại không được xem là Việt Nam mà được định nghĩa là “thuộc dân Pháp ở xứ Conchinchine” (sujets Francais de Conchinchine). Cho đến năm 1947 khi xuất dương du học, trên tờ giấy thông hành của tôi, vẫn còn ghi cái quốc tịch quái gở đó.”

(Nguồn: Lý Chánh Trung, “Suy nghĩ về hai chữ “mất nước” – Về trí thức miền Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” trong cuốn “Chung một bóng cờ – Về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam”, Trần Bạch Đằng Chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia – Sự Thât xuất bản lần thứ ba, Hà Nội 2015, trang160-161).

Về mặt dạy con, ông Lý Chánh Trung nói “Làm ơn thì đừng nên nhớ, Chịu ơn đừng nên quên”.

“Làm ơn thì đừng nên nhớ, Chịu ơn đừng nên quên – Ba dạy tụi anh từ khi còn nhỏ” — là lời bà Nông Thanh Vân vợ ông Lý Tiến Dũng (1959-2016) và là con dâu ông Lý Chánh Trung, nhắc lại đạo đức chồng bà đã hấp thụ.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, “NÔNG THANH VÂN – LÝ TIẾN DŨNG: Bến bờ anh tim dội sóng không cùng” Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 10.3.2017.)]

Trong bài “Nói chuyện với người đã khuất”, ông biện hộ cho Hồ Chí Minh và viết:

“Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp đê tam quốc tế.”

(Lý Chánh Trung, báo Đất Nước, ibid, trang 102.)

Nói như thế là nói lấy được. Và tôi cũng có thể nói rằng: Giải pháp Bảo Đại mà được Việt Minh tôn trọng và Pháp thi hành thì trước sau gì Việt Nam cũng dành được độc lâp mà không phải hy sinh hàng triệu sinh mạng như Hồ Chí Minh đã làm.

Đi xa hơn nữa, trong một bài viết đăng trên Đất Nước số 3.

(Người viết có sự nhầm lẫn ở trong phần 4a, viết Lý Chánh Trung không cộng tác với Nguyễn Văn Trung trên tờ Đất Nước. Xin sửa lại là Lý Chánh Trung vẫn tiếp tục cộng tác với tờ Đất Nước.)

Trong bài này, Lý Chánh Trung còn ca tụng đến lố bịch về sự thành công của chế độ tập sản chỉ huy của chế độ Sô-Viết. Thành công, theo Lý Chánh Trung là “đã thâu ngắn đến 10 lần đoạn đường cần thiết” mặc dầu với một giá quá đắt. Nhưng đồng thời ông lại phê phán một cách vô cùng tàn bạo đào tận gốc rễ tính phi nhân bản của chế độ Xô Viết mà ít ai có thể viết sâu sắc được như ông vậy. Ông viết:

“Lẽ dĩ nhiên, cái giá mà dân Nga phải trả là 30 năm sắt máu của triều đại Staline, hậu thân của Ivan le Terrible: 30 năm thắt lưng buộc bụng, ăn đói, mặc rách để biến mồ hôi thành nhà máy: 30 năm không được tìm sự Thật, vì sự Thật chỉ được phán truyền từ miệng lưỡi một người; không được tìm cái đẹp vì cái đẹp chỉ bộc lộ trước cái nhìn của một người; 30 năm không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, vì một người đã biến thành “mặt trời nhân loại”; 30 năm ngộp thở, nín lặng chờ đợi một bản án khai trừ, lưu đày, xử tử, thủ tiêu có thể đến bất cứ lúc nào; 30 năm đường lối ngoằn ngèo, khi quẹo trái. Lúc rẽ mặt, mỗi giai đoaạn là một đường lối và mỗi đường lối là một “mật ý” của Thượng Đế được ban truyền từ đỉnh núi Sinai-Kremlin, 30 năm trong lửa luyện ngục mà không chắc có một nước Thiên Đàng.”

(Lý Chánh Trung, Đất Nước, số 3)

Viết đến như thế về mặt trái của chế độ Xô Viết là tuyệt vời. Nhưng cũng Lý Chánh Trung, nay ông là Chủ bút tờ Đất Nước đã viết bài: Nói chuyện với người đã khuất, để ca tụng cụ Hồ Chí Minh như một vĩ nhân, mặc dầu ông thú nhận chỉ biết Hồ Chi Minh qua một vài cuốn sách của Pháp. (Lý Chánh Trung, Đất Nước, số tháng chín, 1969, trang 95-109)

Trước khi chấm dứt phần viết về Lý Chánh Trung, xin trích dẫn đoạn văn trong bài nhan đề, “Khóc đi con”.

“Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử, trước một ‘tòa án” mà không ai tin.
Khóc cho các cô bác của con đang khóc khi tưởng tượng nghe tiếng con mình khóc ở trong kia, trong bóng tối ngục tù.
Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày, cho những xánh đồng loang lổ vì bom đạn, xơ xác vì thuốc khai quang, cho những thành phố tanh ói mùi trinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ.
Khóc chung cho các bậc cha chú của con đã quá hèn, quá dở, khóc tiêng cho Ba cũng quá dở, quá hèn, muốn viết tất cả những gì mình nghĩ mà không dám viết, và không dám một phần vì nghĩ tới con.
Khóc bây giờ đi con, vì cái quê hương sẽ giao lại cho thế hệ của con, không biết nó sẽ trở thành gì, không biết nó có còn được gọi là Việt Nam nữa hay không.”

(Lý Chánh Trung, Những ngày buồn nôn, Đối Diện, 1971 trang 45-46)

Bài thơ này cũng một tuồng luận điệu chửi bới, khinh miệt miền Nam mà nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết ở trên. Cái hèn của họ Lý là ở chỗ đó. Chửi miền Nam để lấy điểm với quan thầy chẳng khác gì hạng bồi bút văn công.

Nhưng lạ thay, thật không có gì hợp thời và đúng như một lời tiên tri của Lý Chánh Trung bằng bài văn này. Nhất là ở đoạn chót. “Khóc bây giờ đi con, vì cái quê hương sẽ giao lại cho thế hệ của con, không biết nó sẽ trở thành gì, không biết nó có còn được gọi là Việt Nam nữa hay không?”

Chả lẽ ngoài Bắc có Tố Hữu trong Nam lại không có ai đồng cân, đồng cỡ? Thưa có Lý Chánh Trung!

Đọc những dòng gửi con của họ Lý chỉ thêm bực mình. Nếu tôi là Tổng thống Nguyễn văn Thiệu thì giải pháp sẽ là điều tra lý lịch, cơ sở pháp lý rõ ràng, sau đó điệu bọn họ qua cầu Hiền Lương gửi cho miền Bắc để họ tha hồ được ca tụng bác Hồ. Còn bằng không thì dùng trực thăng chở tất cả những Lý Chánh Trung, Lê Văn Nuôi, Lê Hiếu Đằng, Ngô Công Đức, Ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Nguyễn Ngọc Loan, Chân Tín, Phan Khắc Từ, Cao Thị Quế Hương đến biên giới Việt-Miên, cho lương thực ba ngày ăn đường để họ tự tìm đến căn cứ của MTGPMN.

Miền Nam sẽ được sống những ngày an bình khỏi bị họ quấy rối. Tiếc thay chúng ta đã không làm.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh hoạ.

1 Comment on “Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p4b)

  1. CHÍNH TRỊ VÀ TRÍ THỨC

    Xưa nay chính trị quyền hành
    Chỉ dân bầu cử mới thành tự do
    Đó là nguyên tắc đi đầu
    Của nền dân chủ mọi thời mọi nơi

    Thế nên chế độ độc tài
    Không còn chính trị mà toàn tay sai
    Kiểu như trại lính rõ rồi
    Ai nhiều công trận thì thành sĩ quan

    Tức là hàng một đi lên
    Kiểu là toàn trị có hề khác đâu
    Đó là kiểu hàng rào ống cống
    Khó người nào mà được tự do

    Tuyên truyền thảy chỉ làm đầu
    Cốt nhằm dụ hoặc bước đầu mà thôi
    Một khi đã tổ chức rồi
    Ngàn năm mấy thuở ai nào thoát ra

    Lỗi trước nhất chỉ đều do Mác
    Nó dẫm lên nhân bản con người
    Bởi hô vô sản độc tài
    Giống đinh đóng cột đâu hòng nhổ ra

    Thành quái đản sa đà là thế
    Bởi cuối cùng ai cũng nạn nhân
    Từ Lênin đến Stalin
    Đến Mao cũng vậy mọi miền đều nhau

    Tức toàn lợi dụng một màu
    Sống lâu lên tướng chỉ hầu thế thôi
    Nên chính trị mà không hiểu trước
    Đâm đầu vô một đám toàn ngu

    Chúng đâu hiểu Mác thế nào
    Bởi không nghiên cứu trước sau thấy gì
    Chỉ toàn kiểu nghe hơi nồi chỏ
    Dẫm phải nhau bởi cứt tuyên truyền

    Cuối cùng như truyện Trạng Quỳnh
    Phỉnh nhau cả lũ thật tình ngẩn ngơ
    Trước bảy lăm Miền Nam là vậy
    Tiêu biểu nhiều có Lý Chánh Trung

    Kéo theo một đám lùng nhùng
    Toàn nòi khuynh tả não nùng là sao
    Nhưng tóm lại đều phe ta cả
    Còn nếu không cũng kiểu nằm vùng

    Thật ra đều bọn khật khùng
    Dễ nào mà gọi thành phần thứ ba
    Chúng toàn một bọn lâu la
    Kiểu Ngô Công Đức Huỳnh Liên khác gì

    Nguyễn Ngọc Lan cùng là Chân Tín
    Đều kiểu như dấy máu ăn phần
    Dễ gì trí thức cân phân
    Chúng đều trí ngụy mọi phần thảm thương

    Sau bảy lăm chúng thành rác rến
    Còn tên nào léng phéng nữa đâu
    Thật toàn một lũ hồ đồ
    Ngu dân một thuở tội này khó tha

    Nhưng nói tóm đều do ông Mác
    Không có ông ai lợi dụng nào
    Bởi đưa học thuyết tào lao
    Nhân quần méo mặt lẽ nào hay đâu

    May mà xảy Liên Xô sụp đổ
    Cả Đông Âu cũng phải tan tành
    Nếu không chắc đến ngàn năm
    Cả toàn xã hội khó tìm đường ra

    Đúng trí thức xót xa vạn thuở
    Đưa thuyết sai làm hại nhân quần
    Nhân văn thành thảy mịt mùng
    Chỉ còn thực tế phản thùng nhân văn

    Bây giờ thảy mọi điều sáng tỏ
    Mọi phương trời cả Á cùng Âu
    Việt Nam một dạo Miền Nam
    Cũng nhiều trí thức loại toàn có đuôi

    Lý Chánh Trung quả người đóng kịch
    Lần lượt rồi thiên hạ khui ra
    Kiểu chui lỗ chó bờ rào
    Dễ nào đứng thẳng con người được sao

    Thật là đáng tội thế nào
    Trò cười chính trị lẽ nào chẳng hay
    Dễ đâu kiểu như Hoàng Xuân Hãn
    Trần Trọng Kim một thuở xa vời

    Nên chi cốt lõi con người
    Trong đều nhân cách mời thành toàn hay
    Còn như trí thức nửa mùa
    Có nào giá trị trên đời cho ai

    Hóa đời xưa cũ lại tài
    Tạo ra trí thức vàng ròng thiếu đâu
    Kiểu Nguyễn Thiếp Chu Văn An
    Làm đời muôn thuở đều càng vinh danh

    Thành tóm lại giật mình ông Mác
    Chỉ vì hô vô sản độc tài
    Khiến thành chuyên chính hoài hoài
    Có đâu trí thức mà toàn cu li

    Hóa ra chính trị mà tồi
    Dễ nào trí thức trên đời có sao
    Đó quả chính ngu dân cái tội
    Chỉ làm cho xã hội toàn đần

    Lấy gì trí tuệ mà cân
    Để cho xã hội vạn phần tiến lên
    Mà biến thảy gà cồ ăn quẩn
    Quanh cối xay mòn lỉn đời nào

    TRĂNG NGÀN
    (21/9/17)