Một đồng minh nghĩa là gì: Quan điểm của một người Mỹ gốc Việt về Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam
Tom Le | Trà Mi dịch
Những toan tính chiến lược có thể khác nhau, nhưng sự cam kết với đồng minh phải trước sau như một.
Mẹ tôi là một thiếu nữ trong cuộc hành trình nguy hiểm đến Mỹ như là một “thuyền nhân”. Chắc chắn là bà đã giấu tôi rất nhiều về thực tế xấu xí của Chiến tranh Việt Nam, nhưng bà lại rất thích kể cho tôi nghe câu chuyện về người lính Mỹ đã cho ông tôi hai con chó. Cụ đã trở nên gắn bó với chúng đến nỗi sau khi một trong hai con chết vì bảo vệ cho mẹ tôi khỏi bị rắn cắn, ông tôi đã dùng số tiền nhỏ dành dụm được để chôn cất nó.
Đối với nhiều người Nam Việt Nam, những câu chuyện như thế này cho thấy cảm xúc của họ về chiến tranh. Mỹ là một người bạn, vì nhiều lý do khác nhau, đã không thể ngăn cản việc miền Nam Việt Nam mất cơ hội có tự do thực sự. Người miền Nam tiếc những gì đáng lý có thể đã đến, nhưng đánh giá cao người Mỹ vì họ đã làm đúng nghĩa vụ của một đồng minh.
Tập phim Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns và Lynn Novick đã là một món quà bởi vì việc vô tư kể lại cuộc chiến đã tạo ra những thảo luận mới về một bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, phản ứng trong giới hàn lâm và báo chí dòng chính đã làm nản lòng vì thiếu sự đa dạng trong số những ý kiến, và hầu như không có ý kiến [bày tỏ bằng tiếng Anh] từ phía người Việt Nam. Một loại ý kiến điển hình như của Andrew Bacevich, là lập luận rằng bất chấp những ưu điểm, bộ phim Chiến tranh Việt Nam thiếu sự sẵn lòng giải thích và đưa ra những đánh giá đạo đức về một cuộc chiến “vượt ra khỏi mọi lý do”. Bacevich cho rằng cuốn phim tài liệu không đi khỏi những điều hiển nhiên rằng chiến tranh là một bi kịch lớn. Những người khác cho rằng can thiệp của Hoa Kỳ là lừa đảo (Newsweek) hoặc một tội phạm (The Intercept).
Chắc chắn, sự hiển nhiên thường làm lệch hướng suy nghĩ phê bình và giả định quá nhiều. Cũng có thể nói về một sự thật hiển nhiên khác về chiến tranh ở Việt Nam là Hoa Kỳ không có lý do gì đến Việt Nam vì quốc gia này không nằm trong lợi ích của Mỹ.
Sự thật là Chiến tranh Việt Nam rõ ràng thuộc về lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu không chiến đấu bên cạnh miền Nam Việt Nam thì uy tín của Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Trong khu vực, Hàn Quốc và Nhật Bản cần có sự bảo đảm rằng Hoa Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy, đặc biệt là do tốn kém cao của liên minh đối với họ. Các đồng minh châu Âu cũng cần thấy các dấu hiệu mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ có thể là người bảo đảm an ninh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chắc chắn, thất bại trong một cuộc chiến gây tổn hại đến sự tín nhiệm vào sức mạnh, nhưng không muốn yểm trợ một đồng minh sẽ làm thương tổn đến uy tín của lòng tin.
Mỹ sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu có một nền dân chủ mạnh ở Đông Nam Á, đặc biệt là một quốc gia có biên giới ngay phía nam của Trung Quốc. Trung Quốc ngày càng thách thức Hoa Kỳ ở Biển Đông, đặc biệt là trong việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong vùng biển đang có tranh chấp. Sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực là điều cần thiết để duy trì tự do hàng hải, thương mại, an ninh và bảo đảm cho các nước đồng minh. Do quan hệ với Philippines ngày càng xấu đi, Việt Nam ngày càng rở thành một nươc có tầm quan trọng địa chiến lược. Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong những năm gần đây để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc cho thấy mối quan hệ này nằm trong lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.
Cam kết làm đồng minh của miền Nam sau khi đát nước chia đôi vào năm 1954, Hoa Kỳ gắn chặt mình với số phận của người dân miền Nam Việt Nam. Hơn nữa, Hiệp định Geneva đã được những quyền lực đế quốc dàn xếp và Bắc Việt đã nhận được sự viện trợ khổng lồ từ Trung Quốc và Liên bang Xô viết trong suốt cuộc chiến. Số phận của Việt Nam không bao giờ hoàn toàn trong tay của người dân Việt Nam. Những kẻ gièm pha đã tin vào huyền thoại rằng bàn quyền lực của phương Tây phương sẽ ‘không bẩn’ nếu họ để các quốc gia thuộc địa cũ tự “giải quyết với nhau”.
Những người bác bỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với miền Nam Việt Nam nói rằng chế độ hẹp hòi của Ngô Đình Diệm trong những năm 50 và 60 là bằng chứng về lợi ích chính trị của Hoa Kỳ và thiếu sự ủng hộ cho một nền dân chủ “thực sự”. Tuy nhiên, nhiều cuộc phản kháng chống lại chế độ Diệm cho thấy người dân Việt Nam hiểu dân chủ là gì và sẵn sàng chiến đấu và chết vì nó. Những nền dân chủ mạnh ở châu Á không xuất hiện qua đêm. Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, với những nền dân chủ rất quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực ngày nay đã phải mất hàng chục năm để trở thành ngững quốc gia hoàn toàn tự do. Nam Hàn chí có cuộc bầu cử tự do đầu tiên 38 năm sau chiến tranh.
Vì Việt Nam thiếu những hình ảnh thực sự về miền Bắc, nên nhiều người Mỹ đã tự mãn với suy nghĩ rằng người cộng sản rất tồi. Trong một bài phê bình gay gắt về tập phim Chiến tranh Việt Nam, Jerry Lembcke lập luận xấc xược rằng bộ phim này được xây dựng xung quanh “luận điệu cho rằng Cộng sản đã làm điều này, Cộng sản đã làm điều đó – sự xâm lược của Cộng sản, những vụ ám sát của Cộng sản, và Cộng sản giết chết kẻ thù bị thương” làm như những chuyệnn đó đã không xảy ra. Những tình cảm đó dựa vào những cách mô tả chuyện đâu đâu về cuộc chiến để che giấu những bất công thô bạo, như vụ thảm sát ở Huế và vụ tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân.
Ý tưởng cho rằng Chiến tranh Việt Nam không nằm trong mối quan tâm của Hoa Kỳ có thể bị buộc chặt với việc bại trận, điều mà nhiều người Mỹ không hiểu được. Những lý do địa chiến lược địa để Mỹ tham chiến ở Đại Hàn và bảo vệ Nhật Bản cũng tương tự (như lý do tại sao Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam), nhưng chúng được coi là những can thiệp chính đáng bởi vì đó là những câu chuyện thành công. Những toan tính chiến lược có thể khác nhau, nhưng sự cam kết với một đồng minh phải trước sau như một.
Bộ phim chiếu trên đài PBS đã bị chỉ trích vì kết luận rằng
“cuộc chiến bắt đầu bằng lời cam kết tốt của những người lương thiện, vì sự hiểu lầm tiền định, sự quá tự tin của Mỹ và những tính toán sai lầm của Chiến tranh Lạnh. Và chiến tranh đã kéo dài bởi vì loay hoay thoát ra khỏi cuộc chiến dễ hơn là thừa nhận rằng nó đã xẩy ra vì những quyết định thê lương.”
Việc sử dụng hoa chất “da cam” và các hành động tàn ác khác trong chiến tranh đòi chúng ta phải chỉ trích Mỹ, nhưng cũng đòi hỏi chúng ta phải xét đến những mục đích tốt trong thực tiễn. Kết luận của Burns cho rằng chúng ta đã đi vào cuộc chiến và lạc lối là một đánh giá công bằng. Những người hoài nghi xem kết luận này và nghĩ rằng ông đang cố tình tẩy trắng những hành động tàn bạo của Mỹ, nhưng tôi nghĩ điểm có ý nghĩa hơn là chiến tranh có cách để huỷ hoại những người tốt và chúng ta phải thận trọng không cho phép điều đó xảy ra, bằng cách hiểu rõ lợi ích của mình và không chạy trốn trước những xung đột trên khắp thế giới.
Chiến tranh Việt Nam ngày nay có những hệ luận sâu sắc. Những người chống đối cuộc xung đột ngày xưa này tin rằng Hoa Kỳ đang mắc phải sai lầm tương tự ở Afghanistan và Iraq, đồng thời lo lắng rằng Tổng thống Trump làm suy yếu khối đồng minh bằng những tu từ của ông và muốn Hoa Kỳ làm nhiều hơn để bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài. Bộ phim Chiến tranh Việt Nam không đưa ra câu trả lời rõ ràng về đường lối mà Mỹ nên làm, nhưng chúng ta không thể hoài nghi khi tin rằng những cam kết tốt không nằm trong lợi ích của chúng ta.
Tom Le là một giáo sư phụ tá về chính trị tại trường Cao đẳng Pomona.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: What it Means to Be an Ally: A Vietnamese-American’s View on the US in the Vietnam WarBy Tom Le, the Diplomat, October 11, 2017.