Hải quân Mỹ sẽ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

David Larter | DCVOnline

(LCS 3)Theo tin giới quân sự Mỹ đã nói với Hải quân Thời báo thì Hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị gửi một tàu chiến vào bên trong vùng lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố ở chuỗi đảo nhân tạo vừa thiết lập; hoạt động quân sự này có thể diễn ra trong vòng vài ngày tới nhưng đang chờ được phép chính thức của chính quyền Obama.

Khu trục hạm Lasen (trái) và tàu khu trục nhỏ Supreme (phải) của Singapore hộ tống Chiến hạm Littoral USS Fort Worth (LCS 3). Nguồn: MC2 Joe Bishop / Navy)
Khu trục hạm Lasen (trái) và tàu khu trục nhỏ Supreme (phải) của Singapore hộ tống Chiến hạm Littoral USS Fort Worth (LCS 3). Nguồn: MC2 Joe Bishop / Navy)

Những kế hoạch gửi một tàu chiến vào vùng biển đang có tranh chấp đã được biết từ tháng Năm, nhưng ba viên chức Lầu Năm Góc nói chuyện với Hải quân Thời báo khi thảo luận về các chiến dịch trong tương lai, cho hay giới chức Hải quân tin rằng họ sẽ có sự vụ lệnh trong nay mai.

Nếu được chấp thuận thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Hải quân Hoa Kỳ trực tiếp thách thức tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc ở những quần đảo tại Biển Đông.

Các dự án xây dựng đảo trong vùng lân cận quần đảo Trường Sa là trọng tâm của sự tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng với các đồng minh trong khu vực, trong đó có Philippines, kể từ khi các báo cáo về các dự án đáp đất xây đảo bắt đầu xuất hiện vào năm 2013. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia khác không công nhận tính hợp pháp của các hòn đảo do Trung Quốc xây dựng và coi đó như là một hành động xâm lược trong khu vực.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia chuyển những câu hỏi liên quan đến kế hoạch của Hải quân Mỹ cho Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng cũng lưu ý báo giới về những nhận xét của Tổng thống Obama trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 28 tháng 9, khi ông nói rằng Mỹ

“quan tâm đến việc giữ gìn nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và tự do thương mại, và trong việc giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, chứ không bằng luật của sức mạnh.”

Phát ngôn viên của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, Trung tá. Bill Urban từ chối bình luận về các hoạt động quân sự trong tương lai, nhưng nhắc lại ý kiến ​​Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từ 1 tháng 9, khi ông cho rằng,

“Hoa Kỳ sẽ bay trên không, di chuyển trên biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi đang làm khắp nơi trên toàn thế giới.”

Tin tức về hoạt động hải quân này đến chỉ một ngày sau khi Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift tuyên bố ở một hội nghị hàng hải tại Australia rằng “một số quốc gia” đã hành xử một cách không phù hợp với luật pháp quốc tế, rõ ràng ngụ ý nói tới các tranh chấp đang diễn ra với Trung Quốc. Theo một bản tin của Reuters Đô đốc Swift cho biết:

“Tôi có cảm giác rằng một số quốc gia xem tự do trên biển như của ai muốn cướp cũng được, như một cái gì đó có thể lấy đem về và định nghĩa lại bằng luật pháp trong nước hoặc diễn giải lại luật pháp quốc tế. Một số quốc gia tiếp tục áp những cảnh cáo thừa thãi và hạn chế tự do trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của họ và tuyên bố chủ quyền lãnh hải không phù hợp với (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển). Xu hướng này đặc biệt nghiêm trọng tại vùng biển đang có tranh chấp.”

Bản đồ khu vực Biển Đông. Nguồn: John Bretschneider.
Bản đồ khu vực Biển Đông. Nguồn: John Bretschneider.

Vào tháng Chín, David Shear, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về An ninh châu Á-Thái Bình Dương, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Hải quân Hoa Kỳ đã không đưa chiến hạm hoặc máy bay vào trong vòng 12 hải lý của những quần đảo (ở Biển Đông) từ năm 2012, đó là trước khi những dự án xây dựng đảo của Trung Quốc đã bắt đầu ráo riết. Sáu quốc gia quanh bờ biển vùng Biển Đông đã có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong vùng đang tranh chấp mà Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo.

Cùng ngày hôm đó, thành viên của Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Randy Forbes, R-Va. đã gửi một lá thư có chữ ký của 29 dân biểu lưỡng đảng gọi các dự án xây dựng đảo của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với tự do hàng hải và trật tự quốc tế hòa bình tại khu vực kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Trong bức thư yêu cầu chính phủ có hành động thật tượng trưng với một cuộc hải hành bằng tàu chiến và máy bay trên không qua vùng quần đảo để gửi một thông điệp cho Trung Quốc có đoạn:

“Để ngăn chặn những hành động này và ngăn chặn sự xói mòn sự ổn định trong khu vực hơn nữa, Hoa Kỳ phải tuyên bố rõ ràng rằng là sẽ hoàn toàn cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.”

Theo một bản tin trên tờ Wall Street Journal, khi biết rằng Hoa Kỳ đang có kế hoạch để thách thức tuyên chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hồi tháng Năm, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi “các nước có liên quan cần tránh có những hành động nguy hiểm và khiêu khích.” Tờ Foreign Policy đưa tin hôm 2 tháng 10 là giới chức Mỹ đã lên kế hoạch để có lập trường cứng rắn hơn tại Biển Đông, gồm tăng cường tuần tra tự do hàng hải tàu chiến và máy bay trong vùng lân cận của quần đảo.

Bryan Clark, một sĩ quan tàu ngầm và một chuyên gia phân tích đã nghỉ hưu của Trung tâm Chiến lược và Thẩm định Ngân sách, nói rằng di hành qua qua lãnh hải là một hoạt động hải quân thường được sử dụng để lập hồ sơ hợp pháp theo luật quốc tế về tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, và quyền hàng hải vô hại (innocent passage) trong các lãnh hải.

Ông Clark nói, sự di chuyển vô hại, quyền của một nhà nước đi qua vùng lãnh hải của nước khác, thường được tiến hành không phô trương. Nhưng điều khiến cho việc thông qua kế hoạch di hành qua lãnh hải mới được Trung Quốc tuyên bố lần này có ý nghĩa lớn là vì chính quyền Mỹ trước đó đã cấm Hải quân Hoa Kỳ làm như thế ở quần đảo Trường Sa,.

“Nếu cứ xử sự như họ có một lãnh hải giới hạn 12 dặm hợp pháp, mặc dù Mỹ đã cho biết là không nhận nó, cũng giống như mặc nhiên thừa nhận những tuyên bố (chủ quyền của TQ) là hợp pháp,” ông Clark nói, và thêm rằng ngay cả khi tuyên bố chủ quyền lãnh hải hợp pháp thì Mỹ sẽ vẫn có quyền đi vùng lãnh hải bằng quyền di chuyển vô hại (innocent passage).

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố quyền tương tự khi tàu hải quân của họ đã vượt qua biển trong vòng 12 hải lý của quần đảo Aleutian của Mỹ ngoài khơi Alaska hồi tháng Chín, sau một cuộc tập trận chung với quân đội Nga.

Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực và Mỹ đang lo ngại rằng Trung Quốc đang thiết lập những căn cứ quân sự trên các hòn đảo. Trong tháng sáu, đã có hình ảnh của một phi đạo gần như hoàn chỉnh trên một trong những hòn đảo, dài 10.000 bộ, đủ lớn để máy bay quân sự sử dụng.

Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông, một vị trí đã gây bất hòa với các nước láng giềng và khiến các nước trong khu vực, gồm cả kẻ thù xưa như Việt Nam, phải quang sang Mỹ để tìm sức đối trọng với sự hung hãn mới của Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc cũng đã khiến quan hệ quân sự-với-quân sự mới giữa Hoa Kỳ và Philippines, được lập lại sau hơn hai mươi năm từ khi Mỹ bị đuổi khỏi Philippines trong một phong trào chống Mỹ ở thuộc địa cũ này của Mỹ.

Một thỏa thuận quân sự ký kết năm ngoái, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự của Philippine đã được một thành tựu biểu trưng cho chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Navy will challenge Chinese territorial claims in South China Sea. By David Larter, Navy Times, 8 Tháng 10 2015.