Nỗi niềm riêng: Súc vật và con người
Nguyễn Văn Lục
Thường nghe nói: Thế giới quanh chúng ta. Đó là thế giới thiên nhiên, vật chất với trời biển, trăng sao, núi non, sông biển rồi ao hồ, rồi đến thế giới loài vật hoang dã, súc vật nuôi trong nhà. Cuối cùng là thế giới con người với nhiều sắc dân.
Sự sắp xếp theo thứ tự như thế là theo mô hình sáng tạo của Thượng Đế. Ta quen gọi là : “Ý Chúa muốn”. Ngài đã dựng nên muôn vật như trời đất, trăng sao, núi rừng, biễn cả. Sau đó đến muôn loài như chim trên trời cá dưới biển, thú vật trên rừng. Mọi sự đã sẵn sàng chờ đón con người xuất hiện một cách muộn màng.
Sau cùng mới dựng nên con người. Con người đến hình như được an bài để thụ hưởng, để chế ngự và cuối cùng để khai thác. Con người từng bước bắt đầu từ chế độ du mục và hái lượm cho đến nay.
Tổ tiên loài người là hai ông bà: Adam và Eve mà theo truyền thuyết chỉ vì bà “nhẹ dạ” nghe lời một con rắn, ăn trái cấm nên bị Chúa phạt. Đây cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng có cuộc đối thoại giữa rắn và người đưa đến sự tai hại không hàn gắn được vì con người bị xua đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Và tự hỏi từ sau đó không một lần thứ hai rắn xuất hiện? Vì vậy thì rắn thật sự tiêu biểu cho cái gì?
Trong truyền thuyết này một cách gián tiếp cho thấy, tội ác được đổ lên đầu con rắn! Có thật sự con rắn gian ác như thế không? Có thật sự rắn biết được sự dữ, sự lành và “khôn ngoan” hơn con người đã khuyên dại? Và làm như thế thì nó được lợi ích gì?
Cũng như sau này, nhiều súc vật sống trong hoang dã đều có tính man dã. Như sói quỷ quyệt trong câu truyện Cô bé quàng khăn đỏ. Và chàng Monwgli dũng cảm đối mặt với con hổ Shere Khan. Ta đã tin những câu truyện như thế, nhưng ngày nay thì những câu truyện chỉ xảy ra một lần và không xuất hiện lần thứ hai.
Con sói, con hổ đã bị gán ghép cái phần nhân tính – phần tiêu cực nhất của con người – như hình ảnh “con chiên gánh tội thiên hạ” trong truyền thuyết Do Thái giáo..
Và chúng ta cũng đã quen với những lối suy nghĩ như thế.
Trong một cuốn truyện khá cũ nhan đề L’appel du Hibou (1974) của tác giả Margaret Craven do Marie-Alyx Revellat dịch từ bản Anh ngữ “I heard the owl call my name”. Cuốn truyện trở thành truyện ăn khách nhất. Riêng người viết, khi đọc, cảm thức sâu xa được sự liên đới tình người và muốn chia xẻ dài dòng một chút.
Nhóm dân bản xứ “Kwakiutl” trong làng Kingcome ở British Columbia, Canada chỉ còn lại rất ít người, gần như sắp bị tuyệt chủng; và họ lại tin rằng khi chim cú đến đậu ở nhà nào cất tiếng kêu thì nhà đó có người bị tử thần đến bắt đi. Họ sống trong sự sợ hãi sợ bị bắt đi.
Câu chuyện kể rằng có một vị tu sĩ Anh giáo trẻ tên Mark Brian bị một bệnh bất trị, biết mình không thể sống lâu được quá hai năm. Ông giám mục cai quản đã có một quyết định rất lạ là gửi tru sĩ trẻ này đến một vùng hoang dã, hẻo lánh trong một làng của dân bản xứ tại tỉnh bang British Columbia để vị tu sĩ này có dịp sống và hiểu về ý nghĩa cuộc đời và chấp nhận cái chết sẽ đến. Tu sĩ trẻ này vâng lời và hoan hỉ vào sống chung với thổ dân. Và với lòng nhiệt thành, niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế, Mark đã hòa nhập vào đời sống của người bản xứ bằng tình nồng ấm của con người với con người. Ông hiểu rõ phong tục, tập quán, niềm tin tưởng, lối sống và hiểu tại sao dân “Kwakiutl” sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt dần dần cả một sắc thái văn hóa và một sắc tộc.
Rồi một ngày kia, ông nghe được tiếng chim cú kêu đích danh tên ông. Số phận ông đã được định sẵn.
Cả dân làng biết tin và đều buồn. Mark tính trở lại thành phố sống những ngày còn lại. Nhưng ông cũng hứa sẽ gửi một tu sĩ khác đến thay mình. Nhưng vì gắn bó sâu xa với dân làng nên Mark muốn ở lại.
Một phụ nữ bản xứ Keetah đến gặp Mark và khẩn khoản ông ở lại cho đến ngày cuối cùng và dân làng đã viết thư bày tỏ nguyện vọng vi tu sĩ bề trên muốn Mark sống những ngày còn lại với dân làng.
Nhưng rồi, một ngày kia không bao lâu, có một ông làm nghề đốn củi, say rượu, phóng thuyền máy chạy bất kể sống chết thế nào. Mark và Jim (một người từng qua lại với Keetah không chính thức) dùng một thuyền máy của Mark đuổi theo người say rượu. Sau hơn hai tiếng đồng hồ tìm kiếm vô vọng thì được điện đài cho biết người tiều phu bình yên vô sự.
Mark và Jim quay về thì bị đất nạn sụt lở làm cây cối đổ ngả nghiêng dọc khúc sông. Thuyền của hai người trôi dạt theo triền sông. Biết không qua khỏi, Mark còn kịp nói với Jim.
“-Jim.
– Gì vậy?
– Khi tôi không còn ở đây nữa. Jim nhớ săn sóc Keetah. Tỉ dụ, anh muốn uống cà phê, anh đừng có đập bàn. Anh phải nói: cho anh xin một ly cà phê. Và khi Keetah đưa ly cà phê, anh nhớ nói tiếng cám ơn. Anh sẽ thấy hiệu quả.
– Hiệu quả gì?
– Anh sẽ thấy mọi chuyện tốt đẹp. Và khi muốn làm cho Keetah một căn nhà, anh nên hỏi ý kiến cô ấy. Anh cũng đừng để nó thui thủi một mình trong làng. Thỉnh thoảng anh đưa Keetah đi câu cùng với lũ trẻ con. Rồi đưa cô ấy ra thế giới bên ngoài. Và nếu chẳng may một ngày nào đó, dân làng không còn ai, anh dẫn nó và đám trẻ con vượt qua cầu.
– Tại sao ông muốn tôi làm những điều trên cho Keetah?
– Bởi vì, chính tôi đây cũng quý mến Keetah và cả anh nữa.
– Cả hai đều im lặng. Lại một cây nữa đổ gục trước thuyền chừng 40 mét. Gần như cả dòng sông sôi sục và trôi dạt.
(Trích dịch sơ lược Margaret Craven/ Marie-Alyx Revellat. L’appel du Hibou. Trg 190-198)
Amen.
Sau cái chết của Mark như định mệnh, chỉ còn Jim sống sót đến tu viện và gặp Keetah. Bất ngờ, Jim nói với Keetah.
“Từ rày, anh sẽ không đập bàn để đòi cà phê; anh sẽ không để Keetah một mình và mỗi năm sẽ đưa em ra thế giới bên ngoài vì Mark nói với anh rằng, một ngày nào đó, dân làng không còn nữa thì anh có thể đưa em qua cầu. Và khi nhà làm xong, anh sẽ cưới em.”
Phải nhận là tôi dễ nhạy cảm với những tình tự tương giao con người-súc vật và cảnh vật. Vì từng sống ở thôn quê nên quen thuộc với những “thứ quen thuộc” như mùi chuồng lợn, mùi lúa mới, mùi dạ ẩm, tiếng gà gáy sáng, tiếng quạ kêu, tiếng ọp ọp của ếch nhái sau cơn mưa cũng như tiếng chuông nhà thờ. Những ngày nước lụt, tiếng trống hộ đê, những ngày nắng ấm, những buổi chiều tà trên bờ đê.
Nước, lửa, gió lại được nhân lên một lần nữa qua những kinh nghiệm hiện sinh về đất-trời-con người như cùng trong một bọc khi đi học thời sinh viên. Trời che đất chở.
Dù có những kinh nghiệm như thế, nhìn lại vẫn thấy không đủ một tấm lòng yêu các súc vật nếu không sống ở xứ người!
Súc vật và con người qua văn chương truyền khẩu của Việt Nam
Người viết dù dã sống ở nhà quê cũng quen đối xử với súc vật một cách lạnh lùng, cách biệt. Thế giới con người và thế giới loài vật đã được nhân cách hóa theo tính toán của con người.
Nhưng trong tương lai, chúng ta sẽ đứng trước một nan đề là: Liệu ở những hành tinh khác có thể có con người chăng?
Để trả lời câu hỏi này thì mới đây trên tờ National Geographic, số tháng 3-2019 đưa ra nhan đề “We are not alone” (Chúng ta không đơn độc). Các nhà khoa học đang tìm hiểu và phối kiểm lại xem liệu có một thế giới con người như thế giới của chúng ta hôm nay ở nơi khác hay không? Giả dụ có con người thì, phải có một Adam khác chăng?
Tạm cho vào trong ngoặc có một thế giới khác hay không? Nhưng từ khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng thì tổ tiên chúng ta phải đương đầu với nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh. Hiện nay thì chúng ta đã có khả năng kiềm chế được nạn đói và dịch bệnh. Chẳng hạn như bệnh đậu mùa, theo Tổ chức Y tế thế giới vào năm 1979 coi như đã thành công.
(Xem Yuval Noah Harari. Homo Deus. Bản dịch Việt ngữ Dương Ngọc Trà, nxb Thế Giới. Lịch sử tương lai, trang 25)
Nhưng đến nay thì chúng ta vẫn chết về những bệnh không lây như ung thư hay tim mạch và bệnh già. Chưa kể chết về lái xe hay tự tử vì chán đời. (Bệnh Aids hay Ebola nay càng có nhiều hy vọng diệt trừ và tương lai trận chiến nghiêng về phía con người)
Còn chiến tranh là một vấn đề nhân loại không có thuốc chữa. Tuy nhiên, vì sự sát hại vô cùng khốc hại của nó nên không dễ có loại chiến tranh theo kiểu: chúng ta cùng chết. Vì thế kể từ sau thế chiến thứ hai, nhân loại đã học được bài học tự chế. Vì thế, thế giới ngày nay có hàng kho vũ khí với những quả bom không được thả và những hỏa tiễn không được phóng lên. Cùng lắm thì cũng có thể có thứ chiến tranh tự chế, hoặc xuất cảng thứ chiến tranh đó sang nhà hàng xóm.
Nhưng điều chắc chắn ngày nay không còn ai ngây thơ tin tưởng là điều xấu của con người có thể đổ vấy cho súc vật như trước đây.
Tất cả nếu có điều xấu thì không ở nơi súc vật mà chỉ vì con người, do con người.
Như mới đây, trong bụng một con cái voi ở biển Phi Luật Tân, người ta tìm thấy 40 kg các chất nhựa như các túi ni lông. Rõ ràng là việc dùng túi ni lông có thể là một tai họa cho con người mà còn cho các dòng sông và các sinh vật ở ngoài biển.
Hôm nay viết bài này như một cách xét duyệt lại đời mình. Khi còn trẻ, tôi đã hầu như không quan tâm đủ đến các súc vật nuôi trong nhà như con chó, con mèo đến con ngựa, con trâu, con gà, con lợn. Vậy mà, thật may mắn, và thật không ngờ được, đời sống quanh ta với súc vật đã được thể hiện qua câu chuyện: Lục súc tranh công.
Như thế, người xưa đã hiểu được “tâm tư” lục súc, hoặc đã nhân cách hóa một cách tốt đẹp các loài vật. kể từ thời Lê mạt và đã sáng tác ra câu chuyện này bằng chữ Nôm.
(Bách Khoa toàn thư mở Wikipedia. Tìm hiểu về chuyện thơ Nôm ngụ ngôn của Việt Nam.)
Việc đưa súc vật vào đề tài văn học xem ra khá độc đáo trong văn học chữ Nôm mà nhiều nước trên thế giới có thể không có.
[DCVOnline: một số truyện ngụ ngôn trên thế giới như The Hare And The Tortoise, A Wolf In Sheep's Clothing, The Three Little Pigs, The Crow and The Jug, Goldilocks and The Three Bears, Sour Grapes, Belling the Cat, The Hound And The Rabbit, và còn rất nhiều truyện về súc vật trong văn học phương Tây.]
Nhưng cái quý giá nhất đối với người viết bài này là một học giả như Trương Vĩnh Ký đã nhận thấy cái hay của câu chuyện và phiên âm ra Quốc Ngữ lần đầu tiên vào năm 1887.
(Xem Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ. nxb Trí thức, 25-10-2016, Những tác phẩm thành sách của Trương Vĩnh Ký, trang 58).
P.J.B Trương Vĩnh Ký đã dịch truyện Lục súc tranh công ra tiếng Pháp nhan đề “Les six animaux domestiques”, năm 1887.
Ông là một con người khá đặc biệt -đặc biệt ở ngay những truyện không ai nghĩ tới về những chuyện bình thường và thực tế- Ông đã tích lũy nhiều truyện đời xưa mà trong đó các con vật trở thành những nhân vật. Các con vật ấy được nhân cách hóa như một con người, biểu lộ một số đức tính thường chỉ có ở con người như các câu chuyện sau đây. Trong số các con vật, đặc biệt nhất là con cọp trong nhiều câu chuyện như: Con chồn với con cọp. Con cóc tía với con cọp và con khỉ. Đút sáp cho cọp ăn khỏi chết. Cọp bị đá. Cọp mắc đuôi trong bụi dừa nước. Ăn trộm và cọp rình nhà. Con chó với con gà. Trâu mọt chảy nước. Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu. Ruồi muỗi, chim sắc với con rùa. Cọp có với con chuột. Con thỏ gạt con cù, cứu cá mà ra khỏi nôm. Cọp mắc mưu thỏ làm mà cứu voi. Thầy trừ chồn. Con chó và chồn. Con ruồi bị thưa bị đập.
(Nguyễn Đình Đầu. Ibid., trang 111-157)
Nhắc tới Trương Vĩnh Ký, chúng tôi muốn bạn đọc ghi nhận rằng, ông là người đã để lại cho hậu thế 118 cuốn sách qua đời lúc tuổi 62. Thật trước sau ít ai sánh bằng. Nhờ công của Trương Vĩnh Ký chuyển ra chữ quốc ngữ mà nó được thịnh hành, và được đưa vào chương trình quốc văn trước 1975.
Đọc Lục súc tranh công mới thấy công của súc vật đối với con người. Thấy công của chúng là một chuyện. Nhưng hiểu và chia xẻ là chuyện khác. Điều thắc mắc của người viết bài này là không hiểu tại sao tác giả khuyết danh khi viết truyện nôm này đã không cho con mèo vào trong danh sách cũng như con bò?
Trường hợp con bò thì có thể hiểu được vì nhà nông ở Việt Nam trước đây hầu như ít nuôi bò? Nhưng dê cũng ít nuôi mà lại có tên trong danh sách? Nhưng con mèo xem ra rất gần gũi với con người nông dân đã không được nhắc tới? Tại sao không có mèo trong Lục súc tranh công? Trong khi tại các nước phương Tây, mèo có vị trí ưu vượt trong gia đình, đôi khi vượt cả người?
Riêng con chó thiệt thòi hơn cả. Bị mắng bị chửi, ngay cả bị đánh đạp; ăn thì cơm thừa canh cặn có gì ăn nấy, ngay cả đọn dẹp phân trẻ con. Cần mẫn và siêng năng, trung thành hết mực, không phản chủ, canh giữ cửa nhà và thường là con vật bị hy sinh tính mạng cho chủ như bị đầu độc, bị bắt trộm và đôi khi bị giết. Đến khi chết lại hiến cho chủ nhà những miếng ngon, miếng ngọt nhất trên đời này.
Ở với ai thì làm công việc nấy. Ở xứ tuyết thì kéo xe, giúp chủ săn bẳn. Ở trang trại thì giúp chủ trông nom đàn gia súc, lùa vào chuồng, ban đêm canh gác chống lại thú rừng hay kẻ trộm. Ở thời đại cực văn minh như hiện nay thì trông nom người già cả, túc trực dẫn đường. Có chiến tranh thì cùng người lính mở đường đi săn giặc. Gặp bọn khủng bố thì giúp chủ tìm ra chất nổ, chất độc hoặc các chất ma túy.
Nhưng cũng đặc biệt, khi chết để lại những món cho đời (của một số người) đến nỗi có câu: Sống trên đời ăn miếng dồi chó.
Riêng phần người viết bài, ở bên xứ người, thương cho thân phận chó mà từ đó thôi không ăn thịt chó, đã từ khước những bữa thịt chó dù ngon cách mấy. Nghĩ tới là lợm giọng không ăn được.
Nhiều lúc thiển nghĩ, con người với người cũng không được như loài chó. Con người có nên học loài chó để làm người cho xứng đáng hơn không?
Phần con mèo chết, thay vì ăn thịt, không hiểu tại sao, nhiều người có thể đem chôn?
Số lượng chó mèo nơi xứ người
Theo Yuval Noah Haran, trong Homo Deus, hiện nay trên thế giới chỉ riêng nước Đức có 5 triệu con chó nhà. Tổng cộng có khoảng 200.000 con chó hoang vẫn lang thang trên trái đất. Tổng cộng chó nhà trên trái đất có 400 triệu, 600 triệu con mèo, 40.000 con sư tử, 900.000 con trâu ở Châu Phi cộng với 1.500.000 con bò nuôi. Và cuối cùng có 20 tỉ con gà nuôi.
( Trích Yuval Noah Harari. Homo Deus. 2015, trang. Bản dịch của Dương Ngọc Trà, Lịch sử tương lai , 2018, trang 90)
Trong 200.000 con chó hoang đó, chưa một lần nào chúng lập lại câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ!
Súc vật và người nơi xứ người
Sang xứ người, điều ngạc nhiên, là người Tây phương thường yêu chó và mèo một cách quá hồn nhiên. Chó và đầm hôn nhau như thể đôi tình nhân. Thấy mà thèm. Dù ở nhà hay đi đâu, chó và mèo cũng ngồi chễm trệ trên salon hoặc trên xe. Trong siêu thị, cả một khu bày đủ loại thức ăn đóng hộp dành cho chó mèo. Khi mới sang xứ người đã tính mua về ăn.
Khi chó mèo đau ốm thì lo đưa đi thú y chữa trị; đôi khi tiền chữa trị đắt hơn dành cho một người ốm. Chết thì tốn tiền chôn cất. Có nơi có cả nghĩa địa. Có người còn làm di chúc thừa kế cho chó mèo. Nói chung, chó được ưa chuộng hơn -nhất là phía phái nam- vì đức tính trung thành của nó.
Đối với Việt Nam thì chó chết là hết chuyện. Nhưng đối với các bà đầm thì khóc thương còn hơn cha chết mẹ chết. Vì thế, nuôi chó mèo trong nhà như một mốt, một nhu cầu, một thú tiêu khiển. Bên Pháp cứ hai gia đình thì có một gia đình nuôi một súc vật. Khoảng 9 triệu con mèo và ít hơn một chút 8 triệu chó được nuôi trong các gia đình ở bên Pháp.
Sự tốn kém cho chó mèo hẳn là một số tiền không nhỏ. Nó có thể dùng để nuôi một đất nước vài triệu dân. Vì thế, người dân Pháp có nhiều sách vở dạy nuôi chó mèo cũng như cách làm đồ ăn sao cho đỡ tốn kém.
Trong khi đó, các người theo Hồi giáo sống chung đụng với người dân bản xứ lại không có thói quen nuôi súc vật như chó.
Người mắc bệnh Alzheimer hay bệnh già yếu rất cần một con chó ở bên cạnh tránh cho họ cảm giác bị bỏ rơi.
(Paris Match, số ngày 6 tháng 4, 2005, Le Père Gilbert et sa ferme miraculeuse, trang 29-30).
Câu chuyện trong Paris Match sau đây cho thấy những con người lạc lõng cô đơn, bị đời ruồng bỏ cần đến con vật như thế nào.
Một linh mục có sáng kiến dùng một nông trại bị bỏ hoang tiếp đón các trẻ bụi đời đủ loại mà người ta gọi là những kẻ rescapés du désepsoirs – sống sót từ hoàn cảnh tuyệt vọng – đem lại cho các em một cuộc sống có ý nghĩa bên cạnh các súc vật nuôi cùng nông trại.
Cuộc sống trẻ bụi đời gắn liền với cuộc sống của súc vật. Các thanh thiếu niên đó tìm lại được ý nghĩa cuộc sống qua những con vật, lậy lại niềm tin mà trước đây họ hầu như đã mất hoàn toàn, không tin ai, không tin vào bất cứ thứ gì.
Tóm tắt kết luận sắc bén của vị linh mục ở Faucon, từ 30 năm nay, những con vật là những ông vua và ông nói tiếp:
“On n’éduque jamais un jeune en cellule, jamais. Les centres fermés se multiplient alors que les cinq portes de Faucon n’ont qu’un loquet et ca fait trente ans que ca dure! Ce ne sont pas les gros bras qui gagnent mais la fraternité.”
(Paris Match, Ibid, trang 30)
“Người ta không thể nào giáo dục một người trẻ còn bị giam trong trại tù. Không bao giờ. Vậy mà các trung tâm trại giam khép kín vẫn tiếp tục được phát triển trong khi năm cánh cửa của trại Faucon chỉ có một cái chốt cài then và đã 30 năm như thế vẫn tồn tại. Không phải cứ dùng sức mạnh cơ bắp là thắng thế đâu, mà là tình huynh đệ.”
Vai trò của chó trở thành quan trọng hơn trước nhiều mà trong Lục súc tranh công trước đây không hề biết tới những công việc ấy. Chẳng hạn chó còn giúp người lính ngoài mặt trận, chó được xử dụng để khám xét, truy ra chỗ dấú ma túy ngay cả khám phá ra chất nổ, các loại vũ khí môt cách rât hữu hiệu.
Mặt trái của tấm huy chương
Tôi đã có lần chứng kiến một cảnh rất cảm động. Có một bà có hai con chó nhỏ, vì một lý do không rõ, bà đã để một người bạn của tôi nuôi hai con chó đã gần một tuổi. Nhưng có lần bà điện thoại đến xin thăm hai con chó mà bà xa chúng cũng gần một năm. Vậy mà vừa trông thấy chủ cũ, hai con chó nhỏ đã cuống lên, rồi ngồi phệt xuống, hai chân trước chống lên rồi có tiếng kêu ư ứ trong miệng. Sau đó còn nằm ngửa ra chổng vó lên trời, đuôi quẫy ra chiều sung sướng lắm. Một trong hai con đã biểu lộ cảm xúc một cách không kìm hãm được và tè ra một bãi. Sướng đến vãi đái ra là có thật. Cái cảnh quấn quít lấy nhau giữa người và vật ai trông thấy cũng cảm động. Chị bạn tôi đề nghị bà chủ cũ dẫn hai con chó ra đường đi dạo – con phố nhỏ St. Dorothée – ở trung tâm thành phố. Thế là người và chó ríu rít kéo nhau ra đường như một bày trẻ nhỏ được mẹ dẫn đi chơi phố!
Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng tốt đẹp như vậy!
Tuy nhiên, tôi cũng biết chị bạn tôi rất hãnh diện khi dắt chó ra phố. Vì ai ai cũng dừng lại tíu tít nựng hai con chó. Vậy mà có bà hàng xóm trong cùng chung cư, mặc dầu ra vào vẫn thích hai chú chó, nhưng bà đã làm đơn lên chủ phố là hai con chó sủa vang khi chủ nó về làm bà mất ngủ. Chị bạn tôi phải bồi thường 75 đồng tiền phạt vì để chó làm ồn. Nhưng bất tiện hơn cả, chị phải dẫn hai con chó đến thú y để họ giải phẫu cái thanh quản của chúng. Hóa đơn cho cuộc giải phẫu này lên đến 1500 đồng một con. Hai chú là 3000 đồng. Chi phí không nói làm gì, nhưng từ nay hai con chó không sủa được nữa, chỉ ú ớ trong miệng.
Chưa kể chị bạn tôi cho biết chị còn cho hai con chó đi thử máu hết 120 đồng, sau đó chích ngừa dại 120 đồng nữa. Thôi cũng được đi. Cái này bắt buộc phải làm. Nhưng vì hai chú chó đến tuổi thanh niên nên chị đành đoạn đưa đi thiến cả hai tốn thêm 180 đồng. Vị chi tốn 480 đồng.
Chó đã mất thanh quản nay lại mất béng sinh thực khí thì còn sống làm gì nữa?
Người phương Tây nuôi chó tốn hơn nuôi người ở Việt Nam; họ yêu chó hơn yêu người. Chưa kể, còn có người rút móng chân mèo để nó đừng cào rách bộ sa lông da của chủ. Như vậy thì yêu chó hay yêu mình? Mình có thể đối xử với con ruột như được không?
Nhưng rút móng chân mèo thì có tàn ác không? Mèo bị rút móng là thứ mèo “chết” trông thấy chuột không thèm đuổi theo hay chuột biết tẩy của mèo, còn dừng lại khiêu khích.
Nhưng yêu chó, yêu mèo phải chăng vì mất niềm tin vào con người? Chó mèo càng lên ngôi, càng có sự phá sản niềm tin vào con người, vào đồng loại. Người Nhật làm lễ bái lậy trước vong linh hằng trăm ngàn gà bị dịch cúm gà phải tiêu hủy!
Phải rồi, cứ như thế thì có đến lúc chó mèo lên ngồi vào chố mà trước đây ông bà tổ tiên ta ngồi sau khi chết?
Nhưng người viết còn có một thắc mắc khi so sánh những con chó được thả rông ngoài đường ở Việt Nam và chó được cưng chiều ở xứ người? Được cưng chiều, được thiến, được ăn ngon, bị cắt thanh khí, được là bạn của những người lãnh đạo mạnh nhất toàn cầu như ông Putin, ông Bush, ông Obama?
Người đời có thể phân biệt đối xử, nịnh kẻ giàu sang, “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nhưng chó thì không.
Đối với chó thì ông Putin hay ông Bush cũng không hơn gì lão ăn mày hay một người vô gia cư. Chó thương chủ không phải vì cái danh hão của chủ. Chó thương chủ vì ông chủ bà chủ thương nó và nó thương lại. Chỉ có vậy. Rất vô vị lợi, rất trong sáng.
Con chó của Lão Hạc trong truyện của Nam Cao là điển hình cho sự trung thành và cao thượng giữa người và vật.
Ngay cả trong trường hợp bị ngược đãi, để đói khát, bị đánh chửi, bị xua đuổi, bị mất mạng như chơi, chó vẫn bầy tỏ tình thương khi cần.
Hãy nhìn vào đôi mắt chó, hãy nhìn vào hành động của chó để biết được sự trung thành và tình thuong ấy như thế nào. Một tình cảm hoàn toàn vô vị lợi.
Người viết nghĩ vớ vấn tự hỏi một lần nữa, chó được những người có tiền của chiều chuộng, được ăn ngon, được chăm sóc, được chích ngừa, được ngồi xe hơi, được đi thiến, được cắt thanh quản là sướng hay loại chó ở nhà quê, bị bỏ đói, bị đánh đập, bị giết thịt, nhưng được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Chó ở đâu sướng hơn? Nếu không đặt tiêu chuẩn chủ quan của người đời về vật chất, về danh hão thì người viết khẳng định, chỉ bằng bản năng, chó nhà quê sướng hơn chó ở tỉnh.
Thà chịu đói một chút, nhưng được tự do. Tự do đi lại lùng sục chỗ này chỗ kia, ra oai đuổi gà đuổi vịt, đuổi lợn, đuổi mèo. Thà không được ăn ngon, nhưng hứng lúc nào thì đè chị chó cái ra làm một cái. Chưa bao giờ có cảnh bị từ chối hay thưa gửi vớ vẩn. Thích thì sủa, ghét thằng cha con mẹ nào thì sủa nhặng xị cả lên để tỏ ra uy quyền, không thích thì thôi. Biết phân biệt kẻ chính người tà, gặp tên ăn trộm thì sủa tới nơi, tới chốn, đeo đuổi tới cùng.
Một điểm không kém quan trọng là kẻ viết bài này tin tưởng rằng các con vật dù là con chim hay các thú rừng, nhất là các loại động vật có vú nói chung đều có một giác năng biết yêu thương, biết chăm con cái, biết đau khổ khi bị xa lìa.
Đã có bộ óc thì không phải là vô tri nữa.
Vì thế, tôi tin rằng nơi các loài có vú, có một cảm xúc riêng giữa mẹ và con. Vì thế, các súc vật được nuôi trong nhà đã phải chịu đựng rất nhiều lạm dụng của con người. Người nông dân lợi dụng đủ thứ, thường không quan tâm đến nhu cầu cám xúc của các con vật như bị thiến, bị cắt sừng, bị tách mẹ khỏi con và việc sinh sản là theo một quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Trường hợp con lợn
Thử lấy trường hợp giống lợn. Chúng bị nhốt trong những khoảng không gian nhỏ xíu, kích thước thường là hai mét nhân cho 60 centimet. Chuồng làm bằng sàn xi măng và các then bằng sắt mà chúng hầu như không thể trở mình.
Theo Yuval Noah Harari trong Homo Deus:
“trong ba tháng rưỡi sống chặt chội như thế, lũ lợn nái bị di chuyển sang một chuồng rộng hơn, nơi chúng sẽ đẻ con và cho con bú. Trong khi lũ lợn con trong tự nhiên sẽ bú mẹ trong khoảng mười đến 20 tuần, thì trong các trại công nghệp, chúng bị buộc cai sữa sau hai đến bốn tuần, bị tách khỏi mẹ chở đi một nới khác để vỗ béo và giết thịt. Lợn mẹ lập tức bị cho thụ thai tiếp và đưa trở về chuồng nhốt để bắt đầu một chu kỳ mới. Một con lợn nái trung bình sẽ trải qua năm đến mười chu kỳ như vậy trước khi chính nó cũng bị giết thịt.”
(Yuval Noah Harari, Homo Deus, 2015 bản dịch việt ngữ Dương Ngọc Trà. Lược sử tương lai. 2018, trang 100-101)
Cứ nghĩ đến cảnh những con lợn nái được chăm sóc đầy đủ như ăn uống, được chích ngừa, và được ép thụ thai nhân tạo. Từ góc độ khách quan thì hình như có vẻ khoa học, “tử tế’ Nhưng từ góc độ chủ quan, giả dụ ta là con vật ấy bị ràng buộc vào trong những quy trình khép kín với nhiều tầng đau khổ. Chúng bị nhốt trong những chuồng trại rất chật hẹp chỉ vừa đủ đứng suốt ngày đêm, bị nhốt trong những chuồng chặt chột không cục cựa được, không giao tiếp với các con lợn khác, như một cái máy sản xuất, rồi sau đó bị giết thịt!
Có cái gì bất nhẫn khi nhìn thấy cảnh đó. Có cái gì bất nhân trong cái vòng quay sinh đẻ-sản xuất-giết thịt.
Kể từ nay, nòi giống lợn không bao giờ sợ bị tuyệt chủng trong cái vòng quay sinh sản đã được dự liệu trong một quy trình tính toán bằng những con số. Chỉ có điều cái nhu cầu chủ quan của con vật thì đã bị bỏ qua và không còn ai lưu tâm tới.
Đó là tất cả cái văn hóa của loại người văn minh đã không một chút đếm xỉa đến đời sống của các sinh vật, các gia súc đã bị kỹ nghệ hóa và đó cũng là thắc mắc, câu hỏi của người viết bài này.
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline minh họa và phụ chú. ali