Thái độ phản kháng phải chăng là quá trễ?

Nguyễn Văn Lục

Sẽ có một ngày.
Sẽ có một ngày con người hôm nay
vất súng,
vất cùm,
vất cờ, vất đảng (…)

Nguyễn Chí Thiện

Sẽ có một ngày

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng,
vất cùm,
vất cờ,
vất Đảng

Đội lại khăn tang,
đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa,
kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần.
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!

Tiếng sáo mục đồng êm ả
Tình quê tha thiết ngân nga
Thay tiếng “Tiến quân ca”
Và “Quốc tế ca”
Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la! 

Trích trong Tiếng vọng từ đáy vực (1971), trang 88 của Nguyễn Chí Thiện. Ông thú nhận đã thức cả đêm để làm bài thơ này. (Nguyễn Chí Thiện, Hai truyện tù-Two prison life stories, trang 149.)
Hai truyện tù-Two prison life stories. Nguyễn Chí Thiện

Sự khơi dậy một niềm tin qua tập video của André Menras: Tiếng Gào Thét Từ Bên Trong

Đối với tác giả Tiếng vọng từ đáy ngục, mỗi bài thơ là một bản cáo trạng về cộng sản. Mỗi câu thơ của ông là một lời nguyền rủa. Vì  thế cả cuộc đời  tuổi trẻ  của ông bị tù đầy chỉ vì cái tội làm thơ. Trên thế gian này không đâu có cái tội “làm thơ” Chỉ ở Việt Nam cộng sản mới có cái tội đó và những tội khác như tội làm linh mục rao giảng lời Chúa, tội giữ gìn phẩm chất Phật giáo.

Tội lớn nhất là dám nói lên sự thật.

Vậy mà trong suốt tập thơ Tiếng Vọng  như bóng tối cuộc đời với nỗi buồn thăm thẳm, nỗi uất hận khôn nguôi vẫn còn le lói lên một tia hy vọng. Thật quá đặc biệt. Bài thơ trên của Nguyễn Chí Thiện thật là viên ngọc quý hiếm trong cõi thơ tranh đấu của ông.

Cái cao cả nhất và cái vĩ đại nhất của con người là vẫn có một niềm tin, một hy vọng.  Ngay trong nỗi tuyệt vọng vẫn có mầm mống hy vọng. Còn hy vọng là còn tất cả. Bởi vì hy vọng là tự vượt chính mình, tin vào điều thiện sẽ chiến thắng điều ác. Tin vào tương lai một ngày nào đó, điều thiện sẽ ca khúc khải hoàn.

Mở đầu bài viết này bằng bài thơ của Nguyễn Chí Thiện để dẫn tới việc giới thiệu cuốn phim “Việt Nam trong tiếng gào thét từ bên trong” của André Menras.

Về André Menras | Tên tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, ông sinh trưởng ở nước Pháp. Sang Việt Nam năm 1969, dạy trung học. Thoạt tiên dạy tại trường Blaise Pascal ở Đà Nẵng, rồi chuyển vào Sài Gòn dạy tại trường J.J. Rousseau. Ông phản chiến, ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ông đã có một quyết định liều lĩnh lãngmạn, cùng với một người bạn là Jean-Pierre Debris leo lên tượng người lính Thủy quân lục chiến trước Nhà Quốc hội treo lá cờ giải phóng miền Nam. Ông rải truyền đơn kêu gọi Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam. Dĩ nhiên ông bị bắt, bị tù và được trả tự do và bị trục xuất ra khỏi miền Nam vào ngày 1/1/1973.

Jean Pierre Debris (trái) và Andre Marcel Menras (phải) bị còng tay đem đi giam, Sài Gòn 1970. Ảnh AP Wire

Hồ Cương Quyết đã phản tỉnh, biết mình chọn sai đường, đứng về phía những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho một Việt Nam tự do và dân chủ. Khi làm cuốn phim này, ông đã ghi lại việc tưởng nhớ đến cha mẹ ông. Tác giả viết: “Thương tặng ba mẹ đã từ trần mà chưa thấy tận mắt Việt Nam bao giờ.”

Cuốn phim mà phần lớn dựa trên cuộc phỏng vấn một số cựu cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam, phần khác thu hình trực tiếp từ tiếng nói những người dân đánh cá bị Trung Hoa hành hạ đủ điều đến những người nông dân bị chính quyền cướp đất, trả giá “bèo” hầu như ăn cướp không của họ.

Cuốn phim hẳn đã gây xúc động cho người xem vì nó nói lên sự thật, và lên tiếng tố cáo. Những lời tố cáo đó vẫn còn dè dặt và mang tính cá nhân, không nhằm vào chế độ hay tố cáo trực tiếp bất kỳ nhân vật lãnh đạo nào của đảng Cộng sản Việt Nam.

Những người được phỏng vấn trong cuốn phim đều là những người trưởng thành trong khói lửa, có người từng theo cách mạng chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu. Tuổi đảng xấp xỉ với tuổi đời; đã 50, 70 tuổi đảng và giờ đây phải chia tay với “ý thức hệ”.

Tôi hiểu được những nỗi đau, nổi nhục, nỗi thất vọng và nỗi mất niềm tin của những người ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, an hưởng. Nhưng, một lần nữa, họ phải chống gậy đi làm một cuộc kháng chiến lần thứ n, kháng chiến chống lại một “ ý thức hệ” đã bị sói mòn, mục rữa, biến chất.

Tôi không tôn trọng những năm kháng chiến của họ, vì không cùng chính kiến với họ ngay từ đầu. Tôi có thể tạm chấp nhận những năm họ chống Pháp. Nhưng chống Mỹ xâm lược là điều cần đặt  lại: Ai xâm lược ai?

Vì tôi là người Quốc gia, tôi có chính nghĩa của tôi. Nhưng tôi tôn trọng cuộc tranh đấu kháng chiến “chống ý thức hệ” của họ vì đây mới là cuộc kháng chiến có ý nghĩa nhất trong đời họ, mặc dầu tôi không mấy tin tưởng vào cách thức họ làm. Ít ra lúc này, tôi và họ cùng có một mẫu số chung là cần xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản vì tính cách lỗi thời và phản tiến bộ của nó về mọi mặt.

Hồ Cương Quyết đã mở đầu câu chuyện bằng cách ca tụng sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Việt Nam. Sài Gòn như một công trường vĩ đại, lúc nào cũng ồn ào tiếng máy xúc, xe bồn nhộn nhịp. Thương hiệu Việt Nam đã ra đi cùng khắp thế giới, chắp cánh đi lên cùng với năm châu trong sự cạnh tranh đầy hứng khởi.

Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh ngự trị cao trên quảng trường như biểu tượng của sự tôn sùng vĩ đại. Nhưng vào đến Sài Gòn thì tượng Hồ Chí Minh — dù thành phố mang tên ông ta — xem ra khiêm tốn và nhỏ bé hơn ở Hà Nội.

Sự so sánh kể cũng là có ý nghĩa lắm! Biết đâu sau khi đọc những dòng này, nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ bỏ tiền đúc một bức tượng Hồ Chí Minh to gấp 10 lần, xây dựng một quảng trường rộng mênh mông mà sức chứa có thể lên đến hàng triệu người. Chỉ sợ dù quảng trường có thể xây được, nhưng lấy đâu ra người tham dự? Nhưng dù có như thế đi nữa thì dưới mắt người dân Sài Gòn trong tận cùng tâm thức: Sài Gòn cũng vẫn là Sài Gòn và không  ai có thể thay thế cho cái tên gọi quen thuộc ấy được.

Tp. Hồ Chí Minh là tên mang vóc dáng chính trị. Còn Sài Gòn là tên gọi của con tim, của những tấm lòng người dân miền Nam, của tình nghĩa Giáo Khoa Thư mà sự thay đổi tên nào cũng trở thành vô nghĩa. Sài Gòn vẫn là “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”. Amen.

Nhân vật trong cuộc phỏng vấn của Hồ Cương Quyết

Phải nói rằng cuộc phỏng vấn đã để lại nhiều xúc cảm cũng như nỗi buồn cho người nghe. Theo như Nguyễn Chí Thiện, khi ở trong tù Hỏa Lò (Hai Hỏa Lò, trang 149), ông đã có nhiều dịp tiếp xúc với các tù nhân chính trị của phía bên kia và họ cũng bày tỏ niềm hối hận đã tham gia vào đảng. Vì thế, ông mới tin rằng trong con người cộng sản cũng có ngày tỉnh ngộ. Bài thơ Sẽ có một ngày ra đời trong bối cảnh đó.

Nguyễn Chí Thiện tiên đoán và tin rằng sẽ có một ngày người ta vứt bỏ tất cả để “đặt vòng hoa tái ngộ”. Phải chăng lời nguyền của Nguyễn Chí Thiện đã thành hiện thực? Làm thế nào có thể tin được những thành viên lão thành cách mạng, có người đã 104 tuổi đời, 72 tuổi đảng đã có một ngày họ đành đoạn chia tay với đảng? Đã có bao nhiêu người như thế? Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn? Không. Bao giờ con số sẽ là 4 triệu người? Và bao giờ con số là 100 triệu người?

Phần phỏng vấn dành cho các nạn nhân cộng sản là những người thuyền chài, những nông dân mất đất, mất ruộng cho thấy nỗi đau và  nỗi uất ức của họ; trời đất cũng không thể tha cho bọn ác ôn! Phần này cho khán giả hiểu sự tàn bạo, sự ác động, sự phi nhân của những con người cộng sản!

Sớm muộn gì thì nó cũng phải tan biến đi để con người Việt Nam trở về với chính mình.

Nguyên Ngọc, nhà văn, nhà báo, 62 năm tuổi đảng. Nhà văn lẫy lừng một thời, theo quan điểm của đảng. Ra khỏi đảng năm 2018. Phần giới thiệu một vài sinh hoạt của ông sau đây không nằm trong nội dung cuộc phỏng vấn của Hồ Cương Quyết. Mới đây nhất với lời lẽ mạnh mẽ nhất, Nguyên Ngọc viết bài: Tôi tố cáo.  Có thể ông lấy lại ý của Émile Zola trong J’accuse. Ông viết,

Tôi tố cáo tội ác (Vụ giết cụ Kình) trời không dung, đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới.”

Diễn Đàn Forum ngày 04-02-2020

Ông cũng nằm trong nhóm  chủ trương Một góc nhìn của Trí thức do Tia Sáng ấn hành. Nhóm trí thức đã ra được 5 tập sách: Một góc nhìn của giới trí thức từ năm 2004. Họ được coi như chất xám trí tuệ của giới trí thức theo cộng sản có vai trò tác động, thức tỉnh, tinh thần dân chủ. Trong phần giới thiệu các tập sách này ở bìa lưng có những lời tuyên bố như sau:

Đây là tập sách mỏng chứa đựng một độ dày lớn về trí thức; một độ sâu đủ sức thuyết phục trước một dung lượng câu chữ hết sức hạn hẹp; một độ nóng hiện rõ trên bề mặt thời cuộc trong từng vấn đề đặt ra mà những ý tưởng các nội dung ấy đã thật sự ổn định; đã  trở thành căn cơ kinh điển đến mức cổ điển; và một độ cao kỳ vọng của lực lượng trí thức nước nhà trong vận hội mới của Non Sông.”

Một góc nhìn của Trí thức. Nhà Xuất Bản Trẻ. Tập 5, trang bìa sau

Mặt tích cực ấy dần trở thành mặt phản biện và cứ thế đi đến chỗ đối đầu, chống đối và cuối cùng thất vọng bỏ đảng.

Không thể đòi họ hơn được trong tiến trình tự thoát của họ. Họ là những người như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Hoàng Tụy, Chu Hảo, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc. Và rất nhiều tác giả cộng tác viết bài cho các tập sách này. Ít ra thì đó là điểm hội tụ có một tiếng nói chung mà hậu quả ra sao hậu xét.

Trong cuộc phỏng vấn với Hồ Cương Quyết, Nguyên Ngọc cho rằng: chế độ cộng sản đã đặt quyền lợi của dân tộc dưới quyền lợi của đảng. Đảng trên hết. Và đó là điều không thể chấp nhận được. Từ dó tạo ra thứ Tư Bản Đỏ. Tham nhũng là tất yếu. Đảng trở thành phản dân hại nước.

Tiếng vọng của một Nguyên Ngọc với uy tín cá nhân sẽ vọng đi được bao xa? Điểm xuất phát từ Hội An của nhà văn Nguyên Ngọc liệu có thể tới được cung đình Hà Nội hay tới được người nông dân đồng bằng sông Cửu Long  hiện đang gặp mặn?

Chu Hảo. Tiến sĩ Khoa học. Có thời làm thứ trưởng Bộ Khoa Học và Công nghệ. Ông nằm trong nhóm nhà xuất bản Trí thức nói trên. Có cho xuất bản cuốn sách rất xưa của Friedrich A. Hayek: The Road to Serfdom (1944) do Phạm Nguyên Trường dịch là Đường về nô lệ. 2008.  Thật ra đây là một cuốn sách mà phần tài liệu đã bị thời gian vượt qua. Phần sự kiện không phù hợp hẳn với hiện trạng Việt Nam. Nhưng  thói quen là cứ mượn câu chuyện của người để gián tiếp nói về mình. Với sự tài trợ của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Ngoài ra nhóm nxb Trí Thức còn cho xuất bản cuốn “Ông Sáu Dân trong lòng dân” hay cuốn “K. Marx” của Peter Singer. Cả ba cuốn sách này đều trình bày mặt tiêu cực của đảng cộng sản.  Chu Hảo bị khai trừ vì có hành vi chống đối chế độ. Ông cũng tuyên bố ra khỏi đảng ngày 26-10 2018. Việc khai trừ Chu Hảo đã gây ra một tiếng vang vọng lớn trong giới cầm bút miền Bắc.

Trong bài phỏng vấn, ông trả lời câu hỏi: tại sao chúng tôi dấn thân vào cuộc tranh đấu? Ông trả lời rất đơn giản. Tại vì chúng tôi yêu nước. Ông cũng bày tỏ là hiện nay chính cái đảng cộng sản cũng thừa biết rằng là họ không được lòng dân. Họ không biết lắng nghe dân, không biết ý nguyện của dân. Tôi nghĩ rằng họ trị chứ không phải lãnh đạo. Cho nên: Nói, nghe, nghĩ là làm theo họ.

Tương Lai tham gia kháng chiến từ đầu. Một cán bộ vốn được coi là trung thành với đảng. Nhưng sau này, ông có tổ chức một lễ tưởng niệm Lưu Hiển Ba, một trí thức bất đồng chính kiến của Trung Hoa. Ông bị ghi sổ đen. “Tưởng niệm Lưu Hiếu Ba là gián tiếp nêu cao ngọn cờ chống Trung Hoa. Họ kết tội tôi.”

Theo nhận xét của người viết thì phần lớn các hoạt dộng của các vị này như ông Tương Lai, nhóm Huỳnh Tấn Mẫm, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc và một số giới trẻ đi hàng đầu đều có chủ trương chống Trung Hoa — không hẳn là chống chính quyền cộng sản. Nhưng họ đã bị chính quyền ngăn chặn bằng nhiều biện pháp đủ loại như ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, đánh đập, bắt bớ. Nhiều thành phần trẻ đã bị bắt bớ giam cầm. Riêng các nhân vật tranh đấu lớn tuổi này vì nhiều lý do, họ đã miễn nhiễm, không bị đi tù.

Cùng lắm, quá khứ của họ đã bị tịch thu.

Họ trở thành một thứ công dân chống gậy tranh đấu mà ngày một ngày mai, họ sẽ không còn nữa! Việc chống Trung Hoa của ông Tương Lai và một số người khác là mối bận tâm hàng đầu của họ. Và ông không ngần ngại khi trả lời phỏng vấn, ông cho rằng: “Việc chống Trung Hoa là hòn đá thử vàng biết ai là người thật sự yêu nước và ai không?”

Một cách gián tiếp, ông và các đồng bạn lên áp gián tiếp thái độ hèn của nhà cầm quyền Hà Nội.

Phạm Toàn, nhà giáo, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu giáo dục. Trong nhóm biên tập báo Tia Sáng. Bút hiệu của ông là Châu Diên. Ông cùng với các ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng lập ra trang mạng Bauxite phản đối việc khai thác Bô Xít vì vấn đề môi trường. Nhờ đó mà người ta biết đến tên tuổi ông nhiều. Mặt khác ông cũng chống Trung Hoa, bị chính quyền ngăn chặn và theo dõi, canh chừng. Cách chống của ông là ngồi đếm những xe tải từ Trung Hoa sang Việt Nam.

Theo ông, qua phỏng vấn, mỗi ngày có khoảng 5000 xe tải qua lại mỗi ngày giữa biên giới Trung Hoa-Việt Nam. Trong đó chở gì ông không biết.

Thế thì đếm để làm gì? Các bạn bè quen thuộc quanh ông coi ông là một người có cốt cách của một sĩ phu. Chắc là như vậy và không là gì khác.

Ông qua đời tháng 6/2019,  để lại câu nói có lẽ phản ảnh con người ông “Sống đẹp khó hơn chết đẹp vạn lần”. Nhưng thế nào là sống đẹp trong XHCN mà mọi thứ đều bát nháo?

Nguyễn Trọng Vĩnh (1916-2019). Nguồn Soha

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 72 tuổi đảng. Hiện nay 104 tuổi. Ông từ giai cấp bần cố nông đi lên. Cho đến tuổi này, ông vẫn giữ được cốt cách nông dân của mình.  Mồ côi cha từ một tuổi, được bán cho một gia đình ở Hà Nội. Tham gia kháng chiến sớm và leo lên đến cấp tướng. Làm đại sứ ở Trung Hoa 4 nhiệm kỳ. Rồi về hưu. Nói ông chống đảng thì có hơi quá. Ông chỉ muốn thay đổi nó, có dân chủ đúng nghĩa.

Ông trả lời phỏng vấn một cách vắn gọn. Hỏi có cần thay đổi cơ chế chính trị? Ông nói: Cần. Cần dân chủ. Không dân chủ chả được cái gì.

Tuy nhiên, thay đổi như thế nào? Thay đổi triệt để, thay đổi thể chế thì cái gì còn giữ lại của chủ nghĩa cộng sản. Có thể ông đã không có câu trả lời trọn vẹn và rốt ráo được. Có lẽ cũng chả nên ép ông có những câu trả lời rốt ráo. Nó cũng chẳng khác gì giai đoạn chống Pháp, rồi chống Mỹ. Ông đã xả thân. Bây giờ một lần nữa ông đem cái thân già gần đất xa trời mong cứu vãn cái cơ đồ mà cả đời ông đã trót phục vụ.

Từ trái: Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu. Ảnh: Huỳnh Ngọc Chênh.

Lê Công Giàu. Ông thuộc lớp người thế hệ thứ hai, giai đoạn chống Mỹ. Ông lớn lên và trưởng thành từ môi trường giáo dục miền Nam “Mỹ-ngụy”.  Thời sinh viên, ông làm Tổng Thư Ký Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Sau 1975, ông làm Phó bí thư thường trực Thành đoàn. Ông cũng là nguyên Giám đốc Savimex. Ông là một trong số những người được may mắn hưởng thụ một nền giáo dục miền Nam. Tôi gọi là may mắn bởi vì tôi cũng nằm trong số đó, thời đó. Tôi biết ơn. Ông thì không. Tôi muốn nhân dịp này viết lại những tuyên truyền của cộng sản trong giới thanh niên, sinh viên, học sinh Sài gòn, trong đó có những người như Lê Thanh Hải — nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này, Lê Thanh Hải làm mưa làm gió ở thành phố Sài gon.

Tôi vốn rất kỵ với thành phần này, phá làng phá xóm. Giới bình dân người ta gọi đó là thành phần “ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản” xem ra cũng đúng. Sự dị ứng của tôi với thành phần thiên tả này hiểu được. Vì tôi luôn luôn coi họ cũng là người Quốc Gia, hưởng ân huệ không hết của mảnh đất miền Nam thân yêu. Tôi cảm thấy bất nhẫn khi có người phản bội. Nhất là ở phạm vi giáo dục và đời sống tương đối ấm no và an bình ở miền Nam. Tôi nghĩ và so sánh đến đời sống dân giả và êm đềm ở xứ Phần Lan mà miền Nam có một phần được như thế. Bao nhiêu những tệ hại hiện nay về giáo dục, xã hội thì miền Nam hồi ấy không có. Chỉ một việc thi cử đủ loại, thi tuyển vào đệ thất, thi tuyển vào các trường kỹ thuật, vào y khoa cho thấy sự nghiêm chỉnh trong lề lối tổ chức thi cử. Trần Mạnh Hảo có được nghe kể lại giai thoại về cô Ngô Đình Lệ Thủy, con gái ông Ngô Đình Nhu, rớt khi thi vào Y khoa. Cỡ như ông Ngô Đình Nhu cũng đành chịu. Và nghĩ đến việc thi cử hiện nay sau hơn 40 năm vẫn chưa được tổ chức chu đáo và công bằng.

Sau này, nhiều người hồi tưởng lại vẫn tiếc nuối những ngày tháng êm đep đó. Xin viết lại một đoạn tuyên truyền bẩn thỉu của cộng sản về miền Nam để các bạn trẻ sau này hiểu rõ. Không biết ông Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm có được truyên truyền chính trị về chính thể miền Nam như sau đây không?

Hắn công khai chống lại chính nghĩa kháng chiến quốc gia, mà hắn như là kẻ có công “bao nhiêu năm lê gót nơi quê người”.. Đả thực, bài phong và diệt cộng. Hắn là Ngô Đình Diệm làm “cách mạng Quốc gia”. Sau lưng hắn là cả một bộ máy đồ sộ gồm đủ loại, phản động mưu mô thâm độc nhất, giết người khét tiếng nhất, hèn hạ bẩn thỉu nhất, khoác đủ các màu áo sặc sỡ nhất. Từ một guồng máy báo chí, văn nghệ rầm rộ “với những lá phiếu trưng cầu một hiển linh”, hay “cúi đầu lạy trước cao dầy. Cùng nhau kể lể những ngày xưa sau”, đến những cuộc biểu tình gào thét hằn học nhất để được lãnh một ổ bánh mì.. tất cả “suy tôn Ngô Chí sĩ”. Hắn không giống bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm, hay vua Nguyễn Vĩnh Thụy, những tên thủ tướng, quốc trưởng Việt gian núp sau lưng lê dương Pháp. Hắn đã từng treo ấn từ quan, không làm bù nhìn cho Phát Xít Nhật, “bôn ba hải ngoại”, không vợ không con. Sau lưng hắn là gần một triệu đồng bào miền Bắc di cư gồm những bọn địa chủ cường hào phục thù giai cấp, bọn phản động đầy nợ máu và đồng bào công giáo bị cưỡng ép, dụ dỗ theo “Chúa vào Nam”, làm ống loa nói xấu xuyên tạc miền Bắc. Phương pháp “đấu tố trong Cải cách ruộng đất, vụ Nhân Văn Gia Phẩm được khai thác thành chiến dịch vu khống cộng sản chà đạp con người, bóp nghẹt tự do.”

Hoàng Hà, Theo dấu chân một cuộc hành trình. Trui rèn trong lửa đỏ trang 338-340)

Đọc đoạn này, tôi chỉ cười. Nhưng biết đâu ông Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm lại tấm tắc… khen.

Nay chán cơm cách mạng, ông là một trong số ít ỏi giới sinh viên miền Nam, theo đảng, và đến hiện đang mong muốn một sự thay đổi thể chế, chấm dứt chế độ tài toàn trị như hiện nay.  Cái gốc gác miền Nam vốn tự do, thoải mái một ngày nào đó nó sẽ ngóc đầu dậy giầy vò ông chăng?

Trong cuộc phỏng vấn với Hồ Cương Quyết, ông xem ra hãnh diện vì ông là người tù của hai chế độ. Và ông còn cho rằng: Tự do không ai cho không.

Nhưng miền Nam  vốn có tự do mà có lẽ ông không cần phải đấu tranh mới có được như bây giờ. Nó như món đồ trong túi mà ông vô tình bỏ quên.

Trong cuộc phỏng vấn, ông cho hay ông cùng 5 người là các ông Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Lê Hiếu Đằng và Lê Công Giàu. Cả 5 người đã thay mặt cho 42 người có tên trong Bản Đề Nghị ngày 27-7-2012 đã gửi Bí Thư Thành Ủy, Chủ Tịch UBND Tp Hồ Chí Minh để bá cáo công khai sẽ tổ chức một cuộc mít tinh tại Nhà Hát thành phố vào 8 giờ 30 sáng ngày 9-12-2012.

Việc làm công khai ấy đã bị chính quyền ngăn cản bằng mọi cách vì đảng hay chính quyền cho rằng lúc này chưa phải là lúc phải cần mít tinh. Buổi mít tinh hầu như thất bại vì những người lãnh đạo bị cầm chân tại nhà. Chỉ có giới trẻ tỏ ra xông xáo hơn cả và đã bị công an cảnh sát đàn áp dã man bằng dùi cui, trong đó một số người bị thương.

Chỉ một việc làm hợp pháp và cần làm còn bị nhà nước ngăn chặn thì liệu các ông có thể làm được gì trong tương lai?

Nhưng câu hỏi đặt ra cho ông và tất cả những người bất đồng chính kiến là ai sẽ đứng ra lãnh đạo đấu tranh cho việc thay đổi và thay đổi bằng cách nào? Bằng bạo lực  hay bằng bầu cử?  Thay đổi cả cơ chế hay hủy bỏ luôn cả chủ nghĩa cộng sản? Và dĩ nhiên phải thay đổi hiến pháp? Thay đổi rồi, ai sẽ là người lãnh dạo? Chế độ tương lai sẽ là thể chế chính trị gì?

Thật sự thì tác giả không minh định một cách rõ ràng mà nhiều phần chỉ là những mong ước?

Từ trái: Phạm Chí Dũng, Hoàng Hưng , Kha Lương Ngãi, Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Đan Quế. Nguồn: HỘI CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VIỆT NAM

Kha Lương Ngãi. Ông là một nhà báo, đã tham gia vào MTGPMN từ lúc 15 tuổi. Mặc dầu gặp nhiều gian khổ, nhưng ông tin tưởng đã đi đúng đường. Ông tự hào về điều ấy. Xem ra ông chưa ra khỏi não trạng của một quá khứ mà ông cho là đầy lý tưởng và lãng mạn.

Theo tôi thì ông cứ nên tiếp tục ấp ủ cái quá khứ vàng son ấy việc chi mà rắc rối muốn thay đổi và ra khỏi đảng vào năm 2006?

Cho mãi đến năm 2004, ông mới nhận thức được rằng chế độ toàn trị không còn phù hợp với lý tưởng của ông như lúc ban đầu. Ông đã mất niềm tin vào đảng và cuối cùng ông đã xin ra khỏi đảng vào năm 2006. Sự nhận thức muộn màng trong trường hợp ông làm tôi ngại ngùng không biết nên xếp ông vào thành phần nào?

Chê trách ông thì không dám mà khen ông thì cũng không biết đường nào để khen! Bởi vì trong số những thành phần  miền Nam đi theo đảng, ông ở mặt chìm nên đối với tôi, ông là một nhân vật rất xa lạ, kể như lần đầu mới được nghe đến tên ông!

Nguyễn Văn Kết. 50 tuổi đảng. Ông cùng với 5 người khác đã gửi kiến nghị lên Ban Tuyên Giáo. Dĩ nhiên là chẳng có kết quả gì. Cuối cùng thì nói như ông Bùi Tiến An, một trong 5 người gửi kiến nghị đưa ra lời nhận xét cay đắng: đảng của ông hèn với giặc, ác với nhân dân.

Theo tôi  tranh đấu bằng cách gửi kiến Nghị là một điều thậm vô ích, vì đảng có bao giờ quan tâm đến ý kiến của người khác.

Lê Thâu. Tôi đã có cố gắng đi tìm tên tuổi ông qua các cao trào thanh niên, sinh viên, học sinh tranh đấu như  trường hợp Trần Khiêm, Dương Văn Đày, Nguyễn Ngọc Phương, Lê Thành Yến, Nguyễn Thành Công, Đỗ Hữu Ứng là những cán bộ lãnh đạo tên tuổi. Hoặc các thành viên của Phong trào hoạt động công khai như Nguyễn Thị Yến, Phan Công Trình, Hạ Đình Nguyên, Nguyễn Xuân Lập, Võ Như Lanh, Tô Thị Thủy, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Hoàng Trúc, Tôn Thất Lập, Nguyễn Văn Sanh, Trương Quốc Khánh, Trần Minh Đức, Trương Anh Dũng, v.v. nhưng không tìm thấy tên tuổi ông. Có thể ông hoạt dộng bí mật trong một nhóm nào khác mà tôi không được biết. Chuyện ấy cũng chẳng nên mất thời giờ làm gì.

Nhưng tôi lại rất cảm kích về những lời phát biểu trả lời phỏng vấn của ông. Điều đó cho thấy, ông đã sống và có kinh nghiệm giữa hai chế đó và nay có dịp so sánh hơn kém.

Vì thế, cái nhận xét của ông xem ra khá độc đáo. Qua phỏng vấn, theo ông, chế độ miền Nam đã thua. Thua toàn diện. Miền Bắc đã thắng. Thế nhưng, nay ông nhận thấy rằng, cái gì trước đây chê trách miền Nam thì điều hay nhất là nay tìm học lại những điều ấy của miền Nam. Và theo cá nhân tôi thì đổi mới chỉ là một cách nói khoa trương mà nội hàm của nó cho thấy Đổi Mới chẳng qua đơn giản chỉ là quay trở về với cái đã có sẵn. Ông chua chát hơn khi cho rằng, thà đất nước hay chúng ta nghèo hơn cũng được. Nhưng không thể chấp nhận một xã hội bất an về mọi mặt như hiện nay.

Phạm Chí Dũng. Ông sinh năm 1966 nên có thể coi ông là thế hệ thứ ba — không phải chống Pháp, chống Mỹ. Ông lớn lên và trưởng thành trong chế độ XHCN ở giai đoạn đất nước đã thống nhất. Có thể nói, thế hệ ông là những đứa con nguyên giống, thuần chủng. Ông là đảng viên đảng cộng sản trong 20 năm (1993-2013). Cán bộ an ninh nội chính và ra khỏi đảng năm 2013.  Hiện nay là Chủ tịch hội nhà báo độc lập.

Qua việc trả lời phỏng vấn với Hồ  Cương Quyết, bằng một giọng chắc nịch và cương quyết, ông nói tới Lời nguyện địa lý là hiện nay biển coi như đã mất, người Việt Nam mất thêm đất qua trung gian việc mua bán. Nay đã có hàng dãy phố Trung Hoa được dự đoán có vùng khoảng 30% đất đai người Trung Hoa đã mua. Đặc biệt là các khu vực duyên hải như Đà Nẵng, Nha Trang. Nhưng con số chính xác là bao nhiêu thì không ai biết được vì không có thống kê.

Trong những cách thức mà ông trình bày một vấn đề, tôi nhận ra thái độ cực đoan và thách thức chính quyền. Tôi thầm nghĩ ngày một ngày hai ông sẽ bị bịt miệng không thể lên tiếng. Ông không có cái bề dầy quá khứ như các bậc đàn anh thế hệ chống Pháp hay chống Mỹ. Và ông hiện nay đã bị bắt giam vì cái lời nguyền địa lý mà ông từng vì nó tranh đấu.

Số phận của ông đã đành là như vậy, còn số phận về lời nguyện địa lý thì tương lai chưa biết sẽ như thế nào? Tôi buồn cho thế hệ ông và các người trẻ khác hiện nay đang còn bị giam cầm trong tù ngục cộng sản vì những xác tín của họ. Và bao giờ sẽ có một ngày gông cùm cộng sản sẽ được tháo gỡ để Lời nguyền của đất được thực hiện.

Vài ý nghĩ vụn vặt khi nghe các cuộc phỏng vấn của Hồ Cương Quyết

Với đám người trí thức kể trên, việc chống đối lại chế độ là việc chẳng đặng đừng. Họ rơi vào hoàn cảnh tiến thối lưỡng nan không dễ cho họ. Nào họ có muốn như thế đâu.

Họ từng miệt mài theo kháng chiến, từng vào sinh ra tử, từng hết lòng với đảng, từng cả đời vì đảng. Vậy mà đén tuổi đã già như Nguyễn Hộ, cộng sản Ba Son, thời còn trứng nước, từng hoạt động sát cánh với Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt. Nguyễn Hộ đã quyết tâm từ bỏ đảng vì đã “chọn lầm lý tưởng”. Tại sao lại lầm được? Tại sao cần bao nhiêu năm, cần bao nhiêu chứng cớ, cần bao nhiêu tội ác để có thể lay chuyển lương tâm của họ? Có sự đan cài quyền lợi vật chất, tinh thần, quyền lợi cá nhân, gia đình chăng? Chưa kể cái quán tính đã bao nhiêu năm đã un đúc cái nếp suy nghĩ đã thành nếp gấp trong đầu họ? Và cho thấy rằng có những điều rất dễ hiểu đối với những người dân bình thường lại trở thành quá khó khăn đối với cái đầu của họ?

Có thể nói đến sự nhồi sọ, sự bị điều kiện hóa, sự lặp đi lặp lại trở thành quán tính, sự bị che mắt và thiếu thông tin? Sự giả vờ ngu dốt, sự đóng kịch phải chăng là loại trí thức máy không? Hay còn có thể là là sự sợ hãi liên quan đến bản thân họ và cả con cái những người thân thuộc? Vì miếng cơm manh áo? Vũ khí của đảng không chế dạ dày để kieehm soát tư tưởng? Biết bao nhiêu câu hỏi và có bấy nhiêu trả lời. Câu trả lời nào cũng đúng nhưng lại không trọn vẹn.

Và người ta có quyền nghi ngờ về những quyết định muộn màng ấy chăng? Quyền nghi ngờ là một chuyện, thực tế là chuyện khác. Chuyện không là người trong cuộc lại là chuyện khác nữa. Vì thế, ai có đủ tư cách để phê phán họ? Cái giá của sự hy sinh không dễ để mặc cả.

Trường hợp điển hình tướng về hưu Trần Độ là muốn chống đảng hay cứu đảng?

Vào lúc cuối đời, ông có viết cuốn Nhật Kỷ Rồng  Rắn (Năm 2000 Canh Thìn), được coi như di chúc của ông để lại cho đời về một đất nước như một lý tưởng mà ông ấp ủ. Ông đặc biệt gắn bó với văn nghệ và được coi như người cởi trói cho văn nghệ. Và người ta nói vai trò của ông đối với hàng loạt tác phẩm  của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Trần văn Tuấn, Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các, Nguyễn Khắc Trường, Trần Huy Quang, v.v..

Hai câu thơ của ông mà tôi tâm đắc bởi vì nó gói ghém toàn bộ sự nghiệp của ông như sau:

Cay đắng thay
Mỉa mai thay
Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt
Lại đúc nên chính cỗ máy này”.

Trần Độ. Nhật ký rồng rắn, trang 127

Ít ra ông cũng là người có lòng. Nhưng “Chính cái cỗ máy này” cỗ máy nghiền mà cả đời ông phục vụ mà gián tiếp và bất hạnh thay chính ông và đồng đội đã tạo ra cỗ máy ấy và trở thành nạn nhân của chính nó. Nhưng bản thân ông chỉ là một trong:

cái guồng máy nhục mạ con người
Mang bộ mặt hiền lành của người quốc đất.”

Nhật ký rồng rắn, trang 5

Nào phải một mình ông. Lần lượt, người người, lớp lớp, hết thế hệ đàn anh rồi đàn em đã đi vào cỗ máy nghiền ấy; lối vào thì có, lối ra thì khó khăn trùng điệp. Không là người trong cuộc thì nói chi cũng bằng thừa chăng.

Rồi trường hợp các ông  Bùi Tín, Trần Mạnh Hảo, Đào Hiếu, Chế Lan Viên, càng cho thấy, mỗi trường hợp có những vấn đề riêng của của mỗi cá nhân và không thể nào xếp chung vào cùng một rọ.

Chính đảng cộng sản đã gián tiếp giúp Trần Mạnh Hảo (tiểu thuyết Ly Thân), Đào Hiếu (Nổi loạn), Chế Lan Viên từng bị liệt vào thứ cai văn nghệ hay văn nô của chế độ. Ông đã làm bài thơ để thanh minh- Thanh Nga để sám hối là “ Bánh vẽ” và “Trừ đi”

“Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui.”

Chế Lan Viên , Bánh vẽ

Vũ Thư  Hiên kể Chế Lan Viên  từng viết: “Bác Hồ ta, chính là Bác Mao”. Vũ Thư Hiên hỏi tâm sự, “Thơ Mao Trạch Đông có hay lắm không?” Chế Lan Viên, cười hưng hức: “Thơ phú gì cái thằng cha ấy.” Chế Lan Viên hạ một câu xanh rờn:

“Làm đến hoàng đế nước Tàu rồi thì cục cứt của hắn thiên hạ cũng khen.”

Vũ Thư  Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày, trang 456

Chỉ thấy tội nghiệp Chế Lan Viên. Và tội nghiệp cho trăm người khác cùng hoàn cảnh.  Để biết con người thật ấy, hãy tìm đọc Di cảo của Chế Lan Viên, nơi ông có dịp bày tỏ nỗi lòng.

Sau này, do sự phát triển khoa Tin Học thì sự chống đối lại mang một bộ diện khác hẳn vì thông tin đa chiều, độ trung thực đã trở thành mẫu mực cho sự phán đoán và những đòi hỏi có bản. Có lẽ đây là tín hiệu tương lai đáng mừng có cơ sở để mọi chống dối tự nó mang đủ ý nghĩa mà không vì những lý do quyền lợi cá nhân hay ý thức hệ nữa. Vì thế, tôi không tin như các ông Hà Sĩ Phu cho rằng:

Trào lưu cộng sản đã xuất hiện như một tất yếu lịch sử và vô cùng chính đáng, nhưng phải nhận rằng đó chỉ là một nấc thang văn hóa thấp của tiến trình đấu tranh bất tận cho quyền con người.

Thư viện Hà Sĩ Phu

Theo tôi, trào lưu cộng sản là một nỗi bất hạnh lịch sử mà dân tộc ta vô phúc mắc phải. Chúng ta phải tập đặt câu hỏi sau đây: Nếu không có cộng sản thì đất nước ta sẽ như thế nào? Chúng ta phải tập sáng suốt nhìn nhận năm 1954, khi Việt Minh thắng Pháp, có một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Hỏi có bao nhiêu người miền Nam tập kết ra Bắc? Năm 1975, khi nước nhà đã thống nhất. Đã có hàng trăm ngàn người ra đi trước khi cộng sản vào miền Nam. Và sau 1975, đã có hàng triệu người thà chết vượt biển  trốn chạy khỏi ách cộng sản. Trong số khoảng hơn 200 ngàn người đi học tập cải tạo, có bao nhiêu người đã tin tưởng, khuất phục và theo cộng sản? Và đã có bao nhiêu người vốn  theo đảng đã rời bỏ đảng? Trong miền Nam, cộng tất cả giới văn nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ,  họa sĩ, trí thức khoảng hơn ngàn người. Có bao nhiêu người cầm bút ở miền Nam chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa? Bao nhiêu? Xin kể tên họ ra! Và có bao nhiêu nhà văn trí thức cộng sản, đã bỏ đảng chống lại chế độ toàn trị?

Hãy tạm gác lý thuyết lại và chúng ta nói chuyện với nhau bằng con số xem hư thực thế nào?

Cái lỗi nặng nề nhất của chủ nghĩa cộng sản là người ta cho rằng nó là một giải pháp toàn diện và vĩnh viễn.  Cho nên những người lãnh đạo cộng sản sống nhờ ý thức hệ để tạo nên cơ đồ thì cũng chết vì chính nó. Mà lý do chính là đi ngược lại lòng dân. Theo tôi đảng với Dân là một chỉ là một chiêu bài lừa dối trá rẻ tiền nay không còn hữu hiệu nữa

Dân ngày nay không có ai ngu dại gì tin vào chính quyền cộng sản nữa.

Và vì thế, sự mục rữa của nó ở bình diện lý luận thực tiễn là sẽ có một ngày tự nó bị tiêu ma. Không ai có thể tiên đoán nó là ngày nào. Nhưng ngày ấy trước sau gì cũng xảy ra như niềm hy vọng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Cho nên nay một lần nữa họ chống gậy bước vào  cuộc kháng chiến thứ n “cuộc kháng chiến từ bỏ ý thức hệ” là một kỷ nguyên ra khỏi ngờ vực. Thật khốn khổ, lao đao cho họ ở vào tuổi đời này còn đi tìm một lẽ sống cho mình mà đáng lẽ nó phải bắt đầu từ tuổi thanh niên. Vì thế có người như tac giả Minh Võ nghi ngờ khi viết cuốn sách Phản tỉnh hay Phản kháng? Thực hay hư? (2004).

Ý thức phản tỉnh muộn màng là một đề tài cần được đào sâu hơn nữa.

Mà trong từng hoàn cảnh địa lý, chính trị, lịch sử, hoàn cảnh gia đình, liên hệ tương giao, môi trường xã hội như thành phần giai cấp, giàu nghèo, môi trường tôn giáo — mà đặc biệt là thiên chúa giáo — là những tranh chấp chung thẩm. Mà cái hy vọng cuối cùng của con người là có một ngày nào đó trong đời, trong phút giây linh thiêng từ đâu đó tiếng thì thầm thiêng liêng, thần thánh sẽ réo gọi con người quay về điều thiện.

Ân huệ phút giây đó đến lúc nào thì không ai nói chắc được.

Lớp thế hệ thứ nhất chống Pháp đã đành một lẽ. Lại có những thành phần tạm gọi là “thế hệ hai” sinh sau đẻ muộn, trẻ hơn — thành phần sinh viên trí thức thị thành — không phải gốc nông dân, thế hệ tiếp nối đàn anh, có được tiếp xúc văn hóa Tây Phương, cũng bỏ đời sống tương đối tiện nghi đi theo đảng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mặc dầu số lượng ít và không có niềm say sưa lãng mạn tự hào như thế hệ một. Họ là Nguyễn Đông Thức, Hàng Chức Nguyên, Nguyễn Nguyên, Lê Văn Nuôi, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Sĩ Hiền. Đám này sau 1975, kẻ được dùng, kẻ không được dùng khá phức tạp. Sau này một số không nhỏ đã bỏ đảng.

Huỳnh Tấn Mẫm là một gương mặt tiêu biểu nhất trong thời kỳ đấu tranh. Đối với thành phần này, vì lý do gì họ vào đảng và cũng vì lý do gì họ ra khỏi đảng như nhóm  thân hữu trong Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời?

Ấy là chưa kể đám dở trăng dở đèn như đám Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, ni sư Huỳnh Liên, luật sư Trần Ngọc Liễng, nhà thầu khoán Nguyễn Văn Hạnh, linh mục Nguyễn Huy Lịch, Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, nữ nghệ sĩ Kim Cương, bà Ngô Bá Thành. Chưa kể những thành phần trí thức bên lề, có cảm tình đặc biệt với cộng sản như Trần Ngọc Báu (dạy Triết), Nguyễn Hữu Hiệp (dân biểu),  Nguyễn Ngọc Thạch, (dạy Pháp Văn), Võ Văn Điểm (dạy triết, bút danh là Võ Ngàn Song). Thành phần có cảm tình này cũng khá đông và phức tạp.

Sau 1975, chỉ một thời gian ngắn sau 5 năm, tất cả bọn họ đều vất vưởng kiếm sống. Chẳng cần phải tuyên bố rùm beng, họ rã đám bỏ cờ, bỏ đảng như đám lưu dân không còn căn cước  hay lý lịch.

Hồ Ngọc Nhuận, đại diện cho nhóm nửa nạc, nửa mỡ này, tự coi mình là kẻ chống đối cả hai chế độ. Chế độ Việt Nam Cộng hòa và chế độ cộng sản.

Phải nói cho công bằng là sự chống đối chỉ thực sự khi tờ báo của nhóm Ngô Công Đức-Hồ Ngọc Nhuận bị đóng cửa vì đã “làm xong nhiệm vụ”.

Sự chống đối như vậy có đủ độ khả tín không? Họ cũng khá đông.  Đây là lớp người trẻ sau  theo đảng mà thời điểm quyết định là năm 1968. Nhưng đay có lẽ là sự thú nhận trung thực nhất của ông Nhuận:

Hồi nghĩ lại những việc mình làm, trong suốt 50 năm, tất nhiên là với nhiều người nòng cốt khác, tôi thấy hầu như việc nào đối với tôi cũng gần như “nửa đường đứt gánh”. Càng hào hứng, khổ cực, sống chết bao nhiêu thì càng tức tưởi bấy nhiêu.”

Hồ Ngọc Nhuận, Hồi Ký Đời, trang 304.

Và đại diện cho nhóm này là Ngô Công Đức trong một bài viết nhan đề:

Tâm tình với Bạn hữu, trong đó ông mong mỏi có “một miền Nam không nhất thiết phải chống Cộng hay không chống Cộng. Ai muốn chống thì chống, ai không chống cũng mặc.. Mọi người có thể sống chung với nhau như anh em..(..)Tôi không dám thuyết phục ai lựa chọn đường hướng nào cả, nhưng nếu có ai chọn con đường thứ ba thì xin cho tôi được làm người bạn đồng hành.”

Hồi Ký Đời, Hồ Ngọc Nhuận, trang 264.

Con đường thứ ba là con đường nào, xin chỉ cho. Có bao nhiêu người đồng hành với ông? Ông nói đi? Đây là những thành phần dở dăng dở đèn vô tích sự và phá làng phá xóm nhất ở miền Nam Việt Nam tước 1975.

Những lời khuyên như thế may mắn là tôi đã tìm ra nơi những bà cụ nhà quê chất phác. Sự nhạy bén biết người tốt người xấu là chính xác như trường hợp bà Ngoại của Vũ Thư Hiên. Trong Đêm giữa ban ngày, ông kể lại hai trường hợp giết người của đảng cộng sản rất đểu cáng và dã man.

  • Câu chuyện thứ nhất: Ông Nguyễn Thế Vinh, chạy sang Pháp gia nhập đảng cộng sản Pháp, rồi sang Nga tốt nghiệp trường Đại Học Đông Phương. Ông hăm hở về nước. Vừa về tới cảng Hải Phòng, ông bị mật thám Tây bắt, giam cầm và đánh đạp tra tấn. Ông chẳng có gì đẻ khai, rồi được Pháp thả ra. Sau đó còn cho ông tùng sự tại phủ Thống Sứ. Ông làm việc mẫn cán và người Pháp không nghi ngờ gì ông. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Cách mạng tháng tám nổ ra, ông hăng hái xuống đường tham gia cướp chính quyền. Nhưng sau đó, ông bị mất tích. Bà vợ khốn khổ chạy khắp nơi đi hết đền này phủ nọ đẻ câu khẩn Trời Phật cho chồng bà trở về. Vô vọng. Nhưng một hôm Trường Chinh nói riêng với bà mẹ Vũ Thư Hiên: “Chị Huỳnh ạ, chị liệu cách an ủi chị Vinh kẻo chị ấy cứ xem bói, xin xăm mãi, tội nghiệp! Nói riêng để chị biết: Ta “thịt” anh ấy rồi!” Mẹ tôi lạnh toát người: Sao các anh nhẫn tâm thế, tàn ác thế. Bà kêu lên, “Anh thừa biết anh Vinh tuy không kiên định cách mạng thật, nhưng anh có phản bội xưng khai gì đâu, có gây hại gì cho đoàn thể mà các anh nỡ giết anh ấy?”
  • Câu chuyện thứ hai: Nhà văn Lan Khai (1906-1945), tác giả các truyện Lầm than, Cô Dung, Chế Bồng Nga, Cái Hội Mận, Chiếc ngai vàng. Tác phẩm Lầm Than được đánh giá là một tác phẩm hiện thực xã hội. Ông làm thư ký cho một hãng buôn Nhật. Ông bị những người Việt Minh khởi nghĩa bỏ vào rọ lợn cho trôi sông ở khúc Ghềnh Quýt, trên sông Lô.

Nhắc lại hai câu chuyện trên, Vũ Thư Hiên muốn nhắc nhở mọi người là bà ngoại ông– dù chỉ là một người nhà quê — lại đánh giá kẻ tốt người xấu rất là chính xác.

Bà ngoại tôi thường gặp các đồng chí của cha mẹ tôi tại nhà tôi khi bà tôi đến chơi với các cháu. Không hiểu vì lẽ gì, một số người trong bọn họ không gây được cảm tình nơi bà. Hóa ra bà ngoại tôi có lý khi nhận xét người này người kia trong bọn họ không phải là những người tử tế. Bằng sự mẫn cán của phụ nữ, bà thấy trước được cách sống không nhân nghĩa, không có trước có sau, không có tình người, như cách ta thường nói bây giờ, của những người về sau trở thành những nhà lãnh đạo Cách Mạng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt.”

Vũ Thư Hiên, Đêm giữa Ban Ngày, Tiếng Quê Hương, Virginia, 1997, trang 44-46

Căn cứ vào  tinh thần sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư và câu chuyện bà Ngoại của tác giả Vũ Thư Hiên, người viết bài này muốn nhìn lại một số người cộng sản bằng cách này cách khác đã bỏ cộng sản, xé thẻ đảng, trở thành người chống đảng. Tiêu chuẩn nào đã đưa họ đến chỗ bỏ đảng? Phải chăng là những tiêu chuẩn khởi đầu, tiêu chuẩn đạo đức luân lý?

Trước khi chấm dứt bài này, chúng tôi chỉ xin nêu tên tuổi một danh sách những người mà nhiều phần nay đã không còn nữa và đã có thời, đã có lúc bằng nhiều cách thể hiện chống lại đảng như tấm gương soi cho thế hệ sau này.

Họ là những người như: Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Hữu Loan, Văn Cao, Trần Duy, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Bùi Quang Đài, Hoàng Tích Linh, Hà Thi, Mai Sinh, Tạ Hữu Thiên, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Bùi Ngọc Tấn, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phùng Quán, Họa sĩ Trần Duy, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Nguyễn Mạnh Tường. Chưa kể những người tạm để trong ngoặc, chưa rõ nét như Dương Quỳnh Hoa, Trần Bạch Đằng, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi hay Trần Văn Giàu, v.v..

Lớp sau như Phan Đình Diệu, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Huy Cương, Nguyễn Minh Cần, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Tiến, Thế Vũ, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Phùng Gia Lộc.

Và một số không nhỏ, khoảng 70 tác giả trong nước có bài viết được trích đăng trong cuốn: Trăm Hoa vẫn nở trên Quê Hương. Cao trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam. 1986-1989. Tôi đếm đối một số người một cách hú họa nhé.

Lưu Quang Vũ, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Duy, Hoàng Ngọc Hiến, Thu Bồn, Lại Nguyên Ân, Phạm Tiến Duật, Hà Văn Thùy, Hồ Trung Tú, Lữ Phương, Trang Thế Hy, Ma Văn Kháng, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khắc Phê, Trang Thế Hy, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Hữu Các, Hoàng Cầm, Nguyễn Phong Hồ Hiếu, Bảo Ninh, Kim Hạnh, Trần Huy Quang.

Như vậy, kể như tạm đủ.

Việt Nam: Tiếng Gào Thét Từ Bên Trong. Nguồn: Andre Menras

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: DCVOnline biên tập và minh họa