Thư gửi những kẻ đần độn, ích kỷ tại Victoria

Jemma Hilliard | Hồn Việt

Tôi nói chuyện này không phải về con siêu vi COVID-19, mà là về chuyện đại dịch COVID-19. Chính mấy người, bọn ngu dần ích kỷ ở Victoria là những kẻ đang tàn sát chúng ta.

Lời giới thiệu: Thủ phủ Melbourne của tiểu bang Victoria tại Úc vừa bước vào tuần lễ thứ 3 của thời kỳ phong tỏa hạn chế sinh hoạt giai đoạn 3 (phải ở nhà – chỉ ra đường với 1 trong 4 lý do: mua sắm thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm – đi khám bệnh hay chăm sóc người khác – vận động thể dục – đi học hay đi làm, nếu không thể học hay làm tại nhà – vì tình hình số ca nhiễm coronavirus gia tăng đáng ngại. Chỉ trong 1 tuần, từ 21/7 đến 27/7/2020, số người xác nhận bị nhiễm virus đã tăng thêm 2910 ca và có 37 người tử vong.

Và nay chính phủ tiểu bang cũng đã ban lệnh cưỡng bách mọi người phải đeo khẩu trang –hoặc khăn che kín mũi miệng- khi ra khỏi nhà, nếu không,  khi bị bắt gặp sẽ lãnh giấy phạt $200 Úc kim. 

Tuy nhiên có một số người lên tiếng phản đối, thậm chí thách thức lệnh cưỡng bách này, vì cho rằng ‘nhân quyền của họ bị xâm phạm’.

Trước tình trạng đó, cô Jemma Hilliard,  1 nữ y tá làm việc trong khu Chăm sóc đặc biệt của 1 bệnh viện tại Melbourne, đã đăng trên tài khoản facebook của cô lá thư ngỏ gửi những kẻ mà cô gọi là ‘đần độn, ích kỷ’ đó để bày tỏ nỗi tức giận trước thái độ và hành vi của họ.

Tựa đề do người dịch đặt


Jemma Hilliard. Nguồn: Facebook/Jemma Hilliard

Xin nói trước thế này:

Tôi không có ý tự tử, tôi cũng chẳng bị trầm cảm. Tôi không cần phải gọi đường dây Tư Vấn Lifeline. Cám ơn mọi người, tôi ổn. Nhưng tôi đang tức giận đây!

4 tuần trước, tôi đã đăng một bài nói thẳng thừng và đầy phiền muộn về mức độ đau buồn mà chính tôi, các đồng nghiệp y tá của tôi, bác sĩ, bệnh nhân và gia đình họ, đều trải qua. Và bây giờ, 14 tuần sau thì tình hình đã thực sự trở nên tồi tệ hơn thế.

Như biết bao người khác, tôi nổi điên vì những người thậm ích kỷ ở tiểu bang Victoria này. Gần 9/10 những người có triệu chứng bệnh mà lần chần không đi xét nghiệm, và hơn ½ trong khi chờ kết quả xét nghiệm vẫn bình thản đi hốt giấy vệ sinh về dự trữ, mua một đống hàng loại tự ráp ở IKEA và Bunnings trước khi họ phải bị cách ly hai tuần trong buồn phiền.

Mấy người có muốn biết như vậy là mình đang làm gì không? Chẳng gì ngoài việc trở thành nguyên nhân chính của tình trạng số ca nhiễm bệnh tăng đột biến mà chúng ta thấy qua tin tức hàng ngày.  Mấy người làm banh hệ thống chăm sóc y tế, nền kinh tế và làm cạn kiệt sức lực, tâm trí và tình cảm của bao người bệnh, người  dễ tổn thương nhất và TẤT CẢ NHỮNG AI đang làm việc trong bệnh viện.

Mời mấy người hãy tới đây và đặt mình vào vị trí của tôi một lần nữa. Nhưng hãy hăng hái, nhiệt tình hơn một chút vì lần rồi không có kết quả. Và lần này một ngày làm việc dài hơn, vì có lý do.

6 g 45 sáng – đồng hồ báo thức reo. Tôi phải nghĩ một hồi để nhớ bữa nay là ngày đi làm hay nghày nghỉ, bởi vì ngay lúc này, thì ngày nào cũng như ngày nấy! Hồi gần đây, nhiều người trong bọn tôi quá lo lắng tới nỗi dù mệt đừ người chúng tôi vẫn không ngủ được. Nhịp tim của tôi khi nghỉ ngơi giữ nguyên ở mức 120 vì  chưa chi mà tôi đã thấy căng thẳng vì nghĩ tới một ngày sắp phải trải qua.

8 g sáng – Bước ra khỏi xe, tôi không đưa khẩu trang lên đeo mà trước đó phải ràng thêm miếng nhựa để bảo vệ tai.  Mấy người hỏi nó là cái gì hả? Đó là miếng giấy bìa hoặc miếng nhựa chúng tôi phải kẹp thêm vào đeo khẩu trang, vì không giống như đa số mấy người, tới nay chúng tôi đã phải đeo khẩu trang liên tục từ 8 tới 10 tiếng mỗi ngày trong hàng mấy tháng trời nên phải ráng giữ cho những chỗ bị rộp nước sau vành tai kịp lành hoặc tránh không để bị rộp thêm nữa. Tôi cần phải quẹt thẻ kiểm soát để mở cửa bệnh viện luôn luôn khóa và rồi được chào đón bằng việc đo thân nhiệt, nhận thẻ ghi giờ bắt đầu vào làm và giờ rời sở, và tôi biết rõ cách mặc trang phục bảo hộ PPE.

Nhân viên y tế trong lúc làm việc chống COVID-19. Nguồn: AAP/Yahoo News Australia 25 July 2020

8 g 04 sáng – điện thoại tôi reo inh ỏi cho biết những bệnh nhân tôi phải đi thăm. Ngay bây giờ là bệnh nhân gần 90 tuổi trong khu cấp cứu sắp qua đời, nhưng không phải vì COVID, và thân nhân không muốn cho người này nhập viện, bởi nếu vậy sẽ chỉ có 2 người trong số 14 người ruột thịt được phép ở cùng trong bệnh viện. Họ quyết định đưa về nhà dù rằng từ nay tới Thứ Hai không có sự trợ giúp của y tá.

9 g 30 sáng – Tôi phải lên thăm một bệnh nhân trẻ trên khu điều trị, đó là em lớn nhất trong số nhiều em phải nằm trên những tấm nệm đặt trên sàn nhà. Các em đang hấp hối, không phải vì COVID. Và tôi chỉ có cơ hội duy nhất là làm sao để các em được thoải mái và ổn định. Tôi không có cơ hội và lỡ dịp để biết xem ai sẽ là người chăm sóc cho 2 thiếu niên vì cả 2 đã qua đời.

11 giờ – bây giờ thì tôi đang van nài một bệnh nhân trung niên hãy ở lại bệnh viện vì cần phải được điều trị nhưng họ nhất quyết xuất viện, bất chấp mọi lời khuyên của bác sĩ vì họ không chịu được cảnh phải ở một mình xa người thân. Chứng ung thư đang ăn mòn xương sống của bệnh nhân này và tôi biết rằng mình đang chứng kiến một bệnh nhân xuất viện về nhà để trở thành người nằm liệt giường vì bán thân bất toại trước khi chết.

12 g 30 trưa – Tôi đang ở cạnh bệnh nhân kế tiếp là người đến Úc trước khi nước Úc đóng cửa biên giới và ngả bệnh. Bệnh nặng. Bảo hiểm của họ hết hạn. Họ không thể đáp máy bay hồi hương. Không bao giờ nữa. Người này bị ung thư nhưng không biết vì không nói được một chữ tiếng Anh và nếu chúng tôi kiếm được một thông dịch viên thì đấy sẽ là phép lạ.

1 giờ – là giờ mà thường khi thì khách được phép vào thăm bệnh nhân. Chúng tôi đã phải ngưng chuyện thăm viếng này. Tại số ca nhiễm bệnh gia tang. Vì vậy, tôi ắp bắt đầu phải nhận những cú gọi đầy buồn rầu của thân nhân năn nỉ tôi cho phép họ vào thăm người nhà. Mà tôi không thể làm vậy được.

3 giờ chiều – Tôi trong đồng phục y tá, bay giờ thì có thêm gang tay, áo choang, và một khiên che mặt, đang vừa giúp xác nhận một thi hài bệnh nhân, vừa phải an ủi bà vợ đang thảm sầu, dĩ nhiên là chỉ qua FaceTime. Tôi không nhìn được bà ta vì hơi thở che mờ hết tấm khiên che mặt, và bà ta thấy rõ như thế.  Và với bà, tôi chỉ là giọng nói đang giơ cao điện thoại để bà ấy nhìn mặt thân nhân mà nói lời tiễn biệt.

4 giờ chiều – Tôi đang đứng ở cuối một giường bệnh và thấy mình đầy hy vọng vì  bệnh nhân bị chứng lẫn trí  này – không phải bệnh nhân COVID – người mà tất cả chúng tôi đều nghĩ là sắp qua đời nhưng nay đã hồi tỉnh và đang giơ tay vẫy chào tôi. Bởi vì những bệnh nhân bị lẫn trí đều hốt hoảng lo sợ và không chịu ăn uống gì từ những người đeo khẩu trang che mặt kín mít không nhận ra ai với ai. Tới khi chúng tôi nghĩ là họ sắp qua đời thì phải để cho người phối ngẫu được vào bệnh viện với họ. Và nếu không nhờ có người phối ngẫu ở đó mà người bệnh nhận ra khuôn mặt quen thuộc đến đút thức ăn cho mình thì họ đã chết rồi. Thay vì vậy, họ đã hồi sinh và về nhà.

5 giờ chiều – Cuối cùng tôi trở lại văn phòng của mình. Tôi mới vừa đi tiểu – lần đầu tiên trong cả  ngày hôm nay.  Tôi phải vừa đánh máy những ghi chú, mà còn phải gửi điện thư cho người nhà bệnh nhân để họ có thể xuất trình nếu lỡ bị Cảnh sát chặn trên đường vào bệnh viện thăm thân nhân đang hấp hối. Bởi vì chuyện này giờ đã là thực tế. Nó vượt quá ý nghĩa của giờ tan sở ra về.

Rồi thì tới lúc tôi xách túi đứng dậy. Tôi đi bộ qua những hành lang mà chúng tôi dùng để di chuyển bệnh nhân nhiễm COVID. Tôi đi qua 2 khu chăm sóc đặc biệt ICU và bước ra trời tối bên ngoài. Tôi phải suy nghĩ để nhớ nơi minh đã dậu xe hồi sáng. Con đường về nhà thật yên lặng vì hai tai tôi đã ù. Khi tới nhà tôi sẽ phải vứt bỏ chiếc khẩu trang đã ướt dẫm những giọt nước mắt âm thầm tuôn chảy trên suốt đường về.

Tôi đi tắm. Tôi thấy kiệt lực đến nỗi không thể nấu nướng gì, và có lẽ đó là lý do mà tôi đã bị sụt cân. Trời tối, lạnh và tôi cô độc một mình. Nỗi tức giận và mức căng thẵng của tôi từ nửa năm nay đã được trút hết qua những người tôi yêu thương. Bạn bè và người thân không làm việc trong cái hệ thống này cũng không thể hiểu tình hình nó tồi tệ đến cỡ nào, mà làm sao họ có thể hiểu được? Tôi cố cuộn mình lại trên giường, tắt đèn và tất cả những gì tôi muốn ngay lúc này là được ai đó bảo với mình rằng, cơn ác mộng đã chấm dứt rồi!

Đây không phải là công việc mà tôi đã quen làm.

Đây không phải là sự chăm sóc mà chúng tôi muốn đem tới cho người bệnh.

Gia đình tôi đang phải chờ từ tháng Mười Một tới giờ để đưa được cha tôi vào một viện dưỡng lão. Cái tuần mà cha tôi cuối cùng đáng lẽ được vào đó thì đúng là cái tuần mà nhà dưỡng lão đó bị dịch Covid bùng phát. Và vậy là ông phải ở nhà. Hầu như ông bị té mỗi ngày. Đôi khi ông bị té đập đầu – và tôi chỉ biết hy vọng là đừng bao giờ xảy ra trường hợp ông bị xuất huyết não vì té, vì lúc đó ông sẽ phải chết trong cô đơn một mình.

Eve Black từ chối trả lời các câu hỏi của một nhân viên Cảnh sát Victoria tại một trạm kiểm soát rời Melbourne. Nguồn: Facebook/Eve Black

Hỡi mấy người, những kẻ đang ngồi đếm từng ngày chờ lệnh phong tỏa sắp kết thức trong vài tuần nữa. Mấy người đang tự lừa dối mình đó!

Tôi cóc đếm xỉa chuyện mấy người tin rằng đây là hành động của Mẹ Thiên Nhiên hay đó là một thứ vũ khí sinh học – cuối cùng thì chính chúng ta –những ‘chiến sĩ ở Victoria’ thật ngu đần vì đang tự quay gươm đâm mình thay vì chiến đấu chống lại kẻ thù.

Tôi cũng thiệt tình chẳng thèm để ý tới chuyện mấy người coi đây là một chứng bệnh ‘vô hình’, là sản phẩm do chính quyền ngụy tạo để kiểm soát mọi người, và muốn xóa bỏ tôi khỏi mạng xã hội. Cứ tự nhiên vì tôi đã lịch sự bỏ không theo mấy người rồi. Mấy người quả thiệt là một đám may mắn sống trong một thế giới ngây thơ tin rằng đó chỉ là chuyện giả tạo. Tôi có thể cam đoan với mấy người rằng, nó không phải là chuyện giả đâu nghe.

Và đây là phần kết thức bằng một thông báo phục vụ cộng đồng hết sức rõ ràng.

Những cách đeo mặt nạ SAI. Nguồn: Minh họa: JoyImage / Getty

Hãy đeo khẩu trang. Mấy người không hắt xì bằng miệng thì đừng bao giờ đeo mà chừa lỗ mũi ra ngoài, chẳng thà đừng đeo khẩu trang từ đầu. Đeo kiểu đó làm mấy người mặt coi giống y như con C …  Khẩu trang không phải là giây chuyền làm ra để đeo lủng lẳng trên cổ, đeo như vậy làm mặt mấy người coi tức cười lắm. Khi đeo khẩu trang loại dùng một lần rồi vứt bỏ thì phần có nẹp cứng có thể uốn được không phải để nâng dưới cầm, mà là nằm ngang sống mũi để bẻ cho khầu trang che khít mặt. Và cuối cùng, COVID không có lịch sự để lui bước, không lây sang mấy người vì mấy người cần phải nói chuyện trực tiếp hay qua điện thoại với ai đó nên không thể nói trong lúc đang đeo khẩu trang được. Thiệt tình. Đồ. Mẹ. Rượt.

Tôi nói chuyện này không phải về con siêu vi COVID-19, mà là về chuyện đại dịch COVID-19. Chính mấy người, bọn ngu dần ích kỷ ở Victoria là những kẻ đang tàn sát chúng ta.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Jemma Hilliard, “It’s you, the dumb, selfish Victorians who are actually killing us”, Facebook,  23 July, 2022.

Bản dịch: Hon Viet, “Thư của một y tá gửi những kẻ ngu đần, ích kỷ, vô trách nhiệm ở Victoria”, Facebook, 27 July, 2020