Người Mỹ gốc Việt và cuộc bầu cử 2020
Vic Satzewich & Anna Vu | DCVOnline
Tại sao một số người Mỹ gốc Việt ủng hộ Donald Trump?
Các vấn đề về sắc tộc và phân biệt chủng tộc đang nổi lên ở Hoa Kỳ khi người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu vào tháng 11 sắp tới.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng bất ổn chủng tộc đã làm rung chuyển nước Mỹ trong ba tháng qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vẫn được sự ủng hộ của một số cộng đồng sắc tộc thiểu số, kể cả người Mỹ gốc Việt.
Trong một cuộc thăm dò không chính thức gần đây do một nhà báo gốc Việt thực hiện trên Facebook, 94% người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11.
[Nghiên cứu của Pew Research 2018 cho thấy
— Người Mỹ gốc Việt có trình độ học vấn (33% tốt nghiệp đại học) kém xa mức trung bình của người Mỹ gốc châu Á là 50%, hay so với 55% người gốc Trung Hoa, và 65% người gốc Ấn Độ;
— Trình độ thông thạo Anh ngữ của người Mỹ gốc Việt ở hạng thấp nhất — chỉ hơn người gốc Miến Điện và thua hẳn tất cả những sắc dân Mỹ gốc châu Á khác.
Thăm dò cử tri Mỹ gốc châu Á 2020 cho thấy người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump (48%) nhiều hơn ủng hộ Biden (36%) và nhiều hơn tất cả các sắc dân Mỹ gốc châu Á khác. DCVOnline.]
Tại sao?
Có phải những người Mỹ gốc Việt này dự định bỏ phiếu dựa trên các vấn đề trong nước liên quan đến kinh nghiệm đa diện của họ tại Hoa Kỳ, hay về các vấn đề liên quan đến quê hương của họ hay cái mà một số người gọi là “chính trị hải ngoại?”
Là những học giả nghiên cứu về cộng đồng hải ngoại, đồng tác giả và tôi tin rằng chúng ta cần nhìn lại lịch sử để hiểu những vấn đề này.
Lịch sử thuộc địa
Việt Nam có một lịch sử là thuộc địa và bị đô hộ dưới bàn tay của người Trung Hoa, người Pháp và người Mỹ. Họ đã đứng lên chống lại những thế lực muốn chiếm nền độc lập của Việt Nam bằng sự kiên nhẫn và phản kháng, nhưng con đường họ đã trải qua thường rất khó khăn.
Điều này càng đặc biệt hơn nữa vào năm 2020, khi Việt Nam đang phải đối phó với một mối đe dọa hiện sinh vì nỗ lực của Trung Hoa nhằm khẳng định vị thế thống trị của họ ở khu vực, gồm cả ở Đài Loan và Hong Kong.
Ở phương Tây, Chiến tranh Việt Nam được nhiều người biết đến và đã được ghi chép rất nhiều. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam, Chiến tranh Việt Nam là một thuật ngữ dùng sai; người Việt Nam xem chiến tranh là thứ do người Mỹ đem tới cho họ.
Nhưng từ rất lâu, trước khi Mỹ có mặt ở Việt Nam và trước đó là sự cai trị của thực dân Pháp, Việt Nam đã nằm dưới sự đô hộ của Trung Hoa trong hơn 1.000 năm, từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938.
Việt Nam thống nhất vào năm 1975 sau khi quân Cộng sản Bắc Việt đuổi được Mỹ. Đã có một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu với Trung Hoa vào năm 1979 khi nước này âm mưu xâm lược và kiểm soát Việt Nam.
Việt Nam đã có thể hòa giải với Mỹ và Pháp, nhưng khi nói đến Trung Hoa thì họ lại có một cảm giác ngờ vực sâu sắc. Cảm giác này đã trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây do nỗ lực liên tục của Trung Hoa nhằm giành quyền kiểm soát phần lớn ở Biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ và lãnh hải này không những chỉ có ý nghĩa quan trọng đối về mặt tài nguyên thiên nhiên ở đó mà còn cho Trung Hoa con đường hàng hải an toàn cho thương mại và sự di chuyển của lực lượng hải quân của họ. Trong nhiều năm qua, người Việt Nam cả trong nước và những người sống ở nước ngoài đã phản đối luật Đặc khu kinh tế của chính phủ Việt Nam, được coi là một phương tiện và cơ hội để Trung Hoa tăng cường ảnh hưởng ở Việt Nam.
Người tị nạn
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, một cuộc di cư ồ ạt của người Việt Nam trốn thoát khỏi một Việt Nam Cộng sản bằng thuyền (và dường bộ) để tìm tự do. Từ năm 1975 đến 1997, hơn 1,6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó Hoa Kỳ đón nhận con số lớn nhất người tị nạn trong làn sóng này.
Ngày nay, tổng dân số của cộng đồng người Việt Nam trên toàn cầu ước tính vào khoảng 4,5 triệu người.
Trong số đó, khoảng 1,3 triệu người Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, tuy nhiên, con số thực tế có thể là khoảng hai triệu khi tính cả những người tự nhận mình là chủng tộc hỗn hợp.
Mặc dù Trump vẫn thường ca ngợi Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình, nhưng mối quan hệ giữa Tòa Bạch Ốc và Trung Hoa vẫn không thể gọi là thân thiện.
Chính quyền Trump đã đàm phán lại các thỏa thuận thương mại và đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng của Trung Hoa. Các hình phạt và lệnh cấm vận khác cũng đã được áp dụng sau khi Trung Hoa thông qua luật an ninh mới đối với Hong Kong.
Tháng trước, Hoa Kỳ cũng lên án mạnh mẽ các tuyên bố chủ quyền của Trung Hoa ở Biển Đông và cho rằng những tuyên bố đó là trái pháp luật. Và bây giờ, Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho công ty chủ ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của Trung Hoa đến giữa tháng 9 phải tìm một công ty Mỹ khác mua, nếu không TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại Hoa Kỳ.
Không phải là người hâm mộ chủ nghĩa cộng sản
Giống như những người Ukraine và những người Đông Âu khác đã rời bỏ quê hương của họ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và xây dựng cuộc sống ở nơi khác, người Việt Nam hải ngoại không hâm mộ chủ nghĩa cộng sản.
Như vậy, họ có mối quan hệ mâu thuẫn với chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay. Họ yêu quê hương của họ, nhưng họ không nhất thiết ủng hộ chính phủ ở đó.
Đối với những người Việt Nam ở Hoa Kỳ, sự ủng hộ dành cho Trump không những chỉ được thúc đẩy băng luận điệu chống chủ nghĩa xã hội của ông, mà còn vì hy vọng và nhận thức rằng ông sẽ tiếp tục đứng lên chống lại Trung Hoa, và điều này sẽ gián tiếp bảo vệ Việt Nam.
[Mặt khác, cũng như xã hội lưỡng cực ở Mỹ, cộng đồng Mỹ gốc Việt Nam cũng vô cùng phân cực và rõ ràng: phần lớn người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, lớn lên ở Hoa Kỳ ủng hộ liên danh Biden-Harris, một phần vì Mỹ là quê hương của họ, phần khác là trình độ học vấn, thông thạo Anh ngữ, ý thức chính trị của họ và tư cách của tổng thống và chính sách kỳ thị của chính quyền đương nhiệm. DCVOnline.]
Trong bối cảnh quốc gia, lựa chọn bỏ phiếu của người Mỹ gốc Việt Nam có vẻ không mang lại hiệu quả cao, nhưng nếu chúng ta xét đến một số người sống ở các tiểu bang con lật bấp bênh, lá phiếu của họ có thể tạo được sự khác biệt [dù khả năng đó rất nhỏ vì tỉ số phiếu của người Mỹ gốc Việt quá nhỏ. DCVOnline.]
Cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc làn sóng tị nạn đầu tiên đến Hoa Kỳ, có thể tin rằng các chính sách đối phó với Trung Hoa của Trump phục vụ lợi ích của quê hương của họ. Nhưng chỉ tập trung vào vấn đề này có nghĩa là họ bỏ qua các khía cạnh rắc rối khác trong các chương trình nghị sự về chính sách đối nội và đối ngoại của tổng thống Hoa Kỳ.
Đồng tác giả bài này là Anna Vu, một học giả độc lập ở Montreal và bài đã được đăng trước trên The Conversation, một nguồn tin tức độc lập, phi lợi nhuận.
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Why some Vietnamese Americans support Donald Trump | Vic Satzewich | The Canadian Press | Aug 21, 2020. DCVOnline minh họa.