Ngô Đình Diệm-Hoa Kỳ và số phận của miền Nam Việt Nam
Nguyễn Văn Lục
‘Lịch sử được viết cho những kẻ chiến thắng’ hay cách khác ‘Lịch sử là một chuỗi những lời dối trá trên đó người ta đồng ý với nhau’
Tài liệu viết về nhân vật Ngô Đình Diệm có cả ngàn, tiếng Việt có, tiếng Tây có và nhất là tiếng Mỹ, khác nhau ở góc nhìn và thái độ viết. Tôi chọn đọc cuốn ‘Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam’ của Edward Miller như một cảm hứng khởi đầu.
Điều quan trọng là tác giả là một người trẻ, có có khoảng cách với lịch sử đủ để đạt được mức độ khách quan và sự trung thực. Sau đó là nhận định của tôi. Ông Diệm là người đã thuộc về lịch sử nên cách hành xử của ông như thế nào cần căn cứ trên hoàn cảnh lịch sử thời đại của ông.
Có thể nói ông Diệm là “người của thời cuộc, biết chờ cơ hội”. Khi thời cơ chưa chín mùi, chưa đúng lúc, ông phủi tay, ngay cả từ quan mà không tiếc nuối. Thứ đến, bản tính cương trực đến cứng rắn, đến bướng bỉnh của ông mà đôi khi tôi có cảm tưởng ông là loại người làm chính trị đơn độc.
Việc chọn ông Diệm làm thủ tướng
Hoàn cảnh người của thời cuộc phải chăng đã đến? Trong bối cảnh chính trị rối bời lúc bấy giờ, nó báo trước một sự “chuyển giao quyền hành” từ phía người Pháp sau thất bại Điện Biên Phủ. Sự thấy bại ấy nếu tính bằng con số thương vong thì sự tổn thất của Việt Minh gấp ba lần phía Pháp chỉ vì vì ý chí chiến đấu của quân đội Pháp không còn nữa như Nixon nhận xét: Trận Điện Biên Phủ đánh một đòn tâm lý chí tử vào Pháp (Nixon, No More Vietnams, trang 28).
Từ đó chuyển vai trò miền Nam Việt Nam từ một nước thuộc địa của Pháp thành một nước độc lập trong “Liên minh” Ngô Đình Diệm-Chính phủ Mỹ. Kết cục là bi kịch miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản năm 1975.
[DCVOnline:
“Sau Hội nghị Geneva, tất cả những chính phủ tham gia Hiệp định, trừ một ngoại lệ đáng kể, đều dự đoán rằng Pháp sẽ ở lại Việt Nam. Ngoại lệ là Quốc gia Việt Nam, mà Thủ tướng Ngô Đình Diệm quyết tâm nhổ bỏ ảnh hưởng của Pháp đồng thời với việc thành lập một chính phủ quốc gia độc lập thực sự. Chính sách của Hoa Kỳ ban đầu hướng tới hợp tác với Pháp, cùng viện trợ cho Diệm và quốc gia mới độc lập mà ông đứng đầu.” .]
United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense (1967), the Pentagon, IV. A. 3. U.S. and France’s Withdrawal from Vietnam, 1954–56]
Bảo Đại trong Hồi ký cũng đã viết:
“Chúng ta không thể trông cậy vào Người Pháp nữa. Ở Genève, người Mỹ là đồng minh duy nhất của chúng ta. Trước những diễn biến của tình thế, người Mỹ muốn xây dựng một hệ thống quốc phòng mới trong vùng Đông Nam Á. Họ có thể giúp chúng ta chống lại chủ nghĩa cộng sản.”
Bao Dai, Le Dragon D’Annam, trang 328
Đi xa hơn nữa và nhấn mạnh đến vai trò của Xô Viết, Marilyn Young cũng nhận xét về giai đoạn này như sau:
“Việt Nam là con cờ Domino và nếu nó đổ xuống sẽ biến Thái Bình Dương thành cái hồ của Xô Viết và những ngăn chặn vật liệu có tác dụng sống còn của Hoa Kỳ và đồng minh của họ.”
Marilyn Young, Vietnam Wars 1945-1990, trang 29
Ông Diệm trong giai đoạn chuyển tiếp này được coi như “người của tình thế” cực kỳ khó khăn và phức tạp. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai ông Diệm như một thử thách về sự thành công hay thất bại chẳng những cho cá nhân ông mà còn cho toàn miền Nam nói chung trong bối cảnh phải đối đầu với miền Bắc.
Bảo Đại trong cuốn Le Dragon D’Annam, ghi lại như sau về con người của ông Diệm:
“Khi còn trẻ, Ngô Đình Diệm là một trong những quan đầu tỉnh trẻ nhất của tỉnh Phan Thiết. Xuất thân từ một gia đình quan lại theo Thiên Chúa giáo là một con người có cá tính nổi tiếng về sự liêm khiết, trực tính và bướng bỉnh. Đó là một người Quốc Gia tiêu biểu vừa chống thực dân Pháp, vừa chống Việt Minh.”
Bao Dai, Le Dragon D’Annam
Bảo Đại và nhiều người cho rằng ông Diệm có đầy đủ những đức tính lương thiện, trung thực, nhưng ông không phải là một chính khách có căn cơ tự bản chất.
Sau khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ, Bảo Đại coi đó một sự phá sản của Pháp, làm cho tư thế chính trị của Bảo Đại cũng không còn như trước nữa. Bảo Đại rơi vào tình trạng bị cô lập nên đã triệu tập một số nhân vật lãnh đạo đến Cannes và đề nghị thay thế hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm. Mọi người có mặt đều tán thưởng trước đề nghị đó. Bảo Đại cũng thông báo cho Foster Dulles, đồng thời gọi cho Ngô Đình Diệm từ tu viện St. Andrew Bruges đến tại lâu đài Thorenc ở Cannes.
Bảo Đại nói:
Mỗi lần tôi thay đổi chính phủ đều gọi đến ông và luôn luôn ông từ chối. Nay tình thế rất là nghiêm trọng, xứ sở có thể bị chia cắt làm đôi. Ông phải lãnh trách nhiệm đứng đầu chính phủ. Dạ thưa, sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã có quyết định đi vào cuộc sống tu trì rồi.
— Không thể được, tôi kêu gọi lòng yêu nước của ông, ông không có quyền từ chối trách nhiệm. Sự sống còn của đất nước đòi hỏi nơi ông.
Sau một hồi lâu im lặng, ông Diệm chấp nhận đồng ý. Sau đó, Bảo Đại dắt tay dẫn Diệm đến một phòng khác có tượng Thánh Giá buộc ông tuyên thệ phải chống lại cộng sản đồng thời chống cả người Pháp.
Diệm xin thề.
Và đây là câu quan trọng nhất trong buổi lễ. Bảo Đại tuyên bố: “Tôi trao trọn vẹn toàn quyền Dân sự và Quân sự cho Diệm. Diệm chính thức nắm quyền.”(Le Dragon D’Annam, trang 327-328)
[DCVOnline:
“Ông Marc Jacquet, bộ trưởng những quốc gia liên kết (kể cả Laos, Cambodia, Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp) của chính phủ Laniel, được một người bạn của Diệm tên là Tôn Thất Cẩn đến yêu cầu yểm trợ.
Ông Jacquet đề cập đến cuộc gặp với Bảo Đại, ông này khịt mũi nói, “Ông ấy [Diệm] sẽ không trụ được ba tuần đâu!” Lúc đó Bảo Đại có ý định bổ nhiệm chánh văn phòng Nguyễn Đệ làm thủ tướng thay người em họ là là Hoàng thân Bửu Lộc.”
Hilaire du Berrier, Background To Betrayal: The Tragedy Of Vietnam (1965), trang 32
Theo lời kể của ông, năm 1955, Hilaire du Berrier tham dự Hội nghị Geneva với tư cách là cố vấn cho Việt Nam. Theo sử gia Seth Jacobs, du Berrier đã làm việc với cựu hoàng Bảo Đại và là cố vấn cho Ngô Đình Diệm “cho đến khi thủ tướng bắt đầu chiến dịch chống giáo phái, điều mà du Berrier cho rằng đã lạc hướng không chú ý đúng mức đến mối đe dọa cộng sản”. Jacobs ghi nhận “Phúc trình từ Sài Gòn” năm 1958 của du Berrier trong tờ The American Mercury là những bài báo đầu tiên của giới truyền thông Mỹ về sự tàn bạo trong chế độ của ông Diệm, mặc dù ảnh hưởng của du Berrier chỉ giới hạn trong giới độc giả của báo chí cực hữu vì khuynh hướng chính trị cực đoan của ông. Một bài báo trên tạp chí Reviews in American History miêu tả du Berrier là “một bỉnh bút cực hữu đối với AFV”, Những người bạn Mỹ của Việt Nam.]
Cuộc đời ông Ngô Đình Diệm bước sang một bước ngoặt lịch sử kể từ đây làm thay đổi cục diện xã hội, chính trị, đời sống người dân miền Nam.
Ông Diệm rời Paris về Việt Nam vào ngày 24 tháng 6 cùng với em là Ngô Đình Luyện, và các ông Trần Chánh Thành, Nguyễn Văn Thoại.
Buổi lễ tiếp đón ông Diệm tại phi trường Tân Sơn Nhứt vào buổi chiều ngày 25 tháng 6, 1954 mang nhiều dấu hiệu khác thường. Tham dự có khoảng vài trăm người tại đường băng máy bay của hãng hàng không thương mại Pháp trên đoạn đường từ Paris đến Sài Gòn. Một người mặc bộ veste trắng, nhỏ con xuất hiện.
Ông lần lượt bắt tay các lãnh đạo chính trị đang chờ đón ông, trong đó có một vài người quyền lực nhất Đông Dương như viên tướng đại diện chính quyền Pháp, sau đó đến hoàng thân Bửu Lộc với tư cách thủ tướng của Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh ông Bửu Lộc có đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Donald R. Heath. Đại sứ D. Heath có ảnh hưởng lớn đến viện trợ kinh tế và quân sự cho quân đội Pháp lúc bấy giờ. Phía Thiên Chúa giáo có giám mục Phạm Ngọc Chi, đại diện cho khối di cư.
Nhiều người như người Pháp chờ đón ông Diệm như một giải pháp tạm thời mà trong đó nhiều người chưa biết ông là ai. Không lạ gì, người Pháp sau này coi như bị hất cẳng đã chơi trò chính trị hai mang, bề ngoài là bạn, bề trong phá đám, thọc gậy bánh xe.
Sau đó có một bài diễn văn ngắn về phía Pháp và của ông cựu thủ tướng đón chào. Ông Diệm gần như vội vã chui vào một chiếc xe Limousine đã đậu sẵn để trực chỉ đưa ông về dinh Gia Long.
Nhiều quan sát viên và nhà báo nhận thấy Diệm có phần thiếu kinh nghiệm chính trị và phải đối diện với những khó khăn vượt tầm trong tương lai.
Edward Landsdale, một đại tá thuộc lực lượng không quân làm việc tại tòa đại sứ Mỹ có mặt tại Việt Nam trước đó ba tuần, lẩn vào đám đông cũng nhận thấy rõ ràng cố vấn của Diệm thiếu quyết đoán. Đáng lẽ, phải mở cửa kính xe, đi chậm và vẫy chào dân chúng hai bên đường. Nhưng họ không làm như thế. Ông Nhu cho rằng buổi chào đón chính thức nên xảy ra tại trước dinh Gia Long để có sự ủng hộ của quần chúng.
Sau này Lansdale cùng giàn cố vấn của Mỹ như Wesley R. Fishel (giáo sư Khoa học, Chính trị Michigan State University, được chính ông Diệm mời về), Wolf Ladejinsky (cố vấn về nông nghiệp) Paul Harwood (CIA) v.v. là nhóm giúp cho ông Diệm. Nhưng chỉ có W Fishel và E. Lansdale có nhiệm vụ cố vấn quan trọng cho Diệm và được lòng tin cẩn, trở thành hai người bạn thân cận nhất của ông ngoài Ngô Đình Nhu. Sau này Fishel lại trở thành đối nghịch, chống Diệm.
Ngay từ trước khi ông Diệm về nước, ông Nhu đã chuẩn bị chu đáo các người hợp tác như linh mục Fermand Parell, Huỳnh Văn Lang là những khuôn mặt nổi bật ngay từ năm 1949 trong đảng Cần Lao. (Edward Miller, Misalliance, trang 45)
Vì thế, trong việc chuẩn bị ra mắt cho ông Diệm, ông Nhu đã tổ chức tỉ mỉ từng chi tiết, ngay cả việc xếp loa phóng thanh. Việc tập họp nhờ thế có một đám đông hơn cả lúc đón Diệm ở phi trường Tân Sơn Nhứt, trong đó có cả một số sắc dân thiểu số và cộng đồng người Hoa.
Diệm đã hùng hồn tuyên bố cho rằng hoàn cảnh cực kỳ khó khăn hiện nay càng làm ông quyết tâm hơn đến -một cuộc cách mạng toàn diện- trong mọi tổ chức và đời sống của dân chúng.
Đây không phải một lời nói suông mà là một đường lối quyết tâm mà ông Diệm vạch ra và theo đuổi. Trong lúc đó, nhiều thế lực Chống đối ông Diệm đưa ra những luận điệu không xác thực như Diệm chỉ là bù nhìn của Mỹ. Phia cộng sản hùa theo với luận điệu: Mỹ-Diệm. Luận điệu khác là Diệm-giáo trị. Diệm độc tài-gia đình trị. Ông Diệm được gán đủ nhãn hiệu. Nó vừa có thể không đúng mà cũng vừa đúng phần nào tùy theo quan niệm mỗi người.
Nhưng đã rõ việc nhận làm thủ tướng là do sự quyết định của Bảo Đại và qua trung gian người em là Ngô Đình Luyện ở ngoài nước liên lạc rực tiếp với Bảo Đại và Ngô Đình Nhu ở trong nước chuẩn bị.
Thực tế không có sự can thiệp trực tiếp của người Mỹ.
[DCVOnline:
“Đại tá Edward Lansdale, trong một bài báo viết cho Đại học tiểu bang Michigan (MSU) và MSU đã gửi luận văn đó cho tác giả (Hilaire du Berrier) để bình luận. Landale viết,
“Có nhiều điều vô nghĩa và lãng mạn viết về việc bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng vào năm 1954. Việc bổ nhiệm này được cho là do giới chức chính phủ Hoa Kỳ sắp đặt. Sự thật là không một người Mỹ nào ở vị trí quyết định, dù ở Washington hay Sài Gòn, biết Diệm.”
Vậy ai đã biết ông ấy?
Ông Ngô Khải Minh, ủy viên Hội đồng Liên hiệp Pháp, nói với tác giả (Hilaire du Berrier):
“Bill Gibson và David Bane làm việc về Việt Nam vụ tại toà đại sứ Mỹ ở Paris năm 1954. Gibson đã đến Cannes hai lần để yêu cầu Bảo Đại bổ nhiệm Diệm làm thủ tướng.
Bảo Đại không muốn làm như vậy. Ông ấy đã trì hoãn. Ông Letourneau lúc đó là Bộ trưởng những nước liên kết (Lào, Campuchia, Việt Nam trong Liên hiệp Pháp). Laniel vẫn còn là thủ tướng và ông Bidault vẫn là bộ trưởng ngoại giao. Bảo Đại kêu cứu và Letourneau được cử xuống gặp ông. Bảo Đại nói với Letoumeau: ‘Người Mỹ muốn Diệm. Tôi nên làm gì?’
Letoumeau trả lời ‘Bây giờ ông đã độc lập; điều đó tùy thuộc vào ông.’ Bảo Đại sau đó quyết định không muốn bổ nhiệm Diệm; nhưng toà đại sứ Mỹ lại gây áp lực với cơ quan ngoại giao Pháp, nói rằng ‘Các ông đã mất một nửa Đông Dương. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều tiền và vũ khí vào đó nên không thể bỏ mất nửa còn lại. Nếu không cứu được thì đừng cản trở chúng tôi và hãy ủng hộ Diệm.’ Thế là Bidault bảo Letourneau quay lại bảo Bảo Đại ký giấy bổ nhiệm.”
Nguồn: Hilaire du Berrier, Background To Betrayal: The Tragedy Of Vietnam (1965), trang 30-31
Trang 24 của tài liệu “United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense — IV. A. 4. U.S., Training of Vietnamese National Army, 1954–59” do Ngũ giác Đài biên soạn năm 1967, có đoạn viết:
“05 54 Bộ Ngoại giao Pháp (Quai d’Orsay) theo sự nài nỉ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cử sứ giả đến gặp Bảo Đại tại Cannes để dàn xếp việc bổ nhiệm Diệm đến Sài Gòn năm 1954. (WID 41-57) Đầu tháng 5 Diệm gặp rắc rối với Bảo Đại. Cả người Pháp lẫn Bảo Đại đều không ưa Diệm. Dulles và Hồng y Spellman ủng hộ chính phủ do Diệm đứng đầu mặc dù có những dấu hiệu cho thấy Dulles không quá nhiệt tình với Diệm. Chính phủ Pháp không phản đối. Một số nhân vật lãnh đạo Pháp đã khuyến khích việc đó – cựu cao ủy Letourneau và Frederic-Dupont, những người vài ngày trước khi chính phủ Laniel sụp đổ đã giữ chức bộ trưởng của những quốc gia liên kết ở Đông Dương. /J.B.”
Nguồn: “United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense — IV. A. 4. U.S., Training of Vietnamese National Army, 1954–59”, the Pentagon, 1967, p. 24]
Trong cuốn Misalliance của tác giả Edward Miller cũng xác nhận thêm một lần nữa vai trò Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng ở Paris giữa hai người “mặt đối mặt sau bốn năm”. Trước tình thế ngặt nghèo bị đẩy vào chân tường và bị cô lập, vai trò của Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm ở vị thế thuận lợi hơn bao giờ hết. Theo Edward Miller: “Cựu Hoàng phải lên lạc với Diệm và triệu hồi ông đến gặp.”
Nhưng thoạt đầu, Diệm tỏ ra, dè dặt không mấy quan tâm tới chức vụ thủ tướng. Một lần nữa, Bảo Đại buộc Diệm phải nhận lãnh công việc với trách nhiệm: Việc cứu vãn Việt Nam dựa trên sự chấp nhận của ông. Sau cùng Bảo Đại không chọn lựa nào khác bèn trao cho Diệm toàn quyền trong mọi lãnh vực của chính quyền về kinh tế và quân sự. (Edward Miller, Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam, trong chương Man of Faith, trang 51)
Cho nên những luận điệu như ở trên không có cơ sở, và có thể không cần sự giải thích vì nó nó chẳng bao giờ là cùng.
Nhưng điều không thể phủ nhận là ông Diệm là người của xác tín chính trị và người của niềm tin tôn giáo. Hai điều ấy ấy kết hợp và trở thành bản thân con người ông trong mọi quyết định cũng như trong hành động.
Thập niên 1940, ông được coi như thành phần thứ ba vừa chống thực dân Pháp vừa chống cộng sản mà con đường được gọi là “thành phần thứ Ba”. Sau này trong một bài hát “Suy tôn Ngô Tổng Thống” vốn nhiều người không ưa thích có câu ý như sau: “Người cương quyết chống cộng, bài phong kiến bóc lột, diệt thực dân đang rắc reo tàn khốc.”
[DCVOnline
Bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống”, nhạc của Ngọc Bích, tên thật là Nguyễn Ngọc Bích (1924 – 2001), lời của Thanh Nam tên thật là Trần Đại Việt (1931-1985). Trong bài “Ngọc Bích và tôi” Phạm Duy viết,
“Ngọc Bích là người nằm trong Phòng Tâm Lý Chiến của Quân Ðội, thế mà khi phải soạn bài hát mùa Xuân cho chiến sĩ, thì đó cũng chỉ là nhạc buồn mà thôi…
Khi ông Ngô Ðình Diệm đòi truất phế ông Bảo Ðại thì, cũng như đa số những thanh niên có cảm tình với nhà Ngô, Ngọc Bích soạn bài Vè Bảo Ðại:
‘Vẻ vè ve cái vè Bảo Ðại
Là quân ăn hại
Theo gót thực dân…’
Tích cực hơn nữa, cùng với văn sĩ Thanh Nam, anh còn soạn ra bài Suy Tôn Ngô Thủ Tướng. Về sau, khi ông Diệm thành công thì bài này mới trở thành bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống với một sửa đổi nho nhỏ trong lời ca:
‘Ai bao năm từng lê gót nơi quê người’
sửa lại là:
‘Ai bao năm từng in gót nơi quê người.’
Phạm Duy, “Ngọc Bích và tôi”]
Con đường ấy dẫn ông Diệm đến chỗ bị cả người Pháp lẫn Việt Minh săn đuổi. Ông phải tìm đường sang Nhật và dựa vào sự ủng hộ của Cường Để.
Trong những năm 1945-1954, ông là một trong những khuôn mặt tiêu biểu nổi bật chống thực dân Pháp, chống chủ nghĩa cộng sản được coi như người sáng lập và lãnh đạo khối thứ ba(Khối Quốc Gia Liên Hiệp). Sau này nó là tiền đề cho sự liên kết các lãnh tụ đảng phái như Nguyễn Tôn Hoàn( Sau trở thành đảng phái đối lập) hay một số thành viên Thiên Chúa giáo chống lại cộng sản.
Giai đoạn một liên minh với Mỹ mở đầu
Ngay sau khi ở phi trường Tân Sơn Nhứt về, Lansdale nhớ lại đã soạn thảo suốt đêm một bản ghi nhớ cho Diệm mà nội dung là: “Vài ghi nhận là làm thế nào để trở thành một thủ tướng”. Trong đó, nhiều đề tài chi tiết như làm thế nào tạo được niềm tin được sự ủng hộ của dân chúng miền Nam. Sau đó, ông cùng một đồng nghiệp thông thạo tiếng Pháp đến gặp Diệm ở dinh Gia Long.
Trong cuốn: In the Midst of Wars: An American’s Mission to Southeast Asia, Lansdale viết
“Họ thật ngỡ ngàng khi không có một người cận vệ nào có mặt. Thủ tướng Diệm một bình tĩnh một mình ngồi làm việc.
Trong dinh nhỏ bé của chính Phủ nơi vị Thủ tướng đặt văn phòng làm việc. Người Pháp vẫn còn giữ dinh thự chính của chính phủ. Tất cả còn ở trong tình trạng rối beng khi Helleyer và tôi đến gặp Thủ Tướng. Không có cả lính gác canh phòng cửa ra vào khi chúng tôi đến nơi. Cũng không có nhân viên nào ra đón khách.(…). Một trong những người có mặt nói với chúng tôi rằng: Thủ tướng đang ở trên lầu. Đó là một căn phòng nhỏ, trên bàn xếp thành đống cao giấy tờ dủ loại. (…)
“Tôi là Ngô Đình Diệm. Người đàn ông nói với chúng tôi. Chúng tôi cũng vội vã tự giới thiệu mình.”
In the Mist of wars,Edward Lansdale, trang 158
Lansdale tự giới thiệu mình và mời ông Diệm nghe bản dịch. Ông Diệm ngồi nghe và cám ơn người Mỹ và xin bản giấy, gấp lại và đút vào túi. Lansdale cho rằng buổi gặp gỡ đánh dấu bước đầu của “tình bạn sâu đậm, sự tin cẩn và trung thực”.
Mối liên hệ chặt chẽ giữa hai người trong những trong năm đầu ông Diệm làm thủ tướng, 1954-1955, góp phần quan trọng và lớn lao trong việc củng cố quyền lực cho ông Diệm sau này. Edward Lansdale còn có tham vọng đưa ông Diệm trở thành một lãnh tụ lớn ở Á Châu.
Sự hình thành liên minh Mỹ-Diệm do nỗ lực bền bỉ của Edward Lansdale đã là điểm then chốt cho sự thành công của ông Diệm mà nhiều người Mỹ ở Sài Gòn cũng như ở Washington tỏ ra bi quan vì sự thiếu kinh nghiệm của chính phủ Diệm lúc ban đầu. Sự bi quan ấy đến chỗ Washington đã nghĩ đến giải pháp cần thay thế Diệm bằng người khác. Tác giả Lâm Vĩnh Thế trong cuốn ‘Bạch Hóa Tài Liệu Mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa’ viết:
“Những công điện mật của đại tướng Collins, đại diện TT. Eisenhower tại VN gửi cho bộ trưởng ngoại giao Dulles. Đặc biệt công điện mang số 4382, gửi ngày 7-4-1955 mà nội dung công điện tin rằng Diệm đã bị cô lập, không còn được ai ủng hộ, ngoài gia đình ông và một số nhỏ không tới 10 người. Ngày 28-4-1954, ký công điện về sự thay đổi chính sách đối với lãnh đạo. 30-4, chính phủ Diệm đã hoàn toàn làm chủ được tình thế. Bộ Ngoại giao cấp tốc điện sang Sài Gòn ra lệnh tiêu hủy bức công điện đã gửi ngày 28-4.”
Lâm Vĩnh Thế, ‘Bạch Hóa Tài Liệu Mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa’, trang 38-42
[DCVOnline:
Tài liệu Ngũ giác Đài trang 38 có những biên niên như sau:
040755 Trong cuộc họp giữa hai tướng Collins và Ely, tướng Ely kết luận rằng phải thay Diệm. /JCS HIST
040755 Tướng Collins đề nghị Dulles loại bỏ Diệm. /Tin nhắn 4399
041555 Khi có bằng chứng cho thấy Diệm sẽ tiếp tục tấn công Bình Xuyên, Collins gần như dứt khoát chống đối Diệm. /J.B. DRAGON.
042055 Collins quay trở lại Washington để tham dự một hội nghị về viện trợ (20–30 tháng 4) chủ trương rằng phải thay Diệm.
“United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense — IV. A. 4. U.S., Training of Vietnamese National Army, 1954–59”, the Pentagon, 1967, p. 38]
Điều này cũng cho thấy chính sách của của người Mỹ đặt nặng tính hiệu quả nếu cần thay ngựa giữa dòng. Nhưng cuối cùng quyết định của Washington là ủng hộ ông Diệm.
Một trang sử mới mở đầu cho miền Nam
Mục tiêu đầu tiên khi làm thủ tướng là ổn định trật tự chính trị.
Quân đội vẫn do Nguyễn Văn Hinh nắm giữ. An ninh trật tự do Bình Xuyên thống lãnh. Về tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo thì mỗi giáo phái vẫn thống lãnh một địa phương mà Bảo Đại đã gọi là một sự “trống rỗng’’. Edward Lansdale ví Sài Gòn lúc ấy như một giỏ cua. Bấy nhiêu thứ trộn lẫn tạp nhạp và chia nhau phần bánh. Sài Gòn-Chợ Lớn là nơi hội tụ của tất cả phe phái mà ai cũng mong muốn có phần.
Ông Diệm là người được mời về làm thủ tướng có thể nào ngồi chung vào bàn tiệc đó được không? Hẳn là không. Dứt khoát là không, vì mục tiêu ban đầu của ông là ổn định, là trật tự.
Sách của Edward Miller trang 106 có một tấm hình rất ấn tượng để trấn an những người có mặt hôm ấy: lần lượt tù Bảy Viễn và Nguyễn Văn Xuân, ngồi giữa là ông Diệm tướng Nguyễn Văn Hinh, tay phải.
Lẽ dĩ nhiên, cuộc họp bất thành qua nhiều cố gắng thuyết phục của ông Diệm.
Do sự vận động của Ngô Đình Luyện thuyết phục Bảo Đại, cuối cùng Hinh bị cách chức và bị gọi về Pháp. Hinh đã rời Sài Gòn vào trung tuần tháng 11, năm 1954.
Giải giới tướng Hinh bằng một Nghị Định ngày 10 tháng chín cho vị Tham Mưu trưởng quân đội “nghỉ việc trong sáu tháng để nghiên cứu ở bên Pháp”.
[DCVOnline:
Theo hồ sơ Ngũ giác Đài,
“09 54 Diệm xung đột công khai với vị tổng tư lệnh quân đội do Pháp bổ nhiệm, tướng Nguyễn Văn Hinh, sau đó bị Diệm cách chức. Khi Bảo Đại biết lấy lòng Mỹ có thể có lợi cho mình, ông ra lệnh cho tướng Nguyễn Văn Hinh sang Pháp.” Ngày 10 tháng 9, 1954 người của ông Diệm trà trộn và cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu, biết tướng Hinh đang âm mưu đảo chính. Thủ tướng Diệm bãi nhiệm tướng Hinh và ra lệnh cho ông phải đi nước ngoài (JSC/HIST).
Trang 28
Tháng 10, 1954, mâu thuẫn giữa tướng Hinh và thủ tướng Diệm ngày càng lớn. Tướng Ely và Đại sứ Heath cảnh cáo tướng Hinh không được đảo chính thủ tướng Diệm. 2 tháng 10, 1954, Tướng Ely bàn bạc với Bảo Đại về việc ở Hoa Thịnh Đốn và cảnh cáo Bảo Đại không nên chống lại Mỹ. Vì chuyện này Bảo Đại ngưng hậu thuẫn cho Hinh chống Diệm (J.B.)
Trang 30
26 tháng 10 1954, tướng Hinh tấn công Phủ thủ tướng.
Trang 31
19 tháng 11, 1954: Hinh rời Sài Gòn sang Pháp theo yêu cầu của Bảo Đại.
Trang 32
Nguồn: “United States – Vietnam Relations, 1945–1967: A Study Prepared by the Department of Defense — IV. A. 4. U.S., Training of Vietnamese National Army, 1954–59”, the Pentagon, 1967.]
Phần các giáo phái, Diệm đã có viết thư mời tướng Trịnh Minh Thế, tướng Phương và tướng Trần Văn Soái về hợp tác với chính phủ. Đích thân Edward Lansdale và Ngô Đình Nhu xuống thương lượng với Trịnh Minh Thế. Chính Diệm cũng dùng máy bay trực thăng xuống gặp Trịnh Minh Thế với một thái độ trân trọng. Cuối cùng sau thỏa thuận, tướng Thế đã đem 2500 quân về Sài Gòn. Trong một buổi lễ long trọng, thủ tướng Diệm đã gắn bốn ngôi sao trên hai cầu vai cho tướng Thế.
Dẹp Bình Xuyên
Bảy Viễn được coi như một thứ Al Capone của Sài Gòn, làm chủ sòng bạc Kim Chung ở Sài Gòn và Đại Thế giới ỏ Chợ Lớn. Một trong những sòng bài đem lại lợi nhuận không nhỏ ở Á Châu. Ngoài ra Bảy Viễn còn làm chủ hai lò nấu thuốc phiện. Thuốc phiện sống mua lại của người Mèo bên Lào, chuyển từ Vũng Tàu về Sài Gòn do Bình Xuyên kiểm soát, dưới sự giám sát của Savani, Phong Nhì Pháp, sau đó được phân phối cho thương lái Tàu xuất cảng sang thị trường Hồng Kông. Không có sự bảo trợ của Savani và người Pháp thì Bảy Viễn không có thể làm ăn buôn bán bất hợp pháp và công khai lộ liễu như vậy!
Vì thế, Bảo Đại đã cho Bảy Viễn lập Tiểu đoàn 4 Bình Xuyên vào tháng 2-1953. Với việc bổ nhiệm này, Bảy Viễn ngoài việc cung cấp gái còn phải trả cho Bảo Đại một số tiền là bao nhiêu?
Quyết định của ông Diệm là giải tán ngay 15-02-1955 các sòng bài Kim Chung và Đại Thế giới và các ổ mãi dâm như Hall of Mirrors. Quyết định thứ hai của ông Diệm là giải tán lực lượng Công an Bình Xuyên và thay thế Lai Văn Sang.
Bảy Viễn vẫn muốn giữ nguyên trạng là nắm các sòng bài và nhất là nắm giữ công an.
Quân đội Quốc gia ở trong tình trạng báo động, chờ đợi trong thế sẵn sàng trả đũa.
Ông Diệm yêu cầu Lai Văn Sang giao Nha Cảnh Sát lại cho chính phủ bất chấp lời khuyên can của Edward Lansdale và Đại sứ Collins trong việc thuyết phục ông Diệm. Ông cho rằng dẹp loạn Bình Xuyên không thể đưa đến một cuộc nội chiến. Nửa đêm ngày 28-03-1955, Bình Xuyên đã tấn công dinh Thủ tướng. Ông Diệm gọi cho Lansdale và gọi cho tướng Ély để ông này trực tiếp nghe tiếng đạn bích kích pháo rớt vào dinh thủ tướng.
Thủ tướng Diệm ra lệnh cho thiếu tá tá Đỗ Cao Trí chiếm bộ Tư lệnh Cảnh sát trên đường Gallieni (Trần Hưng Đạo). Bình Xuyên bị tổn thất nặng nề phải rút lui về bên kia cầu chữ Y. Quân đội tiếp tục chiếm đánh cầu Chữ Y, ngày hôm sau vượt kinh Tàu Hủ chiếm đánh đại bản doanh của Bảy Viễn.
Ngày 9-5-1955 kể như toàn bộ quân đội Bình Xuyên đã bị đánh bật ra khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn. Phần truy đuổi Bình Xuyên tiếp theo là trách nhiệm của trung tá Dương Văn Minh. Sau chiến thắng rừng Sát, Dương Văn Minh được đón tiếp như một vị anh hùng, thăng lên Đại tá.
Tướng Nguyễn Văn Vỹ.
Tướng Vỹ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia do Bảo Đại bổ nhiệm, đã đối đầu trực diện với Diệm. Ông dàn quân trước dinh Gia Long đe dọa, thách thức và một minh bước vào dinh Gia Long. Nhưng ngày hôm trước, Nhị Lang –một phụ tá thân cận của Trịnh Minh Thế– đã được bầu làm chủ tịch một Ủy Ban hành động. Do sự gật đầu của tướng Thế, Nhị Lang đã rút trong người ra một khẩu súng lục chĩa thẳng vào đầu tướng Vỹ buộc ông đầu hàng. Ông nầy phải riu ríu tuân theo. Vài người trong nhóm hành động yêu cầu thi hành xử bắn. Ông Diệm biết được vội vã xuống thương lượng với nhóm của Nhị Lang. Sau đó, Vỹ cho giải tán quân của mình, đào thoát nhục nhã khỏi Sài Gòn, sang Pháp sống lưu vong.
[DCVOnline:
Theo Theo hồ sơ Ngũ giác Đài
“ngày 12 tháng 12, 1954 Diệm bổ nhiệm tướng Lê Văn Tỵ làm Tổng Tham mưu trưởng thay tướng Hinh. Sự bổ nhiệm này có vẻ vì lòng trung thành với Diệm hơn là dựa trên khả năng. Pháp phản đối và chỉ đồng ý sau khi Diệm đồng ý bổ nhiệm tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng Thanh tra quân đội.”
Trang 33,
“Ngày 28 tháng 4, 1955 Bảo Đại ra lệnh trao lại quyền lãnh đạo quân đội cho tướng Nguyễn Văn Vỹ nhưng Diệm lờ đi.”
Trang 38
“Ngày 1 tháng 5, 1955 Tướng Nguyễn Văn Vỹ nắm quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam trong một ngày. Ông bắt giữ Diệm trong dinh thủ tướng và đưa quân vào những vị trí chiến lược quanh Sài Gòn. Giới lãnh đạo quân đội bối rối trước sự thay đổi chỉ huy và cho hay họ đã chặn đứng cuộc tấn công của quân phiên loạn. Ngày hôm sau Diệm tái lập kiểm soát với sự hậu thuẫn của tướng Lê Văn Tỵ.”
Trang 39
Theo Lâm Quang Thi, “The Twenty-Five Year Century: A South Vietnamese General Remembers the Indochina War to the Fall of Saigon”. Denton, TX: University of North Texas Press, 2001; ISBN 1-57441-143-8 và Kinnard Douglas, “The War Managers: American Generals Reflect on Vietnam. Reprint ed. Cambridge, MA: Da Capo Press, 1991” thì tướng Vỹ, theo lệnh của Bảo Đại, đã thất bại khi muốn ngăn chặn thủ tướng Ngô Đình Diệm cướp chính quyền, buộc phải trốn sang Pháp lưu vong.
Đời tướng Vỹ sau khi trống sang Pháp năm 1955 theo nhiều nguồn khác
Tướng Vỹ trở lại miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chính năm 1963. Ông bị bắt trong cuộc chỉnh lý tháng 1 năm 1964 vì là thành viên ban chỉ huy ủy ban quân sự của Tướng Dương Văn Minh. Như hầu hết tướng lãnh khác, sau đó ông đã được trả tự do. Ông được thăng Trung tướng và được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa năm 1967.
Tháng 2 năm 1967, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ bổ nhiệm ông và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Cao Văn Viên, vào một ủy ban bài trừ tận gốc nạn tham nhũng trong giới tướng lãnh. (“Kỳ Reported Ready to Oust 5 More Generals.” Associated Press. 16 February 1967.)
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Vỹ thay Viên làm Bộ trưởng Quốc phòngvào ngày 25 tháng 5 năm 1968. (Roberts, Gene. “Saigon Announces a New, Broadly Based Cabinet”. New York Times. 26 May 1968.)
Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Vỹ điều hành Quỹ Tiết kiệm và Tương trợ của Quân nhân (SMASF), một quỹ hưu trí của và do chính phủ điều hành cho quân nhân miền Nam Việt Nam. (“Vietnam: Make Money, Not War.” Time. 3 April 1972.)
Năm 1971 Vỹ bị cáo buộc biển thủ hàng triệu đô la của Quỹ Tiết kiệm và Tương trợ để thành lập hoặc mua Ngân hàng Công thương, Vicco (một công ty xây dựng cầu cống đường xá), Vi-navatco (một công ty vận tải), Icico (một công ty bảo hiểm), và Foproco (một công ty chế biến thực phẩm). (“Vietnam: Make Money, Not War.” Time. 3 April 1972.)
Vào ngày 22 tháng 3, Thiệu cách chức năm phụ tá cao cấp của Vỹ do vụ tham nhũng liên quan đến SMASF. (Craig R. Whitney (23 March 1972). (“Thieu ousts five defense aides in scandal on retirement fund”. The New York Times. p. 4.)
Thiệu cách chức Vỹ vào ngày 6 tháng 8 năm 1972. (“Thiệu Fires Defense Chief in Scandal Over Soldiers’ Fund.” Chicago Tribune. 7 August 1972; “Troops’ Pay Invested.” Los Angeles Times. 26 August 1972.)
Vỹ bị quản thúc tại gia và bị cho giải ngũ (sa thải) vào tháng 3 năm 1974. (“Thiệu Retires 11 Generals in Army Shakeup.” Los Angeles Times. 9 March 1974.)
Vỹ qua đời tại Bệnh viện Bégin Military Teaching Hospital, 69 Avenue de Paris, Saint-Mandé ở Val-de-Marne, gần Paris, năm 1981, thọ 65 tuổi. (Staff (2017-11-04). “Tr. Tướng Nguyễn Văn Vỹ” (tiếng Việt). WordPress.com. Retrieved 2017-11-04.)]
Cuộc Trưng cầu Dân ý ngày 23-10-1955
Sau khi đã lật ngược được thế cờ, dọn dẹp được rác rưởi chính trị, ổn định được tình hình, ông Diệm đã nhận được thư của Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower và nhận sự ủng hộ vô điều kiện của Hoa Kỳ đối với chính phủ Nam Việt Nam:
‘’Chúng tôi đang tìm phương cách cũng như phương tiện để cho công việc viện trợ của chúng tôi có hiệu quả hơn và góp phần lớn hơn nữa vào sự an sinh của chính phủ Nam Việt Nam. Tôi cũng thông báo cho đại sứ Mỹ ở Việt Nam xem xét với Thủ tướng trong khả năng của Thủ tướng với tư cách người đứng đầu chính phủ về vấn đề viện trợ trực tiếp cho chính quyền Việt Nam”
Dwight D. Eisenhower
Sincerely
(Letter from President Eisenhower to Ngo Dinh Diem, President of the Council of Minister of VietNam, October 23-1954. Trích The Indochinese Experience of the French and the Americans. Arthur J. Dommens, trang 275).
[DCVOnline:
Theo Theo hồ sơ Ngũ giác Đài, trang 31, “Ngày 24 tháng 10, 1954 Tổng thống Eisenhower đã gởi một lá thư cho Thủ tướng Diệm của miền Nam Việt Nam nói rằng bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1955, sự trợ giúp của Mỹ sẽ không còn thông qua chính quyền Pháp nữa mà trực tiếp đến chính phủ miền Nam Việt Nam. Bức thư cũng cho biết chính phủ Hoa Kỳ hy vọng họ sẽ được đáp ứng bằng cách thực hiện những đổi mới tất yếu.”
Trong bức thư này, Tổng thống Eisenhower đề nghị viện trợ tài chánh cho thủ tướng miền Nam Việt Nam và khuyến khích ông thực hiện “những thay đổi cần thiết” để mở rộng chính phủ và làm cho nó mang tính đại diện hơn. Nhưng quan điểm của Thủ tướng Diệm về việc xây dựng đất nước khác với quan điểm của Hoa Kỳ. Những thành công ban đầu của ông trước kẻ thù chỉ củng cố khuynh hướng độc tài và niềm tin của ông rằng ông biết rõ hơn người Mỹ về cách cai trị miền Nam Việt Nam.]
Thư này xác nhận vai trò của người Pháp đã chấm dứt và người Mỹ như thể đang cùng xuống thuyền với Diệm.
Đây là giai đoạn hợp tác liên minh Việt-Mỹ tốt đẹp nhất mà hai bên có được.
Ông Diệm nay đã rảnh tay phải nghĩ đến chuyện “hợp thức hóa’’ chế độ đồng thời “mời’’ người Pháp ra đi. Có nghĩa hoặc Bảo Đại phải bị loại, hoặc ông Diệm phải ra đi.
Khi nhận về làm thủ tướng, ông Diệm không về tay không. Ông đòi hỏi phải trao toàn quyền và một cách nào đó ngay từ đầu gián tiếp phủ nhận vai trò lãnh đạo của Bảo Đại. Cho dù nói cách nào đi nữa thì cái quyền hành của Bảo Đại chỉ có tính cách tượng trưng, một biểu tượng tinh thần. Như thế, Bảo Đại tự truất phế khi trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm. Bernard Fall nhận xét,
‘’Ông Diệm không chấp nhận vào cuộc mà không có vũ khí trong tay… Diệm đã nhận được quyền hạn tuyệt đối kể từ ngày 19 tháng 6. Điều đó coi như ông đã lật đổ ngai vàng của vua Bảo Đại’’.
(The Two Vietnams: A Political And Military Analysis, Bernard Fall, trang 244)
[DCVOnline:
“Nhận thức rõ rằng mình đang vứt bỏ ngai vàng, Bảo Đại được cho là đã bắt Diệm long trọng tuyên thệ trung thành với mình, và một số nhân chứng có thẩm quyền khẳng định Diệm cũng đã quỳ gối thề với Hoàng hậu Nam Phương rằng ông sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình “để giữ vững ngôi báu Việt Nam cho thái tử Bảo Long”, con trai Bảo Đại.”
The Two Vietnams: A Political And Military Analysis, Bernard Fall, trang 244
Đoàn Thêm phân tích một cách cụ thể hơn:
‘’Một đằng phải cho thì vội vàng tiếc và cố giành lại, một đằng đã đòi thì lấy thiệt mà không khi nào chịu trả, không hề có sự tương đắc tri ngộ cổ điển giữa hai người chung cuộc.’’
(Đoàn Thêm. Việc từng ngày trong chương “Hạ bệ, suy tôn”, trang 13).
Vì thế việc xử dụng từ “Phản bội” hay “Trung thành” là không đúng chỗ.
Thứ nhất, không có vấn đề đạo đức hay luân lý trong việc giao kết giữa cá nhân với cá nhân. Thứ hai đây là vấn đề nằm trong mối tương quan chính trị khi mà chính sách, đường lối của họ khác biệt nhau thì có thẩm quyền nào bắt họ phải trung thành? Đằng khác chữ trung thành không thể đặt ra từ một phía, từ dưới lên trên, mà phải từ hai phía, là cả từ trên xuống dưới.
Năm xưa, Bảo Đại đã cách chức Thượng thư Bộ Lại, tịch thu cả mề đay, Kim khánh của ông Diệm, chỉ còn để lại chức hàm Tuần Vũ thì phải hiểu thế nào?
Cũng theo Đoàn Thêm:
“bà Từ Cung vẫn được cấp dưỡng 5000 đồng/tháng. Nha Kiến thiết được lịnh sửa chữa cung điện ngoài Huế. Các cung An Định, ngay cả Biệt điện Đà Lạt hay những nhà săn ở Ban Mê Thuột, những đồn điền hay công ty Cao nguyên, du thuyền Hương Giang hay những nhà cửa đứng tên ông này, bà kia vẫn để nguyên mặc dầu trên nguyên tắc có lệnh ban hành tịch thâu ngày 16-2-1957.
Lệnh tịch thâu đã trễ lại không thi hành. Tất cả những tài sản hay bất động sản đứng tên ông Vĩnh Cẩn hay ông Nguyễn Đệ và vợ, chính quyền không hề đụng tới.
Về điều này thì người viết có thể làm chứng là ông Nguyễn Đệ đứng tên chủ nhà có chứng cớ trên dưới 10 căn nhà, biệt thự trên ĐàLạt, Chợ Lớn và 3 căn nhà trên đường Pasteur, Sài Gòn. Bố mẹ vợ của người viết ở ngay số 12 Pasteur, Sài Gòn.
Để tóm tắt về cuộc Trưng cầu Dân ý thì thời thế lúc ấy không cho phép đảo ngược tình thế như một tất yếu lịch sử.
Người viết không đi vào những chi tiết như ông Diệm là người tại chỗ, có quần chúng trong tay, tuyên truyền khắp ngang cùng ngõ hẻm thì phần thắng chắc chắn nắm trong tay mà phiếu bầu chỉ mang tính hình thức. Thực tế chính trị thì phải nhìn nhận kết quả như vậy không thể khác được.
Cuộc Trưng cầu dân ý không hẳn chỉ thị một sự ủy nhiệm Người, còn chính là ủy nhiệm một thể chế mới cho Việt Nam. Nó triệt tiêu một thể chế quân chủ đã lỗi thời mà mời gọi dân chúng tham gia vào chính thể cộng hòa trong tương lai. Chính vì thế, Edward Miller đã có lý khi nhấn mạnh rằng tên cũ là Miền Nam việt Nam, nay đổi ra Việt Nam Cộng Hòa.
[DCVOnline:
Mặc dù số phiếu được công bố cho thấy Diệm thắng với 98,9% phiếu bầu, cuộc trưng cầu dân ý không có quan sát viên độc lập và đầy gian lận bầu cử. Tại thủ đô Sài Gòn, Diệm được hơn 600.000 phiếu bầu, mặc dù chỉ có 450.000 người có tên trong danh sách cử tri đi bầu. (Karnow, Stanley. Vietnam: A history. New York City: Penguin Books (1997, trang p. 223-224); Tucker, Spencer C. Encyclopedia of the Vietnam War. (2000). p 366). Ở những đơn vị bầu cử khác, số phiếu bỏ cho Diệm cũng vượt quá số cử tri. (Jacobs, Seth. Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. (2006) p. 95).
Cuộc trưng cầu dân ý đã bị lên án vì gian lận. (Miller, Edward. Grand Designs, Vision, Power and Nation Building in America’s Alliance with Ngo Dinh Diem, 1954–1960. UMI. (2004) p.207). Sử gia và nhà văn Jessica Chapman cho biết “Ngay cả những người biện hộ cho Diệm như Anthony Trawick Bouscaren và nhân viên CIA người Mỹ Edward Lansdale cũng đồng tình với những người chỉ trích thủ tướng gay gắt nhất về kết luận rằng chính phủ miền Nam Việt Nam không có khả năng hoặc không muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thực sự tự do, đại diện.” (Chapman, Jessica. “Staging Democracy: South Vietnam’s 1955 Referendum to Depose Bao Dai“. Diplomatic History. 30 (4): 671–703. (September 2006) p. 692). Một phúc trình của CIA viết năm 1966 cho rằng cuộc bầu cử bị thao túng nặng nề nhất trong 11 năm đầu lịch sử miền Nam Việt Nam. (Jacobs, Seth. Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. (2006) p.40)]
Thành lập Ấp chiến lược như một quốc sách
Mục đích của Quốc Sách Ấp Chiến lược là tách rời du kích cộng sản ra khỏi dân chúng nông thôn, không cho chúng bám dựa vào dân chúng để ẩn náu và xây dụng cơ sở, hoạt động phá hoại. Cuối cùng là cô lập chúng hoàn toàn để chúng phải chọn lựa, một là ra hồi chánh, hai là bị tiêu diệt.
Chính sách ấy mang lại hiệu quả như công việc tát nước để bắt cá. Nhờ thế, hoạt động du kích của cộng sản bị ngưng trệ, cơ sở hạ tầng không có chỗ dung thân, chỗ dựa. Dân chúng phải tự bảo vệ, được trợ cấp, theo hình thức: Tự quản, Tự phòng và Tự phát triển .
Kế hoạch đã được đưa ra lần đầu vào tháng 11-năm 1961. Khuôn mẫu Ấp chiến lược đã được rút ra từ kinh nghiệm chiến dịch bình định của Mỹ ở Phi Luật Tân và Malaysia của quân đội Anh.
Nhưng dưới mắt một số người thì cái gọi là chương trình Ấp Chiến Lược thực chất là lùa nông dân ra khỏi làng quê, tổ ấm của họ và nhốt trong nhũng khu đất rào quanh chắc chắn giống như một nhà tù hơn là các cộng đồng thật sự.
Ông Nhu thì nhìn thấy Ấp Chiến lược là một giải pháp, vừa quân sự, vừa chính trị ổn định cho xã hội nông thôn miền Nam mà nhà ở của dân chúng rải rác không kiểm soát được không giống xã thôn miền Bắc chia thành từng làng.
Trong cuốn Vietnam: A History – Penguin Books, 1997 — Chapter 9 The Commitments Deepen pp.335,336 (first published: Viking, 1983), Stanley Karnow nhận xét:
“Ở đó tôi thấy chương trình ấp chiến lược bắt đầu trong thời kỳ Diệm đang trong cơn hỗn loạn. Tại một địa điểm gọi là Hòa Phú, một ấp chiến lược được xây dựng trong mùa hè năm ngoái nay trông giống như bị trúng bão. Hàng rào kẽm gai bao xung quanh đã bị phá vỡ, tháp canh bị phá hủy và chỉ một vài người dân còn ở lại… Một lính gác địa phương giải thích với tôi rằng một số du kích Việt Cộng đã tới trong một đêm, họ vận động các nông dân hợp sức phá bỏ nó và trở về làng quê của họ. Nông dân đã ủng hộ họ…
Ngay từ đầu, ở Hòa Phú và các nơi khác, nông dân căm ghét các ấp chiến lược, nhiều người bị buộc phải dọn tới đó bởi các quan chức tham nhũng, những người đã bỏ túi phần lớn số tiền được phân bổ cho các dự án. Nếu chiến tranh là một trận chiến để giành được sự ủng hộ của trái tim và trí óc người dân, thì Hoa Kỳ và các đối tác ở miền Nam Việt Nam chắc chắn đã đánh mất Long An.
Cảm giác lướt qua của tôi, sau đó đã được xác nhận trong một cuộc khảo sát rộng rãi hơn được thực hiện bởi Earl Young, đại diện cấp cao của Mỹ trong tỉnh. Ông đã báo cáo vào đầu tháng 12 rằng đã có 200 ấp chiến lược ở Long An đã bị phá hủy kể từ mùa hè, bởi Việt Cộng hoặc bởi những người dân địa phương, hoặc bởi sự kết hợp của cả hai.”
https://vi.wikipedia.org
Trên mặt hiệu quả, Ấp Chiến Lược không đạt hiệu quả như chính quyền miền Nam mong muốn và cũng là nguyên cớ cho chính quyền Mỹ không tích cực yểm trợ về tiền bạc.
[DCVOnline:
Tác giả Mark J. Rothermel, University of North Carolina- Wilmington trong luận văn , “A Distinction Without A Difference: Vietnam, Sir Robert Thompson, and the Policing Failures of Vietnam” đăng trên Madison Historical Review số Mùa Xuân 2021, viết
“Thompson, nổi tiếng là một trong những nhân vật lãnh đạo chính giúp người Anh giành chiến thắng trước cuộc nổi dậy của Cộng sản trong Tình trạng khẩn cấp ở Mã Lai (1948-1960), đã trở thành một tác giả và chiến lược gia quân sự nổi tiếng, viết nhiều cuốn sách về chống nổi dậy mà các nguyên tắc của chúng vẫn được sử dụng trong thời chiến tranh hiện đại.
Câu hỏi mà luận văn này đặt ra là khám phá sâu hơn trong học thuật của Thompsonian về lý do tại sao Mỹ không thành công trong Chiến tranh Việt Nam. Trong khi nhiều người tuyên bố Thompson là một vị cứu tinh quân sự bị bỏ qua khi trả lời câu hỏi này, thì lại có rất ít sự tập trung vào việc Thompson đã nhấn mạnh về sự có mặt của cảnh sát hoặc cảnh sát thuộc địa của Thompson là yêu tố chính trong cuộc chiến chống du kích quân Cộng sản. Malaya, một thuộc địa của Anh, có lực lượng cảnh sát thuộc địa hùng mạnh và hiệu quả, góp phần đánh bại chiến tranh du kích của Cộng sản. Mặc dù Việt Nam còn là thuộc địa cũ của Pháp nhưng họ đã mất lực lượng hiến binh Pháp trước khi giành được độc lập.”]
Mark J. Rothermel, “A Distinction Without A Difference: Vietnam, Sir Robert Thompson, and the Policing Failures of Vietnam”
Đến lúc cần phải dừng lại
Viết đến đây, tôi nhớ đến đại sứ Nolting, người đã từng ủng hộ ông Diệm cũng như chế độ Đệ I Cộng Hòa trong hai năm đã bị triệu hồi về Mỹ để thay thế bằng viên đại sứ Cabot Lodge. Nguy rồi, tôi cảm nghiệm và sau đó biết điều gì đã xảy ra cho Diệm và chế độ? C.I.A đã móc nối liên lạc với các tướng lãnh quân đội, đã che dù cho TT. Thích Trí Quang đi đến cuộc thảm sát hai anh em ông Diệm-Nhu.
Thử hỏi không có cái dù của Mỹ, liệu nhóm tướng lãnh làm được gì?
Tình thế đã xoay chiều cái mà Đại sứ Nolting đã viết lại trong: From Trust to Tragedy-Memoirs of Frederick Nolting.
Vâng đúng vậy, khi mà giữa hai liên minh Mỹ-Diệm trở thành mất niềm tin cậy vào nhau thì số phận Ngô Đình Diệm và sự bất hạnh cho miền Nam sẽ như thế nào.
Thiếu tá Hồ Đắc Huân có in một cuốn sách Sáu năm hoạt động của chính phủ VNCH với những thành quả về mọi mặt xã hội, giáo dục, ngoại giao với đầy đủ bằng những con số đáng tin cậy.
Hay như cuốn sách nhỏ khác, cuốn Viet Nam Crisis của Stephan Pam và Daniel Lyons.
Nhắc lại tóm tắt những ngày đầu, khi Hoa Kỳ và ông Diệm cùng hợp tác đã đưa một triệu người di cư đến đời sống ổn định. Gia tăng mức sản xuất lúa gạo đem xuất cảng, rồi cao su, điện nước, chính sách cải cách điền địa, xây dựng hạ tầng cơ sở về mọi mặt: Về quân sự thành lập các trường huấn luyện quân sự từ cấp hạ sĩ đến sĩ quan như trường Võ bị sĩ quan Thủ Đức cũng như trường Võ bị Sĩ quan Đà Lạt mà ông Diệm tự hào, coi như con cưng của chế độ.
Tôi cũng có dịp nhắc nhớ lại lễ tưởng niệm ngày 2-11 với tất cả những người tôi quen biết có cơ hội gần gũi với ông Diệm như Đỗ Thọ, Nguyễn Hữu Duệ, Cao xuân Vỹ, Tôn Thất Thiện, Quách Tòng Đức, Huỳnh Văn Lang, Lâm Lễ Trinh, Trần Kim Tuyến, Võ Văn Hải, Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Cửu Đắc, Nguyễn Văn Minh, v.v.. Có ai là người có lời lẽ biếm nhạo ông Diệm?
Nhắc nhở đến những người này thì một lẽ ấy tôi cũng không muốn nhớ tới Đỗ Mậu, một số tướng lãnh hay nhà sư Trí Quang và Đại sứ Cabot Lodge! Nói chi đến Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan và nhiều loại cảm tình viên như Phạm thị Xuân Quế, Thái Thị Ngọc Dư, Thái Thị Kim Lan mà sau này trong dịp thảm sát Mậu thân ở Huế.
Tôi gọi là người Huế giết người Huế không ai khác
Tôi không phủ nhận những lỗi lầm của chế độ về người này người kia. Nhưng tôi và phần đông người trẻ đều sống một thời gian an bình và được chăm lo học hành để trở thành công dân hữ ích.
Những hậu quả của sai lầm phần nào đưa tới sự phẫn nộ như trong vụ ném bonh Dinh Độc Lập của hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc vào ngày 27 tháng 2, 1962. Hai chiếc phi cơ khu trục Skyraider oanh tạc cánh phải Dinh Độc Lập, nơi gia đình bà Nhu cư ngụ. Bà Nhu rơi hai tầng lầu xuống đất bị thương nhẹ. Bà vú và hai người khác bị tử thương. Lệ Thủy lúc dó 16 tuổi cứu hai em nhỏ Lệ Quyên và Quỳnh. Nhưng cuộc oanh tạc này cũng là một cảnh báo nghiêm trọng cho gia đình ông Ngô Đình Diệm, một chế đọ đang trên đà nghiêng đổ!
Tôi cũng đã đọc lại các báo Lập Trường, Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày sau 1963. Không hề nghe thấy lời ong tiếng ve về một lời phê bình cá nhân ông Nhu về tiền bạc, không nhà cửa dinh thự. Mấy ai đã có cuộc sống như vậy?
Tôi chỉ xin trích vài dòng về ông ông Nhu do cụ Đoàn Thêm viết lại:
“Tôi ghi nhận ông Nhu ăn mặc áo quần không ủi, chiếc sơ mi, hở cổ hở tay và hơi cũ, đôi dép da quai sờn. Phục sức quá sơ sài của em một Thủ tướng khiến tôi phát ngượng, lúng túng trong bộ đồ lớn của tôi..Theo một người thân cận thì ông không muốn ở trong Dinh, chỉ chờ dịp dọn đi, nhưng ông Diệm không nghe, quyết giữ ông lại để còn luôn luôn hỏi việc… Căn cứ vào những lời ông nói và nếp sống bề ngoài của ông, tôi đã kết luận rằng, ông tránh tiếng lợi dụng quyền lực và địa vị của ông anh. Ngay cả hai chữ “cố vấn” cũng là nhận bất đắc dĩ (..) “Đến khi cần đề cử ông qua Pháp để thương thuyết với Thủ tướng Edgar Faure, một số người trong chính phủ thấy ông phải đi với một danh nghĩa chính thức hơn là tư cách bào đệ của ông Diệm. Nên hai chữ cố vấn được đem dùng để đồng thời thừa nhận một sự vẫn được coi là hiển nhiên.”
Người nào đã từng đọc cụ Đoàn Thêm đều hiểu rằng cụ viết rất thận trọng, khách quan, tránh xưng tụng quá mức.
Tôi cũng đã có nhiều dịp gặp viên sĩ quan tùy viên tùy viên Lê Châu Lộc, sau này là Nghị sĩ Lê Châu Lộc. Ông Lộc bản chất người miền Nam chân thật, có gì nói nấy, trong suốt 6 năm kề cận ông Diệm ngày đêm. Ông Lộc kể cho tôi hai giai thoại.
-Một lần xe bà Nhu sắp vào trong Dinh khi có một vị tướng Mỹ cũng vào gặp ông Diệm. Ông Lộc đã yêu cầu bà dừng lại, nhường lối. Bà Nhu vui vẻ nhận lời trong khi người tài xế của bà tỏ vẻ khó chịu. Sau đó bà đã vui vẻ chào.
-Một lần nữa, ông Lộc vội vã không chào bà Nhu. Vậy mà việc cũng đến tai ông Diệm. Ông cụ cho biết: Lộc là nó là một sĩ quan thì chỉ chào sĩ quan cao cấp hơn, hà cớ gì nói phải chào bà Nhu.
Sau này bà Nhu nổi tiếng, xuất hiện ồn ào, nhiều khi sỗ sàng , như vụ “ Nướng sư” là quá đỗi lắm!
Tôi lại phải mượn cụ Đoàn Thêm đỡ lời.
“Nguyên do sâu xa nhất và đích thật nhất là nỗi ác cảm với bà là người đã đẹp mà còn muốn khoe và hách nữa thì quá lắm, không chịu nổi. Đối với ông Nhu thì người ta còn nhẫn nhịn chờ đợi, nhưng đối với bà thì ngay cả sự xuất đầu lộ diện cũng không được tán thành hay dung thứ.
Người đàn bà Vệt Nam muốn vội sống theo đàn bà tiền phong ( Avant garde) Âu Mỹ, dù trái hay phải chưa thể được yên thân trên một đất nước mà nhiều người còn ghê sợ những người như Võ Hậu. (..)
Bi kịch bắt đầu từ chỗ đó. Người ghét cứ ghét, mỗi ngày nhiều thêm trong cái thể chế tam đầu chế. Những người ngưỡng mộ và quý mến bà chẳng bao nhiêu.”
Đoàn Thêm
Xin thưa là trong số những người ấy đã chót có tôi. Phần bà Nhu đã chết kể từ ngày 02-11-1963. Bà chết đến hai lần. Chết trong ông Nhu và nền Đệ I Cộng Hòa. Chết cho chính bà và cuộc sống hiện nay.
Nghĩ đến hai người đàn bà đẹp và cao trọng- Bà Nam Phương Hoàng Hậu và bà bà Ngô Đình Nhu, tôi thương tiếc cho hai người bất hạnh, đời dành cho họ sự bất công. Tôi quý mến ông Diệm, tiếc cho ông Nhu và niềm trân trọng đến bà Nhu.
Nếu có ai nghĩ khác đi thì đó là quyền của họ.
Trước khi chấm dứt bài này, tôi thấy cần giới thiệu một cuốn sách của Lương Khải Minh (thật ra tên thật là bác sĩ Trần kim Tuyến) và Vị Hoàng Cao Thế Dung: Làm thế nào để giết một tổng thống. Cuốn sách này vượt trội mọi cuốn sách về mặt tài liệu, về tính cách chuyên nghiệp của một mật vụ của Trần Kim Tuyến, về vai trò như nhân chứng trong mọi biến động chính trị không thể bỏ qua được.
Và cuối cùng, xin ghi ghi nhận một vài giai thoại đáng nhớ của một cận vệ của ông Nhu: Trung Úy Sung thuật lại, mà nếu được thực hiện thì đã có thể thay đổi cục diện chính trường miền Nam nào ai ngờ được. Theo bài “Ông Ngô Đình Quỳnh: “Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu”, của Phạm Cao Phong đăng trên BBC Việt ngữ, 29 tháng 3 2023, Lương Khải Minh viết như sau trong cuốn ‘Làm sao giết một tổng thống’
“Đêm 30/11, Trung Úy Sung thuật lại: ông Nhu bảo gọi Đại Úy Hạp vào ngay để ông biểu. Khi nhân chứng gọi điện thoại cho ông Hạp, ông này còn lừng khừng “Cơm đã chứ, tôi ăn xong vào được không?” Hỏi lại ý ông Nhu, ông bảo phải vào ngay, khỏi cần ăn cơm nhà.
Khi Hạp cùng mấy anh em vào phòng riêng của ông Nhu thì ông chỉ ghế mời ngồi rồi gọi ông già Tường, quản gia:
– Làm hai ly Martell cho các chú ấy uống đi.
Tay ông Nhu vẫn cầm ly rượu. Trán ông thỉnh thoảng nhăn lại, cằm ông bạnh ra.
Đây là lần thứ nhất, nhân chứng cũng như Đại Úy Hạp được cái hân hạnh cụ Nhu chỉ ghế mời ngồi và cùng “cụng ly”. Chưa ai dám lên tiếng. Ông Nhu đã than thở: “Quyết định đi thì ông Cụ không cho đi. Giữ ở lại thì ông cũng không chịu nghe…”
Rồi ông Nhu yên lặng một lúc lâu. Đại Úy Hạp lên tiếng: “Ông cố vấn kêu chúng cháu vô đây có việc gì?”
Ông Nhu khẽ thở dài rồi yên lặng nhìn hai người một lúc lâu, mới nói: “Sáng mai, các anh đưa mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt dùm tôi.” Hạp nói: Ông cố vấn không đi?
Suy nghĩ một lát rồi ông Nhu trả lời: “Chắc là không đi được.”
Rồi lại yên lặng hàng 10 phút ông Nhu mới lên tiếng, bảo Đại Úy Hạp: “Lấy hết quần áo về chưa? Cứ sắp xếp sẵn… khi nào cần thì bảo”
Đại Úy Hạp hỏi: “Bao giờ chúng cháu đưa hai cậu và em Quyên về?”
Ông Nhu thủng thẳng đáp nhát gừng: “Bao giờ gọi điện thoại thì về.”
Rồi lại yên lặng… lát sau ông nói một mình vu vơ: “Nghe thì không nghe, đi thì không cho đi. Tụi nó làm tới bây giờ rồi tính sao. Khó cho tao quá đi.”
Đại Úy Hạp ngồi yên lặng vì không biết phải nói gì hơn.
Ông Nhu ngồi lặng thinh khoảng 30 phút như một pho tượng. Tay vẫn cầm ly Martell. Ông Nhu nằm ngả người ra ghế tựa, uống đến ly Martell thứ ba, ông ngồi như thế lặng lẽ từng giờ.
Bỗng ông Nhu ngồi nhổm dậy, nét mặt chảy dài nói vu vơ: “Chà… mẹ con nó đi hết rồi.” Ông Nhu quay lại hỏi Đại Úy Hạp:
– Mười ngàn tôi đưa Đại Úy còn không? Hạp đáp: “Thưa ông Cố vấn đã hết từ lâu rồi.”
“Ông Nhu biết, linh cảm được bất hạnh đang đến. Lẽ ra, ông có thể thoát cái chết tức tưởi. Nếu không cả nể, thương ông Diệm, ông Nhu đã ra nước ngoài vào ngày 28/11/1963.”
Phạm Cao Phong, “Ông Ngô Đình Quỳnh: “Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu”, dựa trên cuộc phỏng vấn video của Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022. BBC Việt ngữ, 29 tháng 3 2023.
Bọn tướng lãnh làm phản nghe được tin hẳn rúng động và sợ hãi trở cờ.
Nhưng tiếc thay đó lại là những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời ông Nhu.
Nhưng cuộc đời một con người, của một thể chế như chiếc đèn cù xoay ngược tình nghĩa đấy mà thù cũng đấy.
Người Mỹ, đó là người bạn nguy hiểm nhất. Thời Eisenhower, ông Diệm được đón tiếp trọng vọng tại Mỹ. Sang đến TT. John Kennedy đắc cử năm 1961, với sự toa rập của Averell Harriman đã không nghe lời khuyến cáo của người tiền nhiệm, trung lập hóa Lào, đặt Việt Nam vào tình thế lưỡng đầu thọ địch. Chơi với Mỹ là chơi với lửa; bị lửa đốt lúc nào không hay. Đối với người Mỹ, chúng ta là kẻ đi vay nợ. Cái thế của kẻ ăn đong, được lúc nào hay lúc ấy. Lúc là bạn, lúc trở thành kẻ thù.
C.I.A cài đặt khắp nơi; nếu cần thì thanh toán khai trừ. Fidel Castro đã 12 lần bị truy sát vào những năm 1960, nhưng thoát hiểm. Nhưng đến lượt Patrice Lumumba, người Congo, thì bị khai trừ.
Gần chúng ta hơn, Mỹ có kế hoạch giết Sihanouk để đưa Sơn Ngọc Thành về thay thế. Nhưng kế hoạch đã không thành.
Phần tôi khiêm tốn nghĩ rằng đôi khi chúng ta đòi hỏi những điều mà thật sự nó đã nằm sẵn trong túi chúng ta mà chúng ta không biết.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gơi. DCVOnline hiệu đính, trình bầy và phụ chú.