Đức Quốc xã đã biến chữ Vạn thành biểu tượng của hận thù như thế nào

James M. Skidmore | DCVOnline

Những hình ảnh từ Charlottesville, Va., về những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng biểu tình với biểu ngữ của Đức Quốc xã đã nhắc nhở chúng ta, như thể chúng ta cần nó, rằng chữ Vạn vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ của sự căm ghét kỳ thị chủng tộc.

Ở Đức, nơi những người theo chủ nghĩa phát xít mới cũng xuống đường, việc trưng bày chữ Vạn là bất hợp pháp và người dân ở đó hoặc dân chúng trong khu xóm tự động họp nhau xoá nó ở graffiti và những tác phẩm nghệ thuật đường phố khác.

Lá cờ đỏ với hình chữ Vạn mầu vàng trên đỉnh Lâu đài Naggar. Lâu đauì này nằm ở quận Kullu của Himachal Pradesh ở Ấn Độ do Raja Sidh Singh xây khoảng 500 năm trước hiện đã được biến thành nhà nghỉ và do HTPDC (The Himachal Pradesh Tourism Development Corporation) điều hành.

Nhưng những cố gắng xóa bỏ chữ Vạn đôi khi có thể thất bại, như đã xảy ra gần đây ở Quebec. Corey Fleischer, được biết đến với cái tên trên Instagram là erasinghate, đã bị cảnh sát chặn lại khi ông ta cố gắng xóa các hình chữ Vạn chạm nổi trên những mỏ neo vớt được đang trưng bày tại khu làng nhỏ ở Pointes-des-Cascades trên sông St. Lawrence.

Các tấm biển cho ý rằng những mỏ neo này là của Đế chế thứ ba, nhưng một phóng viên của Radio Canada đưa tin cho hay chúnglà sản phẩm của công ty Anh W.L. Byers trước khi Đức quốc xã lên nắm quyền. Công ty này đã dùng chữ Vạn như biểu tượng của sự may mắn, một thông lệ phổ biến vào đầu thế kỷ 20.

Fleischer vẫn không có vẻ được thuyết phục với lời giải thích mang tính lịch sử này. Như ông đã nói với CityNews:

“Chữ Vạn không còn là dấu hiệu của hòa bình nữa. Đó là dấu hiệu gắn liền với một chính đảng gần như đã xóa sổ toàn bộ một nền văn hóa.”

Corey Fleischer

Tôi cứ gặp nỗi ám ảnh về chữ Vạn này hết lần này đến lần khác. Trong những khóa ở đại học của tôi về lịch sử văn hóa Đức, sinh viên vừa cảm thấy khó chịu vừa bị mê hoặc vì sự kinh hoàng mà nó tượng trưng. Khi tôi hỏi liệu chữ Vạn có nên bị cấm ở Bắc Mỹ như ở Đức hay không, một số người nói ‘nên’, trong khi những người khác lại nói rằng những nền văn hóa khác đã dùng nó một cách vô hại.

Cuộc tranh luận tương tự như tranh chấp giữa Pointes-des-Cascades và Corey Fleischer. Liệu 25 năm nó là biểu tượng của sự kỳ thị chủng tộc của Đức Quốc xã có nên lớn hơn việc dùng nó như một tấm bùa hay biểu tượng may mắn đã kéo dài cả ngàn năm không?

Hình đã xóa trong danh mục Instagram erasinghate cho thấy Alexander Trowbridge, một nhà báo đa phương diện, đang tham gia vào một trong những vụ xoá hình tượng.

Một lịch sử đa dạng và cổ xưa

Chữ Vạn không phải lúc nào cũng là biểu tượngghê tởm của sự căm ghét. Đối nghịch nữa là khác. Chữ svastika gốc từ tiếng Phạn và có nghĩa là “dẫn đến hạnh phúc.”

Là một biểu tượng, sức mạnh của chữ Vạn nằm ở sự đơn giản và cân bằng của nó. Chuyên viên đồ họa Steven Heller nói rằng “sự thuần khiết về mặt hình học của chữ Vạn cho phép dễ đọc ở mọi kích thước hoặc khoảng cách và khi nằm trên trục của nó, hình vuông xoay tròn tạo ảo giác về chuyển động.”

Hình thức của nó, theo Heller, là “tuyệt vời”, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nó đã tìm được chỗ đứng ở rất nhiều nền văn hóa.

Trong Phật giáo, chữ Vạn được cho là tượng trưng cho dấu chân của Đức Phật. Nó giữ phận sự phụng vụ trong đạo Kỳ Na và trong Ấn Độ giáo, biểu tượng theo chiều kim đồng hồ (chữ vạn như chúng ta biết, với cánh tay chỉ sang phải) và biểu tượng ngược chiều kim đồng hồ, sauvistika, kết hợp với nhau để khắc họa những mặt đối lập như ánh sáng và bóng tối.

Ở Lưỡng Hà, nó được dùng trên tiền xu và dân tộc Navajo đã dệt nó vào chăn. Nó đã được dùng trên đồ gốm cổ ở Châu Phi và Châu Á. Đôi khi nó được sử dụng như một biểu tượng đơn lẻ, nhưng nó thường được lặp lại như một chuỗi các chữ Vạn lồng vào nhau để tạo thành đường viền trên quần áo hoặc trong kiến trúc, như thường lệ ở thời La Mã.

Nó xuất hiện trong nền văn hóa Đức và Viking, và bạn đọc có thể tìm thấy nó trong các nhà thờ thời trung cổ và trang phục tôn giáo trên khắp châu Âu.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chữ Vạn đã trở nên phổ biến trong văn hóa phương Tây như một biểu tượng may mắn, tương tự như cỏ tứ diệp hoặc móng ngựa.

Nhiều công ty đã dùng nó làm biểu tượng; nó trang trí các thông báo khai sinh và thiệp chúc mừng. Hướng đạo sinh Mỹ có thể nhận được huy hiệu chữ Vạn và  Câu lạc bộ thiếu nữ đã xuất bản một tạp chí có tên là Chữ Vạn (The Swastika). Phần Lan, Latvia và Hoa Kỳ đều đã dùng nó làm huy hiệu trong quân đội.

Ở Canada, một làng khai thác mỏ ở phía bắc Ontario được đặt tên là Swastika, giống như bạn có thể đặt tên cho một thị trấn là New Hope hoặc Bounty. Windsor, N.S. và Fernie, B.C., đều có đội hockey tên là Swastikas. Năm 1931, Newfoundland phát hành con tem 1 CAD để kỷ niệm những khoảnh khắc quan trọng trong ngành hàng không xuyên Đại Tây Dương; mỗi góc tem là một hình chữ vạn.

Cuối thế kỷ 19 chứng đế chế Đức mới thành lập bị cuốn vào kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc không kiềm chế. Một số người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tìm cách chứng minh tính ưu việt của chủng tộc Đức, tán thành một ý tưởng hiện đã không còn nhiều người tin rằng chủng tộc Aryan cổ đại — những người Ấn-Âu nguyên thủy — là tổ tiên của họ. Cần có bằng chứng để liên kết người Đức với người Aryan.

Đức quốc xã đã chiếm đoạt biểu tượng

Chữ Vạn đã là gạch nối cần thiết.

Vào đầu những năm 1870, khi doanh nhân và nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann cho rằng ông đã tìm ra ra thành Troy cổ đại của Hy Lạp, khi hơn 1.800 mẫu chữ Vạn đã được khai quật. Vì chữ Vạn cũng hiện diện trong các di tích khảo cổ của các bộ lạc người Đức nên những người theo chủ nghĩa dân tộc không mất nhiều thời gian để đi đến kết luận cho rằng người Đức và người Hy Lạp đều là hậu duệ của người Aryan.

Và nếu họ tin rằng người Đức hình thành một “chủng tộc” riêng biệt vượt trội so với các nhóm dân tộc khác xung quanh nó, thì việc khẳng định rằng họ cần phải giữ cho “chủng tộc” đó không tì vết sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó,  theo sau là chủ nghĩa bài Do Thái.

Hội Thule, một tổ chức bài Do Thái quảng bá tính ưu việt của Đức Volk (volk là folk nghĩa là dân gian trong tiếng Anh), được thành lập vào cuối Thế chiến thứ nhất. Nó dùng một hình chữ vạn cách điệu làm biểu tượng. Hội này đã tài trợ cho đảng Quốc xã mới xuất hiện, và trong nỗ lực tạo dựng danh tiếng trước công chúng nhiều hơn, đảng Quốc xã đã tạo ra một biểu ngữ kết hợp chữ Vạn như chúng ta biết ngày nay.

Hitler tin rằng một biểu tượng mạnh mẽ sẽ tập hợp được quần chúng ủng hộ chính nghĩa bài ngoại của hắn. Với hình chữ vạn màu đen (được gọi là Hakenkreuz trong tiếng Đức hoặc thập tự giá có móc) xoay 45 độ trên vòng tròn màu trắng đặt trên nền đỏ, biểu ngữ của Đức Quốc xã đã hiện đại hóa biểu tượng cổ xưa đồng thời gợi lên màu sắc của đế chế Đức vừa bị đánh bại.

Trong Mein Kampf, Hitler dành công là người vẽ mẫu biểu tượng Đức quốc xã và cố gắng giải thích ý nghĩa của nó:

“Trong màu đỏ, chúng ta thấy ý tưởng xã hội về phong trào, màu trắng là ý tưởng dân tộc, trong chữ Vạn là sứ mệnh đấu tranh giành chiến thắng của người đàn ông Aryan.”

Adolf Hitler,  Mein Kampf

Đặt biểu tượng bị tra tấn sang một bên, biểu ngữ chữ vạn đã làm được những gì nó phải làm—nó mang lại bản sắc trực quan cho phong trào Đức Quốc xã.

Khi Đức Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, họ đã tìm cách đoàn kết nước Đức bằng ý thức hệ kỳ thị chủng tộc Aryan của mình và việc dùng biểu tượng của họ đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống người Đức.

Đôi khi người ta vẫn có thể nhìn thấy nó, kể cả trên những tấm gạch khảm trên trần nhà tại Haus der Kunst của Hitler ở Munich. Biểu ngữ ĐQX đã trở thành lá cờ chính thức của nước Đức vào năm 1935, và mặc dù nó không có mặt ở khắp mọi nơi như Hollywood có thể khiến bạn tin như vậy, nhưng nó vẫn hiện diện ở rất nhiều chỗ.

Con đường phía trước

Steven Heller đặt tựa đề cho cuốn sách của mình, Chữ Vạn, bằng một câu hỏi đơn giản nhưng thích hợp: Biểu tượng vượt xa sự cứu chuộc? Ở những nền văn hóa nơi nó đã được sử dụng hàng thế kỷ trong những hoạt động tôn giáo hoặc trong nghệ thuật trang trí, câu hỏi này là không cần thiết. Biểu tượng không mang bất kỳ ý nghĩa tiêu cực nào ở đó.

Nhưng những đồ vật như chữ Vạn không có bất kỳ ý nghĩa cố hữu nào; biểu tượng được những người sử dụng chúng dựng lên. Trong xã hội phương Tây của chúng ta, chữ Vạn bị vấy bẩn. Những tội ác bạo lực chống lại loài người của phong trào Đức Quốc xã đã mang đến cho Hakenkreuz một ý nghĩa không thể che giấu hay xóa bỏ.

Ở những nơi như Pointes-des-Cascades, những chỗ còn có những hình chữ Vạn thời trước khi có Đức Quốc xã, cần phải hết sức cẩn thận để bối cảnh hóa sự hiện diện của chúng. Nhưng trong tất cả các trường hợp khác, biểu tượng này thực sự phải bị tránh xa.

Ý định kỳ thị chủng tộc đầy thù hận của nó là rõ ràng. Nó không phải là một biểu tượng ngây thơ đối với Đức Quốc xã, cũng không phải đối với những người theo chủ nghĩa phát xít mới và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ngày nay.

Tác giả: James M. Skidmore, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Đức Waterloo, Đại học Waterloo

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: How Nazis twisted the swastika into a symbol of hate | James M. Skidmore | The Conversation |  August 21, 2017