Tại sao là Tin Sách?

Uyên Thao – Trịnh Bình An

tsTin Sách đã có mặt hơn nửa năm, chính xác là 9 tháng và đang chuẩn bị phát hành Tin Sách số 10. Suốt thời gian qua, nhóm phụ trách đã nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc về lý do ấn hành cùng hướng nhắm và nội dung Tin Sách.

Để giải đáp phần nào những câu hỏi đó, xin gửi tới bạn đọc câu chuyện trao đổi với Uyên Thao là người từng đề xuất sự ra đời của tập san Tin Sách từ mấy năm qua và hiện đang gắn kết với nhiều công việc liên quan tới Tin Sách.

Tin Sách. Nguồn: Tin Sách
Tin Sách. Nguồn: Tin Sách

Trịnh Bình An (TBA): Lý do gì khiến tủ sách tiếng quê hương quyết định ấn hành bản Tin Sách?

Uyên Thao (UT): Đơn giản thôi! Bất kỳ ngành sinh hoạt nào cũng cần truyền bá tới quần chúng để có
thể phát triển, đồng thời cần sự tiếp trợ từ quần chúng để mỗi ngày một hoàn thiện công việc hơn. Lý do ấn hành đều đặn hàng tháng tập san Tin Sách, vì thế, chỉ khởi từ mong mỏi đóng góp một phần nhỏ cho yêu cầu sinh hoạt sách báo nói chung của người Việt hải ngoại hiện nay.

TBA: Cụ thể hơn thì sau hai khía cạnh “truyền bá tới quần chúng” và “tiếp trợ từ quần chúng” là
những điều gì?

UT: Truyền bá tới quần chúng thì như tiêu đề mà Tin Sách đã nêu là “đưa sách Việt đến gần người Việt.” Hiện nay, sinh hoạt sách báo của người Việt hải ngoại có thể nói là hết sức “mù mịt.” Trước tiên do địa bàn mở rộng khắp địa cầu nên khó thể biết hết đang có những tác phẩm nào. Kế tiếp là tình trạng vàng thau lẫn lộn, bên cạnh những con người chân chính là những thành phần trà trộn bởi nhiều lý do từ vui chơi tới lợi dụng chữ nghĩa, thậm chí mưu đồ bất chính vì các ràng buộc nào đó… Từ đây, sách báo gần như một khu rừng rậm không dễ cho mọi người biết đâu là món ăn tinh thần cần thiết, đâu là liều thuốc độc bọc đường. Cho nên, truyền bá tới quần chúng là nỗ lực giảm bớt khó khăn và lầm lạc cho mọi người khi đến với sách báo, cụ thể là giới thiệu những tác phẩm cần thiết và xứng đáng được giới thiệu.

Riêng khía cạnh tiếp trợ từ quần chúng, xin nói ngay quần chúng ở đây không giới hạn theo một khuôn nào sẵn có mà mở rộng từ hết thẩy người đọc tới người viết. Lý do đơn giản là người viết vẫn phải đọc và càng cần đọc nhiều hơn. Trước thực tế này, trọng tâm của khía cạnh tiếp trợ từ quần chúng chính là đóng góp của đội ngũ sinh hoạt chữ nghĩa theo ý hướng nâng niu những thiện chí xây dựng công ích để thành tâm vun bồi cho những thiện chí đó ngày một hoàn thiện hơn. Một nhược điểm lớn hiện nay là đa số người viết thường chỉ nghĩ về thế giới riêng của mình thay vì quan tâm tới công việc của hết thẩy mọi người trên căn bản ý thức trách nhiệm chung. Do đó, Tin Sách tự đặt nhiệm vụ cần thực hiện là tiếp tay thúc đẩy mối quan tâm tới các tác phẩm cần quan tâm, cùng nhau trao đổi nhận thức về các tác phẩm này để không chỉ tạo một không khí sinh hoạt sách báo sôi động mà còn góp phần gợi nhắc luôn luôn định hướng nghiêm túc và chính xác trong sinh hoạt theo yêu cầu chung của sự sống. Đây là một việc khó khăn cùng cực nhưng không thể miễn trừ cho bất kỳ ai. Với Tin Sách, cụ thể của nhiệm vụ này là phải tận lực tự biến thành diễn đàn cho mọi tiếng nói biểu hiện qua sinh hoạt sách báo nhắm góp phần xây dựng cuộc sống theo nguyện vọng chính đáng của con người nói chung và người Việt hải ngoại nói riêng.

TBA: Sao Tin Sách lại dành chỗ cho cả các tác phẩm ngoại quốc?

UT: Chuyện rất bình thường, vì thời bế môn tỏa cảng chấm dứt lâu rồi. Lúc này đang là thời toàn
cầu hóa nên không thể nhìn cuộc sống trong khuôn hạn biệt lập về bất kỳ phương diện nào. Hơn nữa, chính các tác phẩm ngoại quốc được chọn giới thiệu đều mang nội dung đề cập đến những vấn đề của Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam. Giản dị là chúng ta không thể nhắm mắt mà cần mở mắt thật lớn để thấy mọi khía cạnh của các sự việc hầu giảm thiểu ý nghĩ thiên lệch, sai lầm. Càng cần thiết là chúng ta rất cần nghe nhận định của những người xa lạ về chúng ta, kể cả các nhận định thiếu chính xác hay xuyên tạc vì vô tình hay cố ý. Bởi chính từ các nhận định này, chúng ta có thể sẽ có cơ may phát hiện một thực tế liên quan tới bản thân chúng ta mà chúng ta chưa hề nghĩ tới.

TBA: Liệu Tin Sách có giúp các tác giả bán sách “chạy” hơn không?

UT: Đây là điều không ai trong nhóm phụ trách Tin Sách nghĩ tới và có lẽ cũng là điều không xảy ra hoặc chưa xảy ra. Mục tiêu của Tin Sách, như đã nhắc, chỉ là giúp giảm nhẹ khó khăn cho người tìm đến sách báo hầu tránh chọn lầm phải những trái cây hư, những chùm hoa úa thôi. Ngoài ra, ai tìm mua cuốn sách nào hay có chịu tìm mua sách hay không vẫn là điều còn phải chờ thời gian.

TBA: Tin Sách hiện chỉ có 16 trang khổ nhỏ mỏng manh với 3 mục thường xuyên là Giới Thiệu Sách, Điểm Sách và Các Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại. Nếu điều kiện cho phép cả về nhân lực và tài lực, anh hình dung Tin Sách sẽ có nội dung với diện mạo thế nào?

UT: Nội dung hiện nay quả là nghèo nàn vì bị thu hẹp tối đa bởi quá yếu về tài chính và hạn chế về nhân sự. Nếu may mắn có điều kiện khác hơn thì chắc chắn nội dung Tin Sách cũng sẽ khá hơn. Trong hình dung của tôi, nội dung Tin Sách ít nhất cũng thêm nhiều mục thường xuyên trong đó phải có 2 mục Phê bình sáchHội luận về sách. Mục Phê bình sách sẽ nhận định về một tác phẩm, còn mục Hội luận về sách sẽ tạo dịp trao đổi hoặc thu gom ý kiến của mọi người về một tác phẩm, một tác giả hoặc về một vấn đề do một tác phẩm nào đó nêu ra. Ngoài ra, cũng không thể thiếu những mục thường xuyên mang tính sinh hoạt văn học nghệ thuật như phổ biến các giai thoại văn chương, phỏng vấn các văn nghệ sĩ, đặc biệt giới thiệu các văn nghệ sĩ tiêu biểu của từng thời điểm cùng những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật thế giới….

Tất nhiên những mục trên cũng chỉ là những mục nhất thời tôi chợt nghĩ ra nên có thể sẽ còn cần thêm nhiều mục khác nữa trong trường hợp may mắn có điều kiện để ấn hành một tập san Tin Sách đúng nghĩa.


Nguồn: Tin Sách Số 10 – Tết Ất Mùi, (Tháng Hai / 2015).  “Đưa sách Việt đến gần người Việt”

Nhóm Chủ trương: Uyên Thao, Trần Phong Vũ, Lê Thị Nhị, Đào Trường Phúc, Linh Vang, Hoàng Vi Kha, Hoàng Song Liêm, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Mạnh Trinh, Trịnh Bình An