Cao Hành Kiện Hành trình một ngày dài
Leslie Zhao | Nguyễn Hoàng (chuyển ngữ)
Cao Hành-Kiện, người đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2000 nhàn luận cùng nhà văn Leslie Zhao* về Trung Quốc, về lưu vong và sự lớn mạnh của một giai cấp trí thức.
Không dưạ trên một mưu cấu truyện duy nhất, Linh Sơn (Soul Mountain) là một tiểu thuyết thành hình qua những đan kết của nhiều mảnh truyện kể rời. Nó là hành trình của một cuộc hành hương về thiên nhiên nguyên sơ, hướng tới văn hoá dân gian và bản ngã nội tại. Cao Hành Kiện khởi viết tác phẩm này vào năm 1982 tại Bắc Kinh. Ông hoàn thành cuốn truyện đã đem lại giải thưởng Nobel văn chương đầu tiên cho Trung Quốc tại Paris vào năm 1989, không bao lâu sau cuộc trấn áp đẫm máu Thiên An Môn. Tác phẩm đối với ông buổi ấy là một cách đóng lại 48 năm sống thân phận một con dân của Trung Quốc.
Trong những giai đoạn đầu khởi dựng Linh Sơn, hai biến cố đã có ảnh hưởng sâu đậm tới chữ nghĩa và tác phẩm của Cao. Thứ nhất là kết quả chẩn nghiệm sức khoẻ vào năm 1983 cho thấy một vết nám ở phổi và giảo nghiệm kế tiếp cho biết đó là dấu hiệu ung thư. Thân phụ của Cao đã qua đời vì ung thư phổi, người đã sống được vỏn vẹn ba tháng sau kết quả chẩn nghiệm. Cao lại hút thuốc có hạng, nên nghĩ mình không qua khỏi phen này. Ông bèn dành thời giờ sót lại cho mấy lạc thú như là đọc Dịch Kinh và ăn uống. Thế rồi đúng là một ngạc nhiên cho mọi người: khi tái khám mấy tuần sau đó thì vết nám không còn nữa và cuộc chẩn nghiệm trước được xét lại như là một nhầm lẫn.
Biến cố có tác động lớn kế tiếp là cuộc tăng cường chiến dịch Chống Ô Nhiễm Tinh Thần của chính quyền Trung Quốc. Những tác phẩm của Cao, nhất là các vở kịch đã biến ông thành một mục tiêu của chiến dịch. Người cầm đầu bộ Tuyên Huấn của Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chỉ đích danh Cao như một phần tử cần được đưa đi “lao cải” ở Thinh Hải, nơi có những trại tù khắc nghiệt nhất nước. Được tin này Cao rời Bắc Kinh trực chỉ miền thâm sơn biên thùy Tây Nam Trung Hoa, cứ thế mà đi, trong 5 tháng băng qua 15 nghìn kilômét và cuối cùng trở lại Bắc Kinh khi tình hình đã bớt căng thẳng.
Dấu tích những kinh nghiệm chuyến băng ngàn để lại rất rõ trong Linh Sơn. Đối mặt với thần chết và chạy trốn lưỡi đao chính trị là những kinh nghiệm mãnh liệt có lẽ đã giúp Cao tập trung tinh thần và thêm bén nhậy ở những nhận thức. Ở tiểu thuyết thứ hai, Thánh Kinh của Một Người, xuất bản vào năm 1999, Cao một lần nữa vận dụng tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình để biểu tỏ cái hiểu của ông về con người và lịch sử. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều đầy đặn triết lý tư tưởng Thiền. Khi đoạt giải Nobel Văn Chương năm 2000 vì tác phẩm của ông mang “cái nhìn hiển lộ sự thực phổ quát, những cái thấy đắng cay và biệt tài dụng ngữ”, Cao trở thành ngòi bút đầu tiên mang Nobel Văn Chương về cho Trung Hoa.
Ấy là một ngày tháng Mười, ở Trung Tâm Văn Giới Varuna ở Blue Mountains tôi nhận được tin Nobel trong khi đang chuẩn bị cho bộ sách các nhà văn Trung Hoa, công trình này khi đó đã bước qua năm thứ tư của những ngày đêm biên tập. Chiều tối khi một người bạn điện thoại báo tin Cao đoạt giải, tôi phải thú thực ấy là lần đầu tiên tôi có cảm giác liên hệ mật thiết với giải văn chương này, dù rằng Cao, như một người bạn đang ở xa cách những ngôi nhà cũ của Eleanor Dark trong vùng núi non này của nước Úc tới hàng vạn dặm.
Hồi đầu năm, khi Nhà Xuất Bản Harper Collins ra mắt bản Anh ngữ cuốn tiểu thuyết Linh Sơn, Cao được mời tới Sydney (ông đã tới đây nhiều lần ở những chuyến diễn thuyết). Một buổi tối sau khi đã cơm nước ở Chinatown, tôi đã theo ông về khách sạn cho một cuộc chuyện trò.
■ ■ ■
Leslie Zhao: Ở buổi ra mắt Soul Mountain, câu đầu tiên anh nói: “Là một người trí thức”. Vậy, một người trí thức là gì? Khi đọc Soul Mountain (Linh Sơn) và One Man’s Bible (Thánh Kinh của Một Người) tôi cảm thấy anh có một ý thức mạnh mẽ chính anh là một người trí thức. Thế hệ của anh đã kinh qua đủ loại khổ hình, thế nhưng tôi có cảm tưởng rằng ý thức bản thân như một trí thức của anh không giảm bớt mà thực sư đã trở nên mạnh mẽ hơn. Anh rõ ràng đã ý thức mãnh liệt rằng, như một trí thức, anh phải ứng xử cách thế nào đó chứ không chỉ an tâm tồn tại là đủ.
Cao Hành Kiện: Khái niệm người trí thức đáng được bàn tới. Có một sự khác biệt giữa khái niệm về kẻ trí thức ở Tây phương và kẻ trí thức trong cách định vị ở Trung Quốc. Ở Trung Hoa, ai qua được ngưỡng cửa đại học thì được xem là kẻ trí thức. Tây phương thì khác. Giới trí thức không thường bao gồm những người tốt nghiệp đại học hay cao học ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, dù rằng họ có khả năng tri thức cao. Những thẩm phán không được gọi là người trí thức; họ là những professional, người có chức nghiệp. Trí thức là những người đưa ra tư tưởng, những triết gia. Chỉ có những người dấn thân vào lĩnh vực tư tưởng xã hội một cách độc lập và lĩnh vực sáng tạo mới được gọi là trí thức. Ho viết những tác phẩm phản ảnh tư tưởng, và họ nói cùng xã hội. Sự xuất hiện của giới trí thức hiện đại có lẽ khởi đi sau cuộc Cách Mạng Pháp 1789. Họ là những cá nhân tư duy độc lập, nằm ngoài giới quyền quí, không lệ thuộc vào một chế độ quyền lực nào, họ tham dự vào xã hội và lên tiếng trước những vấn đề xã hộị. Lấy Emile Zola làm một thí dụ: những gì ông ta nói không đại diện cho quyền lợi của một phe nhóm chính trị nào. Ông ta đưa ra hệ ý thức cá nhân của chính ông. Có những nghiên cứu kinh viện của các học giả và tư tưởng không có liên hệ trực tiếp tới chính trị hay những vấn đề xã hội trước mắt. Nhưng các học giả có toàn quyền tự do trong các nghiên cứu và sự lên tiếng của họ. Tự do là điều kiện tiên quyết và tuyệt đối quan trọng. Sự chào đời của trí thức Trung quốc diễn ra vào thời điểm cuộc Vận Động Ngũ Tứ. Tôi không nghĩ đã có giới trí thức trong xã hội cổ của Trung Quốc. Chỉ có những người đỗ đạt trở thành quan chức (scholar-official).
Nhưng giới trí thức ngày nay đang đối mặt với một thách thức, bởi vì trong quá khứ tất cả họ đều thuộc về cánh tả, họ là những người đòi cách mạng. Ở cuối thập niên vừa rồi, khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, thế giới lý tưởng ngã về không tưởng (utopian idealism) của họ không còn đứng vững, và vai trò phát ngôn mà giới trí thức hiện đại tự đảm lãnh trong quá khứ bị vấn xét.
Từ quan sát của tôi, giới trí thức Pháp dường nhận thức điều này tương đối sớm sủa, đã bắt đầu tự mổ xẻ vấn đề ấỵ Trong lịch sử hiện đại, giới trí thức đã có một ảnh hưởng lớn lao lên xã hội, câu hỏi lúc này là, họ sẽ có ảnh hưởng gì trong tương lai? Đây là một câu hỏi mới, lý thú.
Zhao: Khi viết lời bạt cho cuốn Thánh Kinh của Một Người, Liễu Giải Phủ nói rằng đây là cuốn sách của một người lưu vong. Tôi để ý tới chứng cớ ấy ở cả hai cuốn tiểu thuyết Linh Sơn và Thánh Kinh của Một Người, càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn. Ở một mức độ nào đó làm như anh muốn viết kết thúc cho mạch nối đời anh với xứ sở Trung quốc, anh muốn cắt đứt mọi mạch nối. Làm như anh đang muốn nói: “Đây, tôi đã xong với các anh rồi.”
Cao: Khởi nguyên của Linh Sơn là tôi muốn viết một cuốn sách cho chính tôi. Buổi ấy, dù là tôi đã tự áp đặt những giới hạn nghiêm nhặt cho bản thân ở nhiều tác phẩm, thì chúng vẫn gây khó cho tôi về mặt chính trị. Tôi viết Linh Sơn để bày tỏ tôi một cách tự do, tôi không nghĩ một cuốn sách như vậy sẽ được xuất bản trong buổi tôi còn sống, và tôi không từng bao giờ có ý nghĩ sẽ định cư ở một nước Tây Phương.
Tôi viết xong Linh Sơn vào năm 1989. Sau khi nghe qua radio tin tức Thiên An Môn, tôi tự nghĩ làm sao phải hoàn tất cho xong tác phẩm này – tôi không thể trở về. Tôi đối diện ngay với một thực tại mớị. Nếu tôi muốn tiếp tục sáng tạo, tôi sẽ phải ở lại một nước Tây Phương. Trong hoàn cảnh ấy tôi viết chương cuối của tác phẩm, vào cuối tháng sáu. Lúc ấy tôi nghĩ dù tôi có nhớ nhà nhớ nước, và dù tôi còn bao tình cảm với Trung Hoa, tôi sẽ không còn viết một tác phẩm nào khác nữa, ở một đề tài Trung quốc như vậy nữạ. Nhưng khi khởi viết Thánh kinh của Một Người, ý tưởng giàn xếp cho xong một sổ đời với Trung quốc lại từ đáy sâu đâu trồi dậy một lần nữạ
Dù cả hai tác phẩm bước ra từ một dòng suy tưởng, chúng là hai tác phẩm khác hẳn nhaụ. Linh Sơn ngã về tâm linh, trong khi Thánh kinh của Một Người nói nhiều hơn về chính trị hiện thực, không phải chỉ chính trị Trung Quốc, mà cả chính trị Tây Phương, và nội dung cuốn ấy cực kỳ sát cận thực tế.
Zhao: Tôi thấy dường như Linh Sơn mang một cảm thức mạnh mẽ về kiểu cách (style). Đọc Linh Sơn, người ta ý thức anh chú ý rất nhiều tới văn thể, kiểu thức (form). Nhưng ở tiểu thuyết thứ hai, Thánh kinh của Một Người,những chuyện kiểu cách đã được giải quyết xong và những tố chất kiểu thức (stylistic elements) ấy bớt hiện rõ, cuốn sách dễ đọc hơn.
Cao: Thánh Kinh của Một Người là một cuốn sách rất sát thực tế. Ở một trong những cuốn sách khác của tôi, Tiếp Cận thực tại: Đối thoại về văn chương (bản Pháp Ngữ), tôi nói tới bằng cách nào đi gần với thực tại, càng gần sát càng tốt. Đây là một phản ứng trước khuynh hướng hậu hiện đạị. Tôi cực kỳ chống lại những lý thuyết loại nàỵ. Chúng cho rằng không có ý nghĩa trong thế giới và không có cả sự thực, tất cả chỉ là một mớ tiếng nói vô nghĩa. Tôi nghĩ họ đang chơi trò chơi chữ. Nếu nói là cái duy nhất còn lại, thì chẳng đáng cho chúng ta phải viết. Tôi muốn đi ngược lại chủ trương đó. Tôi muốn làm sao đi sát với thực tại đời sống.
Rất dễ để nói về thực tại, nhưng trong lịch sử văn học chúng ta đã có hiện thực chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa, và vô số kể người cầm bút đã nỗ lực diễn bày thực tại một cách trung thực. Khó khăn hôm nay là bước một bước khác tới việc nắm bắt thực tạị. Nhưng tôi nghĩ điều này có thể làm được.
Zhao: Điều anh nói về thực tại dường như dẫn tới một vấn đề khác. Tôi cảm thấy anh đang cố sử dụng một khái niệm lịch sử khác thường vào tiểu thuyết của anh. Lịch sử cốt lõi là gì ? Nếu chúng ta nghĩ tới lịch sử như một thân cây đã bi đốn ngã, lệ thường người ta sẽ chặt nhánh chặt cành, gọt sạch thân cây. Ở tiểu thuyết của anh, anh lại làm ngược lại. Anh thu tất cả mọi nhánh cành, để chúng nối kết với nhau như một tăng trưởng tự nhiên, để cho dù thân cây có biến mất khỏi tầm nhìn thì chúng ta vẫn có được dạng hình nguyên thuỷ của cây.
Cao: Ở Linh Sơn có một chương về lịch sử, lịch sử qua rất nhiều những hướng nhìn khác nhau, chương sách kết thúc với lời tán thán: “Lịch sử, ôi lịch sử !” Mỗi người có cách nhìn cách nói riêng về lịch sử, và thực khó để nói cách nào là trung thực nhất.
Từ quan điểm của tôi, tôi muốn loại trừ những dối trá, ngụy tạo- đã có vô số lời dối láo được tung truyền trong 100 năm qua, gồm trong đó cả những dối trá về ý thức hệ. Tuy nhiên tôi không thể nói rằng điều tôi đang cố tranh thủ để diễn bày cho trung thực là thực tại duy nhất. Nếu tôi có một quan điểm riêng về lịch sử thì nó đi ngược lại một lịch sử thống nhất hàm vĩ hay những loại lịch sử đã được ôn duyệt. Tôi nghĩ rằng lịch sử là cái gì đa dạng và có thể có những quan điểm khác nhau. Nếu mỗi quan điểm đưa ra một khía cạnh trung thực của lịch sử, chúng sẽ bổ sung và phản ánh một bức tranh lịch sử hoàn tất hơn.
Zhao: Buổi ra mắt Soul Mountain, ấn bản Anh ngữ của Linh Sơn, được tổ chức ở một quán bia (pub) ở Sydney. Nhà văn là anh thì tới từ Pháp. Tổng lãnh Sự Pháp đọc diễn từ ở một quán bia, về một cuốn sách thuộc văn học Trung Hoa. Đối với anh, người đã có kịch được trình diễn và tranh được trưng bày ở Âu Châu, điều này có lẽ đã là chuyện bình thường, anh cũng hẳn đã kinh nghiệm những chung đụng va chạm của nhiều ngôn ngữ và văn hoá trên những tụ điểm đời sống những năm qua. Anh nghĩ gì về bản sắc? Cuối cùng thì bản sắc của anh là gì? Anh có thể nói, là một công dân quốc tế anh không giới hạn cảm thức quê hương vào một vùng đất, đâu cũng là nhà. Nhưng cuối cùng tôi nghĩ người ta vẫn trở về với câu hỏi: gốc rễ của chúng ta nằm ở đâu?
Cao: Tôi nghĩ ấy là một giả đề không chừng vô bổ. Những tranh luận bám vào câu hỏi loại này không đi tới một giải đáp thực tiễn nào cả. Nó không thay đổi điều kiện sống của chúng ta một mảy maỵ
Nói về bản sắc thì nếu anh là một di dân thì anh là một di dân, nếu anh tỵ nạn chính trị thì anh là một người tỵ nạn chính trị. Ở ngôn ngữ nào thì nó cũng là một trong hai trường hợp, tự ý mà đi, hay vì hoàn cảnh bó buộc mà tới. Chúng ta có thể làm một phân tích cụ thể về những vấn đề và dừng lại ở đó. Câu hỏi bản sắc nhìn chung là một câu hỏi mang tính chính trị, bởi vì nó liên quan tới những vấn đề phức tuế như quyền sống, quốc gia, chủng tộc, và những dị biệt văn hoá. Nhấn mạnh quá nhiều vào bản sắc có thể đưa tới những tranh cãi không chứa đựng ý nghĩa thực sự nào, và còn dễ đưa tới chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia. Có một vấn đề thực tiễn và có ý nghĩa hơn, ấy là vấn đề bản sắc cá thể (individuality).
Có một bản sắc nằm ngoài mọi ngờ vực ấy là anh là một cá nhân. Chúng ta có thể bỏ qua những giá trị văn hóa của những quốc gia dân tộc khác nhau, nhưng có một điều ta không bỏ qua được, ấy là sự hiện hữu độc lập của từng cá nhân. Tra cứu về điều kiện sống, hoàn cảnh văn hóa chính trị của những cá nhân quan trọng hơn là dọ dẫm kiếm tìm câu hỏi bản sắc.
Ngươi Hoa đã sống tùy thuộc quá mức trong vùng giới hạn văn hoá của mình. Làm như họ đã tự ấn định một điều kiện nghiêm nhặt lên chính họ rằng họ phải cưu mang một bản sắc Trung Hoa trên mỗi đời sống. Đối với riêng tôi, văn hoá Trung Hoa nhìn chung chung không chứa đựng ý nghĩa gì. Tôi không là một người viết sử, tôi là một kẻ sáng tạọ; những kẻ sáng tạo không cố gắng đeo cứng vào một quan điểm đặc thù Trung Hoa. Dĩ nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa tôi bác bỏ tôi là một người Hoa. Tôi là người Hoa và sẽ mãi là người Hoa. Tôi mang những dấu ấn văn hóa Trung Hoa, nhưng quan trọng không phải là những dấu tích Trung Hoa bên trong tôi mà là những gì sau cùng có thể tìm thấy trong các tác phẩm của tôi. Quan trọng nhất là đời sống sáng tạo của cá nhân tôi như một người cầm bút, và hiện hữu của tôi như một con người.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: cao hành kiện hành trình một ngày dài. Leslie Zhao ♦ Chuyển ngữ: Nguyễn Hoàng | 10.06.2016.
Nguyễn Hoàng dịch từ “The Australian Review of Books”, số tháng 12 năm 2000.
* Leslie Zhao: Nhà văn hiện sống tại Úc, tác phẩm tập tiểu luận Hải Ngoại Nhân.
DCVOnline minh hoạ
“Da Màu chủ trương một diễn đàn văn chương không biên giới, một diễn đàn mở rộng cho mọi khuynh hướng sáng tác, mọi tác giả, mọi khai phá đúng nghĩa.
Da Màu thúc đẩy sự cảm thông và chấp nhận những dị biệt bắt nguồn từ văn hóa, ngôn ngữ, phái tính, màu da, lịch sử, địa lý, chính kiến… qua các hình thái văn học nghệ thuật.”