Đồng Khánh Địa Dư Chí

Lê Văn Hảo

DKDDC11c1Nhờ sự hợp tác quốc tế tốt đẹp, Đồng Khánh Địa Dư Chí đã được xuất bản, dù chưa phải là một công trình trọn vẹn toàn bích giới thiệu được 31 tỉnh của vương quốc Đại Nam, vẫn có thể xem là một nét son của khoa học nhân văn Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

 Một tập đại thành địa lý học Việt Nam cuối Thế Kỷ XIX

Quốc sử quán triều Nguyễn do Minh Mạng sáng lập năm 1821, hoạt động đến cuối thế kỷ XIX, có thể xem là Viện Sử học – Địa lý học quốc gia đầu tiên của nước ta. So với thư tịch sử địa các triều trước, nó đã đóng góp cho khoa học nhân văn những công trình quan trọng nhất :

Từ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho đến Đại Nam nhất thống chí, Minh Mạng chính yếu, Tự Đức thánh chế … (mà Nhà xb Khoa học Xã hội và nhà xb Thuận hóa đã công bố bản dịch).

Ít ai ngờ rằng công trình lớn cuối cùng của Quốc sử quán hoàn thành vào đời Đồng Khánh (1886 – 1887) đã được Đông dương Thư khố (Toyo Bunko) của Nhật Bản xuất bản ở Tokyo vào tháng 7 – 1945 dưới nhan đề Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí đồ, 2 tập, với lời giới thiệu của nhà sử học Yamamoto.

Phải đợi đến 58 năm sau (2003) công trình này mới được dịch và xuất bản tại Việt Nam dưới nhan đề Đồng Khánh Địa Dư Chí (ĐKĐDC).

Được sự quan tâm của nhiều cơ quan Việt Nam và quốc tế (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Trung tâm Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Nhóm nghiên cứu Bán đảo Đông Dương thuộc Trường Cao học Thực hành Paris, Quỹ Ford của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Việt Nam … ; do công sức và tài năng của nhiều nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, người Việt Nam có thể tự hào và các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa có niềm vui “Cảo thơm lần giở trước đèn” vì được tiếp xúc với một công trình khoa học nhân văn đồ sộ dày khoảng 2500 trang, khổ 32 x 25 cm.

Nguồn: CVCN
Nguồn: CVCN

Đó là Đồng Khánh Địa Dư Chí, 3 tập, gồm bản nguyên văn chữ Hán – Nôm và các bản dịch tiếng Việt, Anh, Pháp, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003.

Soạn giả chính : Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin.
Ban biên tập 6 người, ban dịch thuật nhiều người.

Tập I (văn bản), LXXVVIII + 1084 trang , gồm

Lời cám ơn, Giải pháp, nguyên tắc và qui ước dùng trong bộ sách, Từ vựng các đơn vị đo lường, Tài liệu tham khảo và bản chữ viết tắt, Lời giới thiệu ĐKĐDC Thư tịch địa lý học cuối thế kỷ XIX, kèm bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp;

Phần giới thiệu các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn Tây, Ninh Bình.

Tổng mục lục bộ sách.

Tập II (văn bản), 958 tr., gồm

Phần giới thiệu các tỉnh Thanh Hóa Nghệ An, đạo Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình, đạo Quảng Trị, phủ Thừa Thiên;
Bản dịch tiếng Anh, Pháp phần giới thiệu các tỉnh từ Hà Nội đến Thừa Thiên.
Bản tra cứu bằng tiếng Việt theo thứ tự abc, bản tra cứu tiếng Hán – Nôm theo thứ tự số nét của chữ bao gồm toàn bộ các danh từ địa lý, nhân vật, công trình kiến trúc, di tích lịch sử …

Tập III (bản đồ), 312 tr. gồm

20 bản đồ hiện đại của Việt Nam và các tỉnh, kèm theo 278 bản đồ tỉnh, phủ, huyện in sáu màu cỡ 32 X 24 cm thuộc 19 tỉnh từ Hà Nội đến Thừa Thiên.

Trong lời giới thiệu ĐKĐDC, Thư tịch địa lý học cuối cùng cuối thế kỷ XIX, nhà sử học Hán Nôm học Ngô Đức Thọ đã kiểm kê lại đầy đủ thư mục phong phú của địa lý học Việt Nam thời đại quân chủ từ Nam Bắc phiên giới địa đoà thời Lý đến Đại Nam nhật thống chí đời Tự Đức và Đồng Khánh Sắc chế ngự lãmđời Đồng Khánh. Đầu thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác cổ đã sao chép bộ sách ngữ lãm cuối cùng này của Quốc sử quán, sau đó nó được xuất bản tại Nhật Bản vào năm 1945, được dịch ra tiếng Việt, Anh, Pháp và xuất bản tại Việt Nam năm 2003, như đã nói trên, dưới nhan đề ĐKĐDC.

Nguyên bản ĐKĐDC (sách chép tay của Viện Hán Nôm ký hiệu A537) là một bộ sách Hán – Nôm đồ sộ gồm 25 tập (mỗi tập riêng một tỉnh từ Hà Nội đến Bình Thuận , tổng cộng 2832 trang giấy lệnh hội (38 X 27 cm) kèm theo 314 bản đồ khổ lớn (trung bình là 45 X 35 cm) . Đây là các tập tâu (tấu sách) của các quan đầu tỉnh “kính tuân lời (vua) phê, biên vẽ bản đồ tiến trình”. Các tập tâu được chuyển về triều đình, được tàng trữ tại Quốc sử quán. Nội dung mỗi tập gồm các mục :

– Tỉnh thành hoặc phủ, huyện thành giới thiệu chung địa điểm đặt lỵ sở (tỉnh, phủ, huyện), vị trí của tỉnh phủ huyện giáp giới những tỉnh phủ huyện nào, khoảng cách đông tây bắc nam cách nhau bao nhiêu dặm;
– Danh sách các cấp hành chính trực thuộc (tỉnh : kê đến phủ, huyện; phủ : kê đến huyện, tổng; huyện : kê đến tổng, xã, thôn, phường, giáp, trại, ấp, lý);
– Thành trì : địa điểm, cách xây dựng thành lũy, cổng thành, tường thành, các ụ súng, đài quan sát …, Đồn lũy;
– Binh : số lính tuyển, lính mộ, lính tuần thành … ;
– Dân : số dân đinh;
– Thuế : thuế cả năm nộp bằng tiền, bằng thóc, bằng sản phẩm;
– Đền miếu
– Phong tục
– Sản vật
– Khí hậu
– Sông núi
– Danh thắng
– Đường đi

Ở mỗi tập, sau phần giới thiệu chung toàn tỉnh có kèm theo bản đồ toàn tỉnh, là phần giới thiệu ghi chép về từng phủ, huyện, kèm theo bản đồ của từng phủ, huyện. ĐKĐDC có tất cả 314 bản đồ kích thước không đều nhau (khoảng từ 36 X 29 cm đến 51 X 38 cm) vẽ trên lụa trắng và được dùng thêm 6 màu : màu đỏ (vẽ đường đi), màu xanh nước biển (vẽ biển) , màu xanh nhạt (vẽ sông ngòi), màu xanh lá cây (vẽ núi), màu nâu nhạt (vẽ thành trì), màu cỏ úa (để phân biệt các vùng đất ngoài địa hạt).

Tất cả các bản đồ đều ghi bằng chữ Hán, Nôm.

Ví dụ ở bìa tập 1 của ĐKĐDC, mặt trước và mặt sau, ta có thể thấy:
– bản đồ huyện Chương Đức (tỉnh Hà Nội)
– bản đồ huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng)

Ở bìa tập 2 của ĐKĐDC, mặt trước và mặt sau:
– bản đồ huyện Kỳ Anh (đạo Hà Tĩnh)
– bản đồ huyện Hương Khê (tỉnh Nghệ An)

Ở bìa tập 3 của ĐKĐDC, mặt trước và mặt sau:
– bản đồ phủ Gia Hưng (tỉnh Hưng Hóa)
– bản đồ phủ Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh)

KĐDC bộ sách đồ sộ, khoảng 2500 trang khổ lớn kèm theo hơn 300 bản đồ (32 X 24 cm), ra đời trong hoành cảnh nào ?

Chúng ta biết vào đời Tự Đức (1847-1883) lãnh thổ nước Đại Nam gồm đủ 31 tỉnh từ Cao Bằng đến Hà Tiên, nhưng đến đời Đồng Khánh (1886-1887), thực dân Pháp đã đoạt chiếm của ta 6 tỉnh từ Nam Bộ nên chủ quyền triều Nguyễn chỉ còn 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận, ĐKĐDC đã phản ảnh tình hình mất nước, mất toàn vẹn lãnh thổ ấy (Nam Bộ chịu chế độ thuộc địa, Bắc Bộ, Trung Bộ kể cả triều đình Huế chịu chế độ bảo hộ sau hiệp ước 1884 và sự biến thất thủ kinh đô 1885); ĐKĐDC chỉ chứa đựng phần giới thiệu 25 tỉnh cùng các phủ huyện trực thuộc và 314 bản đồ các tỉnh phủ huyện từ Cao Bằng đến Bình Thuận.

Ở lần xuất bản này, ĐKĐDC chỉ giới thiệu 19 tỉnh từ Hà Nội đến Thừa Thiên, phần 6 tỉnh còn lại (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) chắc sẽ được xuất bản ở lần sắp đến nếu không có một chướng ngại vật nào chen vào giữa văn hóa, khoa học và chính trị.

Có trong tay ĐKĐDC phản ánh tình hình lịch sử, địa lý và xã hội Việt Nam đời Đồng Khánh, chúng ta không thể không so sánh nó với bộ sách đồ sộ khác của Quốc sử quán được hoàn thành trước nó vào cuối đời Tự Đức: Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC).

Năm 1865, Tự Đức ra lệnh cho Quốc sử quán biên soạn ĐNNTC, một công trình sử địa theo thể thức bộ Nhất thống chí của nhà Thanh (Trung Quốc). Mười bảy năm sau Quốc sử quán hoàn thành bản sơ thảo ĐNNTC (vào khoảng năm 1882), nhưng Tự Đức xem xong chưa hài lòng nên chưa cho khắc in. Bản sơ thảo này đã được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp sao chép và sau đó bản dịch ĐNNTC của Viện sử học được xuất bản tại Hà Nội (1970-1971).

Đọc hai bản dịch ĐNNTC và ĐKĐDC, chúng ta thấy nhiều điều đáng chú ý:

1 . ĐNNTC đời Tự Đức phản ánh đầy đủ tình hình lịch sử, địa lý xã hội nước Đại Nam giữa thế kỷ XIX với một lãnh thổ toàn vẹn gồm 31 tỉnh từ Cao Bằng đến Hà Tiên, trong khi ĐKĐDC phản ánh tình hình một nước Đại Nam mất độc lập mất chủ quyền trên một lãnh thổ chỉ còn 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận (triều đình Huế chỉ còn là một bù nhìn của thực dân Pháp.)

2. ĐKĐDC hoàn thành vào những năm 1886-1887 để dâng vua ngự lãm là một bộ sách đồ sộ không thể được biên soạn đời Đồng Khánh (thời gian quá hạn hẹp so với một nội dung phong phú đến thế) mà nó đã được biên soạn từ cuối đời Tự Đức đến đầu thời Đồng Khánh dựa trên những hồ sơ quan trọng của Quốc sử quán :
– bản sơ thảo ĐNNTC (hoàn thành vào năm 1862);
– Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu (soạn xong vào khoảng năm 1882);
– Đại Nam cương giới vựng biên của Hoàng Hữu Xứng (soạn xong vào năm 1886)
và nhất là :
– các tập tâu của các quan đầu tỉnh giới thiệu tình hình các tỉnh, phủ, huyện, kèm theo bản đồ, được gởi về triều đình trong những năm cuối đời Tự Đức, đầu đời Đồng Khánh.

Điều đó giải thích sự phong phú về nội dung của ĐKĐDC, công trình lớn cuối cùng của Quốc sử quán triều Nguyễn bên cạnh công trình lớn khác là ĐNNTC hoàn thành 4 năm trước (1882).

3. Được biên soạn nhiều năm sau ĐNNTC, ĐKĐDC có những ưu điểm và những đặc sắc so với ĐNNTC.

ĐNNTC là một bộ địa dư chí lấy cấp tỉnh làm cơ sở biên soạn. Các mục như địa giới, hình thế khí hậu, thành trì, trường học, số hộ khẩu, số binh lính, thuế ruộng đất, sông núi, phong tục, thổ sản v.v… đều viết chung về cả tỉnh.

Còn ĐKĐDC lại làmột bộ địa dư chí lấy cấp phủ và huyện làm cơ sở biên soạn, mô tả. Mỗi phủ, huyện đều là tiêu đề của một chương mục riêng. ĐKĐDC đã trình bày tỉ mỉ về tình hình các phủ, huyện: địa giới, hình thế, thành trì, dân, binh, thuế, phong tục, sản vật, khí hậu, sông núi, đường đi v.v. … gồm rất nhiều chi tiết không có trong ĐNNTC.

4. ĐNNTC tuy có một số tư liệu, điều tra, thống kê (số làng xã trong từng huyện, số hộ khẩu, ruộng đất …) nhưng chủ yếu là thiên về nội dung khảo cứu lịch sử, còn ĐKĐDC lấy đương đại là nội dung chính : vị trí, tình thế được miêu tả kỹ lưỡng hơn, thành tỉnh, phủ huyện được miêu tả tỉ mỉ, các mục nhân đinh điền thổ có các số liệu chi tiết, phong tục tập quán các tỉnh đồng bằng nhiều vùng có những nét tương đồng, nhưng các xã gần biển, gần núi đều có được những ghi chép riêng biệt, nhất là ở các địa phương miền núi có cả người Việt và các dân tộc thiểu số thì sự miêu tả phong tục tập quán khá cụ thể, chi tiết, sinh động, có giá trị về điều tra dân tộc học, xã hội học.

Ví dụ, khi mô tả về các dân tộc thiểu số trong ba huyện ki mi ở miền núi tỉnh Thanh Hóa (huyện Trình Cố, Man Duy và Sầm Da) ĐKĐDC chép :

“(Ở huyện Trình Cố) trong hạt thuần là người Man Nùng (người Mường ?) giọng nói líu lo, phải có người phiên dịch mới có thể hiểu được (…) Ở mường Hằng Sơn có chùa, trong chùa có sư, tục gọi nhà sư là chu hô. Gọi quan huyện là phì trưởng. Khi phì trưởng chết thì gươm giáo khí giới đem nạp hết cho chu hô, đến khi con trai người ấy được lập nối chức thì sẽ lên chùa chuộc lại. Khi chu hô chết tiền bạc trong chùa có bao nhiêu phải nạp hết cho phì trưởng. Sau có người kế tục làm chu hô thì sẽ giao lại y nguyên số tiền.

Mỗi năm đến kỳ tháng 2 thì chu hô sau phải làm lễ cúng cho chu hô trước. Các nhà dân sở tại đều đem tiền bạc đến chùa để tặng gọi là lễ ngân chu. Hôm đó dân chúng lũ lượt lên chùa xem lễ hội, có khi đốt pháo thăng thiên, người nào có pháo lên cao thì vui mừng được sự tốt lành, người nào pháo thấp thì chán nản.

Lại hàng năm vào tháng 3, phì trưởng cùng dân chúng gái trai lên chùa nghe giảng kinh một đêm đến sáng mới về. Tháng đó có lễ tắm gội chu hô. Trong tháng ấy đàn bà con gái hễ thấy đàn ông con trai đi gần sông thì vốc nước té cho ướt hết quần áo, cho như thế mới là yêu quí nhau.” (ĐKĐDC, tập II, tr. 115)

Bên cạnh hàng trăm tư liệu dân tộc học, xã hội học như thế ĐKĐDC, lần đầu tiên, đã cung cấp cho chúng ta một hệ thống hàng ngàn địa danh xã, thôn, phường, giáp, trại đến cấp huyện của 25 tỉnh nước ĐạÏi Nam cuối thế kỷ XIX, thì đó đã là một đặc điểm và một ưu điểm mà Đại Nam nhất thống chí và các công trình địa dư chí khác không có.

Le Minh Khai, một nhà sử học  Hoa Kỳ,  và ĐKDDC. Nguồn: Le Mink Khai Facebook.
Le Minh Khai, một nhà sử học Hoa Kỳ, và ĐKDDC. Nguồn: Le Mink Khai Facebook. Dec. 10, 2013

Nhà sử học và Hán Nôm học Ngô Đức Thọ trong bài giới thiệu ĐKĐDC dài 12 trang (tập I, tr. XXV – XXXVI) đã nêu rõ giá trị học thuật của ĐKĐDC, bước tiến đáng kể trong phương pháp biên soạn của ĐKĐDC so với các sách địa dư chí từ ĐNNTC trở về trước, một phương pháp biên soạn đã đòi hỏi cả một mạng lưới những người tham gia điều tra, biên soạn từ các quan tỉnh, phủ, huyện đến nhà nho các xã thôn phường giáp và cuối cùng là các sử quan ở Quốc sử quán.

Chính nhờ những công trình sử địa lớn của Quốc sử quán, trong đó nổi bật lên ĐNNTC và ĐKĐDC, mà chúng ta có được một cái nhìn về lịch sử và tình hình kinh tế xã hội nước ta dưới triều Nguyễn nói riêng và chế độ quân chủ nói chung.

Các soạn giả, dịch giả của ĐKĐDC cũng đã cung cấp cho chúng ta hàng trăm chú giải về địa lý lịch sử, về văn bản học, về một số rất lớn các từ ngữ Hán Nôm, về tên thực vật động vật, ngành nghề thủ công ở các mục phong tục, sản vật, khí hậu, v.v… bằng cách tra cứu tham khảo các công trình khoa học quý báu của cha ông từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi đến các thư tịch của Quốc sử quán (X. Bảng kê các tài lệu tham khảo, t. I, tr. XXIII – XXIV).

Đặc biệt các soạn giả còn cung cấp cho chúng ta lần đầu tiên một từ vựng các đơn vị đo lường: đơn vị đo chiều dài (dặm, trượng, thước, tấc …), đơn vị đo diện tích (mẫu, sào …, hào, hốt), đơn vị đong (thóc) (hộc, bát, thưng, …, lẻ, nhúm, que), đơn vị đong đếm dùng tính thuế (bó, vò, phiến, …) đơn vị tiền tệ (lạng, quan, tiền …), đơn vị đo trọng lượng và thể tích (cân, lạng, tiền …), đơn vị hành chính (lộ, trấn, quận, …, dinh, châu, nguồn).

Nhờ sự hợp tác quốc tế tốt đẹp, Đồng Khánh Địa Dư Chí đã được xuất bản, dù chưa phải là một công trình trọn vẹn toàn bích giới thiệu được 31 tỉnh của vương quốc Đại Nam, vẫn có thể xem là một nét son của khoa học nhân văn Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

Tháng 11 -2003


Ngun: Đồng Khánh Địa Dư Chí, Nguyễn Văn Hảo. Chim Việt Cành Nam.