Dòng Văn Học mang dấu Chúa (P2)
Nguyễn Văn Lục
Phải nhìn nhận trước 1975, không ai nghe nói xa gần đến một dòng văn học mang dấu Chúa. Người ta chỉ được biết đến một phần nhỏ và hiếm hoi được đăng trên Tập San Sử Địa miền Nam.
Làm sáng tỏ thêm dòng văn học mang dấu Chúa
Đó là những bản dịch các Lettres édifiantes et curieuses của các thừa sai Ba Lê viết liên quan đến nhà Tây Sơn của bà bà Đặng Phương Nghi dịch ra tiếng Việt. (Đặng Phương Nghi, “Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây Phương”, số 13, tháng 1,2,3, 1969).
Thật ra, có nhiều tập Lettres édifiantes et curieuses. Riêng về Việt Nam có ba tập VI, VII và VIII. Tập VI, 510 trang, xuất bản năm 1821, tập VII, 419 trang, Paris 1823, tập VIII 448 trang, 1823. Nội dung ba tập đều là thư của các thừa sai gửi về cho Bề trên, bạn bè và gia đình vào thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Thật rất tiếc, cho đến nay, giới nhà đạo cũng ít quan tâm cho đủ về mức độ giá trị lịch sử, tính cách nhân chứng tại chỗ và sự trung thực của những lá thư này và mong rằng nó được dịch ra tiếng Việt để người đọc tiếng Việt hiểu được hiện trạng giáo hội, mục đích truyền giáo và đối tượng được truyền giáo, nhất là hoàn cảnh giáo dân nghèo, thái độ chính trị của họ ở các vùng quê trong giai đoạn Tây Sơn-Nguyễn Ánh như thế nào.
Đó là sự quên lãng thứ nhất.
Sự quên lãng thứ hai là các giáo phận miền Nam trước 1975 cũng chưa quan tâm cho đủ đến tác phẩm nhà đạo đã xuất bản.
Riêng Thanh Lãng, ngay từ 1957-1958 đã có công giới thiệu mảng văn học ấy qua việc sao chụp nguyên văn “Sách sổ sang” của |Philiphê Bỉnh. Nhưng mãi đến năm 1968 mới được Viện Đại Học Đà Lạt cho xuất bản. Về điểm này, Nguyễn văn Trung (Nguyễn Văn Trung) đã đưa ra nhận xét :
“Nói chung tiếng nói của Thanh Lãng từ 1955 đến 1975 hầu như tiếng kêu trong sa mạc. Trớ trểu thay, ngay cả trong giới trí thức và giáo phẩm công giáo cũng làm ngơ coi như không biết đến. Chỉ sau 1975, những công trình của nhóm Thanh Lãng mới được đón nhận một cách trân trọng qua đề nghị hợp tác với tổ ngôn ngữ viện Khoa Học Xã Hội miền Nam.”
(Nguyễn Văn Trung, “Nhận Định X, trong nước, ngoài nước 1994-1998”, NXB Nam Sơn 1999, trang 88.)
Thật vậy, chữ dòng văn học mang dấu Chúa hầu như chỉ được nghe nói tới sau 1975 trong bối cảnh sách vở, tài liệu phải nộp cho chính quyền mới. Thư viện của tòa giám mục, các nhà xứ, nhất là nhà in Tân Định (ra đời từ 1864 hoạt động đến 1975) đều ở trong tình trạng hoang tàn.
Nhà in Tân Định là một trong những nhà in ra đời sớm nhất vẫn hoạt động đều đặn cho đến 1975. Các máy in, dù cũ cũng có thể sau này để trong Bảo Tàng viện đã bị tháo gỡ bán vật liệu phế thải. Các đồ dùng, máy nóc, nhất là tài liệu sách báo cũ hầu như bị tiêu tán cả.
Cũng theo Nguyễn Văn Trung, người ta biết rằng nhà in Tân Định là một trong những cơ sở xuất bản quan trọng của giáo hội Thiên Chúa giáo bên cạnh các cơ sở của Nhà Chung Phú Nhai, Kẻ Sở thuộc miền Bắc, nhà in Quy Nhơn, nhà in Nazareth ở Hồng Kông. Tính đến 1922, Nhà in Tân Định in được 241 tựa sách đủ loại như sách dạy Quốc ngữ, sách kinh thánh, sách giảng dạy lẽ đạo, sách dạy suy gẫm, vãn ca, hạnh thánh. (Tóm lược Nguyễn Văn Trung, ibid., tr 132).
Tuy nhiên, chẳng khác gì con người, sách vở cũng có chân lo ẩn trốn và tháo chạy mà vì thế mà ngày hôm nay, chúng ta còn có được một số tài liệu hiếm quý còn giữ được. Đó là trường hợp những “Sấm Truyền Ca” của Lữ Y Đoan, truyện “thầy Lazarô Phiền” của Nguyễn Trọng Quản, con rể Trương Vĩnh Ký.
Tuy nhiên, cần ghi nhận, mảng văn học mang dấu Chúa chỉ là một mảnh trong dòng văn học Việt Nam nói chung. Nếu chúng ta chấp nhận dòng văn học Hán-Nôm cũng thuộc dòng Văn Học Việt Nam thì đã có đến 4.038 tựa sách, trong đó có 600 tác phẩm liên quan đến tôn giáo. (Trần Nghĩa, “90 năm nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam”. 90 ans de recherches sur la culture et l’histoire du Vietnam. Nhà XBKHXH, École francaise d’Extrême-Orient, Hanoi, 1995, tr 141).
Nó chưa cho phép nói đến một sự thay thế dòng văn học Hán-Nôm hay một dòng văn học chữ Quốc ngữ hoàn chỉnh. Mặc dầu có một sự khác biệt sâu xa giữa dòng Văn Học Hán Nôm và dòng văn học chữ Quốc ngữ.
Các nhà nho trong dòng văn học Hán Nôm chỉ chú trọng tới lý thuyết, viện dẫn Tứ Thư Ngũ Kinh, viện dẫn người xưa bên Tàu, trau chuốt gọt đẽo câu cú, niêm luật, xa vời thực tế và đôi khi tỏ ra thiếu thức thời và chậm lụt. Công việc làm văn chương như một thứ thưởng ngoạn khó tính, dành riêng cho một số người, như một thứ chơi chữ.
Dòng văn học mang dấu Chúa với chữ quốc ngữ đi sát thực tế, thường chú trọng tới sinh hoạt đời thường, ghi chép, mô tả truyện dân gian từ việc phong tục, ăn ở, làm ăn, tôn giáo bằng thứ tiêng Việt nôm na, bình dân. Câu chữ chỉ là phương tiện chuyên chở sự việc mà không phải là cứu cánh.
Chẳng hạn, trong cuốn “Sách sổ sang” của Lm Bỉnh, ông chỉ nói tới việc mua bán, giá cả, đi chợ, việc nấu bếp, việc ăn uống, nhận xét về lối sống của người Tây Phương từ cách ăn mặc, cách làm ăn sinh sống, cách xây dựng kiến trúc nhà cửa, cách giao thông chuyên chở đi lại, nếp sống văn minh xứ người so với nếp sống còn lạc hậu của xứ ta.
Hầu hết đó là thứ ngôn ngữ nói đồng thời cũng là thứ ngôn ngữ viết. Nói sao viết vậy. Nó thể hiện qua tuồng, truyện, văn vè, kinh sách của nhà đạo. Ngay cả kinh thánh cũng được dân gian hóa, bình dân hóa như trong “Sấm Truyền ca” của Lữ Y Đoan, 1670 như đã trình bày ở trên. Sau này, trong phần viết về tờ Nam Kỳ Điạ Phận, người ta cũng bắt gặp tính cách thực tiễn của tờ báo đem lại cho quảng đại quần chúng.
Có thể nói, nó như một đặc sản của một lối văn nhà đạo như ở trong Nam. Sau này, những người như Phạm Quỳnh cho là thứ ngôn ngữ văn chương thô lậu. Nhận xét của ông Trần Duy Nhất:
“Tại sao mà sự quốc dân giáo dục không có tiến bộ. Theo tác giả thì phần đông cho học quốc ngữ là vô dụng.. Họ nói, học làm quái gì chữ cò quăm, mách qué ấy. Chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế. Thánh nào lại dạy nhảm nhí những con cua, con ốc. Đến đàn bà, trẻ con cũng thừa biết nữa là.”
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh, “Lối xưa xe ngựa” trích tạp chí “Nam Phong số 47”, tháng 5-1921, tr 386-405.)
Tôi khẳng định chữ mang dấu Chúa là một chuẩn mực trung thực nhất về thực trạng chữ Quốc ngữ thế kỷ 17, 18, 19.
Sau này có vị linh mục thuộc địa phận Kon Tum, Lm GoanKim Nguyễn Hoàng Sơn có một bài viết công phu gọi giai đoạn khởi đầu đó là “Một nền văn học công giáo bằng chữ Quốc Ngữ”.
Tác giả đã dẫn giáo sư Trần văn Toàn trong bài “Chữ Quốc ngữ và chữ Nôm-Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam” và nhất là tác giả Võ Long Tê trong “Lịch sử văn học công giáo Việt Nam”, cuốn I, của nhà xuất bản Tư Duy, Sài Gòn trước 1965, tr, 236, cũng như như Phạm Đình Khiêm hoặc viện dẫn buổi Hội Thảo mới đây nhất, Hội thảo Khoa Học, “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 12-13/1/2016.
Bấy nhiêu viện dẫn tác giả, viện dẫn tác phẩm như “Phép Giảng Tám ngày của A. De Rhodes” hay “Tự vị Viêt-Latinh” do giám mục Taberd biên soạn cho in bên Ấn Độ năm 1838 vẫn không đủ thuyết phục để có thể nói tới một nền văn học Thiên Chúa giáo thời A. De Rhodes?
Điểm thứ hai, chúng tôi cũng không thấy cần thiết phải liệt kê trích dẫn đầy đủ các tác phẩm của nhiều tác giả khác như của cụ Sáu Trần Lục cũng như của giám mục Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Nguyễn Bá Tòng được coi như có những tác dụng riêng cho nhà đạo mà chỉ chú trọng tới những tác phẩm như cột mốc đánh dấu một thời kỳ phát triển chữ Quốc ngữ mà thôi.
Chẳng hạn nói tới cuốn “Đại Nam Quốc Âm tự vị” của Huình-Tịnh Paulus Của với 7.537 giải thích chữ, thành ngữ và tục ngữ của nước ta. Công ấy lớn lắm. Và công ấy cũng nằm trong khuôn khổ dòng văn học mang dấu Chúa.
Dòng văn học mang dấu Chúa nói chung nó còn quê mùa, cục mịch lắm. Nó như ở dạng thô chưa được mài dũa, gọt đẽo. Nó chưa tới cái mức để có thể được gọi là văn chương, thơ phú. Đã thế, các nhà nho, các nhà yêu nước thường nghi ngờ đánh giá thấp vai trò thông tin và truyền thông của nó. Có thể nói, trong cả hơn 200 năm, nó vẫn chưa dám bước ra khỏi mái chuông giáo đường. Đã thế, nó lại ít được các vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam dòm ngó tới.
Phần lớn các sách báo, tài liệu ấy đều nằm chết trong các thư viện tòa giám mục từ cả thế kỷ nay.
Nhờ có cuộc đổi đời năm 1975, do bị ruồng bắt mà chúng may mắn được một số người quan tâm đến văn hóa lưu tâm tới và có dịp giới thiệu chúng với công chúng.
Ngay cả những cố gắng vượt ngưỡng với chuyện của “Thầy Lazarô Phiền” (1887) của Nguyễn Trọng Quản, nguyên bản là của thư viện Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Trung giới thiệu. Ông Nguyễn Trọng Quản lấy con gái trương Vĩnh Ký là bà Trương Thị Tự. Truyện được viết theo lối viết truyện của Tây Phương sớm hơn cả cũng ít ai biết tới nên mới có chuyện tiểu thuyết Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách được coi là tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta. Nói chi đến “Tuồng cha Minh” (1881) xuất hiện trước cả vở kịch Chén thuốc độc (1921) gần nửa thế kỷ. Rồi “Hồi ký của Trương Vĩnh Ký” (1876) và “Hồi ký của Michel Tình” (1910) cũng sớm sủa hơn cả. Cuốn “Đại Nam Việt Quấc triều sử ký” không đề tên tác giả(1), một trong những cuốn sử đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ theo lối biên niên ngoại sử. Sau này đã được các linh mục ở nhà thờ Tân Định biên soạn lại và cho in năm 1879 là cuốn sử viết bằng chữ Quốc ngữ đi trước cả bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1949). Vậy mà cuốn sử vẫn bị đánh giá là ngoại sử vì không phải là thứ sử chính thức do vua quan nhà Nguyễn biên soạn. Cuốn sử này cũng vẫn bị chìm lặng trong sự quên lãng của giới sử gia. Tôi chưa thấy một ai trích dẫn nguồn từ cuốn sử này mặc dầu nó cung cấp nhiều dữ kiện sử mang tính đặc thù, mới mẻ nhất là ở thời kỳ nội chiến Trịnh-Nguyễn.
Dòng văn học mang dấu Chúa vẫn chưa có cơ hội bứt đi
Nói một cách khiêm tốn, dòng văn học ấy chỉ là những viên gạch lót đường. Và nói một cách chủ quan, nhiều bộ môn của dòng văn học ấy như sử ký, tuồng, truyện vẫn là một mảng văn học quốc ngữ bị bỏ quên. Lý do bị bỏ quên do vì kỹ thuật nhà in chưa có, việc phổ biến hạn chế, đôi khi chỉ là viết tay chép lại.
Đã thế, chính những thức giả Thiên Chúa giáo như Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản, Philiphê Bỉnh, Trần Chánh Chiếu, Michel Tình đều còn mang nặng tinh thần Nho giáo, chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của nho học.
Nói cho đúng ra, cố gắng của họ là tìm hiểu Kitô giáo trong tinh thần nho học.
Tuy nhiên, dù vậy, về một số mặt, người đọc vẫn không thể chối bỏ vai trò tiên phong về việc truyền bá chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của như chúng ta thấy sau này. Trương Vĩnh Ký chẳng những có vai trò tiên phong mà còn đi trước thời đại trong nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ học, sử học, v.v.. Hervé Bernard, một tác giả Pháp, chuyên sưu tầm và tự xuất bản về những tài liệu liên quan đến quân đội Pháp, đánh giá Trương Vĩnh Ký khi ông là thông dịch viên cho Pháp – đi cùng nhưng không thuộc đoàn Sứ giả Phan Thanh Giản sang Pháp năm 1863 – là “un Savant grand lettré, unique au monde” (Một nhà trí thức, học giả độc nhất trên thế giới)! Còn có lời khen tụng nào hơn!
Một đời người như Trương Vĩnh Ký, trong thời đại mà sự hiểu biết về văn hóa Tây Phương còn sơ sài, vậy mà ông đã để lại 141 tác phẩm đủ loại cho đời sau, sự đánh giá thật không dễ cho bất cứ ai.
Người đời sau có quyền nghĩ thế này thế kia về Trương Vĩnh Ký, nhưng người đương thời thường đánh giá cao về ông. Đạo Cao Đài đặt Trương Vĩnh Ký chung chỗ ngồi của một Victor Hugo, Lý Thái Bạch.
Tờ báo Nam Kỳ các số báo liên tiếp 47-48-49-50 năm 1898 đều đăng tải các bài văn ca tụng hoặc khóc quan Đốc Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký. Đến số 49 ngày 29 tháng 9, năm 1898 đã phải ra thông cáo:
“Kính cáo quốc viên có mua nhựt trình Nam Kỳ đặng rõ, xin các quốc viên đừng có gởi những văn tặng ông Trương Sĩ Tải tới nữa bởi vì trong một tờ nhựt trình như tờ này dẫu có muốn cho lắm, cũng không đem được những bài dẫn một tích như vậy hoài.”
(Nguyễn văn Trung, “Thế kỷ XXI Nhìn về Trương Vĩnh Ký. Một số tác giả. Vụ dựng tượng Trương Vĩnh Ký”, nxb Văn Hóa, Saigon, 2006, trang 224-225.)
Trong khi đó, người đời nay như tác giả Nguyên Vũ (tên thật là Vũ Ngự Chiêu) đã phê phán Trương Vĩnh Ký đủ điều từ thái độ chính trị đến khả năng ngôn ngữ học, sử học và văn phạm của Trương Vĩnh Ký. Bài biên khảo của Nguyên Vũ chứa đầy sự thiên lệch và chê trách một cách bất công đối với Trương Vĩnh Ký. Nó làm nổi bật cho thấy một thái độ thù địch đối với những người làm việc cho Tây như Trương Vĩnh Ký, Trần Lục, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả trong khi có hàng trăm, hàng ngàn người khác cũng làm việc cho Tây đã không đả động tới? Đó là những đánh đánh giá thiên lệch và thiếu công bằng.
(Nguyên Vũ, “Góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898)”, Houston 11-2000 – Việt Nam 1-2005 – Houston 2-2010, © 2002, 2010 by Chieu N. Vu. All Rights Reserved)
Những con người như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, giữa cái việc đi làm cho Pháp và việc làm văn hóa, thì cái sau vượt xa hơn cái trước đến độ rất nhiều người khác chỉ coi các ông là những người đóng góp lớn lao cho dòng văn học mang dấu Chúa và văn học nói chung của Việt Nam.
Còn nếu nói một cách cục mịch như Vương Hồng Sển thì:
“Nhờ thiên tư dĩnh ngộ dĩnh ngộ làm vậy, nên ông ngày sau dễ trở nên một nhà tân học, biết trên mười thứ ngoại ngữ, hơn nữa đúng vào địa vị toàn cầu bác học thập bát thông thái gia (encyclopédiste) (tài liệu ghi trong báo : Le biographie : năm 1873- 1874) ngang hàng với các bác học đại danh trong toàn cầu thuở ấy. Ông dư sức bay nhẩy trong hội phong vân, ông gặp nhiều cơ hội hiếm có, ông có nhân duyên lạ lùng gần vua (Đồng Khánh), gần vị cầm đầu vận mạng Đông Dương(Paul Bert) nhưng ông vẫn là ông, trước sau là một học giả nghèo và đến chết còn thiếu nợ, bản lĩnh của ông là thế, con người Vĩnh Ký là thế, kẻ hậu sinh chưa sạch cứt mũi, xin đừng toan lấy đá liệng ông.”
(Vương Hồng Sển, “Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Thân thế và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký”, nxb Văn Hóa Saigon, 2006, trang 300)
Nhận định về một giai đoạn phát triển chữ Quốc ngữ thời thuộc địa qua báo chí
Dưới triều Nguyễn, nước Đại Nam chưa hề có báo chí.
Thật như vậy. Minh Mạng phải ra lệnh cho các tầu buôn mang về báo tiếng Anh, rồi nhờ mấy nhà truyền giáo ở Huế dịch ra tiếng Việt. Lúc ấy, nói đúng ra nước ta chỉ có ‘mõ’ mà chưa có báo. Vậy mà không một ai có ý tưởng phải ra một tờ báo? Quan chức triều đình đều không một ai nghĩ ra điều đó.
Nhưng, xin nhớ cho, ở giai đoạn này, việc truyền bá chữ quốc ngữ không còn còn là một độc quyền của nhà đạo nữa. Nó mang tầm cỡ quốc gia và được đủ thành phần chính trị khai thác, xử dụng.
Về chính trị, tính cho đến năm 1867 thì cả Nam Kỳ đã lọt vào tay người Pháp. Tự Đức là người trực tiếp ký các hòa ước nhượng cho Pháp nốt các tỉnh Nam Phần. Nhưng cũng chính Tự Đức là người trước đó đã cử đoàn sứ giả Việt Nam sang Paris năm 1863, do|Phan Thanh Giản cầm đầu để xin chuộc lại 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.
Hervé Bernard trong “La Conquête de l’Indochine”, 2ème partie, trong một tập ảnh sưu tầm riêng của ông có đưa ra hai bức ảnh hiếm hoi còn lưu trữ lại là việc vua Tự Đức lần đầu tiên vào ngày 13/6/1863 tại kinh thành Huế đã đón tiếp phái đoàn của người Pháp do Phó Đô Dốc Louis Bonard cầm đầu. Người ta nhận thấy có những vệ binh triều đình cũng như những người hầu đi chân đất, theo tục lệ trong Triều, họ phải cởi giầy trong hoàng cung để tỏ lòng kính trọng nhà vua. Chỉ trừ có các quan là có quyền mang hài.
Nhà vua đã phê chuẩn hòa ước với Pháp trên một cái bàn bằng vàng. Phía người Pháp có Henri Rieunier trong phái đoàn đô đốc Louis Bonard vào cung điện nhà vua để phê chuẩn hòa ước. Người ta cũng được biết thêm một chi tiết là vua Tự Đức có đến 103 nàng hầu. Trong đó có khoảng chục người lo chuyện ăn uống, tắm rửa, y phục cho nhà vua. Và nếu tính chung, có khoảng 40.000 người phục vụ trong triều đình Huế.
Tháng 12-1863. Ba ngày trước khi rời Saigòn sang Pháp, phái đoàn Phan Thanh Giản đã được Đề đốc Pierre de la Grandière, Toàn quyền thứ hai ở Nam Kỳ, khoản đãi phái đoàn một bữa ăn tối tại dinh Toàn Quyền Nam Kỳ trước khi lên chiếc tàu hơi nước Européen đến Kinh Suez.
Sau đây là trích dẫn sổ hành trình trên tàu “Européen” ghi lại cuộc bút đàm giữa Phan Thanh Giản và Thuyền trưởng Henri Rieunier (Sĩ quan phụ tá của Louis Bonard, phụ trách những vấn đề thuộc địa 1862-1863, sau này là Đề đốc Bộ trưởng Hải quân Pháp). Chữ viết từ chính tay Phan Thanh Giản như sau:
“Quan lớn annam sẽ đi cống sứ vua phalansa, có ý xin vua châm chước một hai đều về việc giao hòa. v[V]ua Annnam cũng muốn cho hai đàng hòa hảo, mà bởi vì mất ba tỉnh thì tiếc lắm.
n[N]ếu vua Phalansa không muốn châm chước một hai đều về việc giao hòa thì vua annam sẽ không bằng lòng.”
Trong khi đó cũng theo trích dẫn nêu trên. Napoléon III chỉ đáp lại bằng một vài lời xoa dịu:
“L’empereur Napoléon III répondit en quelques paroles, qu’il avait voulu certainement faire bienveillantes, dans la forme autant que dans le fond, sans en exclure la fermeté. En pssant par la bouche de l`interprète, elles prirent la tournure inattendue d`une menace qui terrifia les embassadeurs.”
(Hoàng đế Napoleon III đã đáp lại bằng vài lời mà chắc hẳn nhằm xoa dịu xét cả về mặt hình thức lẫn nội dung mà không thiếu sự cứng rắn. Qua lời thông dịch viên thì những lời nói của Napoléon III — những ai ngăn cản tiến trình của Pháp nhằm đem ánh sáng văn minh đến và bảo vệ kẻ yếu với thiện ý sẽ bị đối sử khắt khe trở thành “phải có sợ” — bất ngờ nó trở thành những lời đe dọa làm các vị đại sứ hoảng sợ theo như nhận xét của Henri Rieunier).
(Hervé Bernard, “Henri Reunier et la conquête de la Cochinchine”, La conquête de la Cochinchine, 2eme partie et fin. Collection privé Hervé Bernard. trang 36-7)
Khi đã chiếm Nam Kỳ, tạm ổn định quân sự và chính trị, do nhu cầu thông tin, người Pháp đã cho xuất bản các tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp tại Sài gòn như tờ Le Bulletin officiel de l’expedition de la Cochinchine. Rồi có thêm tờ Le Courrier de Saigon. Các tờ này thật ra chỉ có nhiệm vụ thông tin hoặc đăng các thông tư, nghị định của nhà cầm quyền Pháp.
Sự ổn định quân sự và chính trị của người Pháp đã dần dần tạo ra một tình thế đã rồi và từ đó có mặt một lớp trí thức thành thị bản xứ, có tiền, có địa vị xã hội. Tầng lớp này cùng với lớp điền chủ giàu có buôn bán trở thành một thứ trung gian bản xứ, một khuôn mặt mới về chính trị và xã hội của xứ Nam Kỳ.
Tiêu biểu cho hai thành phần xã hội dân sự trên nên do nhu cầu có hai tờ báo đại diện cho các thành phần trên. Đó là các tờ “Nông-cổ Mín-đàm” (1901-1924), đại diện cho giới điền chủ và tờ “Lục tỉnh Tân văn” (1907-1943), đại diện cho lớp tư sản thành thị.
Theo sách “Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1930” của Huỳnh Văn Tòng, xuất bản năm 1973, nxb Trí Đăng đã có hằng trăm tờ báo được xuất bản trong suốt giai đoạn thế chiến thứ I.
Nhận xét của Huỳnh Văn Tòng đặt ra những vấn đề quan trọng là tại sao thời thuộc địa ở Nam Kỳ lại có nhiều báo chí như thế, mặc dầu người Pháp có chế độ kiểm duyệt khá kỹ càng như thể lệ xin phép ra báo và kiểm duyệt nội dung bài vở.
Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ, người ta được biết rằng theo đạo luật được ban hành ở Pháp và được áp dụng ở Nam Kỳ ngày 29/7/1881 cho thấy luật báo chí tại Nam Kỳ thuộc địa được nới lỏng hơn dưới chế độ bảo hộ như Trung Kỳ và Bắc Kỳ và luật ấy được quy định một cách rộng rãi như sau:
“Việc ấn hành sách báo ở Nam Kỳ được hoàn toàn tự do, dù báo chữ Pháp hay chữ Việt. Không có điều kiện tiên quyết nào để thành lập một tờ báo ở Nam Kỳ. Tất cả các loại báo sẽ được phát hành không cần sự cho phép trước và không cần ký quỹ tiền, sau khi được công bố đúng theo điều 7.”
(Ngô Hà, “Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh”. Mục Lược sử báo chí thành phố (1865-1945), nxb TP. HCM, 1988, trang 323.)
Điều thứ hai củng cố thêm việc phát triển báo chí vì việc giáo dục và phổ biến chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi tại các trường trong Nam mà ngay một trường làng cũng có một trường học dạy chữ quốc ngữ. Số người biết chữ trong Nam Kỳ hẳn là trội vượt hơn Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Vì thế, Sau 1955, ở Sài Gòn, người ta không lấy làm lạ là ngay những phu xe đạp xích-lô buổi trưa nhàn nhã cũng có thể vừa nghỉ ngơi, vừa đọc báo thoải mái.
Thứ ba, trước đây chữ Quốc ngữ chỉ là công cụ của nhà đạo trong mục đích rất khiêm tốn và giới hạn như đã trình bày trong phần đầu của bài viết qua “Sấm Truyền ca của Lữ Y Đoàn” và trong “Sách sử sang chép các việc” của lm Philiphê Bỉnh. Sau này tình trạng ấy đã vượt khỏi tầm nhìn và mục đích ban đầu của những người sáng lập ra chữ quốc ngữ.
(Còn tiếp)
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và phụ chú.
DCVOnline: (1) Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh, trong bài “Đông Cung Nhựt Trình – Hoàng Tử Cảnh” (1995-2001) trích lại Bằng Giang, “Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký”, Văn Học, 1994 thì
“Theo Bằng Giang, tr. 103 và 111, thì linh mục Đặng Đức Tuấn (cha Khâm), người từng cộng tác với Trương Vĩnh Ký trên tờ Miscellanées, là tác giả những bài: “Tự tích việc đạo nước Nam vãn và Lời khai về Việc đạo và về Giặc Tây” [= Tây Sơn], “Đức Thầy tử vi đạo vãn”… nhan đề có nhiều chỗ trùng hợp với Đại Nam Việt Sử Ký, có thể cuốn này cũng do Đặng Đức Tuấn viết rồi người đời sau bổ sung thêm cho đến tận năm 1907?”
DẤU CHÂN VĂN HỌC
Nước ta từ thuở xa xưa
Dấu chân văn học chỉ thuần quê hương
Miền quê dáng vóc ruộng đồng
Kinh đô đầy vẻ triều nghi rõ ràng
Thi ca thường chốn quan sang
Bình dân chẳng thiếu vẫn càng hay ho
Ca dao, thi tập ra trò
Chỉ điều viết truyện hiếm cho mọi người
Trung Hoa ảnh hưởng nhiều đời
Một bên Ấn Độ cũng thời sâu xa
Văn chương dầu vậy mặn mà
Cái hồn dân tộc vẫn là bề sâu
Tới khi văn hóa Châu Âu
Truyền vào Đạo Chúa lại hầu mới thêm
Nhưng mà khiêm tốn ấm êm
Ít khi tiêu biểu vang rền đó đây
Chỉ khi văn hóa người Tây
Nhập vào quả thật từ nay chuyển đời
Nổi danh Tự Lực Văn Đoàn
Một luồng gió mới hoàn toàn khác xưa
Bổng dưng mác xít nhập vào
Cuộc đời đảo lộn có nào ai hay
Cũng là thứ của phương Tây
Nhưng mà khác lạ từ đây ngại ngùng
Vô thần vô sản nói chung
Hoàn toàn chõi lại chập trùng ngàn xưa
Nên thành nói mấy cho vừa
Chỉ tôn lãnh tụ và xưng dân cày
Văn chương nghệ thuật giờ đây
Chỉ thành công cụ cho người khiển sai
Đột nhiên cộng sản rớt đài
Trên toàn thế giới quả ai có ngờ
Ôi thôi qua lúc dại khờ
Bây giờ hội nhập cùng đời bốn phương
Nghĩa là mọi chuyện tõ tường
Dấu chân văn học mọi đường lòi ra
Nhìn về quá khứ ông cha
Tự hào không hết lại ra bông đùa
Mác Lê chỉ chuyện của người
Đem về hất hết của mình toàn sai
Khác gì như chuyện liêu trai
Mọi người ú ớ sợ ma kinh hồn
Cuộc đời sau lúc bồn chồn
Để giờ mới lại tỉnh hồn là ta
Cho nên quả thật xót xa
Dẫm lên lịch sử có mà hay sao
Lạc Hồng vốn tự ngàn xưa
Tương lai còn mãi trên đời vậy thôi
NON NGÀN
(19/10/16)