Giới thiệu cuốn “Công trạng Văn học trong Các Xứ Đạo” của Lê Phụng
Nguyễn Văn Lục
Trước đây, chúng tôi đã có dịp giới thiệu về một mảng văn học Việt Nam tạm gọi là: Dòng Văn học mang dấu Chúa trên DCVOnline.net. Bài viết đó chỉ giới thiệu một vài nét chính về dòng văn học đặc sản của đạo công giáo.
Nhưng cũng trong dịp đó, chúng tôi đã có dịp nhắc đến những người có thiện chí và ý thức cao về vai trò quan trọng của dòng văn học ấy mà phần lớn đã bị bỏ quên hoặc bỏ qua không được nhắc tới. Chẳng hạn, tất cả những tài liệu, những văn bản cổ, những sách dịch Hán-Nôm, các truyện, kinh sách, vãn của nhà đạo vì một lý do nào đó đều nằm im lìm trong các thư viện Vatican, thư viện của Hội Truyền giáo Ba Lê, nhà in Nazarét ở Hồng Kong, nhà in Tân Định Saigon và rải rác tại các thư viện của giáo phận hay các nhà xứ hoặc của tư nhân.
Người có công đầu, theo tôi, trong việc khai quật lại dòng văn học này là Thanh Lãng, giáo sư Đại học Văn khoa Saigon, ông vừa giới thiệu vừa phiên âm các mảng Nôm ra chữ quốc ngữ. Trong thời gian du học, ông đã chụp được nhiều Bản Nôm Quốc Ngữ thế kỷ 17-18. Năm 1968, ông cho xuất bản cuốn “Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh”. Sách bán ế, không ai lưu tâm tới, dù chỉ in 1000 cuốn.
Những nỗ lực không mệt mỏi của ông đã được tiếp tay bởi một số các vị khác. Những người khác như Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lm Nguyễn Hưng, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lm Nguyễn Quang Chính.
Nhưng những cố gắng tập thể đầu tiên về mảng văn Học Hán Nôm của nhà đạo chỉ thực sự được thực hiện năm 1993 với sự tham dự của chẳng những người công giáo và ngoài công giáo qua một tập tài liệu nhan đề “Về sách báo của các tác giả công giáo thế kỷ XVII-XIX” do Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng Hợp TP. HCM thực hiện. Trong đó có những bài viết chuyên đề của Nguyễn Nhã, Một cảm tưởng. Trần Thái Đỉnh, Vài cảm tưởng sơ khởi về Sấm Truyền ca và giới thiệu Sấm Truyền ca của Lữ Y Đoàn.
Tại hải ngoại thì hầu như chưa có là bao. Mãi đến 10/4/2004, mới có bữa ăn gây quỹ tại Pasadena, tại Nam California do Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation), trụ sở ở North Carolina nhằm thực hiện Bộ Tự điển quan trọng nhất, “Bộ Tự điển Nôm-Quốc ngữ”. Cho đến nay, tôi biết đã có trang “Tra Cứu Chữ Nôm” từ chữ quốc ngữ, chữ Hán Nôm, tiếng Anh, etc.
Năm 2007, tại California, Lm Anthony Trần Văn Kiệm, gốc Bùi Chu, nguyên là giáo sư toán học, học tại Hoa Kỳ, đã cho xuất bản bộ Tự điển ba tập: Từ điển văn học Việt Nam. Cả ba tập dài hơn 2000 trang mà không có đến một lời giới thiệu công trình của vị linh mục này. Và cũng không có một cơ quan văn hóa nào đỡ đầu. Trong chỗ riêng tư, tôi chỉ biết một người đã bỏ tiền ra cho chi phí in ấn mà thôi. Thật đáng tiếc.
Ngoài ra, chúng tôi không thể nào không nhắc tới một học giả ngoại quốc, Lm Roland Jacques, tác giả rất nhiều bài nghiên cứu về văn học nhà đạo như: Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ. Phải chăng cần viết lại lịch sử? Lm Roland Jacques, dòng thừa sai (Oblat), gốc người Pháp. Cử nhân luật đại học công giáo Paris. Ông được học bổng của chính phủ Bồ Đâo Nha sang Việt Nam nghiên cứu về lịch sử giáo hội và ngôn ngữ Việt Nam các năm 1995-1996. Ông nói viết thông thạo chữ Việt, đọc được chữ Nôm.
Tác phẩm đầu tiên của ông là “Le premier synode du Tonkin-14 février 1670”. Tài liệu thứ hai là “L’oeuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650”, và rất nhiều công trình khác. Những công trình này sẽ làm đảo lộn một số kiến thức sẵn có về sự hình thành chữ Quốc ngữ cũng như mảng văn học Nôm nhà đạo. Chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu tài liệu của Lm Roland Jacques trong những bài viết sau.
Riêng tại Montréal, Québec, có một sự hợp tác kết hợp khá đặc biệt giữa Nguyễn Văn Trung và Lê Phụng, một người công giáo và một người ngoài công giáo, cho công việc làm văn hóa này như lời kể lại của Nguyễn văn Trung sau đây:
“Từ nhiều năm qua, ông Lê Phụng và tôi cùng ở Montreal, chúng tôi gặp nhau cả buổi hàng tuần hay hàng tháng để thông tin cho nhau những kiến thức mình có về đề tài hoặc về một tài liệu, tác giả giới thiệu những tài liệu mỗi người đã kiếm ra, trao đổi những giả thuyết, giải thích, rồi mỗi người viết riêng theo cách của mình, có thể đăng bài chỗ nọ chỗ kia chứ không viết chung. Nhưng sau đó có thể dùng các bài của nhau cho một công trình chung như công trình này. Do đó, người đọc không ngạc nhiên vì các bài của hai người thường trích dẫn những tài liệu giống nhau mà không nêu xuất xứ.”
(Nguyễn Văn Trung, “Nghiên cứu Việt Nam Liên Bản. Đưa tư tưởng văn học Việt Nam truyền thống vào diễn đàn tư tưởng Văn học thế giới”, năm 2004, trang 3, bản photocopy, 670 trang).
Tuy nhiên, các công trình biên soạn của Lê Phụng được dịp phô diễn tài năng, óc sáng tạo của ông là nhờ Tạp chí Truyền Thông. Hầu như ông là tác giả viết nhiều nhất trên Truyền Thông trên 10 năm qua mà mỗi số báo hầu như là một tập sách chuyên đề do Phạm Hữu Trác điều hành. Truyền Thông là Lê Phụng có thể nói như thế.
Đôi dòng giới thiệu tác giả Lê Phụng
Hầu như không mấy ai biết hoặc nghe tên Lê Phụng. Những người biết và đọc ông thì 10 người không trừ, trong đó có tôi, đều cho là đọc ông không hiểu gì. Phải chăng tác giả Lê Phụng kén người đọc? Người đọc không có những chuẩn bị cần thiết khi đọc tác giả? Tác giả chỉ viết cho một giới chuyên môn nào đó? Tất cả đều có thể và cũng không hẳn là vậy.
Theo tôi, tác giả Lê Phụng có một chủ đích rất rõ rệt khi viết nghiên cứu. Hầu như bất cứ bài biên khảo nào của ông cũng là cái nhìn Liên văn bản (intertexte). Điều này cũng có phần giống như khoa học về tôn giáo so sánh, hay tôn giáo tỉ giảo. Và nhờ sự so sánh ấy người ta nêu bật và hiểu rõ thực chất của mỗi tôn giáo. Tuy nhiên, lối viết này quá phức tạp, dàn trải rộng khiến độc giả bị lạc như vào một khu rừng, thiếu tập trung nên người đọc không đủ kiên nhẫn theo dõi tiếp. Tôi lấy một vài tỉ dụ rất cụ thể như khi bàn về kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Lê Phụng đã đề cao tính Việt hóa, hoàn toàn không xử dụng từ Hán Việt mà thuần Việt bình dân. Nhưng ông lại trưng dẫn thêm kinh Lạy Cha theo người Tàu đọc như thế nào. Điều này khiến người đọc không theo dõi kịp. Phần tôi khi đọc tác giả, tôi áp dụng lối “giảm trừ”, nghĩa là phần nào tôi thấy không cần khai triển, tôi gạt bỏ ngay và nhờ thế, tôi đọc và theo dõi một cách tương đối dễ dàng, không mấy khó khăn.
Cũng vậy, khi đọc bài biên khảo, “Hàn Mặc Tử, Bút hiệu và mộng siêu thực”, tôi cho đây là bài viết “khó đọc nhất” của tác giả, vận dụng nhiều khái niệm trừu tượng trong thuyết lý của Đạo Đức Kinh, thuyết lý nhà Phật, thuyết lý theo nguyên lý sáng tạo Trời đất của đạo công giáo, thuyết lý về lưỡng tính của nhiều tác giả Pháp cũng như Việt Nam. Tác giả còn tham lam viện dẫn nỗi đam mê siêu việt của Hàn Mạc Tử có sự tương đồng với nỗi đam mê của thánh Augustin hoặc của thánh Thérèse de Lisieux. Sự đòi hỏi từng ấy thuyết lý của tác giả đối với người đọc là một điều không khả thể.
Nhưng nếu người đọc nào đã từng đọc cuộc đời thánh nữ Tê rê xa để thấy thánh nữ này coi Thiên Chúa như một thứ “Người tình”, một thứ tình yêu độc đoán, đòi hỏi đến một thứ Dieu Jaloux, Thiên Chúa đố kỵ, không còn cho phép xen vào bất cứ một thứ tình cảm nào khác thì có thể hiểu được tại sao Lê Phụng lại viết như thế?
Thơ Hàn Mặc Tử. Đó là những dòng thơ Siêu thực, thoát tục, cõi thực và mơ, cõi người và thế giới bên kia, Chơi giữa mùa trăng. Thơ Siêu thực thì phải có người viết siêu thực, tôi tự biết mình hiểu được chút gì thì nói đến đó. Amen.
Vì thế, khi tác giả Lê Phụng viết về bất cứ đề tài nào dù văn học hay tôn giáo, ông đều có tham vọng cài đặt hoặc so sánh nó với các tác giả khác, nền văn hóa khác. Mà đặc biệt là văn hóa Trung Hoa hoặc văn hóa Tây Phương.
Tôi đưa ra bằng chứng. Trong các bài biên khảo về Nguyễn Công Trứ (1778-1858) nhan đề: Đối đãi trong thơ Nguyễn Công Trứ (Truyền Thông, số 25, mùa thu 2007). Ông đưa ra thuyết Trung Dung, lấy trong Kinh Thư. Nếu người nào hiểu thuyết Trung Dung là không thiên lệch, không nghiêng về bên nào, không cực đoan mà bao dung, ôn hòa cả trong ngoài, cả trên dưới thì sẽ không khó khăn gì trong việc tìm hiểu cách xử thế của Nguyễn Công Trứ. Và nếu hiểu được Trung Dung thì sẽ hiểu tại sao Lê Phụng dùng chữ Đối Đãi trong tựa đề bài viết về Nguyễn Công Trứ. Hay quá là hay.
Sau này, Lm Vũ Đình Trác cũng nhận ra nơi nhà nho Nguyễn Công Trứ có chủ trương một thứ triết lý Chấp Sinh. Nếu người nào có đôi chút hiểu biết sơ sài về triết lý Tây Phương thì sẽ nhận ra triết lý Chấp Sinh rất gần gũi với triết lý hiện sinh của Tây Phương.
Cái khó mà người đọc Lê Phụng đọc không hiểu ông nó nằm ở chỗ ấy. Vậy thì lỗi tác giả hay người đọc?
Trong một bài biên khảo công phu, tham bác về Nguyễn Du (Truyền Thông, sô 39-40, 2011), chủ đề là cái buồn của Nguyễn Du. Bài Biên khảo nội bề dày của nó cũng đáng nể, 250 trang. Sau đó là bài Biên khảo của Trần Ngọc Ninh. (Lê Phụng dạy toán, Trần Ngọc Ninh, dạy y khoa) Vậy mà cả hai đều uyên bác về Văn Triết sử và tôn giáo.
Tôi cho đây là số Truyền Thông đáng giá nhất dành vinh dự cho người chủ trương Truyền Thông, Phạm Hữu Trác – một người có hơn 50 hành nghề y khoa ở trong và ngoài nước. Thói thường, khi nói đến nỗi buồn của Nguyễn Du, người ta quen lệ máy móc dở bất cứ trang nào của truyện Kiều cũng thấy Nguyễn Du buồn cả. Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đào Duy Anh rồi đến Hoài Thanh, Trương Chính đều đi tìm khuôn mặt Nguyễn Du qua nỗi buồn. Và sau đó vội tán dông dài đủ thứ nỗi buồn. Nhưng đố ai dứt khoát Nguyễn Du buồn gì? Phần tôi, tôi có thể có nhận xét thế này. Thơ văn nào của Việt Nam cũng buồn cả. Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm là nỗi thở dài của thân phận đàn bà. Đọc hơn 3000 câu thơ truyện Kiều, người ta có thể tìm thấy tất cả cái gì người ta muốn tìm. Tôn giáo ư? Cả ba tôn giáo đều có mặt. Triêt lý ư? Triêt lý kiểu gì cũng có mặt. Tả cảnh, tả tình đều không thiếu.
Vậy thì gán cho Nguyễn Du nhãn hiệu gì cũng đều đúng cả mà lại không đúng! Và vì thế, tôi tin rằng lấy truyện Kiều mà xét tâm sự Nguyễn Du là một nhận xét phiến diện. Tôi không phục những người đi trước.
Lê Phụng đi ra ngoài khuôn khổ, khác thường, khác người, không tìm hiểu Nguyễn Du qua truyện Kiều. Ông dở ra 237 bài thơ của Nguyễn Du trong các tập Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp Ngâm và Bắc Hành thi tập. Mỗi bài thơ là một thông điệp, gửi gấm nhắn nhe. Phải chăng chỉ trong những bài thơ này, ta hiểu được Nguyễn Du? Câu trả lời thế nào, xin đọc Lê Phụng.
Phần tôi, vốn không rành thơ, nhưng mỗi câu thơ trong 237 bài thơ này làm tôi đôi lúc rúng động.
Tiếp theo, tôi phải nói thế nào về những bài biên khảo của Lê Phụng về Hàn Mạc Tử, về Hồ Xuân Hương? Tôi chỉ có thể nói, nó không giống như lối mòn suy nghĩ của chúng ta.
Đôi dòng giới thiệu cuốn “Công trạng Văn học trong Các Xứ Đạo”
Phải nhìn nhận rằng một người không phải người công giáo mà viết nghiên cứu một cách tường tận và quảng bác về nếp sinh hoạt xứ đạo dựa trên những tài liệu quý hiếm từ thế kỷ 17 như Lê Phụng là không có đến người thứ hai.
Nói chung, về nội dung các đề tài đề cập đến trong cuốn sách thì một phần không nhỏ ông đã viết trước đây nay sắp xếp lại cho có thứ tự mạch lạc.
Chủ đích cũng như phương pháp trình bày như đã nói ở trên là ông chú trọng đến vấn đề Liên văn bản. Có nghĩa là tìm hiểu văn học nhà đạo, chủ yếu là Hán-Nôm so sánh với văn học, văn hóa ngoài luồng nhà đạo.
Chẳng hạn trong phần dịch nôm ba truyện trong hạnh các thánh công giáo là: Truyện thánh Marina, truyện thánh Théodore, truyện thánh Pelopa. Cả ba vị thánh này đều giả trai để đi tu vì những lý do khác nhau và sau đó bị những tiếng hàm oan như làm con gái chửa hoang, v.v. Họ đều chịu những lời tiếng thị phi, kết án rất bất công và nặng nề của dư luận trong suốt cuộc đời tu trì. Chỉ khi họ chết thì họ mới rửa được nỗi oan tinh, bởi vì người đời chỉ biết họ vốn là nữ nhân khi tẩm liệm thân xác họ. Lê Phụng không chú trọng đến đức hạnh của ba vị thánh này, nhưng tìm một lối tiếp cận cho thấy nó có điểm tương đồng với các truyện Quan Âm Thị Kính, truyện Nữ tú tài của Việt Nam.
Trong phần 5, tác giả dành để nói về 3 đề tài: Tuồng thương khó, Tuồng bảy mối tội và Đức Chúa Bà tự tình vãn. Đây là những nét văn hóa mang sắc thái đặc chủng văn hóa Việt. Hãy tạm quên đi nội dung tôn giáo vốn lấy lại tinh thần của một tác giả người Đức. Ở đây từ ca từ, vần điệu, điệu nhạc, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng chiêng và quần áo y phục của khoảng 30 chục diễn viên. Chưa kể đến ánh sáng của đèn nến, của không khí âm u, buồn thảm, tang tóc trong tuần lễ Chúa chịu nạn. Chưa nói cho đủ giọng ngâm của các “nghệ nhân” đóng vai trong tuồng tích như vai Chúa, vai quân dữ, vai Giu Đa phản bội Chúa. Tất cả lớp lang, trang nghiêm trong khung cảnh nửa hiện thực đem lại một sự thương cảm khó cắt nghĩa bằng lời. Một cảm nghiệm tôn giáo, một thứ giao cảm Người-Người, giao cảm Người-Thiên Chúa và giao cảm về cái chết, biên giới sai biệt giữa Người-và Siêu nhiên.
Tôi thậm nghĩ đây là một cảm nghiệm tâm linh mà chỉ những ai từng kinh qua mới hiểu hết được mọi lẽ.
Người viết xin hẹn một dịp khác sẽ viết về một tập hợp gồm 42 của 111 cuốn sách “chữ Nôm Công giáo” do DCVOnline sưu tập, viết bằng chữ Nôm và đã được dịch ra Quốc Ngữ.
Phần tác giả Lê Phụng, qua tập sách này cho thấy ông xứng đáng là nhà nghiên cứu có tầm vóc ở trên người và hơn người.
Vậy mà trong phần chi chú về mình, ông chỉ tự ghi ông chỉ là một người đã nghỉ hưu và hiện nay đang ở một nhà già bên vùng Brossard. Mời bạn đọc vào đọc tác giả.
© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline minh hoạ