I n M e m o r i a m Lê Phụng (1933-2017)

Nguyễn Văn Lục

Lê Phụng vừa nằm xuống ngày 11 tháng 11, 2017. Tin đến gây bàng hoàng cho vài bạn bè. Cái chết của riêng ông có thể đã xong. Ông đã chuẩn bị chờ nó và ngay cả sắp xếp cho chuyến ra đi một cách rất “Lê Phụng”.

Đối với người đời. Có thể là một hoàn tất, một kiếp người, một giải thoát, một trở về, một thân phận người. Hiểu theo tôn giáo thì nghĩ rằng cát bụi trở về cát bụi. Hoặc một chuyển nghiệp.

Thôi thì tùy theo mỗi cá nhân đặt để.

Nhưng cái phần còn của công trình viết của Lê Phụng là một gia tài đồ sộ, “vươt mọi khuôn khổ” nhận thức đời thường ít được ai biết tới hoặc chia xẻ nhìn nhận thì quả thực là chưa xong. Và có lẽ đó là điều mà Lê Phụng ra đi chưa cảm thấy yên tâm. Cho đến phút chót. Ông vẫn mong muốn, đến hối hả, để thấy những công trình nghiên cứu của ông có bảng tra cuối sách và được phổ biến. Chuyện ấy đã không diễn ra hay chưa diễn ra như lòng mong đợi của ông.

Phải chăng đó là những điều ông cảm thấy chưa trọn vẹn.

Cả đời ông, không có chuyện gì quan trọng hơn việc đọc và viết. Tôi thấy thật hiếm người có thể mê say chuyện sách đèn đến như thế, và mọi chuyện khác đều không được ông quan tâm. Từ những chuyện đời thường, chuyện bạn bè, chuyện giao tế, chuyện gia đình đến chuyện cá nhân như chuyện ăn ngủ, sinh lý tình dục, tất cả ông đều “coi nhẹ”. Mãi cho đến cuối đời, trong lúc tâm sự vụn với bạn bè, ông mới chợt tỉnh và thấy rằng ông đã bỏ quên “chuyện ấy” và để tuổi thanh xuân qua đi lúc nào không hay.

Quả đúng là cái nghiệp cầm bút.

Bạn bè của ông đếm không quá 10 ngón tay. Dù ông có muốn cũng không được. Ông có thể nói gì với họ đây?

Cái nghiệp ấy không đem lại cho ông chút hào quang nào mà chính ra nó đáng được trân trọng.

Cây bút của ông thật quá khó cho bất cứ ai muốn đọc ông. Anh em trong DCVOnline.net đã hẳn phải đánh vật với chữ nghĩa của Lê Phụng mỗi khi đăng bài của ông.

Đây là một tỉ dụ dẫn chứng. Khi viết về Nguyễn Du, phần đông các tác giả đều căn cứ trên chính truyện Kiều để bình luận khen chê. Mười bài viết thì hết 9 bài viết gần giống nhau vì đi cùng một lối mòn. Ở miền Nam, năm 1965, Lê Ngọc Trụ, Bửu Cầm có thiết lập một “Thư mục về Nguyễn Du”, nằm trong tủ sách của Viện Khảo cổ, Bộ Giáo dục Sài gòn gồm danh sách các bài viết về Nguyễn Du. Trong đó có 128 bài về tiểu sử, gia phả, 67 bài bàn về lai lịch truyện Kiều, 13 bài về giai thoại, 68 bài về vịnh truyện Kiều, 29 bài về khảo cứu. Chỉ có 9 bài bàn văn chương, nghệ thuật truyện Kiều

Trong phần mở đầu trong cuộc họp ngày 24 tháng 3 năm 1965 có ghi:

“biên soạn một cuốn thư mục về Nguyễn Du với sự bảo trợ của trường Đại Học Văn Khoa, Sài Gòn, Viện Khảo cổ, Nha Văn Khố và thư viện Quốc Gia. Công việc biên soạn được giao phó cho ông Lê Ngọc Trụ, Trưởng ban Thư Mục tại thư viện Quốc Gia và ông Bửu Cầm, Trưởng ban sưu tầm tại Viện Khảo Cổ.”
(Trích Thư Mục Lời tựa, trang 67)

Hà Nội sau 1975, khi Lê Xuân Lít đã sưu tầm 185 bài viết vể truyện Kiều trong tác phẩm tựa đề: 200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều năm 2005, do Nhà xuất bản Giáo dục in. Câc bài ấy nói chung, nội dung không khác gì trong Nam, ví cũng trích dẫn hầu hết các tác giả trong miền Nam trước 1975. Trong đó có chương bàn về: Những tranh luận về Truyện Kiều, Địa vị và ảnh hưởng của Truyện Kiều Văn Bản truyện Kiều, Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. Triết lý truyện Kiều và giá trị Nhân Văn, Nhân vật trong truyện Kiều, Kết cấu, hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ truyện Kiều. (Phan Văn Lít, “200 năm Nghiên cứu bàn luận truyện Kiều”, nxb Giáo dục, 2005, 1989 trang, in trên giấy mỏng đặc biệt)

2011 Lê Phụng và Trần Ngọc Ninh đã viết chung trong số Truyền Thông năm 2011 về Nguyễn Du, dày 312. Sau này, Lê Xuân Lít, nếu tái bản “200 năm Nghiên cứu bàn luận truyện Kiều”, liệu ông có liệt kê công trình tuyệt sắc của Lê Phụng và Trần Ngọc Ninh chăng?

Lê Phụng viết khác mọi người. Viết về Nguyễn Du, ông lại tập trung vào các tài liệu, thơ văn bằng chữ Hán qua các bài thơ trong các tập sách như Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tập ngâm và và Bắc Hành tạp lục.

Phải chăng chính qua những bài thơ ấy, người ta mới tìm thấy cái tâm tư thực của Nguyễn Du? Cái tâm sự sâu kín suốt hơn 20 năm làm thơ như một thứ nhật ký cuộc đời Nguyễn Du? Còn truyện Kiều, dù là một tác phẩm lớn, nhưng Kiều có thể chỉ là nơi Nguyễn Du dùng để gửi gắm tâm sự của mình? Vì thế, mọi suy đoán về Nguyễn Du đều có tính cách giả định, như tâm sự Hoài Lê, như nỗi buồn của Nguyễn Du, v.v..

Và nhờ đọc các bài thơ này, Lê Phụng mới có thể khẳng định, không có chỗ nào cho thấy Nguyễn Du có tâm trạng hoài Lê như thói quen suy diễn? Cũng chính vì thế, Lê Phụng đã dành hẳn một chương nói về Nỗi buồn của Nguyễn Du. Đọc nỗi buồn Nguyễn Du của Lê Phụng hẳn là khác với các tác giả viết suy diễn nỗi buồn của Tố Như qua các câu thơ trong truyện Kiều.

Sự sâu sắc của Lê Phụng nằm ở chỗ đó và khác người cũng ở chỗ đó. Trong việc nghiên cứu, ông đi tìm những cái mới cái lạ, cái “ không ai nói tới”, những tác giả “mồ côi” chữ nghĩa từ xa xưa, từ cổ chí kim rồi ráp nối lại theo lối phân tích thông thời, lịch đại (diachronique/diachrony)

Nhiều người có nghe tiếng Lê Phụng thì cùng lắm cũng chỉ khen ông là người uyên bác. Nhưng uyên bác thế nào thì quả thực không dễ để biết. Có thể nói, số phận chữ nghĩa của ông mang lại sự bạc bẽo nhất. Cũng vì thế, ông là người vừa cô độc, vừa cô đơn trong suốt cuộc hành trình chữ nghĩa này. Phải chăng ông chọn sự cô đơn như lý lẽ đời ông trong khi cầm bút cũng như trong đời sống thường. Trong căn nhà rông có tầng, mình ông một cõi chìm sâu trong những dòng suy tưởng mà chỉ trong cái khung cảnh như thế, chữ nghĩa mới bò ra, mới xuất hiện!

Người hiểu và chia xẻ các công trình sáng tác “độc nhất vô nhị” của ông họa chăng chỉ có vài người như Phạm Hữu Trác. Và Nguyễn Văn Trung?

Phạm Hữu Trác là người đã đưa tư tưởng của Lê Phụng ra cõi người qua một số báo Truyền Thông từ 2001 đến 2011 như: Truyện trò với đầu lâu ( số 1, 2001). Tư Duy trong thơ Nguyễn Khuyến (số 19-20, Xuân-Hè 2006). Đối đãi trong thơ Nguyễn Công Trứ ( số 25, 2007) Ngũ Phúc, số 30-31, 2009). Nhất là Nguyễn Du (số 30-40, Đông-Xuân 2011)

Một trong nhiều tác phẩm của Lê Phụng. Nguồn: DCVOnline.net (mục Tài liệu)

Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là một phần trong gia tài biên khảo của Lê Phụng.

Năm 2004 Lê Phụng và Nguyễn Văn Trung đã hợp tác, chia xẻ, gợi ý cho nhau về chủ đề văn học Việt Nam. Và Nguyễn Văn Trung có thể cung cấp cho Lê Phụng một số tư liệu “nhà đạo” để sau này Lê Phụng có thể viết hẳn một chuyên đề đồ sộ, sâu săc mang tên: Dòng Văn Học mang dấu Chúa. Đây có thể nói, Lê Phụng là người duy nhất “ngoài đạo” hiểu sấu săc về đạo, viết về đạo như người trong cuộc.

Kết quả hợp tác giữa Lê Phụng và Nguyễn Văn Trung là một tập tư liệu dày khoảng 600 trang trong đó đượm sắc đạo, mầu thiền, Lề Nho. “Đưa tư tưởng văn học Việt Nam truyền thống vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới” là tựa đề của tập tư liệu của Nguyễn Văn Trung và Lê Phụng được phổ biến rất giới hạn dưới hình thức photocopy. Vào tháng 4, 2004.

Và chắc hẳn, con nhiều tập tài liệu khác dưới dạng bản thảo còn nằm trong kệ sách ở nhà ông?

Về số Truyền Thông đầu tiên do Phạm Hữu Trác phụ trách, số tháng 11-2001, Lê Phụng với chuyên đề: Truyện trò với đầu lâu. “Truyện trò với đầu lâu” là một phần bộ cũng nằm trong dòng văn học mang dấu Chúa.

Tôi đã kinh ngạc khi đọc bài này. Đó là những kiến thức “ngoại hạng” rút ruột từ kinh thánh ở cái chỗ uyên nguyên của đạo giáo. Như khi ông biện giải câu nói sau đây của Chúa nói với Moi sen, “Dieu dit à Moise: Je suis qui je suis.” Theo Lê Phụng,

“Kinh Thánh trọn bộ, TP Hồ Chí Minh 1988 đã dịch ra tiếng Việt là: “Thiên Chúa phán với ông Mô- Sê: Ta là Đấng Hiện Hữu.”” (Nguyễn Văn Trung và Lê Phụng, “Đưa tư tưởng Văn Học Việt Nam truyền thống vào diễn đàn tư tưởng văn học thế giới”, tư liệu photpcopy, trang 114-115).

Có nghĩa là Đấng tự tạo, tự hữu. Theo tôi khi dịch là Đấng Hiện Hữu không sát nghĩa bằng chữ “Tự Hữu”.

Người thường không thể dễ dàng hiểu về vấn đề Thượng đế tự hữu. Sau đó ông so sánh với Phật, Lão, Bà La Môn, Khổng giáo, v.v.

Rồi khởi đi từ Kinh Thánh, ông dõi cái nhìn của một thức giả nhìn ra được những mối liên hệ liên thuộc giữa các dòng tư tưởng lớn như từ Nho Giáo, từ Lão Tử Đạo Đức Kinh rồi từ các tác giả như Hàn Mặc Tử, Tản Đà. Từ tài liệu các sách chữ Nho, chữ Pháp, chữ Anh.

Và để cho cuộc đối thoại với đầu lâu (tức là sự chết) trở nên linh động, ông dùng lối viết mà ông gọi là “bút thuật đa thoại”, tiếng Pháp là polyphonie. Có nghĩa là, ông dùng thuật ngữ trong âm nhạc, coi các cuộc đối thoại như những “tiết khúc” gồm nhiều tiết khúc, trong một bản nhạc. Từ tiêt khúc dạo, mở đầu đến các tiết khúc trung tâm, cái thì như khúc dạo, cái thì như điểm trung tâm mà tất cả tạo thành một hòa điệu.

Theo cách tôi hiểu thông thường thì đây là lối viết Liên văn bản (intertexte) kết hợp nhiều nguồn tư tưởng từ tôn giáo, từ triết học Đông Tây cho đến các giả Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Tản Đà.

Thật ra chuyên đề Truyện trò với đầu lâu như nói ở trên chỉ nằm trong một tổng thể mà Lê Phụng gọi là: Văn Học mang dấu Chúa..

Tôi cũng thật thích thú với sự so sánh giữa Kinh Cầu Hồn (Kinh của địa phận Phát Diệm do Giám mục Joannes Baptista cho in Imprimature ngày 20-11-1938). Kinh này, để tiếp cận với Kinh Vu Lan Bồn bên Đạo Phật, dài gần 100 câu theo thể thơ 4 chữ như:

“Lạy Chúa tôi ôi!
Chúa đã phán lời:
Tao là Chúa cả…”

Kinh Vu Lan Bồn tiềng Việt ở dạng thơ song thất lục bát, chuyển dịch từ bản Hán văn (佛說報恩奉盆經, Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh).

“Một thuở nọ Thế Tôn an trụ
Xá Vệ thành Kỳ Thụ viên trung
Mục Liên mới đặng lục thông
Muốn cho cha mẹ khỏi vòng trầm luân…”

Nười ta tin rằng nguyên bản Kinh Vu Lan Bồn viết tiếng Phạn. Bản Ullambana Sutra (© Buddhist Text Translation Society) tiếng Anh cũng làn bản dịch từ Hán văn.

Cả hai thể thơ bốn chữ và song thất lục bát này dễ đọc truyền miệng và dễ nhớ. Và không biết do sự tiếp cận ra sao mà cả hai kinh đều dùng thể thơ. Chắc hẳn Kinh Vu Lan Bồn thì đã có trước và Kinh Cầu Hồn chỉ là biết khôn khéo xử dụng hình thức thơ  cho bổn đạo đọc thuộc lòng.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi khi còn nhỏ là khi đọc Kinh Cầu Hồn mà nhịp điệu mỗi lúc tăng vận tốc như thúc dục, như van nài, các câu đuổi nhau mà như thể không kịp thở. Nó tạo nên một ảnh hưởng tâm sinh lý như ngất ngây; về bề ngoài càng đọc, âm thanh càng vang dội; về thể xác, cả đám đông đầu lắc lư chao đảo ngoài sự kiểm soát của trí năng đến độ tạo một sự cảm xúc tập thể như thể những người đang lên đồng. Sự sốt sắng ngất ngây, niềm hưng phấn như tràn dâng do cả một khối người, cùng một cung điệu cất lên, và điểm đỉnh của nó, theo cách nói nhà đạo là lúc đó trở thành những kẻ “nói tiếng la”.

Đây là một kinh nghiệm tôn giáo hiếm hoi độc nhất vô nhị.

Cũng vậy, khi người ta tụng niệm A Di Đà Phật với tiếng mõ cầm chịch mới đầu còn chậm sau tiếng mõ càng dồn dập hối hả cũng tạo ra một sự phấn khích tương tự.

Đối chiếu hai bài kinh thì nội dung đều muốn bày tỏ lòng con cái muốn đáp lại ơn sinh thành của cha mẹ, đồng thời cầu bầu cho vong hồn còn mắc trong lửa hỏa ngục.

“Như cha mẹ bảy đời quá-vãng
Sẽ hóa-sanh về cõi thiên-cung
Người thời tuấn-tú hình-dung
Hào-quang chiếu sáng khắp cùng châu-thân”

Kinh Vu Lan Bồn thì mong cha mẹ sớm thoát hoả ngục đưa về cõi thiên cung. Nghi thức Kinh Lan Bồn như một diễn tả chu kỳ từ cõi sống đến cõi chết và đi tới sự tái đầu thai. Nó như nối kết sự sống và sự chết ở kiếp sau. Nó như một nghi thức của sự bước qua. Nó có khác chi quan niệm tái sinh của người công giáo?

(Về nghi thức Vu Lan Bồn cũng được một tác giả khác là giáo sư Trần Thái Đỉnh viết trong sách: Kinh nguyện quanh năm Địa phận Bùi Chu, Kinh Phục Rĩ, trang 281-284 và Kinh Cầu Hồn (diễn ca), trang 285-288)

Lê Phụng đặt ra câu hỏi:

“Suy rộng hơn, điều cầu xin của người theo đạo Chúa, đọc kinh lần hạt mong được bình an trong tâm hồn “Khi nay và trong giờ lâm tử” hỏi có khác nào điều ước mong của người con Phật tụng Nam vô A Di Đà Phật hay giải công án để tìm thấy tâm thân an lạc trong kiếp này và sang kiếp sau trong cõi Siêu sinh? Phải chăng đó cũng là “cách khéo léo cái sống để khéo lo cái chết” của người đọc sách Trang Tử?”
(Nguyễn Văn Trung và Lê Phụng, ibid., trang 24-25)

Tôi cho đây là những so sánh rất lý thú và sâu sắc của Lê Phụng.

Đi xa hơn nữa, ông còn đề cập đến vấn đề phái tính nữ trong các tôn giáo. Như truyện Quan Âm Thị Kính hay các truyện Theodora, Marina, Margaret Pelagia của Tây Phương.

Cùng một dòng suy nghĩ như Lê Phụng, Thanh Lãng đã viết tập “Thử thiết lập”, hồ sơ 2 người con gái: 1, con của Phật; 1, con của Chúa vào ngày 27 tháng 11, 1987 trước khi ông qua đời vào ngày 12-1988. Đây là một đề tài phức tạp.

Còn biết bao nhiêu công trinh khảo cứu của tác giả Lê Phụng như: Niềm tin Nữ thần linh trong văn học truyền thống. Nứ tính trong thi và họa. Phật Bà Quan Âm Thị Kính. (Môt người sống cô độc mà lại vịn vai nữ tính, đề cao sự có mặt của họ trong nhiều công trình sưu khảo của mình). Văn Học mang dấu Chúa với tác phẩm của Lữ Y Đoàn, v.v.. Hàn Mạc Tử và siêu thực. Thơ Thiền Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Kim Vân Kiều. Hoa Việt Nhật, tác giả Hoàng Trung Mân Lang (Hatakesnata Toshio), dịch giả Lê Phụng. Dòng thơ Trúc Lâm. Lê Phụng và Trần Đức Cương. Dòng thơ Lão Chài. Nền Nho tục nhà.

Tôi chỉ xin tạm thời nêu một số các biên khảo của một bậc đàn anh mà sức tôi không đủ để chuyên chở hết và không đủ điều kiện cũng như trang bị để giải mã tất cả. Xin hẹn dịp khác.

Vĩnh biệt anh Lê Phụng, một con người trên muôn người. Và nay cả Thiên đàng và Niết Bàn đều có giấy mời anh vào.

© 2017 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

1 Comment on “I n M e m o r i a m Lê Phụng (1933-2017)

  1. ĐỜI NGƯỜI VÀ TÁC PHẨM

    Nhìn kìa cây cỏ trên đời
    Trước sau làm cảnh cho người ngắm xem
    Cả như loài vật đi kèm
    Cũng đều vô giác hoặc là vô tri !

    Con người mới khác thường khi
    Bởi vì nhận thức thảy đều vượt lên
    Tuy cùng một mẫu số chung
    Thảy đều vật thể riêng người khác thôi !

    Tức là sự sống hay không
    Nhưng người trước hết là trong tinh thần
    Chỉ nhờ nhận thức vạn lần
    Hay là sáng tạo triệu phần mà thôi !

    Người hơn muôn vật đúng rồi
    Vì toàn tác phẩm cho người đời sau
    Vạn điều đều chỉ qua mau
    Chỉ phần tác phẩm còn hoài thế gian !

    Nhưng mà đều phải vẹn toàn
    Nếu toàn ấm ớ cũng mong nỗi gì
    Nguyến Du danh tiếng Truyện Kiều
    Vốn là tác phẩm để đời ngàn sau !

    Dẫu mà chẳng chỉ giản đơn
    Vì nhiều tác phẩm viết toàn chữ Nho
    Tức là chúng chỉ quanh co
    Có đâu trực diện tiếng mình được sao !

    Thành ra chỉ mỗi Truyện Kiều
    Dân ta cũng hiểu được toàn Nguyễn Du
    Đỉnh cao nghệ thuật Tố Như
    Qua thơ lục bát hầu như tuyệt vời !

    Việt Nam quả mãi tự hào
    Dẫu ngàn năm nữa chắc nào ai hơn
    Bởi vì tam bách dư niên
    Biết ai có hiểu hết toàn Nguyễn Du !

    Nhân văn tư tưởng đều cao
    Tâm tình đa diện đâu nào chỉ thơ
    Nhưng thơ lại kiểu thiên tài
    Như toàn đi dạo trên đường khác đâu !

    Khiến thành đến mãi ngàn sau
    khó ai sánh được tài này Tố Như
    Đó là tác phẩm con người
    Ngàn năm còn mãi dẫu người đều qua !

    ĐẠI NGÀN
    (19/11/17)