Khăn choàng: Trái nho hay khủng bố?

Trần Thị Vĩnh Tường

gsi-300x200Người Tibet người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) chết dòng dã chết thê thảm, khủng bố là Trung quốc. Dù chăm chỉ thiền chăm chỉ đi nghe Datlai Lama nhưng không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.

Trung Ðông (Middle East), một vùng cực kỳ đa dạng về ngôn ngữ, sắc tộc, niềm tin, văn hóa, mỹ thuật… Tiếng Ả Rập (Arabic), “Islam” chỉ tôn giáo, “Muslim” chỉ tín đồ Islam. Không phải người ở vùng Trung Đông đều theo Islam, hoặc người Pakistan đều là Muslim, hoặc tất cả người Muslim đều là… khủng bố. Không phải tất cả người Iran là người Ba Tư (Persian). Iran là tên của quốc gia, còn Ba Tư là tên sắc tộc chiếm 60% cư dân xứ Iran.

Tiếng Việt dùng chung chữ “Hồi” cho nhiều ý niệm: Hồi giáo/Islam, người Hồi/Muslim hay Hồi Quốc lại là xứ Pakistan. Nếu đọc lướt qua sẽ không hiểu Hồi nào với Hồi nào. Có “học giả” còn giải thích chữ “Hồi Kê” là …”con gà trở về.”

Trung Đông. Nguồn: Google Maps
Trung Đông. Nguồn: Google Maps

Sự thật ở đâu?

Khuyết điểm (chung) lớn nhất của “nghề” cầm bút (tài tử hay chuyên môn) là điều mà khoa báo chí ở Mỹ gọi là Gatekeeping. Gatekeeping xẩy ra nhiều nhất là trong ngành báo chí và chép sử: “cánh cửa” ngăn cản ngòi bút không viết hết sự thật vì ba giới hạn:

– trang giấy có hạn
– hiểu biết có hạn
– khách quan có hạn.

Truyền thông có tự do không? KHÔNG!

Họ chính là nạn nhân bị ba giới hạn gatekeeping dần mẻ nào mẻ nấy nhão nhoẹt, lồm cồm ngồi dậy thở phù phù viết bài “phục vụ độc giả”. Tích tắc, nạn nhận nhão nhoẹt trở thành thủ phạm tươi rói.

Còn ngườì đọc có tự do không? KHÔNG!

Bài viết do một tác giả nhưng người đọc hàng trăm. Người đọc chỉ tìm tòi ~ gì liên quan tới điều đang quan tâm. Còn lại là …rác. Cũng như trân ngoạn, đáng quí của người này lại là rác rưởi của người kia.

Chuyện trái nho ư?

Nho trắng, ngọc quý,  pha lê? www.timgaiser.com
Nho trắng, ngọc quý, pha lê? www.timgaiser.com

Báo chí Tây Phương thường chế diễu người Muslim sau khi khủng bố sẽ lên thiên đàng có bảy mươi hai trinh nữ mắt đen nháy đang chờ đợi. Tác giả Nicholas. Krisrofaug trong bài báo Martyrs, Virgins and Grapes từ 8/2004 viết rằng theo các học giả Hồi giáo trong kinh “Qur’an”, người tử vì đạo lên thiên đàng sẽ được hưởng “hur”, tiếng Aram (Aramaic), có nghĩa là “nho trắng” chỉ thiên đàng mới có, 2000 năm trước được ví với hạt trai hạt thủy tinh cực quý vùng Lưỡng Hà (Mesopotamie). Nhưng người ta vẫn thích chế diễu những điều họ không biết dù không làm họ cao quí hơn.

Chuyện khủng bố ư?

Người Tibet người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) chết dòng dã chết thê thảm, khủng bố là Trung quốc. Dù chăm chỉ thiền chăm chỉ đi nghe Datlai Lama nhưng không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.

Người Uyghur. Nguồn: www.developmentinaction.org
Người Uyghur. Nguồn: www.developmentinaction.org

Không xa Việt Nam lắm, có những tộc người không có nơi để trở về. Ở Miến Ðiện, 140.000 người Rohingya bị tước quốc tịch vì “tội” theo đạo Hồi, nhà cửa bị phe Phật giáo đốt. Dalai Lama sang tận nơi khuyên can cũng không xong. Aung Sang Suu Kyu làm thinh. Đường sống chết duy nhất: lao đầu ra vịnh Bengal vịnh Thái Lan. Từ tháng một tới tháng ba/2015, 25.000 người lênh đênh. Indonesia, Malaysia, Thái từ chối cho lên bờ chỉ cấp lương thực rồi đẩy ra biển. VN làm thinh. Phi lúc nhận lúc không. Họ đâu cả rồi? Lác đác tin chết đuối, vậy thôi. Không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”.

Tại một mảnh đất rất xa, ngày 3-1-2015, nhóm “Thánh chiến” khủng bố Hồi giáo (Muslim) Boko Haram tấn công Baga (ở Nigeria), xả súng giết hơn 2.000 dân làng vì “tội” theo Ki-tô giáo nhưng nạn nhân có cả người Hồi giáo. Báo chí Tây phương tránh nhắc tới. Không ai nói gì hết, dù gào lên ai oán “Je suis Charlie”

Chuyện khăn choàng ư?

Ngày 22-06-2009, tổng thống Nicolas Sarkozy phát biểu trước quốc hội Pháp không chấp nhận khăn burqa Muslim, coi đó như “giam cầm trói buộc họ”. TT Sarkozy có thể cấm burqa vì an ninh nước Pháp nhưng burqa có giam cầm trói buộc phụ nữ Muslim không, chỉ họ trả lời. Người ngoài cuộc nhiều lắm nên biết sơ về lịch sử khăn choàng trước khi phê bình Sarkozy chứ không phê bình khăn quàng là biệt sắc của một dân tộc khác.

Khắp thế giới, khăn voan trắng hay voan đen đều bắt nguồn từ vùng Islam dù kinh “Qur’an” không qui định phải choàng khăn. Có mỗi lần Thánh Gabriel mặc khải với Thiên sứ Mahammed: “Vợ ngươi cần phải y phục đoan trang”. Có lẽ ngực trần phơi phới Thánh ngứa mắt.

Phụ nữ Muslim có bao nhiêu loại khăn choàng? Chỉ đếm thôi cũng sai. Lúc bảo bẩy lúc nói mười hai. Phụ nữ Iran khoác khăn chador. Vùng Bắc Afghanistan ưa khăn niqab che toàn thân chỉ hở mắt. Vùng Vịnh ưa khăn shayla quấn quanh đầu và vai như công chúa Ameera al-Taweel xứ Saudi Arabia.

Bà Trần Lệ Xuân, July 01, 1962| Credit: Larry Burrows.
Bà Trần Lệ Xuân, July 01, 1962| Credit: Larry Burrows.

Ở Tây Ban Nha cô dâu choàng mantilla ren trắng từ đầu đến chân. Phụ nữ đi nhà thờ phải choàng mantilla đen. Tờ “Life” lưu giữ ảnh bà Ngô Đình Nhu trong nhà thờ quý phái dưới tấm mantilla đen dài đến lưng.

Áo dài Sè Goòng trước 1975 may bằng hàng mousseline mỏng như giọt mưa một thời hững hờ bay lượn phố phường Sài Gòn cũng từ chữ Muslin, loại khăn lụa mỏng dệt chỉ vàng như khăn cô em này. Mosul, thành phố lớn thứ nhì sau Baghdad, nơi duy nhất dệt khăn lụa mỏng che mặt phu nhân quý tộc. Mỗi đêm, người đẹp Scheherazade giở khăn lụa Mosul viền vàng, hai mắt to đen hình trái olive, môi ngọt như trái chà là kể cho vua nghe chuyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” từ những chàng thủy thủ.

Áo dài 2014. Nguồn:  Yahoo Groups
Áo dài 2014. Nguồn: Yahoo Groups

Từ 1600, Âu Châu du nhập khăn Musol. Tiếng Pháp: mousseline, tiếng Ý: mussolino, tiếng Tây Ban Nha: muselina, đều có gốc từ chữ Mosul. Sau năm 2003 Mosul chỉ còn là đống gạch vụn khi Tổng thống Bush thừa lệnh Phó Tổng thống Dick Cheney mang quân chiếm Iraq tìm không ra “vũ khí tàn sát tập thể”.

Ngày nay, nghĩ tới “Muslim” dễ liên tưởng tới một thùng thuốc nổ mà quên rằng chính người Anh/Pháp phải chịu trách nhiệm trực tiếp băm vằm chia chác Trung Đông sau Thế Chiến I. Sự sát nhập/thành lập một số miền – Iraq, Kuwait, Palestine, Israel – bất kể sự khác biệt sâu xa cả ngàn năm về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa và lịch sử, gây bao đau thuơng và là mầm mống cho sự giận dữ gây nên bất ổn cho toàn vùng mãi đến bây giờ.

Tuần lễ sau vụ khủng bố tòa Tháp đôi ngày 9-11-2001 ở New York, khắp nước Mỹ tổ chức tưởng niệm. Trong ánh nến lung linh thoáng hai thiếu nữ đội khăn kiểu shayla chầm chậm chưa dám nhập vào đám đông cư dân thị xã Westminster mà 70% là người Mỹ trắng. Khuôn mặt ảm đạm đau đớn nỗi tử sinh pha lẫn dè dặt liệu có được chấp nhận không.

Tôi dắt con tách khỏi đám đông tới trước mặt họ. Hai em gái người Mỹ chăm chú nhìn rồi cũng đến bên. Một ông bố trẻ dắt tay con gái bập bẹ cùng ngồi xuống. Không nói câu nào, chỉ bờ cỏ lắng nghe nước mắt chảy dài trên má.

Je Suis Charlie. Nguồn: CNN
Je Suis Charlie. Nguồn: CNN

Nov 2015

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Khăn choàng: Trái nho hay khủng bố?Trần Thị Vĩnh Tường, Chim Việt Cành Nam, Nov 2015. DCVOnline minh hoạ.

Tham khảo

Martyrs, Virgins and Grapes. By NICHOLAS D. KRISTOFAUG. The new York Times, Aug 4, 2004.
Boat people pushed out to sea by Malaysia & Indonesia. JON FERNQUEST. Bangkok Post, 13 May 2015.
Why did the world ignore Boko Haram’s Baga attacks?. Maeve Shearlaw. The Guardian, 12 January 2015.