Một tập huyền thoại Phật giáo: Báo cực truyện

Lê Minh Khải | Hoa Quốc Văn dịch

05_bigMột nguồn tài liệu quan trong về thời cổ sử của Đồng bằng Sông Hồng là một văn bản được biết qua cái tên Báo cực truyện 報極傳. Văn bản này có lẽ đã có từ cuối thế kỷ XI, và không còn hiện hữu, nhưng vẫn được trích dẫn trong các tác phẩm về sau hiện vẫn còn.

Trong khi người ta biết rằng Báo cực truyện là một văn bản cổ thì tôi chưa bao giờ thấy ai xếp một cách rõ ràng tác phẩm này vào bất cứ thể loại văn học nào được biết đến hoặc có thể được biết đến.

Điều này khó thực hiện, vì chúng ta chỉ thấy một số đoạn trích của tác phẩm này được dẫn lại. Tuy nhiên, từ “báo” 報 trong tựa đề của nó là một từ cực kỳ quan trọng đối với các nhà sư, họ dùng nó để chỉ nghiệp báo hay sự báo ứng.

Theo đó, cái tên này có thể được dịch là “Những câu chuyện về cực hạn của sự báo ứng”. Một tựa đề như thế khiến cho tác phẩm này khớp với thể loại huyền thoại Phật giáo [Phật thoại] ở Đông Á, thể loại đặc biệt phổ biến trong thế giới Trung Hoa từ thế kỷ III đến thế kỷ VII, với một tập truyện có lẽ nổi tiếng nhất là cuốn Minh báo ký (Mingbao ji 冥報記) ở thế kỷ VII.

Minh Báo Ký. Nguồn: LMK
Minh Báo Ký. Nguồn: LMK

Huyền thoại Phật giáo có vẻ như đã chịu ảnh hưởng của cả truyền thuyết Phật giáo đến từ Ấn Độ và thể truyện chí quái của Trung Quốc.

Truyền thuyết Phật giáo gắn các sự kiện sẩy ra trong cuộc đời của một con người với các hành động đã làm ở kiếp trước, và một trong những dịch giả sớm nhất của loại truyện này là một nhà sư xứ Sogdian (Trung Á) hoạt động tích cực ở đồng bằng sông Hồng ở thế kỷ III là Khương Tăng Hội.

Truyện chí quái, trái lại, quan tâm đến các hiện tượng siêu nhiên và chưa được giải thích khác. Huyền thoại Phật giáo Trung Quốc nhiều lần hoà trộn hai thể loại này, dựa vào các hiện tượng có vẻ siêu nhiên và giải thích nó bằng quan niệm về nghiệp báo hay báo ứng.

Trong khi chúng ta không thể nói chắc rằng Báo cực truyện là một tập huyền thoại Phật giáo, những thông tin của nó được trích dẫn trong một nguồn tư liệu về sau, cuốn Việt điện u linh tập 越甸幽靈集 ở thế kỷ XIV, gợi ý rằng điều này là sự thật.

Đoạn trích dẫn xuất hiện trong câu chuyện về một Thái thú người Hán làm việc ở Đồng bằng sông Hồng vào đầu thế kỷ III sau dương lịch tên là Sĩ Nhiếp.

Sau khi cung cấp thông tin về các hoạt động của Sĩ Nhiếp ở đồng bằng sông Hồng, phần nhiều thông tin đó đến từ cuốn Tam quốc chí (Sanguo zhi 三國志), sách Việt điện u linh dẫn Báo cực truyện những thông tin sau:

Việt điện u linh tập. Nguồn: LMK
Việt điện u linh tập. Nguồn: LMK

“Vương [tức Sĩ Nhiếp] tinh thông thuật dưỡng sinh. Sau khi vương chết, đến cuối thời Tấn, hơn 160 năm sau, người Lâm Ấp vào cướp, quật lăng mộ của vương lên, thấy thi thể vương không bị huỷ hoại, sắc mặt như lúc sống, cả sợ, lại lấp lại. Nguofi địa phương cho vương là thần, lập miếu thờ vương [gọi là tiên Sĩ Vương]”.

Đây dường như biểu hiện một truyền thống địa phương, và có những vấn đề về lịch sử với nó. Trước hết, dân Lâm Ấp không tấn công trong suốt những năm này. Trái lại, các quan lại người Hán ở khu vực này đã lãnh đạo cuộc tấn công chống lại Lâm Ấp.

Một người như thế là một Thứ sử có tên là Ông Phóng Chi đã tấn công Lâm Ấp năm 359. Không lâu sau đó, một truyền thuyết xuất hiện liên quan đến và mộ Sĩ Nhiếp. Tuy nhiên, truyền thuyết này không có liên quan gì đến Lâm Ấp.

Truyền thuyết về Ông Phóng Chi và mộ Sĩ Nhiếp này được ghi chép trong một tập truyện chí quái Trung Quốc ở thế kỷ V có tên là Dị uyển (Yiyuan 異苑).

Sách Dị Uyển chép rằng Sĩ Nhiếp chết ở Giao Chỉ trong những năm cuối triều Hán và rằng ông được chôn ở “vùng biên giới phương Nam” (nam cảnh – nanjing 南境).

Dị Uyển khẳng định rằng mộ của ông thường được bao phủ bởi sương mù và rằng nó chứng tỏ một uy lực siêu nhiên ở những thời điểm không xác định. Khu vực này sau đó trải qua những năm bất ổn. Tuy nhiên, ngôi mộ chưa bao giờ bị kẻ cướp đào bới ngay cả trong giai đoạn rối loạn này.

Khi Ôn Phóng Chi được cử làm Thứ sử của Giao Chỉ vào niên đại Hưng Ninh (363-365) nhà Tấn, cá nhân ông đã nhảy xuống ngựa để khai quật ngôi mộ.

Dị Uyển không cho biết ông đã tìm thấy cái gì. Nhưng nó kể lại rằng trên đường trở về, Phóng Chi đã bị ngã ngựa và chết.

Dị Uyển, Nguofn LMK
Dị Uyển, Nguofn LMK

Khi xem xét những thông tin lịch sử về cuộc tấn công của Ôn Phóng Chi vào Lâm Ấp, cùng với truyền thuyết về việc khai quật mộ Sĩ Nhiếp của ông ta, dường như là sự miêu tả về Sĩ Nhiếp trong Báo cực truyện có vẻ giống như là một sự sáng tạo về sau dựa trên những bản kể khác về Ôn Phóng Chi này.

Chắc chắn người dân địa phương không “nhớ” một câu chuyện về một cuộc tấn công của người Lâm Ấp khi mà một cuộc tấn công như thế không hề xảy ra. Như vậy, đúng hơn là một học giả Phật giáo sau này đã sáng tạo ra câu chuyện ấy.

Bằng việc làm như vậy, ông đã biến đổi những thông tin lịch sử có liên quan, thay đổi cuộc tấn công của Ôn Phóng Chi vào Lâm Ấp thành một cuộc tấn công vào khu vực Đồng bằng sông Hồng của người Lâm Ấp và sử dụng một truyền thuyết trong cuốn Dị Uyển.

Sự việc thi thể Sĩ Nhiếp không bị phân huỷ có ý giáo huấn độc giả cái gì đó.

Ghi chép trong Dị Uyển có xu hướng thể hiện uy lực kỳ lạ của linh hồn Sĩ Nhiếp. Báo cực truyện có lẽ cũng cố đưa ra một luận điểm tương tự.

Tuy nhiên, nếu nó là một tập huyền thoại Phật giáo, thì có lẽ có cũng nhấn mạnh sự hiện diện của Phật giáo trong khu vực này ở thời Sĩ Nhiếp. Điều này có vẻ là sự thật vì Báo cực truyện cũng được trích dẫn trong một tác phẩm Phật giáo thời trung đại (Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh ngữ lục) và ở đó nó cung cấp những thông tin chi tiết về cộng đồng Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng vào thời Sĩ Nhiếp.

Vì vậy, trong Báo cực truyện, huyền thoại về thi hài không phân huỷ của Sĩ Nhiếp có thể được trình bày như một dấu hiệu kỳ lạ của nghiệp báo do sự ủng hộ của ông đối với Phật giáo trong suốt cuộc đời ông.

Mặc dù chúng ta vẫn không thể nói chắc chắn, với những cứ liệu ở trên, tôi muốn nói rằng Báo cực truyện dường như là một tập huyền thoại Phật giáo và rằng chúng ta có thể dịch tựa đề của nó thành: “Những câu chuyện về cực hạn của sự báo ứng”.

Đề thờ Sĩ Nhiếp ở  Bắc Ninh / Làng Tam Á. Nguồn: Wikimapedia
Đền thờ Sĩ Nhiếp ở Bắc Ninh / Làng Tam Á. Nguồn: Wikimapia

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn:
Anh ngữ: The Báo cực truyện as a Collection of Buddhist Miracle Tales Le Mịnh Khai’s SEAsian History Blog, 13nov14
Bản dịch: Một tập huyền thoại Phật giáo: Báo cực truyện. Hoa Quốc Văn dịch, Blog LeMinKhaiViet, 14/11/2014.