COVID-19: nước giàu và nước nghèo

Raj Shah | Trà Mi

Để chấm dứt đại dịch, các nước giàu phải trả tiền để tiêm thuốc chủng ngừa cho dân nước nghèo

Những đám hỏa táng nạn nhân COVID-19 24 giờ/ngày ở ngoại ô New Delhi ở Ấn Độ.

Kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu chủng ngừa COVID-19 vào tháng 12, 2020 hơn 297 triệu liều thuốc chủng ngừa đã được tiêm trên toàn nước Mỹ. Ngay kusc viết bài này, 41% người dân của Hoa Kỳ đã tiêm hai liều và trở lại sở làm, quán bar và sân chơi bóng không còn đeo mặt nạ. Họ không đơn độc: ở một số quốc gia giàu có với tỷ lệ tiêm chủng cao, bao gồm Anh quốc (39%), Israel (57%) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (63%), cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, còn cả một vùng rộng lớn trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, và sự xuất hiện của các chủng coronavirus mới nguy hiểm đã cho thấy sự bất bình đẳng đáng kể trong việc tránh được dịch bệnh nhờ có  thuốc chủng ngừa trên toàn cầu. Tại Ấn Độ, nơi chỉ có hơn 3% dân số được tiêm chủng đầy đủ để chống lại COVID-19, biến thể độc hại B.1.617 đã tàn phá nặng nề, để lại những đám hỏa táng 24 giờ một ngày ở nhiều thành phố của Ấn Độ. Các kịch bản chết người tương tự hiện đang đe dọa xảy ra ở các nước đang phát triển khác có tỷ lệ tiêm chủng thấp, kể cả Brazil (11%), Colombia (7%) và Nepal (3%).

Có sự đồng tình rằng tiêm chủng trên thế giới là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch. Nhưng vẫn chưa có ai vận hành hóa một kế hoạch hoặc sắp xếp sự hỗ trợ để đạt được kết quả đó. Hậu quả là một thế giới bị cắt thành hai phần: một phần được tiêm chủng và phần còn lại bị COVID-19 đe dọa trong nhiều năm tới. Các sáng kiến ​​trước đây cho thấy rõ ràng rằng việc tiêm chủng cho cả thế giới là có thể thực hiện được – nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ. Bằng cách tận dụng sức mua toàn cầu và nâng cao khả năng sản xuất ở các quốc gia khác nhau, trong những tuần và tháng tới, giới lãnh đạo thế giới có thể không chỉ đặt ra lộ trình chấm dứt đại dịch này mà còn thúc đẩy sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới.

THUỐC CHỦNG NGỪA CHO THẾ GIỚI

Người dân Philippines ghi tên chích thuốc chủng ngừa COVID-19 tại một rạp chiếu phim trở thành địa điểm tiêm chủng ở Manila, Philippines, tháng 6 năm 2021. (Eloisa Lopez / Reuters)

Tiêm phòng cho thế giới chống lại COVID-19, và giữ cho cả thế giới được tiêm chủng, là một nhiệm vụ không nhỏ. Để đạt được khả năng miễn dịch hoàn toàn, ước tính khoảng 70% dân số nhất định phải được tiêm chủng hoặc phát triển kháng thể chống lại virus. Trong khi có gần hai tỷ liều thuốc chủng ngừa đã chích cho đến nay, sẽ cần nhiều tỷ nữa, kể cả những liều chích bổ túc. Cho đến nay, chỉ có 1,2% dân số ở châu Phi, 4,8 % dân số ở châu Á và 14% dân số ở Nam Mỹ đã được tiêm chủng.

Với COVAX, sáng kiến ​​toàn cầu chỉ tiêm chủng cho 27% dân số của 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm nay, đang bị thiếu hụt ngân sách và thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, thế giới cần phải hình dung lại các nỗ lực tiêm chủng của mình. Gần 20 năm trước, tôi là thành viên của nhóm đã giúp thành lập Cơ sở Tài chính Quốc tế cho Tiêm chủng, một thành phần quan trọng của Gavi, Liên minh Thuốc chủng ngừa, đang hỗ trợ COVAX. Kinh nghiệm đó và các sáng kiến ​​tiêm chủng gần đây khác cho thấy rõ rằng một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu ngừa COVID-19 thành công phải giải quyết được ba trở ngại chính: nguồn cung, phân phối và tài chính.

Trước tiên, thế giới phải tập trung vào việc làm thế nào để phát triển hàng tỷ liều thuốc chủng ngừa hiệu quả (đặc biệt vì những biến thể đã thách thức hiệu quả của một số thuốc chủng ngừa) cần thiết để giữ cho thế giới được tiêm chủng. Cho đến nay, nguồn cung đã được xác định bằng những hợp đồng với các nhà sản xuất thuốc chủng ngừa và do họ sản xuất, gồm Pfizer, Moderna và những công ty khác. Các quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, đã tặng một phần thặng dư của chính họ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết gửi 80 triệu liều thuốc ra nước ngoài vào cuối tháng 6, và châu Âu có kế hoạch gửi thêm 100 triệu liều nữa. Hôm qua, Tòa Bạch Ốc đã hứa rằng một đợt phân bổ đầu tiên gồm 25 triệu thuốc chủng ngừa sẽ được vận chuyển “nhanh nhất trong khả năng về mặt hậu cần để đưa chúng ra khỏi cửa.”

Các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể tăng cường nguồn cung bằng cách giúp người mua có được hợp đồng mua thuốc chủng ngừa hiệu quả

Những đóng góp như vậy, mặc dù không có khả năng thể hiện một lộ trình bền vững hoặc đủ để tăng cường nguồn cung toàn cầu ở quy mô cần thiết, nên được khuyến khích, đặc biệt là trong ngắn hạn. Như bây giờ đã rõ ràng, để đạt được đủ mức độ tiêm chủng sẽ đòi hỏi một mức độ hiệu quả nhất định. Các khoản đóng góp không được gây hại: thuốc chủng ngừa phải đủ an toàn và hiệu quả để đáp ứng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời chính những đóng góp đó phải tránh gây tai họa và thiên vị sẽ gây thêm bất bình đẳng hoặc gây ra chủ nghĩa dân tộc.

Ngoài ra, bằng cách hỗ trợ COVAX, giới lãnh đạo toàn cầu có thể thúc đẩy nguồn cung bằng cách giúp người mua — dù là các quốc gia riêng lẻ, các khối quốc gia hay các tổ chức đa phương — có được các hợp đồng mua thuốc chủng ngừa hiệu quả. Khi các nhà sản xuất hiện tại nhận thấy nhu cầu về thuốc chủng ngừa từ Hoa Kỳ và Châu Âu giảm, họ sẽ có nhiều khả năng hơn để đáp ứng các đơn đặt hàng từ các nước đang phát triển và các tổ chức đa phương. Hỗ trợ những người/tổ chức/quốc gia có tiềm năng mua bằng kết nối và nguồn tài nguyên sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản xuất của họ.

Sự hỗ trợ toàn cầu cũng có thể làm giảm giá thành của thuốc chủng ngừa. Đã có sự thay đổi về giá cả: một số nước giàu hơn đã trả 30 USD cho mỗi liều, trong khi các quốc gia ở châu Phi đang trả từ 3USD đến 10 USD. Càng có nhiều quốc gia tổng hợp sức mua của họ qua các sáng kiến ​​như COVAX, thì mức giá đó càng thấp. Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể giảm chi phí cận biên khi số đơn đặt hàng tăng lên. Giá thấp như vậy sẽ bền vững với điều kiện các nhà sản xuất thuốc chủng ngừa đã được đền bù như thế nào bằng việc bán cho các nước giàu hơn.

Việc thúc đẩy nguồn cung cũng sẽ yêu cầu chuyển giao kỹ thuật một cách có trách nhiệm để các quốc gia đang phát triển có thể bắt đầu tự sản xuất thuốc chủng ngừa. Khi quyết định gần đây của chính quyền Biden ủng hộ việc không bảo vệ bằng sáng chế cho thấy, công việc quản lý cần thiết để mở rộng sản xuất đã bắt đầu, nhưng hiện đang tiến triển quá chậm để thúc đẩy đáng kể nguồn cung thuốc chủng ngừa toàn cầu vào cuối năm sau.

Ngoài các trường hợp cho sử dụng phát minh, giới lãnh đạo toàn cầu cần gấp rút khuyến khích các nhà sản xuất thuốc chủng ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả cấp phép và chuyển giao kỹ thuật cho các đối tác đã được chứng minh có khả năng sản xuất ở các nền kinh tế đang phát triển. Những thỏa thuận như vậy không có gì mới: các công ty dược phẩm đã có những thỏa thuận tương tự đối với các phương pháp điều trị COVID-19, viêm gan C và các bệnh khác. Để thúc đẩy các loại sáng kiến ​​này, các nước giàu hơn có thể đồng ý trả lệ phí cấp phép qua COVAX hoặc một số cơ chế khác. Và để thực hiện thành công các thỏa thuận này, chính các quốc gia này có thể giúp tăng cường điều hợp và khả năng trong chuỗi cung ứng nguyên liệu, dụng cụ và sản xuất thuốc chủng ngừa.

THỬ THÁCH TRONG VIỆC GIAO THUỐC KHẮP NƠI

Trong khi Nam Phi phải vật lộn với COVID-19, đã có ​​hơn 20.000 người chết cho đến nay, nước này cũng phải đối phó với tình trạng đói nghèo tràn lan, khiến nhiều người cần viện trợ lương thực. | REUTERS

Mặc dù đã có rất nhiều mối quan tâm toàn cầu về việc sản xuất thuốc chủng ngừa, nhưng việc đưa thuốc chủng ngừa vào cánh tay của những người cần chúng đã ít được chú ý hơn. Việc cung cấp thuốc chủng ngừa COVID-19 có thể sẽ gặp thách thức nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp so với các nước giàu. Ví dụ, ở Ấn Độ, các nhân viên y tế đã phải vật lộn để cung cấp thuốc chủng ngừa ở các vùng nông thôn với nguồn điện bất thường, trong khi các đối tác của họ ở Brazil phải đưa ra các chiến dịch tiêm chủng cho các khu ổ chuột nơi quyền hạn của chính phủ bị giới hạn. Việc cầntiêm chủng hai liều và yêu cầu giữ gìn thuốc ở nhiệt độ thấp càng làm phức tạp thêm công tác hậu cần và tăng chi phí.

May mắn thay, thế giới đã thấy cách Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ AIDS (PEPFAR) của Tổng thống Hoa Kỳ, Quỹ Toàn cầu và các đối tác khác đã mở rộng ồ ạt việc cung cấp thuốc điều trị HIV / AIDS mà không làm mất đi sự chú ý và tài nguyên từ các chương trình y tế cần thiết khác. Các quốc gia giàu có, cùng với Gavi, Liên minh thuốc chủng ngừa và các đối tác khác, phải giúp các cơ quan y tế những nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp mở rộng cơ sở hạ tầng tiêm chủng đồng thời đáp ứng các cam kết y tế khác. Sự hỗ trợ đó sẽ gồm việc thuê, đào tạo và trả lương cho nhân viên y tế bổ túc, xây dựng dây chuyền trữ lạnh và cơ sở hạ tầng khác, đồng thời thiết lập các cách để theo dõi tiến độ và chứng nhận chủng ngừa.

Việc cung cấp thuốc chủng ngừa COVID-19 có thể sẽ khó khăn hơn ở các nước nghèo hơn là ở các nước giàu.

Trong khi cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp hạn chế hơn, các chiến dịch tiêm thuốc chủng ngừa ở các nền kinh tế tiên tiến cũng mang lại những bài học hữu ích về việc khuyến khích chuerng ngừa và giảm thiểu tình trạng phản kháng không muốn tiêm phòng. Ở Hoa Kỳ và các nơi khác, giới lãnh đạo chính trị đã đóng một vai trò tích cực, rõ ràng trong việc thúc đẩy và quản lý các chiến dịch tiêm chủng. Việc đưa thuốc chủng ngừa trực tiếp đến nhà và nơi làm việc — cũng như những nơi tập trung đông người, chẳng hạn như bãi biển và quán bar — cũng đã tỏ ra hiệu quả ở các nước giàu có. Các quốc gia đang phát triển nên xem xét các phương thức phân phối không chính thống tương tự.

ĐẦU TƯ VÀO SỰ MIỄN DỊCH

Nghĩa trang Parque Taruma trong đợt bùng phát dịch bệnh do coronavirus gây ra, ở Manaus, Brazil. REUTERS / Bruno Kelly

Tiêm thuốc chủng ngừa đủ cho thế giới để chấm dứt đại dịch sẽ đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn hiện có. Cho đến tuần này, Covax đã thiếu hàng tỷ đô la so với số tiền cần thiết trong năm nay để tiêm chủng cho 27 phần trăm dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Rất may, tại cuộc họp ngày 2 tháng 6 ở Nhật Bản, các quốc gia tài trợ, các tổ chức từ thiện và các tổ chức đa phương đã cam kết thực hiện phần lớn những gì cần thiết cho năm 2021; nhưng khoản đầu tư này vẫn còn thiếu nhiều so với những gì cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch đầy đủ.

Tại các cuộc họp G7 vào tuần tới ở Anh quốc, các nhà lãnh đạo phải nhìn xa hơn năm nay và thực hiện các bước — và tìm tài nguyên bổ túc từ 25 đến 50 tỷ đô la — để tiêm chủng cho khoảng 70% dân số trên khắp thế giới vào năm 2022. Đây là một số tiền lớn, nhưng đó là một giá rất phải chăng so với hàng nghìn tỷ đô la mà các quốc gia đã chi để ứng phó với COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế của họ. Đó là một món hời thậm chí còn lớn hơn so với con số 9,2 nghìn tỷ đô la mà một dự tính cho rằng thế giới sẽ mất trong năm nay nếu không được có đủ thuốc chủng ngừa giúp những nền kinh tế đang phát triển.

Tại G7, các nhà lãnh đạo sẽ cần phải sáng tạo để tài trợ không chỉ cho việc sản xuất hàng tỷ liều thuốc chủng ngừa mà còn cho các chiến dịch tiêm chủng và cơ sở hạ tầng y tế, kể cả  khả năng sản xuất, cần thiết để giữ cho thế giới khỏe mạnh trong nhiều năm tới. Trong một báo cáo mới về những gì cần thiết để tài trợ và vận hành chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, Tổ chức Rockefeller của tôi đưa ra một số lựa chọn, gồm cả Quyền rút vốn đặc biệt về tài sản dự trữ quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các giám đốc điều hành IMF đã lên tiếng ủng hộ việc phân bổ SDRs (Quyền rút vốn đặc biệt) mới trong năm nay, có thể tạo ra 650 tỷ đô la, và vấn đề này đang nằm trong chương trình nghị sự cho một cuộc họp vào tháng này. Nếu được thỏa thuận, các nước giàu có thể tìm ra các biện pháp sáng tạo để tái sử dụng ít nhất 100 tỷ đô la thanh khoản thu được từ các nước thu nhập cao đến thấp để lấp đầy khoảng trống kinh phí ứng phó với đại dịch, gồm thuốc chủng ngừa, và đáp ứng các nhu cầu phục hồi kinh tế khác.

MỘT KINH NGHIỆM HOÀN VŨ

Điều này sẽ không dễ dàng. Tiêm thuốc chủng ngừa đủ cho toàn thế giới để kiểm soát đại dịch vào cuối năm 2022 sẽ đòi hỏi một lực lượng lớn những tác nhân, hàng tỷ đô la và mức độ phối hợp cực kỳ lớn. Tuy nhiên, ngay cả khi phạm vi rộng lớn của sáng kiến ​​này chưa có tiền lệ lịch sử, thế giới biết cách đáp ứng thời điểm này: nó có cả thuốc chủng ngừa và kinh nghiệm về tiêm chủng toàn cầu và các sáng kiến ​​y tế rộng lớn hơn. Nhưng thế giới cũng đã học được rằng sự thành công của bất kỳ kế hoạch nào đều nằm ở việc thực hiện nó.

Tại G-7 vào tuần tới và trong những tháng tới, Tổng thống Biden và các nhân vật lãnh đạo khác có thể đưa ra những cam kết cần thiết để tiêm chủng cho thế giới. Điều đó sẽ đòi hỏi phải làm nhiều hơn — và làm lâu hơn — hơn bất kỳ quốc gia nào chưa tập hợp để chống lại đại dịch vượt ra ngoài biên giới của mình. Nếu giới lãnh đạo thế giới ngày nay thực hiện những bước này, thì lợi ích sẽ lớn hơn cả khi đại dịch kết thúc. Kinh nghiệm của việc xắn tay áo và nhận được một liều thuốc ngừa COVID-19 sẽ trở nên phổ biến, được hàng tỷ người chia sẻ. Chủng ngừa cho cả cho thế giới sẽ đoàn kết nhân loại một cách mà ít thứ từng có.

Tác giả Raj Shah

Tác giả | Rajiv “Raj” Shah, (sinh ngày 9 tháng 3 năm 1973) là Chủ tịch của Quỹ Rockefeller. Ông là cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ, bác sĩ và nhà kinh tế y tế, từng là Quản trị viên thứ 16 của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 2010-2015.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: COVID’s Haves and Have-Nots | Raj Shah | Foreign Affairs | June 4, 2021.