Không thể làm khác hơn
Phạm Minh-Tâm
Vào đầu tháng Bảy năm nay, 2015, những thùng sách “Công Giáo Việt Nam từ Toà Khâm Sứ Thái Hà đến Mỹ Yên” đã từ nhà in bên Đài Loan được xuống tầu để về đến Hoa Kỳ, Úc châu và Đức.
Đây là tác phẩm thứ hai của một nhóm anh em giáo dân chúng tôi biên soạn vì không thể ngồi yên nhìn cái mốc điểm thời gian kể từ sau ngày 30/4/1975 đang sắp làm tròn con số 40. Cái con số mà như anh trưởng nhóm Đỗ Mạnh Tri viết cho anh em
“…40 năm đủ rồi, 40 năm quái quỷ, 40 năm chưa từng có trong lịch sử nước nhà, 40 năm hỏa ngục trần gian vì đi theo đám người chủ trương thực hiện thiên đàng mặt đất bằng bạo lực và dối trá…”
Tháng 9, 2015 mới đây, trên trang mạng dcvonline.net, tác giả Nguyễn Văn Lục trong bài “Đọc cuốn Công Giáo Việt Nam 2005-2015” đã nhận định và giới thiệu gọn gàng về việc làm của nhóm:
“Cuốn sách thứ nhất được xuất bản cách đây 10 năm nhan đề ‘‘Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1975 2005’’ nhằm nhận định về tình trạng giáo hội Việt Nam sau 30 năm dưới chế độ cộng sản. Mười năm sau, 2015, nhóm trí thức thức Công giáo trong và ngoài nước lại một lần nữa đưa ra tập sách thứ hai với một chủ đề rất rõ rệt: Từ Tòa Khâm sứ – Thái Hà đến Mỹ Yên. Tất cả cuốn sách là một bản cáo trạng nhiều trang lên án cộng sản đàn áp tôn giáo ở nhiều nơi và gián tiếp lên án các vị lãnh đạo tôn giáo thờ ơ, im lặng hoặc bỏ rơi con chiên của họ, thậm chí về hùa với chính quyền. Các bài viết ấy vì thế đều xoáy vào những biến cố xảy ra cho Giáo Hội Công giáo, khởi đi từ vụ Tòa Khâm Sứ đến vụ tranh đấu đòi đất ở Thái Hà và đến vụ Mỹ Yên.”
Cám ơn anh Nguyễn Văn Lục, người bạn thủy chung của nhóm. Cám ơn vì anh đã “nhận’’ ra chúng tôi khi viết…
“Khi tôi đọc cuốn ‘Công giáo Việt Nam 2005 2015’thì tôi hiểu rằng, việc lên tiếng của nhiều người là cần thiết.
Tôi đọc với sự trân trọng và với lòng khâm phục. Mỗi bài viết, dù ở trong những vị thế khác nhau như có chung một tiếng nói. Tiếng nói này phải được khuếch đại lên để mọi người được nghe, được thấy. Đây là cuốn sách thứ hai của nhóm anh em trí thức công giáo trong và ngoài nước nhìn về Giáo Hội Việt Nam.
Cuốn sách ra đúng lúc và hy vọng là kịp thời và đáp ứng được ước vọng của các giáo dân trong nước đang thầm lặng, chịu đựng.”
Có điều, khi anh Nguyễn Văn Lục dùng nhóm chữ “nhóm anh em trí thức công giáo”, bản thân tôi có chút sượng sùng.
Ở đây xin được mở ngoặc một đôi dòng về hai chữ “trí thức’’ theo cách nghĩ riêng. Thú thực, xưa nay tôi vẫn mới chỉ dám nghĩ các văn bằng mình có được là các chứng chỉ học trình vì đã xong chương trình học của Đại học. Còn kể đến học lực thì phải chờ có dịp chứng minh bằng việc làm. Nhất là còn phải xem mình đã dùng nó ra sao giữa đời với bộ óc có làm việc, có hiểu biết đủ để đáng được gọi là “trí thức” hay không. Thành vậy mà tôi vẫn mang thêm mặc cảm và ấn tượng về một số thành phần gọi là “trí thức” đang đứng trong vai bậc lãnh đạo hay làm thầy. Bởi vì họ không khiêm tốn đủ để hạ mình xuống cùng tuyệt đại đa số dân tình theo đúng nghĩa đen nhất của lý lẽ “dân vi quý” hay tôn trọng anh em mình. Lúc nào cũng chỉ ôm ảo giác về cái tôi học rộng hiểu nhiều mà xa rời thực tế….mà nói nhăng nói cuội, mà giảng dạy linh tinh.
Rồi anh Đỗ Mạnh Tri khuyến khích là
“… hãy tạm coi mình là trí thức đi nhé. Trí thức là cái chi chi ? Đáng có một bàn tròn về chuyện này cho các “nhà” trí ngủ, “trí thức”, tri thức. Nhưng từ xưa mình đã có hủ nho rồi và cũng có những ông đồ làng. Nay cũng có những ông trí thức và cũng có những người vừa có học vừa nặng lòng với Quê Hương Đất Nước.”
Vì vậy tôi tin vào ghi nhận của tác giả Nguyễn Văn Lục,
“Cả một lịch sử giáo hội miền Nam sau 1975 hầu như bỏ trống không ai dòm ngó. May mắn là ở Hải ngoại có cho xuất bản được cuốn sách nhan đề “Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản, 1975 2005”.”
Với mục đích bổ túc những điều anh Nguyễn Văn Lục đã viết SAU KHI ĐỌC sách nên hôm nay tôi muốn nói về nhóm anh em TRƯỚC KHI VIẾT sách. Viết giữa hai lằn đạn của mình với nhau vì nội dung mang nhiều sự thật mất lòng.
Trở lại thời gian vào giữa năm 2012, khi vụ việc Con Cuông đang căng thẳng, tôi đến Pháp. Trong mấy ngày “tá túc” tại nhà anh chị Đỗ Mạnh Tri, biết bao là chuyện “trời ơi đất hỡi’’ liên hệ đến Giáo hội, đến Quê hương được chia sẻ và một câu hỏi đã đặt ra là có nên làm tiếp một tập sách nữa từ 2005 đến 2015 dịp tròn 40 năm? Câu trả lời là rất nên, song nên như thế nào thì chưa dứt khoát.
Rồi sang Đức, gặp Phạm Hồng Lam. Lại thêm chuyện “trời hỡi, Chúa ơi” ở Con Cuông liên hệ đến sự có mặt của ngài giám mục phi trường tại Pháp với câu trả lời cuộc phỏng vấn của Eglises d’Asie. Ngụ ý “ngài” muốn bảo rằng tại giáo dân đã đụng đến vùng đất anh hùng của người ta nên mới ra cớ sự.
Trong dịp đi thăm khu lò thiêu Dachau của Đức quốc xã, Phạm Hồng Lam cứ băn khoăn và cảm phục cộng đồng Do thái là sao đã hơn nửa thế kỷ mà họ còn giữ được nguồn dữ liệu phong phú đến như vậy. Từ tấm hình vàng úa đến mẩu thư viết tay cháy xém…và tên tuổi ai ai cũng có ghi rành rọt rồi ngậm ngùi cho các nạn nhân Mậu Thân của mình. Mới từ năm 1968 mà xem ra cũng đã thất lạc nhiều. Phạm Hồng Lam gợi ra nhiều ý để có thể đưa câu hỏi từ bên Pháp còn dở dang thêm cụ thể hơn. Nếu làm được gì thì phải làm thôi nếu không muốn còn nhiều ngậm ngùi hơn nữa.
Rồi dự định về tập sách thứ hai này tạm lắng xuống cho tới Tháng Tư năm 2014 mới trở lại. Ngày 1/4/2014, anh Đỗ Mạnh Tri gửi thư trao đổi giới hạn giữa một số anh chị em với nhau. Rồi một bản đề nghị được gửi đi, thống thiết: Chúng tôi tha thiết kính mong quý thân hữu, huynh đệ trong và ngoài nuớc tiếp sức với chúng tôi trong công việc này…
“Từ 2005 tới nay, những vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Loan Lý, Đồng Chiêm… đến Con Cuông, Cồn Dầu, Mỹ Yên đã xẩy ra trong mươi năm thôi. Nhưng tại sao thấy dài hơn 30 năm trước? Vì đau hơn trước? Thương hơn trước? Hay vì phương tiện truyền thông lúc này cho phép người ở xa cũng tức khắc được biết đến những biến cố dồn dập, những bộ mặt đa dạng, như người tại chỗ?
Dù sao, từ vụ Tòa Khâm sứ Thái Hà, thời gian đủ dài và những sóng gió con thuyền Giáo Hội từng gặp đủ rộng, khiến chúng tôi nghĩ tới một tập sách, tiếp nối cuốn Ba Mươi Năm…”
Trong thời gian chờ đợi sự hưởng ứng từ các nơi về đề nghị này, cũng như trước khi anh em tiếp tục trao đổi, bàn bạc để khẳng định chính xác hướng tới của nội dung tập sách thì nguyên tắc hợp tác làm việc được đề ra. Trên căn bản chung, tinh thần huynh đệ là tiên quyết. Thứ đến, từng thành viên cần có sự thẳng thắn khi thảo luận với nhau, cùng chân thành với mình và với anh em.
Anh Trần Phong Vũ đã chân thành góp:
“Tôi biết, một cuốn sách như vậy, dù tài năng và thiện chí đến đâu cũng không tránh khỏi phiến diện vì chủ quan, vì thiên kiến…Nỗi trăn trở này sẻ giảm nhẹ nếu người viết phần nào vượt khỏi được chính mình, luôn hướng mục tiêu viết là vì lòng yêu mến Giáo Hội, khởi đi từ tư cách tín hữu, từ phần rỗi của chính mình đối diện trước Giá Máu của Đấng đã chết cho Giáo Hội của Ngài, trong đó có cá nhân mình.
Từ suy nghĩ như thế, vì không hay chưa thể làm được công việc “đội đá vá trời” theo khát vọng riêng của mình là viết riêng hẳn một cuốn sách, nên khi được anh chị em mời gọi đóng góp phần mình cho Tuyển tập, tôi cũng đã viết trong tâm tình và khát vọng như thế. Có thể có những người đọc không chia sẻ những gì tôi viết, nhưng trước hết, cá nhân tôi tự biết tôi đã viết ra với tất cả những suy tư và khát vọng chân thực của tôi với hy vọng để lại cho mai sau một dấu ấn nào đó.
Với một tuyển tập với nhiều người đóng góp, cho dù cố gắng đến mấy cũng không tránh khỏi những nhược điểm, trước hết là vì tính nhất quán của chủ đề nêu ra. Vì thế, tôi đề nghị, mỗi người chúng ta hãy hết sức thành thực với nhau. Xin thẳng thắn nêu ra những nhận định riêng của mình khi đọc bài của nhau, nhưng không nhất thiết buộc người viết phải chỉnh sửa theo chủ quan của người góp ý. Nói vậy không có nghĩa là tất cả mọi bài của cá nhân gửi đến đều bắt buộc phải đưa vào Tuyển tập. Cá nhân tôi xin thưa, tôi hoàn toàn không thắc mắc không phàn nàn gì, nếu bài của tôi phải gác lại vì bất cứ lý do nào…”
Lần lượt từng tác giả sau khi viết xong bài đều gửi đến hết anh em đọc để góp ý cũng có, để giúp nhau tìm ra những sai sót để chỉnh sửa cũng có. Từ những lỗi chính tả đến nội dung diễn đạt nếu cần cũng phải có các đề nghị kèm theo khi gửi lại tác giả. Nói chung, mọi sự đều không đơn giản chút nào khi đã đồng thuận xem tập sách như là một mái ấm hội tụ và mẹ con nhà lửa đóng cửa bảo nhau để đạt được sự nhất quán cho nội dung từ những cách nhìn đa dạng.
Thành vậy, các bài viết về các sự kiện Từ Tòa Khâm Sứ đến Mỹ Yên không phải để dài dòng về chính sách đàn áp tôn giáo của những người cộng sản, vì đó là chuyện đương nhiên của họ. Mục đích chính là từ nơi những sự việc để nhìn vào cách sống đạo của người giáo dân Việt Nam. Chẳng hạn, những ngọn nến sáng lên tại Toà Khâm sứ là dấu chứng giáo dân đã ý thức về việc họ kháng cự với cường quyền, với bạo lực là hành động cho công lý.
Rồi cũng vì Vatican đã làm tắt những ngọn nến này cho nên bắt buộc phải có bài bàn về chính sách đối thoại giữa Vatican và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là thế.
Bài viết về trang mạng Nữ Vương Công Lý cũng vậy. Người viết ngoài mục đích ghi nhận giá trị đóng góp của họ trong giai đoạn này còn muốn nêu lên một trong những tình trạng nghịch lý của cái não trạng con người Việt Nam hôm nay ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Đó là xem ra như vừa trực tiếp vừa gián tiếp đã bị nhiễm độc cộng sản hơi nhiều…Khi tôi phân tích các lý do chọn viết về Nữ Vương Công Lý, anh Đỗ Mạnh Tri đã góp thêm cho là
“…Việt Nam mình thì mọi cái đều là vậy mà không phải vậy. Đây là thành công lớn của cộng sản. Nhìn đâu người ta cũng nghi là có bàn tay cộng sản. Mà nghi lại có lý. Giáo hội Ba Lan mà còn 15% thì Giáo hội Việt Nam chắc cũng phải 30% hay hơn. Rồi muốn làm gián điệp cho cộng sản hẳn không gì chắc ăn cho bằng chơi lá bài chống cộng v..v…Khôn ngoan như con rắn cũng không lại. Vậy tôi xin hiền lành như con bồ câu thôi. Và trong khi cộng sản chủ trương thà giết lầm còn hơn là bỏ sót, đề nghị chúng ta thà tin lầm còn hơn là nghi oan. Nếu Nữ Vương Công Lý là của cộng sản tôi vẫn thương vì chưa thấy trang mạng nào thương Giáo hội và Quê hương bằng mạng này.
Và ngoài này, cũng đã có người rỉ tai rằng tôi thân cộng. Mà người đó trước đây là bạn thân. Mà họ cũng không vô lý. Làm việc với Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan chẳng hạn là khả nghi rồi…”
Bên cạnh các bài viết của các tác giả bên nhà mà chúng tôi đã cố gắng tìm cách liên lạc để xin đăng lại, các anh em trong trách nhiệm điều hợp đã trực tiếp liên lạc mời ba linh mục dòng tiếp tay viết phụ không nhất thiết phải là những đề tài gợi ý mà là bất cứ những gì đang nặng trĩu nơi tấm lòng và trí óc của từng người trong thế đứng của một công dân linh mục Việt Nam; của người trong cuộc như là giá trị của những chứng từ. Đó là các linh mục Đỗ Xuân Quế dòng Đa minh tại Sài gòn, Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh dòng Phan xi cô cũng ở Sài gòn và Nguyễn Ngọc Nam Phong Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tại Thái Hà, Hà Nội…nơi mà những công dân Công giáo Việt Nam đã đứng thẳng người chứng minh cho những người cộng sản đang nắm quyền thấy đuợc phẩm cách của con người có đức tin là thế nào. Ngọn lửa Thái Hà đã không chỉ sáng lên trong sân nhà thờ vì những thước đất nữa. Những ngọn nến bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo đã lan rộng đến những vấn đề như nhân quyền, dân chủ, tự do…Và cũng từ nơi đây đã nên cớ cho Hồng y Phạm Minh Mẫn vấp phạm khi cấm không cho các giám mục phía Nam tới hiệp thông. Tất cả đã bắt buộc một linh mục cao niên, đạo đức và rất mực nhu mì theo đúng nghĩa trong tu đức như linh mục Đỗ Xuân Quế, đã phải tách bạch ra các điểm son và vết nhơ ẩn nơi sắc mầu của phẩm phục…Đã thành hạng mục tam ca, lục ca và dàn đồng ca áo tím…
Các linh mục Đỗ Xuân Quế, Nguyễn Ngọc Tỉnh tuy không hoàn toàn là người trong cuộc, nhưng lại là người sống trong lòng Giáo hội và Đất Nước nên đã nhập cuộc vì yêu thuơng cả hai. Đã không đành lòng “hiệp thông” với lập trường của ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam trong vụ cây Thánh giá ở Đồng Chiêm .
Đành rằng không ai dám chối bỏ là phần lớn các vị lãnh đạo Công giáo Việt Nam hiện tại là những nhà khoa bảng. Song tất cả những chữ tri thức, học thức, trí thức, kiến thức, nhận thức, ý thức…đã vì sự chọn lựa ràng buộc của nhà nước và dính bén nhiều các đặc quyền đặc lợi mà tan tác; mà mất hết khả năng theo thánh Phê rô để nói với bạo quyền rằng “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”
Linh mục Nguyễn Ngọc Tỉnh chia sẻ,
“…Vấn đề đặt ra là tại sao những vấn đề thiết thân đến con người tại ngay quê hương mình mà ngoại trừ vài trường hợp riêng lẻ như ta đã biết, tại sao các giám mục chỉ đứng xa mà nhìn. Thỉnh thoảng có một vài “cú” như thư chung 1980 hay 2002 hay mới nhất là bản góp ý sửa Hiến pháp thì hoặc là chỉ dừng lại trên bình diện lý thuyết như thư chung 1980 hoặc là có vẻ như một số vị mạnh dạn lên tiếng nhưng rồi lại không kéo được đại đa số theo mình nên cuối cùng chẳng đi đến đâu. Hậu quả là Giáo hội chúng ta cứ đứng bên lề dân tộc ngay giữa lúc hoạ mất nước đang lù lù trước mặt… Những chuyện như thế, anh chị em hải ngoại mới nói được. Còn ở trong nước như tôi thì cũng chỉ làm được như tôi đã làm thôi.”
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, người mà trong những năm gần đây tôi đã được nghe nhiều đấng bậc quy kết là “bảy mối tội đầu”, vẫn trong “thân phận nhỏ nhoi” của mình trước các đấng bậc,
“… Cảm ơn mọi người đã luôn tin tưởng con. Con đang thử suy nghĩ xem có thể đóng góp được gì. Bởi vì đây là công việc lớn, để lại cho đời, nên cũng cần phải suy nghĩ thấu đáo, cân đong đo đếm cho chắc chắn trước khi bắt tay thực hiện. Những ý kiến đóng góp của các đấng bậc con thấy cũng đáng lưu tâm, bởi những biến chuyển của xã hội Việt Nam những năm qua không thể không nói tới những đóng góp của Giáo Hội, đó là một sự thật. Có điều những đóng góp ấy sẽ nhiều hơn nếu như Giáo Hội can đảm hơn. Trong khoảng 10 năm qua, Giáo Hội đã bỏ qua nhiều cơ hội thuận lợi do những sai lầm hay do thực tế lịch sử. Thật đáng tiếc…”
Anh Đỗ Mạnh Tri và cả ban biên tập đọc những dòng tâm tư này bèn ưóc mơ phải chi tập sách có được bài viết về “Giáo Hội Việt Nam những cơ hội vuột mất” thì đề tài độc đáo biết mấy. Song lại biết làm sao có được khi ngay đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt mà cũng chỉ được “đồng cảm nhưng không đồng thuận” thì một linh mục là người DCCT, là cư dân tu viện Thái Hà …tranh đấu, trâu đánh, tránh đâu?
Thôi thì hãy tự yên ủi nhau rằng sự đàn áp cứng rắn của chính quyền cộng sản chứng tỏ họ ý thức hơn hẳn hàng giáo phẩm Việt Nam về sự nổi dậy của Thái Hà và giáo dân Hà Nội, giáo dân miền Bắc và tiếp đến Giáo phận Vinh…Họ biết đánh giá giáo dân hôm nay đúng mức.
Những gì anh em chúng tôi đã cảm nghiệm để chung tay góp sức làm thành Tuyển tập “Công Giáo Việt Nam từ Toà Khâm Sứ Thái Hà đến Mỹ Yên’’ là thế đó. Là những tấm lòng nhỏ bé nhưng chân thành muốn cung hiến Giáo hội, muốn dâng tặng Quê hương.
Cho đến ngày 1/4/2015, Phạm Hồng Lam gửi cho mọi người bản “layout” kết sổ và trang bìa cùng mọi chi tiết cần thiết để anh em “thông qua” kèm theo lời nhắn nhủ cứ như là “nghị quyết” …sẽ không còn sửa chính tả nữa. Vì có lẽ chẳng bao giờ hết lỗi. Nếu còn sơ sót thì đành chịu vậy.
Vậy là mọi sự được hoàn tất.
Rồi bản thảo được gửi đi nhà in bên Đài Loan.
Ngày 22/5/2015 in xong
Thành ra, giờ này, ở trong nước hay ra hải ngoại, từ nơi này đến chốn nọ, nếu có những tiếng bấc tiếng chì hay giọng kèn tiếng quyển thì âu cũng là theo luật tự nhiên nào ai tránh nổi. Hồng y Phạm Minh Mẫn đã chẳng từng chê người Công giáo miền Bắc sống đạo kiểu tiền Công đồng đó sao để bắt anh Đỗ Mạnh Tri lại thắc mắc ngược là hậu Công đồng như hồng y liệu có đẹp lòng Chúa không?
Kết lại, khi viết bài này, bản thân tôi cùng với cả nhóm anh em tuyệt đối tin vào ơn phù trợ của hai thánh Phê rô và Gio an trong niềm tôn phục khi hai thánh đứng nói trước thượng hội đồng Sanhédrin của Do Thái… Chúng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ nói những gì đã thấy và đã nghe. Và cùng với sự khen hay chê của người đời dành cho cả nhóm anh em, tôi không còn thấy ngượng ngùng nếu anh Nguyễn Văn Lục và những ai khác tiếp tục gọi chúng tôi là một nhóm trí thức Công giáo.
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.