Hư danh của hư danh, thảy đều hư danh

Người quét đường

flowerĐây không phải là một bài điểm sách mà chỉ là vài nhận định sau khi đọc cuốn “Giá tự do” của tác giả Lâm Vĩnh Bình và theo dõi một số sự kiện, tài liệu về cuốn sách và tác giả.

Vanitas vanitatum omnia vanitas (Ecclesiastes 1:2, Ecclesiastes 12:8)

Về cuốn “Giá tự do”

Giải văn học kỳ 4 năm 2014 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do (HQTYSVNTD) có chủ đề: ‘Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản 39 Năm, Chân Dung, Thành Quả và Tương Lai’. Ban tổ chức cuộc thi, HQTYSVNTD, đã trao giải cho tác phẩm này vào ngày 9 tháng 8, 2014 tại Melbourne, Australia. Theo một thành viên của Hội đồng tuyển lựa thì cuốn “Giá tự do” là “tác phẩm trúng giải Melbourne – trong thực tế xem như trúng giải nhì” và “giải Văn Học kỳ này mang ít nhiều tính tiên thiên bất túc”(1).

Hình thức | Cuốn “Giá tự do” bìa giấy láng, khổ 8.5″ x 5 3/4“, khoảng trên 300 trang do cơ sở Truyền Thông (www.truyen-thong.org) phát hành năm 2014. “300 trang” cũng là số trang tối đa, một trong những điều kiện cho các tác phẩm dự tranh.(2)

Nội dung | Cuốn “Giá tự do” gồm năm chương: 1, Bỏ xứ ra đi (2-44); 2, Đến bến bờ, (49-190); 3, Sinh hoạt chính trị (209-230); 4, Sinh hoạt văn hoá (210-231); 5, Nhìn về tương lai. Đầu cuốn sách là “Lời Giới Thiệu” của Phạm Hữu Trác, người trách nhiệm Cơ sở Truyền Thông, nhà xuất bản cuốn “Giá Tự do”. Kế đó là “Lời nói đầu” của tác giả. Từ trang 292 tới trang 302 cuối cuốn sách là những bài trong mục “Độc giả viết về Giá tự do”.

Một vài nhân xét

1. Quan hệ giữa nhà xuất bản và tác giả có vẻ khác thường

Từ trái qua phải: 1 - Hình gốc của Phil Eggman; 2- Giá Tự do - Truyền Thông; 3. Giá Tự do ở NamKyLucTinh.org; 4 - The Price of Freedom. Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Từ trái qua phải: 1 – Hình gốc của Phil Eggman; 2- Giá Tự do – Truyền Thông; 3. Giá Tự do ở NamKyLucTinh.org; 4 – The Price of Freedom. Nguồn: DCVOnline tổng hợp
Mặt trong bìa trước và chữ ký của tác giả. Nguồn:  Truyên-thong.org
Mặt trong bìa trước và chữ ký của tác giả. Nguồn: truyen-thong.org

Chính tác giả chứ không phải nhà xuất bản phụ trách mặt thương mại. Bìa trước ghi tên tác giả, nhà xuất bản và năm phát hành. Bìa sau mặt ngoài là phần tóm lược ba lời giới thiệu, mặt trong là điện thư của tác giả cũng là người bán sách.

Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu và bán sách tại “Tiệm sách” ở trang “Nam Kỳ Lục Tỉnh (https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg). Tại đây người đọc còn thấy cuốn “The Price of Freedom” (2015) của dịch giả Lâm Vĩnh An do nhà xuất bản Sans Frontières phát hành.

Bìa của hai cuốn sách là hình của Phil Eggman chụp một chiếc tàu đánh cá ngoài khơi Vịnh Cam Ranh chở 35 người tị nạn Việt Nam đi tìm tự do, sau 8 ngày trôi trên biển cả, đang chờ để được đưa lên tàu chỉ huy đổ bộ USS BLUE RIDGE (LCC-19)(3) trong chiến dịch Frequent Wind tháng 4, 1975.

Tấm hình đó, cũng như rất nhiều hình ảnh lịch sử thuyền nhân Việt Nam, tự chúng đã đủ nói lên cái giá mà người tị nạn cộng sản đã phải trả để tìm tự do. Đợt sóng bạc đầu đe doạ con thuyền trên bìa hai cuốn sách chỉ là tiểu thuật Photoshop. Nó không những đã bóp méo sự thật mà còn kịch tính hoá lịch sử đau thương của người vượt biển. Dù là hình thuộc phạm vi công cộng, tác giả tấm hình chiếc tàu đánh cá này có thể cũng sẽ phải nhíu mày trước cảnh vẽ chân cho rắn.

Tên nhà xuất bản Truyền Thông ở bìa trước của cuốn sách đã biến mất trên tấm hình bìa ở “tiệm sách” tại trang Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng như tại những trang đăng bài “Giải thưởng Văn học Kỳ 4 Năm 2014 của Hội Y sĩ Quốc tế Việt Nam Tự do được trao tặng một cư dân Montréal” của Ban biên tập Nguyệt san Người Việt Montreal.

Nhà xuất bản Sans Frontières đã không in “Lâm Vĩnh An”, tên người dịch, trên bìa cuốn “The Price of Freedom”. Đây là một thói quen của một số nhà xuất bản châu Âu, không tôn trọng tinh thần Bản quyền Quốc tế và Khuyến nghị Nairobi của UNESCO(4), vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng các dịch giả chỉ là người cung cấp dịch vụ chứ không phải là tác giả.

Tác phẩm dịch thuật. Nguồn:
Tác phẩm dịch thuật. Nguồn:  Conseil Européen des Associations de Traducteurs Littéraires

2. “Độc giả viết về Giá Tự do” (trang 292-302)

Một tiểu đề khá ngộ nghĩnh cho cuốn sách mới xuất bản lần đầu tiên. Thực ra, mười trang ở cuối cuốn sách đơn giản là hai bài trịnh trọng giới thiệu tác phẩm của hai nhân vật khoa bảng; đặc biệt hơn nữa, cuối một trong hai bài giới thiệu đó còn có cả tiểu sử của người viết.

Bài thứ ba trong mục “Độc giả viết về Giá Tự do”, thực tế là 3 trang tiểu sử tác giả, nói nhiều về bằng cấp, chức vụ tại Việt Nam trước 1975 cũng như học vị và nghề nghiệp sau 1975 tại Canada hơn là về công trình sáng tác của ông như một người cầm bút. Phần tiểu sử tác giả không khác, nếu đem so sánh, với những tờ truyền đơn vận động tranh cử thời Việt Nam Cộng hoà. Và bản tiểu sử này là sản phẩm của ban biên tập một tờ báo tháng mà tác giả là Chủ bút đầu tiên. Bài viết này cũng đã được đăng ở các trang Khoahocnet.com và trang Ái Hữu Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tóm lại “Độc giả viết về Giá Tự do” chẳng qua là một hình thức quảng cáo sách của nhà xuất bản hay/và của tác giả.

3. Số liệu, hình ảnh và trích dẫn

Số liệu | Số liệu trích dẫn hoặc trích dẫn lại trong cuốn “Giá tự do” phần lớn từ những nguồn và tài liệu khả tín từ các cuộc thăm dò, Điều tra Dân số của sở Thống kê Canada (StatCan), vụ Thống Kê Hoa Kỳ (US Census Bureau), Đài Truyền thông Đặc biệt của Úc (SBS), Điều tra Dân số Anh Quốc (UK Census), của Cao Uỷ Tị nạn Quốc tế (UNHCR). Tuy nhiên, còn rất nhiều bảng số liệu trong cuốn “Giá tự do” không để nguồn trích dẫn.

Hình ảnh | Trong sách tác giả dùng khá nhiều hình ảnh minh hoạ – không có nguồn – vì phần lớn chép lại từ các bài viết bằng tiếng Việt trên mạng Internet. Và tác giả ở những bài đăng trên mạng cũng không ghi nguồn, tác giả hay bản quyền.

Trích dẫn | Ngay câu cuối cùng trong “Lời nói đầu”, tác giả Lâm Vĩnh Bình đã “cảm ơn và cáo lỗi không liên lạc được để xin phép trích dẫn” đưa vào sách những bài đã đăng trên mạng Internet. Dù vậy cách tác giả trích dẫn tài sản trí tuệ của người khác trong cuốn “Giá tự do” không đúng với cách “sử dụng hợp lý” (fair use) của giới cầm bút và phát hành vì tác giả Lâm Vĩnh Bình:

  • Không có tác quyền trên những tác phẩm đã trích dẫn;
  • Không được phép của các tác giả;
  • Cuốn “Giá tự do” là một sản phẩm thương mại (Canada: 25 CAD, USA: 30 USD, Các nước khác: 35 USD);
  • Cuốn “Giá tự do” là tác phẩm có tác quyền (Copyright);
  • Trích dẫn nhiều đoạn dài cả trang hoặc trọn bài của nhiều tác giả khác nhau. Vài thí dụ.
  1. Hai trang 34-35 là phần trích nguyên bài phát biểu của thuyền nhân Nguyễn Thị Xuân Trang và ông Pierre Maudet trong bài “Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân tại Genève” của Hoàng Cơ Định đăng trên Kho lưu trữ Di tích Thuyền nhân (Archive Vietnamese Boat People)(5). Nhiều hình ảnh trong cuốn “Giá tự do” cũng là những tấm hình trong bài của tác giả Hoàng Cơ Định.
  2. Bốn trang 68-72 là nguyên bài phỏng vấn “Chàng trai Việt lau dọn vệ sinh trở thành nhà khoa học vệ tinh không gian của Mỹ” của phóng viên Trà Mi-VOA, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.(6)
  3. Hai trang 177-178 là trích đoạn bài “Người Việt ở Berlin và bức tường hình trụ” của Phạm Việt Vinh; đây là một bài viết trong cuốn “Đàn Chim Việt Tuyển tập”, Copyright © 2006 DCV Inc.(7)
  4. Năm trang 211-216 là nguyên văn bài thơ “Tôi chưa biết mà đã gọi tên anh” của Dương Như Nguyện mà nhiều người đã trích dẫn và đăng ở nhiều trang mạng Internet.(8)
  5. Ba trang 288-291 trích dẫn gần nguyên văn “Hậu quả của khủng bố và hiệu lực của hy vọng”, bản dịch của Lý Văn Quý cho lời bạt trong cuốn sách viết về cuộc chiến Việt Nam “Đức – A reporter’s love for a wounded people” của Uwe Siemon-Netto(9) đăng ở nhiều trang báo mạng.

4. Quan điểm và tiêu chuẩn của tác giả

Ngoài một số phân tích các dữ liệu thông kê và cũng có nhận định, tuy không nhiều chi tiết và lý giải, về những nét đặc biệt của cộng đồng người Việt ở những vùng khác nhau trên thế giới, tác giả quan tâm nhiều đến căn cước chính trị chống cộng sản, vinh danh cờ vàng hay không, cũng như một số nhân vật “làm rạng danh người Việt” tại Mỹ, v.v.

Sau phần trích dẫn một số thảm cảnh thuyền nhân tị nạn cộng sản Việt Nam đã phải gách chịu, tác giả Lâm Vĩnh Bình đóng khung và nhấn mạnh,

“Những người đã trải qua hay nhân chứng những giây phút hãi hùng này mà sau đó lại quay lưng chạy theo cộng sản là những người thiếu lương tri, không nhân cách nếu không phải là mất trí.”(10)

Và ở Chương 2, tiểu mục “Những người Việt làm rạng danh người Việt tại Mỹ” tác giả xiển dương những nhân vật như

  • Ô. Nguyễn Xuân Vinh, khoa học gia hàng không, nhưng không cho biết rõ lịch trình quân vụ của cựu đại tá không quân VNCH Nguyễn Xuân Vinh. Ông giải ngũ hay ông đào ngũ?
  • Ô. Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn, nhưng tác giả bỏ sót chi tiết ông là Việt kiều thứ 15 trong danh sách 19 người được giải “Vinh danh nước Việt” năm 2004, giải thưởng do báo điện tử VietNamNet sáng lập, có sự hợp tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp cho đất nước.(11)
  • Bà Jane Lưu (Lưu Lệ Hằng), nhà vật lý thiên văn nổi tiếng, nhưng không đề cập đến những hoạt động của bà như một giáo sư Việt kiều giao lưu với chính phủ cộng sản Việt Nam như thế nào. Trang TTXVN gọi bà là “Người con xa xứ luôn hướng về quê hương”.(12)

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp giáo sư Lưu Lệ Hằng. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)(12)
    Thủ tướng nước CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng tiếp giáo sư Lưu Lệ Hằng. Nguồn: Đức Tám/TTXVN
  • Trung Dũng, tỉ phú kỹ nghệ truyền thông, nhưng tác giả không đề cập đến chi tiết cha ông là một trung tá VNCH, thị trưởng một tỉnh lỵ miền Nam, sau 1975 bị đi tù cải tạo;(13) và ông phải vượt biển trốn cộng sản khi 17 tuổi. Ông Trung Dũng là người thứ 5 trong danh sách “Vinh danh nước Việt – 2006”.(14)

Dường như có mâu thuẫn sâu sắc khi tác giả vừa khinh bỉ những người “quay lưng chạy theo cộng sản là những người thiếu lương tri, không nhân cách nếu không phải là mất trí” vừa nêu danh những người nhận giải “Vinh danh nước Việt” và “Người con xa xứ luôn hướng về quê hương” trong danh sách những là “Những người Việt làm rạng danh người Việt tại Mỹ”.

Ngoài ra, trong phần còn lại của Chương 2, tác giả không có các tiểu mục nào khác liệt kê những “Những người Việt làm rạng danh người Việt” tại Canada, Úc, Pháp, Đức, Anh, Tây và Bắc Âu. Lý do nào có sự chênh lệch lớn lao này?

Tóm lại, tốt nhứt có thể coi cuốn “Giá tự do” là một tập tài liệu tóm tắt về vài khía cạnh của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản trên thế giới từ sau năm 1975 cho “độc giả đại chúng” đọc tiếng Việt như tác giả đã Lâm Vĩnh Bình đã ghi nhận ngay ở “Lời nói đầu”. Không cuốn sách nào có thể trình bày một cách công bằng cho một chủ đề lớn và phức tạp chỉ trên 300 trang giấy. Do đó không thể đánh giá “Giá tự do” như một tác phẩm để giới nghiên cứu dùng trong việc tham khảo. Còn rất nhiều thiếu sót và bị giới hạn, nhưng cuốn “Giá tự do” là một cố gắng cần khuyến khích.

5. Đạo đức của người cầm bút

Về mặt chuẩn mực của số liệu, vẫn ở Chương 2, Mục “Người Việt ở Canada”, tác giả đã nói tới sự phức tạp về tổng số người Canada gốc Việt đơn chủng ở Canada và người gốc Việt đa chủng, Sở thống kê Canada, theo kết quả Điều tra dân số 2011, đã ghi con số chính thức là 220.425 người gốc Việt (bằng tổng số người Việt đơn chủng và người Việt đa chủng sống tại Canada). Ở đoạn cuối, tác giả gay gắt lên án con số thống kê về người Việt ở Canada của Việt Nam, ông viết,

“…chúng tôi không thể bỏ qua “truyền thống” gian dối về thống kê và tin tức láo khoét của những đỉnh cao trí tuệ Cộng sản.

Theo “nhà nghiên cứu Khoa học xã hội, Tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn” thì “số kiều dân VN ở Canada năm 2004-2005 là 200000 người, là do các nguồn tài liệu mà chúng tôi nhận được từ đầu năm 2004 đến đầu năm 2005”. (www.quehuong.org.vn)

Chúng tôi không hiểu các nguồn tài liệu mà ông Đàn nhận được tại Viện Nghiên cứu của ông ở Hà Nội phát xuất từ đâu trong khi thống kê Canada chỉ công bố kết quả chính thức của cuộc kiểm kê dân số năm 2006 vào ngày 2 tháng tư năm 2008 là 180 130 người.”(15)

Ông Lâm Vĩnh Bình nổi nóng vì “tin tức láo khoét của những đỉnh cao trí tuệ Cộng sản” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người Cộng sản có muốn cũng không thể độc quyền bí kíp thổi phồng phóng đại về mấy con số. Chẳng xa xôi đâu, ngay tại Canada nơi tác giả “Giá tự do” định cư, người làm chính trị cũng rất là thâm hậu trong bài quyền phóng đại.

Mời bạn đọc coi qua phần trích dẫn dưới đây.

“For those who oppose the bill—maybe those who came to Canada before 1975, are students in the Colombo plan, or for their personal interest of doing business with Vietnam—their personal interest compared to millions of Vietnamese who fled Vietnam on April 30, 1975 is unacceptable. To compare that day with the 300,000 Vietnamese refugees who left Vietnam—and Canada accepted them for that day—is not acceptable.”
[…]
“This bill is recognized by 300,000 Vietnamese who came to Canada. Canada accepted them with open arms. This bill also shows the vibrant contribution of the Vietnamese community in Canada.”(15)

Dịch:

“Đối với những người chống lại dự luật – có lẽ là những người đến Canada trước năm 1975, là sinh viên trong Kế hoạch Colombo, hoặc vì lợi ích cá nhân đang kinh doanh với Việt Nam – So sánh lợi ích cá nhân của họ với lợi ích của hàng triệu người Việt Nam đã rời bỏ Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là điều không thể chấp nhận được. So sánh ngày đó với 300.000 người tị nạn đã rời bỏ Việt Nam-và Canada đã đón nhận họ bằng ngày đó là điều không thể chấp nhận được.”
[…]
“Dự luật này được 300.000 người Việt Nam [tị nạn] ở Canada công nhận. Canada đã đón nhận họ với vòng tay rộng mở. Dự luật này cũng cho thấy đóng góp sinh động của cộng đồng người Việt tại Canada.”

Trên đây là tuyên bố của Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải vào khoảng 15g50 chiều ngày Thứ Tư, 1 tháng Tư, 2015 trước Uỷ ban Thường trực về Di sản Canada tại Hạ Viện ở thủ đô Ottawa phản đối đề nghị của phe đối lập dùng “ngày đó”, ngày 27 tháng 7, làm ngày kỷ niệm hành trình tự do.

Là một người cực lực ủng hộ Dự luật S-219 đã thành Luật Quốc gia, từ ngày 22/4/2015, công nhận 30 tháng Tư hàng năm là Ngày Hành trình tìm Tự do, người viết hoàn toàn không biết, không hiểu ông Thượng Nghị sĩ lấy nguồn tài liệu nào, ở đâu ra để tuyên bố rằng có tới 300.000 người Việt Nam tị nạn cộng sản tại Canada.

Thứ nhứt, so với số liệu của Sở Thống Kê Canada năm 2011, rõ ràng, ông nghị sĩ xứ dân chủ tự do phóng đại con số hơn ông tiến sĩ Việt cộng tới 3 lần, 36% so với 11%.

Thứ nhì, không phải sinh viên Việt Nam nào trong Kế hoạch Colombo trước 1975 tại Canada cũng “vì lợi ích cá nhân đang kinh doanh với Việt Nam” mà phản đối dự luật S-219.

Một chi tiết khác cũng cần lưu ý; ngày 21 tháng 9 năm 2014 Bs Đào Bá Ngọc, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Canada – Vùng Montreal, người đã thay mặt tác giả đi nhận giải thưởng ở Melbourne, đã trao giải thưởng lại cho Bs Cấn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HQTYSVNTD rồi bà trao cho ông Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải để ông trao Giải thưởng Melbourne cho tác giả Lâm Vĩnh Bình.

Tác giả Lâm Vĩnh Bình nhận Giải thưởng Melbourne. Nguồn: YouTube/DaoMH
Tác giả Lâm Vĩnh Bình nhận Giải thưởng Melbourne. Nguồn: YouTube/DaoMH

Khi trao giải thưởng, ông Thượng nghị sĩ có nói, “Sau gần 40 năm, đây là một cái công trình biên khảo … nghiên cứu rất là sâu sắc… và rất là xứng đáng để nhận cái giải Melbourne của Hội Y sĩ…”

Từ 21 tháng 9, 2014 tới 1 tháng 4, 2015 là 222 ngày. Trong hơn 7 tháng đó, có thể vì quá bận công chuyện của đảng, nên ông nghị sĩ không đọc “cái công trình biên khảo nghiên cứu rất là sâu sắc và rất là xứng đáng” của tác giả nên mới có lời tuyên bố 300.000 dân tị nạn cộng sản được Canada đón nhận tại Quốc hội Canada như ghi trong biên bản phiên họp ngày 1 tháng 4, 2015.

Cũng như tác giả đã lên án “truyền thống” gian dối của cộng sản, không có xã hội nào dung thứ kẻ nói láo, thổi phồng, phóng đại. Theo giáo sư tâm lý Tomas Chamorro-Premuzic, nói láo vẫn hiện hữu trong xã hội hàng ngày của chúng ta. Một trong những loại người nói láo, khai man là những người có tâm thần bất ổn, thiếu tự tin. Nói láo dựng cho họ một bức tường tâm lý tạm thời che đỡ cho cái tôi bất ổn. Giải thích một cách dài dòng lời của George Orwell, “Nếu muốn giữ bí mật người ta cũng phải tự giấu nó với chính họ.” Nghĩa là khi con người có thể bóp méo sự thực vì tư lợi, để phóng đại thành tích, để giành phần thắng, hay vì sĩ diện, về mặt kỹ thuật, không phải họ nói láo mà vì họ không có khả năng và không sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thực.(16)

Trong bài “Why We Lie and How to Stop”(17), tiến sĩ Lisa Firestone cũng nói những người nói láo, phóng đại thường để tạo danh giá cá nhân cho họ (sĩ diện) và để đáp ứng một nhu cầu tâm lý là cần được người khác chấp nhận, kính nể. Nhưng trên thực tế, khi nói láo, phóng đại thì chính họ sẽ có cảm giác của những người biển lận, và cuối cùng sẽ mất cả tự trọng.

Những người nói láo loại này tưởng chừng họ không gây hại cho ai hết nhưng cuối cùng nạn nhân lớn nhất chính là kẻ nói láo. Nói láo là tự hại chính mình.

Về tác giả

Với tác phẩm tiếng Việt đầu tay, vừa được Giải thưởng Văn học của HQTYSVNTD, là một người vào trường sách báo tương đối trễ, có thể tác giả đã tin rằng một tiểu sử với nhiều thành tích rực rỡ sẽ giúp tăng thêm uy tín cá nhân.

Như đã đề cập ở trên, thứ nhứt, tiểu sử của tác giả được thực hiện qua hình thức một bài phỏng vấn của ban biên tập một tờ báo tháng mà ông là chủ bút đầu tiên.

Nguồn:  Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự do, trang 300
Nguồn: Nguyệt san Người Việt Montreal/Khoahocnet 1/7/2014 – Lâm Vĩnh Bình, Giá Tự do, trang 300

Thứ nhì, tiểu sử của ông lại được ông Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Canada – Vùng Montreal trang trọng giới thiệu trong buổi ra mắt sách ‘Giá Tự do’, ngày 21 tháng 9, 2014 tại Montreal.

Những thông tin về tác giả ở bài giới thiệu in trong sách và lời giới thiệu ngày 21 tháng 9 không khác nhau và nhấn mạnh về bằng cấp, chức vụ và thành tích công chức của ông trước cũng như sau 1975 hơn là về những sáng tác của một người cầm bút.

Nguồn của những thông tin về nhân thân tác giả đã đăng báo, in trong sách hay do người khác công bố dĩ nhiên do chính ông Lâm Vĩnh Bình cung cấp, một loại lý lịch truyền khẩu, oral biography. Đây là hiện tượng thường thấy trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi. Cộng đồng này là tập hợp của những người bị bứng gốc khỏi quê hương, xã hội mà họ đã lớn lên ở đó. Họ phải dựng lại cuộc đời ở một khung trời xa lạ, phải xây dựng vị trí cho mình ở một xã hội mới. Ảnh hưởng nặng nề của nho giáo khiến một số người ở thế kỷ 21 vẫn còn tán tụng hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ từ hai trăm năm trước

“Làm trai đứng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.”

Một điểm nổi bật trong tiểu sử tác giả, được lập đi lập lại trong sách, trên mạng và bằng lời công bố trước quần chúng: Ông Lâm Vĩnh Bình tức ông Lâm Văn Bé tốt nghiệp Thủ Khoa Ban Sử Địa trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964.


Bs Đào Bá Ngọc giới thiệu tiểu sử tác giả Lâm Vĩnh Bình trong buổi lễ ra mắt sách “Giá tự Do”. Nguồn: YouTube/DaoMH

Cũng trong phần giới thiệu tác giả “Giá tự do”, ông Đào Bá Ngọc nhận xét:

“Chúng ta thấy một người nghĩa là được được thăng cấp như diều gặp gió… lên ào ào ào ào … Con đường thăng tiến của anh quá mau… Chúng tôi chợt suy nghĩ, nếu Việt Nam Cộng hoà chúng ta còn được tiếp tục sau 1975, tôi đoán có lẽ lúc đó anh Lâm Văn Bé nếu không là Viện trưởng Viện Đại học Tiền Giang thì chắc cũng phải Thứ trưởng Bộ Giáo Dục.”


Ông Chủ tịch cộng đồng hay Người buôn mộng? Nguồn: YouTube/DaoMH

Muốn hiểu rõ mật mã “Cô sáu, dượng sáu” trong phần giới thiệu và lý do tại sao Lâm Văn Bé “lên ào ào ào ào” bạn đọc có thể đọc thêm “Những ngã rẽ” hồi ký của Dương Văn Ba, một người bạn “coi nhau như anh em nối khố” với ông Lâm Văn Bé, đặc biệt tiểu mục “Quê hương của một “Bà Lớn” – Thiệu “playboy”(19) ở chương 3 và tiểu mục “Quan hệ rủ rê, một định mệnh” ở chương 5 nói về buổi họp năm 1965 của Lý Chánh Trung, Trần Bá Phẩm, Lâm Văn Bé, Nguyễn Văn Ba, Võ Long Triều, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Tô Thị Diễn để hình thành Phong trào chính trị Phục Hưng miền Nam, hậu thân của Hội Liên trường, một năm sau đó.(20)

Cũng trong nhận xét nêu trên, ông bác sĩ bỗng dưng trở thành kẻ rao bán những giấc chiêm bao; ông muốn làm người buôn mộng? Ông đưa mệnh đề điều kiện vào lịch sử. Đã là lịch sử thì không thể có chữ “Nếu”.

Ông Lâm Văn Bé có tốt nghiệp Thủ Khoa Ban Sử Địa trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964 hay không?

Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, xin được trở lại với một tác phẩm của ông Lâm Văn Bé “bị bỏ quên” trong bài giới thiệu của Nguyệt San Người Việt Montréal và lời giới thiệu tác giả ở buổi ra mắt sách “Giá tự do” tại Montreal, ngày 21 tháng 9, 2014.

Trong cuộc phỏng vấn với trang Hoàng Lan Chi ông Lâm Văn Bé cho biết tác phẩm đầu tay của ông là L’immigration et les communautés culturelles du Québec 1968-1990. Ông còn cho biết thêm, tuy không dự thi, nhưng được nhà xuất bản “Documentor ở La Pocatière (Québec) trao giải thưởng bằng cách ấn hành miễn phí tác phẩm nầy”(20).

Lâm Văn Bé trả lời phỏng vấn của trang Hoàn Lan Chi. Nguồn: Trang Hoàng Lan Chi
Lâm Văn Bé trả lời phỏng vấn của trang Hoàng Lan Chi. Nguồn: Trang Hoàng Lan Chi

Cách trả lời cho một người ở Mỹ của ông Lâm Văn Bé về tựa đề tác phẩm bằng tiếng Pháp của ông quả đúng là một nửa sự thật.

Một nửa sự thật là cả một sự lừa đảo.

Đọc cái tựa sách đó người ta có thể hiểu lầm nó là một cuốn sách nghiên cứu về sự di dân và các cộng đồng văn hoá ở ở tỉnh bang Quebec trong khoảng 1968-1990.

Coi vậy mà không phải vậy.

Lam Van Be, “L'immigration et les communautés culturelles du Québec, 1968-1990 : bibliographie sélective annotée”. Nguồn: Thư viện Montreal
Lam, Van Be, “L’immigration et les communautés culturelles du Québec, 1968-1990 : bibliographie sélective annotée. Nguồn: Thư viện Montreal

Thực tế, tựa đề cuốn sách là “L’immigration et les communautés culturelles du Québec, 1968-1990 : bibliographie sélective annotée”. Ông Lâm Văn Bé đã giấu phần “bibliographie sélective annotée” trong câu trả lời vì đây là phần định nghĩa chính xác nội dung cuốn sách. Đó là một thư mục gồm tựa đề, tên tác giả của 700 tác phẩm, có lựa chọn, đa số bằng tiếng Pháp, có chú thích về đề tài “di dân và các cộng đồng văn hoá ở tỉnh bang Quebec trong khoảng 1968-1990”. Cuốn thư mục này do nhà xuất bản Documentor phát hành năm 1991, dày 142 trang, khổ 28cm. Những thư mục loại này là kết quả của một trong những công việc bình thường của những chuyên viên ngành thư viện. Ông Lâm Văn Bé là công chức thư viện; sở giao cho ông việc làm thư mục; ông làm xong, kết quả được in thành tài liệu của chính phủ (publication officielle) cho người đọc sách dùng khi cần chọn tài liệu tham khảo theo đề tài. Chúng đáp ứng nhu cầu của một số người nghiên cứu không quen sử dụng những cơ sở dữ liệu trực tuyến chuyên đề cập nhật (online databases).

Không có chuyện sách là giải thưởng.

Là chuyên viên thư viện, tác giả Lâm Vĩnh Bình chắc chắc hiểu rõ giá trị của tài liệu gốc. Một trong những tài liệu cấp một của Đại học Sư phạm Sài Gòn không đồng ý với những gì người ta đã đọc hay đã nghe về thành tích trong tiểu sử của ông.

Tài liệu đó là “Danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Saigon – Khoá I năm 1964 – Ban Sử Địa”. Ở cuối danh sách là chữ ký ngày 6 tháng 6, 1964 và con dấu của Chánh Chủ khảo, giáo sư Trần Văn Tấn (1930-2013), Khoa trưởng Đại học Sư phạm (1963-1975).

Nguồn: Đại học Sư phạm Saigon, 1964
Nguồn: Đại học Sư phạm Saigon, 1964

Tài liệu nêu trên cho thấy sinh viên Lâm Văn Bé là một trong 30 thí sinh đậu hạng Bình thứ. Đứng đầu danh sách trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp ban Sử Địa năm 1964 là thí sinh Hoàng Thị Thu-Hà, người duy nhứt đậu hạng Bình.

Như vậy, ông Lâm Văn Bé đã khoác lác về thứ bực trúng tuyển của ông trong kỳ thi tốt nghiệp. Ông Lâm Văn Bé tiếm danh “Thủ khoa”, thí sinh đứng đầu danh sách trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Saigon – Khoá I năm 1964 – Ban Sử Địa, của bà Hoàng Thị Thu-Hà. Ông Lâm Văn Bé đã xúc phạm tất cả 38 bạn đồng môn, dù còn hay đã mất, và tỏ ra bất kính với Giáo sư Khoa trưởng, Chánh chủ khảo Trần Văn Tấn và toàn ban giáo sư giảng dạy. Ông Lâm Văn Bé đã làm ô uế thanh danh của Đại học Sư Phạm Saigon, nơi đã dạy ông làm thầy giáo, và tất cả những ai từng là nhà giáo, cũng như nền giáo dục của nền Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Văn hoá ứng xử đạo đức của con người Việt Nam đòi ông Lâm Văn Bé phải có lời xin lỗi đến với tất cả những con người và thể chế mà ông đã xúc phạm.

Sau hết, người viết xin mượn lời Cao Nguyên, ĐHSPSG, ban Việt Hán, 1972-1975, gởi đến tất cả, bài thơ “Nhớ Thầy”(22) khi hay tin thầy Trần Văn Tấn qua đời.

“Thầy ra đi
Nhẹ nhàng như chiếc lá cuối thu
Rưng rưng con nhìn trang Cáo Phó
Chỉ ghi có tên Thầy
Không chức danh này nọ
Đơn giản như cuộc đời nhà giáo
Nhưng trong lòng đám môn sinh
Vẫn mãi nhớ ơn Thầy.”

 

“Vanitas vanitatum omnia vanitas”

 

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline minh hoạ.

(1) Trần Văn Tích, “Giải Văn Học Kỳ IV”, Diễn đàn cựu sinh viên Quân y, số tháng 11, 2014. Web 1 tháng 10, 2015 <http://svqy.org/>.
(2) Bình Sa, “Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do Mời Dự: Giải Thưởng Văn Học 2014, Chủ Đề ‘Chân Dung, Thành Quả, Tương Lai’”, Việt Báo Online. 19/10/2013. Web 1 tháng 10, 2015, <https://vietbao.com>.
(3) PH2 Phil Eggman [Public domain], “File:35 Vietnamese boat people 2.JPEG”, Defense Imagery via Wikimedia Commons. Web 1 tháng 10, 2015. <https://commons.wikimedia.org>.
(4) CEATL | Conseil Européen des Associations de Traducteurs Littéraires, “legal Status”. Web 1 tháng 10, 2015 <http://www.ceatl.eu>.
(5) Hoàng Cơ Định, ““Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân tại Genève”, Archive Vietnamese Boat People, May-04-08. Web 1 tháng 10, 2015 <http://www.vnbp.org/vietnamese/memorial/monuments/geneva/>.
(6) Trà Mi-VOA, “Chàng trai Việt lau dọn vệ sinh trở thành nhà khoa học vệ tinh không gian của Mỹ”, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, 11.05.2012. Web 1 tháng 10 2015 <http://www.voatiengviet.com/>.
(7) Phạm Việt Vinh, “Người Việt ở Berlin và bức tường hình trụ”, Đàn Chim Việt Tuyển tập, trang 385-390, New Jersey, DCV Inc., 2006.
(8) Nguyễn Thiếu Nhẫn, “Trần Văn Bá: ‘Con rồng Lạc Long của Biển Đông’”! Blog Việt Dương Nhân, Jan 10, 2013. Web 1 tháng 10, 2015.
(9) Lý Văn Quý, “Hậu quả của khủng bố và hiệu lực của hy vọng”, Nguyên bản của Uwe Siemon-Netto, “The fruit of terror and the virtue of hope”, Blog Dân làm báo, Mả 22, 2013. Web 1 tháng 10, 2015, <http://danlambaovn.blogspot.fr/>.
(10) Lâm Vĩnh Bình, “Giá tự Do”, trang 17, Montreal, Truyền-Thông, 2014.
(11) Bộ Ngoại Giao Việt Nam, “19 Việt kiều được bầu chọn ‘Vinh danh nước Việt’. Bách khoa Toàn thư mở. Web 1 tháng 10, 2015, <https://vi.wikipedia.org>.
(12) VN+, “Giáo sư Lưu Lệ Hằng – Người con xa xứ luôn hướng về quê hương”, 24/7/2015 . Web 1 tháng 10, 2015 <http://www.tuyengiao.vn/>.
(13) Phan Dương, “Tỉ phú Việt kiều tại Mỹ”, TBKTVN, 18/03/20017. Web 1 tháng 10, 2015 <http://vietbao.vn/>.
(14) VNN, “17 Kiều bào được bình chọn ‘Vinh Danh Nước Việt – 2006’”, 03/04/2007. Webe 1 tahsng 10, 2015 <http://viet.vietnamembassy.us/>
(15) Lâm Vĩnh Bình, Ibid., trang 117.
(16) Standing Committee on Canadian Heritage, “EVIDENCE, Wednesday, April 1, 2015”, No. 039, 2nd session, 41st Parliament, House of Commons, Canada. Web 1 tháng 10, 2015 <http://www.parl.gc.ca/>.
(17) Tomas Chamorro-Premuzic, “How and why we lie at work”, Harvard Business Review, January 02, 2015. Web 1thasng 10, 2015, <https://hbr.org/>.
(18) Lisa Firestone Ph.D., “Why We Lie and How to Stop”. The many lies we tell hurt us in the end. Psychology Today, Sep 23, 2013. Web, 1 tháng 10, 2015 <https://www.psychologytoday.com>.
(19) Dương Văn Ba, “Những ngã rẽ”, Chương 3, Mục “Quê hương của một “ Bà Lớn” – Thiệu “playboy”.
(20) Dương Văn Ba, Ibid., Chương 5, Mục “Quan hệ rủ rê, một định mệnh”.
(21) Hoàng Lan Chi, “Hội Quốc Tế Y Sĩ trao giải thưởng văn học Melbourne 2014”, trang Hoàng Lan Chi, July 23, 2014. Web 1 tháng 10, 2015 <http://hoanglanchi.com/>.
(22) Cao Nguyên, “Nhớ Thầy”, Trang Ái Hữu Đại học Sư phạm Sài Gòn, 10/2013. Web 1 tháng 10, 2015 <http://daihocsuphamsaigon.org/>.

1 Comment on “Hư danh của hư danh, thảy đều hư danh

  1. Cứ ngỡ là bấy lâu nay “Sư Phụ” đang lo huởng lạc ở VN không màng tới “in ấn xuất bản sách vở, chữ nghĩa” nữa chớ, ai ngờ “người” vẫn còn “nặng nợ với giang hồ”, nhân lúc “quét đường” vung cán chổi, đập cho ông LVB một chổi tối tăm mặt mũi hết đỡ!!! Kính chúc “Sư Phụ” luôn Hạnh Phúc bên người đẹp có cái may mắn đã được “Sư Phụ” ra tay cứu “dzớt”.