Một chút tâm tư: sống và chết

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

sinhtu1Ngoài đường phố xe cộ vẫn chạy. Mọi người vẫn bận rộn sinh hoạt với công việc hàng ngày. Biết bao là vấn nạn, thắc mắc, ẩn khúc của cuộc đời đang chờ đợi chỉ một trả lời đơn giản. Sống hay Chết?

 

Andam à Eve ăn trái cấm. Nguồn:  http://newveganage.blogspot.ca/
Andam à Eve ăn trái cấm. Nguồn: http://newveganage.blogspot.ca/

Khi ông Adam và bà Eve cãi lời Chúa ăn trái cấm, đã bị thiên thần Chúa sai xuống đuổi ra khỏi vườn địa đàng là nơi hai ông bà đang hưởng mọi sung sướng, không biết đau khổ chết chóc là gì. Chúa đã quở mắng hai ông bà:

“Ngươi và con cháu ngươi sau này sẽ phải đổ mồ hôi máu mới có cơm ăn áo mặc, đau khổ sẽ luôn luôn ở bên cạnh ngươi như hình với bóng và đời đời ám ảnh ngươi. Ngươi sẽ phải chết.”(1)

Thực vậy, đời người không có gì kinh hãi cho bằng đau khổ, dù là đau khổ thể xác hay tinh thần. Vì vậy bản tính con người là ham sống sợ chết, luôn luôn tìm kiếm sung sướng và tránh né đau khổ nhưng vẫn bị đau khổ ám ảnh hành hạ. Con người ít ai được thỏa mãn với sung sướng hạnh phúc, trái lại đau khổ thì triền miên. Đau khổ và hạnh phúc trở thành những hiện tượng tâm lý triết học cho đến nay vẫn chưa một triết gia, một nhà đạo đức học, xã hội học hay tôn giáo nào có thể cắt nghĩa một cách toàn bích và giải quyết thỏa đáng. Nó giống như sự sốngsự chết, chẳng ai có thể giải quyết được, ngoại trừ thiên chúa.

Đau khổ và hạnh phúc là những cái gì vô hình vô tượng, nó mờ ảo mung lung, lúc ẩn lúc hiện, lúc cùng cực thanh thản, lúc triền miên sâu thẳm, lúc nhởn nhơ hời hợt, đến ở vô lường. Nó luôn luôn ở những cực đối kháng của tận cùng tâm tư. Có những lúc con người tự mình muốn tìm cái chết / tự tử, phải chăng vì họ thấy rằng không thể trốn thoát khỏi đau khổ và lưỡi hái tử thần.

* * *

Ông Lân được bác sĩ C. cho nhập viện để điều trị bệnh ung thư từ hơn một tháng nay. Bây giờ thì tình trạng vẫn nhập nhằng không giảm không tăng, nhưng có chiều đi đến nguy kịch khó thoát khỏi tử thần. Đôi lúc ông rất tỉnh táo bình thản, đôi lúc hốt hoảng như người mất hồn, có lúc cười nói quá độ, có lúc sầu thảm không nói không rằng, có lúc hung dữ cáu kỉnh. Bất định. Hạnh phúc, đau khổ, sự sống, sự chết đang quay lộn trong đầu ông. Ông thất vọng buồn nản đến điên khùng vì chẳng ai biết ông, chẳng ai hiểu ông, hiểu biết nổi tâm trạng ông, cái khốn cùng ghê rợn và đau đớn tận cùng của ông.

– Đừng gọi tôi bằng Lân nữa. Cô không có quyền gọi như vậy. Tôi là ông Lân, ông Nguyễn văn Lân.

Anh bận bộ đồ nhà thương màu xanh lam đã ngả màu trắng nhạt. Anh ngồi yên bất động, thân tựa vô thành giường, nhưng lòng thì bồn chồn khôn tả. Anh nóng lòng chờ bác sĩ đến khám. Hôm nay là ngày anh khám định kỳ bác sĩ chuyên môn ung thư máu. Cứ sáu tháng một lần. Anh đã đợi ít nhất là mười lăm phút trong cái phòng này mà anh biết chắc nó giống y chang cái phòng mà ông Lân đang la hét trong đó. Tập hồ sơ bệnh lý dày cộm của anh có đánh dấu màu đặc biệt đã được bà y tá để sẵn trên cái kệ sắt ngay cửa phòng. Anh bước tới đứng trước tấm gương treo trên tường chỗ bàn rửa mặt, ngắm nhìn mặt mình lần chót xem có giống một người bình thường mạnh khỏe tráng kiện không. Trong phòng không có được một tờ báo, dù là nhật trình hay nguyệt san, chỉ độc nhất có một tấm lịch với ngày tháng năm dần dần mỏng đi. Anh nhìn chăm chú vào tấm lịch, cố gắng tưởng tượng và nhớ xem bác sĩ C. và hắn sẽ hoạch định chương trình trị liệu hóa học ra sao, rồi anh như cái máy tự động đi đi lại lại quanh phòng không ngừng. Bất thần anh dừng lại, lắng nghe những tiếng động trong không gian, nơi bệnh viện và những phòng chung quanh đây đó. Anh muốn nghe lén xem thiên hạ đang bàn tán, truyện trò, than vãn, trách móc, uất hận hay buồn phiền, chấp nhận những gì.

Hình như có tiếng cô y tá trẻ đang nói.

– Tôi thành thật xin lỗi ông. Chúng tôi thường kêu mọi người và bệnh nhân trống không bằng cái tên gọi cho nó thân mật. Thực tình tôi không cố ý coi thường ông đâu.

Cô đã làm tôi bực mình khó chịu. Cô không có quyền làm như vậy. Trong đời tôi, chỉ có một mình vợ tôi có quyền gọi tôi bằng cái tên trống không như vậy mà thôi. Không phải cô.

Có tiếng một bệnh nhân đồng cảnh ngộ tiếp tục cằn nhằn gắt gỏng trách móc như vậy ở phòng số 3 thì phải?

Được rồi, ông Lân, ông cứ tiếp tục ý kiến và lập trường của ông đi. Tôi muốn cùng với ông la hét lên như vậy. Đừng để cho họ hay bất cứ ai lấy đi một tý nhân phẩm nào của ông. Ông là một bệnh nhân. Ông bị ung thư. Ông là con người. Ông là một người có nhân trí. Người ta không biết, không hiểu và cũng không tài nào có thể hiểu biết nổi cái khốn cùng đớn đau của ung thư. Không cần biết có bao nhiêu người như chúng tôi hàng ngày ra vào nơi bệnh viện này, trong những phòng khám và điều trị như thế này. Họ không tài nào hiểu nổi cái khốn cùng của con người khi phải cởi bỏ tất cả áo quần, thân xác trần truồng để được khám xét cẩn thận từng ly từng tý trên thân xác. Chỉ một sự duy nhất còn lại là kinh hãi và bẽ bang!

– Ông Lân, tôi xin lỗi vì đã làm ông phật lòng. Tiếng bác sĩ C. nói khi cô y tá vừa đóng cánh cửa phòng lại.

Những bực bội khó chịu chớp nhoáng qua đi nhưng còn muôn vàn thứ đang chồng chất trong anh. Bây giờ anh ngồi tê cứng ở cuối bàn khám, hai chân bỏ thõng xuống, hai cánh tay ôm chặt lấy ngực như muốn che kín cả thân xác mà vẫn cảm thấy trống trải, lạnh lẽo và bẽ bàng. Anh thắc mắc phân vân nghĩ về dĩ vãng xa xưa năm năm trước lúc bác sĩ báo tin cho anh biết anh bi bệnh ung thư Hodgkin’s. Biết bao tiếng xì xào oán hận buồn rầu mà anh nghe được vừa phát ra từ những phòng chung quanh. Biết bao con mắt mất thần của những bệnh nhân còn sống sót mà anh nhìn thấy lúc ngồi bên cạnh họ trong phòng đợi và nơi hành lang bệnh viện. Anh quan sát và cảm thông. Biết bao mẩu chuyện đối thoại giữa các bệnh nhân từ lâu cất kỹ trong óc trong lòng giờ đây đang dồn dập trở lại thao diễn trong đầu anh với mọi chi tiết tỷ mỉ và sáng chói sầu bi. Một bà trạc tuổi trung niên hôm đó ngồi bên cạnh anh đang đợi làm thủ tục nhập viện, bất thần thốt lên:

– Tại sao lại xẩy ra cho tôi nhỉ? Con trai tôi chết vì ung thư máu; chồng tôi bị bệnh tim. Chúng tôi phải tự săn sóc giúp đỡ nhau.

Bà tiếp tục lẩm bẩm trong miệng điều gì không ai nghe rõ nhưng như muốn anh thốt ra những lời an ủi kỳ diệu có sức biến đổi thế giới và cuộc đời của bà thành bình thường như mọi người bình thường.

Ung thư, bệnh hoạn, đớn đau có thể nói nhưng không ngôn ngữ nào có thể diễn tả cho bạn hiểu được hết mọi ngóc ngách hãi hùng và sầu thảm của nó. Chỉ cách duy nhất để biết và hiểu, cảm nhận và chia sẻ cảm thông, vấn vương lòng trắc ẩn là chính kinh nghiệm bản thân mình. Hai người bị bệnh loét và ung thư bao tử ngồi nói chuyện với nhau, kể cho nhau nghe cái đau âm ỉ, lâm râm, lúc nhói quặn lúc tê tái. Họ hiểu nhau, cảm nhận cái đau của nhau và chỉ có họ mới hiểu nhau thấm thía cái bực bội, âm ỉ và chát chúa đau đớn ấy.

– Đúng vậy, tôi cũng thế, tôi cũng thế.

Câu nói bao hàm và đầy đủ trọn vẹn giữa hai người cùng cảnh ngộ với nhau mà thôi.

“…Nỗi ấy, ai có qua cầu mới hay.” (Nguyễn Du, Kim Vân Kiều)(2)

Một cô gái trạc tuổi mười sáu ngồi thinh lặng ở một góc phòng, ánh mắt buồn vời vợi lơ đãng nhìn vào không gian vô định, mái tóc óng ả chảy dài xuống đôi vai gầy càng làm tăng vẻ đẹp liễu trai. Nhưng có ai biết rằng cô không còn tóc. Cô đội tóc giả. Cô đang mơ ước trở thành một cô gái bình thường, vui tươi hạnh phúc, nhởn nhơ hưởng thụ cuộc đời như trăm ngàn cô gái khác cùng lứa tuổi. Nhưng bỗng cô đanh mặt lại, nổi khùng như muốn đốt cháy bệnh viện, đập phá mọi sự và cả thế giới chung quanh cho quả địa cầu xụp đổ tan tành để mọi người cùng chết với cô. Cô mím môi, cắn răng, nắm chặt bàn tay như trút hết tất cả những nỗi buồn phiền uất hận, căng thẳng thần kinh ra ngoài, hiện trên làn da, móng tay khóe mắt. Cô đổi sắc từ buồn rầu ảm đạm thê lương qua hung tàn giận dữ. Bất thần cô hét lên một tiếng hãi hùng!

Bà y tá mở cửa đưa mắt ngó quanh phòng. Nhân viên nhà thương nhốn nháo chạy tới để xem chuyện gì xẩy ra. Mọi sự vẫn bình thường. Cô vẫn ngồi bất động như pho tượng. Các bệnh nhân trong phòng đợi chẳng ai thèm để ý đến tiếng cô gái la hét. Hình như mọi người đang theo đuổi tâm tư ý nghĩ riêng của mình. Có người ngước mắt nhìn cô rồi bỏ lơ. Có người vẫn cúi đầu thê thảm. Có người đang lẩm bẩm một mình hoặc thì thầm với người bên cạnh như phân trần than van, chấp nhận. Họ cảm thông nỗi xót xa đớn đau của cô gái. Họ cũng như cô, đã qua những đoạn đời, những tâm tư sầu muộn, uất hận ấy. Một ông già ngồi trên xe lăn, da nhăn nheo, mặt xanh như tàu lá màu áo nhà thương. Người ông chỉ còn da bọc xương như một cái xác không hồn, đôi mắt hết tinh anh, lơ đãng rảo quanh phòng, nhìn xuống đôi bàn tay gầy guộc bất động đặt trên hai cái đùi ốm tong teo run rẩy. Không biết động lực nào đã thúc đẩy ông tiếp tục đều đặn trở lại nơi đây để chữa trị khi ông coi như đã chết rồi.

Những con mắt đang ngước lên trời cao như khẩn cầu Thượng Đế ban ơn lành phép lạ. Những con mắt đang cúi gằm xuống sàn nhà như muốn đếm từng cọng chỉ của tấm thảm trong phòng đợi. Những gia đình đang bàn tán về vở kịch trên truyền hình đêm qua; không biết lát nữa họ có còn nhìn thấy đứa con yêu dấu của họ nằm trên giường tay lủng lẳng những giây, những kim, những thuốc đang từng giọt nhỏ chảy thấu vào mạch máu, đơn côi, lạnh lùng. Cảnh tượng hai người còn đang lay lắt sống. Ông Lân đang la hét cô y tá.

Ngoài đường phố xe cộ vẫn chạy. Mọi người vẫn bận rộn sinh hoạt với công việc hàng ngày. Biết bao là vấn nạn, thắc mắc, ẩn khúc của cuộc đời đang chờ đợi chỉ một trả lời đơn giản. Sống hay Chết ?

Tôi là người quan sát, nhìn cuộc đời của những bệnh nhân ung thư, những người đã chết, những người đang chết và những người may mắn còn sống sót. Giống như một xã hội thần bí, tôi nhận biết họ trên những nẻo đường phố vắng bóng người, những nơi đô hội náo nhiệt ồn ào bon chen. Những thành phố đồ sộ nhà trọc trời, đèn điện sáng trưng, xe cộ tấp nập ngày đêm; dân chúng ăn chơi hưởng thụ xa hoa; những thương gia đang bận rộn tính toán lời lỗ; những sinh viên đang cắp sách đến trường, những nhà truyền giáo đang hùng hồn thuyết pháp hay đang âm thầm nguyện cầu Chúa cho nhân loại; những nhà bác học đang cặm cụi trong phòng thí nghiệm; những chính trị gia đang bày mưu tính kế. Còn những nơi bùn lầy nước đọng, nhà tranh vách đất, lụp xụp, ổ chuột tối tăm ẩm thấp, người dân cơ cực nghèo khổ bệnh tật, trẻ con thất học. Họ phải sống. Họ tranh sống. Yêu thương. Hận thù. Ức hiếp và chèn ép cướp giật. Những ông thánh, ông tiên, ông phật, những thằng quỉ, những kẻ yếm thế, những người yêu đời, những người tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, những người độc tài áp bức, người sang trọng quyền chức sung sướng hạnh phúc, kẻ nghèo hèn khốn cùng khổ đau, ai là người đồng hành với những con bệnh, ngồi bên cạnh họ, sống với họ để cảm thông với họ, chia sẻ với họ một chút tình người? Mong rằng có thể mở rộng tâm tư ý nghĩ, cõi lòng mình hầu hóa giải, góp phần xoa dịu một chút ít kiếp nhân sinh phù du mà mọi người chúng ta ai cũng phải một lần qua cầu bằng cách này hay cách khác. Cái bí ẩn thâm sâu của tâm hồn. Hạnh phúc và đau khổ. Sống và chết.

Nghe tiếng ông Lân la hét như một dấu hiệu, không biết là đón chào hay giã từ, của một bộ lạc xa xưa vắng bóng lạc loài đâu đó từ ngàn năm trước. Họ là những hiệp sĩ đang can trường chiến đấu quyết liệt cho một giá trị tột cùng nào đó, hơn cả tấc đất mảnh đồi góc rừng của họ, quan trọng hơn cả những tín điều của các tôn giáo. Bộ đồ đồng phục nhà thương như cánh thiên thần bừng nở hoa trong bệnh viện; những mái tóc giả như những triều thiên sáng chói ánh hào quang; những nét mực đen vẽ trên thân xác như những bút thần hướng dẫn những tia phóng xạ có hiệu lực phi thường xóa bỏ mọi tật bệnh, đớn đau và sầu muộn. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm được như đang cố tập trung lại, dàn trận phối hợp với những bộ lạc lạc loài ấy hầu quyết liệt một phen, làm sống lại những an vui hạnh phúc bình thường của con người. Nhưng hàng ngày họ vẫn thường xuyên nhận được những hung tin:

– Tôi rất buồn phải báo tin…Ông, bà, anh, chị, cô… bị ung thư.

Ông Lân, ông hãy la hét lên thật lớn cho nguôi cơn đau khổ. Nhưng ông không phải là kẻ cô đơn. Hãy la lên, la lên để tôi biết rằng tôi vẫn còn anh còn chị, còn cha còn mẹ, còn ông bà, còn bạn bè, còn những người anh em huynh đệ, còn gia đình xã hội quốc gia, còn tôn giáo, còn những cơ quan từ thiện, những người thiện chí như những hiệp sĩ đang chiến đấu can trường ngày đêm ở bên cạnh. Tự do dân chủ hạnh phúc.

Bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện có thể làm tất cả mọi sự để cứu bệnh nhân, bơm đủ mọi hóa chất, thuốc men vào người chúng ta, lột trần truồng chúng ta trong phòng khám, phòng điều trị, kêu anh bằng Lân, ông Lân, anh hay cô, cậu, ông hay bà…

Nhưng, linh hồn của chúng ta thì phải gọi thế nào? Chúng ta có linh hồn bất biến, nhân tính và nhân vị nhân quyền.

Chúng ta là những hiệp sĩ đang ngày đêm tiếp tục trở lại chiến trận chiến đấu cho sự sống của chúng ta. Hãy cùng đi với tôi, ông Lân ơi. Hãy đi với tôi, hỡi ông anh bà chị, cụ ông cụ bà, những người anh em huynh đệ can đảm còn đang sống sót.

Có tiếng gõ cửa làm tôi giật mình trở lại với thực tế. Tôi vươn vai đứng thẳng người, nắn sửa bộ đồ nhà thương cho ngay ngắn. Tim tôi hồi hộp đập nhanh, miệng cố mỉm cười tự nhiên.

– Xin mời vào.

Tôi vừa trả lời thì bác sĩ C. mở cửa phòng bước vào.

Vòng đời sinh tử. Nguồn: aaihs.org
Vòng đời sinh tử. Nguồn: aaihs.org

Pace Garden, đầu tháng 11

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ và chú thích

(1) Theo Book of Genesis, 3:19, Thượng đế nói với Adam rằng,

“…By the sweat of your brow you will eat your food until you return to the ground, since from it you were taken; for dust you are and to dust you will return.”

Theo Sách Sáng Thế, 3:19, “… Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra. Ngươi là bụi đất, nên ngươi sẽ trở về bụi đất.”
(2) Theo bản gốc Truyện Kiều, “Kim Túy tình từ” do Phạm Kim Chi phiên chú, Nguyễn Thành Điểm xuất bản tại Sài Gòn năm 1917, câu 1782 là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Câu 1682 bản Truyện Kiều do Kiều Oánh Mậu hiệu đính cũng chép là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”

1 Comment on “Một chút tâm tư: sống và chết