Hoa lục gây áp lực với những công ty Hong Kong trong cuộc đàn áp dân chủ
Michael Schuman | DCVOnline
Áp lực đối với những giám đốc công ty Hong Kong để đàn áp bất đồng chính kiến có thể lan rộng trên toàn thế giới.
Cách đây không lâu, “Trung Hoa lấy việc làm bạn”, có nghĩa là lương công nhân của họ thấp hơn nhiều so với công nhân ở phương Tây, do đó đã cho phép Trung Hoa “ăn cắp” các nhà máy sản xuất quần jean và iPhone.
Nhưng nếu bị sa thải vì niềm tin cá nhân thì nó nghĩa là gì? Đó dường như là những gì đã xảy ra tuần trước cho Rebecca Sy, một tiếp viên hàng không đã làm việc lâu năm cho một công ty con của hãng hàng không có trụ sở tại Hong Kong Cathay Pacific. Tội ác của Sy là ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng nổ ở Hong Kong trên trang Facebook của cô.
Việc Sy bị sa thải là một ví dụ rõ ràng nhất về một giai đoạn mới trong cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với những cuộc biểu tình lan rộng khắp ở thuộc địa cũ của Anh – ép buộc những công ty ở Hong Kong làm trò bẩn để bảo đảm nhân viên của họ không tham gia vào những cuộc biểu tình rầm rộ khắp thành phố suốt mùa hè. Bằng cách đe dọa lợi nhuận của cổ đông và nồi cơm của nhân viên, ban lãnh đạo lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) dường như tin rằng rồi họ sẽ có thể dập tắt những đòi hỏi của dân Hong Kong về quyền tự do dân sự.
Hậu quả đối với Hong Kong có thể rất bi đát. Thành phố này đã phát triển thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và là điểm đến ưa thích của những công ty toàn cầu vì có một chế độ pháp trị và một chính quyền [địa phương] đáng tin cậy; đó là những yếu tố quan trọng để kinh doanh, thiếu hẳn ở nhiều khu vực khác trong khu vực, và nhất là ở Hoa lục. Nhưng những nỗ lực bền bỉ của Bắc Kinh để đè bẹp Hong Kong dưới bộ máy chính trị của nó có nguy cơ làm suy yếu niềm tin vào công thức “một quốc gia, hai hệ thống” trong thỏa thuận khi London bàn giao thành phố này lại cho Trung Hoa vào năm 1997, và điều đó bảo đảm Hong Kong có quyền tự trị. Không có nó, Hong Kong sẽ không là Hong Kong, và các trụ cột hỗ trợ nền kinh tế và xã hội của nó sẽ sụp đổ.
Hơn thế nữa, áp lực của Bắc Kinh đối với các công ty Hong Kong có thể dễ dàng lan ra toàn cầu. Nếu các cán bộ ĐCSTH sử dụng áp lực kinh tế của họ đối với những giám đốc điều hành ở Hong Kong để ngăn chặn làn song bất đồng chính kiến với Trung Hoa, thì điều gì có thể ngăn cản họ làm chuyện tương tự với giới quản lý ở Mỹ, châu Âu hoặc Nhật Bản trên toàn thế giới? Ở đây chúng ta nhìn thấy những gì có thể là mặt u ám nhất của sự hội nhập của một Trung Hoa độc tài vào nền kinh tế toàn cầu. Các công ty từ Starbucks đến Apple đã trở nên lệ thuộc rất nhiều vào người tiêu thụ ở Trung Hoa để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và không phải là vô lý khi nghĩ rằng Bắc Kinh có thể tận dụng những lợi ích kinh doanh đó để áp đặt quan điểm chính trị của họ đối với thế giới.
Ở một mực nào đó, Bắc Kinh đã làm như thế. Nó trở thành gần như chuyện bình thường đối với giới sản xuất phim ảnh Hollywood là phải loại ra ngoài cốt truyện bất cứ tình tiết nào có thể xúc phạm đến cơ quan kiểm duyệt “dễ nhậy cảm” của cộng sản Trung Hoa và họ có thể không cho cuộn phim được chiếu tại những rạp chiếu nhiều lợi nhuận tại Hoa lục. Ví dụ, những công ty vô tình chạm vào vùng nhậy cảm chính trị của Trung Hoa như liệt kê Đài Loan là một trong những quốc gia trên trang web của công ty (Bắc Kinh coi Đài Loan là một đảo của Trung Hoa) sẽ phải lãnh đủ hậu quả vì đã làm mất lòng cộng sản Trung Hoa. Trong tình trạng náo động ở Hong Kong, hai công ty Versace và Coach đã phải có lời xin lỗi lùm xùm sau khi người Hoa lục tức giận khi thấy rằng họ liệt kê Hong Kong như một thành phố độc lập với Trung Hoa trên các mạt hàng của họ.
Nhưng trường hợp sa thải Sy cho thấy Bắc Kinh đang đổ dầu vào lửa. ĐCSTH đang can thiệp trực tiếp vào các quyết định về nhân sự của những công ty, gây xung đột giữa ban giám đốc với nhân viên của họ và áp đặt ý muốn của Bắc Kinh trong một khu vực nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của nhà nước cảnh sát ở Hoa lục.
Không có công ty nào đang gặp khó khăn lớn hơn Cathay Pacific. Đầu tháng này, cơ quan hàng không của Trung Hoa đã ra lệnh cho hãng hàng không này phải loại bất kỳ nhân viên phi hành nào liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong ra khỏi những chuyến bay đến Hoa lục, tuyên bố rằng hành động như thế là để “cải tiến mực an toàn và an ninh cho chuyến bay”. Không làm theo “yêu cầu” của Bắc Kinh không phải là một lựa chọn. Mặc dù Cathay Pacific là một hãng hàng không quốc tế lớn, bay khắp mọi nơi, từ New York đến New Delhi, một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ là đưa hành khách đến Hoa lục, đặc biệt là trên các máy bay của chi nhánh Cathay Dragon.
Lệnh của Trung Hoa đã khiến hãng hàng không này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vài ngày sau, Rupert Hogg, Giám đốc điều hành Cathay, cảnh cáo với nhân viên rằng công ty sẽ “không khoan nhượng đối với nhưng nhân viên có hoạt động phi pháp” và đe dọa những nhân viên tham gia biểu tình có thể bị sa thải. Hãng hàng không nhanh chóng đình chỉ công tác một phi công đã tham gia vào những cuộc biểu tình. Chính Hogg đã trở thành nạn nhân, đã bất ngờ từ chức để “nhận trách nhiệm” về những điều phiền toái của công ty.
Rồi đến vụ Sy đột ngột bị sa thải. Cô tuyên bố rằng cô đã bị sa thải trong một cuộc họp với đại diện hãng hàng không sau khi xác nhận rằng ảnh chụp màn hình các bài đăng trên Facebook là từ Facebook của cô, dù vậy Sy nói cô không được giải thích về việc bị sa thải. (Sau đó, Sy thừa nhận công khai đăng tài liệu phản đối trên trang Facebook của cô.) Một nhóm công đoàn Hong Kong gọi việc sa thải Sy là một “hành động đàn áp trắng trợn”. Không rõ tại sao Sy không được chuyển sang những công tác không liên quan đến những chuyến bay sang Hoa lục. Khi câu hỏi được đặt ra với người phát ngôn cho Cathay Pacific, công ty này đã trả lời bằng một tuyên bố nói rằng, “chúng tôi không thể bình luận về các trường hợp cá nhân,” nhưng sau đó đã tiếp tục làm như vậy, nói rằng việc sa thải Sy không liên quan gì đến hoạt động của cô ấy với tư cách là giám đốc của một nghiệp đoàn tiếp viên hàng không. Nói chung, Cathay Pacific nói thêm rằng các quyết định về nhân sự đó đều dựa trên “tất cả các trường hợp liên quan gồm cả những yêu cầu về luật lệ hiện hành và khả năng thực hiện công việc của nhân viên.”
Trong khi đó, hãng hàng không bị thiệt hại. Cổ phiếu của Cathay, trên sàn giao dịch Hong Kong, đã lao dốc trong những ngày sau lệnh của cộng sản Trung Hoa (mặc dù họ đã lấy lại được khoản vừa mất). Bắc Kinh đang lợi dụng tình trạng này. Đầu tuần trước, ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Hoa đã hạ cấp cổ phiếu của Cathay xuống mức “bán lẹ” [nhưng cổ phiếu không có nhiều lợi nhuận]
Tương tự, MTR Corporation, công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm Hong Kong, đã bị truyền thông nhà nước Trung Hoa chỉ trích dữ dội vì thái độ được coi là quá mềm mỏng đối với người biểu tình trong các nhà ga. Bị ánh đèn sân khấu soi rọi, MTR Corporation nói họ cực lực lên án mọi loại bạo lực và những hoạt động bất hợp pháp, và họ sẽ đóng cửa các trạm xe điện ngầm không cần thông báo, nếu cần, để kiểm soát tình trạng bất ổn.
Nhóm gọi là những công ty kế toán quốc tế Big Four cũng đã bị theo dõi gắt gao. Sau khi một nhóm nhân viên giấu tên xuất bản một quảng cáo ủng hộ những cuộc biểu tình, những công ty này đã vội vàng tạo khoảng cách với quảng cáo đó. PricewaterhouseCoopers, một trong bốn công ty tài chính lớn, đã tuyên bố,
“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hành động và tuyên bố nào thách thức chủ quyền quốc gia.”
PricewaterhouseCoopers
Vẫn không hài lòng, một bài đăng trên Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Hoa, đã yêu cầu các công ty “sa thải tất cả nhân viên có lập trường sai về hiện hình ở Hong Kong.”
Bằng cách quấy nhiễu những công ty trong những trường hợp cụ thể nói trên, giới lãnh đạo Bắc Kinh rõ ràng đang gửi một thông điệp tới tất cả các doanh nghiệp ở Hong Kong, cả trong nước và quốc tế: Ủng hộ cuộc đàn áp đàn áp [của chính quyền cộng sản] hoặc lãnh chịu hậu quả. Một bài bình luận gần đây trên Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra lời đe dọa rõ rang. Có đoạn viết,
“Những công ty không nên trở thành đồng lõa của những kẻ bạo loạn. Hơn nữa, họ cần phải xem mình là một biểu tượng quan trọng trong việc duy trì một xã hội ổn định và thịnh vượng.”
Thời báo Hoàn cầu
Nếu không,
“Những hành động làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Hoa cuối cùng sẽ bị dân trên mạng phát giác và các công ty vi phạm sẽ bị chỉ trích hoặc tẩy chay.”
Thời báo Hoàn cầu
Hiện nay, áp lực buộc các công ty này phải có hành động chống lại những người ủng hộ dân chủ chỉ xẩy ra ở Hong Kong. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nằm trong ống ngắm của Bắc Kinh cũng là những công ty toàn cầu có nhân viên và hoạt động trên khắp thế giới. (Ngay cả MTR củng điều hành các dịch vụ đường sắt ở Anh, Úc và Thụy Điển.) Không phải là chuyện khó để đe dọa nhân viên làm việc cho các công ty này ở ngoài Hong Kong; họ cũng có thể dễ bị thiệt hại nếu bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào phản kháng.
Nhìn rộng hơn, đảng viên của ĐCSTH có ảnh hưởng đối với nhiều công ty nổi tiếng nhất thế giới và họ có “siết cổ” cả ban giám đốc và nhân viên của của những công ty đó. Họ có thể ra lệnh cho General Motors hoặc Nike, hoặc bất kỳ công ty quốc tế nào có hoạt động kinh doanh lớn ở Hoa lục phải sa thải một nhân viên đã tweet ủng hộ Dalai Lama hoặc Đài Loan độc lập, với mối đe dọa bị hủy giấy phép kinh doanh hoặc bị tẩy chay trên mạng xã hội để buộc phải tuân lệnh của chính quyền Hoa lục? Tất nhiên, điều đó sẽ càng làm những công ty nước ngoài chán ghét hơn vì đã nản lòng do bị đối xử không công bằng và những rào cản đối với hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Trung Hoa. Nhưng như cuộc đàn áp ở Hong Kong cho thấy, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thể đặt quyền kiểm soát chính trị đối với những hoạt động kinh tế.
Michael Schuman là tác giả cuốn “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth and Confucius: And the World He Created.”
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China Squeezes Hong Kong’s Corporations as Part of Its Clampdown | Michael Schuman | The Atlantic | August 27, 2019.