Trả lại nhân tính cho sự chết

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

xoadiuKhông ai biết được trong giờ lâm chung, những giây phút cuối cùng của đời người, con bệnh sẽ sợ hãi ghê gớm hay bằng an thanh thản sẵn sàng ra đi.

Trả lại nhân tính cho sự chết: Trách nhiệm của người thầy thuốc.

Nhưng khi con người phải ra đi, giã từ tất cả những gì thân yêu nhất của mình, không bao giờ trở lại, có thể có những bịn rịn, luyến tiếc, đôi khi hốt hoảng như mất mát một bảo vật mà biết chắc chắn mình chẳng bao giờ có lại được. Sự an ủi vỗ về cảm thông với con bệnh của người thầy thuốc bên cạnh bệnh nhân lúc đó thật quả là vô giá và cần thiết.

Y khoa tuyệt hảo có thay thế được tình cảm không?

Khoa học kỹ thuật tân kỳ hiện đại đã cho phép người y sĩ không cần phải ở bên cạnh bệnh nhân đang cơn hấp hối mà vẫn có thể điều khiển, kiểm soát thời gian và tình trạng sống chết của con bệnh. Hồi xưa, khi y khoa chưa đạt tới mức siêu đẳng như ngày nay, người y sĩ là trung gian giữa những hiện tượng tự nhiên như sống và chết. Ngày nay, họ trở thành trọng tài của những kỹ thuật nhân tạo. Sự chết do đó đã được quan niệm dưới những góc cạnh khác. Tử thần đã được y khoa hóa. Xã hội, người y sĩ và bệnh nhân đã bắt đầu nhận thấy có một giới hạn hay một khoảng cách giữa văn hóa và y đạo. Họ bắt đầu tìm kiếm một phương thức mới về trách nhiệm của người y sĩ đối với bệnh nhân trong khi hấp hối. Câu chuyện sau đây cho thấy hậu quả của việc y học hóa tử thần và những khuyết điểm của sự thay đổi ấy.

Bà M., 57 tuổi, bị ung thư vú ở thời kỳ cuối cùng, đã phải nhập viện nhiều lần vì tình trạng hô hấp bê bết. Bà ta chưa bao giờ chính thức ký giấy từ chối trị liệu để được chết, nhưng không rõ lý do tại sao bà lại từ chối nhập viện điều dưỡng để cho người ta dễ dàng săn sóc bà. Trị liệu hóa học đã thất bại, mà giải phẫu thì không thể được mặc dù gốc ung thư chưa chạy đi nơi khác (metastases). Bà vẫn sinh hoạt hàng ngày bình thường và không đau đớn nhiều. Tuy nhiên gia đình bà cảm thấy không còn có thể tiếp tục chăm sóc và phụng dưỡng cho bà được nữa, đã yêu cầu bác sĩ khuyên bà ký giấy “Đừng cứu sống/Do not resuscitate-DNR)” nếu bị nguy kịch hôn mê. Bà không hoàn toàn chấp nhận tình trạng hết thuốc chữa của bà. Bà vẫn muốn được cứu sống để nhìn ngắm con cháu bà càng lâu càng tốt.

Một hôm bà trở bệnh bất ngờ. Gia đình bà đưa bà vào bệnh viện cấp cứu. Con gái bà đã thảo luận với bác sĩ về tình trạng của bà và giấy yêu cầu “Đừng Cứu Sống” đã được ký. Nhưng khi tình trạng của bà sáng sủa trở lại, bà nhất mực xin hủy bỏ giấy đã ký. Bác sĩ nói cho bà hiểu bệnh trạng của bà vô phương cứu chữa, bà đang trong tình trạng coi như hấp hối. Chữa trị chỉ là tạm bợ và vô ích. Bác sĩ không có bổn phận phải cứu sống bà. Thế rồi tình trạng của bà M. tiếp tục khả quan, không có dấu hiệu gì chứng tỏ tử thần gần kề. Chuyên viên y đạo cũng đã được tham khảo ý kiến và cắt nghĩa cho bà hiểu rằng nếu có tiếp tục chữa trị cho bà cũng không thể cứu sống bà được, do đó mục đích của y khoa không còn ý nghĩa, vì vậy bác sĩ không buộc phải thi hành ước nguyện của bà. Sau đó bà được chuyển về phòng riêng và ngày hôm sau bà đã qua đời. Trong lúc hấp hối, bà luôn luôn lẩm bẩm yêu cầu: “Tôi biết bác sĩ không bắt buộc phải cứu sống tôi, nhưng làm ơn hãy để cho tôi sống.”

Những vấn đề khó giải quyết

Nguồn: Catholic Health Association of the United States.
Nguồn: Catholic Health Association of the United States.

Câu chuyện bà M. đặt ra rất nhiều thắc mắc nan giải liên quan đến ý niệm về sự chết gần kề trong phạm vi y khoa. Người ta tự hỏi “Cái gì đã xẩy ra lúc đó?” “Có điều gì sai quấy?” “Người thầy thuốc có phải làm cái gì khác thường không?”

Phần chia sẻ dưới đây chỉ là cố gắng giải đáp phần nào những câu hỏi khó giải quyết ấy. Hiểu rõ chuyện “y học hóa tử thần” trong y đạo là ta có thể thấy cái chết của bà M. quá ư thê thảm và mất hết tình người.

Y đạo là kim chỉ nam giúp người y sĩ làm sáng tỏ và giải quyết những vấn đề khó khăn của trường hợp bà M. Tuy nhiên, chính những khúc mắc về cái chết của bà lại cho ta thấy rằng những quan niệm y đạo như quyền được tự chết và những phương cách trị liệu bằng thuốc và khoa học kỹ thuật tân kỳ hiện đại cũng chẳng có thể giải quyết được những lý luận tranh cãi về giá trị của sự sống; ngay cả những nguyên tắc y đạo cũng không bảo đảm được phương cách trị liệu có tính nhân bản cho bệnh nhân trong những giờ phút lâm chung. Sự Sống, Đau Khổ và Sự Chết là những thắc mắc mà Dostoyevsky gọi là “Vấn đề muôn thuở” mà con người không bao giờ có thể giải quyết được một cách hoàn hảo. Có lẽ điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được là cố gắng giải đáp những vấn đề khó giải quyết với hết ý thiện, lòng trắc ẩn cảm thông và nhiệt tình nồng cháy của lương tâm, chấp nhận may rủi trong sai lầm, luôn luôn cởi mở sẵn sàng đón chờ những cảm nhận mới đến từ tâm tư khắc khoải về sự sống và sự chết. Người y sĩ thường không mấy thỏa mãn với những giải đáp với điều kiện rồi từ đó đi tìm những nguyên tắc luật lệ dựa trên những chỉ dẫn có sẵn để tạo ra những bó buộc y đạo đối với bệnh nhân. Trong những trường hợp như vậy, người ta thường nại cớ “luật bắt buộc thế” hay “luật cho phép làm”. Lúc đó thực ra người y sĩ đã vượt qua cái bổn phận mà người ta gọi là “luật cho phép”. Họ đã không phải chỉ dựa vào những chỉ dẫn của nhà thương mà còn nại cớ nguyên tắc y đạo biểu làm. Họ quên, trong trường hợp bà M., rằng chính họ đã vi phạm những nguyên tắc chỉ dẫn có sẵn là “phải tôn trọng ước nguyện trị liệu của người bệnh” trong những giờ phút cuối cùng của đời bà.

Y khoa tân kỳ, y đạo và luật pháp vẫn chưa đủ để giúp người bệnh ra đi một cách an lành với đầy đủ tình người

Bà M. đã được chữa trị một cách tuyệt hảo mà y khoa hiện đại đã có thể cung ứng hầu có thể đương đầu với tử thần. Đó là kỹ thuật, y đạo và luật pháp. Tuy nhiên cả ba cái đó đều thất bại, đã không thể giúp người bệnh chết một cách an lành với đầy đủ nhân cách của một con người nhân bản. Đem phân tích, chúng ta sẽ thấy những thiếu sót cơ bản:

Thứ nhất, sự chết thường được coi như một sự kiện (an event) trong khi thật sự nó là cả một tiến trình (progress) âm thầm và liên tục lâu dài. Theo E. Kubler-Ross trong “On Death and Dying” xuất bản năm 1969 thì chết là một tiến trình năng động xẩy ra một cách liên tục trong đời sống và có những giai đoạn rõ ràng. Đời người là sự sống đang đi lên, đồng thời cũng là sự chết đang đi xuống. Đa số những người săn sóc bệnh nhân không là chứng nhân của những giây phút của sự chết chóc ấy, nên họ không cảm nhận được giá trị của những tình cảm thắm thiết mà bấp bênh mơ hồ trong tiến trình sự chết. Do đó nếu không có sự giúp đỡ an ủi của người thầy thuốc, của gia đình, xã hội và tôn giáo thì phương cách trị liệu chưa được hoàn hảo. Gia đình bà M. đã mệt mỏi vì phải săn sóc bà quá lâu. Riêng bà cũng đã mất sự thân mật, tình liên đới với những người có trách nhiệm săn sóc bà vì họ phải làm việc quá cực nhọc trong một hoàn cảnh quá bận rộn, không phải một lần mà dòng dã năm này qua năm nọ. Do đó chẳng ai còn để ý đến ước vọng chối từ hoặc muốn sống của bà. Chính những giai đoạn trong tiến trình của sự chết đó lại có thể giúp họ cùng với bệnh nhân cảm nhận được bước đường dẫn đến sự chết một cách hữu lý và đầy tình nhân ái. Cũng chẳng ai thèm tìm hiểu lý do tại sao có lúc vì quá buồn nản, thất vọng, bà đã từ chối sự chăm sóc của mọi người trong khi bà vẫn còn muốn sống.

Thứ đến, phương pháp trị liệu hiên đại cho người bệnh trong cơn hấp hối nói lên sư đáp ứng cố tình và có sắp đặt một cách máy móc của người y sĩ mà không đếm xỉa đến mặt tình cảm. Khi được hỏi cái gì làm cho người sắp chết sợ hãi nhất thì người y sĩ thường trả lời là đau đớn.

Thiển nghĩ và theo Pearlman thì không phải là đau mà chính là sợ sẽ là gánh nặng cho gia đình xã hội, sợ vì mất chức năng, sự tự lập và tình liên đới. Ngoài ra bệnh nhân còn phải vật lộn với những lo lắng, thắc mắc về tình cảm và cuộc sống tinh thần đời sau, sự thất vọng và cuộc sống vô nghĩa của đời người trong những giây phút cuối cùng điên loạn hoặc vật vờ vô tri giác. Những vấn đề tâm lý xã hội này, kể cả sự đau đớn, có lẽ chẳng bao giờ có thể giải quyết một cách thỏa đáng và hữu lý tận gốc rễ.

Chính tính cách chủ quan về nhiều khía cạnh của sự chết đã tạo nên nền sinh-y-học khách quan để rồi chính nó lại không muốn hay không có thể đối đầu được với tử thần. Khi phân tích ý nghĩa uẩn khúc đằng sau những câu như: “Đừng Cứu Sống” (Do Not Resuscitate / DNR), “Chích cho một Mũi ân huệ” (Administer an Injection), “Hãy Cắt Đứt Hệ Thống Trợ Sinh / Rút ống” (Terminate Life Support), ta thấy rõ ràng là người y sĩ tiên khởi chỉ nhằm vào ý nghĩ và hành động tức thời hơn là ý nghĩ thầm kín trong câu nói hoặc những lý do thúc đẩy họ phải đương đầu với tử thần. Ngay cả khi người y sĩ thực sự muốn ở bên cạnh người bệnh để dìu họ đến gần sự chết một cách êm đềm thì thường cũng có những lẫn lộn giữa những điểm căn bản của y đạo, bởi vì chính những điều kiện và chỉ dẫn có sẵn cũng không được rõ ràng như đã xẩy ra trong trường hợp bà M.. Hơn nữa, hiển nhiên là sợ hãi, chán nản, mặc cảm tội lỗi, bối rối pha lẫn với hy vọng yêu thương là những động lực chính đi đến quyết định tự tạo ra cái gọi là y đạo của những người can dự vào nội vụ, kể cà người thấy thuốc và vị cố vấn. Dù vậy, những thúc đẩy và nhu cầu vô lý này cũng không bao giờ được đề cập đến và bàn luận một cách công khai và xây dựng. Hình như thái độ “Tôi vô can, thờ ơ và duy luật lệ” đó của người y sĩ đối với cái chết đã khiến họ dửng dưng không muốn hiểu và cảm thông những nỗi niềm của người bệnh trong cơn hấp hối.

Sau cùng, người y sĩ trong trường hợp này, đã chia sẻ nghề nghiệp chuyên môn của họ với bệnh nhân một cách lệch lạc. Họ nghĩ rằng họ chỉ thi hành những chỉ dẫn có sẵn của nhà thương và y đạo, và như vậy họ đã hoàn thành trách nhiệm luân lý của họ. Họ đã không nhận biết rằng chăm sóc bệnh nhân trong cơn hấp hối là bổn phận của người thầy thuốc, kỳ vọng của tình liên đới người với người, giữa bệnh nhân và người y sĩ. Thực ra mà nói, chính những chỉ dẫn có sẵn cũng có những thiếu sót như ngôn ngữ mơ hồ, quan niệm lệch lạc, nhất là thiếu tính cách uyển chuyển. Mỗi chỉ dẫn, mỗi câu nói có thể được hiểu một cách khác nhau tùy người, ngay cả những người trong cùng một gia đình như trường hợp bà M..

Sự tin tưởng vào những chỉ dẫn, nguyên tắc và tài liệu một cách máy móc đã làm giảm mất nhiệm vụ và cơ hội chữa lành con bệnh của người y sĩ.

Trong khi đó tử thần tự nó nói lên sự cấp bách của bệnh nhân là đòi hỏi người thấy thuốc phải hành động. Dĩ nhiên ước vọng khẩn thiết của người bệnh là muốn bác sĩ chú ý lắng nghe những ao ước của họ, tôn trọng lời hứa và giúp đỡ ủi an họ. Nếu những đòi hỏi này có thật trong đời sống con người thì chắc nó cũng cấp thiết khi con người đang trong cơn hấp hối. Có lẽ điều tuyệt hảo và dễ dàng nhất mà các bác sĩ có thể làm cho bà M. là đơn thuần hiện diện bên cạnh bà với tư cách người với người, biết cảm thông, thực tâm mong muốn chia sẻ tiến trình của tử thần và những nỗi niềm đớn đau của bệnh nhân và sự chết.

Lời bàn

Chăm sóc không chỉ bằng thuốc men. Nguồn: blogs.jpmsonline.com
Chăm sóc không chỉ bằng thuốc men. Nguồn: blogs.jpmsonline.com

Trường hợp bà M. cho ta thấy nếu chỉ đơn thuần đem khoa học kỹ thuật đến với bệnh nhân trong cơn hấp hối thì vô tình đã tạo ra một sự cách biệt giữa con người và khoa học, bởi vì khoa học chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó phối hợp liên kết với con người. Phải chăng khi người bệnh nói lên hoặc đòi hỏi “Quyền Được Chết / Right to Die” là chính lúc họ đang phản đối chống lại loại săn sóc trị liệu máy móc vô nhân tính ấy. Với nhãn quan đó, ý của Derek Humphry trong Final Exit (Delta Trade; 3rd edition November 26, 2002), và ý kiến của nhiều người cũng như của một số nhà lập pháp có khuynh hướng nghiêng về phía đồng ý để bác sĩ giúp bệnh nhân chết / tự tử (physician assisted suicide) thực ra không nhất thiết là muốn người thầy thuốc trở thành những kẻ sát nhân, mà điều thúc bách hơn cả là muốn người y sĩ và mọi người / xã hội hiểu rằng, có những lúc tâm trạng tình cảnh của người “đang chết” bê bết, tồi tệ, thảm thê hơn cả chính sự chết.

Con người là linh ư vạn vật, có xác có hồn và trí khôn. Do đó bản tính của những ước mơ, băn khoăn thắc mắc của người bệnh trong cơn hấp hối cũng là hỗn hợp của cả xác lẫn hồn và đặc thù cá biệt tùy theo từng người. Thời gian hấp hối có thể là lúc kinh hoàng bấn loạn nhất của kiếp người, sự hiện diện của người thầy thuốc bên cạnh bệnh nhân hiển nhiên sẽ là những an ủi vỗ về, là bảo đảm chắc chắn cho những giá trị tuyệt hảo thâm sâu cùng kín của người bệnh, và là người bạn chí thân đáng tin cậy nhất có khả năng dẫn đưa người bệnh về bên kia thế giới, cõi chết một cách an bình thư thái. Bệnh nhân có thể muốn tìm cái chết, nhưng có lẽ chỉ với một ý nghĩa tiêu cực nào đó. Họ chỉ không muốn phải liên tục bước qua ngưỡng cửa tử thần đầy gian nan khốn khổ ấy. Những thành công vượt bực trong phương pháp trị liệu của y khoa hiện đại với mục đích giúp người bệnh hết kinh hãi tinh thần đớn đau thể xác và giảm thiểu số người muốn tìm cái chết / tự tử hẳn cũng chỉ muốn hướng đến những viễn tượng thâm sâu đó mà thôi.

Chết là đi vào thế giới vô định vượt khỏi tầm tay của con người, cho nên người y sĩ sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu và tự tin vào những hiểu biết và phương cách trị liệu của mình. Hỏi những người bệnh đang hấp hối cảm tưởng về sự chết thì đa số cho rằng họ linh cảm là sẽ đi vào thế giới lỳ lạ chưa ai biết. Đi rồi sẽ chẳng bao giờ trở lại. Do đó thực sự chẳng có ai biết thế giới bên kia nó như thế nào.

Cũng chẳng ai trong chúng ta có thể biết được con bệnh phải chuẩn bị những hành trang gì trong những ngày cuối cùng của cuộc đời để sẵn sàng cho cuộc hành trình đó. Chúng ta là những người có niềm tin tôn giáo. Chúng ta tin vào Chúa / Phật. Chết là đi về thế giới đời sau, thế giới vĩnh cửu: Sinh ký tử qui. Thế giới đó là hiện thân và hậu quả của thế giới hữu hình phù du mà chúng ta đang sống. Làm tốt, sống thiện thì được hưởng lành. Sống độc làm ác thì phải chịu tội. Nhưng còn những người không có niềm tin tôn giáo, không tin vào đời sau thì sao? Thực vậy, không hiểu sao khi tử thần kề sát người bệnh thì ông bác sĩ thường hay tê cứng, mất hết cảm xúc? Chính lúc đó lại là lúc mà người bệnh cần có sự hiện diện của người thầy thuốc như sự hiện diện của linh mục linh hướng. Hình như là người y sĩ đã được huấn luyện hoặc tự tạo cho mình một sự cách biệt tình cảm đối với bệnh nhân, bởi vì nếu người y sĩ và bệnh nhân có những liên đới tình cảm với nhau thì khi người bệnh hấp hối qua đời người y sĩ sẽ khó tránh khỏi những xúc động hốt hoảng. Tuy nhiên đối với bệnh nhân thì lại khác, nhất là khi người bệnh trong cơn đau đớn khủng khiếp thì chính cái nhân tính con người tự nhiên của người y sĩ lúc đó lại là những liều thuốc có quyền năng vô hạn.

Khi mà sự chết không còn được coi như là một biến cố, một sự kiện có tính cách máy móc kỹ thuật như rút ống thở, ngừng trợ sinh (withdrawl of life support) hoặc chuyện thi hành ước nguyện của bệnh nhân có tính cách pháp luật (living will) mà được coi là một sự chuyển tiếp thần bí từ thế giới phù du sang thế giới đích thực thì lúc đó thần chết sẽ có sức chuyển thông trách nhiệm y đạo của người y sĩ đến cho người bệnh. Hiện nay người ta đang cố gắng giải quyết sự chết bằng phàp luật. Nhưng xét cho cùng lẽ lương tâm, chẳng có luật lệ khách quan nào lại có thể ngăn cản người thày thuốc trách nhiệm đến với người bệnh trong cơn hấp hối. Ý niệm đó đã được Kierkegaard , ông tổ của thuyết hiện sinh, gọi là “sự thật chủ quan”, trong đó người thầy thuốc và bệnh nhân gặp nhau với tư cách là những người khốn khổ cảm thông nhau mà không ai có thể chê trách hoặc làm tổn thương được; không có phương cách trị liệu nào, y học nào có thể ngăn cản cấm đoán nổi. Đó là sự tương phùng giữa con người với con người, không phải tương phùng y học kỹ thuật. Đó là nhiệm vụ chính của người thầy thuốc trong y khoa cổ điển. Hippocrates 400 năm trước thiên chúa, đã viết trong aphorism: “Nghệ thuật trị liệu gồm ba chủ điểm là bệnh tật, người y sĩ và bệnh nhân. Bệnh nhân và người thầy thuốc là những người bạn đồng hành luôn luôn cùng nhau sát cánh chống lại bệnh tật”.

Người thầy thuốc là chứng nhân và sứ giả của thần chết trong thời của Lương Y như Từ Mẫu trong Y Học Đông Phương.

Buồn thay, thời của tình người với người không còn nữa. Chính cái tình người đó mới là nhiệm vụ y đạo đích thực, ngàn đời và tối quan trọng của người thầy thuốc đối với bệnh nhân trong cơn hấp hối. Câu nói cuối cùng của bà M., “Tôi biết bác sĩ không buộc phải cứu tôi sống, nhưng làm ơn hãy để tôi sống”, rất đáng cho ta suy nghĩ. Sự sống là do Thượng đế ban cho con người, không ai có quyền hủy bỏ nó, kể cả chính bản thân mình.

“Lương Y như Từ Mẫu” – Một góp ý

Chăm sóc toàn diên. Nguồn: www.physio-pedia.com
Chăm sóc toàn diên. Nguồn: www.physio-pedia.com

Tôi đưa bài viết này cho một anh bạn đọc và xin ý kiến. Anh bạn này người công giáo, đồng đạo với tôi, nhưng chắc chắn anh ngoan đạo hơn tôi nhiều lắm. Anh rất kính trọng và nể vì các cha, nhất là giám mục. Anh không có ý kiến nhiều về những vấn đề chuyên môn y khoa, nhưng anh đặt nặng vấn đề tôn giáo, nhiệm vụ của linh mục. Anh nói:

“Những điều anh viết về bổn phận của người y sĩ đối với bệnh nhân lúc hấp hối, ngoài việc chữa trị chuyên môn, xem ra cũng rất cần thiết có linh mục bên cạnh người bệnh lúc sắp lìa đời. Phải chăng linh mục chỉ đến với người bệnh khi được mời và để làm vài phép bí tích cần thiết rồi ra đi? Các linh mục còn cần phải làm những gì đặc biệt khác hơn là những công việc thường lệ đó, như người thầy thuốc chỉ biết chữa cho bệnh nhân hết đau đớn thể xác?”

Người y sĩ là “Lương Y như Từ Mẫu” thì vị linh mục cũng phải là một “Chúa thứ hai / Alter Christus” sống với tâm lý, tâm tình, tâm tư, tậm trạng, nỗi lo sợ buồn vui và những khắc khoải lo lắng bấn loạn hãi hùng của người bệnh lúc lâm chung với lòng trắc ẩn cảm thông như “Sống” và “Chết” với người bệnh để dẫn đưa người bệnh đến gần thượng đế hơn, một cách êm đềm thanh thản và chấp nhận.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tậm và minh hoạ, phụ chú.
Đọc thêm: Định nghĩa của WHO về chăm sóc xoa dịu (WHO Definition of Palliative Care). World Health Organization.