Người Việt mất tiền cho bọn buôn người để đuổi theo giấc mơ phú quý ở nước ngoài
Hậu Đinh (AP) | DCVOnline
DIỄN THỊNH, Việt Nam (AP) — Đối với nhiều người Việt Nam, một việc làm ở một quốc gia Tây Âu được coi là một con đường dẫn đến vinh hoa đáng để vi phạm pháp luật.
Nhưng rủi ro trong cuộc mạo hiểm như thế rất cao và hậu quả là có thể thiệt mạng, như cảnh sát Anh phát giác 39 người đã chết trong một chiếc xe thùng ở Anh tuần trước đã chứng minh.
39 nạn nhân được cho là những người di cư châu Á đã trả tiền cho nhóm buôn người để đưa lậu họ vào nước Anh. Và hiện nay người dân xã Diễn Thịnh ở Việt Nam sợ rằng có hai anh em họ pr xã nằm trong số người đã thiệt mạng trong xe thùng chở hàng lạnh.
Hoàng Văn Lành đang hồi hộp chờ đợi tin tức về số phận của người con trai 18 tuổi của ông, Hoàng Văn Tiệp, nói, “Tôi nhớ nó lắm.”
Nhưng ông ấy nói thêm,
“Số mệnh. Chúng tôi phải hy sinh để có cuộc sống sống tốt hơn. Tiệp là một đứa con ngoan. Nó muốn ra nước ngoài làm việc và chăm sóc bố mẹ khi chúng tôi già. Nó khăng khăng đòi đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Hoàng Văn Lành
Diễn Thịnh là một xã duyên hải ở miền bắc trung phần Việt Nam với 300 gia đình nhà nông trồng đậu phộng và vừng và đánh cá theo mùa. Một nhà thờ lớn màu hồng ở trung tâm làng đánh dấu đây là khu định cư của giáo dân Thiên chúa giáo, bao quanh là những ngôi nhà khiêm tốn, mặc dù cũng có một số nhà hai và ba tầng mới thuộc về các gia đình có người nhà làm việc ở nước ngoài.
Ngôi làng cách huyện Yên Thành 15 phút lái xe, một khu vực tương tự như Diễn Thịnh nơi 13 gia đình đã đi báo với nhà chức trách là người thân trong gia đình họ đã mất tích.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam, Diễn Thịnh không phải là xã nghèo, nhưng giống như nhiều vùng ở nông thôn, nó vẫn không phát triển về mặt kinh tế so với khu thành thị. Chính phủ Việt Nam cho biết, thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở tỉnh Nghệ An là 1.620 đô la, so với mức trung bình quốc gia là 2.587 đô la.
Nhiều người trẻ đi tìm tương lai ở các thành phố hoặc thử thời vận vào những chuyến vượt biên sang châu Âu, dù lý do là lo cho tương lai kinh tế của gia đình hay muốn thoát khỏi cuộc đời lao động chân tay, hay khao khát co một ngôi nhà mới, lạ mắt.
Cha mẹ Tiệp sống trong một ngôi nhà gạch một tầng được xây ba năm trước. Treo ngang bức tường phòng khách, phía trên cây thánh giá, là một bản in đóng khung của “Bữa tối cuối cùng”. Mẹ của Tiệp, Hoàng Thị Ái, mắt mất thần, khóc nức nở cả tuần nay khi khách đến thăm, an ủi bà. Bà ôm điện thoại đi khắp nơi hy vọng Tiệp sẽ gọi về.
Những tin nhắn cuối cùng bà nhận được từ còn trai là vào ngày 22 tháng 10 — một ngày trước khi chính quyền Anh phát giác ra chiếc xe thùng chở hàng đông lạnh — và nói rằng anh ta đang “trên đường đến Anh” và “vui lòng chuẩn bị tiền tại nhà” và “10 nghìn 5”, tốc ký cho số tiền 10.500 bảng Anh ( 13,600 đô la) còn lại để trả cho những nhóm buôn người.
Những gia đình cho người thân di cư lậu thường phải trả một nửa số tiền cho nhóm buôn người trước khi đi và phần còn lại khi người thân đã được đưa đến đích. Gia đình Tiệp không bao giờ được yêu cầu thanh toán phần tiền còn lại, khiến họ sợ rằng anh ta là một trong số những nạn nhân đã thiệt mạng.
Bà Ái nói Tiệp bỏ học từ năm lớp chín và bắt đầu đi làm vì họ quá nghèo.
“Tiệp đã giúp đỡ gia đình bằng cách đi đánh cá với cha. Nhưng những chuyến đi đánh cá đã không kiếm được nhiều tiền. Tiệp cũng không thể tìm được việc làm khác. Đó là lý do tại sao con tôi muốn đi.”
Hoàng Thị Ái
Gia đình đã đi vay ở ngân hàng một số tiền tương đương 17.500 đô la để trả cho anh ta được đưa lậu vào Pháp vào năm 2017, khi Tiệp mới 16 tuổi. Cuộc hành trình, qua Nga và Đức, mất 20 ngày. Tiệp đi rửa chén tại một loạt các nhà hàng, gửi tiền về nhà để giúp trả nợ. Nhưng ngay cả đến hôm nay, gia đình Tiệp vẫn còn nợ khoảng 4.500 đô la.
Tiệp nói với bố mẹ, tương lai của anh ở Pháp rất kém, và anh muốn đến Anh để kiếm một công việc được trả lương cao hơn khi có việc làm tại các tiệm làm móng. “Nail bar” như tên gọi ở Anh, là nơi người di cư châu Á làm việc nhưng thường chỉ trả đủ tiền sống qua ngày. Tiệp xin cha mẹ giúp đỡ tài chính, nói chuyến di cư này sẽ giúp trả hết nợ. Bố của Tiệp nói,
“Nó nói nói với tôi rằng nó sẽ đi bằng ô tô, nhưng hóa ra họ vận chuyển người trong xe thùng chở hàng đó. Tôi không bao giờ để nó đi như vậy.
Hoàng văn Lành
Bố Tiệp nói thêm,
“Tôi hy vọng nó gặp may, không ở trong chiếc xe thùng đó. Nhưng chúng tôi phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đó là số phận. Nếu nó chết, tôi hy vọng chúng tôi có thể đưa con trở về nhà.
Hoàng văn Lành
Cách nhà Tiệp chỉ vài trăm mét là gia đình của người anh họ Nguyễn Văn Hùng, e rằng cũng có thể là một nạn nhân khác của thảm kịch buôn người. Anh ấy cũng đã không liên lạc với gia đình từ ngày 22 tháng Mười.
Hùng, 30 tuổi, đã từng là một giáo viên âm nhạc. Nhưng mức lương anh kiếm được cho việc làm bán thời gian, 4 triệu đến 5 triệu đồng (từ 170 đến 220 đô la) một tháng, không đủ sống ở thành phố nơi Hùng đang dạy học và ông không muốn trở về làng. Cha của Hùng, ông Nguyễn Thanh Lê nói, Hùng rất muốn tìm việc ở nước ngoài,.
“Hùng muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thể kiếm tiền giúp bố mẹ, vì cả hai chúng tôi đều không khỏe để có thể làm việc nhiều. Tôi thực sự đã không muốn Hùng đi; tôi muốn nó ở nhà, và kết hôn, nhưng nó chẳng nói gì với chúng tôi và bí mật rời khỏi Việt Nam.”
Hùng đã đến Pháp vào năm 2017, đi làm bồi bàn tại một số nhà hàng.
Cuộc hành trình ngàn dặm đến Tây Âu là nguy hiểm, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Mimi Vu, một người hoạt động chống buôn người có trụ sở ở Việt Nam nói
“Nguy hiểm rất cao để bị xâm hại tình dục trên đường đi lậu. Nếu phụ nữ đi một mình giữa một đám đàn ông, bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra? … Nếu những người này nghĩ rằng họ có thể kiếm tiền với bạn, họ sẽ làm.”
Mimi Vũ
Ngay cả những chuyến đi lậu xuông sẻ hầu như cũng không đưa người di cư đến gần hơn với bất kỳ tương lai phú quý nào. Tiền phải trả cho nhóm buôn lậu tống tiền khiến nhiều người di cư rơi vào hoàn cảnh tù túng, trở thành con nợ. Mimi Vũ nói,
“Họ thường phải trả 40.000 đến 50.000 đô la để được đưa lậu vào Anh, cộng với tiền lãi và khi họ đến đó, tiền nợ bị khấu trừ từ đồng lương ít ỏi của họ, họ chì còn một ít tiền, nếu có, để bỏ túi, Trả hết nợ có thể mất nhiều năm.”
Mimi Vũ
Có những cách hợp pháp và an toàn để người Việt Nam kiếm tiền ở nước ngoài. Giá không rẻ, nhưng rẻ hơn so với giao dịch với những kẻ buôn người. Chương trình lao động ngoại quốc do những cơ quan tìm việc làm hợp pháp ở nước ngoài sắp xếp thường tốn từ 3.000 đến 5.000 đô-la.
Nhưng cơ quan này dã ghi danh với Bộ Lao động Việt Nam và làm việc với các trường dạy nghề và trường đại học để lập các chương trình huấn nghệ và định hướng trước khi đưa người lao động đến các điểm đến chính ở châu Á, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và Malaysia, và ở Trung Đông, như Kuwait và Qatar.
Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Diễn Châu Trương Công Sửu cho biết, trong khi khoảng 1.000 người từ huyện theo con đường hợp pháp để làm việc ở nước ngoài mỗi năm, thì có khoảng 200 đến 300 người đi qua các ngả bất hợp pháp.
Chính quyền địa phương cho biết họ thực hiện các bước để ngăn chặn hành vi phạm pháp này như chỉ cấp sổ thông hànnh liên quan đến công việc khi họ có thư giới thiệu từ một cơ quan xuất khẩu lao động hợp pháp và từ chối các đơn xin sổ thông hành du lịch nếu họ nghi ngờ gia đình người nộp đơn có thể đủ khả năng để du lịch. Mimi Vũ nói,
“Nếu họ ở lại trường và tiếp tục việc học, họ có thể ra nước ngoài qua những các đại diện hợp pháp. Nhưng họ muốn làm giàu nhanh hơn vì họ nghe tin vào những lời đồn sai lệch về tiền lương và cuộc sống ở Anh.”
Mimi Vũ
Mimi Vũ nói, vấn đề, đó là việc
“Người Việt Nam không nhận ra rằng họ là nạn nhân.
Họ chỉ nghĩ rằng đó là một phần của sự đau khổ mà họ phải chịu đựng để thành công, để đi sang bên kia.”
Mimi Vũ
© 2019 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Vietnamese turn to traffickers to help chase fortunes abroad | Hau Dinh | AP | November 1, 2019.