Kế hoạch giải quyết đại dịch của Canada phải chận lại cao trào phân biệt chủng tộc

Jamie Liew | DCVOnline

Nhà chức trách cần xét đến việc liệu các biện pháp bảo vệ cũng có thể đưa đến việc người Canada, công nhân ngắn hạn và người xin tị nạn bị kỳ thị hay bị phân biệt chủng tộc

Khu phố Tàu Vancouver. Nguồn: Shutterstock.com/Michael Gordon

Đại dịch COVID-19 đã xảy ra cùng với nạn phân biệt chủng tộc đối với người Á châu. Vì sợ hãi [hay thù hận hoặc vì lợi ích chính trị] đã dẫn đến việc một số người đã dùng thuật ngữ virus Trung Hoa, sự hồi sinh của tiếng lóng “chinks”  thóa mạ người gốc Trung Hoa, người Hoa lục ăn thịt dơi, và một cuộc đổ thừa vô lý lên đầu những công nhân Phi Luật Tân đã làm lây lan dịch bệnh. Tất cả những câu chuyện phân biệt chủng tộc này đã xảy ra trong vòng tám tuần, dẫn đến một mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng: những người bị sợ hãi và bị kỳ thị có thể trì hoãn không đi bệnh viện để được chăm sóc, làm thiệt hại cho số dân bị phân biệt chủng tộc tăng lên. Và không ai phải sợ bạo lực khi họ bước ra khỏi cửa nhà.

Kế hoạch giải quyết đại dịch của Canada cần xét đến sự sợ hãi đi kèm với bất kỳ bệnh truyền nhiễm mới nào. Khi nguồn gốc virus được truy đến gốc ở châu Á, kế hoạch không chỉ gồm việc đánh giá xem các biện pháp của chính quyền có khuyến khích tinh thần chống châu Á hay không mà còn là các chiến lược để làm giảm đi sự phân biệt chủng tộc, đánh đồng người châu Á với virus.

Phân biệt chủng tộc vì sợ bệnh truyền nhiễm không phải là chuyện mới có. Trong thời gian dịch SARS, công chúng trở nên sợ hãi người châu Á. Các bệnh dịch truyền nhiễm trước đó cũng có liên quan đến các sắc dân khác: bệnh dịch hạch liên quan đến người Trung Hoa vào năm 1900, và dịch Hội chứng phổi của virus Hanta (Hantavirus Pulmonary Syndrome (HPS)) năm 1993 được mệnh danh là bệnh Navajo. Các kịch bản trong quá khứ chứng minh rằng nỗi sợ hãi đối với người nước ngoài cũng có thể lan rộng ra ngoài bối cảnh bệnh tật để ảnh hưởng đến các chính sách nhập cư. Trong lịch sử xa xưa, Canada đã chọn một số dân thuộc một sắc tộc nhất định làm công nhân lương thấp trong khi loại những sắc dân khác để làm yên lòng hoặc xoa dịu sự lo lắng của số dân da Trắng. Công nhân Trung Hoa được phép nhậm cư ở thế kỷ 19 và 20, nhưng phải trả một khoản thuế khổng lồ; Những người theo đạo Sikh trên tàu Komagata Maru đã bị từ chối nhập cảnh với kết quả bi thảm vào năm 1914 – phải quay về Budge Budge Calcutta (nay là Kolkata), bạo động xảy ra ở Ấn Độ khiến 20 người Sikh thiệt mạng.

Hạn chế di chuyển qua biên giới là một trong nhiều tầng trong cách giải quyết của Canada đối với đại dịch hiện nay. Ban đầu, biên giới đã bị đóng cửa đối với tất cả các công dân nước ngoài trừ công dân Hoa Kỳ, nhưng chính phủ phải rút lại ngoại lệ này. Canada hiện nay nhận công nhân ngắn hạn người nước ngoài, sinh viên ngoại quốc và người xin tị nạn trong khi cấm nhập cảnh hầu hết mọi người khác, gồm cả công dân Hoa Kỳ và ngay cả thành viên gia đình của công dân Canada và thường trú nhân, trừ khi họ đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Vẫn còn quá sớm để nói liệu việc đóng cửa biên giới có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hay không. Nhưng dữ liệu ban đầu của chính phủ không cho thấy khách du lịch châu Á đứng đầu danh sách người nhập cảnh. Tính đến ngày 7 tháng Tư, 42% tất cả khách du lịch không phải là cư dân vào Canada đã nhiễm COVID-19 là người từ Châu Âu và 35% đến từ Châu Á. Tính đến ngày 17 tháng 4, 404 người đi du lịch từ Hoa Kỳ sang đã nhiễm COVID-19, so với với 5 người từ Trung Hoa.

Biên giới không hoàn toàn đóng cửa và các biện pháp của Canada không trực tiếp ngăn cấm người châu Á nhập ảnh, nhưng điều đó không có nghĩa là các hạn chế ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Như trong quá khứ, việc nhận và không nhận  là một sự chọn lọc. Việc loại trừ những người không cần thiết có thể nhằm mục đích giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng ở Canada, đã gián tiếp củng cố lập luận cho  rằng người nước ngoài – người châu Á – là những người mang virus đến.

Từ trái sang phải: Benito Quesada, 51; Hiệp Bùi, 67; và Armando Sallegue, 71 tuổi, đều đã chết vì COVID-19, với cái chết của họ liên quan đến một vụ dịch tại lò xẻ thịt Cargill gần High River, Alta. Quesada và Bùi là công nhân tại nhà máy, và Sallegue là cha của một công nhân. Nguồn: UFCW 401, Action Dignity, Arwyn Sallegue

Công nhân ngắn hạn người nước ngoài và người xin tị nạn đã đáp ứng nhu cầu lao động trong các dịch vụ thiết yếu, đáng chú ý nhất là trong khu vực y tế, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, nơi họ đang mạo hiểm bằng sinh mạng của họ. Tuy nhiên, họ đang bị đổ lỗi đã gây dịch bệnh tại nơi họ đang làm việc mặc dù thực tế rằng chính điều kiện làm việc của họ là nguyên nhân khiến virus lây lan. Nhưng bản tin cho thấy việc khai thác và lạm dụng công nhân ngắn hạn người nước ngoài không phải là mới nhưng vẫn còn là vấn đề đáng phải quan tâm. Điều kiện sống đông đúc và làm việc chật chội, lương thấp và thiếu trang bị an toàn hoặc bảo vệ, chẳng hạn, là kết quả trực tiếp của tình trạng nhập cư tạm thời của họ. Người gốc Philippines đã bị đổ lỗi đã làm cho dịch bệnh phát sinh ở các trang trại và trong các nhà máy xẻ thịt. Những kinh nghiệm này sẽ làm sống lại những cố gắng xây dựng con đường di cư vĩnh viễn cho những người làm việc trong các dịch vụ thiết yếu, không chỉ để cắt giảm sự lạm dụng và bóc lột công nhân mà còn để tránh sự hiểu lầm rằng những người lao động nước ngoài đang lây truyền dịch bệnh.

Giới hoạch định chính sách có nhiều yếu tố để cứu xét. Hẳn nhiên việc đối phó với một tác hại mới, chưa biết và không thể đoán trước không phải là điều dễ thực hiện. Tuy nhiên, giới chức y tế cộng đồng nên xét xem liệu bất kỳ biện pháp hạn chế nào dùng để bảo vệ công chúng có thể đưa đến sự phân biệt chủng tộc, kỳ thị và phân biệt đối xử. Các kế hoạch giải quyết đại dịch cũng nên có cả những chiến lược để định hình sự hiểu biết chính xác về cách  virus lây truyền và làm giảm bớt nỗi sợ hãi vô căn cứ có thể gây ra những giả định và nhận thức phân biệt chủng tộc.

Công nhân ở tiền tuyến chống đại dịch COVID-19 (Ontario). Nguồn:https://toronto.ctvnews.ca/

Đối với người Canada gốc Á, cho đến khi có một nỗ lực rõ ràng hơn để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong chiến dich chính thức để dẹp đại dịch, chúng ta biết rằng dù có làm gì đi chăng nữa, nỗi sợ hãi vẫn thấm vào phản ứng của công chúng và sẽ thể hiện theo những cách gây hại. Chúng ta có thể lấy sinh mạng của mình khi đứng ở tuyến đầu y tế hoặc bảo đảm bảo cho nguồn thực phẩm ổn định, và thậm chí một số trong chúng ta có thể là bác sĩ hàng đầu của Canada, nhưng lấy sắc tộc để lập chính sách  dựa trên người nhập cư kiểu mẫu không nên là một chiến lược. Trách nhiệm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc phải thuộc về những người định hình luật pháp và chính sách được chư không phải là trách nhiệm của những người bị kỳ thị.

Dữ liệu khoa học cho thấy những người bị phân biệt chủng tộc có thể chết vì COVID-19 nhiều hơn người da trắng và sự khác biệt có thể không phải do sự khác biệt có từ trước về sự giàu có, sức khỏe, giáo dục hoặc sắp xếp cuộc sống. Đây là bước đầu tiên tốt để một số chính phủ thu thập dữ liệu dựa trên chủng tộc về tác động của căn bệnh này, nhưng cần phải hành động nhiều hơn. Tất cả các chính phủ phải thừa nhận rằng cách mọi người nhận thức được sự lây lan của virus này có thể đặt gánh nặng không cân xứng lên những người bị phân biệt chủng tộc và những người bị kỳ thị sẽ kinh qua đại dịch khác nhau, cho dù họ là người châu Á, da đen,thổ dân hay người chau Mỹ Latin. Các phân tích dựa trên sắc tộc phải là một phần của tất cả các biện pháp y tế cộng đồng trong đại dịch.

Jamie Liew

Bài viết này là một phần của loạt bài đặc biệt về Đại dịch coronavirus tại Canada.

Tác giả | Jamie Chai Yun Liew là một luật sư di trú và là giáo sư Khoa Luật tại Đại học Ottawa, và Trung tâm Luật, Chính sách và Đạo đức Y tế.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, in ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Canada’s pandemic plans must guard against the rise of racism | Jamie Liew | Policy Options| May 13, 2020.