Chủ nghĩa Cộng sản là một niềm tin

Yangyang Cheng | Trà Mi

90 triệu người chính thức là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Tại sao họ lại chọn tuyên thệ trở thành đảnh viên? Còn những người không tuyên thệ thì sao?

Công nhân gỡ giấy báo ra khỏi bức tường khi họ sơn lại lá cờ của Đảng Cộng sản Trung Hoa tại bảo tàng tưởng niệm cách mạng Nam Hồ ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày 21 tháng 5 năm 2014. REUTERS/Chance Chan

Tôi phát giác ra cha tôi là đảng viên Đảng Cộng sản khi đọc cáo phó của ông.

Đó là mùa đông đầu tiên của thế kỷ mới. Tôi mới 10 tuổi. Cha tôi là giáo sư trường kỹ sư tại một đại học ở miền đông nam Trung Hoa. Tôi học tiểu học và trung học trực thuộc đại học đó, và đó cũng là nơi mẹ tôi làm việc. Một chiếc băng đen ghim vào áo khoác độn của tôi, tôi quay trở lại lớp học (lớp sáu) của mình.

Có một tấm bảng phấn khổng lồ ở lối vào trường, nơi tôi thường dừng chân trên đường về nhà để đọc thông báo mới. Chiều hôm đó, bên dưới những tin nhắn viết tay mờ nhạt, một tờ giấy dán gần phía dưới, nổi bật lên.

Văn bản bắt đầu bằng tên cha tôi, theo sau là các chức danh của ông. Động từ là “đã qua đời”. Đoạn văn kết thúc với số năm ông đã sống trên trái đất, Ba mươi sáu.

Đó là một định dạng quen thuộc. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là bảy chữ sau tên của ông, chỉ cách nhau bằng một dấu phẩy: 中国共产党党员 (Trung Quốc Cộng sản Đảng đảng viên) – “Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Hoa.”

Nhiều năm trước, khi tôi mới biết về Đảng, tôi đã hỏi bố mẹ tôi rằng họ có phải là đảng viên không. Trước sự thất vọng của tôi, họ nói không. Có lẽ họ chưa đủ chiều cao về ý thức hệ, hoặc họ quá bận để nộp hồ sơ cần thiết. Tên cha của tôi, bây giờ vĩnh cửu gắn bó với Đảng, đã cho tôi một thoáng thoải mái giữa một nỗi đau buồn.

“Có phải cha đã được truy tặng Đảng tịch hay không?” Tôi đã hỏi mẹ tôi tối hôm đó. Tôi nghĩ, nếu cha tôi tham gia Đảng khi ông còn sống, chắc chắn ông sẽ chia sẻ mẩu tin thú vị đó với đứa con duy nhất của mình. Từ nền “giáo dục yêu nước” của tôi, tôi đã nghe tất cả mọi chuyện về các vị tử đạo đỏ và những câu chuyện về sự hy sinh vị tha của họ, thường kết thúc theo cùng một cách: với một đảng tịch được ban cho sau khi chết, vinh dự cao nhất cho tinh thần cao quý nhất. Cha tôi chỉ đơn thuần là một nhà khoa học, nhưng có lẽ thành tích học tập và sự liêm chính về đạo đức của ông khiến  ông đã được vinh danh như vậy.

Mẹ tôi trông bối rối, như bà thường bối rối trong thời gian đó, vì vậy tôi lặp lại câu hỏi của mình.

“Không,” mẹ tôi trả lời. Đây là chuyện xảy ra trước khi anh cha con đi nước ngoài.

Vào cuối những năm 1990, cha tôi làm việc ở Anh và Hoa Kỳ với tư cách là một học giả thỉnh giảng. Mẹ tôi và tôi đi theo, sống với ông vài tháng ở California, trước khi cả ba chúng tôi trở về Trung Hoa vào mùa thu năm 1999. Lấy hộ chiếu vào thời điểm đó là một quá trình rườm rà, đầy quan liêu, cần phải có sự cho phép của đơn vị làm việc. Trường đại học Trung Hoa nơi bố mẹ tôi làm việc yêu cầu có bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không di cư (nó chưa bao giờ là ý định của chúng tôi).

Tôi còn quá trẻ để hiểu được chính xác những gì đang xảy ra, nhưng tôi nhớ sự căng thẳng ở nhà. Một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất trong câu chuyện kéo dài nhiều tháng có sự tham gia của ông tôi, cũng là giáo sư tại trường đại học, ký cam kết: với danh tiếng hoàn hảo của ông và quyền hạn của một người cha như một thế chấp bảo đảm con gái và con rể của ông chắc chắn sẽ trở về.

Có phải đảng tịch của cha tôi là một hình thức thế chân khác? Tôi không muốn làm mẹ tôi buồn với nhiều câu hỏi hơn và tôi không bao giờ hỏi lại vấn đề này nữa. Trong sự hiểu biết trẻ con của tôi, Đảng tịch của cha không còn cảm thấy vinh quang nữa. Đó không phải là một danh dự truy tặng, cũng không phải là một căn cước của đại nghĩa. Rất có thể, cha tôi đã tham gia Đảng như một sự thỏa hiệp với một hệ thống mà ông không thể kháng cự, vì một đặc quyền nhỏ chỉ có hệ thống mới có thể cấp được.

Đảng Cộng sản Trung Hoa được thành lập vào năm 1921, và ngày đầu tiên của tháng 7 được chỉ định là ngày sinh nhật chính thức. Năm 1949, nó đã đánh bại phe Quốc gia sau một cuộc nội chiến đẫm máu, và là đảng cầm quyền độc nhất và duy nhất của nước Cộng hòa Nhân dân kể từ đó. Đảng tự cho mình là người bảo vệ chính đáng và đúng đắn của quốc gia Trung Hoa, trong khi các chính sách thất bại và các chiến dịch tàn bạo của Đảng đã dẫn đến việc mất hàng chục triệu sinh mạng người Trung Hoa. Trong hơn 70 năm, Đảng đã thay đổi lãnh đạo, có những cải cách và cho phép có những giai đoạn tự do ngắn ngủi, mà hầu như luôn luôn sự đàn áp khắc nghiệt hơn sẽ theo sau. Sự linh hoạt về ý thức hệ của Đảng đã góp phần kéo dài tuổi thọ của nó trong khi những người anh em ngoại quốc của họ đã sụp đổ và suy yếu trên toàn cầu. Mặt khác, Trung Hoa vẫn là một nhà nước Lênin. Một triết lý chính trị có thể được giải thích lại, nhưng sự kiểm soát của Đảng đối với sức mạnh quân sự và nhà nước phải được đặt lên hàng đầu.

Đảng luôn trên hết. Ngay cả đối với người đã mất, tư cách đảng viên của Đảng đi trước mọi thứ khác trong thông báo công khai, dù họ đã sống cuộc đời phi chính trị. Quy tắc bất thành văn là Đảng sự kiểm soát của Đảng đối với xã hội Trung Hoa phải là mãi mãi; phá vỡ nó là điều không tưởng

Không ai hiện hữu ở Trung Hoa mà không trả giá cho Đảng, bất kể tư cách đảng viên của họ là gì. Đối với một công dân Trung Hoa trung bình, cuộc sống trong Đảng là một cuộc chiến không ngừng giữa sự thuận tiện và thỏa hiệp. Lệ phí của đảng rất khiêm tốn, đặc biệt là khi nó có thể mua được cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và bảo vệ cá nhân. Nhưng còn cái giá đạo đức thì sao? Khi phải đối diện với một bộ máy khổng lồ và một thế lực tàn nhẫn, ai có thể trả giá cho sự thách thức [Đảng]?

Lòng trung thành với Đảng luôn gắn liền với tình yêu quê hương, giống như một cặp sinh đôi dính liền sinh ra trong cùng máu thịt. Một thay thế cho học thuyết của Đảng không phải là sự khác biệt về quan điểm; đó là tội phản quốc.

Lần đầu tiên tôi trở thành đoàn viên của một tổ chức liên hệ với Đảng, tôi mới năm tuổi. Vào một buổi chiều mùa xuân đầy nắng, tôi đứng cùng các bạn học lớp một trong sân trường, áo sơ mi trắng của chúng tôi sạch sẽ và thẳng tắp. Thầy cô tronga trường, mỗi người đều có một chiếc khăn quàng cổ màu đỏ thắm, thắt những chiếc khăn y như vậy nhỏ hơn quanh cổ áo chúng tôi. Là những thiếu niên tiền phong trẻ mới toanh, chúng tôi đã chào cờ và hát quốc ca. Trên đường trở về sau buổi lễ, tôi nghe giọng nói của một cô gái phía sau tôi:

“Có phải màu đỏ của khăn quàng thực sự là màu máu của các vị anh hùng cách mạng đã hy sinh hay không?”

Một cậu bé trả lời,

“Đừng ngớ ngẩn. Đó là màu của thuốc nhuộm nhân tạo.”

Thiếu niên tiền phong có ba cấp bậc, được trao dựa trên thành tích ở trường, được biểu tượng bằng một băng đeo ở cánh tay có một, hai hoặc ba gạch. Thật không may cho tôi, mẹ tôi cũng là cô giáo tiểu học của tôi, có ác cảm với chủ nghĩa dung túng cho gia đình. Mặc dù có hạng đầu lớp, tôi chỉ được xếp hạng thấp nhất và không được thăng cấp. Trong một bữa điểm tâm, mẹ tôi nói với tôi,

“Con đã nói rất to tiếng trong giấc ngủ đêm qua.”

“Con đã nói gì?” Tôi hoàn toàn không biết. Mẹ tôi cười và lắc đầu,

“Con cãi rằng thật không công bằng khi con không được thêm gạch.”

Tôi nhỏ hơn hầu hết các bạn cùng lớp và thường xuyên đau ốm, vì vậy tôi đã không tham dự số buổi tập thể dục. Một mình trong lớp, tôi liếc mắt nhìn ra ngoài cửa sổ sân trường, các học sinh xếp thành hàng gọn gàng. Một đội trưởng có băng tay hai gạch đứng trước mỗi đội, hét lên những mệnh lệnh với khuôn mặt nghiêm nghị.

“Chú ý!”

“Nghỉ!”

Tôi tự hỏi sẽ thế nào khi mình ra lệnh và được tuân theo. Tôi ghen tị nhìn theo.

Khăn quàng đỏ của tôi màu nhạt dần theo năm tháng. Khăng quàng không dùng còn nữa khi tôi bắt đầu vào học trung học cơ sở, cùng với sự sỉ nhục với cái băng tay một gạch. Đó là lúc đó, giữa những bài vở phải làm là những “cuộc tình” bí mật và Britney Spears, một cụm từ mới được đưa vào từ vựng của chúng tôi: Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Phiên bản cơ sở của Đảng theo cơ cấu tổ chức tương tự, và dành cho những người trẻ trong độ tuổi từ 14 đến 28. Giống như Đảng, tư cách đoàn viên trong Đoàn Thanh niên là có chọn lọc, và cần có một đơn xin gia nhập chính thức với sự chấp thuận chính thức. Ngày nọ, một giáo viên lớp 8 của chúng tôi nói với cả lớp

“Nhiều em đã hỏi tôi có nên tham gia Đoàn Thanh niên hay không?”

Cô bước ra khỏi bục giảng. Giọng cô vang lên trong căn phòng 50 học sinh, dáng dấp nhỏ nhắn của cô có vẻ lớn hơn so với đời thường.

“Cộng sản là một niềm tin. Nếu các em tin thì các em nên nhiệt tình ghi tên gia nhập Đoàn Thanh niên. Nhưng nếu các em không tin thì không cần phải tham gia chỉ vì cái danh xưng.”

Cô đã đưa ra một ví dụ về một trong những học sinh của cô, người đã được nuôi dạy như một Ki-tô hữu.

“Tôi đã nói với em ấy rằng em ấy không nên tham gia Đoàn.”

Học sinh của cô tin vào Chúa, và chủ nghĩa cộng sản là vô thần. Cô giáo lặp lại,

“Cộng sản là một đức tin.”

Dừng lại một lúc, cô nhìn chúng tôi và mỉm cười.

“Chính tôi không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản.”

Câu nói cuối cùng gây xôn xao trong lớp học. Nhiều người, kể cả tôi, chưa bao giờ nghe một người tự ý tuyên bố như vậy. Từ những tuyên truyền được chính phủ phê chuẩn mà chúng tôi đã học được, lòng trung thành với Đảng luôn gắn liền với tình yêu quê hương, giống như một cặp sinh đôi dính liền sinh ra cùng máu thịt. Một thay thế cho học thuyết của Đảng không phải là một sự khác biệt về quan điểm; đó là tội phản quốc.

Nếu tư cách đảng viên của Đảng đồng nghĩa với lòng yêu nước và nhân cách đạo đức, tại sao một công dân có uy tín như cô giáo của chúng tôi có thể từ chối không gia nhập? Phải mất nhiều năm trước khi tôi có thể thấu hiểu tầm quan trọng của lời tuyên bố của cô giáo, rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong số nhiều ý thức hệ, và sự đồng nhất hóa với Đảng nên là một lựa chọn tự do vì niềm tin thực sự.

Tuy nhiên, nhiều lần đã nghe nhóm chữ “chủ nghĩa cộng sản”, nhưng một đứa trẻ 12 tuổi như tôi vẫn không thể hiểu được. Lần đầu tiên chúng tôi đứng dưới lá cờ Đảng khi còn làn những Thiếu niên Tiền phong, các bạn cùng lớp và tôi đã tuyên thệ sẽ là người kế vị vì sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản, nhưng không ai giải thích điều đó  nghĩa là gì. Đó là khẩu hiệu nhiều hơn lý thuyết, một biểu tượng trừu tượng hơn là một hệ thống niềm tin. Ở bậc trung học cơ sở, chương trình giảng dạy của chúng tôi gồm cả sách giáo khoa về lịch sử và chính trị. Các tập sách mỏng chỉ đưa ra những khái niệm tối nghĩa một cách khái quát, có nghĩa là chỉ để chúng tôi học thuộc lòng và nhả như vẹt ra mỗi khi viết bài kiểm. Nếu dành thì giờ để đọc kỹ và thấu hiểu, một trí óc tò mò có thể dễ dàng phát giác ra sự mâu thuẫn và những mảnh còn thiếu. Chỉ lặp lại mà không cần suy nghĩ là việc dễ dàng hơn nhiều.

Tôi có nên tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản không? Tôi quay sang xin lời khuyên của mẹ. Để nguôi ngoai với nỗi mất chồng, mẹ tôi đã tìm sự an ủi trong Kinh thánh. Dù mơ hồ về sự hiện hữu của một trật tự cao hơn, nhưng tôi cầu nguyện mỗi đêm trước khi đi ngủ đã trở thành một nghi thức an ủi. Mẹ tôi khẳng định,

“Tất nhiên! Đảng là vĩ đại nhất.”

Trong tác phẩm đầu tay Secondhand Time, nhà văn người Belarus Alex Alexichich đã vẽ một bức tranh phức tạp về nước Nga sau Liên Xô, kể chi tiết về niềm hy vọng và nỗi buồn của một dân tộc tự hào và cảm giác mất mát và khao khát tập thể của họ. Trong số nhiều nhân vật khó quên có một người cộng sản già bị cầm tù trong cuộc thanh trừng của Stalin. Ông sống sót trong các trại giam và được gửi ra tiền tuyến vào năm 1941. Trở về với những vết sẹo của chiến trường và huy chương trên ngực áo, ông đã được huyện ủy triệu tập. Cán bộ huyện đã thông báo cho ông biết rằng vợ ông, người đã bị bắt cùng lúc với ông, đã chết, nhưng ông có thể lấy lại đảng tịch. Ông ấy thốt lên,

“Tôi đã rất vui! Tôi rất hạnh phúc …”

Khi Alexievich cật vấn tại sao ông có thể biểu lộ một cảm xúc khó hiểu như vậy, ông ấy đã mất bình tĩnh,

“Ông không thể phán xét chúng tôi bằng logic. Ông chỉ có thể đánh giá chúng tôi theo luật của tôn giáo. Niềm tin! Đức tin của chúng tôi sẽ làm cho ông ghen tị! Ông có sự vĩ đại nào trong cuộc sống hay không? Ông chẳng có gì. Chỉ có sự nhàn hạ.”

Đối với những người theo chủ nghĩa cộng sản khi nó vẫn còn là một ý tưởng gây tranh cãi, những người tham gia cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị từ nòng súng, đảng tịch có thể quý hơn mạng sống. Đó là những gì đã làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Một niềm tin mù quáng có thể thuyết phục trí tuệ nhiệt thành bỏ qua những hành động tàn bạo nhân danh nó. Tuy nhiên, khi người cách mạng đã trở thành nhân vật độc tài, cấu kết với đảng cầm quyền thì không còn là sự hy sinh, mà là sự sống còn.

Khi người cách mạng trở thành kẻ độc tài, cấu kết với đảng cầm quyền thì không còn là sự hy sinh, mà là sự sống còn.

như nhà báo và tác giả Richard McGregor đã viết trong cuốn sách của ông “The Party”, Chen Yuan (陈元, Trần Nguyên) nói,

“Chúng tôi là Đảng Cộng sản và chúng tôi sẽ quyết định chủ nghĩa cộng sản nghĩa là gì.”  

Trần Nguyên

Cha Trần Nguyên hơn là Chen Yun (陈云, Trần Vân). Một trong “tám đảng viên lão thành” của Đảng Cộng sản Trung Hoa, Trần Vân đã tổ chức các công đoàn lao động ngầm vào những năm 1920, sống sót sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh, và chủ trương kế hoạch tập trung. Con trai ông đứng đầu Ngân hàng Phát triển Trung Hoa, trở thành nhân vật chủ chốt trong những gì McGregor mô tả về “China Inc.”

Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đệ, Đặng Tiểu Bình và Trần Văn. Nguồn: Nhân dân Mỹ thuật Xuất bản xã

Trong lịch sử, các quốc gia cộng sản có một thành tích dài về sự áp bức chống lại những người thách thức chính sách của chính phủ, gồm cả những người cánh tả. Trong năm qua, một số trường đại học ưu tú của Trung Hoa đã thấy tận mắt những đảng viên trong các tổ chức sinh viên Marxist bị chính quyền quấy rối hoặc giam giữ, và hàng chục người hoạt động cho công nhân đã bị bắt hoặc biến mất. Điều mà Đảng Cộng sản lo ngại không phải là người dân mất niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, nếu họ chưa từng tin vào điều đó ngay từ đầu, mà là những người dân thành lập các hiệp hội có quyền lực chính trị, do chính cơ quan của họ lãnh đạo và thoát khỏi sự kiểm soát trực tiếp của Đảng [cộng sản].

Khi Đảng Cộng sản chỉ là cộng sản trên danh nghĩa, động lực để giữ quyền lực không còn là sự hấp dẫn của ý thức hệ, mà là chính quyền lực. Người dân Trung Hoa sợ Đảng, nhưng cam kết trung thành với búa và liềm không phải là kết quả chỉ vì bị ép buộc. Với quá trình phê duyệt dài, gồm các bài tiểu luận và bài kiểm, và tỷ lệ chấp nhận thu nhập đảng viên dưới 10 phần trăm, tham gia Đảng không phải là vấn đề dễ dàng. Bằng cách biến đảng tịch thành một đặc quyền xã hội đáng thèm, cho phép thăng tiến trong công việc và được hưởng những đặc quyền khác, Đảng lãnh đạo một cơ sở không phải chỉ gồm những người bị bắt buộc thay đổi mà chỉ họ là những người lính phục tùng.

Đơn ghi tên vào Đoàn Thanh niên, nộp trong thời gian học trung học cơ sở, giống như một cuộc khảo sát điều tra dân số hơn là một đơn xin nhập hội chính trị. Tôi vẫn còn dưới tuổi tối thiểu hai năm để được gia nhập, nhưng giống như nhiều luật lệ và quy định của Trung Hoa chúng chỉ có trên giấy tờ, không ai để ý đến chuyện tôi thiếu tuổi. Tôi không những chỉ trở thành một đoàn viên của Đoàn Thanh niên, điểm đứng đầu lớp của tôi cũng cho tôi vị trí cao nhất của một học sinh viên, Bí thư lớp.

Tôi đã giữ danh hiệu đố bốn năm tiếp theo, đôi khi cảm thấy có lỗi vì sự thiếu trách nhiệm trong vị trí đó. Trong năm thứ nhất của tôi ở trường đại học, mỗi chi bộ của Đoàn Thanh niên được chờ đợi hy vọng ​​sẽ tổ chức một vài hoạt động. Tôi đã mời hai diễn giả: một người là nhà văn địa phương, người còn lại là cha của một cựu sinh viên đáng chú ý vừa được thăng chức giáo sư tại Harvard. Chiếu phim là phần còn lại của sinh hoạt với Đoàn. Tôi chọn bộ phim 3 tập Bố già (The Godfather) và Good Will Hunting, cảm thấy hơi tinh quái khi nộp báo cáo.

Năm thứ hai bắt đầu với một cuộc bầu cử toàn lớp. Vị trí lãnh đạo sinh viên, trước đây được xác định bằng hạng trong kỳ thi tuyển sinh đại học, bây giờ sẽ được xác định bằng phiếu bầu phổ thông. Nam sinh viên đông gấp bốn lần nữ sinh viên tại trường đại học tập trung vào STEM của chúng tôi. Trong các tòa nhà ký túc xá phân biệt nam nữ sinh viên chúng tôi, ứng cử viên nam sinh viên đối thủ của tôi đã vận động vào đêm trước của cuộc bầu cử. Là một ngôi sao trong nhóm tranh luận của đại học, tôi ngây thơ nghĩ rằng khả năng hùng biện của mình sẽ đủ. Hai chúng tôi đã đọc tuyên bố ứng cử viên ngắn gọn trước lớp, và mọi người đầu phiếu. Tôi thất cử vì kém vài phiếu.

“Chết tiệt cái tinh thần gia trưởng!” Tôi đã thét lên trong phòng của mình. Sự thất vọng thoáng qua được thay thế bằng cảm giác nhẹ nhõm. Khỏi phải lo chuyện giấy tờ. Thỉnh thoảng, bạn bè và tôi nói về một vài bạn học đang hoạt động năng nổ trong Đoàn Thanh niên. Chúng tôi nói đùa, có lẽ họ là tín đồ chân chính của Marx. Có lẽ họ đang chuẩn bị leo những nấc thang của Đảng trong một chính phủ tương lai của Trung Hoa.

Tôi đã theo học một chương trình đại học đặc biệt trong đó sinh viên phải từ 15 tuổi trở xuống để được nhận vào học. Không giống như các quy định lỏng lẻo dành cho Thiếu niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên, tư cách đảng viên của Đảng chỉ dành cho người lớn. Tôi đã theo dõi những bạn học lớn tuổi hơn ngấu nghiến những tài liệu nghiên cứu về chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông để chuẩn bị nộp đơn vào Đảng của họ, và cảm thấy may mắn nhờ ít tuổi tôi đã tránh được chuyện vô vị như vậy. Trong một buổi họp tối vào mùa thu năm cuối của chúng tôi giáo sư cố vấn cho lớp chúng tôi – một đảng viên đồng thời phụ trách lãnh đạo chi đoàn Thanh niên của trường – đã nói,

“Nhiều người trong số các bạn hiện đã đủ điều kiện tham gia Đảng. Nếu bạn xuất ngoại sau khi tốt nghiệp, rõ ràng không cần phải gia nhập Đảng.

Tuy nhiên, nếu bạn có kế hoạch ở lại Trung Hoa, tôi khuyến khích bạn gia nhập Đảng. Đảng tịch có thể giúp chặn được một viên đạn cho bạn.”

Một số chúng tôi nhìn quanh phòng, bối rối vì hình ảnh sống động. Một học sinh đằng sau tôi thì thầm,

“Có nghĩa là nếu bạn phạm sai lầm, hình phạt có thể bị trục xuất khỏi Đảng thay vì tệ hơn.”

Ồ.

Lớn lên trong một gia đình mà chính trị là điều cấm kỵ, tôi vẫn chưa biết được sự thật đằng sau nhiều chủ đề không thể nói được, nhưng bằng cách quan sát các đường biên của không gian bị cấm, tôi không hề ảo tưởng về bản chất độc đoán của Đảng. Giống như một phần ba bạn trong lớp, tôi đang chuẩn bị đi học cao học ở Hoa Kỳ, với sự toàn năng của nó, là điều tôi hy vọng thoát khỏi Đảng, chứ không cấu kết với nó.

Mẹ tôi cố gắng thuyết phục tôi làm trái lại. “Con vẫn còn thời gian để ghi damh!”

“Con không tin vào chủ nghĩa cộng sản.”

“Sao con có thể nói một điều khủng khiếp như vậy?”

“Con tin vào quyền cá nhân và thị trường tự do với các quy định cần thiết.”

“Con không hiểu. Nó không phải là những gì con tin vào.”

Mẹ tôi đã trở nên ngày càng sùng đạo với đức tin ở Kitô giáo. Từng là một cái nạng tinh thần giờ đây nó  là một phần bản sắc của mẹ tôi. Sau khi đưa tôi đến nhà thờ dự lễ tại thành phố vào một buổi sáng Chủ nhật, mẹ tôi nói,

“Mẹ muốn con được rửa tội trước khi rời khỏi Trung Hoa.”

Tôi nói với mẹ tôi, không. Tôi không còn có thể dung hòa các nguyên lý tôn giáo với kiến thức khoa học của mình.

Mẹ tôi đã hy vọng tôi sẽ mang theo hai lá bùa  hộ mạng trong hành trình băng qua khắp các đại dương; một là sự ban phước của Chúa bất cứ nơi nào tôi đến và hai là đảng tịch của Đảng nếu một ngày nào đó tôi trở về quê hương. Tôi bướng bỉnh không chấp nhận cả hai. Đêm trước khi tôi lên đường, mẹ tôi mang theo trong hành lý xách tay của tôi một quyển Kinh Thánh bọc da và một bộ sưu tập những bản thánh ca.

“Ít nhất là con mang theo những thứ này.”

Những câu thánh đã bay cùng tôi trên khắp các lục địa, bên cạnh một cuốn sách nhỏ mà tôi đặt mua trên internet: Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ.

Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ. Nguồn: Bantam Classic

Người dân Trung Hoa phải đối diện với một thực tế phức tạp, nạn nhân của một hệ thống áp bức nhưng cũng góp phần vào sự áp bức chính họ bằng cách trở thành một phần của hệ thống.

Hai năm trước, tôi đã phỏng vấn một viên chức cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa. Chúng tôi đã thảo luận về kế hoạch do Trung Hoa đề nghị để xây dựng một siêu đại hình gia tốc khí (supercollider) kế tiếp của thế giới và ý nghĩa của nó đối với sự hợp tác khoa học và tự do học thuật trên toàn cầu. Đến phần cuối của cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa hai chuyên gia vật lý hạt, tôi đã hỏi câu hỏi cuối cùng của mình:

“Sẽ có một Đảng bộ gắn liền với dự án này hay không?”

Tiếp theo là một diễn văn dài 20 phút đả kích tôi lý lịch của tôi và động cơ của tôi:

“Cô đang làm gì vậy? Tại sao cô lại đặt vấn đề đó? Cô quá trẻ. Điều này quá nhạy cảm. Nó có thể phá hủy dự án. Đừng có phá dự án của tôi.”

Phản ứng của viên chức Viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa đã trở thành cái mão đầu trong bài báo của tôi, khảo sát giới hạn của khả năng khoa học để vượt qua chính trị độc tài của Trung Hoa, ngay cả trong một lĩnh vực căn bản như vật lý hạt. Cá nhân tôi đã không coi sự giận dữ của viên chức đó nhằm vào mình. Tuy nhiên, tôi rất đồng cảm, một phần tôi đã thấy cố gắng của ông ấy để che giấu sự hiện diện của Đảng là điều giả nhân giả nghĩa. Là đảng viên của Đảng bộ của ông ở Viện Hàn lâm Khoa học, ông là một nhà khoa học lỗi lạc, nổi bật trong ngành của mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng sự nghiệp của ông đã được hưởng lợi nhờ vị trí của ông trong Đảng và mối quan hệ của ông với giới lãnh đạo Đảng.

Pha trộn những sự đe dọa cá nhân không giấu diếm, viên chức đó đã cố gắng thuyết phục tôi bỏ không tiếp tục thảo luận. Chỉ riêng sự đề cập đến Đảng sẽ đặt ông ta vào một vị trí khó xử với cả hai bên, ông ấy giải thích. Việc thừa nhận có sự giám sát của Đảng có thể khiến các đối tác quốc tế mà dự án cần có xa lánh, trong khi việc hạ thấp vai trò của Đảng sẽ mang lại những tai ương sâu sắc hơn ở nhà. Đối với bất kỳ đề nghị nào được thực hiện ở Trung Hoa, con dấu phê duyệt của Đảng là điều cần thiết.

Sau khi bài báo của tôi được xuất bản, một số độc giả Trung Hoa đã chỉ trích tôi vì giả vờ ngây thơ hoặc có mục đích khiêu khích trong khi phỏng vấn một chủ đề Trung Hoa. Tôi đã không lường trước được phản ứng của viên chức Viện Hàn lâm Khoa học đã trở nên hung hăng, mặc dù động lực đó không xa lạ với tôi khi là một phụ nữ trẻ trong nghề nghiệp do nam giới thống trị. Tôi đặt câu hỏi và viết về câu chuyện vì tôi tin vào tầm quan trọng của nó. Sự từ chối có vẻ hợp lý có một vai trò trong một hệ thống mờ đục, và tôi đã giấu tên của viên chức Viện Hàn lâm trong cuộc phỏng vấn công khai. Sau nhiều tháng, tôi vẫn tự hỏi liệu mình đã lựa chọn đúng không. Tình trạng khó khăn về đạo đức phản ánh sự phức tạp trong trách nhiệm cá nhân đối với người dân Trung Hoa, những nạn nhân của một hệ thống áp bức nhưng cũng góp phần vào sự áp bức của chính họ bằng cách trở thành một phần của hệ thống.

Là một đảng viên của Đảng có tự động loại bỏ suy nghĩ độc lập khỏi một cá nhân hay không? Với 90 triệu đảng viên, Đảng không phải là một khối thuần nhất. Ngay cả trong giới lãnh đạo hàng đầu của Đảng, có những cuộc đấu tranh nội bộ giữa các quan điểm và phe phái quyền lợi khác nhau. Mặt khác, đối với hàng tỷ công dân Trung Hoa không trả lệ phí Đảng hàng tháng, việc tiếp tục cuộc sống hàng ngày vẫn dựa vào tiền đề của việc sự phục tùng thụ động.

“Công nhân thế giới, hãy đoàn kết!” người bán tạp phẩm màu xanh lá cây dán khẩu hiệu trrên cửa sổ cửa hàng của ông ta, vào thời điểm mà mọi người khác cũng làm như vậy, vì vậy ông ta có thể tránh sự quấy nhiễu của chính quyền. Câu chuyện ngụ ngôn trong Vaclav Havel, “Quyền lực của Không Quyền lực” (“The Power of the Powerless”) minh họa cho bản chất của một xã hội hậu toàn trị. Tuy nhiên, không thể thoát được và không thể kiểm soát được sự kiểm soát của chế độ, lồ lộ, sự bền bỉ của nó phụ thuộc vào sự vâng lời của người bị cai trị, những người đã tuyên bố trung thành “bằng cách chấp nhận các quy tắc đã có của trò chơi.”

Chuyện gì xảy ra khi một người phá vỡ vẻ bề ngoài đó?

“… Một tia lửa biến thành ba, bảy và vô số / như những con đom đóm bay trong thế giới thảo nguyên / Rất nhiều, rất nhanh! Ngay cả tôi cũng ngạc nhiên / tất cả chúng đều phát ra từ tia lửa nhỏ bé / …cháy lên đi, lửa; hãy bùng cháy / trong đêm dài không kết thúc / … cuối cùng chúng ta thấy ánh bình minh thực sự / nhân loại sẽ vui mừng trong ánh sáng ban mai…”

Lâm Chiêu, “A Day in Prometheus’s Passion” 
Lâm Chiêu. Nguồn: SupChina

Sinh ra trong một gia đình giàu có và được giáo dục tại một trường truyền giáo ở miền nam Trung Hoa, Lin Zhao (林昭, Lâm Chiêu) tham gia cách mạng cộng sản thời niên thiếu, và công tác say mê trong cuộc cải cách ruộng đất vào đầu những năm 1950. Chiến dịch chống hữu khuynh của Mao đã phá vỡ niềm tin của cô với Đảng, và đưa cựu đảng viên đầy tham vọng vào con đường bất đồng chính kiến. Một người bạn học cũ của Lâm Chiêu tại Đại học Bắc Kinh nhớ lại,

“Kẻ hữu khuynh duy nhất không chịu tự phê bình là Lâm Chiêu.”

Bị bắt vào năm 1960, Lâm Chiêu đã viết hàng trăm ngàn từ trong ngục thất; bản báo cáo trong tù về cố ấy miêu tả,

“Đã tấn công điên cuồng, đàn áp và nói xấu đảng và lãnh đạo của của chúng ta.”

Thỉnh thoảng vì cần thiết, và thường là một hình thức phản kháng cực đoan, Lâm Chiêu đã dùng máu của mình làm mực cho những gì cô gọi là những “diễn từ tự do” của mình.

Lâm Chiêu. Nguồn: Michael Hogue/DMN Staff

Đọc những đoạn trích từ “những lá thư viết bằng máu” của Lâm Chiêu, tôi đã rất kinh ngạc về trí tuệ xuyên thấu và tài hùng biện đầy thi vị của cô ấy. Lâm Chiêu đã vô ngã trong sự tận tụy của mình với sự thật, nhưng không phải cô ấy cũng ích kỷ sao, khi gia đình cô ấy phải chịu hậu quả của việc mạo hiểm viển vông? Cha của Lâm Chiêu đã tự sát sau khi biết cô bị giam cầm. Khi Lâm Chiêu bị xử tử năm 1968, lúc mới 35 tuổi, tin đó đã đến với mẹ cô cùng với lệnh yêu cầu bà trả tiền viên đạn, năm hào.

Lâm Chiêu nhận thức được những tác động đối với gia đình cô và bày tỏ mong muốn một ngày nào đó sẽ chăm sóc mẹ mình để đền đáp. Tuy nhiên, cô đã quyết định rằng cuộc đấu tranh của mình cho những quyền căn bản của con người, “vì là một người độc lập, tự do,” nên không thể bị ràng buộc bởi những cân nhắc cho bản thân hoặc người thân.

Khi những năm tháng đấu tranh chính trị điên cuồng biến học sinh chống lại thầy cô, trẻ em chống lại cha mẹ, anh chị em và vợ chồng chống lại nhau, thì tôi là ai để đổ lỗi cho Lâm Chiêu vì sự khổ nhọc nhục nhằn của gia đình cô? Cuộc sống so với tự do, tình yêu dành cho gia đình so với cam kết với sự thật: thủ phạm duy nhất là một hệ thống đàn áp đã buộc những ham muốn nguyên thủy như vậy trở thành những nhị nguyên không thật.

Lưu Hiểu Ba. Nguồn: china.usc.edu

Nhà văn và nhà phê bình văn học Liu Xiaobo (刘晓波, Lưu Hiểu Ba) đã ca ngợi Lâm Chiêu là “tiếng nói tự do duy nhất còn lại cho Trung Hoa đương đại”. Trong một lá thư viết hồi tháng 1 năm 2000, Lưu Hiểu Ba đã nói lên hy vọng và sự mất hết can đảm của ông đối với người dân Trung Hoa:

“Để mọi người có quyền cá nhân, phải có một người đạo đức khổng lồ hy sinh một cách vô ngã Chúng ta không thể đặt hy vọng vào lương tâm tập thể của quần chúng, chúng ta chỉ có thể dựa vào một lương tâm cá nhân vĩ đại để tập hợp đám quần chúng hèn nhát. Và người dân của chúng ta đặc biệt cần một người khổng lồ về đạo đức.”

Lưu Hiểu Ba

Lâm Chiêu chính thức được giải tội vào năm 1981, 13 năm sau khi cô bị xử tử. Nơi an nghỉ cuối cùng của Lâm Chiêu ở ngoại ô Tô Châu vẫn nằm dưới sự giám sát của chính phủ, vì những người hoạt động dân chủ thường bày tỏ sự tôn kính trước di sản của cô. Đã thọ nhiều án tù vì vai trò của ông trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn và các bài viết sau đó, Liu Xiaobo đã bị kết án tù thêm 11 năm vào năm 2009 vì soạn thảo bản tuyên ngôn nhân quyền “Hiến chương 08” (Linh bát Hiến chương). Ông đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, và qua đời trong ngục thất của nhà nước Trung Hoa bảy năm sau đó. Với một cuộc thủy táng ngoài biển do chính phủ Trung Hoa sắp xếp vội vã, chính quyền bảo đảm sẽ không còn một địa điểm hành hương nào khác như lăng mộ của Lâm Chiêu. Một số người ủng hộ tưởng niệm Lưu Hiểu Ban bằng cách làm thơ hoặc đi thăm bãi biển nơi ông được tủy táng đã bị cảnh sát giam giữ.

Tôi cũng muốn tin vào cảnh mộng của Lưu Hiểu Ba, rằng chủ nghĩa anh hùng cá nhân có thể đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho một dân tộc. Nhưng hai năm sau khi Lưu Hiểu ba chết, Đảng cộng sản Trung Hoa đang ở vị trí mạnh nhất và đàn áp thô bạo nhất kể từ thời Mao. Có gì khác khi người khổng lồ đạo đức đã hy sinh vô ngã, ngoài chính sự tử vì đạo?

Như Havel từng nói từ đằng sau Bức màn sắt,

“Hy vọng là một khả năng làm việc vì điều gì đó vì nó tốt, không chỉ vì nó có cơ hội thành công.”

Vaclav Havel

Trong trường hợp một cuộc nổi loạn cá nhân khác chống lại một hệ thống bất công, tính hợp lệ của nó không nên bị hạ giá vì những người khác không có khả năng đi theo. Tự hy sinh là tự cứu mình. Khi lương tâm không chịu thỏa hiệp, thể xác có thể bị biến thành tro tàn, nhưng ngọn lửa mà nó từng giữ sáng sẽ tiếp tục là cột đèn, chỉ về hướng Bắc trên một la bàn đạo đức cho thế hệ mai sau. Tác giả và học giả người Trung Hoa Cui Weiping (崔卫平, Thôi Vệ Bình) trong một đoạn vinh danh Lâm Chiêu đã viết,

“Vì bà, chúng ta có phả hệ. Tôi không gọi đó là phả hệ liệt sĩ, vì điều đó cũng gồm những đóng góp của những kẻ hành quyết. Đây là một phả hệ của những nhà tư tưởng.

Bạn có một sự lựa chọn – hôm nay lịch sử thì thầm với mọi người. Vì những người tiên phong như Lâm Chiêu, lịch sử của chúng ta đã khác với những gì trước đó.”

Thôi Vệ Bình

Tác giả | Yangyang Cheng là một nhân viên nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Cornell, và là thành viên của thí nghiệm CMS tại Large Hadron Collider. Sinh ra và lớn lên ở Trung Hoa, Cheng tốt nghiệp tiến sĩ ngành vật lý tại Đại học Chicago năm 2015 và Cử nhân Khoa học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật của Trường dành cho Thiếu niên có Năng khiếu. Các bài viết của cô đã xuất hiện trong Foreign Policy, MIT Technology Review, ChinaFile, Bulletin of the Atomic Scientists và các ấn phẩm khác.

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: ‘Communism is a faith’ | Yangyang Cheng | SupChina | July 31, 2020.