Để Pierre Poilievre lãnh đạo Đảng Bảo thủ là sự liều lĩnh quá lớn
Kelly McParland | DCVOnline
Poilievre thề sẽ sa thải thống đốc Ngân hàng Canada Tiff Macklem là một cam kết hấp tấp, liều lĩnh và nguy hiểm
Thành tích của Pierre Poilievre trong hai cuộc tranh luận đầu tiên của ứng cử viên tranh vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ là một lập luận vững vàng cho thấy ông không phù hợp của với vai trò thủ tướng. Tuy nhiên, liệu đảng Bảo thủ có quyết định giao cho ông lãnh đạo đảng hay không sẽ nói lên rất nhiều về sự uy tín của họ như một chính đảng có thể thay thế chính phủ Tự do hiện nay.
Poilievre không đủ bản lĩnh ở vài phương diện, cả về mặt cá nhân và chính sách. Có một sự thiếu nghiêm túc và thiếu linh hoạt trong phần trình bầy của ông ấy báo hiệu sự kém cỏi của một người cần đoàn kết một đảng đang chia rẽ lại với nhau, và sau đó đoàn kết một đất nước phân cực. Ông ta có một phong cách ứng xử cay độc mà chắc chắn sẽ làm một phần đáng kể trong số cử tri bỏ phiếu xa lánh ông, và nguồn giận dữ dường như vô tận, chứng tỏ bằng những cuộc tấn công thường xuyên, của ông ta vào một loạt các mục tiêu khác nhau, từ các đối thủ chính trị cho đến những đồng chí trong Đảng Bảo thủ đứng đang cách ông vài bước trên sân khấu.
Không cần phải là người dễ chịu để trở thành một lãnh đạo có hiệu quả. Nếu Justin Trudeau đã chứng tỏ được bất cứ điều gì trong sáu năm làm thủ tướng, thì đó là sự háo hức làm hài lòng không phải là một dự báo cho sự khôn ngoan hay khả năng phán đoán. Nhưng những quan điểm về chính sách được biến đến của Poilievre là nguyên nhân dẫn đến mối quan tâm sâu sắc, đặc biệt là ý định của ông, tiết lộ hôm thứ Tư tại Edmonton, sa thải thống đốc Ngân hàng Canada Tiff Macklem làm nếu chính phủ Poilievre lên nắm quyền.
“Những chính sách của Poilievre là nguyên nhân dẫn đến mối quan tâm sâu sắc.”
Đó là sự cam kết hấp tấp, liều lĩnh và nguy hiểm. Thực hiện nó sẽ là việc hoàn toàn vô trách nhiệm. Sự độc lập của ngân hàng quốc gia là điểm rất quan trọng nếu người Canada muốn giữ được niềm tin vào uy tín của ngân hàng như một thể chế. Sự xói mòn niềm tin của công chúng vào những thể chế quốc gia là một nguyên nhân chính — có lẽ là nguyên nhân lớn nhất — dẫn đến sự mất niềm tin vào chính chính phủ. Chúng ta đang nhìn thấy kết quả của sự xói mòn đó ở xung quanh, trong sự chia rẽ, bè phái, sự giận dữ ăn mòn đã tràn ngập rất nhiều ngõ ngách của cuộc sống ngày nay. Mọi người không tin vào giới lãnh đạo, và những người lãnh đạo đó lại liên tục nuôi dưỡng sự thiếu niềm tin đó bằng cách biến mọi vấn đề trở thành chủ đề của sự đối đầu và gièm pha.
Cho đến nay, Ngân hàng Canada phần lớn đã tránh để trở thành mục tiêu, có lẽ vì rất ít người Canada thực sự hiểu nó làm gì hoặc hoạt động như thế nào. Điều đó khiến Ngân hàng Canada dễ bị tấn công như kiểu tấn công mà Poilievre đã thực hiện. Khi mọi người không hiểu về một điều gì đó, thật dễ dàng để đưa ra một hình ảnh sai lệch mà họ có thể vớ được. Poilievre đã làm điều đó bằng cách đổ lỗi cho ngân hàng đã in tiền mà chính phủ Trudeau đã dùng để tài trợ cho nhiều chương trình chi tiêu lớn [kể cả trong đại dịch], chính những chương trình đã làm tăng gấp đôi số nợ chỉ trong vòng sáu năm.
Công việc chính của ngân hàng quốc gia là kiểm soát lạm phát. Nó thực hiện điều đó phần lớn bằng cách theo dõi và định lãi suất. Nó không hoàn hảo và có lẽ đã quá chậm để tăng lãi suất do hậu quả của đại dịch COVID, nhưng nó hiện đang tham gia tích cực vào việc chống lại việc tăng giá sinh hoạt bằng các đợt tăng lãi suất từng giai đoạn. Hiệu quả đã thấy rõ qua sự suy giảm đột ngột của bong bóng nhà đất. Nó có những biện pháp, nếu được sử dụng đúng, cũng có khả năng làm chậm lạm phát trên đại thể.
Đó là một công việc rất phức tạp và khó khăn. Nó đòi hỏi trí thông minh, khả năng, nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu rộng. Đó không phải là thứ mà một số chính khách vận động tranh cử — đặc biệt là một người, như Poilievre, chưa bao giờ làm gì khác ngoài việc làm chính trị — có thể hiểu được bằng cách gõ cửa cử tri hoặc Google trên internet. Chính trị hóa công việc của ngân hàng quốc gia là một thảm họa. Là một quốc gia, Canada đang nợ nần chồng chất, nguy hiểm; tăng trưởng kinh tế của chúng ta được dự báo là kém nhất trong số những nước có nền kinh tế lớn trong mười năm tới; và năng lượng, một trong những ngành kỹ nghệ quan trọng nhất của chúng ta và là nhân tố quan trọng trong sự thịnh vượng của chúng ta, đã được dùng như một trò chơi chính trị ngay cả khi cuộc xâm lăng ở Ukraine và tình hình ở những nơi khác cho thấy tầm quan trọng của nó. Bây giờ, hãy tưởng tượng lấy cùng những chính khác đó, những người đã gây ra kịch bản này và giao trách nhiệm cho họ phụ trách Ngân hàng Canada.
Nếu bạn đọc muốn hiểu việc chính trị hóa ngân hàng sẽ như thế nào, hãy nhìn về phía Nam, đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Giống như ngân hàng, nó là một thể chế độc lập, không có sự can thiệp chính trị và đảng phái. Ngoại trừ địa vị đó đã bị xói mòn không ngừng khi hết tổng thống này đến tổng thống khác tìm cách bao bọc nó bằng những thẩm phán có cùng chí hướng, những người có thể dựa vào để đưa ra các phán quyết làm hài lòng Tòa Bạch Ốc và các khu vực cử tri được ủng hộ. Tổng thống Donald Trump đã thành công trong vấn đề đó đến mức TCPV Mỹ hiện có đa số thẩm phán cánh hữu, sắp lật ngược 50 năm luật phá thai và biến việc tìm dịch vụ hoại thai trở nên hỗn độn trong đó 50 tiểu bang có cơ hội để áp đặt 50 cách giải quyết khác nhau. Canada có thực sự muốn điều hành chính sách tiền tệ với cách giải quyết tương tự như thế hay không?
“Chính trị hóa công việc của ngân hàng quốc gia sẽ là một thảm họa.”
Poilievre là dân biểu đối lập phê bình tài chính của đảng ông và có thể có hiệu quả trong việc chất vấn những chính sách và vị trí của Đảng Tự do, nhưng mối quan tâm đến kinh tế không giống như chuyên môn về kinh tế. Chứng kiến sự cổ động cho tiền điện tử của ông ấy, thứ mà ông ấy đã nói lên như một phương tiện để “không tập trung hóa” nền kinh tế và làm suy yếu những “người gác cổng” (chính phủ mọi cấp) mà ông ấy thường xuyên tố cáo. Nếu 5% dân số Canada thực sự hiểu cách hoạt động của tiền điện tử, thì đó sẽ là một chuyện ngạc nhiên.
Khái niệm cho rằng một phiên chợ toàn cầu không được kiểm soát trong một sản phẩm tài chính hiện hữu phần lớn như một khái niệm trí tuệ sẽ đóng vai trò như một giải pháp thay thế khả thi cho quy định tiền tệ thận trọng đáng có như việc định lãi suất theo vòng quay của bánh xe roulette. Như các đối thủ của ông ấy ở Edmonton đã nêu lên, bất kỳ ai đặt tiền tiết kiệm của mình vào tiền điện tử khi Poilievre bắt đầu chào hàng thì hôm nay đã nghèo đi rất nhiều. Một vụ sụp đổ kinh hoàng cho thấy 800 tỷ đô la giá trị tiền điện tử bị xóa sạch trong tháng qua, gấp đôi số tiền mà Poilievre đổ lỗi cho Ngân hàng Canada vì đã “in ra bằng không khí” để hỗ trợ các biện pháp chống COVID. Bitcoin, loại tiền điện tử phổ biến nhất, đã ở mức cao nhất mọi thời đại vào sáu tháng trước. Bây giờ nó có giá trị bằng một nửa. Những người khôn ngoan không đem nền kinh tế quốc gia vào những canh bạc như vậy.
Chính trị gia thích mầy mò. Họ thường nghĩ rằng họ có chuyên môn cao hơn họ thực sự có. Những người bảo thủ, theo truyền thống, đã lập luận về việc bàn tay của chính phủ không chạm nhiều đến hoạt động của thị trường. Bản năng của Poilievre dường như có khuynh hướng ngược lại. Những thôi thúc của ông ta là phá hủy, và sau đó thí nghiệm với những thứ thay thế. Điều đó có thể tốt cho việc phát triển các công ty khởi nghiệp từ ga ra. Nhưng nó quá nguy hiểm nếu điều hành một quốc gia dựa trên nền tảng đó, đặc biệt là một quốc gia rất cần sự quản lý thông minh và hợp lý như Canada. Những người bảo thủ đã phải lòng Poilievre một lúc, nhưng họ cần phải xét kỹ hơn đến những lựa chọn thay thế (không phải là Poilievre) trong những tháng tới.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Pierre Poilievre is too big a risk to lead the Conservatives | Kelly McParland | National Post | May 12, 2022.