Không quân Nhân dân Việt Nam có thể cùng lúc bay Su-30 và F-16 Viper
Boyko Nikolov | DCVOnline
Không quân Nhân dân Việt Nam hiện duy trì một phi đội gồm 10 chiến đấu cơ Su-27 Flanker, và có thêm 35 chiếc Su-30 và 34 chiếc Su-22. Trong kho của họ còn có một chiếc Mikoyan-Gurevish MiG-21 (tên mã NATO: Fishbed) là phản lực siêu thanh chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo, đã nằm trong tình trạng phòng thủ vào năm 2010. Một điều đáng ngạc nhiên là có suy đoán về việc Không quân Nhân dân Việt Nam có thể sắp đưa máy bay Mỹ vào kho vũ khí của Việt Nam.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy tiến trình này bắt đầu từ năm 2021, khi Việt Nam đặt mua ít nhất ba máy bay huấn luyện T-6 Texan II của công ty sản xuất Beechcraft của Mỹ. Việc giao những chiếc máy bay này vẫn chưa hoàn tất. Sự thay đổi rõ ràng này diễn ra đồng thời với sự tan băng trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một diễn biến phần lớn vì những mối quan ngại chung liên quan đến Trung Hoa.
Sự thay đổi này được nhấn mạnh trong chuyến công du gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội. Trong chuyến thăm này, những cuộc đối thoại mở màn đã bắt đầu để thiết lập một thỏa thuận về việc mua bán nhiều vũ khí. Đây được coi là bước tiếp theo trong việc xác định mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo báo cáo của Reuters, trích dẫn hai nguồn đáng tin cậy, có tin đồn về việc Không quân Nhân dân Việt Nam mua máy bay chiến đấu F-16. Nếu phỏng đoán này được xác thực, nó có thể đánh dấu sự cải tiến đáng kể về năng lực phòng thủ của Việt Nam, đặc biệt nếu phi đội Việt Nam mua lại có cả F-16 “Viper” tiên tiến. Do Lockheed Martin chế tạo, chiến đấu cơ này có một loạt đặc điểm tiên tiến như radar AESA, máy tính phi vụ vụ cấp cao, khả năng kết nối vượt trội và màn hình quan sát địa hình.
Một viên chức của chính quyền Biden chia sẻ với Reuters rằng Mỹ có mối quan hệ an ninh “hiệu quả và đầy hứa hẹn” với Việt Nam. Dường như Việt Nam có mối quan tâm mạnh mẽ đến các hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là những hệ thống giúp cải tiến khả năng giám sát hàng hải và các phương tiện vận tải khác của họ. Điều này có thể sẽ có cả máy bay quân sự.
F-16 sẽ mang lại gì cho Việt Nam?
Việc Việt Nam mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ sẽ nâng cao đáng kể khả năng chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Trong khi Việt Nam đã có những máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 của Nga, việc có thêm F-16 sẽ mang đến một phi đội đa dạng và tiên tiến hơn.
F-16 được biết là một phi cơ sự nhanh nhẹn, có hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khả năng không đối không và không đối đất vượt trội. Điều này sẽ cho phép Việt Nam tham gia hiệu quả cả nhiệm vụ không đối không và tấn công xuống mặt đất, từ đó mở rộng tính linh hoạt và hiệu quả tác chiến trên chiến trường.
F-16 cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế về kỹ thuật cho lực lượng không quân Việt Nam. Những máy bay này được trang bị hệ thống radar tối tân, giúp Việt Nam nâng cao nhận thức tình hình, phát giác và theo dõi máy bay địch hiệu quả hơn.
Ngoài ra, F-16 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tối tân, cho phép Việt Nam phá hoại và chống lại hệ thống radar và liên lạc của đối phương. Việc mua F-16 cũng sẽ tăng cường khả năng tương tác của Việt Nam với Hoa Kỳ và các quốc gia khác sử dụng F-16. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận chung, chia sẻ thông tin và thậm chí có thể là các hoạt động chung trong tương lai.
Ba loại chiến đấu cơ là một thử thách
F-16 và máy bay Su-27, Su-30 của Nga thực sự không tương thích ở một số khía cạnh. Một yếu tố chính góp phần vào sự không tương thích của chúng là sự khác biệt trong triết lý tạo mẫu và kỹ thuật sử dụng trong tiến trình chế tạo.
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, một động cơ, đa năng, trong khi Su-27 và Su-30 là máy bay chiến đấu hạng nặng, hai động cơ, chiếm ưu thế trên không. Sự khác biệt trong những mẫu này dẫn đến sự khác biệt về khả năng hoạt động, khả năng cơ động và đặc điểm bay tổng thể.
Một khía cạnh khác của sự không tương thích nằm ở hệ thống điện tử hàng không và vũ khí do những chiến đấu cơ này sử dụng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên lạc, khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu và thách thức trong việc điều hợp những phi vụ hoặc hoạt động chung.
Hơn nữa, sự không tương thích còn mở rộng đến việc bảo trì và hỗ trợ hậu cần. F-16, Su-27 và Su-30 của Nga có những yêu cầu bảo trì, phụ tùng thay thế và hệ thống hỗ trợ khác nhau. Điểm này có thể đặt ra những thách thức khi tiến hành các cuộc tập trận hoặc hoạt động chung vì sự sẵn có của các nguồn lực cần thiết có thể khác nhau.
Về mặt bay cùng với nhau, sự không tương thích giữa những máy bay này có thể gây khó khăn trong việc phối hợp chiến thuật, đội hình và lập kế hoạch phi vụ tổng thể. Những đặc tính hoạt động khác nhau, chẳng hạn như khả năng về tốc độ, tầm bắn và độ cao, có thể hạn chế hiệu quả của những hoạt động chung.
Ngoài ra, sự khác biệt về khả năng radar và hệ thống tác chiến điện tử có thể cản trở sự phối hợp hiệu quả và nhận thức tình huống, có khả năng ảnh hưởng đến sự thành công của các nhiệm vụ phối hợp.
Những yếu tố của thỏa thuận Mỹ-Việt
Cómột số yếu tố để Mỹ quyết định có thể bán máy bay chiến đấu F-16 trong tương lai cho Việt Nam. Thứ nhất, đây là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm nâng cao quan hệ với Việt Nam và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam được coi là đối tác quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa. Bằng cách cấp cho Việt Nam những quân cụ tối tân như F-16, Mỹ có mục đích tăng cường khả năng phòng thủ và nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Trung Hoa và Việt Nam
Quả thực, tranh chấp giữa Trung Hoa và Việt Nam ở Biển Đông là yếu tố quan trọng trong quyết định của Mỹ. Trung Hoa tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông,kể cả những khu vực được quốc tế công nhận là một phần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việc này đã dẫn đến căng thẳng và đôi khi đụng độ giữa hai nước. Mỹ coi sự quyết đoán của Trung Hoa trong khu vực là mối đe dọa đối với lợi ích của chính họ và lợi ích của đồng minh, trong đó có Việt Nam. Bằng cách bán máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam, Mỹ đang gián tiếp gởi tín hiệu ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong tranh chấp và cam kết duy trì cán cân quyền lực trong khu vực.
Điều đáng chú ý là việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng chục năm đối với Việt Nam vào năm 2016 đã mở đường cho việc có thể bán chiến đấu cơ F-16. Mỹ đi đến quyết định này vì muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam và tăng cường khả năng tự vệ của nước này.
Hoa Kỳ đang dần mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam, kể cả những cuộc tập trận chung và tăng cường thương mại quốc phòng. Việc bán máy bay chiến đấu F-16 có thể là một tiến triển tự nhiên trong mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển này và phản ảnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ an ninh và chủ quyền của Việt Nam.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: F-16 Viper could fly alongside Su-30 in Vietnam People’s Air Force | Boyko Nikolov | BulgarianMilitary.com | Sep 23, 2023