Thư em gái Hà Nội
Nguyễn Duy Vinh
Từ ngày anh lên đường về lại Canađa, em cứ như người mất hồn. Không ngày nào là em không rà soát điện thư để tiếp cận những lời lẽ yêu thương của anh.
Thư của một người bạn gái từ trong nước gửi cho một Việt kiều Canađa
Anh thân thương và yêu quí nhất của đời em,
Từ ngày anh lên đường về lại Canađa, em cứ như người mất hồn. Không ngày nào là em không rà soát điện thư để tiếp cận những lời lẽ yêu thương của anh. Anh biết không, từ ngày gặp anh, đời sống em đã bắt đầu khởi sắc. Mặt mày tươi rói của em đã được hiển thị và các bạn em ở chỗ làm vẫn luôn trêu chọc em. Họ nói,
“Con Vân dạo này chảnh lắm chúng mày ạ; từ ngày nó chộp được ông Việt kiều Canađa, mặt nó cứ vênh lên táo tợn.”
Riêng em, mặc dù em rất hưng phấn với những lời khen cũng như rất bức xúc với những lời trêu chọc của bạn bè, em cũng luôn tranh thủ để giữ tình bạn được lâu dài và em luôn cực kỳ bố ráp(*) để lúc nào cũng vô tư, không bị mang tiếng, và nhất là không phụ lòng tin yêu của anh.
Anh ạ, từ khi hay tin anh cập nhật việc đăng ký để xin quản lý đời em, em hạnh phúc vô cùng. Ngày nào em cũng năng nổ lên bộ nội vụ để nắm bắt những tin tức mới nhất, theo dõi đơn đăng ký đoàn tụ của chúng mình mà em đã nộp phần đơn của em bên phía Việt Nam, như anh biết, thấm thoát đã hơn tháng nay. Anh đừng lo lắng quá mà đâm ra già đi anh nhé, vì ở đây em quán triệt được hết những sự cố và em luôn có những phong bì phóng ra đúng chỗ đúng lúc để đơn đăng ký của em không có vấn nạn và cũng là để các ngài trong bộ nội vụ xử lý đẹp đẽ chuyện đoàn tụ của hai chúng mình. Họ còn đảm bảo với em là đơn xin của em sẽ được phê duyệt nhanh chóng và họ còn thanh lý với em là đơn đó rất đầy đủ. Khi nào có giấy phép của Bộ Nội vụ em sẽ báo cáo cho anh biết ngay và em sẽ khẩn trương đăng ký xin hộ chiếu và sau đó xin thị thực, khi em có hộ chiếu, với đại sứ quán Canađa. Em có một con bạn thân bảo sẽ giúp em và sẽ giới thiệu em với một quan chức người Việt làm ở đại sứ quán Canađa. Em chắc chắn với một hay hai phong bì theo thủ tục đầu tiên đi kèm với đơn đăng ký, đơn em sẽ được bảo quản nghiêm túc.
Mấy hôm nay trời Hà Nội mây nhiều và những cơn mưa lũ đầu mùa đã làm ngập lụt nhiều nơi ở Hà Nội. Ai nói Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa anh nhỉ.
Căn hộ của em ở với bố mẹ em may mắn không bị nước ngập. Có những căn hộ ở đầu phố rất hoành tráng đã bị nước lũ vào nhà. Ủy Ban Nhân Dân huyện đã cho người đến quét dọn vì nghe nói các căn hộ lộng lẫy đó là của các ngài trong Bộ Chính Trị Trung Ương. Hôm nọ em có ngừng lại xem những dinh thự ấy và em quá ấn tượng. Em nghĩ ngày nào anh bán được căn hộ của anh ở Canađa, chúng mình chắc cũng sẽ mua được một dinh thự như thế anh ạ. Các anh cán bộ huyện đang hồ hởi làm việc ở đó cũng có lý giải với em về tình huống khẩn cấp khi nước lũ ngập cao, gây rất nhiều sự cố và vấn nạn giao thông ở Hà Nội. Những cơn mưa đột xuất làm sáo trộn hẳn đời sống người dân. Em nghĩ anh ở Canađa chắc không có những cú sốc tương tợ. Lý do là vì nước lũ thì quá tải mà việc làm giải phóng mặt bằng của đội ngũ công nhân đã không được triển khai và thực thi kịp lúc. Các ngài viên chức chính phủ mồm thì lúc nào cũng đầy quy hoạch nhưng làm việc thì quy trình rất tệ, không có phương án nào đứng đắn cả anh ạ. Cũng may là theo dự báo thời tiết của trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, những ngày tới sẽ bớt mưa nhưng sẽ có gió cấp 3 có thể đưa đến lũ quét và sạt lở đất, về đêm thì thỉnh thoảng có mưa rào và có dông anh ạ.
Ban ngày mùa này Hà Nội nóng lắm anh biết không, đường xá xe cộ cứ bị ùn tắc luôn. Hiện tượng ùn tắc giao thông ở Hà Nội không phải bây giờ mới có anh ạ. Ngay từ thế kỷ trước, bố em kể lại là đã có các sự cố ùn tắc giao thông tại Hà Nội… Nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải của nước ta còn yếu lắm, thứ hai là tính làm càng của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự và an toàn giao thông. Một nguyên nhân khác là quy hoạch giao thông chưa được quan tâm và triển khai đúng mức, chính quyền địa phương thì lúc nào cũng lúng ta lúng túng trong việc phân luồng, phân tuyến.
Em kể cho anh thêm một ví dụ nhé: ví dụ như sự thay đổi chiều hoặc hướng đi một chiều tại các đường trong thành phố Hà Nội đã làm đảo lộn thói quen đi lại của người dân. Và ngay khi cho phép triển khai các công trình giao thông, nhà nước cũng không tính đến hậu quả của việc thay đổi luồng, tuyến. Em thêm một ví dụ nữa này anh: trong khi nút các ngã tư chính chưa được hoàn tất, nhà nước lại cho phép thi công hầm đường bộ tại ngã tư Kim Liên, làm giảm đi rất nhiều khả năng đi lại qua các ngã tư này. Vì thế, việc ùn tắc giao thông là điều tất yếu và hầu như ngày nào dân Hà Nội cũng phải sống qua cái vấn nạn này. Đó là em quên chưa nói với anh về thói quen coi trời bằng vung của dân Hà Nội như là đi xe lấn tuyến hoặc đi xe trên vỉa hè gây ra tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông. Sự gia tăng số lượng xe máy nổ hai bánh và hiện tượng dân số ngày mỗi tăng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông của Hà Nội hiện nay.
Em nghĩ không có phương án nào cứu chữa được anh ạ. Chỉ có Trời kíu (cứu) thôi anh ơi, đó là em nhại theo một câu thơ hình như của Nguyễn Bính đấy(**).
Tuy nhiên, nếu em mà được làm bộ trưởng bộ giao thông, em sẽ đề xuất rất nhiều giải pháp mà giải pháp chính phải là xử phạt nghiêm minh các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Và theo em, thêm vào đó, nhà nước cũng cần phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ, những chiến sĩ công an đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật trong quá trình thực thi công việc hoặc can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý các vấn nạn giao thông và nếu em có quyền em sẽ loại ngũ và khởi tố tất cả những đối tượng nhận tiền hối lộ khi thực hiện công vụ.
Đó là em chưa nói với anh về tình trạng cướp giật hiện nay ở Hà Nội. Những đối tượng cướp giật bị bắt giữ đa phần là những thanh niên trẻ từ nông thôn đến. Họ tràn về thành phố để kiếm sống. Tình trạng đô thị hóa và nhất là tình trạng cưỡng chế đất gần đây nhất đã làm thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp rất nhiều. Sự cố này đã khiến nhiều nông dân phải di cư ra các thành phố lớn như Hà Nội tìm việc làm. Thêm vào đó, kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, công nhân bị mất việc rất nhiều, rồi nào là lạm phát, giá cả tăng nên có rất nhiều thanh niên vì quá túng quẫn, quá “bần cùng” đã sinh ra “đạo tặc”. Và anh biết không, một đặc điểm khác của các nhóm chuyên đi cướp giật là đa số có liên quan đến tệ nạn ma túy, cờ bạc. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn vì họ đã không còn niềm tin vào cuộc sống, tâm lý họ bây giờ là bất cần và họ suy nghĩ kiểu “không còn gì để mất”. Một nhóm đối tượng khác “hành nghề” cướp giật là những kẻ chơi bài bạc trong đó có những tay đã từng có tiền án hoặc tiền sự mãn hạn tù.
Theo em pháp luật nước ta chưa đủ nghiêm nghĩa là còn quá lỏng lẻo khiến tệ nạn xã hội ngày càng bành trướng. Đó là em chưa kể đến lối sống hưởng thụ, vô cảm và thờ ơ của đa số dân cư đô thị ngày nay. Việc này khiến vấn nạn cướp giật có cơ hội lộng hành. Bọn trẻ ngày nay ngang nhiên lắm anh ạ, chúng nó ngang nhiên “tác nghiệp”, coi trời bằng vung. Trong khi đó các ngài có quyền, có chức năng thì ngày càng giàu sụ anh ạ. Nước ta bây giờ đẻ ra rất nhiều tỉ phú và đại gia bên cạnh những người nghèo mạt rệp cùng đinh. Chính cái hố ngăn cách lớn giữa người giàu và người nghèo này sẽ làm trầm trọng thêm những tệ nạn xã hội của nước ta.
Em nghĩ đến thân phận quê hương mình mà buồn ghê. Có lúc em chỉ muốn được đi thật nhanh và thoát ra khỏi cái xứ khốn khổ này.
Thôi thư em đã dài, em xin ngừng đây anh nhé và gửi đến anh yêu một ngàn nụ hôn nồng cháy, phản ánh tình yêu nồng nàn của em.
Em, Vân, người yêu của anh.
Tác giả là cựu học sinh Nguyễn Trãi Sài Gòn, đã sống xa tổ quốc lâu năm đang tập tành học tiếng Việt (sau 1975), sử dụng những từ ngữ mới và viết phỏng theo các tin tức hiện nay trong nước.
Nguồn: Bài do tác giả gởi – đã đăng đầu tiên ở Đặc san Đất Lạnh Mùa Thu 2013 của cựu sinh viên Viêt Nam tại Đại học Laval , Quebec.
DCVOnline đề tựa, hiệu đính và minh họa
(*) Là Việt kiều Canada hẳn anh hiểu “bố ráp” là tiếng Ta có gốc từ tiếng thực dân Tây Pa-ri, “rafle”, mà dân đế quốc Mỹ gọi là “raid”. Nếu vẫn còn tâm tư, thì em dùng cụm từ “bố trí” cho anh dễ hiểu hơn.
(**) “…Chao ơi! Yêu có ông Trời cứu
Yêu có ông Trời khoá được chân…” Trích Nguyễn Bính, “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”.
“Riêng em, mặc dù em rất hưng phấn với những lời khen cũng như rất bức xúc với những lời trêu chọc của bạn bè, em cũng luôn tranh thủ để giữ tình bạn được lâu dài và em luôn cực kỳ bố ráp(*) để lúc nào cũng vô tư, không bị mang tiếng …”
Thư tình thời hậu răng đen mã tấu, chăng? hehehe
Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây…
Em Hà lội hát đểu: muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo, hết rau rồi anh có lâ’y măng không?
Anh Hải phòng điên tiết: nhờ em (hộ ní) xin tí …rau chứ lị, măng (bác Hồ) thì tớ cũng có cả củ đây lày!