Con đường Dân chủ ở Việt Nam (Kết)
Sơn Diệu Mai
Dân tộc Việt chín mùi trong ý thức Dân tộc, nhưng còn quá xanh non đối với ý thức Dân quyền, Dân chủ.
Khi đứng lên lãnh đạo quần chúng đánh Pháp, người cộng sản đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của bản thân hoặc hoà nhập quyền lợi của họ với quyền lợi của nhân dân, vì lẽ đó họ mới được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số dân chúng.
Sau khi nắm quyền, người cộng sản, lúc này đã biến thành Đảng Vua (tức đảng độc quyền) thay đổi vị trí của hai chữ quyền lợi. Lúc này họ đặt quyền lợi của bản thân lên trên quyền lợi của dân tộc. Quá trình chuyển đổi này gọi là quá trình tha hoá, theo ngôn ngữ triết học. Còn nói theo dân đen, ấy là sự rượu hoá dấm, thịt hoá ròi. Một khi đã thay đổi nhân cách, người cộng sản sẽ hành xử y hệt như thực dân Pháp xưa kia, thậm chí còn độc ác hơn, dã man hơn, đểu cáng hơn đối với chính đồng bào mình. Cứ thử nhìn xem hệ thống nhà tù của cộng sản và làm bản so sánh với nhà tù đế quốc thì sẽ rõ.
Tướng Trần Độ nói với chúng tôi, không chỉ một lần mà rất nhiều lần, “Nếu nhà tù Pháp mà như nhà tù bây giờ thì bọn tớ chết hết rồi, làm sao mà vượt ngục được, làm sao còn sống đến hôm nay?”
Ví dụ thứ hai, cuộc quốc hữu hoá, mà thực chất là cuộc cướp ruộng của nông dân Nam bộ sau 1975.
Ai cũng biết người dân lục tỉnh Nam kỳ là những người rất phóng khoáng, thật thà, những người khai sơn phá thạch để tạo ra những cánh đồng bát ngát, vựa thóc chính của toàn xứ sở. Đó cũng là những người sẵn sàng vì đại nghĩa mà hy sinh, những người trong huyết mạch có dòng máu của Quản Lịch Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, những người thường ngâm nga thơ Đồ Chiểu để bộc lộ lòng khí khái và tinh thần chống xâm lăng của mình:
“Thà cho con mắt mù mù,
Còn hơn nhìn thấy kẻ thù quân thân.”
Vì thế họ mới ủng hộ mặt trận giải phóng không tiếc thân mình, dù của cải hay máu xương cũng sẵn sàng hiến dâng trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.
Những người nông dân ấy đã đối mặt với hùm beo, cá sấu, rắn độc, muỗi vắt để mở mang bờ cõi. Nghề của họ được gọi là “Phá sơn lâm, đâm hà bá”. Họ đã chịu hai lần cuộc cướp bóc. Lần thứ nhất xảy ra dưới chế độ thực dân Pháp. Khi đến vùng đất hoang vu, bạt ngàn lau lách, họ chỉ có một con dao rựa hoặc cái phảng cổ diệc để phạt cỏ dại, lăn nác; một chiếc nóp bàng để ngủ đêm. Từ đó mà gom góp, tạo dựng dần. Rồi đến khi đất đai hoang vu ngút ngàn đó trở thành cánh đồng, ruộng rau, chính quyền thực dân mới tuyên bố rằng đất đai ấy thuộc ông cai tổng này, ông hội đồng nọ, bà bé quan lớn tỉnh A… Có thể kể tên Minh Hương Đỗ Hữu Phương, Lý Tường Quan,Trần Hữu Định… làm ví dụ. Một đội ngũ những tên tay sai, bợ đỡ thực dân, được ông chủ cấp phát cho năm bảy ngàn, có khi cả chục ngàn mẫu, cướp trắng tài sản mồ hôi nước mắt của hàng triệu dân lương thiện.
Sau năm 1975, đảng Cộng sản vào Nam, kèn chiến thắng kêu vang. Dân chúng, những tưởng sẽ được hưởng tự do, hạnh phúc sau khi đã đuổi được quân Mỹ “mắt xanh mũi lõ” và bọn lính Hàn Quốc đi rồi, nào ngờ, đùng một cái, nhà nước tuyên bố quốc hữu hoá tất cả ruộng vườn của họ. Đây là cuộc cướp bóc thứ hai đối với nông dân miền Nam. Cuộc cướp bóc này còn kinh hoàng hơn, khốc liệt hơn vì nó xảy ra trên một phạm vi dài rộng hơn cuộc cướp bóc của đám tay sai ôm chân thực dân Pháp, bởi nó là chính sách của kẻ thắng trận, chính sách được bảo hành bằng nòng súng của nền chuyên chính vô sản và được thực thi bằng các cấp chính quyền từ trung ương xuống tận xóm thôn. Đây thực sự là một cuộc phản bội trắng trợn, bất khả biện minh.
Có hai cách giải thích. Thứ nhất, người cộng sản chỉ có khả năng đánh giặc và sau khi đánh giặc rồi họ chỉ có thể sống bằng ăn cướp, họ không có khả năng làm kinh tế. Thứ hai, họ là những kẻ hoàn toàn vô tri vô giác trước nỗi đau khổ của nhân dân hoặc ngu dốt đến mức trở thành vô tri vô giác. Thực tiễn ruộng đồng miền Bắc hợp tác hoá không mở nổi cặp mắt mù loà của họ, nên họ lại tiếp tục chính sách đó trong cuộc quốc hữu hoá đồng bằng lục tỉnh miền Nam. Bây giờ, có thể nhiều người tự hỏi vì sao lại có sự ngu xuẩn đến như vậy? Tôi nghĩ rằng ông Phan Chu Trinh đã trả lời hộ chúng ta non một thế kỷ trước rồi:
“Một nước bao nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền-chính cho một ông vua thì chẳng là ngu xuẩn lắm ư?”
Quyền lực tập trung vào tay một Đảng Vua thì cũng như vậy.
Vì là Đảng Vua nên nó chỉ có thể sống vì chính nó, nó chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của chính nó mà thôi. Chớ nên quên lời kết thúc của quốc tế ca vô sản:
“Đấu tranh này là trận cuối cùng
Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”
Người cộng sản Việt Nam đã thực thi một cách xuất sắc câu ca đó. Họ không ngần ngại để nuôi dưỡng một bộ máy sắt máu, sẵn sàng thực thi những biện pháp tàn độc nhất để đàn áp đồng bào. Chúng ta chớ nên quên rằng thực dân Pháp trước kia cũng phải dựa vào một bộ máy đàn áp cấu tạo bởi những tên đao phủ da vàng mũi tẹt để trấn áp tinh thần cách mạng của dân chúng. Có thể lấy hình ảnh tiêu biểu là Lê Hoan, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân. Tôi coi Nguyễn Thân như tên tay sai tận tâm nhất, đắc lực nhất với thực dân Pháp trong cuộc giết chóc đồng bào.
Chúng ta hãy đọc lại cuốn Hương Máu của ông Nguyễn Văn Xuân, người đã từng tham gia phong trào Cần vương khi còn chưa kịp trưởng thành:
“…Thời kỳ này, quân Pháp đã quá mỏi mệt vì phải chống với lối Đoản binh của chúng tôi, đánh rồi chạy, chạy rồi đánh, ngày nghỉ đêm đánh, dĩ dật đãi lao. Số thương vong của Pháp và lính Ả rập đã khiến cho nội các bên Pháp bắt đầu chú ý. Toàn quyền, Khâm sứ lo sợ. Vì thế, họ phải có một quyết định mới rất độc ác: Dùng người Nam đánh người Nam. Độc ác hơn nữa là họ dùng ngay những hội viên cũ, bất mãn với Nghĩa hội để đánh Nghĩa hội”
(Hương máu, Nguyễn Văn Xuân. NXB Xuân Thu )
Nước nào và thời đại nào cũng có những kẻ như Nguyễn Thân, nhưng tên đao phủ đối với chính đồng bào mình. Những kẻ làm trụ cột cho bọn giặc ngoại xâm, những kẻ chỉ tôn thờ một thần tượng duy nhất là tiền tài trong kho vựa của chúng và quyền hành nằm trong tay chúng. Nói cách khác đó là lũ thú vật chỉ biết liếm bộ lông của chính nó. Nếu như thực dân Pháp xưa có được Nguyễn Thân thì chính quyền cộng sản hôm nay có được những tên đao phủ tân kỳ như thứ trưởng bộ nội vụ Nguyễn văn Hưởng tức Trần. Độc giả hãy nhớ lại những lời ông ta doạ dẫm đám trí thức miền Nam khi giải tán viện khoa học của Tiến sĩ Nguyễn quang A:
“Đảng độc quyền lãnh đạo, không có phản biện. Phản biện tức là phản động. Các anh muốn phản biện hả? Tai nạn xe cộ nhiều lắm và dễ lắm. Chúng tôi không thiếu kinh nghiệm đâu. Hoặc các anh muốn uống cà-phê hả? Uống rồi về nhà lưỡi cứng đơ ra mà chết…”
Có lẽ tên Việt gian Nguyễn Thân còn khôn ngoan hơn, còn biết giấu đi sự tàn độc so với tên Việt gian tân thời Nguyễn văn Hưởng. Nguyễn Thân là con chó săn của bọn ngoại xâm. Nguyễn văn Hưởng là con chó săn của bọn nội xâm. Thế nên ngôn từ có quyền sống sượng hơn, xuồng xã hơn.
Ví dụ thứ ba, người cộng sản chống Pháp nhưng khi đã cầm quyền thì sự đàn áp dân chúng của họ còn hà khắc hơn chính sách thực dân nhiều, đúng như lý thuyết hiệu ứng gương của các nhà lý luận dân chủ thế giới. Từ những năm 1920 cho đến năm 1936, 1937, các ông Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… tự do diễn thuyết ở Sài Gòn. Ông Nguyễn An Ninh ra báo: Cái chuông rè (La cloche félée ) ngày 10-12-1923, đóng cửa để đi Pháp rồi lại ra tiếp khi trở về, 19-5-1924. Năm 1992, Câu lạc bộ Kháng chiến của ông Nguyễn Hộ vừa được thành lập thì nó đã bị đàn áp tơi bời, ban lãnh đạo bị bỏ ngục, ngay sau đó chính quyền đưa một bọn lãnh đạo rởm vào thay thế cho lớp người bị bắt. Vậy thì, xét về mặt tiến bộ xã hội, tinh thần Dân quyền, Dân chủ, năm 1992 lùi lại xa sau những năm 1920. Nếu tính trên nghệ thuật đàn áp dân chúng thì Đảng Cộng sản Việt Nam xuất sắc hơn thực dân Pháp nhiều lắm. Đúng như lời ông Nguyễn văn Trấn đã nói:
“Tay đao phủ sau ác hơn tên đao phủ trước, vì có cái điều 4 cho nên Quốc hội, luật pháp không được coi ra cái thớ gì.”
(Viết cho mẹ và quốc hội, Nguyễn văn Trấn. Trang 463)
Năm 1939, lúc khởi đầu cuộc cách mạng, ông Nguyễn Văn Tạo nói, “Có hai thứ cộng sản. Một thứ cộng sản dã man. Một thứ cộng sản văn minh.”
Phải chăng đó là sự nhận định có tính tiên đoán?
Sau năm 1975, đại đa số dân chúng đặt vấn đề: Cần phải phân loại: Cộng sản Sạch và Cộng sản Bẩn. Vào thời điểm ấy, sự nhũng lạm quyền lực, sự thối rữa tư cách, sự bóc lột đồng bào chưa đến mức phát triển một cách đại trà như giờ đây. Nhưng càng ngày, số Cộng sản Bẩn càng phát triển, nhân theo dạng tế bào ung thư giai đoạn chót, trong khi Cộng sản Sạch càng ngày càng giảm thiểu và rút gọn đến mức tối đa. Trong quá trình vận hành, một Đảng Vua buộc phải loại đi các thành phần lạ, giống như một bầy chuột đen đông đảo phải cắn chết những con chuột bạch lạc loài trong đội ngũ. Chúng ta có thể liệt kê những người cộng sản Sạch đã tự tách mình ra khỏi đảng từ lâu như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, hoặc bị gạt ra khỏi đảng vào những năm 90 như ông Đỗ Trung Hiếu và bác sĩ Đỗ Thị Vân, bị đàn áp, vu khống và bắt giam như ông Tạ Bá Tòng tức Tám Cân, Hồ Hiếu (ban lãnh đạo câu lạc bộ kháng chiến). Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Hộ tức Năm Hộ kể:
“… Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có hai liệt sĩ:
Nguyễn Văn Bảo (anh ruột) đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, hy sinh ngày 9-1-1966 trong trận ném bom tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ vào Việt Nam (Củ chi).
Trần thị Thiệt (vợ tôi ) cán bộ phụ nữ Sài Gòn, bị bắt và bị đánh chết tại Tổng nha cảnh sát hồi tết Mậu thân 1968.
Nhưng phải thú nhận rằng chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục…”
(Viết cho mẹ và quốc hội – Nguyễn văn Trấn. NXB Văn nghệ California 1996. Trang 430-431 )
Ông Nguyễn Hộ là công nhân Ba Son, chỉ học hết sơ học yếu lược, từng lăn lộn nhiều năm trong phong trào tranh đấu của công nhân Sài Gòn và trong cuộc kháng chiến miền Nam. Điều này chứng tỏ cộng sản không chỉ đánh trí thức (theo sự chỉ dẫn của lãnh tụ Mao Trạch Đông: trí thức không bằng cục cứt) họ đánh cả công nhân, những người mà theo lý thuyết Mác là động lực cách mạng, là tương lai nhân loại. Các đồng chí cách mạng cũ của ông Nguyễn Hộ như tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, Trần Trọng Tân, Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng… không ngần ngại vu cho ông là phản động, gián điệp, móc nối với C.I.A…
Điều này chứng tỏ rằng người cộng sản không có khái niệm về danh dự và đạo đức, họ có thể ngang nhiên ngậm máu phun lên chính bạn hữu của mình. Đó là kết cục của trò ảo thuật thời gian. Lúc bước chân lên con đường cách mạng họ là những người ái quốc. Sau khi nắm quyền họ biến thành lũ lường gạt, bất lương. Lý do là quyền lợi! Không ném bùn, không phun máu vào mặt hoặc bóp cổ những người đồng chí làm sao có thể yên tâm giữ những ngôi biệt thự mà giá bán đến hai ngàn cây vàng?
Chúng ta đi đến nhận định cuối cùng và là nhận định quan trọng nhất, Cộng-Việt đề huề là ảo tưởng thứ ba của người Việt Nam trên con đường giải phóng.
*
Một thế kỷ, dân tộc Việt Nam trải qua ba lần vỡ mộng. Bây giờ, chúng ta mới thấm thía nỗi khốn khổ của một dân tộc lạc hậu. Lầm lỡ kéo dài đến thế là cái giá phải trả cho những người không đủ kiến thức, đủ khôn ngoan để nhìn nhận sự vật. Họ chỉ hối tiếc khi mọi sự đã đổ vỡ rồi. Tuy nhiên, xét đi xét lại, chúng ta cũng phải công nhận rằng Phan Chu Trinh là con người kiệt hiệt, ngoài cái phần ảo tưởng của ông với nước Pháp, ông thực sáng suốt, thực vượt lên những người cùng thời nhiều cái đầu khi nói rằng, “Cái nạn quân chủ chuyên chế không trừ thì tuy phục quốc cũng không phải là hạnh phúc”.
Và ông nói rằng, “Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng, Không!” Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sinh sản được…
“… Rút lại, những tôi tớ nhà vua đã tôn lên thì không ai dám đè xuống, mà những kẻ vua đã đè xuống thì không ai dám tôn lên. Làm như thế thì trách nào những nhà đạo đức của nước ta không chóng mất sao được? Người có tư tưởng tự do chẳng những ai cũng cho làm lạ, mà như vua thấy thế cũng sợ hại đến quyền chuyên chế của mình nên lập mưu đập chết đi. Ở trong một dân tộc như thế thì những đứa nịnh hót không càng ngày càng nhiều sao được? Ông Montesquieu có nói: Dân sống dưới quyền chuyên chế của nhà vua thì chẳng biết gì là đạo đức cả, chỉ lấy thế vị lớn nhỏ làm danh dự mà thôi, duy dân chủ mới thật còn có đạo đức. ”
(Phan Chu Trinh, Thế Nguyên; trang 151-152 )
Bây giờ, mời bạn đọc hãy thay thế hai chữ Nhà vua thành Đảng vua để thấy rằng tình trạng suy đồi của xã hội Việt Nam ngày nay là hoàn hoàn ăn khớp với những gì nhà ái quốc Phan Chu Trinh đã chỉ ra vào ngày 19 tháng 11 năm 1925. Dân tộc Việt Nam sẽ không thể nào thay đổi được số phận của họ nếu tiếp tục duy trì một xã hội vô đạo đức, vô luật lệ như hiện nay. Nếu những căn tính hèn mạt như nói dối, ăn cắp, lừa lọc không bị tiêu diệt đi cùng với chế độ cộng sản thì người Việt không có tương lai.
Sau năm 1954, Hồ Chí Minh cũng nhắc lại ý của Phan Chu Trinh khi nói rằng, “Độc lập mà nhân dân không có hạnh phúc thì độc lập mà làm chi?”
Cả hai người đều là nhà ái quốc vĩ đại. Nhưng họ không xoay chuyển được tình thế bởi một khi cỗ xe lịch sử đã lao trên đường thì nó nghiến nát mọi ý định tốt đẹp lẫn những giấc mơ dựng nước. Sau năm 1954, tình thế của cuộc chiến tranh lạnh trên toàn cầu đã đẩy dân tộc Việt Nam vào một cuộc nội chiến vô tiền khoáng hậu, miền Bắc và miền Nam vô tình hay hữu ý đều biến thành đội quân đánh thuê cho hai hệ tư tưởng trái chiều. Sự chiến thắng của miền Bắc là hệ quả của rất nhiều nhầm lẫn mà điều quan trọng nhất là tinh thần chống ngoại xâm của người Việt là một bộ máy khổng lồ theo quán tính, tự động vận hành.
Tôi xin độc giả lưu ý rằng dân tộc Việt chín mùi trong ý thức Dân tộc, nhưng còn quá xanh non đối với ý thức Dân quyền, Dân chủ.
Hoàn cảnh lịch sử đẩy họ vào lối đi mà không có chọn lựa. Sự xuất hiện của người Mỹ không thể không gợi nên một ký ức gần những đội quân thực dân Pháp, từ ngoại hình (da trắng mắt xanh mũi lõ) đến thái độ kiêu căng ngạo mạn của những người đến từ một thế giới văn minh hơn, giàu có hơn. Sự hiện diện của đám quân Nam Hàn khơi dậy những thù hận với lũ phát-xít Nhật, bọn ác bá da vàng. Vì lẽ đó đại bộ phận dân Việt Nam đứng lên chống “cái thực thể lạ xâm nhập vào đất của tổ tiên, của ông cha”. Không có tinh thần xả thân vì nước của nhân dân, chính quyền cộng sản không thể chiến thắng. Nhưng, thói tự kỷ khiến người cộng sản không nhận chân được sự thật. Vì kiêu ngạo một cách mù quáng, họ tự xưng là đảng thần thánh. Vì tham lam vô độ, họ đã thực thi các chính sách tàn bạo, thất nhân tâm, đã biến thành một lũ thực dân da vàng mũi tẹt ngay trên quê hương mình. Xưa đến nay, người thực sự hiểu biết thì không bao giờ kiêu ngạo vì: “Biển học mênh mông, đời người hữu hạn”, và cũng bởi vì “Bẩy mươi chưa đui chưa què chưa khoe làm tốt”; nói cách khác là con người có khả năng sai lầm cho đến lúc bước tới cửa mồ. Chỉ có lũ đầu chuột, óc chim sẻ mới có thể mắc chứng vĩ cuồng tự đại mà thôi. Cách đây một thế kỷ, khi những ông quan cuối cùng còn sáng suốt của triều Nguyễn (nhóm cải cách) đề nghị vua Tự Đức thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại, ông ta trả lời như sau:
“Nhật nó là dòng mọi, Xiêm nó là dòng mọi; mọi thì nó học với mọi được, chớ như ta là con thần cháu thánh, lẽ nào ta lại đi học với mọi hay sao?”
(Phan Chu Trinh, Thế Nguyên; trang 116)
Còn đây là lời lẽ của ông nhà thơ, Thủ tướng Cộng sản Tố Hữu:
“Tôi vừa đi sang Pháp về với một sự buồn và khinh bỉ. Nếu không gặp những người cộng sản bình thường thì mất mát bao nhiêu! Hồi xưa mình biết có những cái đẹp nào đó. Giờ là trắng trợn, thô lỗ. Thời của anti, trên cả anti. Không còn gì là giá trị nữa hết…”
(Dĩ vãng phía trước, Ngô Thảo; NXB Hội nhà văn; trang 313 ).
Nếu vua Tự Đức coi Nhật, Xiêm là mọi thì trong thực tế, cái nước Xiêm hèn yếu hồi xưa bị Nguyễn Huệ đánh tan xác hai mươi vạn quân, thua đau đến mức tuột dép, trút cả cờ áo mà chạy, thì giờ đây, tính trên sự phát triển kinh tế, nó vượt lên Việt Nam bao nhiêu lần? Xin các nhà kinh tế trả lời giúp.
Nước Pháp mà ông Tố Hữu khinh bỉ và thương hại cho sự sa đoạ của nó, dẫu xuống cấp do khủng hoảng kinh tế, vẫn còn là cái đích quá xa vời trên mọi phương diện so với Việt Nam. Nếu không thế vì vì sao người Việt vẫn không ngừng tìm mọi cách để được chui vào cái xứ sở “chẳng còn chút giá trị” đó? Trong cuộc bầu cử năm 2007, tỷ lệ đại biểu cộng sản Pháp được bầu là 1 phần 100 số phiếu. Con số đó nói lên sự thật. Mà cũng chớ quên rằng, đảng cộng sản Pháp chưa bao giờ cầm quyền, tức là họ chưa có cơ hội bộc lộ bộ mặt tàn ác hay thối rữa của quyền lực, họ đơn thuần chỉ là những người ảo tưởng, mang tinh thần “đạo đức của utopie” mà thôi. Chớ nên so sánh hoặc nhầm tưởng họ với đám quan lại cộng sản tham nhũng ở Việt Nam mà oan uổng.
Khi đất nước rơi vào tay những kẻ mù loà, bệnh hoạn như Tự Đức hay Tố Hữu, sự vong gia, khốn cùng là không tránh khỏi. Ngày mà những con tầu xâm lược của thực dân Pháp áp sát vào bờ biển, Tự Đức cùng đám quan đầu triều vẫn còn ngâm nga thơ phú và bàn chuyện Tam hoàng, Ngũ đế. Giờ đây, theo cái truyền thống “ngửi rắm Tầu” những người cộng sản Việt Nam cương quyết nắm chắc “Ngai vàng của Đảng Vua, đảng độc tôn” theo đúng mô hình của Mẫu quốc Bắc phương. Nếu Tự Đức chấp nhận thân nô lệ để bảo vệ cho “mẹ con trẫm”, thì giờ đây, đảng Cộng sản Việt Nam cúi đầu trước sự lấn hiếp của phương Bắc, trong khi sử dụng lực lượng cảnh sát để đàn áp các cuộc biểu tình chống ngoại xâm của nhân dân là để bảo vệ quyền lợi của riêng họ. Trước đây, vua Tự Đức đặt cuộc sống vương giả của bản thân cao hơn vận mệnh dân tộc nên cầm lòng bán nước. Giờ đây, người cộng sản lo bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng Vua hơn vận mệnh non sông nên đã bán nước từng phần.
So với người đàn em của họ, ông Hun Sen, họ ngu hơn nhiều. Họ ngu hơn vì họ tham hơn. Nói cách khác, tâm địa họ hèn hạ hơn, vị kỷ hơn. Người xưa có câu: “Hoàng kim hoắc thế tâm, vàng làm mờ lương tâm”. Vàng không những làm đen lương tâm mà còn làm mù con mắt. Nếu như trước đây ba mươi năm, người cộng sản Việt Nam cũng tỉnh táo được như ông Hun Sen, nói cách khác bớt tham hơn bớt ngu hơn, họ đã phải mở rộng dân chủ, thực hiện đa đảng, ít nhất ở mức độ như người đàn em của họ đã làm ở Căm-pu-chia. Nếu thực hiện một cuộc cải cách nho nhỏ như vậy, tình hình đã có thể đổi khác và hoạ may chỗ đứng của họ còn cứu vãn được.
Nhưng tiếc thay, họ đã bám chặt lấy triều đình phương Bắc, khư khư giữ độc quyền cộng sản, vì thế tình hình kinh tế và chính trị mới đổ vỡ như hôm nay. Bây giờ, ông Nguyễn Tấn Dũng mới lập lờ nói về “một nền chính trị cường quyền” để ám chỉ bậc đại huynh phương Bắc. Nếu ông Dũng có ý muốn bắt chước một Gorbachev hay một Yeltsin thì đã quá muộn rồi. Dân chúng chưa quên rằng chính ông ký quyết định bán mỏ Bô-xít, cho dù trí thức toàn quốc lẫn các nhà cách mạng lão thành đã dấy lên một phong trào phản đối rộng rãi. Cũng chưa ai quên rằng ông là cha đẻ của cái thứ gọi là Vinaship, buôn gian bán lận, ăn cắp trắng trợn tài sản quốc gia. Cũng chưa ai quên rằng ái nữ của ông điều hành nền chứng khoán của cả nước, gây ra vụ đổ bể khiến hàng chục vạn gia đình, xí nghiệp trắng tay và vỡ nợ. Cũng chính ông trơ tráo đưa con trai mình vào bộ máy nhà nước, sau tất cả những vụ việc tai tiếng ấy.
Tóm lại, ông Dũng lập lại một thứ gia đình trị kiểu họ Ngô. Ngồi xổm trên dư luận xã hội, chỉ làm theo ý mình và bảo vệ quyền lợi của riêng mình, ấy là thái độ của bọn vua chúa xưa, coi thần dân như chẳng có. Vì là Đảng vua nên người cộng sản Việt Nam cũng xử sự theo cách thức của vua. Và dân Việt Nam, sau mấy chục năm trường gian khổ, hy sinh, xương cao như núi, máu chảy như sông, không được hưởng thêm một chút quyền lợi nào, bởi vì hai cuộc kháng chiến họ trải qua là các cuộc cách mạng có tính Dân tộc đơn thuần. Đảng cộng sản không thể, và không có khả năng thực hành một nhà nước Dân chủ vì điều đó trái ngược hoàn toàn với cương lĩnh cộng sản. Nhân dân Việt Nam, lúc này ắt thấm thía. Không có Dân quyền thì xã hội mãi mãi đắm chìm trong tăm tối và bất công. Chỉ có trong xã hội Dân quyền, mới có luật pháp và đạo đức. Không có luật pháp và đạo đức, con người chỉ là một bầy thú mà trong đó, nhưng con mãnh thú được quyền nhai nuốt những kẻ yếu đuối hơn mình.
Một thế kỷ đã qua, kể từ ngày Phan Chu Trinh đứng lên, gào lên vì hai mươi triệu dân ngu, dân hèn, dân mê chưa tỉnh. Một thế kỷ đo đếm biết bao nhiêu bài tập về tranh đấu cho dân tộc và dân quyền. Giờ đây, dân Việt không còn là 20 triệu mà xấp xỉ 90 triệu. Họ cũng không còn là đám người răng đen búi tó, không biết đến mùi xà-phòng, uống nước ao và sẵn lòng cúi đầu trước bất cứ tên lính lệ nào.
Ít nhất, sau một thế kỷ, người Việt đã biết nhiều chữ hơn, thứ chữ vuông như hòm của Khổng Khâu không còn là chữ thánh. Phương tiện truyền thông giúp cho người Việt hiểu được thế giới sống ra sao và họ biết rằng con người có quyền được hưởng tự do. Nếu tư tưởng Dân chủ, Dân quyền thời Phan Chu Trinh còn là ánh sáng lo le của buổi rạng đông thì lúc này đã là ánh sáng giữa ngọ. Dưới ánh sáng đó, bộ mặt tham lam tàn bạo của người cộng sản đã bộc lộ một cách rõ ràng. Những lời mập mờ, lươn lẹo của ông Nguyễn Tấn Dũng không còn thuyết phục được ai. Rượu đã thành dấm, thịt đã hoá ròi, người cộng sản không còn đủ tư cách để tập hợp dân chúng bởi chính họ đã là những kẻ đầu tiên, tự nguyện mở đường cho quân xâm lược Trung Hoa. Năm 1945, người cộng sản chiếm võ đài chính trị vì họ đã có công dắt dẫn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp. Giờ đây, họ phải chịu tội trước toà án của dân tộc vì họ đã bán nước cho Tàu. Họ lên theo đường nào thì sẽ ngã xuống chính trên đường ấy, theo chiều ngược lại. Bởi lịch sử không bao giờ là con đường một chiều.
Lần này, cách mạng dân tộc và dân chủ ở việt nam sẽ là cuộc cách mạng song sinh.
Ngày 1 tháng 10 năm 2013.
© 2013 DCVOnline