Thực vật trong Văn hoá Nhật Bản
日本文化と植物 – Bản dịch của Hoàng Long
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ của chương cuối, “Thực vật trong văn hoá Nhật Bản” 日本文化と植物, ở trang 304-316, trong quyển sách song ngữ “Linh hồn Nhật Bản” 英語で話す日本の心 / Keys to the Japanese Heart and Soul do nhà xuất bản Kodansha International ấn hành lần đầu năm 1996, và ngay trong năm sau, 1997, đã được tái bản đến lần thứ tám.
1. Thực vật và văn học: 文学と植物
Vẻ đẹp của thiên nhiên được biểu thị trong từ “hoa điểu phong nguyệt” (Kachou fuugetsu 花鳥風月) là chủ đề trung tâm của văn học Nhật Bản, đặc biệt trong thơ waka 和歌 và haiku 俳句. Hơn thế, từ đầu tiên của cụm từ này là “hoa” vốn không phải là ngẫu nhiên. Trong chừng khoảng bốn ngàn năm trăm bài thơ trong Vạn diệp tập 万葉集 thì có chừng một phần ba lấy chủ đề là về thực vật hay đề cập đến thực vật trong hình thức này hay hình thức khác. Trong tác phẩm Genji monogatari 源氏物語 được viết vào khoảng năm 1000 Tây lịch, được biết đến như một tác phẩm miêu tả thiên nhiên trác tuyệt, có xuất hiện 101 loài thực vật. Thường sử dụng cây cối và thực vật trong các ví dụ so sánh là một trong những đặc trưng của văn học Nhật Bản.
Đối với người Nhật, tự nhiên vừa là một đối tượng để thưởng ngoạn vừa là suối nguồn khơi gợi những cảm hứng thi ca mạnh mẽ. Người Nhật yêu hoa bởi dáng vẻ và những cảm xúc gợi ra hơn là màu sắc và mùi hương của nó. Trong thơ ca, người Nhật coi trọng đặc biệt đến bốn mùa, đó là thể hiện sự yêu quý đến thực vật và sự quan sát tỉ mỉ chi tiết của các loài thực vật như là một ấn chứng của tự nhiên vừa dễ thay đổi lại vừa bất biến. Việc thấu hiểu được thái độ này của người Nhật đối với tự nhiên là điều không thể thiếu trong giám thưởng văn học Nhật Bản truyền thống.
2. Thực vật và tôn giáo: 植物と宗教
Người Nhật Bản cổ đại tôn sùng tự nhiên như thần linh. Họ suy nghĩ rằng tất cả những loài thực vật, núi, sông, tảng đá… đều có linh hồn nên sùng bái và tìm cầu sự cứu vớt. Suy nghĩ rằng những cây lá xanh quanh năm[1] đều có thần linh cư ngụ nên họ thường dâng cành cây tùng và cây sakaki[2] 榊 trong các nghi lễ tôn giáo. Và để thay cho thịt thú rừng, những rau quả tươi và đồ hải sản (rong biển, cá, sò) được cúng dường. Phong tục dâng cành cây sakaki đại diện cho thần linh để gọi thần linh xuất hiện nơi đền thần đạo vẫn còn được cử hành cho đến ngày hôm nay. Cành cây thông được sử dụng làm kadomatsu[3] 門松 trong ngày tết cũng được xem như là một đại diện của thần linh mang đến hạnh vận may mắn vào đầu năm mới. Đôi khi người ta cũng sử dụng trúc và cành cây dẻ làm kadomatsu. Vì Phật giáo cấm sát sinh nên hoa và thực vật được sử dụng trong các nghi thức Phật Giáo và thói quen đó còn tiếp tục đến ngày nay.
3. Thực vật và sự truyền thừa dân gian (folklore): 植物と民間伝承
Nông dân thời cổ đại rất sợ những tai hoạ tự nhiên. Chính vì vậy người ta cử hành các nghi lễ tôn giáo như bói toán, lễ mộc dục, xua đuổi tà ma nhằm tránh các tai hoạ. Từ sự kính ngưỡng tự nhiên và những thần sự như thế này mà dần dần cây và hoa được xem như là tượng trưng cho thần thánh. Ví dụ tiêu biểu cho điều này là sự sùng bái các cây lá xanh quanh năm được triển khai rộng rãi. Người Nhật Bản cổ đại tin rằng những cây lá xanh quanh năm như cây thông, cây sam, cây bách, cây long não là nơi thần linh đến cư ngụ sau khi giáng hạ từ trời cao. Người ta tin trong các loài hoa cũng có ngự những linh hồn nên có nghi thức “bói hoa” (Hana uranai 花占い) để dự đoán thu hoạch mùa màng trong năm. Và người ta cho rằng năm nào mà các loại hoa anh đào, hoa unohana (hoa không mộc 卯の花 deutzia), hoa đỗ quyên, hoa tiên nữ asebi nở nhiều thì mùa màng bội thu, còn năm nào hoa rụng sớm thì sẽ thất thu mùa màng.
Phong tục chọn hoa mãn khai để dâng cho người chết là dựa trên tín ngưỡng dân gian rằng linh hồn con người đi xuyên qua hoa. Điều này được kết nối với Phật Giáo, trở thành một biểu trưng cho việc gọi linh hồn người chết trở về. Hơn nữa người ta cho rằng những thần linh gieo rắc dịch bệnh thường đi lang thang khi hoa mùa xuân tàn nên để phòng tránh dịch bệnh, các buổi “Trấn hoa tế” (Lễ yểm hoa) 鎮花祭 đã được tiến hành. Rồi người ta lấy hoa anh đào, hoa sơn trà (tsubaki), hoa lệ đường (yamabuki), hoa liễu trang trí trên cây dù và cho rằng khi náu mình đi dưới cây dù ấy thì bệnh tật sẽ không xâm hại. Buổi lễ “Trấn hoa tế” còn được tổ chức đến tận ngày nay ở thần cung Imamiya (今宮神社) thuộc Kyoto.
Còn một phong tục dân gian khác nữa liên quan đến hoa đó là việc ngắm hoa anh đào mùa xuân (hanami 花見). Phong tục này bắt nguồn từ thời cổ đại, nguyên gốc của nó là một lễ nghi nông nghiệp nhưng về sau này hậu thế đã biến thành một hoạt động giải trí thuần tuý.
Từ trước thời cận đại, người ta tiến hành nghi thức bảy loại cỏ mùa xuân[4] (nanakusa 七草). Đó là seri (rau cần), nazuna (cỏ tâm giác hay là rau tề), gogyo (cây gòn), hakobe (cây cỏ gà), hotokenoza (cây tầm ma), suzuna (cây cải, củ cải tròn), suzushiro (củ cải). Tương ứng với điều đó là bảy loài cỏ mùa thu gồm có: hagi (loài cây họ đậu, tạm dịch là cỏ thu vì chữ hagi 萩 do người Nhật chế ra, không có âm Hán Việt), susuki (cỏ bông bạc), kuzu (sắn dây), nadeshiko (hoa cù mạch), ominaeshi (bại tượng hoa vàng), fujibakama (cây mần tưới), kikyo (hoa cát cánh).
4. Hoa anh đào (Sakura 桜):
Hoa anh đào là loài thực vật đứng hàng đầu trong các loại thực vật xuất hiện trong văn học Nhật Bản. Giá trị quan truyền thống của Nhật Bản là giản đơn và thanh khiết được phản ánh trong hình dáng và màu sắc hoa anh đào. Thời kỳ khai hoa của sakura rất ngắn và lập tức tàn phai nên đã tượng trưng cho vẻ đẹp ngắn ngủi phù du, được xem như là trung tâm của mỹ học Nhật Bản.
Hoa anh đào là loài hoa xưa nhất được biết đến trong các loài hoa Nhật Bản. Từ “sakura” xuất hiện trong Cổ sự ký và Vạn diệp tập, được xưng tụng về bản thân cây và hoa chừng khoảng 40 bài. Tuy nhiên văn hoá Nhật Bản thời đó chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Hoa. Trong Vạn diệp tập cũng chịu ảnh hưởng Hán Thi nên việc ngâm vịnh hoa mơ (ume) nhiều hơn là hoa anh đào. Đến Cổ kim Hoà ca tập 古今和歌集 vào thế kỷ thứ mười thì thơ waka (tanka) chiếm vị trí chủ đạo nên việc ngâm vịnh hoa anh đào là nhiều nhất. Từ “sakura” 桜 trong thời Heian đồng nghĩa với “Hoa” (hana) 花 và được rất nhiều người yêu thích.
Hoa anh đào ngày nay có gắn bó mật thiết với văn hoá Nhật Bản. Motoori Norinaga 本居宣長 đã xưng tụng hoa anh đào như là một đối tượng thực vật tiêu biểu và đối tượng của lòng yêu nước như sau:
“Nếu người ta muốn biết tinh thần Nhật Bản Đại Hoà hồn, hãy ngắm hoa anh đào ngát hương trên đỉnh núi sớm mai” (敷島の大和心を人間わば朝日ににほふ山桜花).
5. Hoa cúc (Kiku 菊):
Hoa cúc (kiku) được mang từ Trung Quốc đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 5 như là một vị thuốc. Việc trồng hoa cúc trong vườn Thượng uyển và hoa viên quý tộc xuất hiện trong tác phẩm văn học vào trung kỳ thời Heian. Vào cùng thời này lễ Trùng Dương (Chouyou no Sekku 重陽の節句) vào ngày 9 tháng 9 âm lịch cũng được tổ chức. Vào ngày này người ta uống rượu với hoa cúc thả lên trên, rồi dùng khăn tẩm hương hoa cúc từ đêm hôm trước lau thân thể để cầu mong trường thọ. Hoa cúc được xem là loài hoa tôn quý và trở thành hoạ tiết của hoàng gia.
6. Hoa sen (Hasu 蓮):
Hoa sen lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm Cổ sự ký 古事記, là loài hoa biểu trưng rất quan trọng của Phật Giáo. Vì nở hoa giữa bùn nhơ nên sen tượng trưng cho năng lực của con người có thể thoát khỏi thế giới bất tịnh và đạt được giác ngộ. Hoa sen cũng biểu trưng cho Phật Tỳ Lô Giá Na[5] 毘盧遮那仏 và Tịnh độ (Joudo 浄土). Trong mỹ thuật Phật Giáo những hoạ tiết hoa sen thường được sử dụng trong các tượng Phật và các Phật cụ. Vì biểu trưng cho Tịnh độ nên có rất nhiều chùa chiền có thiết kế những ao sen.
7. Tùng (Thông Matsu 松):
Cây thông với tư cách là một phần của phong cảnh, là một yếu tố quan trọng của văn hoá và mỹ thuật Nhật Bản. Chịu đựng được mưa gió và xanh tươi suốt cả năm, ngay từ thời cổ đại thông đã được xem là loài cây thần thánh và đến ngày nay còn được sử dụng để trang trí kadomatsu trong các ngày tết. Hình dáng và sắc thái tuyệt đẹp của thông đã được nhiều nhà nghệ thuật gia và tác gia khắc hoạ trong tác phẩm.
Thông cũng được sử dụng làm củi đốt, dùng nhiều trong lửa thắp đuốc và lửa cảnh giới. Than củi thông nhanh chóng đạt được nhiệt độ cao nên được các thợ rèn yêu thích và muội than được sử dụng làm mực hay làm sơn quét.
8. Mơ (Ume 梅):
Có rất nhiều bài thơ ngâm vịnh hoa mơ trong Vạn diệp tập. Những người đầu tiên yêu thích hoa mơ là các văn nhân và quý tộc nhưng dần dần hoa mơ trở thành một chủ đề yêu thích trong thơ waka (tanka). Với tư cách là hoạ tiết trang trí, hoa mơ được sử dụng nhiều trong các tranh sơn mài, sản phẩm dệt và các hoa văn gia tộc.
Vào thời Edo, motif kết hợp “tùng trúc mơ” (Shouchikubai 松竹梅) được sử dụng trong nhiều việc chúc mừng. Một trong những lý do được xem là tuyệt vời cho việc kết hợp này là sự điều hoà màu sắc giữa màu xanh của tùng và trúc với màu hồng của hoa mơ. Tuy nhiên trung tâm của giá trị trang trí này là hoa mơ, loài hoa nở sớm nhất mang quả có mùi hương không thay đổi bất kể mùa màng.
9. Lúa (Kome 米):
Đối với người Nhật, gạo là loại thực phẩm quan trọng nhất nên việc trồng lúa được xem như là một loại hành vi tôn giáo cầu xin linh hồn của lúa, tinh thần của lúa. Việc cầu nguyện đến thần linh ngày nay vẫn còn tồn tại trong các loại hình nghệ thuật dân gian.
Ứng với mỗi giai đoạn canh tác mà các lễ nghi nông nghiệp được tổ chức ở đơn vị gia đình, đôi khi là đơn vị thôn làng. Các nghi lễ khác nhau được tiến hành vào cùng một thời điểm trong năm nên nó đã trở thành sự kiện của mỗi năm. Nghi thức đầu tiên được tiến hành vào khoảng ngày 15 tháng 1 kêu gọi lời thần chú. Đến mùa gieo hạt, người ta trang trí cành cây đỗ quyên nơi đầu mương nước rồi cúng dâng gạo rang cho thần ruộng. Đến mùa cấy lúa người ta lại cử hành nghi lễ đón tiễn thần linh và nhiều sự kiêng khem khác. Từ đầu hạ cho đến thời kỳ khai hoa, nhiều lễ nghi khác được tiến hành. Nếu bị côn trùng xâm hại, người ta thực hiện nghi lễ đuổi côn trùng, nếu hạn hán người ta tiến hành lễ cầu mưa. Tuỳ thuộc vào địa phương, có nơi người ta tổ chức lễ gió (kaza matsuri 風祭) nhằm tránh bão. Đến mùa thu khi lúa bắt đầu kết hạt, người ta lại tiến hành lễ đơm bông (Hokake matsuri 穂掛祭り), cúng dâng các bó lúa cho thần ruộng và sau khi việc thu hoạch đã xong thì lễ hội thu hoạch được tổ chức.
_________________________
[1]Nguyên văn là “Thường lục thụ” (Jouryokuju 常緑樹), chỉ chung các loài cây có lá xanh suốt bốn mùa, cây thường xanh, khác với loài cây rụng lá “Lạc diệp thụ” (Rakuyouju 落葉樹).
[2]Sakaki 榊: một loại cây thuộc họ Chè, tên tiếng Anh là “Cleyera ochnacea”. Sakaki còn là tên gọi chung cho các loại cây lá xanh quanh năm, đặc biệt dùng trong các nghi lễ hiến tế thần linh.
[3]Kadomatsu 門松, còn được gọi là matsukazari 松飾 là cành thông trang trí dựng trước cửa nhà vào năm mới được xem như vật tượng trưng để đón Thần tuổi 歳神 (Toshigami).
[4]Nanakusa no sekku (七草の節句), là hội ăn rau truyền thống của Nhật Bản. Vào ngày 7 tháng 1 hàng năm (Jinjitsu), người Nhật ăn cháo với 7 loại rau và thảo dược của mùa xuân. Theo truyền thống, chúng bao gồm:
芹 : せり seri: một loại rau cần
薺 : なずな nazuna: cây rau tề
御形 : ごぎょう gogyō: một loại cải cúc
繁縷 : はこべら hakobera: cây cỏ gà
仏の座 : ほとけのざ hotokenoza: cây tầm ma
菘 : すずな suzuna: củ cải tròn
蘿 : すずしろ suzushiro: củ cải (Raphanus sativus)
Các tên cây và hoa này chỉ là tạm dịch, có thể chưa chính xác lắm vì có nhiều loại không có trong tiếng Việt.
[5]Tức Đại Nhật Như Lai (sa.: Vairocana, Mahavairocana; zh.: 大日如来), Pháp Thân của Phật Thích Ca. Đại Nhật Như Lai được dịch từ Vairocana, theo tiếng Phạn có nghĩa là “biến chiếu”. Trong Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích do thiền sư Nhất Hạnh thuật ký giải thích: “Chữ Tỳ Lô Giá Na (vairocana) là mặt trời, có nghĩa là soi sáng cùng khắp, diệt trừ mọi chỗ u ám. Tuy nhiên đối mặt trời của thế gian, sự chiếu sáng có phương phận, chiếu sáng bên ngoài mà chẳng chiếu sáng bên trong, chiếu sáng bên này, chẳng đến bên kia, lại chỉ sáng ban ngày, còn ban đêm không thấy chiếu. Huệ Nhật của Như Lai không như thế. Trí sáng của Phật chiếu khắp mọi nơi, chẳng kể trong ngoài, không phân phương hướng, góc cạnh, đêm ngày.” (Tham khảo wikipedia http://vi.wikipedia.org/wiki/Đại_Nhật_Như_Lai)
Nguồn: Thực vật trong Văn hoá Nhật Bản Suzuki Setsuko 鈴木節子 (chủ biên)- Bản dịch của Hoàng Long. Tiền Vệ. DCVOnline minh hoạ.
Tiền Vệ là một trung tâm văn học và nghệ thuật trên mạng lưới thông tin toàn cầu, với hai hoạt động chính là phổ biến các tác phẩm mới và tiến hành các cuộc tranh luận về văn học nghệ thuật. Mục đích chủ yếu của Tiền Vệ là nhằm góp phần xây dựng một khối Thịnh Vượng Chung của văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi, bất chấp những dị biệt về địa lý và chính trị, mọi người có thể gặp gỡ nhau trong nỗ lực tìm tòi và thử nghiệm để trả công việc sáng tác trở về đúng nguyên nghĩa của nó: làm ra cái mới.