VixiLeaks (I)
Trần Giao Thủy
VixiLeaks không phải là chuyện về tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ hay về dữ liệu quân sự của Hoa Kỳ. Nó là một tài liệu về hoạt động nội bộ cộng sản xuyên Thái Bình Dương.
Chuyện bây giờ mới viết
Câu chuyện sau đây có một số điểm tương tự và không giống WikiLeaks (Julian Assange và Bradley Manning, 2010) và vụ Watergate (1973) hay việc tiết lộ tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ (Edward Snowdon, 2013).
Không phải là một chuyên viên điện toán như Edward Snowdon hay một binh nhì Mỹ có thể xem cả kho dữ liệu bí mật khổng lồ của quân đội Hoa Kỳ như ông Bradley Manning, nhưng có một điểm tương tự như ông Julian Assange, người viết là một người cầm bút.
“Chuyện bây giờ mới viết” không phải là chuyện về tài liệu mật của Cơ quan An ninh Quốc Gia Mỹ hay về dữ liệu quân sự của Hoa Kỳ. Nó có thể có một điểm tương tự với vụ Watergate ở chỗ nguồn cơn câu chuyện là một cuộn băng ghi âm (cassette tape) đã cũ. Nó là một tài liệu về hoạt động nội bộ cộng sản xuyên Thái Bình Dương.
Nội dung câu chuyện bắt đầu từ một cuộn băng TDK D90 gồm 90 phút ghi âm có chọn lựa, ở cả hai mặt A và B; người viết không tiết lộ nguồn của cuộn băng này. Phẩm chất thu thanh kém, khó nghe vì nhiễu âm, có nhiều đoạn nghe không rõ.
Tương tự như một bài đã đăng ở DCVOnline.net hồi đầu tháng Tư, 2015 — Trà Mi, Đứng ngoài cuộc chiến? — Nội dung “Chuyện bây giờ mới viết” là một sự kiện xẩy ra từ lâu, tuy không lâu đến 45 năm nhưng cũng đã gần 30 năm về trước. Đây là một giai đọan lịch sử của cộng đồng sinh viên Việt Nam du học tại Canada từ những thập niên 60-70 kéo dài đến khi Việt Cộng(1) trở thành “bên thắng cuộc” sau ngày 30 tháng Tư 1975.
Chuyện xẩy ra lúc nào và ở đâu?
Câu chuyện kéo dài gần hai tuần trong tháng 10, 1988 ở nhiều nơi khác nhau ở Việt Nam và tại trụ sở của Ban Việt kiều Trung ương ở số 32, Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Những ai là người trong cuộc?
Những nhân vật đã tham gia phiên họp theo lệnh từ Hà Nội hay được đề cập đến trong buổi nói chuyện gồm 3 phụ nữ và 14 người đàn ông. Họ là Thái Thị Khánh Hạnh, Lê Thị Thanh, Oanh, Lê Tiền Phong, Nguyễn Văn Nhã, Trần Tuấn Dũng, Lương Châu Phước, Võ Quang Tu, Quách Tinh Văn, Hoàng Hải Học, Huỳnh Hữu Tuệ, Nguyễn Văn Hương, Phan Kim Điểm, Lê Hữu Phùng, Lưu Liên, Hoàng Bích Sơn, và Bùi Đức Lập. Tuy nhiên chỉ có 7 nhân vật có mặt lên tiếng trong băng ghi âm.
Thái Thị Khánh Hạnh, Lê Thị Thanh, Oanh, Quách Tinh Văn, Hoàng Hải Học, Huỳnh Hữu Tuệ, Lê Hữu Phùng, Lưu Liên và Nguyễn Văn Hương, Phan Kim Điểm là 10 nhân vật không có mặt nhưng được đề cập đến.
Ngoài Hoàng Bích Sơn, Bùi Đức Lập, tất cả những người khác đều là người miền Nam được chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho phép xuất ngoại du học hay tu nghiệp trong những năm 1960, hay quân nhân đào ngũ sau đó, và lúc ấy (1988) đang là những thành viên thuộc hai nhóm của của cái gọi là Hội người Việt Nam tại Canada (HNVTC) – Tiền thân là Hội Việt kiều Yêu nước tại Canada (HVKYNTC, Association of Vietnamese Patriots in Canada) thành lập từ tháng Tư, 1970(2), rồi Hội Đoàn kết Việt kiều tại Canada (HĐKVKTC, Union des Vietnamiens au Canada) từ tháng 2, 1975(3), và Union généraledes Vietnamiens au Canada từ tháng 3, 1978(4), và tên sau cùng là HNVTC, từ tháng 12, 1985(5).
Nhóm thứ nhất, ban Vận động Đổi mới, gồm
Những nhân vật có mặt:
1. Trần Tuấn Dũng, Phân hội trưởng Phân hội sinh viên của HVKYNTC/HĐKVKTC, Phó Giám đốc Vinamedic Inc., một công ty xuất cảng dược phẩm, và vải may mặc, thành lập ngày 17 tháng 3, 1981(6);
2. Lương Châu Phước, cựu Tổng Biên tập tờ Đất Việt, báo của HVKYNTC/HĐKVKTC;
3. Võ Quang Tu, cựu nhân viên Tòa Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam (Việt Cộng) tại Ottawa, Tổng Quản lý Vietimex Inc., một công ty xuất-nhập cảng từ 1979 đến 1984 sau đó trở thành một nhà buôn sỉ, và Tu cũng là Giám đốc Laser Express Inc., thành lập vào tháng 7 năm 1980(7).
Và những người khác không có mặt:
4. Hoàng Hải Học, giáo sư Ecole Polytechnique Montreal;
5. Lê Hữu Phùng, y sĩ, Chủ tịch Ban Cố vấn HĐKVKTC(8), thành viên Hội đồng quản trị Laser Express Inc.(9);
6. Nguyễn Thị Thanh, thành viên ban chấp hành HĐKVKTC, vợ Lương Châu Phước.
Nhóm thứ hai đa số là thành viên ban Thường vụ và ban Giám đốc các công ty kinh doanh có liên hệ với HĐKVKTC/HNVTC, gồm
Những nhân vật có mặt:
1. Lê Tiền Phong, Tổng Thư Ký HĐKVKTC/HNVTC, thành viên tương lai của Hội đồng Quản trị CIIC International Investment & Trade Corporation (tên cũ là Dyconimex Corporation Inc. trong giai đoạn từ 16/11/1988 đến 29/03/1989);
2. Nguyễn Văn Nhã, Phân hội trưởng Phân hội Trí thức, Giám đốc Vietimex Inc., và Giám đốc Vinamedic Inc.(10); ngoài ra, theo một nguồn trong cuộc, Nhã còn là thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Và những người khác không có mặt:
3. Thái Thị Khánh Hạnh, vợ Lê Tiền Phong;
4. Quách Tinh Văn, Phó Giám đốc Vietimex Inc., Phó Giám đốc Laser Express Inc., Phó Giám đốc Vinamedic Inc.;
5. Nguyễn Văn Hương, cựu Chủ tịch HVKYNTC/HĐKVKTC – 1970 đến trước tháng 12, 1983; Giám đốc Q.T.K. Express Inc., và CIIC International Investment & Trade Corporation (tên cũ là Dyconimex Corporation Inc. trong giai đoạn từ 16/11/1988 đến 29/03/1989);
6. Huỳnh Hữu Tuệ, giáo sư khoa kỹ sư Điện, Đại học Laval, Chủ tịch HNVTC từ năm 1986;
7. Lưu Liên, một nhân viên quản lý của Laser Express Inc., Phân hội trưởng Phân hội công nhân, Phó Chủ tịch HĐKVKTC (theo danh sách 7/12/1983 trong đó Tôn Nữ Thị Nga là Chủ tịch)(11);
8. Phan Kim Điểm, thành viên Hội đồng quản trị Q.T.K. Express Inc., và CIIC International Investment & Trade Corporation mà Giám đốc là Nguyễn Văn Hương;
9. Oanh.
Có lẽ không phải là một tình cờ, một số những nhân vật chính trong câu chuyện là ba trong bốn sinh viên phản chiến ở Montreal, Lương Châu Phước, Nguyễn Văn Nhã, và Trần Tuấn Dũng, trong tấm hình chính ở đầu bài “Canada – New Sanctuary for the South Vietnamese” của John G. Rogers đăng trên tạp chí Parade, ngày 14 tháng Sáu, 1970. Sinh viên thứ tư, Đỗ Đức Viên, dường như chỉ còn là một bóng mờ trong sương mù sau 30/4/1975, khi đã làm xong “nhiệm vụ lich sử” (phản chiến), dù đôi khi vẫn có mặt trong những buổi ăn nhậu, phê và tự phê, với những người bạn thời sinh viên.
Hoàng Bích Sơn và Bùi Đức Lập là ai? Đó là hai nhân vật đã và (khi đó) đang làm việc với Ban Việt Kiều Trung ương(12); một nói giọng miền Trung (Quảng Nam), và một nói giọng miền Bắc. Kiểm tra chéo dữ liệu đã có và nguồn từ của những người trong cuộc, người viết tin rằng người nói giọng Quảng Nam là Hoàng Bích Sơn và người nói giọng miền Bắc là Bùi Đức Lập.
Hoàng Bích Sơn (1924 – 2000) tên thật là Hồ Liên sinh tại Quảng Nam; Sơn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa VI (1986-91). Năm 1976, Sơn giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đồng thời kiêm chức Trưởng ban Việt kiều Trung ương.
Bùi Đức Lập, Trưởng Ban Việt kiều Trung ương(?) là người ký thông tư và các văn bản khác cho Ban Việt kiều Trung ương trong năm 1987(13).
Tóm lại, Hoàng Bích Sơn và Bùi Đức Lập là Việt cộng có thẻ đảng.
Họ nói chuyện gì?
Mục đích chính của buổi nói chuyện sau cùng ở Hà Nội giữa những nhân vật lãnh đạo hai nhóm cựu sinh viên và Việt kiều phản chiến thân cộng Montreal – Việt cộng không thẻ đảng(14) – với Việt cộng có thẻ đảng ở Hà Nội là để giải quyết những xung đột nội bộ giữa hai nhóm “vận động đổi mới” và “kinh doanh” trong HĐKVKTC/HNVTC.
Vì sao nên nỗi?
1. Khối cộng sản rạn nứt
Một trong những nguyên nhân, động cơ đưa đến của cuộc xung đột nội bộ trong HĐKVKTC/HNVTC là tình hình trong khối cộng sản trên thế giới ở những năm cuối thập niên 1980.
Có dấu hiệu nào cho thấy chủ nghĩa cộng sản sẽ đồng loạt sụp đổ ở châu Âu vào năm 1989?
Trong lịch sử cận đại của các nước trong khối Warsaw luôn luôn có phong trào chống lại chế độ, và đặc biệt là chống lại sự can thiệp của Liên Xô. Ví dụ, Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1967 và Ba Lan vào năm 1981 là những điểm nổi bật, nhưng cuộc kháng chiến ngầm chống cộng sản đã kéo dài trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Ngay cả ở cấp Bộ Chính trị, việc hai phe bảo thủ và đổi mới trong đảng cộng sản Ba Lan đã cử Władysław Gomulka làm Bí thư thứ nhất năm 1951, bất chấp phản đối và đe dọa xâm lăng của Liên Xô, đưa đến sự kiện Tháng Mười Ba Lan (Polish October) chống lại Liên Xô và những khẩu hiệu như “Đả đảo người Nga”, “Gomułka muôn năm”, “Chúng tôi muốn một Ba Lan tự do”, và “Rokossovsky cút đi” (Rokossovsky là một Thống chế, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, sau trở thành Thống chế của Liên bang Sô-viết), v.v.
Một dấu hiệu đặc biệt quan trong cho thấy có sự thay đổi trong khối cộng sản là quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô. Gorbachev với những chính sách glasnost (“sự cởi mở”) and perestroika (“tổ chức lại”) đã cho thấy ông là một loại lãnh đạo mới. Ba Lan có cuộc bầu cử bán tự do lần đầu tiên từ sau chiến tranh và cộng sản Ba Lan đã hoàn thất bại (ở Thượng viện và 35% số ghế ở Hạ viện được cho bầu chọn tự do. Cộng sản Ba Lan vẫn giữ 65% số ghế ở Hạ viện riêng cho đảng).
Tuy nhiên, hình ảnh cộng sản thất bại ở Warsaw, bức tường ô nhục sụp đổ ở Bá linh trái ngược hẳn với cảnh đoàn xe tăng cộng sản tiến vào Thiên An Môn nghiền nát khối sinh viên biểu tình đòi đổi mới ở Bắc Kinh. Đây có lẽ là một biểu tượng lớn nhất về sự khác biệt giữa cộng sản ở châu Âu và châu Á.
Năm 1989, Gorbachev tuyên bố học thuyết Brezhnev đã chết – các nước Đông Âu có thể tự quyết định tương lai của mình, không còn cần đến Hồng Quân tiến vào để củng cố cho chế độ như trong quá khứ. Gorbachev xác định lập trường không can thiệp(15) và đã từ chối lời yêu cầu của Erich Honecker đưa Hồng quân sang Đông Đức để đàn áp phong trào phản kháng tại đó.
2. Kinh tế Việt cộng khủng hoảng
Sau 30 tháng Tư, 1975, bị Mỹ cấm vận nhưng còn say men và khói nhang trong cuộc lên đồng mừng chiến thắng, Cộng sản Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế cộng sản Bắc Việt cho cả nước trong những năm 1975-1979 với kết quả không thể tranh cãi là nền kinh tế cộng sản Việt Nam khủng hoảng trầm trọng trên mọi lĩnh vực…
“Giai đoạn 1979-1986, một ‘thời kỳ rất đặc biệt’…thực tiễn kinh tế thì như một ‘cuộn chỉ rối’, còn tư duy kinh tế thì ‘bị đặt trước những gay gắt của thực tiễn, không trả lời được’ nhưng ‘quán tính của nó thì vẫn rất mạnh’, ‘tư duy mới chưa thể ra đời’. Chính Trường Chinh, Tổng Bí Thư – 5 tháng, 7-12, 1986 – lúc đó kết luận về những sai lầm đã qua, … không phải chỉ là ‘chưa cụ thể hoá đường lối’ (một đường lối đúng!) và ‘trong việc tổ chức thực hiện đường lối’ mà là ngay ở ‘chỉ đạo chiến lược’, ‘tả khuynh’; nghĩa là Trường Chinh đã thừa nhận đường Cộng sản đã sai trong giai đoạn này!
Giai đoạn 1986-1989, khi Trường Chinh là Tổng Bí thư, tranh luận trong đảng cộng sản đã được mở rộng, một số ban nghiên cứu được thành lập với sự tham gia của một số chuyên gia Việt kiều, báo cáo chính trị của đại hội Đảng lần VI (tháng 12, 1986) cho thấy Cộng sản bắt đầu ‘đổi mới’”(16).
3. Độc quyền khai thác thị trường người tị nạn có nhu cầu chuyển tiền, hàng về cho người thân vẫn là con tin của chế độ khủng bố ở trong nước
Trước 30 tháng Tư 1975 Việt cộng không thẻ đảng ở Montreal là những người đã từng ấp ủ, ăn, ngủ với chủ thuyết Mác-Lê-Mao, mơ về thiên đường cộng sản, thế giới đại đồng từ khi còn là những sinh viên trẻ. Kinh tế Cộng sản Việt Nam khủng hoảng trầm trọng ở những năm cuối của thập niên 1970, năm 1981 tòa Đại sứ ở Ottawa phải đóng cửa(17). Những người phù cộng, trong nhóm lãnh đạo, ở Montreal tất tả vứt phấn, bỏ trường(18) đi làm kinh tế với chế độ. Trong lúc CSVN bị Mỹ cấm vận thì Montreal-Tp. Hồ Chí Minh là độc đạo chuyển đô-la ở châu Mỹ về Việt Nam. Đó là lý do các công ty Vietimex Inc. (1979), Laser Express Inc. (1980), Vinamedic, Inc. (1981), Q.T.K. Express Inc. (1982) lần lượt trưng bảng đi buôn, và xây dựng trụ sở hoạt động ở 1444-1450 đường Beaudry, Montreal, trong khoảng 1979-1982. Xem thêm chi tiết về các công ty vừa kể ở Phụ đính.
Thử đọc vài đoạn ngắn của Thông tư số 4-TT/VK của Ban Việt Kiều Trung ương(19) do Bùi Đức Lập ký ngày 10 tháng 7, 1987 về “chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình”. (Tác giả nhấn mạnh)
“1. Các tổ chức và tư nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài muốn đứng ra tổ chức hoạt động dịch vụ trung chuyển tiền, hàng (dưới đây gọi tắt là dịch vụ tiền, hàng) do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình, cần thông qua Ban Việt kiều Trung ương để đăng ký xin phép Nhà nước.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ tiền, hàng gồm:
[…]
– Sơ yếu lý lịch (có ảnh) của Ban Giám đốc công ty hoặc của người phụ trách tổ chức hoạt động dịch vụ.
[…]4. Các tổ chức, tư nhân được trong nước chấp thuận cho hoạt động dịch vụ tiền, hàng có trách nhiệm:
– Chấp hành đúng các chủ trương chính sách của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các quy định về quản lý ở trong nước;
– Định kỳ ba tháng một lần báo cáo về Ban Việt kiều Trung ương các hợp đồng đã ký kết và tình hình thực hiện dịch vụ nói trong Thông tư này.”
Với những điều kiện ràng buộc như trên hẳn chỉ có những người tay sai cộng sản ở Montreal mới hội đủ và “dũng cảm” chấp nhận; và dĩ nhiên thương nhân trong cộng đồng người Việt tị nạn lúc đó không thể nào trở thành đối tác kinh doanh với chế độ trừ những người đã được đảng “cơ cấu” vào hoạt động trong các hội đoàn của người tị nạn, kể cả hội cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa.
Một điểm đặc biệt, dù Canada chưa bao giờ có chính sách cấm vận với cộng sản Việt Nam, nhưng tất cả doanh nhân tị nạn cộng sản trong ngành dược phẩm (chủ tiệm thuốc Tây) đều chọn các công ty đang kinh doanh/hợp tác cho/với chế độ làm trung gian chuyển hàng về Việt Nam. Chọn lựa này của giới chủ nhân các tiệm thuốc tây của người Việt tị nạn gần như không có ngoại lệ dù Montreal vẫn có đủ loại các công ty vận chuyển hàng hóa về Việt Nam không phải “thông qua Ban Việt kiều Trung ương”. Đây hẳn là một chọn lựa vì tư lợi.
Với đa số (nhưng không phải là tất cả) dân chúng trong cộng đồng người Việt tị nạn nói chung thì việc gởi hàng, tiền về giúp gia đình trong nước qua các công ty “Việt cộng không thẻ đảng” gần như là lẽ tự nhiên vì nó, vừa tiện, vừa nhanh để… kịp tiếp “máu” cho người thân vẫn bị giữ làm con tin trong nước. Một số tổ chức chính trị chống cộng sản ở Montreal lúc đó đã vận động người tị nạn tẩy chay việc gởi hàng, chuyển tiền về gia đình qua ngả Beaudry nhưng hoàn toàn thất bại.
Tuy nhiên, Thượng Viện Quốc hội Mỹ đã có cuộc điều tra về hoạt động chuyển đô-la Mỹ bất hợp pháp về cho cộng sản Việt Nam qua các ngả từ Canada, Pháp và châu Á ngày 20 tháng Sáu, 1984(20). Bản điều trần của William L. Cassidy tại Thượng Viện Hoa Kỳ không nêu đích danh cơ sở kinh tài chuyển đô-la Mỹ về cho Việt Cộng tại Canada nhưng ký giả Wayne McPhail của tờ Hamilton Spectator được William Cassidy tiếp tay đã xác định cơ sở kinh tài cho Việt Cộng tại Canada là HĐKVKTC và tổ chức kinh tài này đã gởi về cho cộng sản Việt Nam một số hàng hóa và tiền tươi trị giá khoảng 140 triệu đô-la mỗi năm. McPhail cho rằng phần lớn của 140 triệu đô-la đó là tiền của cộng đồng tị nạn cộng sản tại Bắc Mỹ(21).
Mặt khác, tại California, một lá thư đề ngày 9 tháng 8, 1987 của “Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng” (VNDCHQĐ) gởi đến tòa soạn hai tờ báo ở Garden Grove, California – Người Việt và tuần báo Tay Phải – xác nhận đã đốt tòa soạn tuần báo Mai; trong thư có đoạn viết,
“Do thái độ không khoan nhượng của những người ở Tuần báo Mai, nhận tiền từ kẻ thù, và để thực hiện (một cảnh cáo trước đó), Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng đã quyết định phá hủy tòa soạn của Tuần báo Mai […]
Đảng sẽ tiếp tục trừng trị những cán bộ Cộng sản Việt nam và bè lũ tay sai. Thêm nữa là những cá nhân và các cơ sở, trực tiếp hoặc gián tiếp, làm lợi cho Hà Nội, đặc biệt là những tạp chí và nhật báo đăng quảng cáo cho các kế hoạch kinh tài của cộng sản Việt Nam.”
Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng
Lá thư của “VNDCHQĐ” cũng chỉ trích và lên án 3 công ty Canada ở Montreal đã đăng quảng cáo trên tuần báo Mai, Vinamedic Inc., Laser Express Inc. and QTK Express Inc., là tay sai chính quyền cộng sản. Tuy độ khả tín của lá thư về việc nhận trách nhiệm đốt tòa soạn tuần báo Mai không được giới an ninh Mỹ khẳng định nhưng nó đã gây hoang mang, lo ngại không ít trong cộng đồng thương nhân Việt Nam ở California. Trong vụ đốt tòa soạn Tuần báo Mai vào lúc 2 giờ sáng ngày Chủ nhật, 9 tháng 8, 1987, ông Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Phạm Văn Tập (1942-1987), bút danh Hoài Điệp Tử, đã tử nạn(22). Đến nay nhà chức trách Hoa Kỳ vẫn chưa biết rõ nguyên nhân vụ đốt tòa báo và sát hại ông Chủ nhiệm.
4. Đấu tranh nội bộ, giành ảnh hưởng, quyền lực, và lợi nhuận
Trong giai đoạn 10 năm khi nhóm lãnh đạo hội người Việt thân cộng đi làm kinh tế với để giúp củng cố chế độ, và tiện thể làm giầu thì một thành phần khác của tổ chức này, những người tri thức quan tâm theo dõi chính trường cộng sản ở Đông Âu ở những năm cuối thập niên 1980, đang chập chờn trong giấc mơ thiên đường cộng sản, bỗng choàng tỉnh, hô hào “đổi mới”.
Đây là thành phần không trực tiếp hưởng lợi qua kinh doanh với Đảng hay nằm trong nhóm quyền lực.
Nhưng “vận động đổi mới” ở đây chỉ là một vận động nhằm thay đổi cách sinh hoạt nội bộ cho nó dân chủ hơn khi nhóm lãnh đạo tổ chức người Việt phù cộng về chầu và báo cáo ở Hà Nội. Và đó là một lý do nổi của những xung đột giữa hai phe “vận động đổi mới” và “thường vụ-kinh doanh”. Những lý do khác, không tiện nói ra khi về phủ phục ở “triều đình”, là cuộc đấu tranh nội bộ, giành ảnh hưởng, quyền lực, và tư lợi trong nhóm đầu sỏ của HĐKVKTC/HNVTC. Xung đột nội bộ của tổ chức này bùng nổ khi Lương Châu Phước bị cách chức Tổng Biên tập báo Đất Việt, mất hết thu nhập và bổng lộc vào năm 1987.
Cuộn băng TDK D90
Nội dung và cung cách nói chuyện của nhân vật cũng như những nhiễu âm tắt-mở (stop-start) khi ghi âm cho người nghe thấy rằng đây là kết quả của việc Ban Việt kiều Trung ương chủ động thu lại và có lọc lựa buổi nói chuyện sau cùng với cả hai phe trong HNVTC, sau gần hai tuần lễ “làm việc” tại Hà Nội. Người viết tin rằng cuộn băng dùng cho bài này chỉ là một trong nhiều phó bản mà 5 người có mặt ở Hà Nội trong hai phe “vận động đổi mới” và “kinh doanh” của HNVTC đã có từ năm 1988.
Đây cũng không phải là tài liệu duy nhất hay cuối cùng về hoạt động của HĐKVKTC/HNVTC.
Vì phẩm chất thu thanh và có nhiều nhiễu âm nên phần chép lại có những đoạn ghi “…” là những chỗ âm thanh quá kém, nghe không rõ và đương nhiên có thể có những chữ, từ chép lại không chính xác. Hơn nữa trong cuộc nói chuyện có nhiều từ ngữ không dễ hiểu cho người ngoại cuộc như, “phong trào”, “Ban”, “tập thể”, “trong nước”, “đa típ”, v.v.
Mặt A của cuộn băng ghi lại tiếng nói của Hoàng Bích Sơn, Nguyễn Văn Nhã, Lê Tiền Phong, Trần Tuấn Dũng và Lương Châu Phước. Ở mặt B của cuộn băng, người ta nghe được thêm giọng nói của Bùi Đức Lập, Võ Quang Tu và một nhân vật khác, tên Thắng, trong Ban Việt kiều Trung ương.
Ở phần đầu cuộn băng, Hoàng Bích Sơn đưa hai giải pháp tổng quát cho cuộc xung đột nội bộ giữa đám đầu sỏ HNVTC trước khi đại diện của hai phe lần lượt báo cáo, tự phê, và phát biểu. Ở mặt sau cuộn băng, Bùi Đức Lập đọc chỉ thị cho các đồng chí thi hành công tác khi trở lại Montreal, Canada; đó là công tác tổ chức Đại hội 14 cho HNVTC và chuẩn bị phân chia tài sản của những công ty làm ăn theo thỏa thuận và lệnh của Ban Việt kiều Trung ương. Sau đó là phần thảo luận thêm giữa Bùi Đức Lập và các đồng chí về nhân sự để tổ chức Đại hội 14.
Hai “phương án”
Đây là đoạn đầu cuộn băng khi Hồ Liên Hoàng Bích Sơn, đưa ra hai giải pháp mà y gọi là “phương án 1” và “phương án 2” để giải quyết cuộc đấu tranh nội bộ trong nhóm đầu sỏ HNVTC.
Phương án 1, “Rũ sạch”
Hoàng Bích Sơn: Đây là đoạn đầu cuộn băng khi Hồ Liên Hoàng Bích Sơn, đưa ra hai giải pháp mà y gọi là “phương án 1” và
“Thế thì bấy giờ á chỉ có hai phương án. Phương án thứ nhứt là các anh thỏa thuận giải tán hết… giải tán cái ban chấp hành thường vụ, ủy ban vận động đổi mới; còn các công ty thì … giải quyết theo pháp luật, tùy các anh đó. Nhưng ở trong nước, thì cơ quan đại diện chỉ cần …vài tuần để thanh toán nợ nần một chút. Coi như là không còn cái gì hết. Đó là phương án thứ nhứt.
Công ty nếu mà giải tán, đại diện ở trong đó, thời gian độ bao lâu?… Hai tuần được không?”
Nguyễn Văn Nhã: “Chưa bao giờ làm cái chuyện đó… nên không biết.”
Hoàng Bích Sơn: “Là bởi vì nó tính là không thể tồn tại lâu được; phải chấm dứt nếu không còn cái gì nữa. Chỉ còn lại để thanh toán nợ nần thôi thì tối đa là một tháng. Đó là một phương án.”
© 2015-2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Đăng lần đầu ngày 06 tháng 06, 2015.
Phụ đính: Những công ty có cơ sở tại Montreal độc quyền khai thác thị trường chuyển đô-la và hàng hóa về Việt Nam (khi còn bị Mỹ cấm vận)
- Vietimex Inc., một công ty thương mại, đã ghi danh với chính phủ Liên bang Canada vào tháng Sáu 1979, có địa chỉ ở số 2810 Stock Exchange Tower, Victoria Place, hai tháng sau khi mua lại hai cao ốc ở các địa chỉ 1444, 1444-A, 1446, 1448 và 1450 đường Beaudry. Theo tài liệu của thành phố Montreal thì cơ sở này trước đây thuộc một nhà in của công ty Paradis & Vincent Ltd. Đến 29 tháng Bẩy, 1980 Thư ký-Thủ Quỹ công ty Vietimex Inc. là Phạm Ngọc Tuấn đổi địa chỉ về số 1450 đường Beaudry. (Nguồn: Public Records, Montreal Court House, 500-15-021349-80.) Sau hơn 3 năm hoạt động, đến 1984 Vietimex Inc. thay đổi từ một nhà xuất-nhập cảng sang một nhà bán sỉ. Năm 1985 công ty này không còn nhân viên, với Tổng Quản lý là Võ Quang Tu và ba Giám đốc là Nguyễn Văn Nhã (Giám đốc), Quách Tinh Văn (Phó Giám đốc) và Phạm Ngọc Tuấn. (Nguồn: Thông tin từ những Báo cáo thường niên phải nộp với Chính quyền Tỉnh bang Quebec, “The Vietcong Front in Quebec” trang 63). Vốn của Vietimex Inc. là 98.000 đô-la Canada, trong đó Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada làm chủ 76%. Danh sách Giám đốc của Hội Đoàn kết Việt kiều tại Canada (HĐKVKTC) vào tháng 12 1983 có những tên như Tôn Nữ Thị Nga (Chủ tịch), Lưu Liên (Phó Chủ tịch), Huỳnh Hữu Tuệ (Phó Chủ tịch), và Lê Tiền Phong (Tổng thư ký). Gilbert Gendron kết luận Vietimex Inc. là cơ sở tài chánh của HĐKVKTC và với danh sách lãnh đạo như thế, thì quyền lực ở HĐKVKTC thuộc nhóm phù chính quyền cộng sản ở Hà Nội mà vai trò của Nguyễn Văn Nhã là chỉ dấu rõ rệt nhất. Trị giá của Vietimex Inc. Vào tháng Chín 1980 là 165.000 CAD (Nguồn: Gilbert Gendron, “The Vietcong Front in Quebec”, Citizens for Foreign Aid Reform Inc. (C-FAR) 1987, trang 49).
- Laser Express Inc., một công ty vận chuyển thương mại ghi danh với chính phủ Liên bang Canada từ tháng 7, 1980, ngoài dịch vụ vận chuyển hàng hóa công ty này còn bán vé du lịch. Giám đốc Laser Express là Võ Quang Tu (nhân viên của tòa Đại sứ Việt Cộng năm 1979) có 67% cổ phần, Thư ký và Thủ Quỹ Quách Tinh Văn làm chủ 33% còn lại. Trị giá cơ sở địa ốc của công ty này lên đến 239.900 đô-la vào năm 1986; Năm 1983 Laser Express có 10 nhân viên nhưng không còn nhân viên trong hai năm 1984-1985. (Nguồn: Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 49-50).
- Vinamedic Inc. là cơ sở kinh tài thứ ba của HĐKVKTC; vào ngày 17 tháng Ba 1981 công ty này ghi danh là một cơ sơ xuất cảng vải vóc và thuốc tây trị giá 106.830 CAD trong năm 1983 nhưng đến 1984 chỉ còn 36.750 CAD. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Nhã là chủ 100% cổ phần. Hai Phó Giám đốc là Trần Tuấn Dũng và Quách Tinh Văn, Thư ký là Lê Hồng Ngọc. (Nguồn: Gilbert Gendron, Ibid, trang 50).
- Cơ sở kinh tài thứ tư là Q.T.K. Express Inc., một công ty tài chánh thành lập vào tháng 7 năm 1982, Giám đốc là Nguyễn Văn Hương – lúc đó là đương kim Chủ tịch HĐKVKTC; thành viên thứ hai của Hội đồng Quản trị là Phan Kim Điển.
(1) Viết tắt của nhóm chữ “Người Việt Nam theo chủ nghĩa Cộng sản”, hay “cộng sản Việt Nam” theo Mác, Lê, Mao.
(2) Gilbert Gendron, B.A., “The Vietcong Front in Quebec”, Citizens for Foreign Aid Reform Inc. (C-FAR) 1987, trang 4.
(3) Ibid., trang 6-7. Báo Nhân dân số 7574 ngày 27 tháng 1, 1975 đưa tin “Thành lập Đại Đoàn Kết Việt kiều tại Ca-na-đa” trong đại hội tổ chức ngày 4 và 5 tháng 1, 1975.
(4) Ibid., trang 8.
(5) Ibid., trang 9.
(6) Ibid., trang 50.
(7) Ibid., trang 48-49.
(8) Ibid., trang 8 (trích lại tin của báo La Presse, june 20, 1979, p A5.
(9) Trang web Bộ Công nghệ, Chính phủ Canada (https://www.ic.gc.ca)
(10) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 48, 50.
(11) Ibid., trang 49.
(12) Ban Việt Kiều Trung ương thành lập từ 1959, trưởng ban là là một Bộ trưởng; bằng Nghị định số 74-CP ngày 30/7/1994 CSVN đổi tên Ban Việt kiều Trung ương thành Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Đến năm 1996, ủy ban này trở thanh một cơ quan thuộc bộ Ngoại giao.
(13) Thông tư Số 4-TT/VK, 10/7/1987 về “chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống XHCN gửi về giúp gia đình”, văn bản không số về “Quy chế tạm thời về việc cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước du lịch hoặc du lịch kết hợp thăm quê hương, gia đình”
(14) Theo nguồn từ những người trong cuộc và Nguyễn Ngọc Giao trong bài “Quan hệ về tổ chức giữa
phong trào Việt kiều và Đảng Cộng sản Việt Nam (1945-1990)”, Tạp chí Thời đại Mới Số 9 – Tháng 11/2006, thì đảng Cộng sản Việt Nam không kết nạp những người gọi là “Việt kiều”.
(15) Gorbachev Said to Reject Soviet Right to Intervene. By Henry Kamm, Special to the New York Times, April 2, 1989.
(16) Trích lược Hòa Vân, “Giới thiệu cuốn biên khảo của nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong” Tư Duy Kinh tế Việt Nam, Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội 2008. Diễn Đàn Forum, 21/01/2009
(17) Gilbert Gendron, B.A., Ibid., trang 48.
(18) Nhiều người trong nhóm lãnh đạo tổ chức thân cộng Montreal là thầy giáo ở các trường cao đẳng tiền đại học tại Quebec (CEGEP, Collège d’enseignement général et professionnel hay tiếng Anh là General and Vocational College.)
(19) Bùi Đức Lập, Ban Việt Kiều Trung ương, Thông tư số 4-TT/VK. 10 tháng 7, 1987. Thư viện pháp luật.
(20) “Vietnamese Currency Transfer Legislation”, Senate hearing 98-935, Washington: U.S. Governement, Printing Office, 1984, p.14, Gilbert Gendron, Ibid., p. 64.
(21) The Edmonton Journal, July 14, 1985; Gilbert Gendron, Ibid., trang 74.
(22) David Reyes và Steve Emmons, “– Orange County Vietnamese Group Says It Set Fire Fatal to Publisher”, Los Angeles Times, August 14, 1987; Steve Emmons và Nancy Wride, “Police Trying to Determine Veracity of Group’s Letter”, Los Angeles Times, August 14, 1987.