Nhạc xưa và nhạc nay
Trọng Hiền
Vài ngày gần đây có những tranh cãi về nhạc sến rất thú vị, khởi nguồn từ những ý kiến nhận xét của nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn về nhạc sến. Những ý kiến của hai nhạc sĩ này có phần hạ thấp giá trị của nhạc sến và không đánh giá cao gu thẩm mỹ của những ai hay hát những bài hát sến này.
Mình phải thú nhận, trước đây, trong giai đoạn thường xuyên nghe và chơi những bản nhạc trẻ thời Làn Sóng Xanh (cuối thập niên 90, đầu những năm 2000) mình từng có những suy nghĩ giống hệt như những điều nhạc sĩ Quốc Trung và Huy Tuấn nói ở hai bài báo được đưa link trên.
Tuy nhiên từ sau khi qua Úc hơn 4 năm nay, mình mới cơ hội nghe và tìm hiểu nhiều hơn về dòng nhạc trữ tình ở miền Nam Việt Nam trước 1975, gồm cả nhạc sến. Hơn 4 năm qua, sống trong cảm giác của một người xa quê hương, gia đình, lắng nghe lại những giai điệu, lời ca của những bài hát Việt Nam với nhiều thể loại, trước 75 có, những bản nhạc trẻ hip hop và R&B có, rồi Dân ca xưa, dân ca đương đại thời nay cũng có, thổn thức và chiêm nghiệm chúng, mình mới nhận thấy một điều: nhạc miền Nam trước 1975, trong đó có nhạc sến chiếm vai trò quan trọng, là giai đoạn huy hoàng nhất của tân nhạc Việt Nam.
Nhưng trước tiên hãy nói về những nhạc sĩ trẻ tiên phong trong nước của VN hiện nay và những khuynh hướng sáng tác của họ.
Những nhạc sĩ trẻ (trưởng thành sau chiến tranh) và những sáng tác của họ
Nhận xét đầu tiên, những nhạc sĩ thế hệ trẻ (trưởng thành sau chiến tranh) hiện nay phải đóng quá nhiều vai. Đa phần họ xuất thân là nhạc công chuyên nghiệp, sau đó lấn sang vai trò nhạc sĩ, rồi sau đó là nhà sản xuất âm nhạc, đôi lúc là … nhà phê bình.
Vì là nhạc công chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về âm nhạc, họ dễ dàng tiếp cận những trào lưu âm nhạc mới thịnh hành trên thế giới và trở thành những người tiên phong để đưa những trào lưu ấy gia nhập và làm mới làng âm nhạc Việt Nam. Từ sau khi các nhạc sĩ đàn anh như Dương Thụ, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Bảo Chấn, Bảo Phúc … khơi dậy dòng nhạc Pop hay nhạc nhẹ trữ tình của thời kỳ đầu Làn Sóng Xanh, các nhạc sĩ trẻ hơn như Việt Anh, Kim Tuấn, Đức Trí, Võ Thiện Thanh đã có những sáng tác đóng góp tích cực cho dòng nhạc Pop này … Hay như rất cần ghi nhận sự tiên phong của ban nhạc Anh Em của nhạc sĩ Anh Quân và Huy Tuấn trong việc gia nhập dòng nhạc R&B vào Việt Nam những đầu năm 2000 (album Tóc Ngắn của Mỹ Linh). Hay kế đến là công lao của Quốc Trung và Dương Thụ trong việc giới thiệu dòng nhạc New Age vào VN. Gần đây phải kể đến nỗ lực sáng tạo ở thể loại World Music của Huy Tuấn, Quốc Trung cho Việt Nam. Hay như Lê Minh Sơn với những sáng tác hay ở thể loại nhạc Dân ca đương đại …
Bên cạnh việc gia nhập những dòng nhạc hiện đại mới vào Việt Nam, những nhạc sĩ (vừa là nhạc công chuyên nghiệp trên) có đóng góp rất lớn trong việc phát triển những bản hòa âm, phối khí hay, hiện đại hơn cho những bài hát Việt Nam, kể cả những bài hát trữ tình trước 1975. Có thể kể đến những nhạc sĩ hòa âm hàng đầu như Hoài Sa, Đức Trí, Võ Thiện Thanh …
Có thể khẳng định, những sáng tác của nhạc sĩ trẻ rất mang hơi thở thời đại của các trào lưu âm nhạc thịnh hành trên thế giới. Họ đã phải nỗ lực và dấn thân trong một môi trường âm nhạc chưa chuyên nghiệp và quá nhiều thị phi ở Việt Nam, bên cạnh những thiệt thòi do sự thiếu ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ và bản quyền của người nghe nhạc Việt.
Tuy nhiên có 3 điều quan trọng nhất mà những nhạc sĩ trẻ sau này thiếu hoặc không có được so với thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước:
Thứ nhất, đó là họ không được “may mắn” sống trong một thời cuộc chiến tranh đầy biến động, đầy đau thương, vốn là một chất xúc tác vô cùng quan trọng cho cảm xúc sáng tác thăng hoa của người nhạc sĩ như những người đàn anh của họ.
Thứ hai, môi trường sáng tác của nhạc sĩ trẻ sau này không phải là một môi trường cho phép sáng tạo nghệ thuật tự do thật sự, bởi họ bị ràng buộc bởi những bộ phận kiểm duyệt văn hóa của chính quyền, cho nên chủ đề hầu hết những bài hát của họ sáng tác chỉ xoay quanh những chuyện tình cảm yêu đương đôi lứa mà thôi. Ví dụ, mình không thấy bài hát nào bây giờ viết cho người nông dân lam lũ, viết cho những người công nhân làm lụng cực nhọc với đồng lương thấp, không thấy nhạc sĩ lừng danh nào dám viết về những bài viết yêu nước chống lại giặc ngoại xâm ở biển Đông (Những nhạc sĩ trẻ khi sáng tác các bài hát ra khỏi ranh giới này sẽ bị xử lý nghiêm khắc và thậm chí bị phạt tù, như nhạc sĩ Nguyên Khang, tác giả bài “Việt Nam tôi đâu”). Hay nói cách khác, âm nhạc Việt Nam hiện nay quá thiếu những tác phẩm thể hiện cái sự thật cuộc sống, vốn trần trụi nhiều khổ đau và quanh đi quẩn lại chỉ là những bài hát về thể loại tình ca mà thôi.
Thứ ba, các nhạc phẩm mới hiện nay đa số trẻ trung, hiện đại về giai điệu nhưng thiếu cảm xúc của người sáng tác, sự sâu sắc về lời hát.
Chính những phương tiện hỗ trợ sáng tác (ví dụ như đàn keyboard kết nối máy tính với các phần mềm hỗ trợ sáng tác và phòng thu hiện đại) đã khiến thế hệ nhạc sĩ trẻ quá dễ trong việc sáng tác ra các ca khúc, đứa con tinh thần của mình. Chẳng hạn như những nhạc sĩ là những nhạc công chơi keyboard nhiều kinh nghiệm có thể dễ dàng đánh ra một giai điệu lạ, chưa từng có trước đây, dùng phần mềm ghi lại nốt nhạc, rồi sau đó họ từ từ điền lời vào trong đó. Đó chính là cách nhanh chóng tạo ra một bài hát mới hoàn toàn và thường dùng để sáng tác nhạc theo … đơn đặt hàng. Điều này dẫn đến một tình cảnh chung: các sáng tác của nhạc phẩm mới đa số trẻ trung, hiện đại về giai điệu nhưng thiếu cảm xúc của người sáng tác, sự sâu sắc về lời hát, những yếu tố chính và tiền đề để tác phẩm ấy sống lâu trong lòng khán giả.
Nhạc miền Nam trước 1975 là giai đoạn huy hoàng nhất của tân nhạc Việt Nam
Đây là một nhận xét chủ quan của mình. Tuy nhiên mình có lòng tin với những nhận xét ấy vì mình thấy ba điều thiếu hụt kể trên lại chính là những nhân tố quan trọng nhất cho việc tạo ra các tác phẩm hay, đi sâu vào trong cảm nhận người nghe nhạc và trở thành tác phẩm để đời. Thời cuộc chiến loạn và sự sáng tạo không bị giới hạn, gò bó trong môi trường tự do ngôn luận ở xã hội miền Nam trước 1975 đã cho phép các nhạc sĩ thời ấy sáng tác nhiều bài hát đề cập đến tất cả vấn đề trong cuộc sống lúc bấy giờ. Đó có thể là bài hát về tình yêu đôi lứa, có thể là về tình yêu quê hương, tiếc thương người bạn vừa tử trận, đó có thể là bài hát nói lên nỗi khát khao tự do, thanh bình cho đất nước, đó là những bài hát phản chiến (các ca khúc Da Vàng làm nên tên tuổi Trịnh Công Sơn), hay bài hát về nỗi lòng người con trai từ biệt mẹ ra chiến trường không biết ngày trở lại, thậm chí cả những bài hát kêu gọi đồng bào đứng lên chống lại cường quyền… Nhiều bài hát sống mãi với thời gian lúc ấy được sáng tác bằng thể loại nhạc Bolero, chậm buồn và giai điệu lập đi lập lại khá đơn giản, mà sau này được gọi bằng cái tên “nhạc sến”.
Có quá nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975 đã đi sâu vào lòng người và để lại dư âm đậm nét cho đến bây giờ. Mình chỉ thử liệt kê ba ví dụ mà mình cho là tiêu biểu:
– Nếu nói về một bài hát mô tả tâm trạng đau khổ vì mất mát trong tình yêu, có lẽ hiếm có bài ca nào đau đáu và khắc khoải như bài “Nữa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, được sáng tác trong một tâm trạng đau khổ tột cùng của tác giả :
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
Cho tôi về đường cũ nên thơ.
Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
Hay chỉ là giấc mơ thôi.
Nghe tình đang chết trong tôi.
Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
– Nỗi lòng của người con xa gia đình ngày Tết có ca khúc nào có ca từ hay hơn ca khúc“Xuân này con không về” :
Con biết xuân này mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa
Tết năm 2012, lần đầu tiên ăn cái Tết ở Úc (các năm khác tuy ở Úc nhưng mình toàn về VN dịp Tết), mình thấm thía biết bao giai điệu nồng nàn và từng lời của bài hát này. Nhớ nhà da diết, sáng mùng một Tết mình ngồi một mình đàn và hát bài này bên đây, thắm thía biết bao.
– Hay như những Ca khúc Da Vàng phản chiến của Trịnh Công Sơn không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn được nước ngoài biết đến. Chẳng hạn như ca khúc “Hát trên những xác người”:
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn
Trên đây mình chỉ liệt kê sơ ba ví dụ rất nhỏ để cho thấy âm nhạc miền Nam trước 1975, gồm cả dòng nhạc bolero (thường được gọi là “nhạc sến” sau này) có những tác phẩm hay, gắn liền và phản ánh cuộc sống thật lúc ấy như thế nào. Chúng đã đi sâu vào lòng khán giả và sống mãi với thời gian cho đến bây giờ.
Trong ba điều kiện thiếu và không có của các nhạc sĩ trẻ so với nhạc sĩ đi trước mà mình liệt kê ở trên, mình thấy điều quan trọng nhất là điều 2: môi trường sáng tác tự do. Mình ước gì các nhạc sĩ trẻ Việt Nam được sáng tác trong một môi trường tự do ngôn luận thật sự và không bị bất kỳ ràng buộc, giới hạn nào như các thế hệ nhạc sĩ đàn anh trước đây. Lúc đó chắc chắn họ sẽ có nhiều tác phẩm hay, đa dạng với nhiều đề tài phán ánh thật sự hình ảnh cuộc sống và sẽ đóng góp to lớn hơn nữa cho nền âm nhạc nước nhà. Được như vậy khán giả sẽ không cần phải quay trở lại nghe và thổn thức với những dòng nhạc trữ tình trước 1975 quá nhiều như hiện nay.
Để kết thúc bài này, mình thấy cần có thêm những đề tài khoa học nghiên cứu đàng hoàng và toàn diện về dòng nhạc trước 1975 nói chung và nhạc sến nói riêng, để làm rõ thêm điều mà nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long đã nói: Nên gạt bỏ ý miệt thị nhạc sến.
Melbourne, 15/9/2013.
Nguồn: Nhạc xưa và nhạc nay, Trọng Hiền. Facebook, September 15, 2013