Tiếng nói

Dương Nghiễm Mậu

tunnelHắn chết đêm hôm trước. Mãi đến buổi sáng hôm sau người ta mới biết. Hắn cố ngoi từ giường đến cửa sổ kẹp đầu vào khe hở giữa hai chấn song mà chết. Máu chảy từ miệng trào ra thành cửa, loang những đường thâm trên mặt tường vôi bẩn.

Tặng Ngô Mạnh Thu

Người ta cứ ngại làm dấu và thương tiếc một cách dửng dưng. Mấy đứa trẻ con lối xóm lấy ngón tay quệt nước bọt bôi vào chỗ máu đọng vẽ ra tường: hình ảnh một con người dang tay chân, đầu to hơn bụng, mắt tròn mồm méo. Đứa này thêm tí chân, đứa kia thêm tí tay, tí râu, tí tóc, tí đuôi, để trở thành một con vật, một con vật thực sự.

Màu máu đen khô dần dần. Rồi mấy con ruồi xanh kéo đến…rồi mùa nắng qua…rồi mùa mưa tới. Hình ảnh con vật dị kỳ vẫn dang chân, dang tay. Rồi lại có mấy người thanh niên đến ở. Những mẫu chuyện sau đây là của một người, của nhiều người đã bỏ đi – đã bỏ đi hẳn…

2

Bàn trang điểm. Nguồn: AliExpress.com
Bàn trang điểm. Nguồn: AliExpress.com

Có lẽ tôi sắp chết – tôi tự bảo tôi như thế và cho rằng mình linh cảm thấy một điều gì rất đúng không sao chạy trốn được.

Tôi muốn trở vào con đường những năm trước – thật quen thuộc. Đã mấy năm rồi? Hay chỉ mới hôm qua, hôm kia, lúc sáng, buổi chiều hay vừa xong đây. Tôi không có một chút ý nghĩ về thời gian nữa.

Con đường vẫn thế. Có phải mùa mưa đã trở về không? Ngõ gập ghềnh từng vũng nước đọng. Khoảng tường đen lầm lũi. Ngọn đèn vàng vọt làm cho những căn nhà giấu bớt vẻ đau yếu của nó. Lúc này có lẽ – ừ như tôi nhìn thấy đây này – có lẽ chị Liên đang tiếp khách. Tôi muốn nhìn thấy cái cảnh bẩn thỉu khốn nạn ấy ư? Hay là chị Liên đang gục đầu vào vai một kẻ giang hồ hò hẹn một tương lai để lừa dối cả cái hiện tại này.

Tôi nhớ ra rồi – thật rõ như lúc nãy. Buổi chiều hôm ấy tôi đã đập bỏ cái gương lớn.

– Sao em lại đập đi? Chị lấy gì mà trang điểm.
– Tôi không phải là em của cô. Tôi không là em một con đĩ được. Tôi không muốn nhìn thấy mặt tôi.

Mặt tôi bẩn thỉu nhơ nhớp đến chính tôi còn tởm tôi nói chi đến người khác. Tôi không thể sống như thế này được.

– Em còn khinh chị còn kể gì đến người ta. Bây giờ em mới nhận ra như thế sao? Chị nhận ra như thế từ lâu rồi. Kể cũng hơi muộn mằn, nhưng cũng còn được. Em có nghĩ đến sự ràng buộc của tình ruột thịt không?

– Không có gì ràng buộc con người cả. Tình ruột thịt là đối với một con đĩ sao? Cô còn muốn gì nữa?
– Không muốn gì cả. Có điều chị không có gì để tự cho là mình còn một người thân duy nhất: Thuấn là em của chị Liên. Chị đáng được che chở. Nhưng lại phải tự mình làm lấy. Chị làm đĩ nhưng chị biết chị. Em xầu hổ lắm sao?
– Vâng, tôi xấu hổ lắm. Cha mẹ khi còn sống có bao giờ nghĩ đến thế này chăng. Em không thể nào nhắc đến tên những người đã khuất ở căn nhà này được. Chẳng ai tạo ra đời sống của ta cả, ta tự tạo lấy như thế này đấy thôi. Không thể than van được. Cô hãy câm mồm đi. Cô còn nói nữa tôi sẽ tát vỡ mồm cô ra. Tôi không ràng buộc gì với cô. Cô là con hoang. Tôi là con hoang. Tôi không thể tự nhổ đờm vào mặt, nên tôi phải bỏ đi thế thôi!

Chị Liên gục đầu vào đống gương vỡ mà khóc. Đầu tóc rũ rượi như một con điên. Màu đèn đỏ cuồng loạn bay nhảy trên tường, trên trần, dưới sàn. Tôi nhớ tiếng khóc tấm tức. Tôi nhìn xuống bóng mình lầm lũi. Lúc chị Liên ngẩng lên thì tôi nhìn thấy máu trát đầy mặt; và đấy là hình ảnh cuối cùng lúc tôi xô cửa bỏ ra đường với gói quần áo trên tay.

Căn nhà ấy đây. Khuôn cửa tôi đã bước qua hôm ấy đây. Vết chân của kẻ sát nhân hình như còn hằn máu. Tôi đã cắt đứt sợi dây ruột thịt cuối cùng: Chị Liên.

Bây giờ tôi trở về đây. Tôi sẽ trông thấy trong khuôn cửa khép kín kia một cảnh mà hồi bỏ đi tôi đủ cho là nhục nhã. Tấm màn đỏ vẫn ở chỗ cũ. Chiếc bàn trang điểm vẫn ở góc phòng, màn chiếu vẫn như ngày tôi đi. Tôi nghĩ thế. Tôi trở về để làm em chị Liên.

Tôi sẽ đẩy cửa gặp chị, và tôi sẽ kể lại cho chị nghe, những kỷ niệm đau đớn hay vui tươi của ngày xưa. Tôi là em chị Liên. Chỉ có em và chị mới có những kỷ niệm về nhau và kể nhau nghe. Mẹ tôi bị Tây bắn chết lúc họ về lập tề, trong lúc thầy tôi chung sống với người dì ghẻ ở Sơn Tây. Hai ngày sau khi chôn mẹ tôi, thầy tôi mới trở về. Tôi và chị Liên khóc nhìn thầy tôi một lần khi người đứng trước linh vị, rồi chúng tôi bỏ nhà xuống bà ngoại ở cho đến khi thầy tôi đi Sơn Tây. Chúng tôi trở về với ông nội và chú thím. Mẹ tôi chết không kịp trối trăn nửa lời – và tôi chỉ còn mỗi kỷ niệm này: máu người chảy nóng trên tay tôi cho đến khi tắt thở. Người sống âm thầm từ ngày thầy tôi bỏ đi với người vợ thứ không có phép cưới, nhưng ở trong gia đình đều nín thinh và không bao giờ nhắc đến. Ông nội tôi thương con dâu có một lần thầy tôi về ông tôi giận dữ đập bể chiếc điếu Mai hạc rất quí mà mắng thầy tôi, nhưng rồi câu chuyện vẫn thế. Chúng tôi sống âm thầm khi vắng người cha. Ông nội và bà ngoại thương mẹ tôi nhiều lắm. Chú thím tôi muộn mằn chưa sinh nở nên cũng quý mến chúng tôi.

Nhưng hai tháng sau ngày mẹ tôi mất, ông nội tôi bệnh nhẹ rồi qua đời. Người nhắc lại lời lúc mẹ tôi mất: Lá xanh rụng trước lá già. Ông thương các cháu quá.

Những năm sau tiếng súng nối tiếp, người ta giết người không kịp kêu. Chiến tranh làm cho đời sống tức thở và bất trắc.

Năm giỗ đầu chú thím tôi trang trọng cúng mẹ tôi. Những người thân thuộc nhắc đến thầy tôi thật nhiều. Ngày hôm ấy tôi khóc không ăn được gì và nằm ngoài đống rơm ngủ hết đêm. Chị Liên đi tìm không thấy khóc sưng cả mắt vì lo lắng. Chúng tôi không sống thêm được bao lâu như thế thì thầy tôi trở về với người dì ghẻ, trình giá thú cho ông chưởng bạ rồi mang theo chúng tôi đi. Chú thím tôi khóc thương tiếc nhưng không sao ngăn cản được. Chúng tôi có thêm một người mẹ – mẹ kế. Người ta nói nhiều đến cảnh dì ghẻ con chồng cho chúng tôi nghe, nhưng cả hai chị em đều không tin.

Thầy tôi đi làm ở cảng mang theo chị Liên để hầu hạ. Tôi ở lại với dì ghẻ và hai đứa em. Tôi đòi theo chị Liên nhưng không được. Lần ấy tôi co vạt áo nâu của chị cắn nát một bên mà không biết.

Tôi còn nhiều chuyện buồn. Chị Liên ơi! Em kể cho chị khóc một lần.

Tôi được đi học buổi chiều, buổi sáng trông em. Tôi vẫn nhủ thầm: nó là em mình. Tôi vẫn thường bảo: Tồi quá, em có thấy anh khóc bao giờ đâu. Chúng cười và khen tôi. Tôi giặt quần áo, nấu cơm buổi sáng và rửa bát buổi chiều. Tôi làm những công việc của một người đàn bà. Dì tôi coi tôi như một đứa ở. Tôi vẫn nghĩ rằng tôi bị bà trả thù mẹ tôi. Khi mẹ tôi còn sống có lẽ vì người mà hai người không được cưới nhau chính thức nên trong giấy khai sinh hai đứa em nhỏ đều không có tên cha. Nó là con hoang và nó không được quyền chia gia tài với tôi. Tôi mong cho bà sinh thêm một vài đứa nữa để tôi nhẹ tội. Nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Tôi thương dì ghẻ vì lúc nào bà cũng cau có. Sự cau có của bà làm cho thân hình trở nên một thần tượng đau khổ.

Chưa bao giờ tôi nói với dì ghẻ về một câu chuyện gia đình. Tôi nghĩ bà ghét lắm. Nhưng người ngoài còn có thể thương được nhau, huống chi chúng tôi lại gần gụi nhau – vì có thầy tôi, vì bà là mẹ kế tôi và sống dưới một mái nhà đêm ngày đoàn tụ với nhau.

Tôi chỉ nhớ mang máng về khuôn mặt bà dì ghẻ: có một nốt ruồi bên mũi, mắt hơi lác. Tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt bà. Tôi lo, nếu chẳng may bà chết bất ngờ trong một tai nạn nào thì khó mà tôi nhận được mặt. Mỗi lần làm việc gì hơi trái ý, bà mắng tôi, tôi chỉ biết ngồi ở đầu bàn nhớ mẹ tôi, và tỏ sự tức giận bằng cách vẽ mặt một người đàn bà có một mắt lác, một nốt ruồi bên mũi và có râu ba chòm. Có những chuyện tấm tức mà tôi không biết kể cùng ai.

Có lần bà bảo tôi ăn cắp năm đồng đi ăn cháo tiết. Tôi khóc:

– Con nghĩ người ngoài còn thương được nhau. Sao dì thù con mãi. Thầy ở xa, con thì biết gì. Nhưng con không ăn cắp. Lúc chiều con thấy em bé cầm năm đồng chơi ở sân…
– Nó là con tao, nó không giống mẹ mày. Đồ ăn cắp.

Tôi hỏi:

– Sao dì biết mẹ con ăn cắp, người chết rồi. Con chưa làm được gì cả. Sao dì lại nói đến người. Cứ đánh hay cả thù con còn hơn.

Tôi gói quần áo, ngửa tay xin mười đồng để trở về với chú thím tôi.

– Cho con về quê đi chăn trâu cắt cỏ. Lạy dì cho con được về.

Nhưng tôi chả làm sao sống được theo ý mình. Tôi treo ảnh mẹ tôi trước bàn học, dì ghẻ liệng ra sân, kính bể làm nhiều mảnh nhỏ. Bà nói mẹ mày chứ mẹ tao ư mà thờ, muốn thờ thì mang vào cầu tiêu.

Tôi nhặt tấm ảnh cất vào gói quần áo để ở gầm giường và những đêm không ngủ, tôi moi ra ngắm ở ngoài lan can. Ánh đèn đường lờ mờ tôi thấy mẹ tôi buồn rười rượi…

Còn gì nữa nhỉ. Tôi nhớ nhiều lắm. Tôi nhớ ngày thầy tôi trở về quê rồi mất tích. Mãi tuần lễ sau mới tìm thấy xác trôi ở sông Đáy.

Rồi sao? Những ngày tháng về sau nhớ ngày thầy mẹ tôi mất mà không biết cúng giỗ thế nào…

Tôi sẽ mở cánh cửa kia. Chị Liên hãy tha thứ cho em và Thuấn vẫn là em chị. Chị không có gì đáng trách cả. Chị đã sống can đảm. Em là đồ hèn nhát và bây giờ em mới thấy không thể thiếu được sự ràng buộc của tình ruột thịt.

Tôi trở về để thấy mình có một người chung máu mủ với mình.

Tôi tiến lên đây, và tôi đẩy cánh cửa quen thuộc…

Thực ra thì không còn gì nữa, không còn gì nữa…Có phải thế không…

Chị Liên ơi! Sao chị không cho em nói với chị một điều hối hận. Hay chị không thấy còn gì ràng buộc vào căn nhà này nữa nên chị bỏ đi. Còn gì khốn nạn hơn khi chính những kẻ chung máu mủ còn khinh rẻ nhau.

Không. Chị không đi đâu cả, chị còn ở đây. Trong một nơi mà chị đã tìm ra hạnh phúc. Thuấn là em chị…

3

Tôi đã trở về đây. Tôi đã trở về đây rồi. Tấn ơi! Chúng ta có nhau là đủ. Tôi chỉ có một mình anh. Tôi bắt chước chúng nó đã đối với tôi. Căn nhà này đêm năm trước tôi đã để tay lên ngực anh mà bảo:

– Bạn chưa đủ. Chúng mình là anh em.
– Liệu có tin được nhau không?
– Tôi có còn ai nữa.

Đêm hôm ấy tôi không ngủ nằm nghe tiếng máy điện Chợ Quán kêu buồn, tiếng máy êm và nhẹ ấy hình như bây giờ còn vẳng bên tai.

Hồi tôi và Hoàng chung sống, nó chờ tôi đi vắng rồi ở nhà ăn cắp quần áo tôi đi. Thằng Thành đi ăn cắp bị bắt, vu cho tôi là đồng đảng. Tôi bị bắt hai tuần.

Có những bạn bè hồi thơ ấu chia nhau từng nửa cái kẹo ngày nay gặp nhau dửng dưng như kẻ xa lạ ngoài đời.

Nhiều lần đi với Tấn – Anh còn nhớ không, tôi thì vẫn nhớ như hôm qua này – tôi vẫn hỏi: có phải chúng mình sinh ra chỉ để suốt đời đi một mình hay không? Những lần như thế Tấn lại bảo:

– Thế nào là một mình?
– …là không có ai cả.

Chẳng phải như thế đâu. Chỉ tại chính mình tự tạo ra một nhà tù rồi lại tự giam mình vào đó không để ai vào thăm hỏi, chia xẻ tâm sự với mình rồi mình kêu: tôi cô độc. Anh có mấy người bạn?

– Chẳng có ai – vì có mà đều bội bạc.
– Tôi thấy bạn nào cũng tốt. Sự có mặt là cần thiết. Chúng mình ràng buộc với nhau nhờ những kỷ niệm còn thì chẳng có gì. Chúng mình hoàn toàn tự do. Bỏ nhau lúc nào cũng được. Có thấy thế không Thuấn?

Có những câu chuyện buồn đi suốt đêm kể lể cùng nhau. Hai đứa cầm chặt lấy tay nhau. Tôi vẫn nhủ thầm rằng: có bao giờ tôi rời nhau?

Thế rồi cũng đến – Tôi tỏ cho Tấn biết tôi muốn rứt sợi giây ruột thịt cuối cùng. Tấn hét vào mặt tôi:
– Đối với tình ruột thit mày còn bội bạc như thế, thì đối với bè bạn mày sẽ bội bạc ngần nào. Là bạn, tao có quyền tham dự vào đời sống của mày. Không thể như thế được. Có thể tao không còn là bạn mày…

Anh Tấn! Tôi đã trở về đây. Chúng ta phải nắm lấy tay nhau đi nốt cái đêm tối này. Tôi có bao nhiêu chuyện muốn nói với anh. Chúng ta có nhiều ràng buộc mật thiết với nhau. Cho tôi được kể. Đêm dài không hết. Tôi muốn được để tay lên ngực anh, và nói lời năm cũ:

– Bạn chưa đủ. Chúng mình là anh em.

4

Yêu là gây một cảm giác trang trí đời sống. Anh thật khốn nạn phải không Mai? Anh đã nghĩ như thế khi em yêu anh. Nhưng đến lúc em bỏ đi rồi anh mới thấy đó là một thái độ tự kiêu thật vô cùng ngu dại.

Để anh kể cho em nghe. Anh muốn viết thư cho em lắm. Căn nhà này em chưa bao giờ đến, và chắc không bao giờ đến cả. Có một khuôn cửa nhìn ra con đường nhỏ. Anh nhớ đến căn nhà hồi xưa em ở mà anh vẫn đi qua mỗi buổi tối, để nhìn qua cửa sổ thấy em ở trong ấy. Nhưng căn nhà này, qua khuôn cửa nhìn vào đây em sẽ không nhìn thấy anh. Bóng tôi vây quanh và chả có ai để đốt lên một ngọn đèn nhỏ.

Chị Liên không bao giờ trở về. Tấn không bao giờ trở về. Và em có bao giờ trở về không? Con đường ngày xưa chúng mình đi qua – anh còn như thấy rõ đây – và không ngờ đó lại là kỷ niệm cuối cùng để cho anh nhớ. Miền ấy là đất thánh của tình yêu. Trong những lúc sống, những giá trị sống của thời gian bom đạn đã gần như phá sản. Sự bất trắc của đời sống đã chẳng cho anh tin tưởng một cái gì. Đời sống chẳng là gì cả nếu nó không được trang trí…Gia đình, Bè bạn, Tình yêu có phải chỉ là cách thức gây cảm giác trang trí đời sống không? Anh muốn đuợc nghi ngờ. Chỉ biết rằng: con đường chúng mình đi qua. Tay em ấm trong tay anh. Những khoảng trời trăng sao thầm thì trên đầu. Cây cỏ lặng im.

– Anh có yêu em không?
– Sao bây giờ em mới nghĩ như thế. Gia đình, bạn bè chưa đủ. Tình yêu mới làm cho con người sống. Nhưng dù gì đi nữa thì chúng ta đừng để mất tự do.
– Có nghĩa là chúng ta tự do?
– Hoàn toàn tự do.
– Lúc nào muốn có nhau thì muốn, không thì…chẳng có gì ràng buộc ư? Không. Chúng mình ràng buộc với nhau. Có trách nhiệm về nhau. Anh có nghĩ đến tương lai không?
– Tương lai là gì? Anh muốn cái hiện tại này đã. Phải rồi, cái hiện tại này đã. Anh thật không xứng đáng chút nào.

Tại sao buổi tối hôm ấy anh lại không giữ chặt lấy vai em, hôn em và nói lời này: Anh yêu em. Và anh lập cuộc đời.

Có phải bàn tay thon nhỏ, mềm mại và ấm áp hôm nào bây giờ nằm gọn trong tay anh không? Anh đã dại dột suy tính. Tình yêu không thể đến với kẻ nào suy tính. Kẻ không có tình yêu như cây cỏ phải không em?

Em đã yêu anh để rồi bỏ đi. Em yêu thành thật. Anh đã lừa dối anh mà cho rằng yêu không cần thiết.
Đã mấy thời gian. Sự đe dọa của nhiều hình thức, cá nhân thu gọn run sợ sự ràng buộc. Những tin tưởng cần thiết chúng ta bỏ đi như tấm áo bào của kẻ sau khi chiến đấu. Rồi tự tách mình ra ngoài những liên lạc. Tự cho mình vô trách nhiệm. Tự tách mình làm thần thánh và nô lệ. Khi yêu nhau, chúng ta đang tham dự vào một tấn kịch. Đời sống là một tấn kịch liên tiếp, và chúng ta phải sống hết tấn kịch của mình. Yêu rồi lại trốn tránh, lẩn quất, từ chối tấn kịch mình đã chọn. Những lần lên đường ra đi, đi xa bằng xe lửa, đi gần bằng xe buýt trong một châu thành, hình ảnh cuộc đời như một chuyến xe. Khi nào còn bám được thì với điều kiện nào cũng phải bám lấy. Bị bỏ lại tức là không còn gì nữa.

Biển xanh. Nguồn: OntheNet
Biển xanh. Nguồn: OntheNet

Mai ơi! yêu không thể gây cảm giác trang trí đời sống. Anh muốn được cùng em trở về miền biển mặn như năm trước. Với tất cả những kỷ niệm đã sống, để nhìn thấy tóc em phiêu bồng trong những chiều gió lộng. Biển xanh là mắt em (vì mắt em làm xanh nước biển). Tiếng sóng muôn trùng nghe thấy đời đời kia là lời anh tâm sự, và anh muốn được giữ lấy đôi vai bé nhỏ, áp má mình vào má người yêu, kề môi mình vào môi người yêu. Anh sẽ nói: anh yêu em. Rồi buông xuôi hai tay. Con người chết đi nhờ những kỷ niệm ấy.

Mai ơi! Mai ơi! Anh bỏ lỡ một chuyến xe và chuyến xe ấy không bao giờ trở lại. Kìa em, sao lại khóc lúc anh trở về đây? Em đừng khóc nữa. Nước biển đã mặn quá rồi. Nước mắt có làm mất đi, xóa đi được cái gì đâu.

Điều tự hào lớn lao nhất của thời đại này là tự cho mình sự cô độc, nhưng nhất định không có anh ở trong ấy – dù anh sắp vắng mặt.

Khi yêu nhau người ta mang cả thế giới vào trong lòng. Anh muốn được sống trong căn nhà của thầy mẹ khi xưa đã sống, chị Liên đã sống, và anh viết tiếp cuốn gia phả cho con cháu chúng ta.

Bây giờ mùa đông rét mướt. Em hãy nhóm cho anh một bếp hồng. Lửa sẽ reo. Ánh đỏ rực lên ấm áp. Anh dùng quãng thời gian còn lại viết thiên anh hùng ca mà trong ấy anh ngợi ca cuộc đời, cuộc đời ràng buộc: gia đình, bè bạn và tình yêu. Người đời sau nhảy múa và ca hát mãi mãi.

Anh muốn được trở về cầm lấy tay em. Mai ơi! Tình yêu là điều tha thiết hơn hết. Cho anh được gọi tên em. Kỷ niệm. Em gọi tên anh đi cho anh sống lại. Tôi muốn sống lại làm người.

5

Có ai đấy không? Có ai đấy không? Hỡi chị Liên! Hỡi Tấn…Hỡi Mai! Mai ơi!…có ai đấy không? Thưa ông! Thưa bà! Thưa cô! Thưa anh!…Tôi biết thế nào để xưng hô cho đúng nữa – xin lỗi quý ngài, xin tha thứ cho tôi. Nhưng dù sao thì cũng làm ơn, một cái ơn cuối, nhất định là cuối: cho tôi xin một chút ánh sáng…Đây là đâu? là đâu? Tôi muốn nhìn xem tôi ở đâu và cho tôi một chút hình ảnh trước khi khép mắt lại… cho tôi xin một chút ánh sánh, một chút thôi…Sao, sao người không trả lời tôi sao? Bây giờ đêm tối dày đặc thế này, không có ánh sáng thì làm sao tôi nhìn ra cho được. Tôi mở mắt đây. Người hãy gây ánh sáng đi và nhìn vào mắt tôi này… Thôi cũng được – nếu người muốn giấu mặt – muốn tôi không còn gì nữa nhưng chết đi tôi sẽ có mãi điều này: không có gì hơn cả ngoài bóng tối dày đặc bao phủ quanh người và ở trong bóng tối ấy có hàng trăm hàng ngàn con mắt đang mở nhìn tôi, và hàng muôn bàn tay giơ ra…tôi xin các người, tôi sắp chết rồi cũng không cần những bàn tay ấy hóa kiếp cho nữa.

Cho tôi ân huệ cuối. Người không gây lên một chút ánh sáng thì xin cho tôi một chút tiếng động, một tiếng nói đi – để biết rằng chung quanh tôi này còn có sự sống – còn có hơi thở của người để gây lên tiếng nói. Ở quanh tôi là một nhà? một xóm? một hiên? một phố? hay xó chợ? cuối đường? một bệnh viện? nhưng dù sao ở đấy có sự sống, có sự hiện diện của nguời. Người hãy cho tôi một tiếng nói. Lời cầu nguyện siêu thoát lời an ủi ngọt ngào, hay không thì một tiếng dửng dưng, và hơn nữa dù là một tiếng chửi tôi cũng sẽ vui lòng. Sao, sao không thì một tiếng ho, một tiếng thở dài – bởi vì tôi chắc không ai muốn hát lúc nửa khuya này… hay không thì một tiếng khóc cũng được – cũng được…Tôi mệt lắm rồi. Không cầu xin được gì ư… người sợ sự hiện diện của người. Sợ rằng các người mang tiếng có mặt mà không cứu một kẻ sắp chết. Thôi cũng được. Hay người hãy bắt chước tiếng chó, tiếng mèo, tiếng lợn, tiếng sói, tiếng hổ, tiếng báo như mấy kẻ làm xiếc, để tôi chết không oán hận người vì: chung quanh tôi toàn thú vật.

Sao im lặng? Nếu không thì người ra dấu vậy. Người hãy gõ lên một tiếng kêu như thành cửa, chiếc thau đồng. Tôi biết giờ này không ai kéo chuông nhà thờ hay chuông chùa… dù sao thì tôi cũng cám ơn các người…

Đây là sa mạc? Giữa bể khơi? Hay khoảng trống không nào đó – hay góc nhà xác cũng nên – ôi những hình ảnh… ai kia… ai kia… ai đấy… một người nào đấy lại đến với tôi lúc này?…Ô kìa! Chị Liên! Chị Liên!…em nhớ ra chị rồi chị Liên ạ! Sao chị gầy thế kia? Chị nói đi? Chị gọi tên em đi? Đã bao lâu rồi em không còn được nghe đến một ai gọi đến tên mình. Chỉ một mình gọi lại tên mình, sờ lên da mặt mình… Chị không nói ư? Chị đừng khóc, em đã nghe em khóc nhiều rồi… hay chị giận em lắm. Chị để em nói những điều hối hận với chị và em cũng chả còn sống được là bao nhiêu… hình ảnh chị, chị ở xa em quá. Em nghĩ đến chị thật nhiều lúc này. Thuấn là em chị Liên.

Kìa sao ai nhóm lửa lên thế, tôi lác mắt rồi! Chị Liên ơi! Chị Liên! Chị đợi em với… chờ em với. Thuấn đây. Thuấn là em của chị Liên. Kìa ai thế? Không phải chị Liên… phải rồi Tấn. Tôi nhớ anh lắm Tấn ạ. Bạn bè còn được mấy người. Tôi nhớ về một triền đồi cỏ xanh bên thung lũng mùa xuân trước, chúng ta đã chạy nhảy với nhau… Rồi sao nữa? Cuộc chạy đuổi vẫn tiếp tục. Anh đừng bỏ chạy trước. Cho tôi cùng bắt đầu để tôi thấy rõ hơn: bao giờ tôi cũng bị bỏ lại phía sau. Anh chờ tôi với. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chạy đuổi. Tôi muốn có mặt. Sao? sao anh nín câm… Kìa ai trói chân tôi thế này…

Ôi biển mặn! biển mặn… Tôi đang nằm trên bãi cát. Sóng mặn đang táp vào mắt, vào mặt, vào tai… và cát nhét đầy miệng… Cho tôi nhìn thấy mặt biển. Cho tôi nhìn thấy màu xanh.

Em đi từ con đường nào đến đây? Có phải con đường ấy từ hướng mặt trời lại và ánh sáng màu lụa mịn màng dưới bước chân em. Anh muốn làm thân loài cỏ nõn nằm dưới gót chân son ấy… Em dừng lại đi. Dừng lại để cho anh cầm lấy tay em…

Kìa loài quỷ dữ, mi muốn móc mắt ta ư? Được lắm, gì cũng được. Nhưng hãy khoan để cho ta nói với chị Liên, với Tấn, với Mai. Tôi đầy những ràng buộc với mọi người yêu dấu ở trần gian. Thuấn là em của chị Liên. Thuấn là bạn của Tấn. Thuấn là của Mai, của Mai muôn đời. Tôi xin quỳ dưới chân mọi người… Cho tôi sự an ủi. Không ai lên tiếng ư… Kìa loài quỷ dữ, gì cũng được. Tôi không mãn nguyện…

6

Không một đứa nào lên tiếng. Chúng nằm chồng đống lên nhau, nhưng chắc chắn không đứa nào ngủ nổi.

Một con ruồi xanh bay vào vo ve rồi đậu xuống một đứa vật vờ như những ngọn cỏ khô trên nấm mộ bỏ quên ở một miền đất tím màu thịt trâu chết. Nó bò lần trên đường tay áo rồi dừng lại trên mắt một đứa. Con mắt trũng sâu như lỗ huyệt
Nó bò lên một vầng trán. Bước chân khấp khểnh như một kẻ lữ hành trên miền sa mạc. Nó bò dần trên vành tai nhỏ loanh quanh như tìm một cái gì, một cái gì có thể dừng lại. Rồi nó bò lên chân một đứa.

Nó giật tay đập mạnh. Một tiếng thét trên phím đàn câm. Mấy đứa choàng dậy.

– Gì đấy?
– Gì đấy?

Nó giơ một bàn tay đen lầy nhầy, nói phều phào chưa ra tiếng, và lời hỏi dồn:

– Máu?
– Máu tím?
– Ở đâu?
– Ai?

Nó chỉ xuống đàn và khẽ nói:

– Con ruồi xanh.

Mấy đứa sát lại với nhau. Giao tiếp hơi thở giữa những bàn tay lạnh giá chụm lại. Chúng nó không nói. Thảng thốt như người bất chợt nhìn lại phía sau trong đêm khuya. Như sau một chuyến đi chúng nó tin không có hy vọng cầm lấy tay nhau lần nữa.

Những ngã đường, mỗi đứa nghĩ một khác. Những phòng khách đợi nào đó? Sân ga nào đó? Góc chợ nào đó? Vỉa hè nào đó? Ôi thời gian!

Đi. Một cửa khám đường lúc khởi đầu tuyên chiến. Như mắt sáng nhìn nơi lần đầu tiên với sự sống bằng cái chết cuối cùng vĩnh viễn. Nhưng cũng có kẻ chết mở mắt.

Một đứa đứng lên. Cả lũ nhìn như níu lại. Nó run lẩy bẩy, miệng lắp bắp không ra lời. Nó đẩy cửa sổ, và thì thầm:

– Trời nhọ mặt rồi chúng mày ạ.

Nguồn: OntheNet
Nguồn: OntheNet

(Tạp chí Sáng Tạo số 31 tháng 9/1959)

Về tác giả: Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm sinh ngày 19/11/1936 tại làng Mậu Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Năm 1954 di cư vào Nam. Trước 1975, ông là một phóng viên quân đội. Ông ở Saigon đến khi qua đời vào tối 2/8/2016.

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Văn Miền Nam, Tập I, THƯ ẤN QUÁN 2009, Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam, Trang 213-229

1 Comment on “Tiếng nói