Sự định rõ đặc điểm về sự thấp kém của trí tuệ người Việt Nam của Đào Duy Anh
Le Minh Khai | Trà Mi
Trong tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương”, phát hành năm 1938 của ông, sử gia Việt Nam Việt Nam Đào Duy Anh đã cố gắng thực hiện một điều mà không một học giả Việt Nam nào trước đó đã làm. Ông đã cố viết lịch sử của xã hội Việt Nam.
Đây là một việc rất khó thực hiện, vì như đã nêu trong cuốn sách của ông, tất cả văn bản sử liệu Việt Nam đã có đến thời điểm đó phần lớn chỉ viết về chính trị triều đại. Những tài liệu lịch sử đó đã không nói tới “người dân”, và do đó rất khó để viết về một xã hội Việt Nam trong quá khứ.
Ai là người Việt? Họ từ đâu đến? Chủng tộc của họ là gì? Những đặc tính của người Việt Nam / của chủng tộc Việt Nam là gì?
Đây là những câu hỏi mà các học giả Việt Nam chưa bao giờ tự hỏi trước thời thực dân Pháp. Tuy nhiên, đây lại chính là những câu hỏi mà các nhà truyền giáo, giới cai trị, giới chức quân sự và học giả Pháp đặt ra trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX vì họ cố gắng tìm hiểu các dân tộc trong đế chế thuộc địa của họ.
Và một khi những tác giả Pháp đã hỏi những câu hỏi đó và đã viết về những gì họ đã tìm được, học thuật tại Việt Nam đã mãi mãi thay đổi.
Tại sao lại như thế? Bởi vì các học giả Việt Nam đã đọc những gì người Pháp đã viết về Việt Nam, và là dân bị trị, họ đọc những gì người Pháp viết với một giả định nào đó trong tâm trí của họ.
Tuy có thể bực bội thực dân Pháp và vì bị mất chủ quyền, các học giả Việt Nam trong nửa đầu của thế kỷ XX đã ý thức được rằng người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung có nhiều kỹ nghệ tiên tiến hơn so với Việt Nam và những thành tựu kỹ nghệ của phương Tây có liên quan trực tiếp đến cách người phương Tây suy nghĩ.
Vì vậy, khi các tác giả Pháp viết về Việt Nam, các học giả Việt Nam muốn biết những gì họ viết/biết, và tôi cho rằng rằng họ đọc các tác phẩm tiếng Pháp với cảm nhận (có thể là vô thức) là những điểm mà tác giả người Pháp đưa ra đây ý nghĩa và đáng chú ý hơn so với những điểm mà tác giả Việt Nam có thể trưng dẫn chỉ vì cách suy nghĩ của người Pháp.
Cũng như thế, hơn nữa, thực tế người Pháp đã viết về những điều mà người Việt Nam chưa bao giờ viết hoặc nghĩ tới, là dấu hiệu cho các học giả Việt Nam thấy sự độc đáo về cách người Pháp suy nghĩ, một cách suy nghĩ đã dẫn đến sự phát triển vượt trội của xã hội Pháp, khiến họ có khả năng đi xâm chiếm những vùng đất lạ, v.v.
Vì thế tôi lập luận rằng các học giả Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX đã đọc những tác phẩm tiếng Pháp với một ý thức tôn trọng và tò mò nhưng cũng có một cảm giác tự ti. Sự kết hợp của những cảm xúc đó khiến học giả Việt Nam đã tin tưởng và lặp lại những tuyên bố của những tác giả Pháp về một số thiếu sót của trí tuệ Việt Nam.
Chúng ta có thể thấy điều này trong “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh. Trong cuốn sách đó có một phần về “Người Việt Nam” thảo luận về tất cả các vấn đề nêu trên: người Việt Nam từ đâu đến, người Việt Nam thuộc chủng tộc nào, và những đặc điểm về thể chất và trí tuệ của họ.
Vì đây là những vấn đề mà các học giả Việt Nam đã chưa bao giờ bàn đến trước khi người Pháp xuất hiện, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi Đào Duy Anh dựa nhiều vào các tác phẩm của những tác giả người Pháp để thảo luận về những vấn đề này.
Ví dụ, để giải thích nguồn gốc của người Việt Nam, Đào Duy Anh dựa trên một nghiên cứu của Leonard Aurousseau, và để giải thích những thứ như những đặc điểm thể chất và trí tuệ của người Việt Nam, ông đã sử dụng cuốn “Người Annam: xã hội – tập quán, tôn giáo” (1906) của Đại tá E. Diguet.
Về sự thông minh của người Việt, Diguet viết,
“Người Annam có tâm trí tinh tế và óc tưởng tượng sống động; Tuy nhiên, trong tất cả các phẩm chất trí tuệ, ký ức của họ phát triển nhất, nhờ vào việc học (viết/đọc) chữ Hán mà ông bà và tổ tiên của họ đã thực tập từ thời cổ đại. Rõ ràng việc ghi nhớ vô số dấu hiệu khác nhau, mỗi ký tự đó đại diện cho một ý tưởng, đòi hỏi một nỗ lực phi thường của vùng này ở não.”
Sau đó ông nói thêm rằng giáo dục Việt Nam bị giới hạn trong nghiên cứu văn học, và hầu hết những tác phẩm văn học Trung Quốc và Việt Nam mà họ nghiên cứu là các tác phẩm của trí tưởng tượng. Do đó, Diguet lập luận rằng trong khi người Việt phát triển những khả năng trí tuệ của bộ nhớ và trí tưởng tượng, đây là những khả năng trí tuệ không có ích trong các lĩnh vực khoa học và công nghiệp.
Hơn nữa, Diguet cũng nói rằng khả năng trí tuệ Việt Nam về sức tưởng tượng có giới hạn của nó. Để dẫn chứng, ông nói rằng,
“Trong lĩnh vực nghệ thuật, nơi mà trí tưởng tượng có chủ quyền, người Annam đã cho thấy họ có giác quan sắc sảo về những hình ảnh tưởng tượng. Nhưng phải thừa nhận rằng, chỉ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, tất cả các quy trình công nghiệp hay nghệ thuật của họ đều là những vay mượn từ Trung Quốc, một lần nữa, đó là nguồn cảm hứng của họ.”
Nói cách khác, trong khi Việt Nam có một óc tưởng tượng phát triển tốt, họ chỉ tưởng tượng theo những tư tưởng và tập quán mà họ đã học được từ Trung Quốc, và do đó trí tưởng tượng của họ có phẩm chất thấp hơn so với Trung Quốc.
Bây giờ chúng ta hãy xem Đào Duy Anh đã viết những gì về tâm thức Việt Nam.
“Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, mà giàu trực giác hơn luận lý.
Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực [23] tiến hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm.”
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ của những ví dụ khác có thể được tìm thấy ở cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh. Tuy nhiên điểm chính ở đây là chúng ta có thể thấy rằng Đào Duy Anh căn bản đã chấp nhận những mô tả tiêu cực về người Việt Nam của một nhà văn Pháp.
Tại sao ông ấy làm như vậy? Trước hết, viết về những đặc điểm của trí tuệ Việt Nam, cũng như nghiên cứu lớn hơn – lịch sử của xã hội Việt Nam mà đề tài này là một phần – là tất cả những chủ đề mà người Việt Nam đã chưa khi nào viết/thảo luận trước thời kỳ thuộc địa.
Như vậy, Đào Duy Anh đã cố gắng để làm một điều gì đó mới. Và tại sao ông chọn để viết về chủ đề này? Bởi vì đây là những gì các nhà văn Pháp đã viết, và ông tin rằng về khả năng trí tuệ của họ, người Pháp đã vượt trội so với người Việt Nam.
Người Pháp đã phát triển xã hội của họ theo những cách mà người Việt Nam đã không làm, không có, và khả năng của người Pháp trong việc xây dựng một đế quốc thực dân ở Việt Nam là một dấu hiệu rõ ràng về điều đó vì nó cần một cách suy nghĩ mà Đào Duy Anh tin rằng, người Việt Nam đã không có.
Do đó, học theo cách người Pháp quan sát và viết về thế giới và để bắt chước Pháp là điều hợp lý. Và khi làm như vậy Đào Duy Anh thấy người Pháp đã xác định một số điểm yếu của trí tuệ Việt Nam cũng rất hợp lý đối với ông.
Cuối cùng làm sao người ta có thể giải thích được chế độ thực dân của Pháp nếu người Việt Nam không thua kém người Pháp? Đào Duy Anh tin chắc rằng Việt Nam đã thua kém. Người Việt Nam không giỏi ở những phương diện đã làm cho Pháp vĩ đại, như nghiên cứu thực tiễn và tư duy hành động thực tiễn.
Và người Viêt Nam đã chú ý quá nhiều đến các vấn đề không thực tế, như nghiên cứu văn học chẳng hạn.
Tuy thế, không có đặc điểm trí tuệ nào của người Việt có mà không thể thay đổi được, và Đào Duy Anh đã viết rõ ràng trong cuốn sách rằng ông cảm thấy xã hội Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể qua việc tiếp xúc với người Pháp.
Tuy thực sự những điều đó đã xảy ra, ý tưởng của một sự phân đôi giữa Pháp theo logic hơn và một Việt Nam nghiêng về văn học hơn như những nhà văn Pháp như Diguet đã cho là vậy, và là nhưng gì Đào Duy Anh đã lặp lại, và tiếp tục cho đến ngày nay vẫn thấy còn trong các tác phẩm của các nhà lý luận văn hóa như Trần Ngọc Thêm.
Chỉ khác ở chỗ, hôm nay, sở thích văn học, thơ ca của Việt Nam lại được xem là một đức tính tốt hơn là một dấu hiệu của sự thua kém, vì sự thiếu logic này được đặt làm phản diện một sự quá logic của một phương Tây được cho là bóc lột và thống trị.
Tuy nhiên, nó vẫn là sự lưỡng phân nhị thức giữa một phương Tây duy lý và phương Đông ít duy lý hơn. Dó là, đó cũng là cái nhìn của thực dân Pháp sau khi quan sát thế giới.
© DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Đào Duy Anh’s (French) Characterization of Vietnamese Intellectual Inferiority. Le Minh Khai, Le Minh Khai’s SEAsian History Blog. December 9, 2016.
PHÂN TÍCH NĂNG LỰC TRÍ TUỆ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Vừa rồi có bài viết của tác giả Lê Minh Khai / Trà My trên DCVOnline 10/12 mà tôi cho là nghiêm túc, cần thiết và thú vị. Bài viết phân tích nhận định của nhà sử học Đào Duy Anh rất nổi tiếng trước kia về quan điểm của ông ta đối với năng lực trí tuệ của con người Việt Nam. Tựu trung Đào Duy Anh không giấu được mặc cảm trí tuệ người Việt Nam thua hẳn trí tuệ của người Pháp lúc đó hay nói chung là trí tuệ người Việt Nam Á Đông thua hẳn so với trí tuệ người phương Tây trong thời đại của mình. Tác giả họ Đào không những đưa ra quan điểm còn phân tích và đánh giá nhận xét đó qua các dữ liệu cụ thể của lịch sử quá khứ Việt Nam mà nhiều điểm ai đọc đến kể cả ngày nay cũng có thể bị thuyết phục.
Vậy thực chất vấn đề đó ở đây là gì, chính là ý nghĩa cùng các dữ liệu nên được phân tích.
Để trả lời cho vấn nạn này trước hết phải nhận định ý nghĩa của trí tuệ chung là gì và ý nghĩa của trường hợp trí tuệ người Việt Nam ra sao. Thật ra nói về khía cạnh con người nói chung trên toàn thế giới này thì vẫn đề của trí tuệ cũng chỉ là vấn đề chung. Nó chỉ phân biệt nơi các khía cạnh đặc thù nào đó còn bản chất và nguyên lý hoạt động thảy đều như nhau tức là ngang nhau. Bởi trí tuệ trước hết là hoạt động sinh học óc não, sau đến năng lực tư duy nhận thức, và cuối cùng mọi thành quả nhận thức đi kèm theo đó mọi loại. Có nghĩa cơ bản của trí tuệ là do năng lực cá nhân, chủng tộc và hoàn cảnh chỉ thêm vào mà không phải là điều gì ghê gớm cả. Đặc biệt học thuyết Mác chỉ nhìn mọi việc ở khía cạnh giai cấp kinh tế chỉ là điều mê tín và mù quáng lạc hậu không thể chấp nhận hay không thể tán dương được.
Từ trên cơ sở đó, mọi người có thể thấy trí tuệ tự nó không thể có được nếu không có đào tạo hay giáo dục. Năng lực trí tuệ hay khả năng thông minh của mỗi người có thể phần nào do bẩm thụ tự nhiên, tức bẩm sinh do di truyền, nhưng căn bản chính nơi mọi thành tựu của nó không ngoài học vấn và kinh nghiệm sống. Bởi đó có hai khía cạnh chính của trí tuệ là khía cạnh năng lực giải quyết các vấn đề trong thực thế và năng lực tưởng tượng và sáng tạo. Cũng trên cơ sở đó mà ý nghĩa trí tuệ của cá nhân luôn không thoát lý khỏi hoàn cảnh sống và mọi truyền thống lịch sử sinh hoạt vốn có của dân tộc mình. Đây cũng là cái mấu chốt tạo ra sự mặc cảm nào đó của tác giả họ Đào về khía cạnh trí tuệ có phần thấp kém hơn của người Việt Nam so với người Pháp thời đó đã được thể hiện trong cuốn sách “Việt Nam Văn Hóa Sử Cương” như tác giả từng thể hiện. Nói chung cơ bản của cuốn sách này đều do kết quả của ông Đào Duy Anh đọc từ các tài liệu tiếng Pháp do người Pháp viết, tài liệu cổ Hán Văn từ người Tàu, còn các sách của người Việt Nam thời đó nói chung cũng như trước kia hoàn toàn quá ít. Do đó trong đó chỉ có nhận xét về trí tuệ của người nước ngoài đối với người Việt Nam mà không hề có nhận xét ngược lại, do đó ông Đào cũng cảm nhận được nhận thức của người nước ngoài về phần nào đó sự yếu kém của trí tuệ người Việt Nam đương thời mà không có chiều nhận xét ngược lại.
Có nghĩa ngay từ thời đó và đến nay cũng thế, nhiều tác giả người Pháp đều nhận thấy khi ấy đều nhận ra người Việt Nam chỉ hướng tới văn học, sự thưởng ngoạn nghệ thuật, còn trí tuệ sáng tạo hay khám phá mặt kỹ thuật và khoa học thực tế thì thua xa người phương Tây hay hoàn toàn không có. Ở đây thử phân tích thêm khía cạnh đặc điểm này.
Nói cách khác khi so sánh trí tuệ của người Việt Nam và người Pháp thời đó cũng nên so sánh truyền thống lịch sử của người phương Đông và người phương Tây nói chung lúc đương thời. Cần phải thấy cái nôi văn minh của phương Tây là cổ Hy Lạp và vùng Trung Á, còn cái nôi của văn minh Á Đông không đâu khác là từ Trung Hoa và Ấn độ.
Nhưng ta biết vùng Trung Á chủ yếu là sa mạc của khí hậu nhiệt đới gắn với kinh tế du mục. Khung cảnh sa mạc và trời đêm đầy sao đó cũng chính là khởi nguồn cho cảm hứng trí tuệ nhiều dân tộc ở đây không thể không nói đến. Hy Lạp ngược lại là xứ sở của biển cả và đồi núi chen lẫn nhau. Nhưng trí tuệ của người phương Tây được bắt nguồn từ cả hai cái nôi chung đó, do vậy họ thiên về hàng hải, về thương mại, về khoa học kỹ thuật mọi loại ngay từ đầu cả về sau này như một truyền thống thống nhất từ đầu hướng về thực tiển, khai phá, khám phá tư duy trừu tượng là mặt mạnh luôn luôn của họ mà người Á Đông không thể nào bì được.
Ngược lại, chủ yếu cái nôi trí tuệ của Trung Hoa là nền nông nghiệp định cư chăn nuôi gia súc và trồng lúa nước. Ấn Độ thì chủ yếu là rừng rậm, nên tư duy của người Trung Quốc và Ấn Độ đều hướng vào suy tưởng nội tại, ít hướng ra ngoại cảnh, nó khó làm phát triển về mặt trí tuệ khoa học kỹ thuật ngay từ đầu với nền tảng tư duy thuần lý của người phươn Tây mà cả đến ngày nay mọi người cũng đều nhận rõ. Mặc dầu Trung Hoa và Ấn Độ cũng đều có núi cao, sông dài, biển rộng, nhưng nói cho cùng bầu trời rộng mở cũng không thể nào bằng các xứ sa mạc hay hay kiểu đất đai giữa và tiếp cận biển mà cái nôi văn minh phương Tây vốn có. Trường hợp Việt Nam cũng không thoát ly ra khỏi bối cảnh của nền văn minh lúa nước nông nghiệp như Trung Hoa và Ấn Độ cũng là điều dễ hiểu.
Có nghĩa từ khi được tiếp cận với truyền thống văn minh phương Tây mang đến, Trung Hoa và Việt Nam có phát triển hơn, nhưng vẫn không thể bằng Nhật bản hay Do Thái vì hoàn cảnh Do Thái chủ yếu là sa mạc còn Nhật bản chủ yếu là biển đảo, đó là nền tảng sức mạnh về tư duy trừu tượng của họ mà Việt Nam và Trung Quốc không thể nào bì kịp. Có nghĩa hoàn cảnh địa lịch sử, hoàn cảnh truyền thống kinh tế ngàn đời, đó cũng chính là những yếu tố quyết định cho khuynh hướng trí tuệ mỗi cá nhân vẫn là sự khách quan như trên kia đã nói.
Đó cũng là lý do tâm lý Trung Hoa và tâm lý Việt Nam vẫn thường xuyên là tâm lý thụ động và cảm tính nếu so với tâm lý người phương Tây nói chung là tâm lý hoạt động và tâm lý lý tính là điều ai cũng nhận thấy được. Như khi chủ nghĩa mác xít cộng sản khi được úp chụp lên các nước phương Tây chỉ trong thời gian nhất định là liền bị họ gở bỏ. Trong khi đó khi vào Trung Hoa và Việt Nam thì dường như nó có vẻ mút mùa lệ thủy, đó cũng không ngoài sự kết liên chặt chẽ giữa tâm lý chung người Trung Hoa, Việt Nam và tâm lý truyền thống cảm tính và thụ động mà mỗi dân tộc đó vẫn có.
Đó cũng là lý do tại sao ngày xưa học thuyết Khổng tử khi truyền bá vào Việt Nam nó liền bị chết dí ở đó không còn thể nào thay đổi được nữa. Đó cũng là ý nghĩa của mọi cái học từ chương, học kiểu thầy đồ về sau mà suốt cả ngàn năm dân tộc Việt Nam không thể nào thoát ra được. Mặt mạnh của tư tưởng Khổng Mạnh là mặt nội tâm, song mặt yếu của nó là mặt trì trệ lạc hậu về cơ cấu xã hội thụ động, đó là điều làm chậm lụt dân tộc Việt Nam cho tới khi bị thực dân Pháp qua đô hộ cai trị. Đó chính là điều mà Đào Duy Anh đã nhận thấy và nhất là nhà ái quốc Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu càng nhận thấy rõ hơn nữa.
Vậy thì kết luận lại, trí tuệ của người Việt Nam không thể ngu hơn trí tuệ của người Pháp, người Đức hay người Nga mà thực chất cái ngu hơn nếu có nào đó chẳng qua vì hoàn cảnh lịch sử địa lý, hoàn cảnh kinh tế xã hội, nhất là chính sách và quan điểm đào tạo giáo dục trực tiếp đối với con người. Chính sách của văn hóa Trung Hoa khi du nhập vào Việt Nam chỉ tạo ra tâm lý tuân phục và an bài cũng như thụ hưởng các mặt theo ý nghĩa cảm tính của xã hội phong kiến. Khi văn hóa người Pháp du nhập, nó chỉ tạo nên tâm lý thuần phục người Pháp, văn minh Pháp, kết hợp với tâm lý não trạng phong kiến thời cũ trước kia còn sót lại. Khi chủ nghĩa mác xít du nhập vào Việt Nam cũng không đi ra ngoài được vết mòn đó, tức tạo ra tâm lý thụ động, chấp nhận mà không phê phán, tâm lý làm theo tuân theo mà không nhận thức linh hoạt gì khác. Như vậy tất cả mọi điều đó xảy ra phải chăng chỉ do trí tuệ người Việt Nam là yếu kém như Đào Duy Anh từng cảm nhận hay do vì nguyên nhân nào khác là điều mà mọi người Việt Nam ngày nay phải cần suy nghĩ.
Thật ra ngay cả khoa học kỹ thuật dù xây dựng trên các nguyên tắc thuần lý thuật sự, nhưng đó cũng chỉ là truyền thống lịch sử, là thói quen của ý thức, không phải bản chất của não trạng mang tính cách tiên thiên nào đó mà chỉ dân tộc này có còn các dân tộc khác thì không có được. Một quan niệm mặc cảm như thế là hoàn toàn sai lầm và thậm chí nó còn mang tính lạc hậu và phản động. Từ đó cũn thấy rằng trí tuệ của mọi dân tộc trên thế giới là như nhau, ít ra là mặt nguyên lý hoạt động và phẩm chất, nhưng chỉ khác nhau về truyền thống lịch sử, về kinh tế xã hội và đặc biệt là nền tảng giáo dục thế thôi. Xã hội Việt Nam ngày xưa chuộng từ chương, chuộng nghệ thuật là chính, bởi vì nền giáo dục thụ động, bắt chước Trung Quốc và chủ yếu chỉ đặt nền tảng trên tình cảm, trên cảm tính mọi loại. Chính nhận thức và ý thức trì trệ đã tạo nên những não trạng, những trí tuệ kiểu trì trệ mà không gì khác. Hoàn cảnh thực tế hiện đại của Việt Nam gần thế kỷ qua cũng không thoát ra khỏi được điều đó, đó thật là điều đáng tiếc. Nên nói cho cùng tâm lý tiếp tục làm phát sinh ra tâm lý, não trạng tiếp tục đẻ thêm ra não trạng, trí tuệ ở mức độ nào đó tiếp tục tạo ra trí tuệ cũng chẳng gì hơn mức đó. Toàn bộ những thực trạng đó chỉ là do hoàn cảnh, do giáo dục, do đào tạo, do tâm lý ý thức nhận thức quyết định mà không phải do bản chất tự nhiên của trí tuệ quyết định. Cái sai lầm của Việt Nam là do từ thời kỳ nhà Nguyễn mạt, trong khi đó Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản thì sáng suốt không vấp phải sự sai lầm đó nhờ vậy mà chỉ non thế kỷ sau là Nhật Bản đã vươn lên tầm thế giới. Điều đó đâu có nói lên được là trí tuệ người Việt Nam thua trí tuệ người Nhật Bản, người Do Thái hay người Đức, mà chỉ nói lên được truyền thống tâm lý ý thức của người Việt Nam từng chưa bằng được truyền thống nhận thức và tâm lý ý thức các dân tộc trên về nhiều mặt, trong nhiều giai đoạn lịch sử quá khứ là như vậy. Thế thì trí tuệ không gì khác hơn là năng lực tiếp thu, tiềm lực phát triển về mặt tư duy thuần lý, thông qua giáo dục và đào tạo là nguyên tắc chính yếu. Tư duy khoa học, tư duy triết học nói chung đều là tư duy thuần lý. Người Việt Nam ngày nay ở nước ngoài không hề thua kém người nước ngoài về các ý nghĩa tư duy thuần lý trong lãnh vực khoa học mà cụ thể là toán học hay khoa học thực nghiệm nói chung. Song trong nước tại sao người Việt Nam vẫn cứ luôn luôn yếu kém về mọi mặt tư duy thuần lý. Ngay như trí tuệ toán học kiểu Ngô Bảo Châu một thời nổi tiếng, đó cũng không phải được đào tạo trong nước mà ở nước ngoài. Nhiều nhà khoa học toán học nổi danh khác cũng là như vậy. Riêng não trạng tư duy thuần lý của nhà nghiên cứu triết học Trần Đức Thảo trước đây lại không được như vậy. Bởi ý thức tâm lý nhận thức của Trần Đức Thảo không thoát ra khỏi được não trạng thụ động nhiều mặt, não trạng bắt chước mà tâm lý người Việt Nam vốn luôn có, đó là lý do tại sao bản chất của ông Thảo chỉ là người mác xít thuần thành một thời, nó thua hẳn cả tâm lý ý thức của một Đào Duy Anh, một Trần Trọng Kim, chưa nói gì đến một Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh hoàn toàn khác biệt ngay cả ở thế hệ trước của ông ấy. Đó chính là điều để cho mọi thế hệ trẻ sau này phải nhận ra được điều đó và phải tìm mọi cách để thoát ra khỏi mọi não trạng đã và đang bị nhồi nhét nặng nề trong quá khứ lẫn cả trong hiện tại cả về mặt ý thức tâm lý nhận thức cũng như cả về mặt trí tuệ vốn chỉ là kết quả tự nhiên nhất định của tất cả mọi điều đó.
THƯỢNG NGÀN
(11/12/16)