Hòa hợp và hòa giải

Thanh Tran

30475Hy vọng rằng người dân Việt Nam có thể từ từ làm hòa vói nỗi sợ của chính mình để xua tan cái ác đang thống trị họ. Theo tôi đó chính là một loại “hòa hợp” thực tế hơn mà chúng ta có thể bàn tới trong lúc này.

Hình: 1 April 1975 – Lưới chuyển hàng đưa người tị nạn lên tầu SS Pioneer Contender ở bờ biển, sau khi thành phố Đà Nẵng sụp đổ; Phải mất tám giờ để đưa khoảng 6.000 người tị nạn lên tầu. Nguồn: Peter O'Loughlin / AP
Hình: 1 April 1975 – Lưới chuyển hàng đưa người tị nạn lên tầu SS Pioneer Contender ở bờ biển, sau khi thành phố Đà Nẵng sụp đổ; Phải mất tám giờ để đưa khoảng 6.000 người tị nạn lên tầu. Nguồn: Peter O’Loughlin / AP

Những năm trước không có Facebook thì ngày 30/4 đối với tôi cũng như bao ngày khác mà thôi. Nhưng dạo này cho dù không muốn nhớ tới cũng không được. Bạn bè, người thân, không cách này hay cách khác cũng viết cái gì đó liên quan. Tình cờ hôm qua lại coi trúng phim “X-Men: Days of Future Past” lại có nhiều cảnh về chiến tranh Việt Nam và về hiệp định Paris 1973. Trong phim, Wolverine trở ngược lại quá khứ (1972) nhằm thay đổi hiện tại là cuộc chiến tàn khốc giữa người và “mutants” đang có cơ nguy dẫn đến diệt vong cho “mutants”. Phim ảnh hay ngoài đời cũng vậy, chúng ta có những lúc ao ước trở lại quá khứ hòng thay đổi một hiện tại không như ý. Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ. Chúng ta có thể quên đi hoặc thậm chí làm hòa với quá khứ nhưng không thể nào trốn tránh hiện tại. Đối với tôi thì câu chuyện hòa hợp hòa giải liên quan tới chiến tranh Việt Nam cũng chỉ là vậy mà thôi. Nói tới chuyện này thì lại nghĩ tới những kỷ niệm thời thơ ấu.

Hồi còn nhỏ ở Việt Nam, tôi có một thằng bạn rất thân ở sát nhà và đứng trên phương diện khác biệt của “Nam-Bắc” thì chắc không còn gì rõ ràng hơn. Tôi là con của “ngụy”. Nó là con của gia đình “có công với cách mạng”. Ba tôi là sĩ quan cảnh sát của miền Nam. Ba nó là cán bộ tập kết ở miền Bắc. Gia đình tôi đi xe đạp cà tàng thì gia đình nó có xe hơi đưa rước (vào thập niên 70-80 thì đúng là hiếm không như bây giờ). Ba tôi tu nghiệp ở Mỹ trước 75 thì ba mẹ nó tập huấn ở Liên Xô sau 75. Nhưng giữa tôi và nó thì đúng là rất thân. Nó chia sẻ với tôi từng cục kẹo, đồ chơi, tạp chí màu sang trọng (so với giấy báo Nhân Dân đen đủi rẻ tiền) của Liên Xô và những thứ mà vào thời đó chỉ có gia đình cán bộ như ba mẹ nó mới có. Thậm chí ngay cả những chuyện tranh nhi đồng đánh giết “Mỹ Ngụy” nó cũng chia sẻ với tôi. Nghĩ lại thì thấy oái ăm thiệt nhưng hồi còn nhỏ thì có biết cái gì đâu ngoài “bác Hồ vĩ đại”. Tôi qua lại nhà nó mà chẳng e ngại gì. Nhiều lúc bà nó đi chợ khóa cửa bỏ nó lại một mình, tôi và nó cứ thế mà leo hàng rào trèo qua nhà của nhau chơi. Trong xóm làng chài chỉ có nhà nó là có cái TV đen trắng và tôi thì có thể tự nhiên mở cửa qua nhà nó lúc nào có chương trình để coi mà không cần hỏi han hay xin phép. Đúng là xét theo lý thuyết, quan điểm của chủ nghĩa cộng sản thì giữa gia đình tôi và gia đình nó có sự phân biệt của giai cấp rất rõ ràng nhưng thực tế giữa hai gia đình thì chẳng có gì gọi là đấu tranh giai cấp mà chỉ là tình nghĩa hàng xóm. Có đấu tranh thì tôi ủng hộ đội Hà Lan còn nó ủng hộ đội Liên Xô trong Euro 1988 hay ba tôi cãi với ba nó là máy bay chiến đấu F gì đó của Mỹ hơn MiG của Liên Xô.

Có lẽ cái tình nghĩa hàng xóm chắc cũng một phần do bà nội của nó tạo ra. Bà nó thì đúng là cũng như bao bà mẹ anh hùng ở xứ Quảng. Quê nội nó hình như ở Tam Kỳ. Cả gia đình bà nó ngoài đứa con út ra thì tất cả đều tập kết ra Bắc theo cách mạng. Ông nó chết đâu đó trong thời kỳ chiến tranh còn một ông chú thì bị cưa một chân vì bom đạn. Chú út của nó chắc vì bà mẹ muốn có ai ở bên cạnh nên lại đi lính cho VNCH. Nghe đâu cũng bị đi “cải tạo” nhưng được thả ra sớm nhờ gia đình. Những người mẹ như bà mới thấm thía hết tất cả những đau thương mất mát vô bờ của chiến tranh để không phân biệt trong cách đối xử giữa người và người. Mỗi lần giỗ chồng bà đều kêu nó gọi tôi đưa qua một mâm cỗ nhỏ để chia sẻ. Nó và tôi như là một cái cầu nối giữa hai ý thức hệ. Sau này khi bà mất, ba của nó vẫn âm thầm thắp hương trước cổng nhà vào ban đêm. Người cộng sản trong ông không phải là người của cải cách ruộng đất đấu tố ngay cả cha mẹ, anh chị em mình.

Trở lại đề tài chính của hòa hợp hòa giải, theo tôi đó là một câu hỏi dư thừa không đáng để đặt ra vào lúc này. Vì hiện tại vẫn còn đó, cái ác vẫn còn đó, thử hỏi cái quốc nạn chính còn chình ình ra trước mắt chúng ta như vậy thì làm thế nào để đến với nhau? Những người lính của VNCH hay bộ đội của miền Bắc có thể làm hòa với nhau nhưng làm sao chúng ta có thể làm hòa với một xã hội Việt Nam hiện tại do đảng lãnh đạo? Quên đi ư? Làm sao quên khi họ vẫn ăn mừng chiến thắng rầm rộ mỗi năm? Làm sao quên khi hiện tại là tiếp diễn của một quá khứ của bạo lực và độc tài? Làm sao tôi có thể hòa hợp với anh khi anh hiện tại vẫn khăng khăng là “giải phóng” tôi còn tôi thì phải liều mình trốn chạy? Anh “giải phóng” tôi sao lại bỏ tù tôi? Người ta chỉ có thể làm hòa với quá khứ khi quên nó đi hoặc là khi đã đem nó ra tự do mổ xẻ. Cái hoàn cảnh hiện tại của xã hội Việt Nam rõ ràng không phải là môi trường tốt cho chuyện đó. Ngược lại, nó chính là một thực tại làm chúng ta không thể nào quên đi được quá khứ và là một sự dối trá được hậu thuẫn bởi bạo lực mà không có chổ đứng cho tự do.

Giải phóng, Đại thắng? Nguồn: OntheNet
Bích chương Giải phóng, Đại thắng dán đầy đường như tủ lạnh chạy đây đường ở Hà Nội 40 năm trước. Nguồn: OntheNet

Nội chiến ở Việt Nam làm chúng ta hay liên tưởng tới nội chiến ở Mỹ và so sánh với cách họ hòa giải với nhau sau chiến tranh rồi tự hỏi tại sao đảng Cộng sản Việt Nam không làm được như vậy. Nhưng chúng ta quên đi một điều là cách và mục đích mà đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành chiến tranh nó không giống như của người Mỹ. Hậu chiến của của nội chiến Mỹ là một nước Mỹ vẫn với những đặc tính vốn có mà những cha đẻ của hợp chúng quốc đã tạo ra. Thêm vào đó còn là một nước Mỹ tốt đẹp hơn khi không còn nô lệ. Đó chính là một hiện tại không khó để làm hòa. Vậy hậu chiến của chiến tranh Việt Nam là gì? Đó chính là sự tiếp diễn của một chế độ độc tài toàn trị thì làm sao chúng ta có thể trông mong đảng làm khác những gì mà họ đã làm để giành được chính quyền? “Học tập cải tạo” ở miền Nam là chuyện tự nhiên vì nó chỉ là sự tiếp diễn của chuyện tương tự đã xãy ra ở miền Bắc trước đó. Họ giành được chính quyền nhờ hô hào lòng hận thù và đàn áp tự do một cách triệt để thì làm sao họ có thể cầm quyền bằng cách khác? Hiện tại của xã hội Việt Nam do tiếp nối của quá khứ đó chắc chắn chúng ta nhất quyết không thể nào “hòa hợp và hòa giải” được.

Trong phim X-Men, Hank hay Beast (người thú) có nói một câu đại khái là chúng ta không thể thay đổi được những gì sẽ phải đến và ví von những nổ lực để thay đổi nó như là một viên đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng. Viên đá có thể làm mặt hồ gợn sóng như rồi sau đó thì mặt hồ vẫn sẽ trở lại như cũ. Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam cũng như là một hòn đá gây chấn động cả mấy chục năm qua và còn có thể lâu hơn nữa nhưng rồi nó cũng sẽ qua đi trong một tương lai gần hơn để trả lại cho người dân Việt Nam một xã hội tự do và an bình hơn. Hy vọng rằng người dân Việt Nam có thể từ từ làm hòa vói nỗi sợ của chính mình để xua tan cái ác đang thống trị họ. Theo tôi đó chính là một loại “hòa hợp” thực tế hơn mà chúng ta có thể bàn tới trong lúc này.

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Hòa hợp và hòa giải. Tranh Tran, Facebook, May 1, 2015