Thôi đừng khóc nữa An ơi!

Trịnh Bình An

thuongtiecTôi không thể kể hết nổi những đoạn văn, đoạn thơ đã khiến tôi rơi lệ. Những câu chuyện tưởng chừng như đã qua rồi mà lại bùng lên như vết thương khô vỡ toác.

Những bước chân theo hàng mộ. Nguồn: REUTERS/Eloy Alonso
Những bước chân theo hàng mộ. Nguồn: REUTERS/Eloy Alonso

Tôi làm cái nghề phải khóc.

Đó không phải là nghề diễn viên điện ảnh hay kịch nói.

Chỉ là giới thiệu sách. Những cuốn sách được tôi đọc rồi viết tóm tắt thành một bản tin ngắn. Đủ để biết sơ lược nội dung cuốn sách, tiểu sử tác giả.

Có nhiều cuốn sách về Chiến Tranh Việt Nam.

Rất nhiều!

Vâng, đất nước tôi đã trải qua hàng ngàn năm chinh chiến, nhưng không có cuộc chiến nào bi thảm bằng cuộc chiến nồi da xáo thịt Bắc-Nam mà kết quả là thảm trạng chết chóc, tù tội, và hậu quả đau thương kéo dại tới tận khi tôi gõ những dòng chữ này.

Tôi đã chẳng khóc trong 10 năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Lúc đó, tôi là một đứa trẻ mới lớn, hồn nhiên tràn đầy nhiệt tình với lý tưởng xây-dựng-đất-nước-đã-hết-chiến-tranh.

Ôi, đứa nhỏ có biết gì về chiến tranh đâu mà biết hết hay không hết!

Có biết gì về người lính đâu để biết chết hay không chết.

Để rồi bây giờ, đọc những dòng thơ mà rơi lệ.

Bây giờ cỏ đã xanh và đất đã khô
bây giờ người đã xa và người đã quên
không ai còn thì giờ để nhớ hoài về một cái chết
không ai còn thì giờ để nhớ đến một người đã chết
phải thế không – phải thế không Hoài Lữ?

bây giờ thịt đã tan và xương đã mục
thịt và xương nào có nghĩa gì đâu
khi đời người giá trị bằng viên đạn ba đồng năm cắc
phải thế không – phải thế không Hoài Lữ?

bây giờ cỏ đã mấy lần xanh, gỗ đã mục và áo quan đã cần phải được thay
và mày cũng muốn yên thân (ngậm bồ hòn mà yên thân)
vì đời đã xa và đời đã quên
phải thế không – phải thế không Hoài Lữ?
(trích Du Tử Lê, “Nói Với Anh Hùng”)

Bài thơ được làm từ năm 1965. Vẫn chưa phải là năm khốc liệt nhất. 1968, 1972, 1975, và thêm nữa … 1989 … và thêm nữa … thêm đến bao giờ?

Tôi không thích khóc chút nào, mắt tôi không thể khóc thả dàn như hồi mới lớn. Khóc nhiều sẽ đau mắt, sẽ nhức đầu. Cần làm như Nguyễn Khuyến “tuổi già hạt lệ như sương, hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.” Vậy mà sao tôi cứ khóc mùi mẫn?

Nước mắt nhiều hơn khi sách đọc nhiều hơn.

Ban đầu, vài cuốn sách, không đủ để nhìn thấy, không đủ để cảm nhận. Càng đọc thêm, vỡ ra, càng đọc càng thấy mọi thứ dần sáng tỏ. Những dáng người, như mọc lên dần dần, đủ hình đủ dạng, đủ tâm tư, đủ tình cảm. Bức ảnh chỉ ba chiều mà chất chứa ngàn thương đau.

Tôi nghĩ tới những người anh, những người chị.

Có chị vừa mới đính hôn, chưa được gần chồng đã phải chôn chồng.

Cô Gái ấy cùng với cha mẹ hai bên đến nghĩa trang, chứng kiến an táng người yêu là trung úy thuộc binh chủng Biệt Động Quân vào ngày 27 tháng 4 năm 1975. Cô Gái ấy nói rằng, hai bên gia đình đã chuẩn bị xong lễ cưới của cô với chàng trung úy vào đầu tháng 5 năm 1975, nghĩa là chỉ vỏn vẹn đúng một tuần lễ sau đó. Nỗi buồn quá lớn, nỗi buồn của người con gái chưa về nhà chồng mà chồng đã hy sinh! Tang lễ xong, gia đình hai bên rời khỏi nghĩa trang, nhưng Cô trốn ở lại để được ngồi yên bên mộ người chồng sắp cưới của cô. Cô Gái tâm sự:

“Từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe nhà binh chở xác về nhiều lắm. Thân nhân tử sĩ, cùng với những người dân chạy vào nghĩa trang để trốn Việt Cộng. Lúc đó nghĩa trang bị mất điện, xác tử sĩ bốc mùi, người dân tiếp tay với quân nhân và một ông chuẩn úy còn ở lại, cháu cũng có mặt, cùng nhau đào hố chôn chung đến mấy chục người vào chiếu ngày 30 táng 4 năm 1975. Một vài xác mà thân nhân nhận ra được, tự động vào kho lấy quan tài rồi đào huyệt chôn riêng. Rồi cháu vẫn ở cạnh mộ người chồng chưa cưới của cháu. Mọi người sống được trong nghĩa trang là nhờ vào gạo trong kho còn nhiều. Đến ngày 5 tháng 5 năm 1975 cháu mới về Sài Gòn. Năm ấy cháu 19 tuổi, người yêu của cháu 22 tuổi, vào quân đội 3 năm mà đã 4 lần bị thương, rồi chết.”
(trích Giao Chỉ, “Câu Chuyện Tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa”)

Người chị ấy rồi đã đi đâu, về đâu …

Có lần tôi viết cho một em, câu hát của Trịnh Công Sơn :

“Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu bao nhiêu người tình …”

Em ngây thơ hỏi, “Bộ chị có người yêu chết trận?”

Em nhỏ ơi, tôi không có đâu, nhưng bây giờ tôi mới khóc.

Phải chăng vì cái chết oan uổng của những người anh tôi, nỗi đau ngút ngàn của những người chị tôi vẫn kéo dài, kéo dài mãi, tới tận bây giờ, để rồi tiếp tục là biết bao em trai phải oằn lưng làm lao công nước ngoài, biết bao em gái phải đứng đường bán thân.

Làm sao tôi có thể hát hết bài?

“Tuổi xuân xanh ơi cho em muôn vàn ngày mai.”

Ôi, mai mỉa biết bao!

“Tuổi xuân xanh ơi cho em muôn vàn ngày mai”: Chiến sĩ VNCH trên tàu hải quân Mỹ, 1962. Nguồn: AP/Horst Faas
Chiến sĩ VNCH trên tàu hải quân Mỹ, 1962. Nguồn: AP/Horst Faas

Tôi không thể kể hết nổi những đoạn văn, đoạn thơ đã khiến tôi rơi lệ. Những câu chuyện tưởng chừng như đã qua rồi mà lại bùng lên như vết thương khô vỡ toác.

Tôi không thể kể hết tên những cuốn sách, những bài thơ các anh chị tôi – những người bị phê là “chống cộng đến chiều”, đã viết nên. Một quân đội anh hùng bị trói tay – “Những Con Cọp Cháy Móng” như tựa đề một tác phẩm của Uyên Thao.

Điều khiến tôi có thể lau nước mắt và mỉm cười?

Rất nhiều anh chị tôi vẫn không chùn bước. Chiến cuộc thay đổi, người đổi thay, nhưng họ không chùn bước.

Đó đã là cuộc chiến trong tù như Thiếu Tá Lê Bá Bình và các bạn:

Không giống như trận chiến thông thường mà hai đối thủ được vũ trang với các giới hạn về nhân lực và võ khí, giao tranh với nhau cho đến khi hết lính hay đạn dược và rồi rút lui; để tồn tại trong cái trại cải tạo này đòi hỏi những khả năng khác. Giao chiến trong các trại tù được chuyển sang một đấu trường hoàn toàn khác. Ngoài bọn cai ngục, kẻ thù mới bây giờ là thời gian và sự nghi ngờ, nỗi tuyệt vọng và cơn đói. Để dành chiến thắng, người lính phải biết nhẫn nhục, khắc phục sự nghi ngờ, dẹp bỏ sự tuyệt vọng và cơn đói. Phải thực hiện cho bằng được hay là chết. Mỗi ngày đều như vậy. Bọn Cộng Sản có thể nắm thân xác và kiểm soát dạ dày tù nhân, nhưng trái tim và tâm trí của họ không cần phải theo chúng. Cuộc chiến cứ thế tiếp diễn. Không đoạn kết.
(trích, “Cưỡi Ngọn Sấm II” – nguyên tác của Richard Botkin, “Ride The Thunder”, )

Và cuộc chiến của ngày hôm nay?

Có những người cả đời phục vụ đất nước, nay vẫn miệt mài đấu tranh, cách này, cách khác.

Những-con-cọp-cháy-móng với nỗ lực cuối đời!

An ơi, lau nước mắt đi thôi vì chiến cuộc vẫn đang tiếp diễn.

Và, đoạn kết vẫn đang chờ được viết.

Ngày cuối Năm 2015

Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh hoạ.