Nhà tù thời Pháp thuộc

Nguyễn Văn Lục

sonla1Nhận xét là họ có bản án tù hẳn hoi và thời gian bị giam tù trung bình là năm năm so với tù cải tạo sau này thì không có án tù, thời hạn thì vô chừng. Chỗ nào là nhà tù và chỗ nào thực sự là chốn lưu đầy?

Đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại một đoạn như sau dưới triều vua Lý Thánh Tông:

“Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cẩn mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc và lại có ngươi xét xử chưa xong gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là tương tâm.”(1)

Tôi đọc đoạn này và tự nhiên liên tưởng đến chế độ nhà tù thời Pháp cai trị Đông Dương và nhà tù cộng sản hiện nay.

Ngoài Lý Thánh Tông, các triều vua nước ta -qua các triều đại- họ bất đắc dĩ phải dùng dùng nhà tù như một nhục hình -trừ ra đối với tội phản động lại triều đình- để trừng phạt dân chúng.

Do ảnh hưởng Nho học, họ thường lấy lễ giáo để cai trị dân.

Minh Mạng tiếng là ác độc cũng muốn đi theo con đường của Lý Thánh Tông. Mặc dầu giặc giã thời Minh Mạng nổi lên tứ tung như giặc Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân. Ngoài ra, còn có đến 254 cuộc nổi dậy lớn nhỏ.

Vậy mà số tù phạm bị giam giữ cũng không không vượt quá con số ngàn người.

Trong khi chỉ tính từ sau 1975, con số tù nhân trong các trại cải tạo cũng vào khoảng 300.000 người.

Nhà tù thời Pháp thuộc

Mỗi chế độ thường có một tổ chức hình sự -từ tòa án đến nhà tù- để điều hành an ninh xã hội và nhất là nhằm kiểm soát con người.

Nhà tù cũng là biểu tượng cao nhất, phơi bầy trung thực bản chất một chế độ là dân chủ hay độc tài, là công bằng hay bất công, là tôn trọng hay vi phạm quyền con người.

Khi cách mạng 1789 bùng nổ thì ngục Bastille là biểu tượng thối nát của triều đình Louis XVI. Ngục Bastille bị phá mà thực sự chỉ giải thoát được 7 tù phạm giam giữ tại đó.

Dân chúng đã kéo đến Bastille và phá ngục.

Nhưng không phải chỉ có một ngục Bastille của cách mạng Pháp mà thôi. Khi người Pháp sang cai trị Việt Nam và chiếm Nam Kỳ vào năm 1862 thì cũng thiếp lập một chế độ nhà tù tương tự.

Một thứ Bastille của chế độ thuộc địa (The Colonial Bastille).

Xét về mặt lý tưởng, khó mà đòi hỏi có một nhà tù ‘tử tế’. Nhà tù không phải là nơi chốn nghỉ mát mà là nơi giam cầm. Người ta thường nói với nhau rằng: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại cơ mà.

Nhưng điều đó không có nghĩa là biến nhà tù thành chốn lưu đầy, nơi giam hãm con người!

Nói chung có thể nói chế độ nào thì nhà tù nấy.

Nhà tù là một cái xấu cần thiết không có không được. Nhưng nếu nó thực thi và bảo vệ pháp lý thì nhà tù được coi là một điều cần thiết.

Nhưng nếu nó chỉ là nơi giam hãm con người cho những mục đích hay tham vọng chính trị thì quả thực đó là chốn lưu đầy.

Người Pháp đi đến đâu cai trị thì thiết lập nhà tù ở đó để giam cầm những người chống đối. Vì có những cuộc nổi dạy như Phong trào Cần Vương mà nhà cầm quyền Pháp đã gọi họ là Giặc (Piracy). Sự xếp loại ấy cho thấy chủ tâm của người Pháp coi những nhà yêu nước chỉ là những thành phần phá hoại.

Theo tôi, Jules Ferry có thể là người đầu tiên dùng chữ này mà mục đích là để loại trử, hóa giải những người yêu nước, những sĩ phu nổi lên chống lại người Pháp và họ bị coi như giặc.(2)

Chữ giặc trở thành một từ bị chính trị hóa như sau này người ta dùng chữ Việt gian, chữ ngụy quân, ngụy quyền vậy.

Vì chỗ nào cũng có giặc nên nhà tù hầu như được dựng lên khắp các tỉnh thành từ trong Nam ra Bắc.

Người ta cũng thấy có một sự lũy tiến cân đối giữa các phong trào nổi dậy và sự phát tiển các nhà tù. Chỗ nào có nhiều phong trào nổi dậy như tại Bắc Kỳ và một phần phía Nam của Trung Kỳ thì có nhiều nhà tù hơn ở Nam Kỳ.

Đã có nhiều phong trào nổi dậy sau đó mà người ta thường dùng tên những người lãnh đạo để gọi họ như Trương Công Định, Trương Quyến, năm 1862-1868, Nguyễn Trung Trực, 1866-1868, Mai Xuân Thưởng, 1885-1888, Phan Đình Phùng 1885-1896, Hoàng Hoa Thám, 1885-1913 và Đinh Công Tráng, 1886-1892, v.v.

Nhìn vào các phong trào nổi dậy trên, người ta nhận thấy các phong trào nổi dậy không tồn tại lâu dài. Có khi vừa nhen nhúm hoạt động thì đã bị người Pháp phát giác ra kịp và bị người Pháp dẹp yên.

Nhưng dẹp xong cái này thì lại tiếp nối ngay một phong trào khác.

Nhưng giả dụ nếu cùng một lúc, các lãnh đạo các phong trào ấy cùng đứng chung trong một mặt trận chống Pháp thì cụ thể sẽ ra sao? Sức mạnh sẽ được nhân lên bao nhiêu lần và thật không dễ để người Pháp có thể dẹp yên.

Chính vì sự tách lẻ đó của các phong trào chống Pháp mà người Pháp chỉ coi họ như những kẻ cướp không hơn không kém.

Ngoài các phong trào nổi dậy mà kết quả là sự thất bại, có một hướng đi hoặc một giải pháp cho Việt Nam lúc bấy giờ là con đường canh tân xứ sở theo con đường Âu hóa như Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc,

Chỉ trong vòng 50 năm, Nhật trở thành một cường quốc kinh tế ở Châu Á và mở đầu trong chiến thắng lẫy lừng ở Port Arthur- 1904. Tôn Dật Tiên 1911 với chủ nghĩa Tam dân ở Tầu, Ấn độ với đảng Quốc Đại.(3)

Các nhà cách mạng Việt Nam cũng đã nhận thức ra điều này và đã xoay trục tính đường dài theo gương Nhật.

Tiêu biểu của sự xoay trục này là Phan Châu Trinh,

Con đường Đông Kinh Nghĩa Thục- rất tiếc không tồn tại được lâu- cùng lắm gây được tiếng vang- nhưng đã bị người Pháp hóa giải, ngăn chặn vào năm 1904.

Như tôi đã nhận xét ở trên, sự nổi đậy đi đôi với sự gia tăng các nhà tù, trại giam, bót cảnh sát

Tại các thành phố lớn, thường có những bót, những trại tạm giam giữ tù nhân để tra khảo, thẩm vấn tội phạm. Và ở đây tùy trường hợp, tù nhân có thể bị tra khảo đánh đập tàn nhẫn để lấy lời khai.

Tù nhân trước mặt cai tù có thể chỉ là tên X. vô danh như một con số. Nhưng đằng sau những con số là một quá khứ của một tên tuổi, một nhân vật.

Đối với người cai tù thì quá khứ chính là thực tại. Người ta giam cái quá khứ của một người tù mà không phải giam cái hiện tại.

Trại giam mở đầu cho chính sách thực dân Pháp ờ Sài Gòn là Bót Catinat, số 164 đường Tự Do, được xây dựng từ năm 1881. Đến 1905-1906 đây là trụ sở Recette locale (Thu thuế địa phương), và Receveur spécial (Thu ngân đặc biệt) từ năm 1907-1911, từ năm 1912 trở đi là “Trésor public” (Ngân khố, Kho bạc). Năm 1917, khi kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner, chính quyền thực dân Pháp cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát Trung tâm sử dụng công trình này. Do nằm trên đường Catinat nên người dân thường gọi hai cơ quan này là “Bót Catinat”. Và chỉ sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mới dùng cơ sở này làm Bộ Nội Vụ.

Số 164 đường Catinat: Từ trụ sở thu thuế địa phương (1905-06) đến bót Catina (1917-1954), rồi Bộ Nội Vụ VNCH (1954-1975). Nguồn: OntheNet/DCVOnline tổng hợp.
Số 164 đường Catinat: Từ trụ sở thu thuế địa phương (1905-06) đến bót Catina (1917-1954), rồi Bộ Nội Vụ VNCH (1954-1975). Nguồn: OntheNet/DCVOnline tổng hợp.

Nhưng nhà tù Khám Chí Hòa chỉ được Pháp xây dựng vào năm 1943. Nghĩa là 80 năm sau thời gian tiến hành chế độ thuộc địa.

Chúng ta cần quan tâm đến điều này.

Điều đó cho thấy công trinh xây cất nhà tù rất là chậm trễ so với các công trình xây dựng khác như Bưu Điện, Kho Bạc, Nhà thờ Đức Bà, v.v.

Điều này cho thấy sau khi đã chiếm Nam Kỳ, 19 năm sau người Pháp mới xây dựng Bót Catinat. Và 80 năm sau mới xây cất Khám Chí Hòa.

Khám Chí Hòa (1966). Nguồn: Ivan Bunn
Khám Chí Hòa (1966). Nguồn: Ivan Bunn

Nay thì cơ sở này, UBND TP HCM, từ 2013 đã đầu tư 7000 tỉ đồng, biến thành khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, v.v.(4)

Có một số nhà tù nổi tiếng như Hỏa Lò Hà Nội, Nhà tù Côn Sơn, Khám Lớn Sài Gòn, nhà tù Sơn La.

Nhà tù nổi tiếng thường do tính cách đối xử dã man của nó. Hồi còn trẻ ở ngoài Bắc, tôi thường nghe người ta đồn đoán một cách sợ hãi đến tên các nhà tù như trại tù Lý Bá Sơ, trại Đầm Đùn. Sự sợ hãi ấy đã gieo vào lòng một đứa trẻ một nỗi sợ hãi như một ám ảnh khôn nguôi.

Sau 1975 người ta nói đến trại Cổng Trời.

Tuy nhiên nhà tù nổi tiếng có khi chỉ vì những người khách vãng lai là những nhân vật nổi tiếng.

Chẳng hạn, nhà tù Sơn La sau này được nói đến nhiều, mặc dù việc thành lập nhà tù chỉ thực hiện vào tháng 10-1907.

Nhà tù Sơn La. Nguồn: Nguyên Tien Quang Blog
Nhà tù Sơn La. Nguồn: Nguyên Tien Quang Blog

Sơn La về mặt địa lý là một khu vực đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, ẩm thấp. Nước thì độc, mây mù giăng mắc ít khi thấy ánh sáng mặt trời. Quanh năm giá lạnh nhất là những tháng đông giá. Núi trùng trùng điệp điệp ít khi thấy bóng người. Thi thoảng vài bóng người sơn cước đi dọc triền núi.

Công việc là lao dịch khổ sai, ăn uống lại thiếu thốn với chế độ tù đầy hà khắc.

Và kể từ năm 1930, có nhiều cán bộ cộng sản bị đầy lên đây.

Nổi tiếng như các ‘đồng chí’ Nguyễn Lương Bằng, Phạm Quang Lịch, Đặng Việt Châu, Trường Chinh, Bùi Vũ Trụ, Khuất Duy Tiến, Lê Duẩn, Trịnh Đình Lan,… (5)

Họ đã tổ chức tuyệt thực đòi hỏi: Thực hiện chế độ tù chính trị- đòi phải được thuyên chuyển về đồng bằng -cải thiện chế độ ăn uống-phải cấp thuốc cho người đau ốm- không được đánh đập tù nhân và bắt làm việc nặng nhọc.

Những đòi hỏi ấy xem ra chính đáng.

Thời thực dân Pháp, ngoài các nhà tù được thiết lập trong nước, còn có ít ỏi những tù nhân bị đi đầy vì bị bắt ở Hồng Kông hay bên Tầu và từ đó bị đi đầy sang New Caledonia hay ra vùng Guyane thuộc Pháp ở Nam Mỹ.

Sở dĩ ngày nay, người ta còn biết được tên tuổi những người tù bị lưu đầy biệt xứ này vì người ta đã tìm thấy những ngôi mộ có tên người Việt chôn ở đây. Những mộ chí này được chôn cất đàng hoàng, xây bằng xi măng và có bia mộ ghi chi tiết tên tuổi.

Điều đó cũng cho thấy tính cách ‘nhân đạo’ và văn minh của người Pháp, vì ít ra người tù cũng được chôn cất hẳn hoi, có tên tuổi, có bia mộ mà con cháu sau này có thể chuyển cốt về Việt Nam.

Khi đưa ra những nhận xét về các nhà tù của thực dân Pháp, chúng ta không thể không lưu ý hai điểm:

– Tùy theo nội bộ chính trị nước Pháp mà chính sách ở các thuộc địa có thay đổi, co dãn. Chẳng hạn các thời kỳ có chiến tranh thế giới thứ nhất hay trong thời kỳ có chính phủ Bình Dân lên cầm quyền. Chính sách cai trị ở thuộc địa theo đó mà có co dãn, nới lỏng. Nhiều chính trị phạm đã được giảm án hoặc được tha trong thời kỳ này.

– Điều thứ hai chính sách thực dân của người Pháp nhằm hai mục tiêu: Họ vừa muốn khai thác các thuộc địa -nhất là khai thác các nguyên liệu như cao su, than đá- Người Pháp gọi cao su là vàng trắng (L’or blanc). Có 400 đồn điền cao su khai thác 10.500 mẫu đất và xử dụng 80.000 nhân công(6) lại vừa muốn khai hóa các nước kém mở mang như Việt, Mên, Lào.

Nhưng vừa muốn khai thác, vừa muốn khai hóa là hai phạm trù khó có thể cùng một lúc thực hiện được. Được đầu này thì hỏng đầu kia.

Chẳng hạn thời kỳ chính phủ bình dân lên cầm quyền- thì tù nhân được đối xử tử tế hơn.

Chính sách vừa khai thác nguyên liệu vừa muốn khai hóa con người tạo ra một chính sách thuộc địa lưỡng tính Ambiguous colonization từ năm 1858-1954. Nghĩa là tính cách hai mặt, lưỡng cực vừa muốn đô hộ lại vừa muốn khai hóa.

Đó cũng là ý tưởng then chốt chủ đề cho một số đặc biệt về Đông Dương đăng trên Tạp chí Geohistoire: Indochine-Un siècle de présence Francaise au Viet Nam, au Laos et au Cambodge – Đông Dương, một thế kỷ có mặt của người Pháp tại Viet Nam, Lào và Cambôt.

Trong đó, ông chủ bút Jean Luc Coatalem đã viết bài giới thiệu tựa đề: Le Rêve et le sabre. Giấc mộng và lưỡi gươm. Giấc mộng là muốn khai hóa, Lưỡi gươm là khai thác và bạo động.

Cuối cùng thì giấc mộng khai hóa đã phải nhường bước, phải dùng đến nòng súng để giải quyết cũng không xong.

Chính vì thế chính sách cai trị của người Pháp vừa có mặt tốt mà cũng có mặt tiêu cực.

Chế độ nhà tù thời Pháp cũng có hai mặt như vậy.

Sự đa dạng trong đường lối chính sách cai trị thể hiện dưới nhửng tình cảm giữa đôi bên có lúc ấm-lạnh, lúc cứng rắn-lúc mềm, lúc mặn-lúcnhạt, lúc cởi mở-lúc dè dặt xiết lại.

Không để ý đến những khía cạnh phức hợp ấy, sự phê phán chế độ nhà tù Pháp có thể thiên lệch, không chính xác.

Nhưng về lâu về dài, nhất là khi người Pháp đã về nước họ, sau gần 100 năm đô hộ Việt Nam, thì người ta chỉ còn thấy đẻ lại các công trình xây dựng, phát triển, nhất là ở một số đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Những đô thị choáng ngập ánh đèn điện này bắt người ta hồi tưởng đến vóc dáng của một nếp sống văn minh ngang tầm quốc tế.

Ngay từ những năm 1920 đã xuất hiện những nơi họp mặt dành cho giới thượng lưu ở Sài Gòn. Người ta có cảm tưởng đang sống cái không khí tỉnh lẻ nào đó của bên Pháp.

Khi người Mỹ đến miền Nam sau này thì khác hẳn, Mọi xây cất đều có tính tạm bợ, đáp ứng nhanh chóng cho nhu cầu thực tiễn nên mọi việc xây dựng cơ sở đều bằng vật liệu nhẹ. Họ ra đi thì chỉ chừng vài tháng sau, các nơi ấy bị tháo gỡ san bằng để trơ lại một mặt bằng của nó như cũ.

Đó là sự khác biệt căn bản giữa hai thời kỳ có mặt. Người Mỹ ra đi, sau chín năm 1964-1973, để lại dấu tích duy nhất là xa lộ Biên Hòa và cảng Cam Ranh mặc dầu họ đã đổ ra hàng tỉ tỉ đô-la vào chiến tranh tại đây.

Về cách xây dựng nhà tù của Pháp thì đã hẳn cũng theo một mẫu thức chung về cơ sở, về tổ chức, về an sinh và nhất là về an ninh. Nhà tù phải xây dựng làm sao để kiểm soát được tù nhân, để tù không thể trốn thoát được. Vì thế, nhà tù thường có những chấn song sắt để có thể nhìn vào bên trong một sà lim hoặc nhìn từ bên trên mỗi sà lim như trường hợp nhà tù Côn Sơn với cái tên nổi tiếng: Chuồng cọp. Những chấn song sắt của nhà tù làm người ta liên tưởng đến các chuồng cọp trong sở thú.

Nguồn/Source: LIFE Magazine, No 50, July 17, 1970. pages 26-7. Photos by Tom Harkin
Chuồng Cọp ở Côn Sơn. Nguồn/Source: LIFE Magazine, No 50, July 17, 1970. pages 26-7. Photos by Tom Harkin

Có điều cần ghi nhận từ chuồng cọp không phải là điều mới mẻ gì – không phải là độc quyền sáng chế của thời đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa mà có ngay từ thời Pháp thuộc. Ông Nguyễn Văn Nguyên ngay từ tháng 10- năm 1934, trên tờ báo La Lutte, trong 8 số liền đã viết: Regards sur Poulon Condore (Nhìn về Poulon Condore.) Trong đó gợi nơi nhiều người bằng cách tố cáo trước dư luận, đây là nơi giam cầm tàn bạo độc ác nhất.

Người ta ví nơi giam cầm này như ‘Monkey cages in a zoo’. Bởi vì trong các chuồng này được xây cất mỗi phòng 12 mét và rộng 8 mét để nhốt cùng lúc 40 người. Nhưng có khi con số bị nhốt lên đến 80 người. Chỉ có một cửa ra vào và bốn cửa sổ nên không đủ không khí. Cảnh ngột ngạt cộng với mùi xú uế ở hố cầu tiêu nên người nào cũng cởi trần trùng trục.(7)

Cấu trúc nhà tù là một chuyện.

Nhưng cái quan trọng là ý đồ của người xử dụng các trại tù. Hỏa Lò thời Pháp cai trị thì đã hẳn không giống với Hỏa Lò mà thi sĩ Nguyễn Chí Thiện từng có thời gian lưu trú tại đó.

Đời sống của tù nhân trong nhà tù của Pháp

Đời sống của tù nhân ở đâu cũng vậy chỉ có khổ mà không có sướng. Nên ít khổ đã là điều hạnh phúc rồi. Tuy nhiên, người ta vẫn phải chi phí ngay cả chi phí tối thiểu cho cuộc sống người tù.

Vì thế, trong nhiều trường hợp, để giảm bớt chi phí nhà tù, ngưới ta thường bắt tù nhân đi làm lao động. Việc làm lao động đôi khi tốt cho tù nhân vì họ được tự do ra ngoài thân xác được vận động thay vì ngồi một chỗ. Riêng tại Côn Sơn và một số trại tù của Pháp, các tù nhân thường được gửi đi làm thuê cho một số công ty. Các công ty này phải bảo đảm chuyện ăn uống, quần áo, nhà ở cho tù nhân.

Lý thuyết là như thế.

Nhưng các công ty này vì mục đích lợi nhuận đã bóc lột các tù nhân này.

Cụ thể họ có thể bắt làm đủ thứ nghề như ngư phủ, thợ mộc, thợ nề, nhà nông một cách bất đắc dĩ. Đã thế, tù nhân đã phải làm việc một cách thiếu thốn các dụng cụ, vật tư như trường hợp 150 tù nhân được gửi đi xây dựng một đài Hải Đăng tại Bãi Cảnh, cách Côn Sơn vài dặm, vào năm 1882. Chỉ sáu tuần lễ làm việc thì có cuộc nổi dậy chống lại một người Pháp tên là Dulong. Người Pháp này đã bắt tù nhân làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa rồi từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều, bất kể mưa nắng cũng như ngày chủ nhật.(8)

Sau này, nhà chức trách Pháp cho điều tra và phải nhìn nhận số tù nhân bị chết có gia tăng từ 54 người năm 1881 và 158 người năm 1882. Mặc dầu vậy, số tiền mà tù phạm đem về cho quản đốc nhà tù là 3.257 đồng so với số tiền phải chi phí cho các tù nhân là 21.235 – số tiền cần thiết để điều hành nhà tù Côn Đảo.(9)

Ấy là chúng ta chưa nói đến con số những tù nhân bị chết về bệnh tật do các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, kiết lỵ, v.v. mà con số cao nhất lên đến trên một ngàn người vào các năm 1931, 1932, 1933, 1934.

Các tù nhân ở Thái Nguyên thì bị cưỡng bách đi làm đường hoặc trong các hầm mỏ.

Tuy nhiên, khi xử dụng các tài liệu mà phần lớn do các cựu tù nhân chính trị phía cộng sản viết ra thì cũng cần dè dặt như một số các tài liệu của: Ban Nghiên cứu lịch sử đảng hoặc của các tác giả như Hải Triều, Bùi Công Trừng, Tôn Quang Phiệt. Nhất là ông Trần Huy Liệu đã viết khá nhiều sách như: Côn Lôn ký sự, Hà Nội 1991, Tình trong ngục tối, 1950, Trên đảo Hòn Câu, 1991, Từ tiếng suối reo, 1991.

Trong số những cuốn sách xưa cổ nhất viết về nhà tù Côn Đảo có thể là cuốn của Nguyễn Văn Nguyên: Poulo Condore: la terre des damnés, 1936

Về chuyện ăn uống cũng là vấn đề sống còn cho một trại tù.

Theo tiêu chuẩn chế độ nhà tù thời Pháp -trên nguyên tắc- tù nhân được ăn hai bữa một ngày và nhận được 750 grams gạo, vài grams muối, 60 grams rau đậu, 15 grams chè, 60 grams thịt, cá hay đậu phụ.

Dĩ nhiên lý thuyết là như thế, nhưng nhà thầu thường cung cấp một lượng thực phẩm hoặc ươn thối, cực kỳ dơ bẩn, có giòi bọ mà đến chó cũng không ăn được.

Như dưới mắt tác giả Nguyễn Văn Nguyên thì những bữa ăn được mô tả như sau:

“Moving to prison food, the author describes a typical meal of filthy rice served with fish that is so ‘rooten, stinking and full of maggots’ that even a dog wouldn’t eat it.”(10)

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng vào khoảng năm 1945, tôi thấy các tá điền làm ruộng ở quê tôi, mỗi ngày họ chỉ được ăn cơm với một vài quả cà và chan với nước lã.

Xem ra số phận người tù trong chế độ nhà tù của Pháp coi vậy có thể còn khá hơn người tá điền.

Một bộ mặt khác của nhà tù thời Pháp

Nhiều nhà tù trở thành nổi tiếng vì là nơi đã từng giam giữ những người yêu nước, những chính khách. Chẳng hạn Khám Lớn Sài Gòn (Maison centrale de Saigon), xây dựng 1886 từng là nơi giam giữ Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu. Nó cũng là nơi giam giữ các cán bộ cộng sản cựu trào như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Tạo và Phan Đăng Lưu, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Mai Chí Thọ.

Và nơi đây cũng là nơi một số cán bộ cộng sản bị hành quyết như Ngô Thêm, Trần Trương Công, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhà tù Hỏa Lò sau này nổi tiếng nhờ một số phi công Mỹ bị giam giữ tại đây, trong đó có Thượng Nghị Sĩ Mỹ John McCain hiện nay.

Nhà tù Hỏa Lò. Nguyen Nguyễn Tiên Quang Blog
Nhà tù Hỏa Lò. Nguyen Nguyễn Tiên Quang Blog

Nhà tù Thái Nguyên được biết tới nhiều vì có các cuộc nổi dậy chống đối chế độ lao tù ở đây.

Nhưng ngược lại, nhiều người đi tù sau này có uy tín chính trị cũng nhờ những ngày tháng ngồi tù.

Phan Khôi trong một bài viết nhan đề: “Cái tâm lý của người tù chính trị được tha”, đăng trong Đông Dương tạp chí, số tháng tư, 1937(11) có nhận xét hữu lý khi cho rằng những người đã từng đi tù chính trị là những thành phần ưu tú được kính nể nhất trong xã hội Việt Nam – hơn cả thành phần khoa bảng.

Người ta biết nhiều đến cụ Phan Chu Trinh không phải vì học vị mà vì cụ đã từng đi tù Côn Đảo. Người Pháp, như Bộ trường thuộc địa Marius Moutet, cũng kính nể cụ Phan.

Thay vì cương vị tiến sĩ, nay người ta gọi là chí sĩ.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi từ Côn Đảo về được một chủ thợ may tặng bộ đồ veste sang trọng. Nhượng Tống, tác giả Đời trong ngục ( Life in Prison), Hanoi 1935 cũng nhận được quà của những người ái mộ ông.

Sự kính nể những cựu tù nhân chính trị của Pháp thật dễ hiểu.

Điều đó chứng tỏ người dân uất hận người Pháp, đồng thời tôn vinh những tù nhân vốn là nạn nhân của chế độ nhà tù của Pháp.

Sau này, những người cán bộ cộng sản có thời gian đi tù, lúc được thả thì chứng chỉ đi tù là một thành tích cho việc thắng quan tiến chức.

Giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp, sở dĩ Lê Duẩn được chọn vai trò Tổng bí thư đảng một phần không nhỏ vì thành tích đi tù của ông.(12)

Điều đó cho thấy nó là hệ quả tất nhiên của chủ nghĩa lý lịch và truy nguyên thành phần giai cấp xã hội đến ba đời của cộng sản.

Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó.

Cộng sản chủ trương bạo lực khủng bố mang tính chất nhà nước (terreur d’état) đối với địch đã đành mà đối với ngay cán bộ cộng sản của họ.

Vì thế, sau 1975, Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức Trung Ương -quyền hành chỉ sau Lê Duẩn- tuyên bố, tại một Hội Nghị họp cán bộ chủ chốt họp ở Thủ Đức phát biểu:

“90% tù chính trị dưới thời Mỹ Ngụy đều có vấn đề.”

Các cựu kháng chiến đã bị loại ra khỏi quyền lực đảng một cách oan uổng. Họ đã lên tiếng ‘kiến nghị’ với đảng trong cuốn Bội Phản hay chân chính do Lê Chất chấp bút.

Trong đó có trường hợp Thiếu tá Đặng An bị cho về vườn sau đó đã chết trong oan ức. Ngay trường hợp Mười Hương, ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 5. Tháng 8-1983, trước ngày khai mạc đại hội, Lê Đức Thọ đã ra lệnh: bảo cho Mười Hương phải rút tên khỏi danh sách ứng cử Ban Chấp Hành đảng bộ Hà Nội.(13)

Một nhân chứng trong nhà tù thời Pháp: ÔngTrần Văn Giàu

Trong cuốn Hồi ký Trần Văn Giàu, ông có dành một số trang về ba lần ông bị giam tù tại Khám Lớn. Khám Lớn nằm ngay trung tâm thành phố Sài gòn giáp ranh với các đường Lê Thánh Tôn, Công Lý và Nguyễn Trung Trực sau này đã bị phá hủy và nay làThư viện Khoa Học Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh.

Nhà tù Khám Lớn chứa nổi 1000 tù nhân, bốn góc có bốn chòi canh. Toàn bộ các buồng đều có cửa song sắt để kiểm soát tù phạm. Nhà tù này nổi tiếng vì suốt trong 80 năm người Pháp cai trị, chưa a tù nhân nào có cơ hội trốn thoát khỏi nhà tù.

Cũng theo ông Trần Văn Giàu, dưới thời chính phủ Bình Dân bên Pháp, các chính trị phạm thời 1930 đã dần dần từng đợt hằng trăm, hàng ngàn tù nhân đã được thả hết.

Chế độ nhà tù Khám Lớn lúc bấy giờ tương đối dễ chịu, ông viết:

“ -Về thăm viếng: Mỗi tuần một lần và được bạn bè, gia đình tiếp tế đầy đủ quà bánh, báo chí để đọc.
– Trong nhà tù, tha hồ mở các lớp học chính trị cho các học viên hằng trăm người. Ông viết: Vô tù thành ra đi vào học trường chính trị. Trường học được mở liên tục mà khỏi phải mướn nhà, khỏi phải nuôi cơm, ‘kinh tế’  biết mấy. Khám Lớn góp phần đào tạo hằng trăm cán bộ cho các đoàn thể Cách mạng ở bên ngoài… Cơm nước xong, cửa Khám đóng lại thì lấy sách ra đọc. Sàn xi măng là bảng đen, gạch vụn là phấn; một số thầy chú dám bí mật đem giấy bút cho chúng tôi là lấy sách ra đọc.
– Ở biệt thự ba năm: Trong khám có làm thêm một Khám nhỏ mà ông Trần Văn Giàu gọi là biệt thự. Ông Giầu viết: Tôi ở biệt thự S ba năm cho đến hồi mãn tù. Ở biệt thự ‘S’ chúng tôi được mượn sách của thư viện Khám Lớn, cũng được đem một ít sách ở ngoài vào. Thêm một vài chục quyển, thậm chí đến cả trăm quyển nữa, ông Giàu có ‘đỏ’thêm đâu mà sợ. Không được dạy học, tôi quay ra tự học, tự học để giết thời giờ, tự học để lấp những chỗ trống về kiến thức, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thật sự là được nhiều.”

Đọc một vài đoạn trích dẩn của Trần Văn Giàu trong hồi ký của ông, người ta có cảm tưởng việc đi tù như việc đi tu thiền, ép xác một thời gian, được ăn uống đầy đủ, có đầy đủ sách vở báo chí để học hỏi và xem mỗi ngày.

Nhất là thời gian sau này ông bị giam ở trại tù Tà Lài, ông viết lại cảnh đi tù như một cuộc đi chơi Picnic vậy:

“Đường lên trại giam. Một đường đá nhỏ hẹp dắt đi đâu không biết, cỏ cây mọc tùm lum. Một thầy đội bảo: Đường vào camp đó, chúng ta nghỉ ăn sáng cái đã. Lính trải vài tờ nhật trình xuống cỏ, bày bánh mì, đồ hộp, bình toong nước, ai có phần nấy. Y như Hướng đạo sinh đi cắm trại mùa hè! Cứ quất no một bụng rồi xem ra sao.”

Sinh hoạt tổ chức trong trại Tà Lài

Theo Trần Văn Giàu,

“Phong cảnh Tà Lài khá hữu tình. Đồn bót của Tây, trại tranh của tù như giấu mình trong trong khu rừng mênh mông đầy muông thú, bên cạnh một con sông lớn, nước bao giờ cũng trong và đầy, sông Đồng Nai. Bên kia sông về hướng Tây, một dãy núi xanh biếc(…) Khoảng trên của con sông, dài không biết bao nhiêu kilômét, nước đầy, chảy nhẹ, nhiều cá tôm, có cá sấu; chiều chiều đội đốn tre của anh Phúc thả bè về, quần áo trên cổ, hát giọng chèo đò (…) Một hôm chủ nhật, tốt trời, chúng tôi xin phép tổ chức ‘thi lội’ ở khoảng sông này. Sếp Tây đồng ý (…) Nhiểu buổi chiêu biểu diễn của Minh vua bơi lội, cũng được toàn căng tán thưởng, nhiều thầy chú ra xem, đôi khi xếp Tây cũng ra xem. Minh bơi lội như cá và đẹp như khiêu vũ Ba Lê. Tôi, sếp cùng hàng chục anh em khác binh lính đứng gác trên chiếc phà cột ở bến.

Vui quá là vui.”(14)

Đọc đoạn văn này của nhà tù thời Pháp thuộc với Đường lên trại Cổng Trời (The Heaven Gate Prison), nhà tù cộng sản thì có khác gì giữa thiên đàng và địa ngục.

Những người cộng sản từng đi tù tại các nhà tù của thực dân Pháp đều lần lượt được thả về. Người nào cũng béo tốt, khỏe mạnh.

Tháng 7-1989 (kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp), Trần Văn Giàu được mời sang Pháp. Ảnh chụp trước cổng nhà tù La Roquette, nơi cậu học sinh Giàu bị giam năm 1930 trước khi bị trục xuất về nước (Ảnh N.N. Giao)
Tháng 7-1989 (kỷ niệm 200 năm cách mạng Pháp), Trần Văn Giàu được mời sang Pháp. Ảnh chụp trước cổng nhà tù La Roquette, nơi cậu học sinh Giàu bị giam năm 1930 trước khi bị trục xuất về nước (Ảnh N.N. Giao)

Nếu họ có dịp đọc đoạn văn hồi ký của Trần Văn Giàu họ có cảm thấy ngượng không?

Tôi nghỉ rằng có thể còn có cảnh đi tù nào thoải mái và dễ chịu hơn không? Sốt rét thì có kí ninh, uống nước thì có nước sông lọc bằng thuốc tím. Ở thì nhà tranh vách nứa tự làm, nhưng được phát mùng và phát chiếu.

Tây họ chỉ cốt được yên, bằng việc tách tụi tôi ra khỏi nhân dân, không cần được kết quả lao động khổ sai.(15)

Đó là những câu kết luận của giáo sư Trần Văn Giàu khi nói về những ngày đi tù của mình.

Phải chăng vì viết về cảnh tù như thế, rồi sau đó, Trần Văn Giàu đã trốn khỏi trại Tù Tà Lài mà sau này ông Trần Văn Giàu bị nghi là tay sai làm việc cho Pháp? Và hầu như phần lớn cuốn Hồi Ký của ông là bào chữa cho việc ông không bao giờ đã tiếp tay, cộng tác với Pháp?

Viết thật về cảnh tù, dưới thới Pháp cai trị trong thời gian ở Khám Lớn và trại tù Tà Lài trở thành mối nghi ngờ của người cộng sản mà cho đến lúc chết, ông không có cách nào giải oan được.

Nếu người ta chấp nhận những điều ông Trần Văn Giầu viết về thời gian ở tù Khám Lớn là đúng thì quả thực khó có chế độ nhà tù nào được thoải mái hơn tù dưới chế độ cai trị người Pháp chăng?

Tuy nhiên, người ta cũng không dễ dàng quên được một số tên tuổi lãnh đạo hàng đầu của đảng cộng sản đã chết trong tù như các ông Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ.

Vấn đề phải tìm hiểu xem là thái độ của các người đi tù trên có tỏ ra đối đầu hay chống đối với chính quyền Pháp hay không?

Trong khi đó những người khác như Trường Chinh bị bảy năm tù, 1930-1936, tại nhà tù Sơn La. Lê Duẩn, hai lần ngồi tù- một lần từ 1931-1936 và 1940-1945 tại Côn Đảo. Nguyễn Văn Linh cũng hai lần ở Côn Đảo, cộng chung là 10 năm 1930-1935, 1940-1945. Đỗ Mười năm năm tại nhà tù Hỏa Lò sau đó trốn ra được vào năm 1945.

Nhận xét là họ có bản án tù hẳn hoi và thời gian bị giam tù trung bình là năm năm so với tù cải tạo sau này thì không có án tù, thời hạn thì vô chừng.

Chỗ nào là nhà tù và chỗ nào thực sự là chốn lưu đầy?

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


(1) Đại Việt Sử Ký Toàn thư, tập 1, Hà Nội 1972, trang 284
(2) Pierre Brocheux (Author), Daniel Hémery (Author), Ly Lan Dill-Klein (Translator), Eric T. Jennings (Contributor), Nora Taylor (Contributor), “Indochina – An Ambiguous Colonization, 1858-1954”. Jules Ferry viết: “That piracy is in a way only an accident, and that it will only have a relatively short duration, is that it is not inspired by a feeling of patriotism and independence. The Annamese has almost no national spirit.” Trang 51.
(3) Lê Thành Khôi, “Histoire de L’Asie du Sud-Est”, trang 97
(4) Tuấn Thịnh, “Bót Catinat,đẫm hồn đau thương”, 25-10-2015
(5) Nhà tù Sơn La, Tra cứu di sản văn hóa đặc sắc. Trang Di sản Văn Hòa Việt Nam, http://dsvh.sonla.gov.vn/
(6) GEO HISTOIRE (Avril-Mai 2014) – L’INDOCHINE: Un siècle de presence francaise au Vietnam, au Laos et au Cambodge, trang 63.
(7) Peter Zinoman, “The Colonial Bastille, A History ò Imprisonment in Viet Nam”, 1862-1940, trang 253
(8) Peter Zinoman, Ibid., trang 89.
(9) PeterZinoma, Ibid., trang 89.
(10) Peter Zinoman, Ibid., trang 253.
(11) Peter Zinoman, Ibid., trang 292.