Chế độ tản quyền ở Đồng bằng sông Hồng trước thời nhà Hán cai trị

Le Minh Khai | Trà Mi dịch

linhnamNhững gì tôi đã nhận thức được là để hiểu về khu vực đồng bằng sông Hồng trong sách cổ Trung Quốc, người ta phải xét những tài liệu đó bằng quan điểm của một cuộc tranh luận lớn đã diễn ra trong thời nhà Hán, vì đây là khi những thông tin về khu vực đồng bằng sông Hồng đầu tiên đã được ghi lại trong các nguồn tài liệu của Trung Quốc.

Cuộc tranh luận đó về việc gì? Đó là cuộc tranh luận về sự tập trung kiểm soát [hay trung ương tập quyền].

Cho đến thời nhà Tần thành lập năm 221 trước dương lịch, việc kiểm soát chính trị trong thế giới của Trung Quốc dựa trên một trật tự phong kiến tản quyền. Tuy nhiên, nhà Tần đã tìm cách thay đổi điều này bằng cách thiết lập các quận và các huyện và cử thứ sử của triều đình đến cai trị những vùng đó.

Đây là [một tổ chức] mới và các thuật ngữ “quận và huyện” (郡 縣), đã được dùng để đề cập đến cách tổ chức mới này của chế độ trung ương tập quyền.

Vì nhà Tần chỉ cai trị cho đến 206 trước dương lịch, nên người ta không biết họ đã thành công đến mức độ nào trong việc tập quyền về trung ương cho đế chế của họ, nhưng điều này vẫn cho chúng ta thấy một mô hình mới cho giới cai trị sau này, và đặc biệt là giới cầm quyền đời nhà Hán

Nguồn: Stanford
Nguồn: Stanford

Có một cuốn sách rất hay bàn về vấn đề này của Michael Puett gọi là “The Ambivalence of Creation: Debates Concerning Innovation and Artifice in Early China” (Stanford, 2001) [Sự mâu thuẫn của Sáng tạo: cuộc tranh luận về đổi mới và kỹ xảo trong thời Trung Quốc cổ (Stanford, 2001)], trong đó ông nhìn vào nhiều cách thức mà các học giả trong thời đầu nhà Hán tranh luận về việc liệu nhà Hán có nên làm theo các mô hình của nhà Tần hoặc trở lại trật tự phong kiến tản quyền như trong quá khứ [trước nhà Tần].

Hầu hết đều ủng hộ trở lại trật tự cũ, nhưng cuối cùng nhà Hán đã đi theo hướng tập quyền, với cuộc chinh phục khu vực đồng bằng sông Hồng của Hán Vũ Đế và việc thành lập các quận và các huyện (theo kiểu nhà Tần) là một ví dụ hoàn hảo của khuynh hướng này.

Bản đồ các khu vực lẻ tẻ do nhà Tần chiếm được của các nhóm tộc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang) sau năm 210 TDL. Nguồn: Created and copyright (2006) by Yeu Ninje. Released under the GNU FDL. Originally uploaded to English Wikipedia by Yeu Ninje.
Bản đồ các khu vực lẻ tẻ do nhà Tần chiếm được của các nhóm tộc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang) sau năm 210 TDL. Nguồn: Created and copyright (2006) by Yeu Ninje. Released under the GNU FDL. Originally uploaded to English Wikipedia by Yeu Ninje.

Nhà Tần trước kia đã thành lập một quận ở cực nam trong đế chế của họ được gọi là Quận Xiang. Tuy vẫn chưa rõ nơi đó là đâu, tôi cho rằng nó có thể nằm trong khu vực của tỉnh Quảng Tây.

Lý do tại sao điều này có vẻ hợp lý bởi vì có một người tên là An Dương Vương, gần thời đó đã chinh phục được (ít nhất là một phần của) khu vực Đồng bằng sông Hồng, và khi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà, một viên quan từng chịu trách nhiệm cai quản phần cực nam của đế chế nhà Tần, đã chinh phục đất của An Dương Vương và tạo nên một vương quốc tự trị trong khu vực, và ông đã cai trị từ thủ đô Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay).

Khi tạo ra vương quốc này, Triệu Đà thành lập hai quận ở khu vực đồng bằng sông Hồng là Giao Chỉ (Jiaozhi) và Cửu Chân (Jiuzhen). Ông cũng đã gửi hai “sứ giả” (使者) để cai trị những hai quận này.

Cử hai người đi cầm quyền ở một khu vực chắc chắn không phải là cách “trung ương tập quyền” của chính phủ, nhưng sẽ nói sau về việc trực tiếp cai trị của môt chính phủ trung ương, sau khi Hán Vũ Đế đưa quân đến chinh phục khu vực, lập các quận và các huyện, rồi bổ nhiệm quan chức để cai trị những đơn vị hành chính đó.

Tuy vẫn nghi ngờ rằng nhà Hán có thể đặt quan cai trị ở tất cả các cấp chính quyền, nhưng họ đã có mặt ở cấp quận, và ít nhất có ở các huyện (không có bằng chứng hiện hữu ở vương quốc của Triệu Đà) những nơi có sự kết hợp cai trị của sứ giả Trung Quốc và quan chức địa phương.

Những quận dưới sự kiểm soát của nhà Hán (năm 190). Nguồn: wikipedia.org
Những quận dưới sự kiểm soát của nhà Hán (năm 190). Nguồn: wikipedia.org

Hiểu được hệ thống quận và huyện này là một điều mới lạ trong thời nhà Hán, và rằng trước khi có mô hình trung ương tập quyền, từ lâu đã là một thời kỳ mà thế giới của Trung Quốc theo một mô hình phong kiến tản quyền, và rồi đoạn văn nổi tiếng trong văn bản ở thế kỷ thứ sáu, Thủy kinh chú [水經注, Shuijing zhu], có thể được nhìn thấy dưới một nguồn sáng mới.

Đoạn văn này mô tả công khai khu vực đồng bằng sông Hồng trước thời mà An Dương Vương chinh phục nó vào giữa thế kỷ thứ ba trước dương lịch. Đoạn văn đó như sau:

“Trong quá khứ, trước khi Giao Chỉ có các quận và các huyện, đất có ruộng lạc. Những đồng ruộng này theo sự lên xuống của thủy triều, và do đó những người mở những cánh đồng để canh tác gọi là lạc dân. Lạc Vương và Lạc Hầu đã được bổ nhiệm để kiểm soát các quận và các huyện khác nhau. Nhiều trong số các huyện có Lạc tướng. Các Lạc tướng có triện bằng đồng buộc băng xanh.”

交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民。設雒王雒侯主諸郡縣。縣多為雒將。雒將銅印青綬。

[Giao chỉ tích vị hữu quận huyện chi thì,thổ địa hữu lạc điền, kì điền tòng triều thủy thượng hạ, dân khẩn thực kì điền,nhân danh vi lạc dân。 Thiết lạc vương lạc hầu chủ chư quận huyện。Huyện đa vi lạc tướng。 Lạc tướng đồng ấn thanh thụ。]

Nguồ: LMK's blog
Nguồ: LMK’s blog

Tôi đã suy nghĩ về đoạn văn này trong nhiều năm qua, bởi vì nó rất khó hiểu. Nó nói về một thời “trước khi Giao Chỉ có quận và huyện”, nhưng sau đó nó lại có người cai trị “các quận và các huyện khác nhau”. Và sau đó nó cũng sử dụng thuật ngữ từ trước nhà Tần về một trật tự chính trị phong kiến tản quyền như vương và hầu.

Trước đây tôi đã đọc “hữu quận huyện” ở đây có nghĩa là “dưới sự kiểm soát của Trung Quốc”. Cách đọc như vậy là có vấn đề, tuy nhiên, vì tất cả mọi thứ được mô tả bằng những thuật ngữ Trung Quốc – Vương, hầu, quận, huyện, v.v.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rằng sự phân biệt chính trị chính trong thế giới Trung Quốc lúc đó là giữa trung ương tập quyền (các quận và huyện) và một hệ thống phong kiến tản quyền (các vị vương và hầu), thì đoạn này có thể được hiểu là nó nói một cái gì khác, cụ thể là trước khi khu vực đồng bằng sông Hồng được cai trị bằng một chính quyền trung ương, nó đã đi theo một hệ thống cai trị phong kiến tản quyền.

Vì là thành trì lớn duy nhất ở trong khu vực, nó có vẻ hợp lý khi cho rằng Cổ Loa là nơi mà “vương” ở. Nhưng có phải chỉ có chỉ có một “vương” trong khu vực? Đoạn văn trên không nói rõ ràng về điều này. Nếu có nói gì khi nói “Lạc Vương và Lạc Hầu đã được bổ nhiệm để cai trị các quận và các huyện khác nhau”, thì nó có nghĩa rằng có nhiều “vương”. Đoạn văn trên chắc chắn không nói rằng chỉ có một “ông vua”.

Trong khi đọc đến đây có vẻ hợp lý với tôi, thì bạn lại có vấn đề về các vị vương và hầu cai trị các quận và huyện tại một thời kỳ trước khi có các quận và và các huyện…

Cuối cùng, có lẽ cách tốt nhất để đọc đoạn văn này là coi nó như là cách của một người Trung Quốc nào đó đã muốn nói rằng “trong quá khứ, khu vực này đã được cai trị một cách khác bây giờ.” Còn việc cai trị khác nhau như thế nào… thì đó là điều bí ẩn.

Tuy nhiên, khi mà người Việt còn viết về chủ đề này, họ thường cố gắng mô tả nó ít nhiều như là một cái gì đó giống như cách Trung Quốc cai trị (với một hoàng đế / vua và các quan, v.v.). Tôi không nghĩ rằng đó là những gì người này đã nói, và ông là người duy nhất đã để lại một “nhận xét” về giai đoạn đầu của lịch sử này.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Decentralized Control in the Red River Delta Prior to Han Dynasty Rule . Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 29 jan 16.