3 lý do cuộc Cách mạng Mỹ là một sai lầm

Dylan Matthews | Trần Giao Thuỷ

Chào mừng ngày Quốc khánh Mỹ!

George Washington băng qua sông Delaware, khiến thế giới tệ hơn trong tiến trình này. Emmanuel Leutze

Ngày 4 tháng 7 này, đừng do dự: nền độc lập của Mỹ năm 1776 là một sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta nên tiếc nuối vì đã rời Vương quốc Anh chứ không phải cổ vũ cho điều đó.

Tất nhiên, đánh giá sự khôn ngoan của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ có nghĩa là đối phó với những điều phản thực tế. Như bất kỳ sử gia nào cũng sẽ nói, đây là một việc rất lộn xộn. Rõ ràng là chúng ta không thể hoàn toàn đoán được nước Mỹ sẽ ra sao nếu ở lại với Đế quốc Anh lâu hơn, rồi giành độc lập một thế kỷ sau hoặc lâu hơn, cùng lúc với Canada.

Nhưng tôi tin tưởng một cách hợp lý rằng một thế giới mà cuộc cách mạng chưa bao giờ xảy ra sẽ tốt hơn thế giới chúng ta đang sống hiện nay, vì ba lý do chính: Chế độ nô lệ sẽ bị bãi bỏ sớm hơn, người bản địa Mỹ vẫn phải chịu đựng sự đàn áp tràn lan nhưng không bị diệt chủng do Andrew Jackson và những nhân vật lãnh đạo Mỹ khác đã thực hiện, và Mỹ sẽ có một hệ thống chính phủ đại nghị giúp việc hoạch định chính sách dễ dàng hơn và ít hiểm hoạ làm sụp đổ nền dân chủ.

Bãi bỏ chế độ nô lệ sẽ đến nhanh hơn nếu không có độc lập

Lý do chính khiến cuộc cách mạng là một sai lầm là Đế quốc Anh, rất có thể, đã xóa bỏ chế độ nô lệ sớm hơn Hoa Kỳ và ít đổ máu hơn.

Việc bãi bỏ ở hầu hết Đế quốc Anh diễn ra vào năm 1834, sau khi Đạo luật Bãi bỏ Chế độ nô lệ được phê chuẩn. Luật đó đó không áp dụng ở Ấn Độ, nhưng chế độ nô lệ ở đó đã bị cấm vào năm 1843. Ở Anh, chế độ nô lệ là bất hợp pháp ít nhất là từ năm 1772, sớm hơn nhiều chục năm so với Hoa Kỳ.

Chỉ riêng điều này là đủ để chống lại cuộc cách mạng. Chấm dứt chế độ nô lệ nhiều chục năm sớm hơn là một lợi ích nhân đạo to lớn gần như chắc chắn chiếm ưu thế so với bất kỳ lợi ích nào mang lại cho những người đi khai hoang nhờ có độc lập.

Lợi ích chính của cuộc cách mạng đối với những người đi khai hoang là nó mang lại nhiều quyền lực chính trị hơn cho thiểu số đàn ông da trắng của Mỹ. Đối với đại đa số người dân trong nước—phụ nữ, nô lệ, người Mỹ da đỏ—sự khác biệt giữa việc tước quyền công dân ở một nước Mỹ độc lập và việc tước quyền công dân ở một nước Mỹ thuộc địa do Anh kiểm soát là không đáng kể. Dù sao đi nữa chọn lựa thứ hai sẽ tốt hơn, vì ít nhất phụ nữ và người sắc tộc thiểu số sẽ không trở thành đối tượng để bị tước quyền. Từ vị trí thuận lợi của hầu hết mọi người trong nước, có ai quan tâm liệu những người đàn ông da trắng có phải chịu đựng những gì mà những người khác đã gánh chịu trong một thời gian dài hơn hay không, đặc biệt nếu họ làm như vậy có nghĩa là dân nô lệ có được cuộc sống tự do trong nhiều chục năm sớm hơn?

Đúng là nếu Mỹ ở lại, nước Anh sẽ thu được nhiều lợi ích hơn khi tiếp tục chế độ nô lệ so với khi không có thuộc địa là Mỹ. Nó kiểm soát một số vùng phụ thuộc có nền kinh tế nô lệ—đặc biệt là Jamaica và các đảo khác ở Tây Ấn—nhưng không có gì ở so với kích cỡ của Nam Mỹ. Thêm điều đó vào nhưng yếu tố khác sẽ khiến việc bãi bỏ nô lệ tốn kém hơn đáng kể.

Nhưng ảnh hưởng chính trị của khối miền Nam trong Đế quốc Anh sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của nó ở nước cộng hòa sơ khai của Mỹ. Có điều, miền Nam, giống như tất cả các lãnh thổ phụ thuộc khác của Anh, thiếu đại diện trong Quốc hội. Những tiểu bang miền Nam là thuộc địa, và lợi ích của họ đã bị chính phủ Anh giảm giá tương ứng. Nhưng miền Nam cũng chỉ là một phần nhỏ hơn trong nền kinh tế của Đế quốc Anh vào thời điểm đó so với khi là một phần của Mỹ. Vương quốc Anh ít bị thiệt hại hơn vì bãi bỏ chế độ nô lệ so với giới tinh hoa da trắng ở một nước Mỹ độc lập đã làm.

Những người làm cách mạng hiểu điều này. Thật vậy, mong muốn bảo tồn chế độ nô lệ đã giúp thúc đẩy sự ủng hộ của miền Nam đối với cuộc chiến. Năm 1775, sau khi chiến tranh bắt đầu ở Massachusetts, Bá tước Dunmore, khi đó là thống đốc tiểu bang Virginia, đã trả tự do cho nô lệ của quân nổi dậy nếu họ đến và chiến đấu vì chính nghĩa của Anh. Eric Herschthal, nghiên cứu sinh tiến sĩ lịch sử tại Columbia, lưu ý rằng tuyên bố đã đoàn kết những người Virginia da trắng đằng sau nỗ lực nổi dậy. Ông ấy trích lời Philip Fithian, người đang đi qua Virginia khi tuyên bố được đưa ra, nói rằng, “Cư dân của Thuộc địa này vô cùng cảnh giác trước Kế hoạch địa ngục này. Nó dường như thúc đẩy tất cả trong cuộc Cách mạng để chế ngự ông ta bằng bất kỳ Rủi ro nào.” Lòng tức giận trước sự giải phóng nô lệ của Dunmore sâu sắc đến mức Thomas Jefferson đã đưa nó vào như một lời phàn nàn trong bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Đúng vậy: bản tuyên bố có thể đã có đoạ “họ đang bắt  nô lệ của chúng tôi” như một lý do để giành độc lập.

Đối với những da trắng, chủ nhân nô lệ  ở miền Nam, Simon Schama viết trong Rough Crossings, lịch sử về lòng trung thành của người da đen trong cuộc Cách mạng, chiến tranh là “một cuộc cách mạng, trước hết và quan trọng nhất, được huy động để bảo vệ chế độ nô lệ.

Người nô lệ cũng hiểu rằng cơ hội họ được giải phóng dưới sự cai trị của Anh tốt hơn là trong một nước Mỹ độc lập. Trong suốt cuộc chiến, khoảng 100.000 nô lệ châu Phi đã trốn thoát, chết hoặc bị giết, và hàng chục ngàn người đã gia nhập quân đội Anh, nhiều hơn nhiều so với việc gia nhập quân cách mạng. “Cuộc đi tìm tự do của người Mỹ đen phần lớn gắn liền với việc chiến đấu cho người Anh — phe trong Chiến tranh giành độc lập đã mang lại tự do cho họ” như sử gia Gary Nash viết trong The Forgotten Fifth, cuốn sách lịch sử của ông về người Mỹ gốc Phi châu trong cuộc cách mạng. Cuối cuộc chiến, hàng ngàn người giúp đỡ người Anh đã được di tản đi sống đời tự do ở Nova Scotia, Jamaica và Anh.

Điều này không có nghĩa là động cơ thúc đẩy người Anh là vì muốn giúp người nô lệ; tất nhiên là không. Nhưng những người nô lệ Mỹ đã chọn một một bên trong cuộc cách mạng, bên của đế quốc Anh. Họ không phải là những kẻ ngốc. Họ biết rằng độc lập có nghĩa là có nhiều quyền lực hơn cho giai cấp chủ đồn điền đã bắt họ làm nô lệ và rằng chiến thắng của Anh mang lại triển vọng tự do lớn hơn nhiều.

Độc lập là điều không tốt cho người Mỹ bản địa

Bắt đầu với Tuyên bố năm 1763, chính quyền thuộc địa Anh đã đặt ra những giới hạn cứng rắn về việc di cư về phía tây của Hoa Kỳ. Động cơ không phải là vì lòng vị tha muốn người Mỹ da đỏ không bị đàn áp, khuất phục hay bất cứ điều gì; tuyên bố đó chỉ để tránh xung đột biên giới.

Nhưng đồng thời, chính sách này đã khiến những người Mỹ định cư ở miền Tây phẫn nộ, họ thất kinh nghĩ rằng người Anh dường như sẽ đứng về phía người da đỏ thay vì người da trắng. Ethan Schmidt viết trong Người Mỹ bản địa trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ:

“Chính phủ Anh vẫn sẵn sàng coi người Mỹ bản địa là thần dân của vương quốc, tương tự như những người khai hoang ở thuộc địa. “Người khai hoang ở thuộc địa Mỹ … không coi người da đỏ là đồng bào. Thay vào đó,người da trắng đi khai hoang coi người bản địa là chướng ngại vật cản đường họ thực hiện ước mơ làm chủ đất đai và giàu có nhờ buôn bán.” 

Ethan Schmidt

Quan điểm này phản ảnh trong Tuyên ngôn Độc lập, công kích Vua George III vì đã ủng hộ “Những người da đỏ man rợ tàn nhẫn.

Nền độc lập của Mỹ đã làm cho tuyên bố vô hiệu ở đây. Nó không vô hiệu ở Canada — thực sự, ở đó, tuyên bố năm 1763 được coi là một tài liệu căn bản để những bộ lạc của First Nations có quyền tự trị. Nó được đề cập rõ ràng trong Hiến chương về Nhân Quyền và Tự do của Canada (Đạo luật Nhân Quyền của Canada), bảo vệ “bất kỳ quyền hoặc tự do nào đã được công nhận trong Tuyên bố Hoàng gia ngày 7 tháng 10 năm 1763” cho tất cả người dân bản địa. Sử gia Colin Calloway viết trong The Scratch of a Pen: 1763 and the Transformation of North America rằng tuyên bố 1763 “vẫn tạo cơ sở cho những giao dịch giữa chính phủ Canada với những Quốc gia đầu tiên (First Nations) của Canada.”

Và, không có gì đáng ngạc nhiên, Canada không có chiến tranh lớn và những cuộc di cư di sâu rộng của người bản địa như đã xảy ra ở Mỹ. Họ vẫn phạm những tội ác khủng khiếp không thể bào chữa được. Canada, dưới sự cai trị của Anh và sau đó, đã ngược đãi thổ dân một cách tàn nhẫn, đặc biệt là do nạn đói do chính phủ gây ra và việc nhà nước bắt trẻ em bạn địa rời khỏi gia đình một cách bất nhân để bắt chúng đi học (ngôn ngữ và văn hoá Anh) tại những trường nội trú. Nhưng Canada  đã không có một một cuộc bành trướng về phía tây đầy bạo lực và chết chóc như chính phủ Hoa Kỳ và những người định cư theo đuổi. Nếu không có cuộc cách mạng, nước Anh có lẽ đã chuyển đến vùng đất của người da đỏ. Nhưng sẽ có ít người chết hơn.

Robert Lindneux

Những luận điểm này không nhằm mục đích giảm khinh độ phạm tội của người Anh và người Canada đối với người dân bản địa. “Đó là một trường hợp khó biện hộ vì mặc dù tôi nghĩ rằng cách đối xử của Canada với người bản địa tốt hơn Hoa Kỳ, nhưng điều đó vẫn thật tồi tệ” như nhà tiểu luận người Canada Jeet Heer viết cho tôi trong một email (Heer cũng đã viết một luận văn tuyệt vời chống lại Sự độc lập của nước Mỹ).

“Về mặt tích cực ở Canada: không có cuộc diệt chủng nào như đã thấy ở Trail of Tears (ngoài trừ sự đàn áp thổ dân Beothuks of Newfoundland vào hậu bán thế kỷ 18 đầu thể kỷ 19). Thống kê dân số cho biết: 1,4 triệu người gốc thổ dân ở Canada so với 5,2 triệu ở Hoa Kỳ. Thực tế là nước Mỹ có môi trường đễ sinh tồn hơn nhiều và có dân số không phải thổ dân gấp 10 lần, điều đó nói lên đã rọi sánh lịch sử tàn nhẫn với người bản địa ở Mỹ.” 

Jeet Heer

Độc lập cũng cho phép giành lãnh thổ ở phương Tây bằng việc mua đứt Louisiana và Chiến tranh Mỹ-Mexico. Những hành động và quyết định đó đảm bảo thương hiệu chủ nghĩa thực dân đặc biệt tham lam của Mỹ đã gài bẫy bắt thêm nhiều người bản địa. Và trong khi Mexico và Pháp không phải là thiên thần, những gì Mỹ mang lại còn tồi tệ hơn cho dân bản địa. Trước chiến tranh, người Apache và Comanche thường xuyên có những cuộc xung đột đầy bạo lực với chính phủ Mexico. Nhưng họ là công dân Mexico. Hoa Kỳ đã không để họ trở thành công dân Mỹ suốt trong một thế kỷ. Và sau đó, tất nhiên, nó dồn họ vào những khu riêng biệt một cách thô bạo, giết chết nhiều thổ dân trong tiến trình này.

Người Mỹ bản địa, rất có thể, vẫn phải đối diện với bạo lực và áp bức nếu không có nền độc lập của Mỹ, giống như những người thuộc những Quốc gia đầu tiên ở Canada đã phải gánh chịu. Nhưng cuộc thanh lọc sắc tộc như ở khắp nước Mỹ đã không xảy ra ở Canada. Và giống như nô lệ của Mỹ, thổ dân Mỹ biết điều này. Hầu hết các bộ lạc đứng về phía người Anh hoặc giữ thái độ trung lập; chỉ một thiểu số nhỏ ủng hộ quân cách mạng. Nói chung, khi một lý tưởng bị hai nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội phản đối, đó có thể là một ý tưởng rất tồi. Nó cũng như vậy đối với lý tưởng độc lập của Mỹ.

Nước Mỹ sẽ có một hệ thống chính phủ tốt hơn nếu chúng ta ở lại với Anh

Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chỉ riêng việc bãi bỏ chế độ nô lệ sớm hơn đã đủ lý do để chống lại cuộc cách mạng, và nó kết hợp với việc đối xử ít kinh khủng hơn với người Mỹ bản địa là quá đủ. Nhưng cũng đáng để dành một giây để ca ngợi một hậu quả ít quan trọng hơn nhưng vẫn có ý nghĩa của việc Hoa Kỳ gắn bó với Anh: chúng ta rất có thể sẽ trở thành một nền dân chủ đại nghị hơn là sống  trong nền dân chủ tổng thống chế.

Và các nền dân chủ đại nghị tốt hơn rất nhiều so với các nền dân chủ tổng thống. Chúng ít có khả năng sụp đổ, trở thành chế độ độc tài hơn đáng kể vì, chẳng hạn, chúng không dẫn đến những xung đột không thể giải quyết giữa tổng thống và cơ quan lập pháp. Nền dân chủ đại nghị dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ít hơn nhiều.

Ở Mỹ, giới hoạt động muốn định giá lượng khí thải carbon đã mất nhiều năm cố gắng thành lập một liên minh để biến điều đó thành hiện thực, huy động các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đồng cảm và cố gắng tạo ra liên minh lưỡng đảng — và họ vẫn không thanh công trong việc ban hành luật “cap và trade”– một hệ thống giới hạn và đổi lượng khí được phép thải vào khí quyển, có thể được dùng để ước tính độ giảm trong sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu — sau khi tốn hàng triệu đô la và giờ làm việc. Tại Vương quốc Anh, chính phủ Bảo thủ đã quyết định muốn có thuế carbon. Vì vậy, đã có thuế carbon và ngành khai thác than đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cứ như vậy. Hộ thông qua những đạo luật lớn, cần thiết — trong trường hợp này, luật thực sự cần thiết để cứu trái đất duy nhất — nền dân chủ đại nghị dễ dàng hơn rất nhiều so với việc ban hành luật pháp trong một hệ thống tổng thống.

Tất nhiên là có những trường hợp ngoại lệ — bạn chỉ cần nhìn vào những năm  Theresa May vất vả đưa ra một chính sách Brexit để thỏa mãn đảng của bà ấy. Nhưng điều đáng chú ý là sự thất bại đó bắt đầu từ sự chệch hướng khỏi chính phủ đại nghị, khi David Cameron quyết định đặt vấn đề rời Liên minh châu Âu với cử tri. Chính sự ra đời của một thực thể ra quyết định không cần thiết khác, rất phổ biến trong hệ thống nặng về quyền phủ quyết của Hoa Kỳ, đã tạo ra cuộc khủng hoảng ngay từ đầu.

Đây không phải là vấn đề tầm thường. Việc thông qua luật hiệu quả có những hậu quả nhân đạo to lớn. Nó làm cho các biện pháp có tầm quan trọng toàn cầu, như thuế carbon, dễ dàng được thông qua hơn; tất nhiên, chúng vẫn phải đối phó với sự phản kháng chính trị — xét cho cùng thì thuế của Úc đã bị bãi bỏ — nhưng chúng có thể được ban hành ngay từ đầu, điều này khó hơn nhiều trong hệ thống của Hoa Kỳ. Và hiệu quả của các hệ thống dân chủ đại nghị cho phép những chương trình phúc lợi xã hội lớn hơn giúp giảm bất bình đẳng và cải thiện cuộc sống cho người dân nghèo. Chi tiêu của chính phủ ở các quốc gia có chế độ đại nghị cao hơn khoảng 5% GDP, sau khi kiểm soát các yếu tố khác, so với ở các quốc gia có chế độ tổng thống.

Nếu tin vào sự phân phối công bằng tài sản thì đó thực sự là hệ thống hữu ích.

Hệ thống Westminister của nền dân chủ đại nghị cũng có lợi thế vì có một thượng viện yếu hơn nền dân chủ tổng thống chế. Hoa Kỳ có một Thượng viện trao cho Wyoming quyền lực tương đương với California, nơi có dân số gấp hơn 66 lần. Tệ hơn nữa, Thượng viện có quyền lực ngang bằng với hạ viện, có nhiều đại diện dân cử hơn. Hầu hết các quốc gia theo hệ thống của Anh đều có thượng viện — chỉ New Zealand đủ khôn ngoan để bãi bỏ nó — nhưng chúng yếu hơn rất nhiều so với hạ viện của họ. Thượng viện Canada và của Anh chỉ ảnh hưởng đến luật pháp trong những trường hợp hiếm hoi. Nhiều nhất, họ có thể đình trệ tiến trình lập pháp một chút hoặc buộc phải thực hiện một vài điều chỉnh nhỏ. Họ không có khả năng cản trở gần với mức độ của Thượng viện Hoa Kỳ.

Cựu Toàn quyền Canada Michaëlle Jean. Sophia Paris/MINUSTAH qua Getty Images

Cuối cùng, chúng ta vẫn có thể là một chế độ quân chủ, dưới sự cai trị của Elizabeth II, và chế độ quân chủ lập hiến là hệ thống chính phủ tốt nhất mà nhân loại từng biết. Nói chung, trong hệ thống đại nghị nghị viện, bạn cần một nguyên thủ quốc gia không phải là thủ tướng để làm trọng tài vô tư khi có tranh chấp về cách thức thành lập chính phủ — chẳng hạn, liệu đảng lớn nhất có được phép thành lập chish phủ thiểu số hay không hoặc liệu các đảng nhỏ hơn có được phép thành lập chính phủ liên hiệp hay không, điển hình là một ví dụ gần đây  Canada. Nguyên thủ quốc gia đó thường là một quốc trưởng do quốc hội bầu ra (như ở Đức, Ý) hoặc do dân cử (như ở Ireland, Phần Lan), hoặc một quốc vương. Và các vị vua thì tốt hơn.

Vua hay Nữ hoàng có hiệu quả hơn những tổng thống chính vì họ không có bất kỳ bề ngoài hợp pháp nào. Nó sẽ gây khó chịu cho toàn dân nếu Nữ hoàng Elizabeth, vua Charles hoặc các đại diện của hoàng gia ở Canada, New Zealand, v.v. can thiệp vào sinh hoạt chính trị trong nước. Thật vậy, khi toàn quyền Úc làm như vậy vào năm 1975, nó đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp, cho thấy rõ ràng những hành động như vậy sẽ không được dung thứ, khoan nhượng. Nhưng những quốc trưởng  có một số mức độ hợp pháp dân chủ và thường là những cựu chính khách. Điều đó tạo điều kiện cho một tỷ lệ lớn hơn của những trò tai quái — như khi Tổng thống Ý Giorgio Napolitano đã rhanh công khi lập kế hoạch để truất phế Silvio Berlusconi khỏi chức vụ thủ tướng ít nhất một phần là do Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu làm như vậy.

Napolitano là quy luật chứ không phải ngoại lệ. Giới khoa học chính trị của Đại học Oxford Petra Schleiter và Edward Morgan-Jones đã nhận thấy rằng những quốc trưởng, dù được quốc hội bầu gián tiếp hay do người dân trực tiếp cử, đều có thể cho phép thay đổi chính phủ mà không cần bầu cử mới hơn so với những vị quốc vương hay nữ hoàng. Nói cách khác, họ có khuynh hướng thay đổi chính phủ mà không cần bất kỳ ý kiến dân chủ nào. Chế độ quân chủ, nghịch lý thay, lại là lựa chọn dân chủ hơn.

Tác giả | Dylan Matthews là phóng viên trưởng và là người viết chính cho mục Future Perfect của Vox và đã làm việc tại Vox từ năm 2014. Ông đặc biệt quan tâm đến sức khỏe toàn cầu và phòng ngùa đại dịch, nỗ lực chống đói nghèo, lý thuyết và chính sách kinh tế, cũng như những xung đột về cách đúng đắn để làm việc từ thiện.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 3 reasons the American Revolution was a mistake | Dylan Matthews | Vox | Jul 3, 2019