Trung Quốc sẽ phải theo luật chơi nếu muốn tham gia TPP
Paul Koring (The Globe and Mail) | DCVOnline dịch
Như Anh và Nga, đã là những cường quốc vĩ đại của thế kỷ 19, giành ảnh hưởng ở vùng Trung Á, và thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới từ trước đến nay – Đối tác xuyên Thái Bình Dương, có lẽ sẽ được hoàn tất trong tuần này ở Maui – đều là hành vi chiến lược toàn diện.
Khối đối tác thương mại lớn nhất thế giới – Trò chơi Lớn vào buổi bình minh của thế kỷ 21.
Vấn đề là liệu Hoa Kỳ hay Trung Quốc sẽ trỗi dậy là sức mạnh chính ở Thái Bình Dương và hai nước đó là đối thủ xây dựng hay kẻ thù.
Bộ trưởng Ngoại giao Kasiviswanathan Shanmugam của Singapore nói thẳng thừng. “Thương mại là chiến lược và bạn hoặc ở trong hoặc đứng bên ngoài.” Ông nói với Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington vào tháng trước rằng sự lựa chọn cho Hoa Kỳ quá rõ ràng.
“Nếu bạn không kết thúc được thỏa thuận này … đòn bẩy duy nhất của bạn để tạo hình cho kiến trúc, gây ảnh hưởng đến các sự kiện, là Hạm đội Bẩy và đó không phải là đòn bẩy bạn muốn sử dụng.”
TPP sẽ tạo ra một khối 12 quốc gia gồm cả năm quốc gia ở châu Mỹ (Canada, Mỹ, Chile, Mexico, Peru); năm nước ở châu Á (Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam); Australia và New Zealand.
Nhật Bản, là quốc gia lớn nhất ở phía châu Á, cũng nhìn hiệp định thương mại này ở góc địa chính trị. Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật nói, “TPP vượt xa lợi ích chỉ là kinh tế. Nó cũng liên quan đến an ninh của chúng tôi.” Đối phó với một Trung Quốc đang phát triển vẫn là thách thức an ninh lớn nhất của Nhật Bản. Để Trung Quốc đứng ngoài nhìn vào cũng có mục đích chiến lược. Trước đó, vào mùa xuân 2015, ông Abe đã tuyên bố tại Washington,
“TPP phải là một mô hình cho Trung Quốc ở chỗ nó là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm tạo ra một khu vực kinh tế mới, trong đó người, hàng hoá và tiền sẽ chảy tự do trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Ðây là một vùng kinh tế mới của tự do, dân chủ, những quyền cơ bản của con người và chế độ pháp trị.”
Thông điệp rất đơn giản. Nếu cộng sản Trung Quốc, hiện đang có nền kinh tế lớn nhất thế giới, muốn chơi trong liên minh thương mại tự do lớn nhất thế giới mà các quy tắc chơi đang được viết ra mà họ không có mặt. Nhập cuộc sau này sẽ có nghĩa là chấp nhận luật chơi như nó đã được chơi.
Tổng thống Barack Obama, bất kể sự mất tinh thần của nhiều đảng viên đảng Dân chủ, những người lo ngại sẽ nghe thấy “tiếng hút vĩ đại” vì việc làm của Mỹ bị các địa điểm có mức lương thấp hút đi như nhiều người đã đoán là sẽ xẩy ra khi Mỹ ký kết Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cũng tô màu địa chiến lược cho TPP. Tổng thốn Mỹ Onama nói thêm,
“Nếu chúng ta không viết các quy tắc thương mại tự do trên toàn thế giới, đoán coi, Trung Quốc sẽ viết. Và họ sẽ viết những quy tắc để giữ cho công nhân và các doanh nghiệp Trung Quốc được thế thượng phong.”
Không ai trong chính quyền Obama nói một cách rõ ràng, “kiềm chế Trung Quốc”, ít nhất là không thành tiếng.
Nhưng TPP là một phần của một sự thay đổi chiến lược ba mũi nhọn về chính trị, kinh tế và quân sự. Nó gồm có chính sách “xoay trục” của ông Obama tới Thái Bình Dương, trong đó có việc chuyển quân Mỹ và tàu chiến tới khu vực; hiệp định an ninh chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines; và sự khẳng định “tự do hàng hải” ở vùng biển miền Nam và miền Đông Trung Quốc đang có tranh chấp mà Bắc Kinh đang chủ trương lấy thịt đè người đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Hôm thứ Tư, Jeffrey Bader, một cựu cố vấn cao cấp cho Tổng thống Obama, và David Dollar, một chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung, đã viết:
“Chính sách ‘tái cân bằng’ hướng tới châu Á của chính quyền Obama đã được thiết kế nhằm đạt được hai mục tiêu: để Mỹ vào sâu hơn trong khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, và để tránh việc Trung Quốc vào lấp đầy khoảng chân không trong khu vực khi nước này tiếp tục phát triển.”.
Cả hai, Jeffrey Bader và David Dollar, hiện nay làm việc với Viện Brookings, một thinktank tại Washington. Họ nói thêm, “Để gây ấn tượng với một khu vực coi trọng việc tăng trưởng kinh tế và sự cởi mở, quyền lợi của Mỹ trong TPP rất cao đối với chính quyền Hoa Kỳ.”
Nó dường như đang có kết quả. Ngay cả trước khi hiệp ước TPP được ký kết, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan đã lên tiếng muốn tham gia.
Hầu hết các quốc gia châu Á trong khối TPP hy vọng Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ tìm cách nhập cuộc. Nếu vậy, Bắc Kinh sẽ phải đối diện với thực tế gia nhập một cuộc chơi mà quy luật đã có sẵn.
Trong khi đó, chính quyền Obama, hiểu rất rõ sự chấp nhận TPP của các nước chính ở châu Á là điều cần thiết. Và những quốc gia đó – là những nước sẽ mất nhiều nhất nếu Trung Quốc thống trị khu vực bằng luật lệ mà Bắc Kinh có thể áp đặt – đã dọn đường không còn chướng ngại vật.
Hồi đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ nâng thứ hạng về nạn buôn người của Malaysia lên một cấp khiến các nhóm nhân quyền đã lên tiếng phản đối. Tổ chức Human Rights Watch cảnh báo, “Việc nâng cấp này là vì TPP và nền chính trị thương mại của Mỹ hơn bất cứ điều gì Malaysia đã làm để chống lại nạn buôn người.”
Nhưng Malaysia, cùng với Việt Nam và Brunei, là những quốc gia quan trọng có quyền lợi tại Biển Đông và lại sợ hãi Bắc Kinh. Cả ba đều nằm trong số 12 quốc gia trong Đối tác thương mại TPP.
Đối thủ của Hiệp định Thương mại tại Mỹ lên án động thái chính trị của Bộ Ngoại giao là hành vi thô thiển. Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn Lao động Mỹ, AFL-CIO, Richard Trumka cho biết chính quyền của Tổng thống Obama
“nâng cấp nghịch lý một quốc gia nơi mà lao động cưỡng bức, buôn người và bóc lột vẫn còn đầy rẫy, làm hại uy tín của những hứa hẹn về quyền lao động, quyền con người và chống tham nhũng trong giao dịch thương mại.”
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China will have to play by TPP rules to join world’s biggest free-trade league. PAUL KORING — The Globe and Mail, Wednesday, Jul. 29, 2015.